Sơ lược lịch sử tiểu thuyết Trung Quốc hay là một lược sử văn xuôi tự sự Trung Quốc (Đọc lại Trung Quốc tiểu thuyết sử lược của Lỗ Tấn) 再讀鲁迅的《中國小說史略》

1.Nguyên khởi

Tác phẩm học thuật quan trọng nhất của Lỗ Tấn, cuốn sách góp phần đặt nền móng cho khoa văn học sử tại Trung Quốc – Trung Quốc tiểu thuyết sử lược (中 國 小 說 史 略 Zhongguo xiaoshuo shilue)[1] đã có  bản dịch tiếng Việt Sơ lược lịch sử tiểu thuyết Trung Quốc (Lương Duy Tâm dịch, Nxb.Văn hóa, Hà Nội, 1996; Nxb.ĐHQGHN, 2000). Độc giả Việt ngữ chỉ cần lướt qua một lượt mục lục cuốn sách là đã đủ thấy cách gọi (sơ lược) lịch sử tiểu thuyết trong nhan đề bản dịch là không phù hợp với thực tế nội dung cuốn sách. Vấn đề dường như không chỉ còn gói gọn trong câu chuyện dịch thuật. Thực tế thì ngay từ những ngày đầu Lỗ Tấn được giới thiệu ở Việt Nam, độc giả đã được chứng kiến tình trạng không dứt khoát rạch ròi về mặt sử dụng thuật ngữ “tiểu thuyết” trong thực tế dịch thuật và bàn luận về tác phẩm của văn hào này. Phan Khôi là một ví dụ. Đọc một đoạn trong bài Đời sống và sự nghiệp văn học của Lỗ Tấn đủ thấy Phan Khôi không chú ý lắm tới cách dùng thuật ngữ “tiểu thuyết” theo cách hiểu của người Trung Quốc trong phân biệt với cách hiểu của người Việt Nam: “Về tạp văn, tôi sẽ nói ở hai đoạn sau, ở đây xin nói về tiểu thuyết  của ông. Kể về lượng thì tiểu thuyết Lỗ Tấn không nhiều bằng tạp văn, nhưng kể về phẩm thì hai thứ ngang nhau, tiểu thuyết cũng có cái đặc sắc của tiểu thuyết. Trọng yếu nhất là hai truyện ngắn Nhật ký người điênA Q. chính truyện”. Giới thiệu của ông về cuốn Trung Quốc tiểu thuyết sử lược cũng phản ánh điều đó:  “Như bộ Trung Quốc tiểu thuyết sử lược, liệt kê những tiểu thuyết cổ từ đời Hán đến đời Thanh, tóm tắt nội dung, thêm lời luận đoán gọn mà rõ, người đọc có thể do đó tìm thấy cái vết phát triển và tiến bộ của tiểu thuyết (người dẫn nhấn mạnh bằng in đậm-LTT) Trung Quốc”.[2] Có thể nói trong tình hình tiếng Việt có phân biệt tiểu thuyết với truyện ngắntruyện vừa, việc không chú ý đó gây ảnh hưởng tiêu cực cho nhận thức vấn đề thể tài tự sự trong văn học Trung Quốc cũng như trong văn học Việt Nam.

Thực ra, cũng giống như tại Việt Nam, tiếp xúc văn học phương Tây ở Trung Quốc đầu thế kỉ XX làm nảy sinh nhu cầu phải có tên gọi cho thể loại tự sự trường thiên phân hoặc không phân chương trong văn học Âu Mĩ. Hai chữ “tiểu thuyết” vốn có từ xa xưa trong ngôn ngữ Hán bắt đầu được đưa ra dùng lại trong một hệ thống thuật ngữ văn học mới phục vụ cho việc thống nhất tên gọi các thể loại văn xuôi tự sự hư cấu vừa xuất hiện: đoản thiên tiểu thuyết, trung thiên tiểu thuyếttrường thiên tiểu thuyết (câu chuyện cũng tương tự như việc vào đầu thế kỉ trước người Trung Quốc ghép chữ “triết” và “học” hay các chữ “kinh” “tế” vốn có để tạo tên gọi bộ môn triết học và kinh tế vậy). Vậy là thay cho những là truyền kì, chí nhân, chí quái, chí dị xa xưa – văn học hiện đại Trung Quốc bắt có truyện ngắn; thay cho thoại bản, thuyết thư, chương hồi, diễn nghĩa – văn học hiện đại Trung Quốc có tiểu thuyết đánh số thứ tự các chương bằng con số hoặc đơn giản chỉ cách các trường đoạn văn bản tự sự bằng một số kí hiệu văn bản (ba dấu hoa thị chẳng hạn) nhất định. Hệ thống thuật ngữ đoản thiên tiểu thuyết, trung thiên tiểu thuyếttrường thiên tiểu thuyết chính là chỉ ba thể loại tự sự mà tiếng Việt gọi bằng các từ truyện ngắn, truyện vừatiểu thuyết. Trong lúc từ tiểu thuyết của tiếng Việt chuyên chỉ thể loại tự sự trường thiên thì trong tiếng Trung khi dùng độc lập không kèm các định ngữ đoản-trung-trường thiên thì thường chỉ chung các văn bản tự sự hư cấu hoặc nói sáng tác truyện nói chung. Bản thân Lỗ Tấn cũng dùng từ “tiểu thuyết” hiểu theo nghĩa như thế trong toàn bộ công trình nhan đề Trung Quốc tiểu thuyết sử lược hay Trung Quốc tiểu thuyết đích lịch sử đích biên thiên.[3] Như vậy cụm từ “Trung Quốc tiểu thuyết” trong nhan đề tác phẩm của Lỗ Tấn cần được hiểu là chỉ (các dạng thức, dòng phái) văn xuôi tự sự (cổ-trung đại) Trung Quốc. Đó cũng là lí do vì sao chúng tôi lại gọi công trình học thuật này của Lỗ Tấn là “lược sử văn xuôi tự sự Trung Quốc” hoặc “tác phẩm văn học sử văn xuôi tự sự của Trung Quốc” trong suốt bài viết này.

2.1. Trung Quốc tiểu thuyết sử lược – Tác phẩm văn học sử văn xuôi tự sự đầu tiên của Trung Quốc

          Trung Quốc cận đại đồng thời với việc tiếp thu văn minh phương Tây mới bắt đầu “nhập khẩu” khái niệm văn học sử. Mấy chữ “văn học sử” (“history of literature” “wenxueshi”), bắt đầu xuất hiện trong chương trình nhà trường Tây học tại Trung Quốc những năm đầu thế kỉ XX. Theo gương Nhật Bản duy tân, năm 1900, Trung Quốc ban bố “Khâm định Kinh sư Đại học đường chương trình” dự tính mở các nghành học chính trị, văn học, cách trí (tức vật lí, hoá học…), nông nghiệp, thương vụ, y học tại Kinh sư Đại học đường (tiền thân của Bắc Kinh Đại học). Từ đó văn học sử trở thành một môn của khoa văn học dạy-học ở bậc đại học.

Nhưng phải đến 1904, văn khoa đại học Trung Quốc mới có thể xem là đã có bộ giáo trình văn học sử riêng. Đó chính là cuốn Trung Quốc văn học sử (Zhongguo wenxueshi) do Lâm Truyền Giáp (1877-1921; Kinh sư Đại học đường) và Hoàng Nhân (Đông Ngô Đại học) biên soạn dưới ảnh hưởng của các bộ lịch sử văn học Trung Quốc của học giả ngoại quốc. Lâm Truyền Giáp bắt đầu giảng Trung Quốc văn học sử tại Kinh sư Đại học đường từ năm 1904. Đến 1910 (năm thứ hai niên hiệu Tuyên Thống) Võ Lâm Mưu Tân Thất cho sắp chữ và chính thức phát hành sách của Lâm Truyền Giáp. Đây được xem là công trình văn học sử Trung Quốc đầu tiên của Trung Quốc. Lâm soạn Trung Quốc văn học sử dưới ảnh hưởng trực tiếp của bộ Chi Na lịch triều văn học sử (Shina Bungaku-shi, xuất bản năm 1898) của người Nhật Sasagawa Rinpu (Thế Xuyên Chủng Lang, 1870-1949). Trong Lời đầu sách, Lâm nói rõ ý định mô phỏng cách làm của Thế Xuyên Chủng Lang. Thế nhưng so ra hai sách không giống nhau. Thế Xuyên bao quát toàn bộ các thể từ thơ, từ, phú, hí khúc cho đến tiểu thuyết. Các tác phẩm lớn như Tam Quốc diễn nghĩa, Tây sương kí, Tì bà kí, Tây du kí, Kim Bình Mai, Hồng lâu mộng đều có giới thiệu riêng. Trong lúc sách của Lâm vẫn bộc lộ quan điểm văn chương truyền thống – chỉ chấp nhận thi văn chính thống, bài bác hí khúc và tiểu thuyết. Lâm cho rằng đưa hí khúc, tiểu thuyết vào lịch sử văn học – “thức kiến đó thấp kém, không khác gì với cách nhìn của giới hạ đẳng trong xã hội Trung Quốc”. Chi Na lịch triều văn học sử được Thượng Hải Trung Tây thư cục dịch ra Trung văn xuất bản rất sớm (1904, tức năm thứ 29 đời Quang Tự) khiến cho phần đông học giả Trung Quốc cho rằng đây là công trình văn học sử Trung Quốc sớm nhất của người nước ngoài. Thực ra ngay từ 1897 (năm thứ 30 niên hiệu Minh Trị) tại Nhật đã xuất bản cuốn Shina Bungaku-shi (Chi Na văn học sử) của tác giả Kojo Teikichi (Cổ Thành Trinh Cát, 1866-1949). Shina Bungaku-shi của Kojo Teikichi mãi đến 1913 mới được dịch sang tiếng Trung và xuất bản với nhan đề Trung Quốc ngũ thiên niên văn học sử. Đây sẽ được xem là công trình văn học sử Trung Quốc đầu tiên trên thế giới nếu không tính đến công trình A History of Chinese Literature của học giả Anh Herbert Allen Giles (1845-1935). H.Giles là nhà Hán học, giáo sư Đại học Cambridge. Ông là người dịch Trang Tử, Liêu Trai chí dị ra tiếng Anh. Các công trình liên quan đến Trung Quốc của ông có Chinese-English Dictionary (Hoa Anh Từ điển), A Chinese Biographical Dictionary, The Civilization of China (Văn minh Trung Hoa), An Introduction to the History of Chinese Picturial Art (Dẫn luận lịch sử nghệ thuật hội hoạ Trung Quốc). Trước lúc được công ti William Heinemann in độc lập thành sách riêng (448 trang) năm 1900, A History of Chinese Literature đã được in làm quyển thứ 10 trong bộ Short Histories of the Literature of the World (Thế giới văn học giản sử tùng thư) do Edmund W.Gosse chủ biên xuất bản năm 1897 tại Luân Đôn. Sách này được xuất bản ở Mĩ từ 1909 và mãi đến 1973 vẫn còn được tái bản. Đồng thời với việc trình bày lịch sử văn học Trung Quốc một cách hệ thống và khái quát, H.Giles cho cho in các phiến đoạn trích dịch tiểu thuyết cổ điển và hí khúc Trung Quốc kèm theo. Sau H.Giles, năm 1902 học giả Đức W.Grube (1855-1908) cũng cho xuất bản tại Leipzig một bộ Lịch sử văn học Trung Quốc. H.Giles tin tưởng công trình Trung Quốc văn học sử của mình là cuốn lịch sử văn học Trung Quốc đầu tiên trên thế giới mà không biết rằng từ đầu thập niên 80 thế kỉ XIX, học giả Nga V.P.Vacilbev (1818-1900) đã soạn xong cuốn Trung Quốc văn học giản sử cương yếu. V.Vacilbev sau khi tốt nghiệp Đông phương học ở Nga đã theo sứ đoàn truyền giáo sang Trung Quốc. Sau mười năm ở Trung Quốc (1840 đến 1850), ông về Nga rồi soạn lịch sử văn học Trung Quốc giới thiệu các thành tựu văn học Trung Hoa từ Kinh thi, Hán phú, Đường thi, Tống từ cho đến Hồng lâu mộng, Kim Bình Mai, Liêu Trai chí dị và hí kịch Tây sương kí với độc giả Nga.

          Như vậy có thể sắp xếp theo thứ tự thời gian những bộ văn học sử Trung Quốc đầu tiên trong lịch sử văn học thế giới theo trật tự sau: Trung Quốc văn học giản sử cương yếu của V.Vacilbev (1880), Chi na văn học sử của Kojo Teikichi (1897) và Trung Quốc văn học sử của H.A.Giles (1897), Chi Na lịch triều văn học sử của Sasagawa Rinpu (1898), Lịch sử văn học Trung Quốc của  W.Grube (1902), Trung Quốc văn học sử  của Lâm Truyền Giáp (1904). Kể từ đó cho đến khi Lỗ Tấn viết Trung Quốc tiểu thuyết sử lược còn có thể kể đến Trung Quốc đại văn học sử của Tạ Vô Lượng (1918). Trong tổng số 63 chương, Tạ Vô Lượng chỉ dành cho tiểu thuyết có bốn chương. Tình hình quả đúng như nhận xét của Lỗ Tấn khi ông quyết định viết riêng cho tiểu thuyết Trung Quốc riêng một cuốn sử (nguyên văn “Trung Quốc tiểu thuyết chuyên sử”): “Cho đến nay vẫn chưa có một bộ thông sử cho văn tự sự Trung Quốc. Có chăng, thì trước tiên phải xem trong các bộ Trung Quốc văn học sử của người nước ngoài. Sau đó trong một số sách của người Trung Quốc soạn cũng có viết về lịch sử tiểu thuyết, vậy mà cả sách mười phần thì phần nói về lịch sử thể đó không đến một” (Xem Trung Quốc tiểu thuyết sử lược, Lời Tựa-Tự Ngôn).

2.2. “Trung Quốc tiểu thuyết sử lược” – quá trình trước tác và xuất bản    

             Trung Quốc tiểu thuyết sử lược – “Lược sử văn xuôi tự sự Trung Quốc” là bộ sách văn học sử văn xuôi tự sự đầu tiên của Trung Quốc, một mốc học thuật lớn của văn học Trung Quốc thế kỉ XX. Tác phẩm này cùng với Tống Nguyên hí khúc sử (Vương Quốc Duy), Bạch thoại văn học sử (Hồ Thích), Trung Quốc thi sử (Lục Khản Như) tạo thành một tứ đại danh tác trong học thuật Trung Hoa thời Ngũ Tứ. Tác giả của Bạch thoại văn học sử khen ngợi sách của Lỗ Tấn là “công trình khai sơn phá thạch” cho khoa văn học sử của Trung Quốc. Công trình của Lỗ Tấn ban đầu vốn là tập các bài giảng về lịch sử văn xuôi tự sự cổ-trung đại Trung Quốc (bản in thô phổ biến nội bộ nhan đề Trung Quốc tiểu thuyết sử đại lược) cho sinh viên văn khoa các trường Bắc Kinh Đại học, Bắc Kinh Sư phạm Đại học và Đại học Sư phạm Nữ sinh Bắc Kinh. Như ta đã biết, từ tháng 8/1920 Lỗ Tấn soạn bài giảng lên lớp môn tiểu thuyết sử cho sinh viên văn khoa. Bảo tàng hiện còn lưu giữ được hai tập bài giảng này. Một tập là bản in đầu đề “Tiểu thuyết sử đại lược”, tập kia là bản sắp in chữ rời đề “Trung Quốc tiểu thuyết sử đại lược”. Bắt đầu từ tháng 12/1923 đến tháng 6/1924, nhà xuất bản Tân Triều (Đại học Bắc Kinh) chính thức xuất bản thành sách hai tập dưới nhan đề Trung Quốc tiểu thuyết sử lược, nhưng mới chỉ in được tập thượng 15 chương. Tập hạ 13 chương bản thảo viết xong lần đầu vào tháng 12/1923 và được hoàn chỉnh vào ngày 4/3/1924 mới hoàn chỉnh. Lời ghi sau sách (Hậu kí) đề ngày 3/3/1924 có thể được viết trong thời gian này. Tập hạ mãi đến 6/1924 mới in xong. Trung Quốc tiểu thuyết sử lược vốn định gộp hai tập đó thành một quyển xuất bản vào tháng 9/1925 nhưng do nhà xuất bản Tân Triều giải tán nên để Bắc Tân thư cục xuất bản. Từ đó về sau các đợt in lại Trung Quốc tiểu thuyết sử lược đều do Bắc Tân thư cục đảm trách. Trung Quốc tiểu thuyết sử lược bản in năm 1931 là bản được chính tác giả giả sữa chữa lần thứ nhất. Đến tháng 6 năm 1935 Lỗ Tấn hiệu đính lần cuối cùng để xuất bản bản in lần thứ 10. Bản in lần thứ 10 này trở thành bản gốc cho việc xuất bản sách này trong suốt thời gian về sau. Thư viện Quốc gia (Đài Loan) hiện còn tàng bản Trung Quốc tiểu thuyết sử lược do Trùng Khánh tác gia thư ốc ấn hành năm 1943 trong thời gian kháng chiến chống Nhật.

          Trung Quốc tiểu thuyết sử lược gồm 28 chương, miêu thuật diễn trình văn xuôi tự sự Trung Quốc từ ngọn nguồn thần thoại truyền thuyết thượng cổ qua chí nhân chí quái Lục Triều, Đường truyền kì cho đến tiểu thuyết chương hồi Minh Thanh. Riêng phần phụ lục Trung Quốc tiểu thuyết đích lịch sử đích biến thiên là bài giảng trong đợt lên dạy ở Diên An tháng 7/1924.[4] Trên thực tế bài giảng này chưa từng in trong bất cứ sách nào mà Lỗ Tấn cho xuất bản lúc sinh thời. Ngay cả trong Toàn tập Lỗ Tấn xuất bản ở Thượng Hải ngay sau lúc ông mất cũng chưa có công trình này. Mãi đến năm 1957, số đầu tiên của tạp chí Thu hoạch xuất bản tại Thượng Hải mới giới thiệu với đông đảo độc giả toàn văn Trung Quốc tiểu thuyết đích lịch sử đích biến thiên. Ngày nay công trình này đã trở thành phụ lục thứ nhất của sách Trung Quốc tiểu thuyết sử lược, trong lúc phần Hán văn học sử cương thì được đưa vào làm phụ lục thứ hai. Trung Quốc tiểu thuyết đích lịch sử đích biến thiên gồm sáu bài giảng sắp xếp theo trình tự như sau:

Bài giảng I: Từ thần thoại đến truyện thần tiên

Bài giảng II: Chí quái và chí nhân thời Lục Triều

Bài giảng III: Truyền kì đời Đường

Bài giảng IV: Thuyết thoại đời Tống và ảnh hưởng của nó

Bài giảng V: Hai trào lưu chính của tiểu thuyết đời Minh

Bài giảng VI: Bốn dòng phái trong tiểu thuyết đời Thanh

        Mục lục trên cho ta thấy tập bài giảng này trên thực tế là đề cương cơ bản của cả sách Trung Quốc tiểu thuyết sử lược.

        Phụ lục thứ hai trong các bản in Trung Quốc tiểu thuyết sử lược ngày nay nhan đề Hán văn học sử cương trên thực tế là bài giảng “Trung Quốc văn học sử” của Lỗ Tấn tại Đại học Hạ Môn năm 1926. Sau đó khi xuống Đại học Trung Sơn (Quảng Châu) ông sửa lại tên gọi là “Cổ đại Hán văn học sử cương yếu”. Mười năm sau bài giảng này được in trong Lỗ Tấn Toàn tập dưới nhan đề Hán văn học sử cương yếu.

        Việc biên soạn bộ “Lược sử văn xuôi tự sự Trung Quốc” – Trung Quốc tiểu thuyết sử lược đối diện với một khối lượng tư liệu khổng lồ. Riêng việc sưu tầm, hiệu khảo, chỉnh lí nguồn tư liệu đã đòi hỏi một học vấn uyên bác. Công trình  không thể hoàn thành nhanh như vậy nếu không có các bước chuẩn bị từ trước của chính tác giả. Ngày nay giới nghiên cứu phần đa nhất trí cho rằng Trung Quốc tiểu thuyết sử lược hình thành trên cơ sở các công trình Cổ tiểu thuyết câu trầm (xuất bản lần đầu năm 1938 tại Thượng Hải), Đường Tống truyền kì tập (tập I xuất bản tháng 12/1927, tập II xuất bản tháng 2/1928 cũng tại Thượng Hải) và Tiểu thuyết cựu văn sao (xuất bản lần đầu tháng 8/1926 tại Bắc Kinh, tái bản năm 1935 tại Thượng Hải). Ngay từ 1912, Lỗ Tấn đã sưu biên, hiệu đối được 36 sau tài liệu văn xuôi tự sự cổ từ Hán đến Tuỳ. Các văn bản tư liệu (thuật ngữ gọi là kí, truyện, chí, lục, chí quái, chí nhân, ngữ, thuyết) này được lọc chọn ra từ các bộ tổng biên lớn như Thái Bình ngự lãm, Thái Bình quảng kí, Văn Nghệ loại tập, Bắc Đường thư sao, Pháp uyển châu lâm. Lỗ Tấn bỏ công hiệu đính, khảo cứu tập hợp thành công trình Cổ tiểu thuyết câu trầm. Các tài liệu của công trình này được dùng cho các chương 3, 4, 5, 6, 7 trong Trung Quốc tiểu thuyết sử lược. Song song với việc giảng bài tại các đại học, Lỗ Tấn soạn Đường Tống truyền kì tập. Công việc chỉnh lí, khảo cứu, đính chính các trung-đoản thiên văn xuôi gọi là truyền kì Đường Tống này là cơ sở căn bản để ông viết các chương 8, 9, 10, 11 trong Trung Quốc tiểu thuyết sử lược. Sử liệu văn xuôi tự sự chính trong văn học từ Tống đến Thanh (khoảng 41 loại gồm các văn bản gọi là thoại bản, giảng sử, truyện thần ma, công án, tiểu thuyết chương hồi) được biên soạn thành cuốn Tiểu thuyết cựu văn sao đã trở thành tư liệu phục vụ cho việc soạn 16 chương còn lại của bộ Trung Quốc tiểu thuyết sử lược. Thư mục tài liệu tham khảo 70 đầu sách trong Tiểu thuyết cựu văn sao chỉ rõ sức đọc và nguồn tài liệu được bao quát của Lỗ Tấn lớn đến mức nào. Đó là lí do vì sao một số bản in Trung Quốc tiểu thuyết sử lược của một số nhà xuất bản tại Trung Quốc đã đem thêm một loạt các bài tựa, tiểu dẫn, hiệu đính, tiểu luận… mà Lỗ Tấn viết cho mỗi lần công bố các công trình sưu biên, khảo cứu văn xuôi tự sự Trung Quốc vào phần Phụ Lục của Trung Quốc tiểu thuyết sử lược. Và như vậy là ngoài Trung Quốc tiểu thuyết đích lịch sử đích biến thiênHán văn học sử cương độc giả sẽ đọc thấy trong phần Phụ lục của một số bản in Trung Quốc tiểu thuyết sử lược các bài như bài tựa cho Cổ tiểu thuyết câu trầm, bài viết “Văn xuôi tự sự Lục Triều và truyền kì đời Đường khác biệt nhau chỗ nào”, “Thư từ của Lỗ Tấn trao đổi về văn xuôi tự sự Trung Quốc thời cổ”,…

Trung Quốc tiểu thuyết sử lược cho ta một hình dung chung về bức tranh văn xuôi tự sự cổ-trung đại Trung Quốc. Trật tự các chương vạch dần các chặng trên con đường xuyên suốt hơn hai thiên niên kỉ của tự sự truyện kể Trung Hoa dưới các dạng thức đặc trưng. Ngoài cống hiến to lớn về khảo cứu, sưu biên và chỉnh lí tư liệu, Trung Quốc tiểu thuyết sử lược cũng là một mẫu mực về việc vận dụng các phương pháp nghiên cứu khoa học vào trong khoa văn học sử, bộc lộ một nhãn quan lớn về lịch sử văn chương ngang tầm với học thuật thời đại. Đại đa số các học giả lớn của Trung Hoa đều ca ngợi công lao mở đường cũng như cống hiến học thuật của công trình này. Cuốn sách được viết bằng một thứ văn ngôn bác học súc tích, lão luyện. Đánh giá, bình thuật của tác giả đối các tác phẩm tự sự  trong quá khứ nhìn chung công bình, chừng mực. Rất nhiều tổng kết, bình luận trong đó cho đến nay vẫn nguyên vẹn ý nghĩa học thuật và giá trị nghiên cứu. Sách được trích dẫn rất rộng rãi và trở thành tài liệu tham khảo cơ bản của văn khoa tại Trung Quốc.

          Từ sau 1949, Trung Quốc tiểu thuyết sử lược được xuất bản trở đi trở lại nhiều lần bởi rất nhiều nhà xuất bản ở cả Đại Lục lẫn Đài Loan, Hương Cảng. Các bản in ngoài việc in đủ 28 chương phân biệt với nhau chủ yếu ở việc in hay không in thêm các lời Tựa, Lời nói đầu và mức độ ít nhiều của các văn bản trong phần Phụ Lục cho cuốn sách. Thông thường các bản in chỉ giữ cấu trúc: Trước Chương 1 có bài Đề Kí (1930), Tự Ngôn (1923), sau Chương 28 có bài Hậu Kí và phần Phụ Lục. Có bản in chỉ phụ lục cho sách bằng hai bản “Trung Quốc tiểu thuyết đích lịch sử đích biến thiên” và Hán văn học sử cương, cũng có bản in đem thêm nhiều văn bản tài liệu khác vào Phụ Lục cuốn sách. Sách cũng đã được dịch ra tiếng Anh, tiếng Đức và tiếng Nhật. Bản dịch tiếng Nhật sớm nhất Trung Quốc tiểu thuyết sử lược là bản của Wataru Masuda (Tăng Điền Thiệp 1903-1977) Chi Na tiểu thuyết sử  Nhật Bản trực tiếp trao đổi cùng Lỗ Tấn trong quá trình dịch. Bản tiếng Nhật này xuất bản tháng 7/1935 sau bản in tiếng Trung mà Lỗ Tấn sửa lại lần chót tháng 6/1935. Ngày 9/6/1935 Lỗ Tấn có viết  bằng tiếng Nhật bài viết Nói chuyện cùng độc giả bản dịch tiếng Nhật cuốn “Trung Quốc tiểu thuyết sử lược”. Bản dịch tiếng Nhật đã in bài viết của Lỗ Tấn lên đầu sách. (Bản dịch tiếng Anh Trung Quốc tiểu thuyết sử lược lại đem bài này vào trong phần Appendices dưới nhan đề Preface to the Japanese Edition). Về sau Lỗ Tấn lại tự dịch bài này sang tiếng Trung và in vào trong Thả giới đình tạp văn nhị tập dưới nhan đề Tựa cho bản dịch tiếng Nhật cuốn Trung Quốc tiểu thuyết sử lược. Trung Quốc tiểu thuyết sử lược cũng có bản dịch tiếng Anh (Lu Hsun, A brief history of Chinese fiction, Foreign Languages Press, 1959) và bản dịch tiếng Đức (Lu Hsün, Kurze Geschichte der chinesischen Romandichtung, Deutsche EA.Peking, Verlag für Fremdsprachige Literatur, 1981).

  1. Thay lời kết

Trung Quốc tiểu thuyết sử lược hiện diện và tồn tại trong lịch sử văn học cho đến nay đã có một quá trình gần thế kỉ. Mấy nghìn năm tự sự truyện kể của dân tộc được Lỗ Tấn lần đầu tiên phác họa cho một “sử lược”. Rồi một thế kỉ đã trôi qua, thời gian cũng đã đủ để cho các nhà nghiên cứu văn học sử Trung Quốc và quốc tế phác họa cho quá trình trước tác, xuất bản và dịch thuật của cuốn “sử lược” này (nhất là khi nó được giới thiệu lần đầu vào trong một cộng đồng ngôn ngữ văn hóa khác) một “lược sử”. Chúng ta tin tưởng rằng việc tác phẩm học thuật quan trọng nhất của Lỗ Tấn có bản dịch hoàn chỉnh và xuất bản ở Việt Nam cũng là sự kiện quan trọng  trong lịch sử nghiên cứu văn học nước nhà nói riêng, lịch sử giao lưu văn hóa Việt Trung nói chung. Bài viết nhỏ này chẳng qua cũng là được gợi ý từ một ý thức như thế. Hi vọng ngày càng có nhiều bạn đọc tiếp xúc với Trung Quốc tiểu thuyết sử lược (Lược sử văn xuôi tự sự Trung Quốc) của Lỗ Tấn nhờ vào việc tái bản bản dịch cũ và xuất bản bản dịch mới.

Hà Nội, 2010


Chú thích:

[1] Để độc giả có được hình dung chung về cuốn sách này, người viết xin dịch kèm bài viết này một số văn bản in trong sách Trung Quốc Tiểu thuyết Sử lược gồm: Lời Đề 題記 (1930), Lời Tựa 序言 (1923), Diễn biến Lịch sử Văn xuôi Tự sự Trung Quốc 附錄《中國小說 的歷史的變遷》và Lời ghi sau sách 後 記 (1924).

[2] Xem Đời sống và sự nghiệp văn học của Lỗ Tấn, tập hợp ở Phan Khôi – Viết và Dịch của Lại Nguyên Ân.

[3] Đương nhiên vấn đề không chỉ tồn tại trong chuyển dịch Hán Việt và Việt Hán. Trong giao lưu văn hóa giữa Trung Quốc và Âu Mĩ, không phải lúc nào cũng phân biệt được rành rọt và tìm được thuật ngữ đối ứng hoàn toàn với các thể tài tự sự văn xuôi cổ Trung Hoa từ một loạt các tên gọi  roman, fictionnovel. Bản dịch Trung Quốc tiểu thuyết sử lược ra tiếng Anh A brief history of Chinese fiction (Foreign Languages Press Ngoại Văn xuất bản xã) trong đầu đề sách dùng từ “fiction” trong khi các chương cụ thể khi chỉ các thể tài chí quái (Lục Triều), truyền kì (Đường), thoại bản (Tống), giảng sử (Nguyên-Minh), tiểu thuyết chương hồi Minh-Thanh thì lần lượt dịch thành Tales of the Supernatural (in the Six Dynasties), (The Tang Dynasty) Prose Romances, Story-Tellers’ Prompt-Books (of the Sung Dynasty), Historical Romances (of the Yuan and Ming Dynasties). Và đến tiểu thuyết chương hồi Minh-Thanh thì bắt đầu dùng từ Novel.

Bên cạnh đó cũng phải thấy  một điều là, trong Trung Quốc tiểu thuyết sử lược khi viết về (các thể) văn xuôi tự sự từ đầu Minh trở về trước, Lỗ Tấn vẫn dùng các tên gọi truyền thống sẵn có như chí quái, truyền kì, giảng sử, thoại bản. Nhưng khi viết về các dòng phái tự sự trường thiên từ Minh đến Thanh, ông lại tự phân định thành các tên gọi tiểu thuyết thần ma, tiểu thuyết nhân tình, tiểu thuyết phúng thích, tiểu thuyết khiển trách, tiểu thuyết nghĩa hiệp và không còn chú ý đặc biệt tới những chữ gắn liền với tên những bộ trường thiên chương hồi tiểu thuyết đại diện cho các dòng phái tự sự đó như (Tây Du), diễn nghĩa (Tam Quốc), truyện (Thủy Hử), ngoại sử (Nho Lâm). Câu chuyện cũng tương tự như khi ta phải giới thiệu các thể loại như ngâm khúc hay hoặc chèo của ta sang cho phương Tây vậy.     

[4] Khi đó Diên An là chiến khu của Đảng Cộng sản Trung Quốc.


PHỤ LỤC Dẫn dịch một số văn bản của sách Trung Quốc tiểu thuyết sử lược

(gồm Lời Đề, Lời Tựa, Diễn biến Lịch sử Văn xuôi Tự sự Trung Quốc Lời ghi sau sách)

 Lời Đề(1)            Nhớ hồi giảng về tiểu thuyết đến nay cũng đã ngót chục năm trời.(2) Ngay như việc in tập sách sơ lược này cũng đã là chuyện bảy năm về trước.(3) Từ  đó đến nay, không khí học thuật nghiên cứu ngày càng mạnh mẽ, nhiều vấn đề khuất lấp mơ hồ cũng thường được phát hiện soi sáng. Như việc phát hiện và khảo cứu bản khắc in đời Nguyên Toàn tướng bình thoại(4) và bộ ba truyện ngắn đời Minh Tam Ngôn(5) của  giáo sư Diêm Cốc Ôn(6) quả là một việc trọng đại trong lịch sử nghiên cứu tiểu thuyết Trung Quốc. Chính tại Trung Quốc cũng thường có người(7) từng nói nên có một bộ lịch sử tiểu thuyết phân chia theo triều đại. Đó  quyết không phải là ý phù phiếm hời hợt. Quyển lược thảo này sớm đã lỗi thời, chỉ là vì chưa có sách mới nào khác nên vẫn còn có người đọc đến mà thôi. Nay đem in lại, lí nên phải có sự thay đổi. Vậy mà từ độ bôn ba(8) đến nay, việc viết lách nghiên cứu bỏ bê, những thứ từng viết giờ như mây khói. Thế nên, chỉ sửa đổi được một ít các chương XIV, XV cho chí chương XXI, còn lại không có ý gì mới, đa phần đành để  như  cũ. Đỉnh lớn thì đúc lâu mà vại sành thì lại đã cũ(9), tuy lần lữa rốn dùng mà trong lòng rất ảm đạm. Sách sửa rồi thấy người buồn bã, thành thực trông đợi trước tác của bậc tài hiền về sau.                                                          Ngày 25/11/1930, Lỗ Tấn cẩn đề

Chú thích của người dịch

(1) Đây là Lời đề nhân lần sữa chữa cho lần tái bản cuốn sách năm 1931.

(2) Lỗ Tấn nhắc đến quãng thời gian dạy lịch sử tiểu thuyết Trung Quốc tại Bắc Kinh Đại học, Bắc Kinh Sư phạm Đại học… những năm 1920.

(3) Trung Quốc tiểu thuyết sử lược chính thức xuất bản thành sách năm 1923 (Bắc Kinh Đại học-Tân Triều xuất bản xã).

(4) Tức bộ Toàn tướng bình thoại ngũ chủng bao gồm Vũ Vương phạt Trụ thư, Thất quốc Xuân Thu hậu tập bình thoại, Tần bính lục quốc bình thoại, Tiền Hán thư tục bình thoại Tam quốc chí bình thoại. Đây là bộ thoại bản giảng sử đời Nguyên. Tàng bản tại Nhật Bản Đông Kinh nội các văn khố.

(5) Gọi chung 3 tập truyền kì (tổng cộng 120 đoản thiên tiểu thuyết) đời Minh: Dụ thế minh ngôn, Cảnh thế thông ngônTỉnh thế hằng ngôn của tác giả Phùng Mộng Long

(6) Diêm Cốc Ôn (1878-1962), tự Tiết Sơn. Nhà Hán học người Nhật, tiến sĩ văn học, giáo sư Đông Kinh Đế quốc Đại học từ 1926. Dịch giả bản tiếng Nhật Trung Quốc tiểu thuyết sử lược Điền Tăng Thiệp là học trò của Diêm Cốc Ôn. Lỗ Tấn tham khảo sách Chi na đích văn học khảo luận giảng thoại của Diêm Cốc Ôn. Sau khi Trung Quốc tiểu thuyết lược sử xuất bản, Diêm Cốc Ôn cũng tham khảo và giới thiệu trước tác của Lỗ Tấn cho sinh viên Nhật Bản. Nhật kí Lỗ Tấn ngày 17/8/1926 có ghi việc Diêm Cốc Ôn gửi tặng ông bản Toàn tướng bình thoại Tam Quốc chí. Hai người sau đó có gặp nhau tại Thượng Hải. Diêm Cốc Ôn giới thiệu việc phát hiện Toàn tướng bình thoại ngũ chủng và “Tam Ngôn” năm 1924 trong bài Quan vu Minh đích tiểu thuyết “Tam Ngôn” đăng trên tạp chí Hán học của Nhật Bản Tư Văn, số 6-quyển 8. Trung Quốc tiểu thuyết sử lược nhắc đến Toàn tướng bình thoạiTam Ngôn ở chương XIV và chương XXI.

(7) Ý chỉ Trịnh Chấn Đạc, học giả lớn Trung Hoa đồng thời với Hồ Thích, Lỗ Tấn, Lâm Ngữ Đường. Trịnh là tác giả của bộ văn học sử nổi tiếng Văn học Khái luận biên soạn lịch sử văn học Đông Tây kết hợp cả tiêu chí thời gian lẫn thể loại. Bản viết tay của Lỗ Tấn viết rõ: “Giáo sư Trịnh Chấn Đạc nói nên soạn một bộ lịch sử tiểu thuyết phân chí theo triều đại, đó quyết không phải là lời nói phù phiếm hời hợt”.

(8) Lỗ Tấn rời Bắc Kinh tránh chính quyền quân phiệt miền Bắc xuống Hạ Môn từ tháng 8/1926. Năm 1930 ông đã định cư tại Thượng Hải được hơn 3 năm.

(9) Lấy ý ngạn ngữ, hàm ý tự khiêm.

Lời Tựa          Cho đến nay vẫn chưa có một bộ thông sử cho tiểu thuyết Trung Quốc. Có chăng, thì trước tiên phải xem trong các bộ Trung Quốc văn học sử của người nước ngoài. Sau đó trong một số sách của người Trung Quốc soạn cũng có viết về lịch sử tiểu thuyết, vậy mà cả sách mười phần thì phần nói về lịch sử thể đó không đến một. Cho nên về tiểu thuyết vẫn chưa bàn được cho tường (xin xem phần 1 bài viết “Lược sử văn xuôi tự sự Trung Quốc hay là sơ lược lịch sử tiểu thuyết Trung Quốc” này – ND).

                            Bản thảo này mặc dù là một cuốn dành chuyên cho lịch sử tiểu thuyết, nhưng cũng chỉ là ở mức sơ lược. Tác giả soạn sách này là vì 3 năm trước đây, tình cờ phải lên lớp môn này, lo chuyện nói năng không giỏi, người nghe không rõ nên đã sắp xếp sườn cơ bản, viết sao in ra cho đồng môn. Lại lo cho người chép vất vả, nên chuyển viết văn ngôn cho ngắn gọn, lược cắt các dẫn chứng để thành ra một bản yếu lược dùng cho đến nay.

                            Nhưng rồi cuối cùng cũng đem sắp chữ in ra là vì sao in thủ công đã nhiều lần, người sao in cũng vất vả từ lâu; Chỉ có sắp chữ rời ấn loát lượng lớn là đỡ chuyện nên đem ra để xuất bản.

Từ khi biên soạn viết in đến nay, bốn năm bạn hữu người cho mượn sách vở tư liệu tham khảo, kẻ giúp sức sửa chữa bản thảo, nhã ý ân cần, ba năm như một ngày. Than ôi, nhất loạt cảm tạ!

Bắc Kinh ngày 7/10/1923

 Lỗ Tấn tựa

Diễn biến Lịch sử Văn xuôi Tự sự Trung Quốc

(Phụ lục sách Trung Quốc Tiểu thuyết Sử lược)

Bài giảng thứ VI: Bốn phái văn xuôi tự sự thời Thanh

Văn xuôi tự sự đời Thanh về thể loại cũng như mức độ biến đổi đều nhiều hơn so với thời Minh. Thời gian có hạn nên ở đây tôi chia thành bốn phái để nói đại lược. Bốn phái này gồm: 1. Phái phỏng cổ, 2. Phái phúng thích, 3. Phái nhân tình, 4. Phái hiệp nghĩa.

I. Phái phỏng cổ:

Phỏng cổ ở đây chính là chỉ bắt chước chí quái thời Lục Triều hoặc mô phỏng truyền kì đời Đường. Sách truyện đời Đường các bản cho đến thời Minh mười phần mất mát đến chín. Tình cờ bắt gặp những tác phẩm phỏng theo văn xuôi đời Đường người ta đã cảm thấy là mới lạ. Cuối Nguyên đầu Minh, mở đầu có Cù Hựu người Tiền Đường bắt chước Đường truyền kì làm cuốn Tiễn đăng tân thoại. Sức văn tuy yếu vậy mà lối dùng lời đẹp tả kể khuê tình lại rất được người đời thích thú. Văn nhân bắt chước rất đông. Cho đến khi bị triều đình cấm chỉ thì phong khí đó mới suy lắng dần. Vậy mà đến thời Gia Tĩnh, văn xuôi đoản thiên truyền kì đời Đường lại thịnh dần lên. Từ đó, đâu đâu cũng có người bắt chước. Văn nhân đại để ai cũng thích viết một vài thiên truyện theo thể truyền kì. Tác gia chuyên viết và tập hợp thành tập, nổi tiếng nhất là Bồ Tùng Linh với Liêu Trai chí dị. Bồ Tùng Linh người Tri Xuyên, Sơn Đông. Có người nói trước lúc làm sách này, Bồ Tùng Linh ngày ngày bày sẵn trà thuốc trước ngõ mời khách qua đường kể chuyện lấy làm tài liệu viết truyện. Song phần đa là các câu chuyện nghe được từ chỗ bạn hữu. Cũng có rất nhiều truyện sáng tác trên cơ sở nhào nặn chuyện từ sách cổ, đặc biệt là từ Đường truyền kì. Chẳng hạn những truyện như Phượng Dương sĩ nhân, Tục hoàng lương,… Thế nên xếp Bồ Tùng Linh vào phái phỏng cổ. Liêu Trai chí dị phần đa kể các câu chuyện thần tiên, ma quỷ, tinh linh… không khác là bao với những sách cùng loại lưu hành lúc đó. Nhưng sách này ưu điểm hơn ở chỗ: 1) Miêu tả tường tận tinh tế mà uyển chuyển kín đáo, văn viết biến hóa mà thuần thục đạt ý, 2) Kể chuyện yêu ma cũng đủ tình người, thông lẽ đời khiến người đọc cảm thấy khả ái gần gũi mà không đáng sợ. Chỉ mỗi dùng điển cố quá nhiều làm cho bạn đọc phổ thông khó mà lòng đọc hiểu hết.

Liêu Trai chí dị ra đời lưu hành rộng khắp trong khoảng gần thế kỉ. Trong thời gian đó sách được bắt chước và ca ngợi rất nhiều. Đến cuối đời Càn Long có Kỉ Hiểu Lam người huyện Hiến (đương thời trực thuộc Bắc Kinh, nay là Thương Châu, Hà Bắc – ND) đứng ra phản đối. Kỉ Hiểu Lam cho rằng Liêu Trai chí dị mắc hai khuyết điểm: 1) Thể loại pha tạp. Tức là nói trong một tác phẩm của một tác giả không nên có hai thể cách văn chương của hai đời. Phê bình như vậy là vì văn chương Liêu Trai chí dị có những thiên dài chính là mô phỏng thể truyền kì đời Đường, lại có những thiên ngắn giống chí quái Lục Triều. 2) Tả thuật quá rõ. Tức là nói tác giả thuật kể chuyện của người khác, vậy mà khi nào cũng tường tận, thấu kiệt. Không phải tự mình trải việc thì không thể nào biết được. Có biết bao chuyện trong đó, người trong cuộc chưa chắc chịu nói ra, tác giả làm sao biết được?

Tránh hai khuyết điểm đó, sách Duyệt Vi Thảo Đường Bút Kí của Kỉ Hiểu Lam hoàn toàn phỏng theo Lục Triều, chuộng chất phác bỏ văn hoa, thuật kể giản dị cổ kính, cố tránh cách làm của thời Đường. Tài liệu đại để tự mình sáng tạo, phần đa mượn lời ma cáo để công kích xã hội. Theo tôi, Kỉ Hiểu Lam bản thân không tin ma quỷ, chẳng qua vì nghĩ đối với dân tình ngu dốt thì không thể không dùng chuyện linh thiêng mà giáo hoá. Tuy vậy ông ta cũng có chỗ đáng khâm phục. Sống dưới thời phép nước kỉ cương nghiêm khắc như thời Càn Long mà dám mượn văn chương công kích những lễ nghi, điều luật không thông, công kích tập tục tệ đoan trong xã hội – cứ theo cách nhìn lúc bấy giờ đủ thấy là một người rất dũng cảm và khí phách. Vậy mà đến giai đoạn cuối, không hiểu được cái tinh thần công kích xã hội của ông ta lại chỉ học đòi ông thuyết giáo bằng chuyện thần thiêng, phái tự sự phỏng cổ cơ hồ đã thành ra sách khuyến thiện mất rồi.

Các tác phẩm của phái phỏng cổ từ sau khi xuất hiện Liêu Trai Chí Dị Duyệt Vi Thảo Đuờng đều học theo hai cuốn này. Mãi cho đến nay, như ở Thượng Hải vẫn còn một đám gọi là văn nhân đang theo đòi bắt chước. Nhưng chẳng ra trò trống gì, cái học được thì lại toàn là cặn bã mà thôi. Thành ra tự sự phỏng cổ cũng đã chết giẫm dưới chân đám tín đồ của chính mình rồi.

 II. Phái phúng thích

    Các tác phẩm văn xuôi tự sự có ngụ ý đả kích, phúng thích đã có từ thời Tấn thời Đường. Chúng trở nên nhiều hơn trong tiểu thuyết sinh hoạt thế tục dưới thời Minh. Đến thời Thanh, loại này lại ít đi. Nổi tiếng mà dường như cũng là duy nhất trong loại này phải kể Nho Lâm Ngoại Sử. Tác giả Nho Lâm Ngoại Sử là Ngô Kính Tử người Toàn Tiêu tỉnh An Huy. Ngô vốn sống phong phú, kiến văn dồi dào, lại giỏi biểu hiện. Cho nên phàm những điều ông kể, độc giả như thấy chúng hiện hình nổi thanh nổi sắc trên trang sách. Mà cái kì hình quái trạng của nhà nho thì lại được viết nhiều viết kĩ hơn cả. Bấy giờ cách lúc nhà Minh bại vong chưa đầy trăm năm, cái phong khí tàn dư đời Minh còn lưu tồn trong đám nho nhân sĩ tử: Ngoài văn bát cổ cử tử ra không biết gì khác mà cũng không làm được gì khác. Ngô Kính Tử bản thân cũng là một nhà nho nên biết rõ nội tình giai tầng mình. Vì thế cho nên việc phơi bày thói tệ trò tuồng của sĩ nhân lại càng tường tận. Tiểu thuyết Nho Lâm Ngoại Sử tự sự nối kết từng phiến đoạn các câu chuyện, không theo đuổi một tuyến mạch quán xuyến xuyên suốt, nhưng biến hoá sinh động, ý vị nồng đượm vô cùng. Tiểu thuyết phúng dụ Trung Quốc trước lại nay không có cuốn nào hơn được Nho Lâm Ngoại Sử. Đến thời Thanh mạt, ngoại giao thất bại, trong xã hội mọi người thấy thế nước tới hồi xuống dốc đều muốn cắt nghĩa nguồn cơn mà nhà văn cũng muốn tìm xem nguyên do vì đâu. Thế nên mới có Lí Bảo Gia quy tội quan trường. Lí Bảo Gia dùng bút hiệu Nam Đình Đình Trưởng, viết bộ Quan Trường Hiện Hình Kí. Bộ sách rất thịnh hành dưới thời Thanh mạt, nhưng văn chương thì kém xa Nho Lâm Ngoại Sử. Lại thêm tác giả cũng không tường tận tình hình quan trường, cho nên thường có nhiều chỗ không được hiện thực. Kế theo đó có Ngô Ốc Nghiêu người Nam Hải tỉnh Quảng Đông quy tội xã hội tụt dốc về mặt đạo đức truyền thống. Ngô cũng giả tên Ngã Phật Sơn Nhân sáng tác bộ Nhị Thập Niên Mục Đỗ Chi Quái Hiện Trạng. Sách này cũng lưu truyền rất thịnh. Thế nhưng miêu tả mặt tối của xã hội thường khoa trương phóng đại, lại không đi sâu vào chỗ khuất lấp vi tế, chỉ một mực theo thói lệ – rặt giọng khẳng khái hiên ngang, cùng một bệnh với tác giả Quan Trường Hiện Hình Kí. Hai tác phẩm này đều phối ghép các đoạn câu chuyện, không có tuyến mạch xuyên suốt hay nhân vật chính của toàn sách, hình thức giống Nho Lâm Ngoại Sử nhưng thủ pháp nghệ thuật thì kém rất xa. Rất dễ nhận ra Nho Lâm Ngoại Sử mới đúng là tiểu thuyết phúng thích còn hai cuốn này thì gần với chửi rủa bới mắng.

Tiểu thuyết phúng thích quý ở chỗ ý chỉ kín đáo sâu xa mà lời văn thì uyển chuyển khéo léo. Giả như ngoa ngôn nói quá thì mất ngay giá trị nghệ thuật. Vậy mà đoạn cuối của phái phúng thích không tác phẩm nào chú ý được tới điều đó. Vậy nên có thể nói tiểu thuyết phúng thích từ sau Nho Lâm Ngoại Sử thì không còn tiếp nối được nữa.

III. Phái nhân tình

Phái này có thể lấy Hồng Lâu Mộng làm đại biểu. Hồng Lâu Mộng tên lúc đầu là Thạch Đầu Kí gồm 80 hồi. Sách xuất hiện đột ngột tại Bắc Kinh vào thời Càn Long. Thoạt đầu đều chỉ là bản chép tay, đến năm thứ 57 đời Càn Long mới có bản khắc in của Trình Vĩ Nguyên. Bản in này có thêm 40 hồi gộp 80 hồi trước thành trọn bộ 120 hồi, đổi tên Hồng Lâu Mộng. Theo như Trình Vĩ Nguyên nói thì 40 hồi sau là góp nhập số hồi mà ông sưu tầm tàng giữ ở nhà với phần ông mua được từ hàng thu gom đồ cũ đồng nát mà thành. Còn như nguyên bản tiểu thuyết này thì đến nay đã hiếm thấy, chỉ có một bản thạch ấn, nhưng cũng không biết rốt cục đó có phải là nguyên bản hay không. Hồng Lâu Mộng kể chuyện phủ đệ họ Giả ở thành Thạch Đầu – chưa chắc là Nam Kinh ngày nay. Nhân vật chính của câu chuyện là Giả Bảo Ngọc, con trai Giả Chính ở phủ Vinh Quốc Công. Bảo Ngọc thông minh hơn người, bản tính rất yêu nữ nhi phái yếu. Phủ Giả quả cũng có nhiều tiểu thư xinh đẹp, ngoài chủ và người hầu ra, thân thích anh em cũng nhiều. Chẳng hạn Đại Ngọc, Bảo Thoa… đều đến tá túc ở nhờ. Còn thêm một Sử Tương Vân cũng thường lui tới. Trong đó, Bảo Ngọc và Đại Ngọc tình cảm sâu sắc nhất. Về sau Giả Chính lấy vợ cho Bảo Ngọc lại cho cưới Bảo Thoa. Đại Ngọc vỡ lẽ, thổ huyết mà chết. Bảo Ngọc cũng ưu uất đau buồn, bi thương thành bệnh. Sau Giả Xá bên Ninh Quốc Phủ bị cách chức, tịch thu gia sản, vạ lây đến cả Vinh Quốc Phủ. Đại gia thế tộc từ đó suy vi. Bảo Ngọc đột ngột sinh điên, rồi bỗng thôi bệnh, đổi ý tu tỉnh học hành đi thi đậu cử nhân. Nhưng rồi chẳng được bao lâu thình lình bỏ nhà ra đi không biết tông tích ra sao. Sau cùng, Giả Chính nhân về quê táng mẹ, đường qua nơi gò đồi chợt thấy một người đầu trọc chân đất, quay quỳ lạy ông ta. Nhìn kĩ thì ra Bảo Ngọc. Đang định hỏi chuyện thì bỗng thấy một nhà sư và một đạo nhân kéo người đang quỳ đi mất. Đuổi theo tịch không có gì nữa, chỉ thấy đồng không mênh mang tuyết trắng.

        Tác giả Hồng Lâu Mộng mọi người đều biết là Tào Tuyết Cần. Ấy là vì tên có đề trên sách. Nhưng Tào Tuyết Cần người thế nào thì lại ít người nói đến. Ngay nay nhờ có khảo cứu của Hồ Thích tiên sinh mà chúng ta mới biết đại khái. Tuyết Cần tên Triêm, còn một tên tự nữa là Cần Phố. Họ Tào là người gốc Hán nhập tịch Mãn Thanh (Hán quân Kì nhân). Ông nội tên Dần, giữ chức Giang Ninh Chức Tạo. Thanh Thế Tổ (Thuận Trị) tuần du Giang Nam lấy Giang Ninh Chức Tạo Phủ làm hành cung. Thân phụ Tào Tuyết Cần tên Phủ cũng nối chức ông nội cai quản phủ này. Như thế chúng ta cũng đủ biết Tuyết Cần hồi nhỏ quả là công tử đại thế gia vọng tộc. Tào Tuyết Cần sinh ở Nam Kinh, mười tuổi theo cha lên Bắc Kinh. Quãng đời về sau không biết vì biến cố gì mà gia đình suy vi. Đến tuổi trung niên, Tào Tuyết Cần lâm cảnh cơ cùng, trú thân ở ngoại ô phía Tây Bắc Kinh. Ăn có bữa không no nhưng vẫn uống rượu làm thơ hết sức phóng túng. Hồng Lâu Mộng chính là được viết ra trong khoảng thời gian này. Đáng tiếc sau đó con ông yểu mệnh mất sớm. Tuyết Cần vì quá đau thương mà cũng lìa đời khi tuổi vừa ngoại bốn mươi. Hồng Lâu Mộng mới 80 hồi thế là cũng chưa được viết xong. Bản khắc in của Trình Vĩ Nguyên về sau tăng đến 120 hồi, tuy nói là sưu tầm được từ nhiều nguồn, kì thực do bạn ông là Cao Ngạc viết tiếp, hoàn toàn không phải là nguyên tác. Liên quan đến ý chung toàn sách có rất nhiều ức đoán. Nay chỉ nêu những thuyết quan trọng hơn cả: 1) Cho là chép chuyện gia đình Nạp Lan Tính Đức. Cái gọi là “Kim soa thập nhị” (mười hai trâm vàng) chính là chỉ nhóm người mà Tính Đức tôn làm thượng khách. Nói vậy là vì Tính Đức vốn là một nhà từ khúc, đỗ đạt sớm, về sau cũng bị tịch biên nhà cửa, phảng phất chuyện gia đình Bảo Ngọc. Vì vậy nên suy đoán Hồng Lâu Mộng viết chuyện Nạp Lan Tính Đức. Thế nhưng chuyện soát nhà tịch biên gia sản ở Hồng Lâu Mộng thì xảy ra lúc Bảo Ngọc còn sống mà với Tính Đức thì lại là chuyện sau khi chết. Ngoài ra còn nhiều chỗ khác nhau nữa. Thành ra hai chuyện cũng không giống nhau cho lắm. 2) Cho Hồng Lâu Mộng nói chuyện tình vua Thuận Trị với Đổng Ngạc Phi. Mà lại cho rằng Đổng Ngạc Phi chính là kĩ nữ Đổng Tiểu Uyển ở Tần Hoài. Khi quân Thanh kéo xuống Giang Nam, bắt Tiểu Uyển về Bắc Kinh. Tiểu Uyển được Thanh Thế Tổ sủng ái, phong làm quý phi. Sau Tiểu Uyển chết non, Thanh Thế Tổ đau buồn xuất gia làm hòa thượng ở Ngũ Đài Sơn. Bảo Ngọc trong Hồng Lâu Mộng cũng làm hòa thượng. Đây rõ ràng là ám chỉ chuyện hoàng đế phi tần nói trên. Thế nhưng Đổng Ngạc Phi là người Mãn Châu không phải là Đổng Tiểu Uyển. Khi quân Thanh xuống Giang Nam, Tiểu Uyển đã hai mươi tám tuổi mà Thuận Trị mới mười bốn tuổi, quyết không thể có chuyện lập cô này làm phi được. Cho nên thuyết này cũng không thông. 3) Cho là tác phẩm này nói chuyện triều chính thời Khang Hy, tức cho rằng Thạch Đầu Kí là tiểu thuyết chính trị. Chuyện gốc của sách này là khóc thương cho việc suy vong của nhà Minh, vạch cái sai của nhà Thanh. Như lấy chữ “Hồng” để nói bóng chữ “Chu” (Họ của vua Minh, nghĩa đen chữ Chu là màu đỏ – ND), Lấy “Thạch đầu” để chỉ “Kim Lăng”, lấy chữ “Giả” (đồng âm với chữ Giả với nghĩa giả dối – ND) để đả kích nguỵ triều – tức nhà Thanh, mượn chuyện Kim Lăng thập nhị soa (mười hai tiểu thư Kim Lăng) để chê mỉa bọn danh sĩ đầu hàng Thanh triều. Thế nhưng thuyết này không tránh khỏi tiếng gò ép khiên cưỡng. Huống nữa, ngày nay người ta đã biết tác giả là Hán quân Kì nhân (người Hán nhập tịch Mãn), dường như cũng không đến mức đau thay nỗi đau mất nước cho người Hán. 4) Thuyết cho rằng tác phẩm này chính là một tự truyện. Thuyết này xuất hiện rất sớm, khác với ngày nay càng lúc càng đông người tin theo, thuở đầu rất ít người cho là như thế. Ấy là vì, ta đã biết được cảnh ngộ của tác giả Tào Tuyết Cần, thấy đời ông rất giống với nhiều chuyện được kể trong sách. Ông nội rồi thân phụ Tào Tuyết Cần đều giữ chức Giang Ninh Chức Tạo. Giống hệt như Phủ Giả trong bộ tiểu thuyết, cảnh nhà ông cũng  phú quý vinh hoa rất mực. Tào Tuyết Cần thiếu thời là một trang công tử con nhà cũng giống với Bảo Ngọc trong Hồng Lâu Mộng. Rồi sau đột nhiên nghèo túng, giả thiết cho là mắc tội bị tịch biên gia sản hoặc bị một biến cố gì đó đại loại cũng là hợp tình hợp lí… Từ đó có thể thấy cho Hồng Lâu Mộng phần lớn kể chuyện của chính bản thân tác giả quả là thuyết đáng tin nhất.

         Nói về giá trị, tiểu thuyết Trung Quốc quả không mấy bộ sánh được cùng Hồng Lâu Mộng. Điểm chủ yếu quan trọng nhất của tác phẩm là ở chỗ dám miêu tả một cách hiện thực đời sống nhân sinh,  hoàn toàn không kiêng kị tô vẽ gì. Khác xa với tiểu thuyết trước đó – kể chuyện một nhân vật người tốt thì tốt từ đầu đến chân, tả một nhân vật xấu thì rặt toàn chuyện hư hỏng. Vậy nên, các nhân vật trong Hồng Lâu Mộng đều là những nhân vật hiện thực cả. Nói tóm tắt, từ khi xuất hiện Hồng Lâu Mộng, tư tưởng và lối viết truyền thống đều bị phá vỡ. Còn như cái văn chương dìu dặt mềm mại, đẹp thướt tha của nó lại là chuyện chưa quan trọng cho bằng. Thế nhưng nhưng người phản đối Hồng Lâu Mộng cũng rất nhiều. Họ cho tác phẩm sẽ gây ảnh hưởng không tốt cho thanh niên. Đó chính là vì người Trung Quốc không biết đọc tiểu thuyết với một thái độ thẩm bình thực sự. Ngược lại cứ thường đem bản thân mình vào trong cuốn sách, tự xem mình là một vai nào đó trong câu chuyện. Thanh niên khi đọc thì cho mình là Bảo Ngọc, là Đại Ngọc mà người có tuổi thì xem mình đang đứng ở vị trí của  Giả Chính phải quản thúc Bảo Ngọc. Đầy bụng toàn những tính toán lợi hại chẳng còn nhìn thấy gì khác nữa.

        Sau Hồng Lâu Mộng, rất nhiều tác phẩm tiếp nối vào. Nào là Hậu Hồng Lâu Mộng, Tục Hồng Lâu Mộng, Hồng Lâu Hậu Mộng, Hồng Lâu Phục Mộng, Hồng Lâu Bổ Mộng, Hồng Lâu Trùng Mộng, Hồng Lâu Huyễn Mộng, Hồng Lâu Viễn Mộng, Hồng Lâu Viên Mộng… Đại khái đều thêm thắt cho chỗ khuyết thiếu, lấy cảnh đoàn viên kết cho tiểu thuyết. Cho đến quãng giữa đời Đạo Quang, người ta mới chán chuyện Hồng Lâu Mộng. Thế nhưng kể chuyện nhà kẻ thường nhân thì giai nhân lại ít mà chuyện cũng không nhiều. Thế nên mới dùng lối văn Hồng Lâu Mộng viết chuyện giới diễn viên đào kép cùng là kĩ nữ. Và thế là cục diện làng văn lại một phen thay đổi. Có thể lấy những cuốn như Phẩm Hoa Bảo Giám, Thanh Lâu Mộng làm đại biểu. Phẩm Hoa Bảo Giám kể chuyện nghệ sĩ tuồng trò ở Bắc Kinh từ đời Càn Long về sau. Nhân vật tuy không giống với Hồng Lâu Mộng, nhưng vẫn là chuyện tình cảm triền miên làm chính. Các nhân vật cô đầu cô đào cùng khách chơi miêu tả trong sách chẳng khác gì chuyện tài tử với giai nhân là mấy. Thanh Lâu Mộng toàn bộ dành kể chuyện kĩ nữ lầu xanh. Nhưng sách không tả đúng sự thực, chỉ viết theo lí tưởng của nhà văn mà thôi. Người viết cho rằng chỉ có kĩ nữ là tri kỉ của bậc tài tử. Đôi bên trải bao trắc trở gian truân cuối cùng đoàn viên sum vầy. Vẫn chưa thoát khỏi khuôn sáo truyện tài tử giai nhân cuối Minh. Đến giữa đời Đạo Quang, xuất hiện Hải Thượng Hoa Liệt Truyện. Tuy cũng là viết về kĩ nữ nhưng không lí tưởng chủ nghĩa như Thanh Lâu Mộng. Nhân vật có người tốt kẻ xấu, đến gần với bút pháp tả thực. Cuối đời Đạo Quang bắt đầu xuất hiện những cuốn kiểu như Cửu Vĩ Quy: kĩ nữ toàn hư hỏng, khách chơi thì như tuồng vô lại. Cũng là khác với Hải Thượng Hoa Liệt Truyện. Vậy là, bút pháp tả kĩ nữ của các nhà văn thay đổi đến ba lần: thoạt đầu toàn tốt đẹp, quãng giữa tương đối hiện thực, cuối cùng toàn tệ hại mà lại cố tình khoa trương, bắt đầu giọng chửi bới. Có nhiều cuốn thành ra công cụ bôi nhọ, bịa đặt nói dối nữa. Giai đoạn cuối của phái tiểu thuyết nhân tình suy đốn đến vậy thực là đáng ngạc nhiên.

IV. Phái nghĩa hiệp

        Truyện nghĩa hiệp có thể lấy cuốn Tam Hiệp Ngũ Nghĩa làm đại biểu. Nguồn gốc sách này chính là hình thức thuyết thư trong các quán trà. Sau đó có người hay văn đem viết hẳn ra rồi lưu hành rộng ra trong xã hội. Tiểu thuyết đương thời, nói chuyện tình yêu đôi lứa thuần dịu thì có Hồng Lâu Mộng, chuyên kể chuyện yêu tinh ma quái thì có Tây Du Kí, độc giả đại thể cũng xem chán ra rồi. Tam Hiệp Ngũ Nghĩa xuất hiện tạo tình thế khác, rất là mới mẻ cho nên được lưu hành rất rộng khắp. Khi Phan Tổ Âm từ Bắc Kinh quay về đất Ngô có đưa sách này cho Du Khúc Nguyên xem. Khúc Nguyên rất tán thưởng, chỉ hiềm một nỗi là quá trái với lịch sử nên sửa lại hồi đầu. Lại vì trong sách có Bắc Hiệp, Nam Hiệp, và cặp Song Hiệp – thực tế gồm bốn người, tên sách Tam Hiệp không bao quát được hết nên lại thêm vào Ngải Hổ và Thẩm Trọng Nguyên rồi đổi hẳn tên sách thành Thất Hiệp Ngũ Nghĩa. Thất Hiệp Ngũ Nghĩa hiện nay lưu hành rất mạnh ở vùng Giang Tô Triết Giang. Tam Hiệp Ngũ Nghĩa cũng không phải sách viết một lần. Chuyện Bao Chửng triều đình nhà Tống cương trực chính khí ra sao vốn đã chép thành truyện trong bộ Tống Sử. Trong truyền thuyết dân gian thì hành sự của nhân vật này phần nhiều nhuốm màu kì quái. Đến đời Nguyên đã lưu truyền thành thành tích truyện cổ, sang thời Minh diễn biến dần thành tiểu thuyết, đó chính là sách Long Đồ Công Án. Long Đồ Công Án sau đó được kết cấu lại chặt chẽ thêm thành ra bộ lớn hơn. Đây cũng chính là bản mẫu của Tam Hiệp Ngũ Nghĩa. Trong xã hội ai cũng hoan nghênh loại này nên nối tiếp nhau xuất hiện thêm những là Tiểu Ngũ Nghĩa, Tục Tiểu Ngũ Nghĩa, Anh Hùng Đại Bát Nghĩa, Anh Hùng Tiểu Bát Nghĩa, Thất Kiếm Thập Tam Hiệp, Thất Kiếm Thập Bát Hiệp. Tiểu thuyết loại này, đại để kể chuyện hiệp khách trượng nghĩa trừ trộm cướp, dẹp phản loạn. Trong đó thường có chuyện một viên đại thần quan lớn thống lĩnh tất cả. Đầu tiên có Thi Công Án, đồng thời với nó còn xuất hiện loại như Bành Công Án thịnh hành trong một thời gian. Hiệp khách mà tiểu thuyết loại này mô tả phần đa đều là những kẻ bụi bặm hào hiệp, rất giống nhân vật trong Thủy Hử. Cho nên chuyện tuy xuất xứ từ Long Đồ Công Án mà ngọn nguồn vẫn từ Thủy Hử mà ra. Có điều nhân vật trong Thủy Hử thì chống nhà đương cục còn nhân vật trong truyện nghĩa hiệp thì lại đi giúp chính quyền. Đó là chỗ khác nhau lớn trong tư tưởng tác giả. Đại thể nguyên nhân cũng là do sự khác nhau về bối cảnh xã hội mà nên. Các sách hiệp nghĩa nhìn chung xuất hiện đầu đời Quang Tự. Thoạt đầu từng xảy chuyện chiến loạn trong nước như chuyện bình giặc Trường Mao, dẹp Niệp Phỉ, Giáo Phỉ…. Rất nhiều người trong đám dân phố xá, hạng bụi bặm vô lại vì tòng quân chinh chiến lập công rất được nể trọng. Dân chúng cũng rất hâm mộ, thích nghe kể chuyện “Vì vua trận tiền xông pha”. Thành ra thuyết thư các tích chuyện đó trong các quán trà lẽ tự nhiên cũng chịu ảnh hưởng của tình hình đó. Hiện nay Thất Hiệp Ngũ Nghĩa đã ra đến 24 tập, Thi Công Án ra đến 10 tập, Bành Công Án 17 tập. Vậy mà đại để thì nghìn thiên như một, lời lẽ nhiều khi không thông. Đối với loại này chúng tôi cũng không bình luận nhiều, chỉ cảm thấy tác giả cùng độc giả sách loại này làm sao mà lại không biết chán như thế. Âu cũng có thể xem đó là một kì tích vậy.

        Bốn phái văn xuôi tự sự Trung Quốc trên đây nay vẫn còn tồn tại. Ngoài ra còn có có các tác phẩm của các tiểu phái khác chúng tôi đành phải lược đi không đề cập đến được. Còn như các tân phái tiểu thuyết khác xuất hiện từ độ thành lập Dân Quốc đến nay thì vẫn còn đang non trẻ. Chúng đang trong lúc phát triển sáng tạo, hẵng còn chưa có tác phẩm lớn. Thành ra chúng tôi cũng đành tạm chưa nhắc tới được.

        Bài giảng “Diễn biến của lịch sử văn xuôi tự sự Trung Quốc” của tôi hôm nay xem như tạm dừng ở đây. Thời gian hai tuần vội vàng gấp gáp, chỉ nói được cái đại lược mà thôi. Giảng một sót mười, cố nhiên khó tránh cho khỏi. Huống nữa, người giảng tri thức ít ỏi, nói năng vụng về. Lại đương lúc trời nóng bức như này mà quý vị hạ cố đến nghe cho một lượt. Tôi hết sức cảm tạ và lấy làm áy náy muôn phần.       

Lời ghi sau sách Sách Trung Quốc tiểu thuyết sử lược này gồm hai mươi tám chương. Đến tháng 10 năm ngoái sách in được từ chương I đến cho chương X. Sau nhân đọc bộ Minh Thi Tổng của Chu Di Tôn(1), đến quyển 80 mới biết Nhạn Đãng Sơn Tiều là Trần Thẩm, tên tự Hà Tâm(2). Rất nhiều sự tích liên quan đã được Hồ Thích khảo cứu trình bày trong công trình Tựa hậu Thuỷ Hử truyện(3); Lại đọc Tập I Bình dân văn học lưỡng đại văn hào (Hai đại văn hào văn học bình dân) của Tạ Vô Lượng(4) biết được sách Thuyết Đường truyện (cựu bản) có đề Lư Lăng La Bản soạn. Phấn trang lầu tương truyền cũng do La Quán Trung viết. Đáng tiếc là mới được thấy sau, không kịp thêm sửa lại. Còn thì từ chương XVI trở đi bản thảo để ở đầu bàn, thường vẫn đọc chữa, vậy mà kiến văn eo hẹp, xem không được khắp, chẳng những phần tiểu thuyết Minh-Thanh thiếu sót còn nhiều mà đến cả những tác gia Nguỵ Tử An, Hàn Tử Vân(5) gần đây cũng vì công này việc nọ níu kéo mà không rỗi để hỏi tìm cho khắp. Lại thêm sách xưa khi mới khắc in phần nhiều thường có kèm lời tựa, lời bạt, có thể nhờ đó mà biết được hơn về tác giả cùng thời điểm sách được hoàn thành. Vậy mà bản xưa hiếm gặp, chỉ kiếm được bản mới. Đã vậy, dân buôn sách cẩu thả, ngoài phần chính văn ra, phần lớn đều cắt bỏ đi.  Biên soạn sao lục lại cũng chỉ dựa trên nguồn tư liệu ít ỏi sơ sài đó nên thường lo sai lẫn. Mỗi việc hiệu chỉnh năm tháng thời gian may chăng có thỏa đáng hơn chút. Ấy vậy mà thời gian gấp gáp, đến lúc phải in ra, biết chưa hoàn bị mà đành để vậy. Thành ra chí nguyện ôm ấp khi xưa – giúp người nghe giảng lên lớp thêm phần rõ ràng, để người sao ghi đỡ phần phiền hà vất vả – thế là cũng đành dứt khi đưa in vậy.                                                                           

Ngày 3/3/1924                                                                         Hiệu đính xong ghi

Chú thích của người dịch:

(1) Chu Di Tôn (1629-1709), người huyện Gia Hưng, Triết Giang. Chu soạn bộ Minh Thi Tổng (100 quyển). Trong quyển 80 chép thơ của Trần Thẩm, có nói “Thẩm tự là Hà Tâm, người Ô Trình”.

(2) Trần Thẩm (1613-1670?), tiểu thuyết gia thời Minh mạt Thanh sơ, hiệu Nhạn Đãng Sơn Tiều, còn tự khác là Kính Phu, người Ô Trình (nay là Hồ Châu), tỉnh Chiết Giang. Sau khi Minh vong Thanh triều lên, Trần lui ẩn không ra làm quan, tinh thông kinh sử, thích dã sử và các loại tạp kí. Thuỷ Hử hậu truyện 8 quyển 40 hồi, bìa đề “Cổ Tống di dân trước, Nhạn Đãng Sơn Tiều bình”. Khảo cứu cho thấy chính Trần Thẩm là tác giả sách này.

(3) Hậu Thủy Hử truyện tự tức Thủy Hử tục tập lưỡng chủng tự, xem Hồ Thích văn tồn, tập 2, quyển 4.       

(4) Tạ Vô Lượng (1884-1964), người Tứ Xuyên, từng đảm nhiệm công tác biên tập cho Thượng Hải Trung Hoa Thư Cục. Là tác giả của Trung Quốc đại văn học sử, Trung Quốc phụ nữ văn học sử. Sách Bình dân văn học chi lưỡng đại văn hào về sau đổi tên thành La Quán Trung dữ Mã Chí Viễn. La Quán Trung tên Bản.

(5) Nguỵ Tử An (1819-1874) tên Tú Nhân, người Phúc Kiến, tác giả của tiểu thuyết Hoa nguyệt ngấn toàn thư  (cũng gọi Hoa nguyệt nhân duyên) 52 hồi. Hàn Tử Vân (1856-1894), người Thượng Hải tác giả tiểu thuyết Hải thượng hoa liệt truyện (còn tên Thanh lâu bảo kính). Trong Trung Quốc tiểu thuyết đích lịch sử đích biên thiên (chuyên đề giảng tại Diên An tháng 7/1924) Lỗ Tấn có nói đến tiểu thuyết này ở Bài giảng thứ VI.  

Vinh 2004-2010 Hà Nội  

      Lê Thời Tân chú dịch

Nguồn: https://nghiencuulichsu.com/2018/06/15/so-luoc-lich-su-tieu-thuyet-trung-quoc-hay-la-mot-luoc-su-van-xuoi-tu-su-trung-quoc-doc-lai-trung-quoc-tieu-thuyet-su-luoc-cua-lo-tan-%E5%86%8D%E8%AE%80%E9%B2%81%E8%BF%85%E7%9A%84%E3%80%8A/

Thông tin truy cập

63675745
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
19463
17595
63675745

Thành viên trực tuyến

Đang có 300 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website