Ngày 29 tháng 11 năm 2010, những người yêu thơ Nga đã phải chia tay với nữ sĩ Bella Akhmadulina. Sau cái chết của Andrei Voznesensky vào tháng sáu cùng năm, sự ra đi của Akhmadulina là “một đòn khủng khiếp vào toàn bộ nền thơ Nga”, như lời tuyên bố của bộ trưởng Bộ văn hoá Liên bang Nga Alexandr Avdeev.
Bella (Izabella Akhatovna) Akhmadulina sinh năm 1937. Bà bước vào thơ ca Nga cuối những năm 1950 – đầu những năm 1960. Tập thơ đầu tay của bà “Sợi dây đàn” xuất bản năm 1962. Cho đến nay, bà có khoảng 10 tập thơ.
“Chúng tôi rất đông. Có lẽ đến bốn người…” Nhà thơ Voznesensky, đã từng viết như thế về một lứa nhà thơ được gọi tên là những nhà “tạp hí” (estradniki), nổi lên vào các thập niên 50 – 60 thế kỷ trước. Họ gây nên một cơn sốt thơ ca với những đêm đọc thơ trước hàng trăm, hàng ngàn khán giả trong các hội trường lớn, trên sân vận động... Andrei Voznesensky, Evgeny Evtushenko và Robert Rozhdestvensky là những “sao” của các đêm thơ đó. “Ngôi sao” thứ tư là Bella Akhmadulina, người phụ nữ duy nhất mà, theo lời của Evtushenko, “tất cả các nhà thơ nam đều phải lòng”[2].
Nếu nói thơ Evtushenko, Voznesensky và Rozhdestvensky là “nhạc trẻ” hay “nhạc nhẹ”, thì thơ Akhmadulina là “nhạc thính phòng”. Trong thơ bà không có chất chính luận của Evtushenko và Rozhdestvensky, không có chất ẩn dụ khoáng rộng “phản thế giới” của Voznesensky, mà man mác âm hưởng của thơ cổ điển thế kỷ XIX đặc biệt là của Pushkin, của các nhà thơ “thời đại bạc” (Akhmatova, Tsvetaeva, Pasternak), và của cả các nhà thơ cổ điển Gruzia do tác động của công việc dịch thuật. Chất thời sự nóng bỏng cũng không phải là đặc tính thơ Akhmadulina, mà ngược lại, dường như nhà thơ luôn bị kéo về với quá khứ xa xưa, khiến cho giọng điệu thơ luôn mang vẻ u sầu, khác nhịp điệu mạng mẽ bạo dạn của các đồng nghiệp nam. Tuy nhiên, Akhmadulina được xếp vào cùng với nhóm các nhà thơ “tạp hí”, thơ “đại thanh” không chỉ vì mối gắn bó thân tình của bà với họ trong cuộc sống (Evtushenko là chồng đầu tiên của bà), không chỉ cũng giống như họ, bà thực hiện nhiều chuyến đi khắp đất nước và nhiều nơi trên thế giới và làm thơ về chúng, mà còn bởi vì thực sự trong thơ Akhmadulina, sau vẻ bề ngoài dịu dàng quý phái đầy tính nữ là sự năng động nội tại, là cảm xúc về sự vận động của thời gian, của thời đại, là sự nhạy bén với cái mới. Hơn nữa, đối với Akhmadulina, chính sự gắn kết với nhóm thơ “tạp hí” đã tác động lớn đến số phận thơ của bà. Nhà thơ đã viết cho bạn thơ:
Nghề nghiệp dẫn dắt hồn chúng ta
Gắn lên ta ngôi sao xanh biếc
Giá trị của mình em yêu thích
Chỉ khi bên anh, gắn kết cùng anh
(“Gửi Voznesensky”, 1977)
Tình bạn sáng tạo đó đã trở thành một trong những cảm hứng chủ đạo trong thơ Akhmadulina. Trong thế giới Akhmadulina, người đàn ông và người phụ nữ gắn kết với nhau trước tiên là những cảm xúc tình bạn “đơn thuần”, rồi được nâng lên mức bí ẩn và mạnh mẽ (ví dụ các bài thơ “Trên con phố của tôi năm đó”, “Những người đồng chí của tôi”, “Đến thăm người nghệ sĩ”…). Tình bạn nơi Akhmadulina mạnh mẽ đến nỗi nó che khuất những mối quan hệ khác, kể cả mối quan hệ vốn đặc trưng cho thơ nữ là tình yêu. Thời đại Akhmadulina, người đàn ông và người đàn bà không gặp nhau nơi vũ hội, mà ở nơi làm việc, nơi sản xuất, nơi sáng tạo. Bởi thế, nếu như Akhmatova là nữ sĩ đã làm nên “thi pháp tình yêu bất hạnh đến diệu nghệ”[3] thì Akhmadulina đã làm nên “thi pháp tình bạn đến diệu nghệ”[4] Đó là thi pháp của những lời thề, của những lời khuyên răn, của những giấc mộng tiên tri, của những gặp gỡ và chia ly... với ngôn từ lấy từ kho từ vựng truyền thống, đầy biểu cảm, không cần những ẩn dụ bí ẩn, hay những phá cách, nhưng vẫn cảm thấy tính hiện đại trong đó:
Trên con phố của tôi năm đó
Vang tiếng chân các bạn tôi ra đi
Cuộc ra đi chậm chạp của bạn bè
Hoà trong bóng đêm ngoài cửa sổ
Sự nghiệp bạn bè tôi dang dở
Trong nhà không còn âm nhạc, lời ca
Chỉ còn những đứa con gái Degas
Những ngọn lông màu xanh vẫn sửa
…
(“Trên con phố của tôi năm đó”, 1959)
Nhà thơ đơn giản chỉ tả cuộc ra đi của bạn bè, hình ảnh căn nhà vắng lặng khi chủ nhân đã vắng, chỉ còn bức tranh “Các vũ nữ màu xanh” của Degas treo trên tường..., nhưng gợi cảm giác nặng nề của một thời kỳ bắt bớ khủng bố (đề tài chống Stalin mà thơ ca “tạp hý” những năm 1950 - 60 thường đề cập).
Hay ở một bài khác viết về niềm mong mỏi khi bị giam cầm trong cô đơn giữa mùa đông tuyết phủ, xa cách bạn bè sáng tạo:
Tôi tưởng rằng sắp hết tháng hai
Bèn nói với người bước vào: “Vui quá!
Tôi yêu thích, bởi vì không còn nữa
Giữa chúng mình sự cách trở, chia ly!”
(“Giam cầm mùa đông”, 1964)
“Thơ ca đối với Akhmadulina là sự tự khám phá, là cuộc gặp gỡ giữa thế giới của nhà thơ với thế giới những đồ vật hiện đại (máy thu thanh, máy bay, bảng hiệu…) và truyền thống (ngọn nến, ngôi nhà của người bạn)… Akhmadulina mở rộng vốn từ vựng và cú pháp, bà quan tâm đến những yếu tố ngôn từ cổ và kết chúng lại với khẩu ngữ hiện đại”… Không phải trạng thái tĩnh, là là sự năng động linh hoạt quyết định nhịp điệu thơ Akhmadulina.”[5]
Trên con phố của tôi năm đó
Bella Akhmadulina (1937 – 2010)
Trên con phố của tôi năm đó Vang tiếng chân các bạn tôi ra đi Cuộc ra đi chậm chạp của bạn bè Hoà trong bóng đêm ngoài cửa sổ
Sự nghiệp bạn bè tôi dang dở Trong nhà không còn âm nhạc, lời ca Chỉ còn những đứa con gái Degas Những ngọn lông màu xanh vẫn sửa
Biết làm sao, thôi miễn cơn khiếp sợ Đừng thức bạn, kẻ yếu ớt trong đêm Mong sao cơn kinh hoàng phản bội Đừng làm mờ đôi mắt những bạn hiền
Ôi, cô đơn, sao mà người ác nghiệt Huơ chiếc compa sắt quanh tôi Vẽ vòng tròn lạnh lùng quây chặt Chẳng thể van xin vô ích lấy một lời.
Hãy mời gọi, hãy ban thưởng cho tôi Đứa con cưng người nâng niu ve vuốt Tôi bình tâm khi ngả giữa ngưc người Gột rửa mình trong màu xanh giá buốt
Cho tôi nhón chân trong rừng của người, Nơi cuối rừng kiếm tìm, chậm chạp Áp lên mặt những chiếc lá rụng rơi, Cảm giác bơ vơ như niềm hoan lạc
Hãy ban tôi sự lặng yên thư thất Giai điệu nghiêm trang khúc nhạc của người Tôi thông thái rồi sẽ lãng quên thôi Ai đã chết hay giờ đây còn sống
Tôi nhận ra trí tuệ, niềm sầu muộn, Ý nghĩa ẩn sau muôn sự vật trên đời Thiên nhiên nghiêng xuống đôi bờ vai tôi Thầm thì những điều trẻ thơ bí mật
Rồi từ bóng đêm, và từ nước mắt Từ đáng thương ngu dốt thuở qua Nét tuyệt vời của các bạn ngày xa Lại hiện về và tan hòa trở lại. (1959) |
По улице моей который год звучат шаги — мои друзья уходят. Друзей моих медлительный уход той темноте за окнами угоден.
Запущены моих друзей дела, нет в их домах ни музыки, ни пенья, и лишь, как прежде, девочки Дега голубенькие оправляют перья.
Ну что ж, ну что ж, да не разбудит страх вас, беззащитных, среди этой ночи. К предательству таинственная страсть, друзья мои, туманит ваши очи.
О одиночество, как твой характер крут! Посверкивая циркулем железным, как холодно ты замыкаешь круг, не внемля увереньям бесполезным.
Так призови меня и награди! Твой баловень, обласканный тобою, утешусь, прислонясь к твоей груди, умоюсь твоей стужей голубою.
Дай стать на цыпочки в твоем лесу, на том конце замедленного жеста найти листву и поднести к лицу, и ощутить сиротство как блаженство.
Даруй мне тишь твоих библиотек, твоих концертов строгие мотивы, и — мудрая — я позабуду тех, кто умерли или доселе живы.
И я познаю мудрость и печаль, свой тайный смысл доверят мне предметы. Природа, прислонясь к моим плечам, объявит свои детские секреты.
И вот тогда — из слез, из темноты, из бедного невежества былого друзей моих прекрасные черты появятся и растворятся снова. |
Bài thơ đã được nhạc sĩ Mikhail Tariverdiev phổ nhạc. Có thể nghe bài hát qua giọng ca của Alla Pugacheva tại đây: http://www.youtube.com/watch?v=tG5vj9tgKjo&feature=related
[1] Một câu thơ của Bella Akhmadulina
[2] Evtushenko E. Những dòng thơ thế kỷ. Phần giới thiệu cho Akhmadulina.
[3] Nedobrovo N.V.Anna Akhmatova. Trong: Hợp tuyển Anna Akhmatova gồm 3 tập, Muchen-Paris, 1983, tập 3, tr.484.
[4] Nikolaev B.A. (chủ biên) Các nhà văn Nga thế kỷ XX (Từ điển tiểu sử), Moskva, NXB Bách khoa thư, tr.51.
[5] Kazakh V. Từ vựng văn chương thế kỷ XX, Moskva, 1996. (Dẫn từ nguồn trên Internet: http://www.enci.ru/Ахмадулина,_Белла_Ахатовна )