Đọc lại nhân vật mở đầu Nho Lâm Ngoại Sử theo đúng cách đọc tự sự tiểu thuyết

Tóm tắt. Ngay từ đầu hồi truyện, nhà tiểu thuyết dùng mấy chữ “uy nghi lỗi lạc” để giới thiệu nhân vật chính của thiên truyện. Thế nhưng chúng tôi cho rằng cái “uy nghi lỗi lạc” của Vương Miện ở đây không ở những là thanh khiết, cao nhã, tiết tháo mà tập trung biểu hiện ra ở chỗ Vương hơn bất cứ ai đã tỏ ra quý giá đời sống tự do của bản thân đến độ nào. Vương không cho giá trị của con người là công danh, phú quý, lập công, sáng nghiệp, trước tác truyền danh. Đối với Vương được sống cuộc sống thân ta thuộc về ta, làm lấy mà ăn, còn dư thời gian thì vẽ tranh, uống rượu, hàn huyên cùng bạn bên mình là đã tốt rồi. Cho nên nói cho trúng, Vương Miện không phải là “trốn cõi tục” mà là chỉ muốn “tránh thế quyền”. Theo quan điểm của chúng tôi, câu chuyện Vương Miện là chuyện lánh trốn chính quyền chứ không phải là chuyện ẩn dật truyền thống. Hồi truyện mở đầu tiểu thuyết này không phải là bài ca nhiệt thành đời sống ẩn dật mà là tiếng than dài cho mối quan hệ giữa chính quyền và trí thức – những kẻ thường vẫn được xem là tự giác hơn dân chúng trong ý thức về số phận mình trong buổi thay triều đổi đại, bãi bể nương dâu.

Từ khóa:uy nghi lỗi lạc” , thanh khiết, cao nhã, “trốn cõi tục”, “tránh thế quyền”, mối quan hệ giữa chính quyền và trí thức. 

Ngay từ đầu hồi truyện nhà tiểu thuyết dùng mấy chữ “uy nghi lỗi lạc” để giới thiệu nhân vật chính của thiên truyện. Thế nhưng chúng tôi cho rằng cái “uy nghi lỗi lạc” của Vương Miện ở đây không ở những là thanh khiết, cao nhã, tiết tháo (là những nét màu mà tự sự liệt truyện luôn sẵn và thích dùng) mà tập trung biểu hiện ra ở chỗ Vương hơn bất cứ ai đã tỏ ra quý giá đời sống tự do của bản thân đến độ nào. Vương không cho giá trị của con người là công danh, phú quý, lập công, sáng nghiệp, trước tác truyền danh (là những đề tài “tủ” của sử truyện). Tự sự hồi truyện mở đầu tiểu thuyết này nếu được thưởng thức đúng cách như tuồng ám thị độc giả gẫm ra rằng -  đối với Vương Miện (trong một thiên sử-kí “người thật việc thực” đây chính là “truyện chủ传主”) được sống cuộc sống thân ta thuộc về ta, làm lấy mà ăn, còn dư thời gian thì vẽ tranh, uống rượu, hàn huyên cùng bạn bên mình là đã tốt lắm rồi.

 

Vương Miện trong tiểu thuyết thực vốn “không cầu quan tước”, mặc dù Vương có cơ hội “gần gũi” với kẻ quyền thế. Thấy già Tần có ý không hài lòng về chuyện khước từ vẽ tranh cho tri huyện lấy làm quà tiến quan lớn, Vương bất đắc dĩ mới đành gắng giải thích cho già Tần hiểu vì sao: “tôi nói cùng già, tri huyện ỷ thế Ngụy Tố tàn ngược không từ thứ gì với dân ở đây. Loại người như thế, tôi việc gì phải đi gặp nó? Lần này hắn trở về rồi, nhất định sẽ nói lại với Ngụy Tố. Ngụy Tố thẹn nhiều hóa giận, e sẽ sinh sự với tôi.” (hồi 1, tr.10; Bản dịch tr.40). Vương thấu hiểu cái khả ố của quan trường và bản thân Vương cũng nhiều lần bị kẻ có quyền thế (từ huyện quan sở tại cho đến mệnh quan trong triều về quê lên đến đương kim hoàng thượng) làm khó dễ. Vậy mà Vương cố không phản ứng thái quá, cốt gắng giữ được nguyên tắc mà vẫn được yên thân thì thôi. Khác với trong tiểu thuyết, trần thuật của sử truyện không thấy nói có chuyện Vương bị bức bách, ngược lại phản ứng trước một số giao tế thông thường của nhân vật này theo khắc họa của sử truyện thường lại tỏ ra rất thái quá. Đọc một đoạn trong Minh Sử đủ thấy điều đó: “Miện thường ở trên lầu nhỏ, khách đến môn đồng vào báo, Miện cho lên khách mới được lên. Có viên chức trên Bộ qua quận, đợi để xin gặp gấp, Miện từ chối. Viên chức kia đi được trăm bước, Miện tựa lan can lầu huýt sáo, khách nghe thấy xấu hổ” (Vương Miện Truyện, Minh Sử, quyển 285). Vương Miện trong Nho Lâm Ngoại Sử  trước sau chỉ muốn tránh xa quyền thế. Có thể nói, nếu không có chuyện bị đòi đến gặp mặt của cụ lớn Ngụy Tố và quan huyện Thời Nhân chắc Vương Miện đã vui với cuộc sống nửa cày cuốc nửa đọc sách, vẽ tranh sớm hôm bạn cùng già Tần rồi. Hình tượng Vương Miện trong tiểu thuyết khiến độc giả liên tưởng đến các nhân vật Ngu Dục Đức (hồi 36 giữa sách), Kinh Nguyên và già Vu (hồi 55 cuối sách) và tình bạn giữa Tần lão và Vương Miện dường như lại được tiếp tục ảnh xạ vào trong quan hệ giữa cặp nhân vật Kinh Nguyên và Vu lão ở cuối sách. Họ đều là những “chân nho”, “kì nhân” “uy nghi lỗi lạc”. Nhưng đó là cái “sừng sững lỗi lạc” theo cách hiểu riêng của Ngô Kính Tử trong tính cách là một tiểu thuyết gia - một vẻ “uy nghi lỗi lạc” cận nhân tình. Quen với cách nhìn của sử truyện và truyền kì, độc giả sẽ không thấy được vẻ đẹp giản dị ở các hình tượng “chân nho”, “kì nhân” trong cuốn tiểu thuyết tả chân nhân sinh này. Đọc trọn cả đoạn mở đầu hồi truyện (tức cũng là đoạn mở đầu cho cả tiểu thuyết), độc giả không khó phát hiện quan điểm của nhà văn về cái gọi là “uy nghi lỗi lạc” ở nhân vật thiên truyện:

“(sau khi dẫn bài từ mào đầu cho tiểu thuyết) Bài từ này cũng là lời sáo đầu mồm của mấy người biết chữ. Chẳng qua là nói công danh phú quý trên đời là thứ bên ngoài bản thân ta, vậy mà thế nhân hễ thấy công danh phú quý cố chết theo đuổi cho được. Đến lúc có trong tay rồi mới thấy vị nó nhạt thếch. Tự cổ chi kim, ai thấu cho ra lẽ này!

Tuy thế, vào cuối thời Nguyên cũng từng xuất hiện một người uy nghi lỗi lạc...” (hồi 1, tr.2; Bản dịch tr.27).[1]

Ta có thể diễn dịch ý của đoạn văn rộng ra như sau: “Người kể chuyện tôi đây dẫn bài từ mở đầu cho cuốn sách này ấy là để nói rõ rằng người đời lấy công danh phú quý lừa mình lừa người. Người ta vốn có thể sống cuộc đời của mình, thế mà rồi lại đi biến đời sống bản thân thành ra một cuộc hành trình quên thân đi tìm công danh phú quý. Cổ kim mấy kẻ ngộ ra điều đó. Trường hợp tôi kể sau đây có thể xem là một dẫn chứng ngược lại. Anh ta theo như tôi hiểu vì ngộ ra ngay từ buổi đầu cuộc đời cái sự thực được nói đến thì nhiều nhưng làm được thì hiếm đó nên có thể xem là một người “uy nghi lỗi lạc”…”.

Đọc Nho Lâm Ngoại Sử cho đến tận hồi 56 mới thấy được sĩ nhân có thể uy nghi lỗi lạc được như Vương Miện thực không mấy kẻ! Vương Miện khi vừa thành niên đã định rõ cho mình cuộc sống thôn quê hòa mình giữa cảnh sắc điền viên, làm ruộng cuốc vườn gắng no gượng ấm nhưng cũng có đọc sách ngâm thơ và vẽ tranh (đẹp thì đem bán). Trương Văn Hổ - một trong những nhà bình điểm Nho Lâm Ngoại Sử có tiếng đọc đến câu “Vương xuống bếp nướng nửa cân bột làm bánh, xào một đĩa lớn rau hẹ bưng lên tiếp khách” (tả cảnh Vương tiếp đãi Ngô Vương Chu Nguyên Chương tức Minh Thái Tổ sau này. Hồi 1, tr.14; Bản dịch tr.45) bình: “Tuy cơm rau nhưng cũng chưa từng phải thiếu đói[3, tr.450]. Thế mà cái cuộc sống bình thực tự tại đó sau rồi cũng không thể tiếp tục. Một cụ lớn trong triều về quê cùng một tri huyện sở tại mấy hồi phiền nhiễu khiến Vương phải bôn ba tha hương nghìn dặm. Kịp đến tuổi trung niên lại vì chuyện chiếu vời hiền mà phải trốn hẳn vào trong núi. Thấu hiểu “Công danh phú quý vô bằng cứ; Phí tận tâm tình, tổng bả lưu quang ngộ” (bài từ đầu sách; hồi 1, tr.1; Bản dịch tr.27: Công danh phú quý đều hư ảo; Chỉ nhọc lòng ta ngày tháng trôi), Vương chỉ muốn làm một thường nhân sống cuộc sống chân phác giản dị. Có thể công danh phú quý cũng là một một lối đi giữa “Đường trần muôn lối nam bắc người xuôi ngược” (Nhân sinh Nam Bắc đa kì lộ - câu đầu bài từ đầu sách) nhưng trong buổi “Bao đời hưng vong sớm lại tối, Gió lật bên sông cây tiền triều” (Bách đại hưng vong triêu phục mộ, Giang phong xuy đảo tiền triều thụ - Bài từ đầu sách) như chính thời Vương Miện đang sống thì Vương như càng chỉ muốn sống đời tự chủ, tự lực cánh sinh “vô danh” giữa vườn ruộng. Hiểu như thế ta mới hiểu được vẻ “uy nghi lỗi lạc” của hình tượng Vương Miện – một vẻ “uy nghi lỗi lạc” không cần đến quảng cáo và được người biết đến (như trong truyền thuyết, giai thoại – chất liệu của tự sự sử truyện). Như ta đọc thấy trong hồi truyện, Vương không dưới hai lần đứng trước cơ hội công danh phú quý đến tay nhưng đều trốn chối. Không phải là cố ý tỏ đức thanh cao hay nêu gương tiết dũng. Đơn giản chỉ là vì Vương thực tâm không muốn vất bỏ đời sống đã chọn của mình, không muốn trái với sở nguyện bình sinh và tâm ý cuộc đời. Vương từ chối sự tiến cử của tri huyện Thời chủ yếu vì không muốn chung đụng với hạng “tàn ngược không từ thứ gì với dân” (hồi 1, tr.10; Bản dịch tr.40). Khi quê hương qua hồi can qua, tân triều  thay thế ngụy triều. Hoàng đế tân triều ban bố thể chế khoa cử mới. Vương Miện lại từ chối chiếu vời hiền vì tỉnh táo nhận ra thực chất của thể chế khoa cử tuyển hiền mới mà hoàng đế vừa ban bố.  Vương Miện vì coi trọng tu dưỡng nhân cách và lòng tự tôn của kẻ có chữ, vì thấy tỏng ách chuyên chế đang thực hiện một chính sách câu nhử và ngu dân đối với trí thức nên đã khước từ lời mời của hoàng đế. Vương biết giờ đây “văn hóa phẩm hạnh, lẽ xuất xử đều bị coi thường[2] và dự đoán văn nhân sẽ lâm cơn tai ách của thời đại (nguyên văn: Nhất đại văn nhân hữu ách). Có điều nếu như trước đó, chối quan huyện chỉ cần lánh ra tỉnh ngoài một độ thì giờ đây muốn tránh nhà vua, Vương đã phải lánh hẳn cả đời vào trong núi vắng.

Theo quan niệm thông thường, ở ẩn hoặc nói kẻ ẩn dật - do chỗ bất mãn với chính quyền đương cục hoặc do chán ghét xã hội và thời thế bỏ quan hoặc từ chối không ra làm quan, tìm đến ở những chỗ hẻo lánh sống tách rời với đời sống xã hội nói chung. Hành động ở ẩn chứa đựng ý vị bất hợp tác và sự phủ định đạo đức nhất định. Các ẩn sĩ thường hoặc là một vị trung thần của triều đại cũ không ra tham dự công việc triều chính của chế độ mới hoặc là một viên quan bản triều nhưng treo ấn rời bỏ nhiệm sở hay một nhân sĩ chối từ lời mời ra nhậm chức và chọn cuộc sống cách biệt ở chốn xa xôi. Nói chung chữ “ẩn cư” “quy ẩn” thường gắn liền chữ chữ “từ quan”.

Thế nhưng, trong Nho Lâm Ngoại Sử Vương Miện rõ ràng chẳng phải là kẻ yếm thế ghét đời hay làm bộ thanh cao ra dáng dật sĩ. Tình tiết trong hồi truyện nhất quán cho ta thấy Vương yêu thích sinh hoạt thôn quê và đời sống vườn ruộng. Vương cũng chẳng có thù oán cá nhân gì với đương kim hoàng đế - kẻ nắm quyền lực cao nhất. Vương cũng chẳng phải là cựu thần tiền triều lo phải chịu kì thị “hàng thần lơ láo”. Vương trốn ẩn căn bản là vì lo sợ cả một thể chế văn hóa có tính cách xem nhẹ học thuật chân chính và đạo đức nhân cách kẻ sĩ mà tân triều vừa thiết định lung lạc sĩ nhân bằng công danh phú quý có được chỉ qua đường làm quan sẽ tạo nên vận hạn cho văn nhân thời đại (nguyên văn: nhất đại văn nhân hữu ách) nên đã chủ động cất bước ra đi trước (Nho Lâm Ngoại Sử về sau cũng không có bất kì nhân vật “ở ẩn” nào nữa cả.[3] Sĩ nhân thời đại đổ xô chen lấn nhau trước cây cầu khoa cử dẫn lối sang bên bỉ ngạn làm quan. Số ít hoặc đứng nhìn hoặc bị giạt ra bên rìa thời buổi). Tình tiết xem Vương Miện thiên văn tiên đoán thế cuộc[4] như tuồng là một sự “giễu nhại” sử truyện  nhưng về cơ bản vẫn đậm đà một bút pháp hiện thực giản dị: Triều đại mới vừa thành lập chưa bao lâu. Già Tần một hôm vào thành quay về cầm theo tờ sao bố cáo của triều đình đem Vương Miện xem. Điều thứ nhất trong bố cáo cho biết hàng thần tiền triều lỡ lời trước mặt hoàng thượng mà rước nhục đi đày. Tiếp theo là thông báo về phép thi cử mới. Một chuyện có tính răn đe trấn áp, một chuyện có tính cách chào mời, khuyến dụ. Việc bản thượng dụ nội các sao truyền đem hai điều thông báo đặt cạnh nhau thật đáng để sĩ nhân suy gẫm. Sau chuyện công cáo bản thượng dụ không lâu lại có tin đồn quan đầu tỉnh đã nhận lệnh triều đình chuẩn bị vời Vương ra làm quan. Không để cho ai biết, Vương Miện bí mật trốn vào núi ở.

Rõ ràng với việc trốn trước vào trong núi ở, điều mà Vương Miện phủ nhận là cả một thể chế văn hóa chứ không chỉ giản đơn là một cuộc từ chối không ra làm quan. Nhìn nhận từ góc độ lịch sử của cả dân tộc, thể chế khoa cử mới đó biểu hiện một tinh thần văn hóa chuyên chế nhất nguyên hóa cao độ. Thể chế đó nhuốm mùi nô dịch tư tưởng (quy định giải thích bình luận trước tác kinh điển một nhà theo khuôn mẫu nhất định) và thế tất đi đến chỗ hình thức hóa (diễn đạt và trình bày bằng văn tứ lục bát cổ).[5]

Ngô Kính Tử dường như sợ độc giả lí giải sai hình tượng nhân vật chính của hồi giáo đầu tiểu thuyết nên đã chốt lại hồi truyện bằng một câu đầy ý vị: “Buồn cười văn nhân học sĩ gần đây nói đến Vương Miện đều gọi là Vương Tham Quân (tên gọi đầy đủ của chức vụ có tính chất “tham mưu” này là “Tư nghị Tham Quân” - LTT). Rốt cục Vương Miện đâu có làm quan lấy một ngày! Thế nên mới xin bày tỏ một lượt” (hồi 1, tr.17; Bản dịch tr.48). Bề ngoài, tuồng như nhà tự sự chỉ là muốn nói với bạn đọc rằng ông ta muốn sửa lại một nhận thức sai nhầm về một nhân vật đang được truyền tụng (Vương Miện trong sử sách, giai thoại truyền thuyết…) và đó chính là lí do của việc trần thuật câu chuyện mào đầu cho cuốn truyện Nho Lâm. Thế nhưng gẫm kĩ, đây thực sự là một thủ pháp tu từ của tự sự - thủ pháp đó chạm thẳng vào điểm mấu chốt của hình tượng chủ đề: Vương Miện là câu chuyện của một người trốn chạy chính quyền chứ không phải là kẻ từ quan ở ẩn truyền thống. Trong tiểu thuyết đây là lần đầu tiên hình tượng người trần thuật bằng việc bộc lộ ngữ điệu “trò chuyện” trực tiếp với người đọc/nghe chuyện đã hiển hiện lên một tư thế tự sự nhất định.[6] Vậy mà tính từ lúc kết thúc hồi 1 cho đến hồi sau cùng của cuốn sách, không ở đâu mà ta thấy còn có lấy một ai nhắc đến Vương Miện dù chỉ một lần (trong lúc không ít kẻ cùng thế hệ Vương mãi về sau vẫn còn sống mãi trong thanh nghị thời đàm của sĩ nhân. Chẳng hạn chuyện Lưu Cơ cũng “đi thi văn bát cổ”, chuyện tàng trữ sách cấm của Cao Thanh Khâu,…). Gẫm cho kĩ, điều đó cũng chẳng có gì là khó hiểu. Bởi vì cứ như thực tế tự sự của hồi truyện, Vương Miện đúng phải là một kẻ không nên hoặc là rất ít khả năng được người đời biết đến (đọc Tam Quốc có người hỏi nếu Khổng Minh kia rốt cuộc rồng cuộn  Nam Trung thì thiên hạ ai người biết tiếng. Mà ngược lại cũng trong chốn thôn xã núi vắng hay phố nhỏ ngõ con có bao kẻ mãi mãi đã chỉ là “ẩn sĩ vô danh”?). Trong thời đại Vương, còn gì nổi tiếng hơn là được nhà vua ban chiếu chỉ vời ra làm quan và càng tiếng tăm hơn khi vị tân quan sau đó chả bao lâu vì thanh cao và buồn chán chính sự mà cáo quan về ẩn dật. Trần thuật của tiểu thuyết cho thấy trong trường hợp Vương Miện, điều rõ ràng là trước lúc sứ giả của triều đình tìm được tới nhà, Vương đã đào vong “mất tích” vào non xa rồi. Tiểu thuyết kể Hoàng đế sai quan mang chiếu thư đi mời Vương Miện. Viên quan đến chỗ ông lão hàng xóm để hỏi thăm nhà Vương Miện: “Già Tần mời trà xong dẫn viên quan đến nhà Vương Miện. Mở cửa vào thấy nhện giăng đầy nhà, rau dại mọc đầy lối đi, biết chủ đã đi tự lâu rồi”.

Cho nên nhại lời nhà tự sự cuối hồi 1 tiểu thuyết, chúng ta cũng có thể nói – buồn cười các nhà nghiên cứu cứ có dịp nhắc đến Vương Miện là nhất định cứ phải làm cho Vương được nổi tiếng vì ở ẩn là vì cớ gì? Có thể nói, ám ảnh sử truyện và thói quen nào đó trong tiếp nhận trần thuật đã khiến cho các nhà nghiên cứu trong một thời gian rất dài không tiếp cận được với vẻ đẹp thực sự của hình tượng Vương Miện trong Nho Lâm Ngoại Sử.

Điều cần thiết phải làm rõ là, Vương Miện trong tiểu thuyết Ngô Kính Tử không phải là một người lí tưởng chủ nghĩa. Vương không coi khinh sinh hoạt dân quê, Vương không đọc sách đi học để thay đổi thân phận (Mẹ Vương trước lúc chết trối cùng Vương: Nhớ lời di chúc: lấy vợ sinh con, giữa lấy mả mẹ, không được làm quan, ta chết mới nhắm mắt xuôi tay” – hồi 1, tr.12; Bản dịch tr.43). Hứng thú đối với hội họa buổi đầu khởi từ việc xúc động trước cảnh sắc thân quen bên mình, cảm thấy không vẽ vào tranh thì tiếc cho những vẻ đẹp đó (cảnh sen dưới hồ sau cơn giông ngoài đồng). Đến lúc có ý thức rèn luyện ngòi bút, đạt đến sự thừa nhận nhất định của người xem thì kiếm sống thêm bằng nghề vẽ. Như tính cách của Vương mà suy, nếu Vương không vẽ được tranh mà có người mộ tiếng hay chữ mời đi dạy học, chắc Vương cũng chẳng chối từ (như sau này ở các hồi giữa tiểu thuyết kể chuyện ông nghè Ngu Dục Đức vậy thôi. Ngu trước lúc hưởng đồng lương quèn của một chức học quan chủ yếu sống nhờ gõ đầu trẻ, thảo văn bia, tìm đất đặt mộ lấy tiền công nuôi nhà thế thôi).[7] Đối với Vương - sách vở, kiến thức, tranh hoa, cổ thi càng nên là những thứ để trau dồi con người, thỏa mãn sở thích tinh thần. Giá như không có những chuyện quan huyện Thời phiền nhiễu, cụ lớn Ngụy hạch họe đòi vẽ tranh, bắt phục vụ riêng; không có việc ban bố thể chế giáo dục thi cử bát cổ tha hóa của tân triều; không có chuyện chiếu vời ra “giúp nước” (vời suông thế thôi không thực nói rõ giao chức gì), Vương Miện chắc vẫn bình dị sống cuộc sống giữa ruộng vườn quê nhà của mình như cũ.

Tự sự của Ngô Kính Tử trong hồi giáo đầu này làm ta bất giác nghĩ rằng nếu Vương không biết vẽ, thậm chí mù chữ, vui kiếp thôn phu vô tri bần cùng thì đời anh ta còn có chuyện gì nữa đâu! Đến đây, thiết tưởng ta đã thấy được cái bi kịch thực sự, đơn giản đến độ không thể đơn giản hơn được nữa của Vương Miện chính là ở chỗ chỉ tại vì Vương muốn sống cuộc sống bình thường của một kẻ có ý thức mà không có thể. Không phải là cái thô tục của cuộc sống (chẳng hạn như lí giải của Hạ Chí Thanh[8]) – điều không chấp nhận được đối một kẻ đạo đức lí tưởng tuyệt đối, mà chính là cái phiền lụy bất khả kháng của quyền lực mới là căn nguyên của bi kịch Vương Miện.

Cho nên nói cho trúng, Vương Miện không phải là “trốn cõi tục” mà là chỉ muốn “tránh thế quyền”. Đó không phải là ẩn dật mà là đào vong. Theo quan điểm của chúng tôi, câu chuyện Vương Miện là chuyện lánh trốn chính quyền chứ không phải là chuyện ẩn dật truyền thống. Hồi truyện mở đầu tiểu thuyết này không phải là bài ca nhiệt thành đời sống ẩn dật mà là tiếng than dài cho mối quan hệ giữa chính quyền và trí thức – những kẻ thường vẫn được xem là tự giác hơn dân chúng trong ý thức về số phận mình trong buổi thay triều đổi đại, bãi bể nương dâu.

 Quan điểm này chính là kết quả của việc phân biệt cách đọc tiểu thuyết với cách đọc sử truyện. Quan điểm này đương nhiên cũng là kết của phân biệt cách đọc Nho Lâm Ngoại Sử với năm bộ tiểu thuyết nổi tiếng nhất của tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc, đặc biệt là với Tam Quốc, Tây Du, Thủy Hử. Tiếp cận bình dị, cận nhân tình theo một nhãn quan nói theo thuật ngữ hiện đại là hiện thực chủ nghĩa của tiểu thuyết gia đối với đối tượng trần thuật đã đưa lại những vẻ đẹp mới cho hình tượng nhân vật trung tâm của hồi truyện mở đầu cuốn tiểu thuyết hiện thực nhất của tiểu thuyết cổ điển Trung Hoa. Không hiểu được thực chất vẻ đẹp mới đó thì sẽ không hiểu được thực chất tư tưởng của hồi truyện cũng như chủ đề của toàn sách. Hy vọng sẽ có dịp trình bày trực diện chủ đề cuốn tiểu thuyết này theo cách hiểu của chúng tôi.

 Lê Thời Tân

Tài liệu tham khảo 

[1] 吳敬梓儒林外史新世界出版社  2001.

Ngô Kính Tử (2001), Nho Lâm Ngoại Sử, Tân Thế giới Xuất bản xã, Bắc Kinh

[2] Ngô Kính Tử (2001), Chuyện Làng Nho, Nxb.Văn Học, Hà Nội.

[3] 朱一玄《儒林外史资料汇编》 南开大学出版社 2003.

Chu Nhất Huyền (2003), Nho Lâm Ngoại Sử Tư liệu Hội biên, Nam Khai Đại học Xuất bản xã, Thiên Tân.

[4] 夏志清《中国古典小说史论》江西人民出版社 2001.

Hạ Chí Thanh (2001), Trung Quốc Cổ điển Tiểu thuyết Sử luận, Giang Tây Nhân dân Xuất bản xã.

[5] 黎时宾 泰伯大祭”的处理看《儒林外史》的叙策略 (Lê Thời Tân, Tùng “Thái Bá Đại Tế” đích xử lí khán Nho Lâm Ngoại Sử đích tự sự sách lược-Sách lược tự sự tiểu thuyết Nho Lâm Ngoại Sử nhìn từ màn “Thái Bá Đại Tế”)

南开大学学 (Nam Khai Đại Học Học Báo), Thiên Tân – Trung Quốc, số tháng 8/2004.

[6] Lê Thời Tân, “Cấu trúc thể loại tiểu thuyết Nho lâm Ngoại sử (Bản dịch tiếng Việt: Chuyện làng Nho), Tạp chí Khoa học (Journal of Science Các ngành Khoa học Xã hội Social Sciences), Đại học Vinh, tập 36, số 4B, 2007, tr.54-65

[7] Lê Thời Tân, “Kẹt giữa Đạo-thống và Thế-quyền – Thân phận của kẻ sỹ (Thức nhận trở lại chủ đề Nho lâm Ngoại Sử”, Tạp chí Văn hóa Nghệ An, số 200, 10/7/ 2011, tr.24-28.

 [15] Lê Thời Tân, “Từ kinh điển trang nghiêm đến tiểu thuyết hoạt kê – một cách đọc hiểu liên văn bản (Đọc hiểu Nho lâm Ngoại sử bằng từ khóa Luận Ngữ)”, Tạp chí Khoa học (Khoa học Xã hội&Nhân văn), Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh, số 52(86) tháng 11/2013, tr.88-96

 [8] Lê Thời Tân, “Hình tượng nhân vật mở đầu và mối liên hệ với chủ đề tác phẩm trong tiểu thuyết Nho Lâm Ngoại Sử”,  Tạp chí Khoa học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (Journal of Science of HNUE, Social Sci., 2013, Vol.58,  No.6, pp.32-38.), Tập 58, số 6, 2013, tr.32-38

 [9] Lê Thời Tân, Đọc Nho lâm Ngoại sử - Thức nhận lại chế độ khoa cử”, Tạp chí Nghiên cứu Ấn Độ và Châu Á (Vietnam Review of Indian and Asian Studies), Viện HLKHXHVN, số 8 (9), 8/2013, tr.61-65

 [10] Lê Thời Tân, “Thủ pháp tự sự mới về nhân vật của Nho lâm Ngoại sử và việc tái thức nhận chủ đề cuốn tiểu thuyết”, Tạp chí Khoa học Văn hóa&Du lịch, Trường Cao đẳng Văn hóa&Du lịch Sài Gòn, số 14 (68), tháng 11/2013, tr.88-98

 [11] Lê Thời Tân, “"Lộn trái" một hình tượng mở lối tìm hiểu tư tưởng chủ đề Nho lâm Ngoại sử”, Tạp chí Khoa học (Journal of Science) Trường Đại học Mở thành phố Hồ Chí Minh, số 1 (34) – 2014, tr.64-74

 [12] Lê Thời Tân, Hình tượng cuồng nho Đỗ Thiếu Khanh và chủ đề tác phẩm Nho Lâm Ngoại Sử (Trao đổi cùng nhà nghiên cứu Hạ Chí Thanh)”, Tạp chí Nghiên cứu Văn học, Viện Văn học-Viện Hàn Lâm KHXHVN, số 10, 10/2014, tr.107-113, ISSN 1859-2856



[1] Nguyên văn câu cuối đoạn: “Tuy nhiên như thử thuyết, Nguyên triều mạt niên, dã tằng xuất liễu nhất cá khâm kì lỗi lạc đích nhân”. Bản dịch Chuyện làng Nho không dịch từ “khâm kì”. Từ này tả dáng vẻ vòi vọi, sừng sừng, thường dùng ví với những người có nhân cách trác việt, siêu quần. Chúng tôi tạm dịch cả cụm “khâm kì lỗi lạc” thành “uy nghi lỗi lạc”.

[2] Tình tiết như sau: Chiếu thư thông báo “Bộ Lễ nghị định phép tắc thi cử tuyển hiền: Ba năm một kì (tức hương, hội, đình thí - LTT), dùng văn bát cổ thi Ngũ Kinh, Tứ Thư. Vương Miện chỉ cho già Tần nói: Phép thi này không hay rồi! Tương lai kẻ sĩ chỉ có mỗi đường vinh thân này, những là văn hóa, phẩm hạnh, lẽ xuất xử đều bị coi khinh” (hồi 1, tr.15; Bản dịch tr.46).

[3] Riêng nhân vật Trang Thiệu Quang (các hồi 35~37) cần phải được lí giải tích cực hơn nữa. Trường hợp “ẩn tại thị” này phải được phân tích như là một ca điển hình của chủ nghĩa cơ hội và thói “hương nguyện” trùm mền của trí thức sĩ nhân. Sách  lược tự sự thâm trầm, cao cường bề ngoài như tuồng ngợi ca mà thực chất là mỉa ngầm của tác giả tiểu thuyết đã đánh lừa đông đảo các nhà nghiên cứu trong suốt trường kì nghiên cứu chủ đề Nho Lâm Ngoại Sử nói chung, căt nghĩa hình tượng nhà nho này nói riêng.

[4] Tình tiết như sau: Minh Thái Tổ lên ngôi lập niên hiệu mới. Một hôm già Tần vào thành quay về cầm tờ bố cáo chuyện hoàng đế đày phát vãng một lưu thần đời Nguyên chỉ vì ông này lỡ mồm và chuyện ban bố thể chế khoa cử mới đưa cho Vượng Miện xem. Tối đến hai người ngồi uống rượu ngoài sân, Vương Miện chỉ cho già Tần thấy tượng ngôi sao tượng trưng cho hình luật đang phạm vào sao tượng trưng cho văn hóa và cho rằng đó là điềm báo hiệu “ác vận” của trí thức!

[5] Đương thời văn bát cổ đi thi còn được gọi là “kinh nghĩa”, “chế nghĩa”, “chế nghệ”, “thời văn”. Xem mấy từ đó đủ biết mùi vị hình thức chủ nghĩa của một quy chế văn hóa! Tất nhiên ta không thể đổ lỗi cho bản thân một thể văn thậm chí là cả chế độ khoa cử. Vấn đề là việc quy định dùng thể văn đó để làm bài thi viết đi viết lại những nội dung sẵn có trong hàng trăm năm quả đã trở thành một tai họa cho nền văn minh Trung Hoa suốt hai triều đại Minh Thanh. Trên một mức độ nào đó, cần phải so sánh khoa cử bát cổ tại Trung Quốc với đêm trường Trung cố ở Âu châu. Trách nhiệm đương nhiên thuộc về tối cao thống trị. Bởi vì nếu chính quyền không vì động cơ nhất nguyên hóa, sa vào kinh viện và giáo điều hóa học thuật thì bản thân một thể văn làm sao mà làm hỏng được văn hóa của cả một dân tộc. 

[6] Giọng giao lưu trực tiếp đó trở lại một lần cuối cùng trong tiểu thuyết vào cuối hồi áp chót lúc sắp giới thiệu màn chót của sân khấu tự sự Nho Lâm Ngoại Sử: "Bạn đọc, lẽ nào từ nay về sau lại không có lấy một hiền nhân quân tử nào có thể vào được Nho Lâm Ngoại Sử hay sao? Nhưng hiềm họ chưa từng liệt vào trong đợt biểu dương này của triều đình, nên tôi cũng thôi không nói thêm nữa. Rốt cuộc biểu dương kiểu gì, hẵng nghe hồi sau phân bua" (hồi 55, tr.589; Bản dịch tr.473).

[7] Có những nét tương đồng giữa nhân vật Vương Miện ở đầu sách và nhân vật Ngu Dục Đức quãng giữa sách. Nhiều người cho rằng Đỗ Thiếu Khanh là phân thân của Ngô Kính Tử. Chúng tôi thì lại cho rằng chính Vương Miện, Ngu Dục Đức mới là nhân vật lí tưởng của nhà văn. Khác nhau giữa Vương và Ngu có lẽ là ở chỗ trường hợp của Vương có tính cách đặc biệt hơn (đời loạn, gặp vua, trốn ẩn) còn trường hợp của Ngu thì cận nhân tình hơn, phổ thông hơn (nho nhân nuôi thân bằng dạy học, giữ nhân cách, gắng đường cử nghiệp, đậu làm chức quan nhàn, dạy con chữ nghĩa và nghề thuốc...).

[8] Hạ Chí Thanh nói: “Hình tượng Vương Miện mà Ngô Kính Tử miêu tả tự bản chất đã không thích cuộc sống nhập thế. Vương chỉ sợ tránh không kịp những cái thô tục. Thế nhưng, cuộc sống vốn không thể không bị dây bẩn bởi thô tục (kiếm sống thông qua cách này cách kia vốn là các hình thức chức nghiệp của cuộc sống thế tục) - một khi đã vậy thì nhân vật đã mang tính bi kịch” (Hsia Chih-tsing, The Classic Chinese Novel. Chúng tôi dẫn từ bản dịch tiếng Trung Trung Quốc cổ điển tiểu thuyết sử luận, Giang Tây nhân dân xuất bản xã, bản in năm 2001, tr.220). Xin nói rõ Hạ Chí Thanh trước sau giữ quan điểm cho rằng Ngô Kính Tử trong hồi 1 tiểu thuyết chủ yếu ca tụng chủ đề ẩn dật. Đọc kĩ hồi 1 Nho Lâm Ngoại Sử chúng tôi thấy cần phải lí giải bi kịch thực sự của Vương Miện theo một cách khác. 

Thông tin truy cập

63675527
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
19245
17595
63675527

Thành viên trực tuyến

Đang có 303 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website