Cơ chế tạo ra tiếng cười của mảng ca dao hài hước

20170821. Chim sao

1. Đặt vấn đề

1.1. Cơ chế được hiểu là phương thức, điều kiện để từ đó tạo nên một kết quả. Ở đây, là phương thức, điều kiện để tạo ra cái cười. Cơ chế tạo ra tiếng cười trong văn học nói chung đã được nhiều người đề cập; khái lược, thì đó là mâu thuẫn giữa cái xấu và cái đẹp (Aristote), giữa cái cao thượng và cái nhỏ nhen (Kant), giữa hình tượng và ý niệm (Hegen), giữa cái máy móc và sự linh động (Berson)...

Riêng cơ chế tạo tiếng cười của mảng ca dao hài hước cũng được một vài tác giả chú ý. Đào Thản, trong cuốn Ca dao hài hước, viết: “Những cái tức cười, những điều đáng cười, trong thực tế bao gồm trong ba loại yếu tố: a) Những sự trái ngược, tương phản, trái lô gich, oái oăm, trớ trêu của các sự việc, hiện tượng trong tự nhiên và xã hội có liên quan đến con người; b) Những sự méo mó, lệch lạc và những sự nhầm lẫn, chồng chéo vô lý trong các mối quan hệ, trật tự đã có; c) Những biểu hiện của sự khờ khạo, ngây ngô, ngốc nghếch của con người. Cả ba loại yếu tố đều có nguyên nhân khách quan hoặc chủ quan của nó và có thể từ các mức độ nhẹ, bình thường đến quá quắt, cực đoan hoặc dẫn đến sự bất thường, lố bịch” [1, 12-13].

Phạm Thị Hằng, trong bài viết “Thủ pháp gây cười của ca dao cổ truyền người Việt bằng cách tạo dựng mâu thuẫn” [3], đã cho việc tạo dựng mâu thuẫn là thủ pháp quan trọng nhất để tạo nên cái cười. Theo tác giả, có các loại mâu thuẫn được tạo sau (lược ghi): a) Mâu thuẫn trái với truyền thống đạo lý của dân tộc; thí dụ: “Mẹ ơi con ngứa nghề thay; Cha tổ bố mày, cũng giống tính tao”; b) Mâu thuẫn trái với logic thông thường; thí dụ: “ Bác gì, bác xác, bác xơ; Bác chết bao giờ, bác chả bảo tôi”; c) Mâu thuẫn qua nói ngược giữa mục đích phát ngôn với lời nói; thí dụ: “Tay chân nhi nhí bắp cày; Cái lưng thắt đáy cũng tày voi nan” [3, 90-93].

Trong một bài viết có tính chất tóm lược quá trình tìm hiểu “Cái cười trong ca dao người Việt” [4], về mặt cơ chế tạo ra tiếng cười, Phạm Thị Hằng viết (sau khi bàn xong về nội dung, ý nghĩa của cái cười): “Bên cạnh những giá trị về nội dung, nghệ thuật tạo dựng cái cười trong ca dao cổ truyền cũng là một đóng góp không nhỏ cho nền văn học dân tộc. Nó thực sự là kho báu của người Việt, là vốn nghệ thuật phong phú cho các tác gia mọi thời đại. Những yếu tố nghệ thuật trong tạo dựng mâu thuẫn (461 bài, chiếm 36,68%) như tạo mâu thuẫn trái với truyền thống đạo lý dân tộc, trái với tư duy logic thông thường, nói ngược giữa mục đích phát ngôn với lời nói; những biện pháp kết cấu tương phản đối lập, kết thúc đột ngột (164 bài, 13,12%); các yếu tố về ngôn ngữ (402 bài, 33,16%) như từ địa phương, đồng âm khác nghĩa, ngôn ngữ mộc mạc, đời thường nhưng không kém phần độc đáo, những yếu tố cường điệu, phóng đại, so sánh... đều đã được chắt lọc để tạo nên những giá trị biểu đạt nhất cho cái cười. 1.250 bài ca dao cười cổ truyền là sự đan xen của rất nhiều thủ pháp nghệ thuật khác nhau trong mỗi bài và chính nó đã góp phần tạo nên những giá trị thẩm mỹ đặc sắc cho ca dao người Việt” [4, 630-631].

1.2. Cơ chế tạo ra tiếng cười là điều chủ chốt, không thể bỏ qua, khi tìm hiểu về mảng ca dao hài hước (cũng như khi tìm hiểu về truyện cười, tuồng hài...). Nhưng đây lại là vấn đề chưa dễ có được sự thống nhất ở các nhà nghiên cứu. Chẳng hạn, các loại mâu thuẫn đã nêu không chỉ tạo nên cái hài mà có thể cả cái bi và các trạng thái tâm lý khác. Riêng với mảng ca dao hài hước, “ba loại yếu tố” tạo tiếng cười mà Đào Thản nêu ra không đủ để bao quát toàn bộ tiếng cười từ ca dao. Thí dụ, bài “Chồng người thông phán đầu tòa; Chồng em thông điếu, cũng là thầy thông!”, là một bài ca dao hài hước, nhưng tiếng cười phát ra không thuộc vào “ba loại yếu tố” ấy (mà do lối chơi chữ theo phương thức cùng âm: “thông”: “thông điếu” - làm cho ống điếu được thông, để hút; “thông phán” - viên chức trung cấp làm việc trong các công sở thời Pháp).

“Nghệ thuật tạo dựng cái cười” theo Phạm Thị Hằng nhìn nhận (gồm tạo dựng mâu thuẫn ; kết cấu tương phản đối lập, kết thúc đột ngột; về ngôn ngữ, những yếu tố cường điệu, phóng đại, so sánh ...), tuy có vẻ “đầy đủ” hơn, nhưng do các yếu tố được kể đến không cùng cấp, cùng loại, không thể xếp ngang bằng trong một hệ thống, nên vấn đề chưa thỏa đáng.

Như vậy, vấn đề cơ chế tạo ra tiếng cười có lẽ cần được đặt lại, để có thể nhìn nhận một cách phù hợp và đúng mức hơn.

 

2.   Cơ chế tạo ra tiếng cười của mảng ca dao hài hước 

2.1.    Khái quát

2.1.1. Để nắm bắt cơ chế này, cần xét đến hai nhân tố: a) Đối tượng đáng cười: tức cười ai, cười về sự vật, sự việc gì, chúng đáng cười ở chỗ nào; b) Biểu hiện gây cười: là sự biểu hiện cụ thể từ con người, sự vật, sự việc có chỗ đáng cười ấy, khiến tiếng cười bật ra (chi tiết quan trọng của biểu hiện gây cười, gọi là “tiêu điểm của biểu hiện gây cười”). Quan hệ giữa đối tượng đáng cười và biểu hiện gây cười là cùng kết hợp để làm nên tiếng cười; nói cách khác: Tiếng cười = Đối tượng đáng cười + Biểu hiện gây cười.

Dưới đây là ba bài ca dao cười, kèm việc phân tích đối tượng đáng cười và biểu hiện gây cười ở chúng:

(1)                             Gió đưa buồng chuối sau hè,

Đã lăm le cô chị, lại muốn dò dè cô em!

Đối tượng đáng cười: một chàng háu gái, hoặc “con rô cũng tiếc, con diếc cũng muốn”; biểu hiện gây cười: các hành động “lăm le cô chị”, “dò dè cô em” của chàng ta.

(2)                             Hát cho chó cắn bò lồng,

                      Hát cho con gái bỏ chồng mà theo!

Hát cho chó cắn bò kêu,

Hát cho ông lão trong lều bò ra!

Đối tượng đáng cười: tác dụng hết sức mạnh mẽ, tạo hệ quả khó lường của tiếng hát (âm nhạc nói chung); biểu hiện gây cười: tiếng hát đã khiến cho “chó cắn bò lồng/kêu”, “con gái bỏ chồng”, “ông lão trong lều bò ra” (thật lớn lao và bất ngờ!).

(3)                   Trời quả báo: ăn cháo gãy răng,

                       Ăn cơm gãy đũa, xỉa răng gãy chày!

Đối tượng đáng cười: sự tin tưởng vô lối vào điều quả báo; biểu hiện gây

cười: các “dẫn chứng cụ thể” cho thấy không hề có chuyện quả báo ấy: “ăn cháo gãy răng!”, “ăn cơm gãy đũa!”, “xỉa răng gãy chày!” (bình thường, răng không thể gãy khi ăn cháo, đũa không thể gãy khi ăn cơm..., nên chúng phủ định chuyện quả báo được nêu thành tiền đề ở trước).

Có thể thấy đối tượng đáng cười, xét ở cơ chế gây cười, là điều kiện, cơ sở cho biểu hiện gây cười, để nụ cười bật ra. Đó không phải là con người, sự việc chung chung, mà con người kèm tính khí, hành động, sự việc kèm đặc điểm, cách thức; và tính khí, đặc điểm ấy thường trái lẽ (không như vẫn thấy, vẫn nghĩ). Không nên nhầm lẫn giữa đối tượng đáng cười với biểu hiện gây cười. Đối tượng đáng cười chỉ là điều kiện cần, điều kiện đủ để tạo nên tiếng cười là biểu hiện gây cười. Anh thầy bói (mù) đòi bẻ cau đã chuẩn bị cho một trò cười, nhưng chưa cười thành tiếng được, đến khi anh ta quơ lấy tàu còn buồng thì không đụng đến, bấy giờ tiếng cười mới phát ra (“Nực cười thầy bói trèo cau; Buồng thì không bẻ, đè tàu mà quơ”). Cùng đối tượng đáng cười là anh háu gái, chị lẳng lơ, viên quan tham..., ở mỗi bài ca dao cười đều có những biểu hiện gây cười khác nhau. Thí dụ, với chị lẳng lơ, hoang toàng: a) “Lả lơi cho rách yếm ra; Về nhà dối mẹ, yếm thông hoa không bền!”; biểu hiện gây cười là: lả lơi đến rách yếm, lại còn lấp liếm, che đậy; b) “Ăn chơi cho thỏa thòa thòa; Có bốn bức váy, sẽ tòa làm năm”; biểu hiện gây cười là: ăn chơi hoang toàng, đến váy cũng tan tành;...

2.1.2. Có thể dựa vào tính chất, đặc điểm của đối tượng đáng cười mà chia cơ chế gây cười ra làm hai loại: cơ chế hình thành từ đối tượng đáng cười là những yếu tố thuộc lĩnh vực nội dung văn bản (như con người, sự vật, sự việc...); cơ chế hình thành từ đối tượng đáng cười là những yếu tố thuộc lĩnh vực hình thức văn bản (như các lối tu từ, chơi chữ, cách kết cấu văn bản...).

2.2. Cơ chế hình thành từ đối tượng đáng cười là những yếu tố thuộc lĩnh vực nội dung văn bản

Dựa vào đối tượng đáng cười (dưới đây, viết tắt là đối tượng) được sắp đặt, tác động ra sao để nảy sinh các biểu hiện gây cười, làm cho tiếng cười bật ra, có các phương thức gây cười sau.

2.2.1. Đặt đối tượng vào hai (hay nhiều) bình diện khác nhau để buộc phải ứng xử hay bị soi rọi, khiến chân tướng lộ ra.

Khi đặt đối tượng vào hai (hay nhiều) bình diện khác nhau, thì đối tượng sẽ buộc phải ứng xử hay bị soi rọi, bấy giờ, chân tướng (ở đây, là các biểu hiện gây cười) lộ ra: hoặc ứng xử bất nhất, không bình thường, hoặc cái xấu không còn được che đậy, phải phơi bày.

Thí dụ:  
(1) Không ai có ngãi như anh,
  Khi đau trốn mất, khi lành viếng thăm!
(2) Bên ngoài lồng lộng như gương,
  Bên trong nát bấy như đường trâu đi!
(3) Có cô thì chợ cũng đông,
  Cô đi lấy chồng thì chợ cũng qua.
  Có cô thì dượng cũng già,
  Vắng cô thì dượng cũng qua một thì!

Bài 1: đối tượng đáng cười: anh con trai không có tình nghĩa; biểu hiện gây cười: anh ta đã ứng xử khác thường đối với người quan tâm đến mình, trước hai trạng thái sức khỏe của người này “đau” và “lành”: “khi đau trốn mất, khi lành viếng thăm”. Bài 2: đối tượng đáng cười: cô ả lẳng lơ; biểu hiện gây cười: cô ta bị “soi rọi” ở hai phía, bên ngoài và bên trong: ngoài thì “lồng lộng”, trong thì “nát bấy như đường trâu đi” (tiêu điểm của biểu hiện gây cười). Bài 3: đối tượng đáng cười: vai trò của “cô” [“cô” tưởng mình là quan trọng]; biểu hiện gây cười: “cô” được xem xét qua hai lĩnh vực, đối với “chợ” (có thể hiểu là cộng đồng) và đối với “dượng” (chồng của cô, có thể hiểu là gia đình): với “chợ”, có cô hay không thì “chợ vẫn đông”, với “dượng”, có cô hay không thì “dượng” vẫn thế, tức “cô” chẳng có gì quan trọng cả!

2.2.2. Đặt đối tượng trong thế đối sánh với một sự vật cùng loại khác, để từ phẩm chất, đặc điểm của sự vật này mà lộ ra điều bất thường gây cười ở đối tượng

Trong thế đối sánh với thứ cùng loại (thứ cùng loại thường có phẩm chất tốt đẹp, tích cực), đối tượng sẽ tự phơi bày sự khiếm khuyết, tiêu cực, khiến nảy sinh cái cười.

Thí dụ:

(1) Chồng người đi ngược về xuôi,

Chồng tôi nằm bếp, thò đuôi ra ngoài!

(2) Gái phải lòng trai đem của về nhà,

Trai phải lòng gái lăn cả cột nhà đem đi!

Bài 1: đối tượng đáng cười: “chồng tôi [vốn dở, kém]”; biểu hiện gây cười: đặt “chồng tôi” trong thế đối sánh với “chồng người” (cái cùng loại là “chồng”, tức người đàn ông trụ cột của gia đình): “chồng người” thì lăn lộn “đi ngược về xuôi”, còn “chồng tôi” thì “nằm bếp thò đuôi ra ngoài!” (tiêu điểm của biểu hiện gây cười). Bài 2: đối tượng đáng cười: chuyện “trai phải lòng gái [vốn hay có những việc làm không bình thường]”; biểu hiện gây cười: “trai phải lòng gái” đặt trong thế đối sánh với “gái phải lòng trai” (cái cùng loại là chuyện phải lòng - việc yêu đương): con gái khi yêu “đem của về nhà”, còn con trai khi yêu thì “lăn cả cột nhà đem đi!” (tiêu điểm của biểu hiện gây cười).

2.2.3. Gán cho đối tượng một (hay một số) biểu hiện gây cười

Đối tượng đáng cười được gán cho một (hay một số) biểu hiện gây cười. Phương thức này thường gặp ở số bài ca dao trêu ghẹo, đùa vui.

A. Đối tượng là người [có vấn đề]:

+ Người với dáng vẻ không bình thường (xấu, bẩn, vật vờ...):

-                                Chú kia nhổ mạ bên cồn,

Nước nôi không có, miệng mồm lấm lem!

(Biểu hiện gây cười: “nước nôi không có, miệng mồm lấm lem!”).

-                                Anh là con cái nhà ai,

Cái đầu bờm xợp, cái tai vật vờ.

Cơm no rồi lại ngồi bờ,

Con chó tưởng chuộ nó vồ mất tai!

(Biểu hiện gây cười: anh này có dáng dấp vật vờ, chẳng chịu làm việc, “con chó tưởng chuột nó vồ mất tai!” - tiêu điểm của biểu hiện gây cười).

+ Người có việc làm sai lạc:

Ngồi buồn xe chỉ cột trâu,

Xe rồi sợi chỉ, con trâu đã già!

(Biểu hiện gây cười: việc làm rồ dại: xe cho xong sợi chỉ để buộc trâu, thì con trâu đã già, chẳng cần đến sợi chỉ ấy nữa!).

+ Người gặp chuyện chẳng may:

Anh ngồi vực thẳm anh câu,

Sẩy chân rớt xuống vực sâu cái ầm!

(Biểu hiện gây cười: anh ngồi câu(1) gặp rủi, “sẩy chân rớt xuống vực sâu cái ầm!”).

B. Đối tượng là sự vật, sự việc [có vấn đề]:

+ Sự vật [có vấn đề]:

Vị gì một mảnh tình con,

Làm mê tài tử, rút khôn anh hùng.

Thà rằng chẳng biết cho xong,

Biết ra thêm để tấm lòng sầu riêng.

(Đối tượng đáng cười - sự vật có vấn đề: “mảnh tình con” với mãnh lực ghê gớm. Biểu hiện gây cười: mãnh lực ghê gớm ấy là “làm mê tài tử, rút khôn anh hùng”, và biết nó chỉ chuốc sầu!).

+ Sự việc [có vấn đề]:

Cố công đẽo một cái cày,

Đẽo được ba ngày, ra chiếc chìa vôi!

(Đối tượng đáng cười - sự việc có vấn đề: cố công đẽo cày [mà không thành]. Biểu hiện gây cười: “đẽo được ba ngày, ra chiếc chìa vôi!”).

 

2.3. Cơ chế hình thành từ đối tượng đáng cười là những yếu tố thuộc lĩnh vực hình thức văn bản

Những yếu tố thuộc lĩnh vực hình thức văn bản, như các lối tu từ, chơi chữ, cách kết cấu văn bản... được sử dụng để tạo nên tiếng cười của một bộ phận ca dao cười. Tiếng cười này chủ yếu thuộc về chữ nghĩa hoặc mang tính chữ nghĩa, nên thường nhằm để đùa vui, thưởng thức (ít dùng để châm biếm, đả kích). Bản thân mỗi lối tu từ, mỗi cách chơi chữ, một dạng kết cấu văn bản nhằm tạo nên tiếng cười, cũng là một phương thức gây cười, nên ở đây chỉ ghi lại chúng. Điều cần nói rõ là, chẳng những không phải lối tu từ, chơi chữ, kết cấu văn bản nào cũng gây cười, mà ngay ở những lối tu từ, chơi chữ, kết cấu văn bản có gây cười, thì tính chất, mức độ với từng văn bản cũng có sự khác biệt, nên việc xem xét vấn đề chỉ dừng ở mỗi tác phẩm cụ thể.(2)

2.3.1. Phương thức tạo sự mới lạ có tác dụng gây cười khi sử dụng một số phép tu từ

Tạo sự mới lạ khi sử dụng một số phép tu từ cũng có thể gây cười. Nhưng do trí tuệ phải làm phần việc khám phá, có khi khá mất thời gian, nên tiếng cười thường nhạt đi trước cảm giác sảng khoái của sự thú vị do phép tu từ mang lại. Nói khác đi, ở các trường hợp tác dụng của phép tu từ được khám phá nhanh, thì đồng thời, tiếng cười cũng nảy sinh mạnh mẽ. Còn mỗi khi phải dồn trí lực cho phép tu từ thì tiếng cười cũng chậm lại, và nếu được hình thành thì cũng yếu ớt. Chẳng hạn, trong số bốn phép tu từ được nêu ở tiểu mục này, thì khả năng các bài ca dao dẫn ở C và D, do việc khám phá các phép tu từ nhanh hơn, nên tiếng cười cũng đậm nét hơn (so với các bài nêu ở A và B).

A. Ở phép điệp:

Sớm mai anh ngủ dậy:

Anh súc miệng,

Anh rửa mặt,

Anh xách cây rựa quéo,

Anh lên hòn núi Quẹo,

Anh đốn cây củi cù queo.

Anh than với em cha mẹ anh nghèo,

Đôi đũa tre yếu ớt không dám quèo con mắm nhum!

“Quéo”, “quẹo”, “quèo”, “queo”, là những vị từ có khả năng tạo hình cao, khi được dùng tập trung trong một văn bản ngắn như bài ca dao, chúng trở thành một lối nhại, thuộc phép điệp; đồng thời, cũng biểu hiện gây cười, và thu hút sự chú ý vào nội dung được giãi bày: anh nghèo, dù yêu vẫn không dám nghĩ đến chuyện kết đôi cùng em.

B. Ở phép so sánh:

(1)                             Thân em như thể hàng săng,

Anh nào muốn chết thì quăng mình vào!

(2) Mặt rỗ như tổ ong bầu,
  Cái răng khấp khểnh như cầu rửa chân.
(3)

Nghĩa nhân mỏng dánh,

Như cánh chuồn chuồn;

Khi vui nó đậu, khi buồn nó bay!

Thân em mà như cái quan tài (1) thì hẳn là các anh phải sợ; răng và mặt như bài (2) cũng đáng nể (!); nghĩa nhân mỏng mảnh ở bài (3) được so sánh với cánh chuồn chuồn, rồi nhờ đó mà nó đậu hay bay, thì thật lạ và hợp. Nếu bài (1) tạo được một so sánh táo bạo, bài (2) là một so sánh có giá trị tạo hình cao, thì bài (3) là một so sánh đầy ấn tượng. So sánh này có cấu tạo A như B - tính chất, hoạt động của B, do tính chất, hoạt động của B phải phù hợp với A (tức đồng thời cũng là tính chất, hoạt động của A), nên A được so sánh hai lần, khiến nó sinh động hơn hẳn. Cũng chính các hình ảnh so sánh vừa nêu là những biểu hiện gây cười.

C. Ở phép vật hóa:

(1) Bạn vàng chơi với bạn vàng,
  Đừng chơi với bạn vện, hai đàng cắn nhau!
(2) Thôi thôi, tôi biết anh rồi,
  Anh đi bốn cẳng, anh ngồi chực ăn.
(3) Mẹ em để em trong bồ,
  Anh ngỡ chuột nhắt, anh vồ đứt đuôi!

Do “bạn vện” và “cắn” xuất hiện mà việc quan hệ giữa các “bạn vàng” thành mối giao lưu của chó (1). Nhân vật anh của bài (2) cũng bị vật hóa (ra chó), bởi hai chi tiết “đi bốn cẳng” và “ngồi chực ăn”. Còn nhân vật anh của bài (3) lại biến thành mèo, một con mèo quáng mắt: em mà ngỡ là chuột nhắt, phóng đến vồ! Sự chuyển vai từ người sang vật đã đem lại tiếng cười vui khá mạnh mẽ.

D. Ở phép nói quá:

(1)                             Ngồi buồn bắt kiến trói chơi,

Lấy khăn vuông che núi, lấy đĩa đậy mặt trời, cho bạn coi.

(2)                             Thương em quá đỗi nên say,

Ăn chín lạng ớt, ngọt ngay như đường!

(3)                             Ước gì dải yếm em dài,

Để em buộc lấy những hai anh chàng.

Khó thể “trói kiến” vì kiến quá bé so với sợi chỉ, và khả năng của mắt, của tay để làm việc trói; nói “lấy khăn vuông che núi, lấy đĩa đậy mặt trời” tương tự chuyện “Con cóc nằm góc bờ ao; Lăm le lại muốn đớp sao trên trời” (1). Ăn chín lạng ớt mà thấy ngọt như đường thì trên cả mức say, mức si dại, đến cả vị giác, xúc giác cũng không còn (2). Dải yếm mà buộc những hai anh chàng thì hoặc hai chàng trở thành hai con lật đật, hoặc cái yếm dùng để mặc cho voi (3). Tiếng cười trong trường hợp này cũng đến nhanh và mạnh như ở C vừa nêu.

2.3.2. Phương thức tạo tiếng cười từ nghệ thuật chơi chữ

Chơi chữ là dùng phương thức diễn đạt đặc biệt, sao cho ở đó song song tồn tại hai lượng thông tin (ngữ nghĩa) khác hẳn nhau, được biểu đạt bởi cùng một hình thức ngôn ngữ, nhằm tạo nên sự thú vị mang tính chất chữ nghĩa”.(3) Nếu tu từ được hình thành bằng quan hệ liên tưởng hay quan hệ tổ hợp, thì chơi chữ được tạo nên bởi các yếu tố thuần túy chữ nghĩa. Tương tự với trường hợp tu từ, chẳng những không phải bài ca dao chơi chữ nào cũng có tiếng cười, mà ngay ở các bài chơi chữ có gây cười, thì tiếng cười vẫn là cái đến sau việc lĩnh hội nghệ thuật của việc chơi chữ (có hiểu mới cười được). Và tiếng cười thường nhạt nếu việc lĩnh hội ấy diễn ra chậm (vì năng lượng của trí tuệ đã bị tiêu tốn nhiều cho việc lĩnh hội, và thời gian kéo dài kể từ lúc bắt đầu tiếp xúc với tác phẩm, khiến cái cười nếu có đã ít nhiều bị nguội lạnh đi).

Dưới đây, là một số thí dụ, kèm việc phân tích cách chơi chữ, đồng thời cũng là các biểu hiện gây cười.(4)

+                               Hay nôm gặp bạn hôm nay,

Thấy chàng có một tháng chầy không đi.

-        Đi rông gặp hội đông ri,

Thi đường bông vải thường đi cõi này.

Chơi chữ theo cách lái âm (nói lái): “hay nôm” ↔ “hôm nay”; “thấy chàng” ↔ “tháng chầy”; “đi rông” ↔ “đông ri”; “thi đường” ↔ “thường đi”.

+                               Nàng ngồi cửa Hữu bán cau,

Muốn xin chút vú, sợ đau dạ nàng.

Chơi chữ theo cách nhiều nghĩa: “vú” (vú cau, vú nàng).

+                               Chiều chiều ra đứng sau hè,

Nhìn cây khế ngọt mà nghe đắng lòng.

Chơi chữ theo cách trái nghĩa: “ngọt” - “đắng”.

+                               Khố xanh, khố đỏ, khố vàng,

Sau rồi khố chuối, lỡ làng ai nuôi.

Chơi chữ theo cách giả cùng trường nghĩa: “khố xanh”, “khố đỏ”, “khố vàng” là ba loại lính thời thuộc Pháp, chúng lập thành một trường nghĩa; “khố chuối” (hàm ý cùng khổ, khó khăn), do có cấu tạo tương tự, được dùng giả cùng trường này, nhằm hạ bệ các loại lính kia.

2.3.3. Phương thức tạo tiếng cười từ một số kiểu kết cấu văn bản

Có một số kiểu kết cấu văn bản có khả năng tạo ra tiếng cười, như “nói ngược”, “nói A mà B”, “nói nối vòng”... Do kiểu nói cố định, nên tiếng cười nếu có, sẽ có mức độ tùy thuộc vào đối tượng được đề cập hay các hình ảnh, chi tiết liên quan.

Dưới đây, là một số kiểu kết cấu văn bản mà ca dao hài hước thể hiện.

A. Kết cấu “nói ngược”:

(1)                             Rung rinh nước chảy qua đèo,

Ngựa đua dưới nước, thuyền chèo trên non.

(2)                             Thương chồng nấu cháo củ tre,

Nấu canh vỏ đỗ, nấu chè nhân ngôn.

Ghét chồng nấu cháo le le,

Nấu canh đậu đãi, nấu chè mật do.

Ngựa không đua được ở dưới nước, thuyền không chèo được ở trên non (1); thương chồng mà nấu những thứ ấy thì không thương, ghét chồng mà nấu những thứ ấy thì không ghét (2). Bài (1) nói ngược trong phạm vi một dòng thơ, bài (2) nói ngược trong phạm vi bốn dòng thơ (để lập lại thế xuôi, thuận, chỉ cần tráo sự việc được nêu lại).

B. Kết cấu “nói vậy mà không phải vậy”:

Thường gặp ở loại kết cấu này là mô hình “nói A mà B”. Đây là phương thức bác bỏ có chứng minh, thông qua luật suy diễn modus tollens. Phương thức này xuất phát từ một tiền đề ngầm ẩn mà người đối thoại đã chấp nhận “nếu A thì không B”, người nói nêu lên một hiện thực trái ngược: “thế mà

B”. Từ đó, sẽ suy ra không A, nghĩa là A bị bác bỏ.(5)  Thí dụ:

(1)                             Tay chân nhi nhí bắp cày,

Cái lưng thắt đáy cũng tày voi nan!

(2)                             Phen này quyết chí buôn to,

Buôn trấu dấm bếp, buôn tro trồng hành.

(3)                             Nhớ ai cơm chẳng buồn nhai,

Chống đũa thở dài, hết chín lần xơi.

Tôi xin bát nữa là mười,

Đối phúc cùng Trời, có sống được chăng?

Nói “tay chân nhi nhí” mà bằng “bắp cày”, nói “cái lưng thắt đáy” mà “tày voi nan” (1); nói “buôn to” mà “buôn trấu dấm bếp, buôn tro trồng hành” (2); nói “cơm chẳng buồn nhai” mà ăn đến chục bát (3)! Tiếng cười bật ra từ lối nói bất nhất, tự mâu thuẫn với chính mình của nhân vật.

C. Kết cấu “nói nối vòng”:

(1)                             Cực lòng nên phải biến dời,

Biến dời lại gặp phải nơi cực lòng.

(2)                             Tuy rằng nường ở nhà nường,

Chiêm bao thần mộng ở giường nhà anh.

Tuy rằng anh ở nhà anh,

Chiêm bao thần mộng ở quanh nhà nường.

(3)                             Không đi thì thảm thì thương,

Đi thì lại mắc cái mương cái cầu.

Không đi thì thảm thì sầu,

Đi thì lại mắc cái cầu cái mương.

Có ba dạng nói nối vòng thường gặp: dạng 1: một tổ hợp ở đầu được lặp lại ở cuối văn bản (bài 1, tổ hợp được nói ở bài này là “cực lòng”); dạng 2: một tổ hợp ở cuối của dòng bát sau chót lặp lại tổ hợp ở cuối của dòng lục đầu tiên (bài 2, tổ hợp được nói ở bài này là “nhà nường”); dạng 3: tiếng cuối của dòng bát cuối nối vần với tiếng cuối của dòng lục đầu (bài 3, “mương” - “thương”). Kiểu nói nối vòng tạo sự luẩn quẩn, phù hợp với tâm trạng bất ổn, không ra đầu ra đũa của người đang yêu, nên trong trường hợp này, có khả năng tạo ra tiếng cười vui.

D. Lối nói theo mẫu câu P: X, Y, Z  hoặc P [mà] X, Y, [thì] Q (P, Q: đối

tượng được quan tâm; X, Y, Z: sự việc không thể xảy ra):

(1) Bao giờ cho khỉ đeo hoa,
  Cho voi đánh sáp, cho gà nhuộm răng.
(2) Nực cười con khỉ đeo hoa,
  Con heo đội mão, con gà nhuộm răng.
(3) Anh về chẻ lạt bó tro,
  Rán sành ra mỡ, em cho làm chồng.
(4) Khi nào cóc mọc hai đuôi,
  Thằn lằn hai lưỡi, gái nuôi hai chồng.

Hai bài đầu theo mẫu câu P: X, Y, Z; thí dụ, bài (1): P = “bao giờ”, X = “khỉ đeo hoa”, Y = “voi đánh sáp”, Z = “Gà nhuộm răng”. Hai bài cuối theo mẫu câu P [mà] X, Y, [thì] Q; thí dụ, bài (3): P = “anh về”, X = “chẻ lạt bó tro”, Y = “rán sành ra mỡ”, Q = “em cho làm chồng”. Do X, Y, Z là những sự việc không thể xảy ra, không thể làm được, nên P bị phủ định, kéo theo Q bị phủ định theo.

E. Lối nói dựa

Đọc bài ca dao sau:

Cơm sôi thì đẩy lửa vào,

Chồng giận thì đánh tay đao với chồng!

Người đọc không khỏi liên tưởng đến bài:

Chồng giận thì vợ bớt lời,

Cơm sôi nhỏ lửa một đời không khê.

và thấy bài ca dao nêu trước như muốn gây gổ, đối nghịch với bài sau. Bài sau là một sự phải chăng, phù hợp với truyền thống lễ giáo của dân tộc, được đại đa số chấp nhận, trong lúc bài đầu như một sự “nổi loạn”, thách thức truyền thống lễ giáo ấy. Nhưng xét mặt tạo tiếng cười, thì bài nêu trước đã phát sinh tiếng cười, thuộc ca dao cười, còn bài sau thì không. Biểu hiện gây cười là hành động thách thức, trái lẽ của một chị chàng: đẩy lửa vào khi cơm sôi, đánh tay đao với chồng khi chồng giận!

Một vài trường hợp khác:

(1) Trèo lên cây gạo cao cao,
  Bước xuống vườn đào hái nụ tầm xuân;
  Nụ tầm xuân nở ra trắng phếch,
  Cô có chồng rồi... đấm đếch vào cô!
(2) Khôn ngoan đối đáp người trong,
  Gà cùng một mẹ chỉ chòng nhau đi!

là hai bài ca dao cười do lối nói trái lẽ, đối nghịch với hai bài ca dao tương ứng:

(1’) Trèo lên cây bưởi hái hoa,
  Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân;
  Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc,

Em có chồng anh tiếc lắm thay!...

(2’)                        Khôn ngoan đối đáp người ngoài, Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau.

Điều trái lẽ của (1) là lối nói năng thô tục: “đấm đếch vào cô!”; điều trái lẽ của (2) là lối cư xử thiếu thiện chí với anh chị em, với người nhà. Chúng dựa vào (1’) và (2’), nên có thể cho, chúng tạo tiếng cười theo lối nói dựa.

3. Nhận xét, kết luận

+   Thường thì một bài ca dao hài hước chỉ sử dụng một cơ chế, phương thức gây cười. Số bài ca dao sử dụng kết hợp hai phương thức gây cười không nhiều. Dưới đây, là một thí dụ:

Bà già đi chợ Cầu Đông,

Bói xem một quẻ lấy chồng lợi chăng?

Ông thầy xem quẻ nói rằng:

Lợi thì có lợi nhưng răng không còn!

Bài này có thể xếp vào loại có cơ chế gây cười bắt nguồn từ các yếu tố thuộc nội dung văn bản, loại gán cho đối tượng một hay một số biểu hiện đáng cười. Đồng thời, bài ca dao cũng dùng phương thức chơi chữ cùng âm, để gây cười: lợi: theo bà lão, “lợi” trái với “hại”, là lợi ích; theo ông thầy bói, “lợi” là phần da thịt để giữ chân răng (phương ngữ Bắc), người miền Trung và miền Nam thường gọi là nướu/niếu. Giả sử, có người tiếp nhận không hiểu được lối chơi chữ vừa trình bày (cũng như một dị bản của bài ca dao này có dòng cuối là “Lợi thì có lợi nhưng năng phải đòn” - phương thức chơi chữ không còn), thì bài ca dao vẫn gây cười: biểu hiện gây cười là đã già còn muốn lấy chồng, khiến tổn hại đến sức khỏe, như phải mất răng, hay phải chuốc lấy đòn roi.

+   Nếu tiếng cười là điều cốt lõi để phân định mảng ca dao đang đặt ra với các bộ phận ca dao khác thuộc tổng thể kho tàng ca dao, thì cơ chế tạo ra tiếng cười ấy là vấn đề trọng tâm khi tìm hiểu mảng ca dao hài hước này (bởi cái cơ chế chi phối toàn bộ các yếu tố nội dung, các lĩnh vực hình thức liên quan). Trong một nghiên cứu khác của người viết, có 1.187 văn bản ca dao hài hước được xác lập. Cơ chế vừa trình bày đã thâu tóm tất cả các bài ca dao ấy, tức đáp ứng yêu cầu “cái chi phối bao hàm cái bị chi phối”. Điều cần lưu ý là, mỗi cơ chế chỉ tương ứng với một thể loại, dạng thức văn học cụ thể, không có tính chất “dùng chung”, nên trong trường hợp này, khi đứng trước một thể loại văn học có tiếng cười khác (như truyện cười, tuồng hài, mảng truyện ngụ ngôn có gây cười...), nó chỉ có giá trị tham khảo.

T N

CHÚ THÍCH

  1. Ca dao thường dùng “câu” để chỉ việc con trai chinh phục con gái, hòng có thể lấy làm vợ.
  2. Ở trường hợp cơ chế hình thành từ đối tượng của tiếng cười là những yếu tố thuộc lĩnh vực nội dung văn bản, thì sự thâu tóm các văn bản ca dao cùng loại là không giới hạn.
  3. Triều Nguyên, Nghệ thuật chơi chữ trong văn chương người Việt, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2004, tr. 10.
  4. Ở chơi chữ, có không ít trường hợp biểu hiện gây cười (là nghệ thuật chơi chữ) đồng nhất với đối tượng đáng cười; tức vai trò của chữ nghĩa được nổi bật lên, các nội dung liên quan chỉ có tính chất phụ (như với ba bài đầu sắp dẫn).
  5. Nguyễn Đức Dân, Logích và tiếng Việt, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1999, tr. 405.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN VÀ THAM KHẢO CHÍNH

  1. Đào Thản, Ca dao hài hước, Nxb Văn hóa-Thông tin, Hà Nội, 1998.
  2. Nguyễn Xuân Kính, Phan Đăng Nhật (đồng chủ biên), Phan Đăng Tài, Nguyễn Thúy Loan, Đặng Diệu Trang, Kho tàng ca dao người Việt, Hai tập, Nxb Văn hóa-Thông tin và Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây phối hợp xuất bản, 2001.
  3. Phạm Thị Hằng, “Thủ pháp gây cười của ca dao cổ truyền người Việt bằng cách tạo dựng mâu thuẫn”, Tạp chí Văn hóa dân gian, số 4 (60), 1997, tr. 90-94.
  4. Phạm Thị Hằng, “Cái cười trong ca dao người Việt”, Trong Thông báo Văn hóa dân gian 2002 (Kỷ yếu Hội nghị khoa học, Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian tổ chức), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2003, tr. 628-634.
  5. Phạm Thị Hằng, “Yếu tố ngôn ngữ với việc biểu đạt cái cười trong ca dao người Việt”, Trong Ngữ học trẻ 2003 (Kỷ yếu Hội thảo khoa học, Hội Ngôn ngữ học Việt Nam tổ chức), Hội Ngôn ngữ học Việt Nam xb, Hà Nội, 2003, tr. 423-428.
  6. Triều Nguyên, Nghệ thuật chơi chữ trong ca dao người Việt, Nxb Thuận Hóa, Huế, 2000.

 

Triều Nguyên, Hội Văn nghệ dân gian Thừa Thiên Huế

Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 1 (78), 2010.

Thông tin truy cập

63694471
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
14763
23426
63694471

Thành viên trực tuyến

Đang có 600 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website