Hãy nhảy múa lên, hỡi những người hùng!

Có điều gì chung giữa Jesus, nàng tiên cá, Harry Potter và Tiger Woods? Giả như Joseph Campbell còn sống tới thời đại này, ông sẽ trả lời rằng: họ đều là những người hùng. Phải chăng vì con người, nói như Yuval Noah Harari, là những động vật kể chuyện bẩm sinh, dùng câu chuyện để cắt nghĩa thế giới và tin rằng vũ trụ là một tự sự trường thiên nên ta sẽ thấy dấu chân của Joseph Campbell ở bất cứ đâu, không chỉ trong "Chúa tể những chiếc nhẫn", mà còn trong kế hoạch quảng cáo của Nike, trong kiến giải về vụ mưu sát John F. Kennedy, trong loạt phim bom tấn "Chiến tranh giữa các vì sao" của Hollywood?

20210802

Ấn bản tiếng Việt "Người hùng mang ngàn gương mặt". Nguồn: Nhã Nam

Sinh ra trong một gia đình Thiên Chúa giáo sùng đạo, Joseph Campbell nói ông đã coi những câu chuyện về sáng thế, thiên đường, phán xét, tội lỗi như một điều hiển nhiên từ thời thơ bé. Đến khi được dẫn đi xem những buổi diễn tạp kỹ về người Anh-điêng, cậu bé Joseph Campbell bắt đầu mê mẩn thần thoại của những bộ tộc bản địa trên Bắc Mỹ. Cậu nhận ra có những từ vựng chung tồn tại trong cả hai kho huyền thoại. Và đến khi theo đuổi nghiên cứu Hindu giáo và lịch sử trung cổ thời vua Arthur, cậu một lần nữa thấy mình đang đọc lại những câu chuyện tuổi thơ, dù trong vỏ bọc khác. “Vì thế bạn không thể bảo tôi rằng những câu chuyện tôi đang đọc không phải là một.”, Joseph Campbell kết luận. Đó là khởi nguồn của Người hùng mang ngàn gương mặt, một công trình thần thoại so sánh đồ sộ và tráng lệ như một bản giao hưởng, nơi những điệu waltz của cổ tích châu Âu, điệu múa hủy diệt của Shiva, tiếng đàn lyre của Apollo, tiếng sáo tiêu dao của Lão Tử, khúc bình ca của Kinh Thánh, vũ khúc ngàn lẻ một đêm Ba Tư huyền diệu,… tất cả hòa làm một, trong bản tổng phổ duy nhất mang tên: monomyth, hay hành trình của người hùng.

Người hùng nghe theo tiếng gọi phiêu lưu, rời khỏi cuộc đời yên ấm để tiến vào một miền đất còn chưa biết. Trên con đường thụ giáo, người hùng vượt qua những  kẻ thù với sự trợ giúp của một vài thần bảo trợ, chiến đấu một phen sống mái trong trận chiến cuối cùng, và rồi thu được chiến lợi phẩm mà về bản chất là sự mở rộng hiện hữu và ý thức, để sau rốt, anh ta tìm cách trở về mang theo ân huệ và gây dựng lại thế giới hay một phần nhỏ của thế giới. Đó, Joseph Campbell tin rằng, là motif câu chuyện của cả Jesus và Đức Phật, của cả người hùng Gilgamesh và nữ thần mặt trời Amaterasu, của cả nàng công chúa lấy hoàng tử ếch và nàng Psyche đi xuống địa ngục hỏi xin chiếc hộp đựng sắc đẹp cho Venus.  

Triết gia Northrop Frye viết: “Không thể dạy hay học văn chương, chỉ có thể dạy và học cách phê bình.” [Giải phẫu phê bình]. Một trải nghiệm văn chương là một trải nghiệm tối mật, ta làm sao có thể hợp thức hóa cái rùng mình của riêng ta khi đọc tới đoạn Harry Potter nhận ra kẻ sát nhân bị truy nã là cha đỡ đầu bị hàm oan của cậu hay khi biết người phụ nữ da đen trong Beloved giết đàn con của mình để cứu lấy chúng, ta sẽ giữ những ngất ngây xúc động ấy như báu vật yên lặng của mình, trong khi thứ duy nhất ta có thể đem ra luận bàn khoa học là ngữ pháp của văn chương, cái hệ thống biểu tượng và mô hình làm nên nó. Trong ý nghĩa ấy, Người hùng mang ngàn gương mặt như cây búa quyền năng của Thor, ai cầm được lên sẽ có một vũ khí tuyệt vời để hiểu cách một văn bản văn chương hoạt động.

Nhưng nếu chỉ là một tập kinh kệ đắc lực cho những nhà phê bình nghệ thuật, triết gia và những nhà nghiên cứu tôn giáo thì có lẽ lý thuyết của Joseph Campbell đã không tạo nên sức ảnh hưởng sâu rộng tới thế. Lý thuyết của Campbell có thể gây háo hức với bất cứ ai bởi nói cho cùng, nó cho ta biết điều gì đó sâu kín về con người: đầy những điểm yếu chí tử, luôn bị kéo vào số phận không bằng phẳng, luôn bập bõm đi trên sợi dây căng qua vực thẳm của những nỗi đau, và sẽ chết. Thứ quan trọng nhất của hành trình người hùng trong thần thoại không phải đích đến sau chót, không phải vì bộ lông cừu vàng mà ta yêu thích Jason hay vì khả năng sống lại khiến ta muốn đọc thần thoại về nữ thần Inanna của người Lưỡng Hà. Ta yêu câu chuyện về Jason vì toàn bộ những thử thách mà chàng phải vượt qua và ta yêu Inanna nhất là khi nàng lìa khỏi cõi đời. Cái mà con người khao khát, nói như Joseph Campbell, không phải là một ý nghĩa, mà là được cảm nhận mình đang sống. Và ta chỉ cảm nhận được mình đang sống khi phần vỏ rỗng là trải nghiệm vật chất bên ngoài nhận được chỉ dẫn từ đời sống phi vật chất bên trong và ta không còn phải loay hoay với câu hỏi ta là ai nữa.

Vậy mà, ngay cả tuệ kiến uyên nguyên của Joseph Campbell về con người cũng không lọt khỏi đôi mắt háu đói của những nhà tư bản, những người quăng lưới bắt mọi thứ, từ phong trào chống biến đổi khí hậu đến chủ nghĩa nữ quyền, từ cộng đồng LGBTQ+ đến lối sống Zen. Từ một nỗ lực khôi phục phần ký ức đã mất về cách nhìn vũ trụ cổ xưa thời tiền máy móc, monomyth trở thành bài học vỡ lòng của những người xây dựng thương hiệu cho các đế chế hàng tỷ USD trên thế giới, những kẻ không thể kém tin hơn vào giấc mơ thần thoại và sự nhất thể giữa ta và Đại Ngã.

Có một huyền thoại của người pygmy về một cậu bé tìm thấy trong rừng một con chim với bài hát tuyệt hay, cậu đưa nó về nhà, nhưng vì cha cậu không muốn chia sẻ thức ăn cho con chim, ông giết nó. Nhưng khi giết nó, ông cũng giết luôn cả bài ca của nó, và khi giết bài ca của nó, ông đã tự giết chính mình. Ông ngã xuống và không bao giờ tỉnh lại nữa. Con chim thần thoại đã bặt tiếng ca, linh hồn của con người cũng tới phiên chờ chết. Con người ngày nay có nhiều câu chuyện hơn bao giờ hết, nhưng nếu như xưa kia những câu chuyện được kể trên môi những bậc hiền triết hay bên những đống lửa giữa đêm sâu khi con người ngước lên những vì sao và tự hỏi điều gì đã khai sinh ra vạn vật, giờ đây những câu chuyện là vị thần đèn tay sai cho chủ nghĩa tiêu dùng. Ta tin vào câu chuyện đằng sau một đôi giày mà Tiger Woods đã đi hơn là câu chuyện về Jesus hồi sinh hay Brahma tự tạo ra mình từ trong quả trứng vàng, ta biếm họa nhà tiên tri Muhammad như kẻ dối trá, ta thầm cười giễu nàng Lọ Lem khi đọc câu chuyện về chiếc giày thủy tinh cho lũ trẻ con nghe trước giờ đi ngủ, và tất cả những gì ta có thể làm sau khi một nữ diễn viên da màu được mời vào vai nàng tiên cá chỉ là nhạo báng chủ nghĩa chống phân biệt chủng tộc và phân phe cánh tả hay cánh hữu. 

Không còn gì thiêng liêng, không còn gì bí nhiệm, không còn thánh tích hay nghi lễ, thế giới bị xẻ toạc từ bên trong, ta quan sát thế giới không còn như những vị quan tòa mà chỉ như những vụ án cần làm sáng tỏ. Vũ trụ giờ chỉ còn là cái hồ Loch Ness trống không, không một quái thú nào ẩn hiện dưới sương mờ gợi cho ta những sức mạnh kỳ khôi của màu nhiệm. Nhưng lạc quan mà nói, biết đâu nếu nhìn theo lý thuyết của Joseph Campbell, cách loài người bước ra khỏi thần thoại mẹ để dấn bước theo tiếng gọi của một cuộc phiêu lưu vào sự sáng rõ, đâu đó, cũng là một hành trình của người hùng? Và khi vũ trụ vén màn mở toang trong ánh chớp chói lòa của khoa học, con người tuy sẽ lao đao trước những con rồng thế tục, nhưng vì là người hùng, con người sẽ sống, kể cả nếu chết, con người cũng sẽ sống lại, nếu có ngủ trăm năm con người cũng sẽ tỉnh thức vào một ngày nào đó, và con người sẽ đánh được lửa trong bụng cá voi, để quay về, và lúc này, đã hòa giải với thần thoại của mình và đạt tới một nhận thức cao hơn về việc ta là ai.

Trong một bài tưởng nhớ tuyệt vời dành cho Joseph Campbell, người bạn, người cộng sự Bill Moyers nhớ lại một câu chuyện mà Campbell yêu thích nhất, một câu chuyện mà Campbell tình cờ nghe được ở Nhật Bản, khi một triết gia ở New York nói với một nhà sư theo đạo Shinto rằng ông đã tham gia rất nhiều những buổi lễ Thần đạo nhưng ông vẫn không hiểu nổi hệ tư tưởng của họ. Và nhà sư, chìm vào suy nghĩ của mình trong chốc lát, sau đó chậm rãi lắc đầu: “Tôi không nghĩ chúng tôi có hệ tư tưởng nào cả. Chúng tôi không có thần học. Chúng tôi chỉ nhảy múa”.

Joseph Campbell luôn nói rằng thần thoại là bài ca của vũ trụ. Sai lầm của chúng ta là đứng trước một bản nhạc mà ta lại lăm lăm dao nhọn thô lậu của lý trí những mong phẫu thuật được nó, tưởng rằng đó là cách tốt nhất để thấu hiểu được giai điệu thần kỳ. Không, cách tốt nhất để thấu hiểu một bản nhạc là hãy quên phứt đi những thuyết lý hàn lâm dông dài, hãy hòa mình vào nó, nhảy múa thật tưng bừng theo nó, như Shiva đã tạo ra mọi “sáng tạo, hủy diệt và những thử ở giữa hai điều đó” bằng cách nhảy, nhảy, nhảy nữa lên.□

Hiền Trang

Nguồn: Tạp chí Tia sáng, ngày 24.7.2021.

Thông tin truy cập

63742460
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
5331
35223
63742460

Thành viên trực tuyến

Đang có 453 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website