Nỗi đau trong thế kỷ và ý nghĩa nhân văn trong tác phẩm Victor Hugo

(Thái Thu Lan, In trong "Những vấn đề ngữ văn" (Tuyển tập 40 năm nghiên cứu khoa học của Khoa VH&NN) 

Thông thường, mỗi văn nhân nghệ sĩ đều có nỗi đau đời, nỗi đau nhân thế. Nỗi đau này bắt nguồn từ tấm lòng nhân ái và ý thức trách nhiệm của người nghệ sĩ trước cuộc sống và số phận con người qua những biến động xã hội.

Nhà văn Lermontov (1814-1841) đã có một câu nói rất cảm động: “Tôi ra đời ở đây, nhưng tâm hồn tôi không ở nơi đây”- Bi kịch của nhà văn Nga là ở mối mâu thuẫn giữa thực tại đời sống và những mong ước của người nghệ sĩ đối với thực tế. Sự dằng xé không nguôi ấy đã khiến tâm hồn ông không yên ổn, phải đi đến những nơi xa, khao khát kiếm tìm một chân trời mà ông hi vọng có thể phù hợp với khát vọng của mình.

Cùng mang một tâm trạng như thế, những nhà thơ lãng mạn của nước Pháp ở thế kỉ XIX đều lâm vào một tình cảnh tương tự. Trước một thực tại xã hội đầy biến động, khi những lí tưởng sáng chói về Tự do Dân chủ của các thế hệ những nhà Bách Khoa và Cách Mạng trước đó bị phản bội; họ đều có tâm lí vỡ mộng một cách sâu cay. Thay cho những giá trị đã từng được cổ vũ trong thế kỉ trước, xã hội hôm nay lại dựng nên tượng đài cho Đồng tiền, kích động những dục vọng thấp hèn làm cho con người trở nên vị kỉ và tàn nhẫn. Thế rồi giữa “bãi sa mạc của tính vị kỉ” (Stendal) ấy, xuất hiện bọn người giàu sụ, bất chấp mọi thủ đoạn kiếm tiền, từ đó mà nắm quyền thống trị bằng cách thôn tính và đổi thay xã hội; tạo nên cái tình trạng mà nhà văn Flaubert đã tiên tri từ trước: “Thế là bóng đen của chủ nghĩa tư bản đã bao phủ toàn bộ thế kỉ XIX.”

Trong bối cảnh của cuộc tranh giành về quyền lực sinh từ ấy, chưa bao giờ xã hội Pháp lại chứng kiến nhiều biến động về thể chế chính trị đến thế:

- Hai nền Đế chế của:

+ Napoléon (1804-1814)

             + Napoléon III (1852-1870)

- Ba triều đại quân chủ của:

+ Louis XVIII (1814-1824)

+ Charles X (1824-1830)

+ Louis Philippe (1830-1848)

và ba lần thành lập chế độ Cộng hoà:

            - Lần 1: năm 1792 (sau Cách mạng 1789)

            - Lần 2: năm 1848 (trong Cách mạng tháng II)

            - Lần 3: năm 1871 (sau Cách mạng Công xã Paris)

Thông cảm sâu sắc trước nỗi khổ của người dân lương thiện là nạn nhân của các thảm hoạ chiến tranh, của tình trạng thất nghiệp, đói nghèo, bị ngược đãi v.v…, nỗi buồn vô cớ của nhà thơ lãng mạn đã trở thành nỗi buồn thế kỉ- một căn bệnh thời đại được phản ánh trong tác phẩm và thể hiện tấn bi kịch của các nhà thơ, nhà văn và nghệ sĩ không hoà hợp được với một xã hội thực dụng và tàn nhẫn. Điều đó có thể thấy biểu hiện trong thơ văn của những tác giả nổi tiếng nhất trong trường phái lãng mạn Pháp thế kỉ XIX.

Francois René de Chateaubriand chua chat thốt lên nỗi niềm tủi nhục của Con người thừa bị xã hội ruồng bỏ: “… Người ta lên án tôi là luôn bỏ qua cái đích mà tôi có thể đạt được: hỡi ôi! Tôi chỉ tìm một điều hay lẽ phải chưa từng biết mà bản năng thôi thúc tôi. Phải chăng là lỗi của tôi, nếu tôi thấy khắp nơi những giới hạn…?” (René)[1]

Alphonse de Lamartinne khóc than nỗi đau của Con người cô đơn nơi trần thế qua các vần thơ:

            “… Bốn phương tám hướng vời trông

            Nào đâu hạnh phúc giữa vòng trần ai”[2]

            Hoặc:

            “… Hỡi đất trời, hỡi thiên nhiên êm ái,

            Ta nợ người giọt nước mắt bên mồ

            Hương thu ngát, ánh ngày trong sáng thế,

            Trong mắt kẻ lìa đời, đẹp quá nắng ban mai!”[3]

                                                (Mùa thu- L’automne)

Alfred de Vigny nêu hình tượng Con người khắc kỉ không được hiểu, không được yêu thương, hiên ngang chống chọi đến cùng với cảnh ngộ:

            “Giương dôi mắt, sói nhìn quanh quẩn

            Trên toàn thân dao vẫn cắm sâu

            … Thản nhiên nhắm mắt, chẳng kêu nửa lời,

            … Ôi con người sao ta thấy nhục

            Danh cao sang, bạc nhược trăm đường.”[4]

                        (Cái chết của con sói- La mort du loup)

Và Alfred de Musset phác hoạ nên Con người tuẫn tiết mang sứ mệnh cao cả của người nghệ sĩ, trong những lời thơ:

            “Đập vỡ tim, não nùng chết thảm

            Chào từ ly giữa khoảng canh trường”[5]

                        (Đêm tháng năm- Nuit de Mai)

và những dòng tuyên ngôn:

“Hỡi nhân dân các thời đại tương lai… Hỡi những con người tự do!... Hãy nghĩ đến chúng tôi lúc ấy không còn nữa, hãy tự bảo mình rằng chúng tôi đã trả giá đắt cho hạnh phúc của các người, hãy thương xót chúng tôi hơn tất cả các thế hệ cha anh, bởi vì chúng tôi cũng có nhiều nỗi thống khổ như họ trước đây, nhưng lại đã mất những thứ còn an ủi được họ!..”

                        (Lời thú tội của đứa con thế kỉ- Les confessions d’un enfant du siècle)

*

Trong số những nhà văn, nhà thơ lãng mạn đương thời. Victor Hugo hiện lên như một ngôi sao sáng. Ông sinh ra “khi thế kỉ này lên hai tuổi” và đi vào cõi vĩnh hằng 15 năm trước khi thế kỉ kết thúc. Với cuộc đời bao trùm gần toàn bộ thế kỉ, từ năm 1802 đến 1885, V.Hugo đã chứng kiến và trải qua mọi sự kiện xã hội và chính trị của thế kỉ XIX ở Pháp.

Tâm hồn đa cảm, lòng nhân hậu của ông đã bao phen thổn thức trước nỗi khổ của người dân vô tội. Nỗi đau thế kỉ của ông sớm được phù sa tươi tốt của cuộc sống bồi đắp và đã dần hình thành theo “cuộc hành trình từ ác đến thiện, từ bất công đến công bằng, từ giả đến thật, từ bóng tối đến ánh sáng”.[6]

Khác các nhà lãng mạn cùng thời, nỗi đau thế kỉ của V.Hugo không chỉ là bi kịch trong đời sống riêng, mang nặng nỗi đau buồn lẻ loi, mà đã sớm rộng mở theo chiều sâu của nỗi đau nhân thế.

Hầu hết các tác phẩm của ông từ 1827 với vở kịch Cromwell có lời tựa được xem là tuyên ngôn của Chủ nghĩa lãng mạn cho đến tập thơ Tia sáng và bóng tối (Les rayons et les ombres, 1840) đều thấm đượm chất trữ tình và lòng yêu thương con người. Tình nhân ái của Hugo rất tự nhiên và sâu xa, thuộc về một bản chất nhân hậu hiếm có. Nhìn một em bé Hy Lạp thơ ngây, côi cút giữa cảnh hoang tàn, chết chóc với tình thương sâu thẳm không biên giới, nhà thơ xót xa, thổn thức:

            “… Quân Thổ tràn qua: nơi nơi điêu tàn tang tóc.

            … Ôi em bé đáng thương ơi, chân trần trên đá sắc,

            Lệ đầm đìa đôi mắt biếc xanh!

            Ôi, làm sao đây để lau nước mắt

            Cho đôi mắt em như bầu trời, như sóng nước trong xanh

            Làm sao đây cho tia sáng vui tươi tràn ngập long lanh

            Để mái tóc óng vàng ngẩng dậy!

            … Làm sao đây cuốn gọn mái tóc vàng đẹp đẽ,

            Vui chảy xuôi trên đôi vai trong trắng,

            Đang khóc thầm quanh vầng trán của em!”[7]

                                    (Em bé Hy Lạp- L’enfant grec)

Dẫu sau này khi đã gia nhập Viện Hàn lâm Pháp năm 1841, rồi được phong tặng chức Nguyên lão nước Pháp (Pair de France) năm 1845, những danh nghĩa cao quý ấy chẳng làm giảm sút nỗi đau nhân thế của ông.

Chính trong giai đoạn 1848-1860, nhiều áng văn kiệt tác của ông lần lượt ra đời: Tập thơ Trừng phạt (Les Châtiments, 1852) chĩa mũi nhọn công kích Napoléon “tiểu đế” (Napoléon le petit) tàn bạo bất tài, đối lập với Napoléon “đại đế” (Napoléon le grand); tập thơ Chiêm ngưỡng (Les contemplations, 1856) là những suy tư của tác giả về thân phận bất hạnh của con người bị cái Ác thống trị; và đặc biệt là ba tập tiểu thuyết Những người lao động miền biển (Les travailleurs de la mer, 1866) và Người cười (L’homme qui rit, 1869) đều tập trung nói về những số phận oan trái, hẩm hiu, thống khổ trong đời người.

Với niềm thương cảm sâu xa đối với nhân quần, V.Hugo sớm nhận ra nỗi đau nhân thế chính là bi kịch của con người khi bị tước đoạt nhân quyền. Thế là, từ một nghệ sĩ lãng mạn, do bản lĩnh và trí tuệ siêu việt của bản than, V.Hugo đã đến với cách nhìn rất hiện thực, mới mẻ và hiện đại. Trong khi Stendhal lên án Quyền lực làm tha hoá con người và Balzac chỉ trích Đồng tiền phân chia xã hội thành hai loại Giàu- Nghèo đối lập; thì V.Hugo đã sớm có được điều phát hiện quan trọng về mối mâu thuẫn gốc rễ trong xã hội và sẽ mãi mãi gây nên mọi đau khổ cho con người: đó là tệ nạn Bất bình đẳng (I’Inégalité).

Là một tác phẩm mang phong cách lãng mạn, Những người khốn khổ được V.Hugo viết nên với nỗi đau đời và cách nhìn con người với xã hội sâu sắc như thế. Từ nhân vật, tác giả đặt ra những vấn đề của xã hội và lên án cái xã hội đã tác động đến số phận nhân vật một cách tàn nhẫn và bất công. Xen vào những trang văn miêu tả, tự sự, tường thuật sinh động, V.Hugo không ngần ngại có những đoạn văn bình luận gắt gao, sắc sảo: “Xã hội có nhiệm vụ phải thấy rõ những điều mà chính xã hội đã gây ra… Một người lao động như anh mà phải thất nghiệp, một người siêng năng như anh mà phải đói khát thì có phải đó là một hiện tượng nghiêm trọng không?... Xử phạt nặng như thế có phải là để kẻ phạm tội chuộc tội không? Hay là lại đưa đến kết quả đảo ngược là biến cái sai lầm của kẻ phạm tội ra cái sai lầm của người đàn áp, biến thủ phạm thành nạn nhân, biến con nợ thành chủ nợ và cuối cùng đem công lí đặt về bên kẻ đã xâm phạm công lí?...”

Nhân vật Jean Valjean là hình tượng của Con người nhân ái thánh thiện. Mặc dầu phải trải qua nhiều nỗi đau khổ thầm lặng, sống cô độc giữa cuộc đời, nhân vật này đại diện cho lí tưởng thẩm mĩ và đạo đức của tác giả, phản ánh niềm tin thiết tha của nhà văn nhân đạo: giữa xã hội bất công, con người cần trở về với bản chất hướng thiện của mình mới vượt được lên thực tại để tự khẳng định mình. Ở trường hợp Victor Hugo, hơn đâu hết chúng ta có thể thấy rõ cảm hứng sáng tạo ở ông là bắt nguồn từ tính cách và quan niệm nhân sinh của nhà văn, một quan niệm không chỉ thể hiện trong văn chương mà còn được vận dụng trong hành động và đời sống.

Năm 1869 Napoléon III ra lệnh ân xã cho V.Hugo, nhưng nhà văn từ chối. Ông trả lời đanh thép:

“Giữ trọn lời thề với lương tâm, tôi chịu đến cùng số phận của Tự do, Tự do đã bị trục xuất khỏi đất Pháp, khi nào Tự do trở về Đất nước, tôi sẽ trở về cùng Tự do.”

Quả như vậy, một năm sau “Napoléon tiểu đế” bị quân địch bắt sống trong cuộc chiến Pháp - Phổ khiến Đế chế II phải sụp đổ. Ngày 4-9-1870, V.Hugo trở về trong lòng Tổ quốc tự do. Năm 1871, Hugo được bầu là nghị sĩ thành phố Paris và năm 1876, ông là Thượng nghị sĩ Quốc hội. Nhà văn có mối cảm tình nồng hậu với các chiến sĩ Công xã. Con trai ông, Charles Hugo là một chiến sĩ hi sinh trong cuộc Cách mạng Công xã Paris. V.Hugo luôn luôn đấu tranh đòi trả tự do cho những người tham gia Công xã. Ngày 3-6-1880, ông có bài diễn văn nổi tiếng về ý nghĩa Dân chủ ở Thượng nghị viện.

Riêng trong sự nghiệp sáng tác, V.Hugo luôn chứng tỏ quan điểm một cách rành mạch ở trách nhiệm đối với xã hội: “Tôi đã cúi xuống đáy xã hội quan sát và đó là tất cả việc làm của tôi. Tôi muốn tiêu diệt định mệnh tàn ác đè nặng lên nhân loại. Tôi bẻ gãy ách nô lệ. Tôi săn đuổi sự nghèo đói, tôi đẩy lùi sự dốt nát, tôi làm nhẹ bớt bệnh tật. Tôi chiếu sáng cõi tối tăm. Tôi không nhìn thấy sự thù hằn. Đấy là thâm ý của tôi và vì vậy tôi đã viết Những người khốn khổ.[8]

Vào thời điểm lúc bấy giờ ở thế kỉ XIX, với cao trào của Chủ nghĩa lãng mạn, khó mà nói nhà văn nào khác ở nước Pháp có được tuyên ngôn dứt khoát như lời phát biểu ấy của V.Hugo.

Mô hình về quan niệm con người và thế giới trên đây chi phối toàn bộ thi pháp tác giả. Luận điểm về một xã hội không giai cấp và một thế giới được điều hoà theo Chủ nghĩa xã hội của Saint Simon và Charles Fourrier có ảnh hưởng đến mĩ học lạc quan thiên về đạo đức của Hugo. Như ông đã viết: “Cần trộn lẫn cái Thô kệch với cái Cao cả trong nghệ thuật chính kịch cũng như trong tự nhiên vậy.”[9]Quan niệm này được chứng minh trong hầu hết văn phẩm của ông.

Trong tiểu thuyết Nhà thờ Đức Bà Paris (Notre Dame de Paris, 1831), nhân vật chính là Quasimodo được mô tả với nhiều nét dị dạng: gù, thọt, chột, mũi to, miệng khoằm, lại vừa điếc vừa câm… Thế nhưng, trái hẳn với cái ngoại hình xấu xí nhất thế gian ấy, anh kéo chuông khốn khổ lại có một tâm hồn tế nhị, một tình yêu sâu sắc chung thuỷ và cao đẹp trong thiên tình sử bị thảm: bộ xương dị dạng của anh quấn chặt bộ xương cô vũ nữ kiều diễm Esméralda chôn trong khu mộ chung của nhà thờ sau khi cô bị hành hình một cách tàn bạo.

Và Fantine trong Những người khốn khổ cũng vậy. “Nàng rất đẹp. Nàng cố giữ cho mình trong trắng mãi. Nàng có vàng ngọc làm của riêng như ai, nhưng vàng của nàng xếp trên mái tóc, ngọc của nàng giắt ở sau môi”… Thế mà, sóng gió đường đời đưa đẩy khiến Fantine phải lâm vào cảnh bán tóc vàng răng ngọc của mình rồi phải đi làm điếm trong tình trạng móm mém, đầu trọc và ho lao để lấy tiền chữa bệnh cho con. Cách hành xử của nàng quả là của một siêu mẫu về tình mẫu tử cao cả.

Hoặc như Gwynplaine ở tác phẩm Người cười, bị bọn quý tộc vụ lợi tranh chấp rạch môi anh, làm anh phải luôn luôn chua chat nói: “Tôi cười chính là tôi khóc đấy…”

Sử dụng nghệ thuật tương phản là một đặc trưng trong thủ pháp tiểu thuyết Hugo, nhằm làm nổi bật cái cao cả (le sublime), cái nhân phẩm tuyệt vời bị che lấp, ẩn náu trong bản thân những con người bị xã hội bất công tước đoạt quyền sống làm cho họ tha hoá, trở nên xấu xí thô kệch… Đây là đặc điểm thi pháp của nhà văn, một thủ pháp sang tạo độc đáo gây ấn tượng sâu sắc về tính nhân đạo, có đóng góp đáng kể vào bước phát triển của nghệ thuật tiểu thuyết Pháp ở thế kỉ XIX và tạo nên tính thời đại trong những tác phẩm của V.Hugo.

Trong số những tác phẩm được xuất bản ở giai đoạn cuối đời của Hugo, từ năm 1870 đến 1885, dường như đúc kết lại những suy ngẫm của V.Hugo khi cuộc đời đã xế bóng. Hugo không chỉ dừng lại ở mức nhìn nhận, đề cao giá trị nhân phẩm của con người và lên án xã hội bất công nhằm khôi phục nhân quyền cho người dân và công lí bình đẳng cho xã hội; mà, với anh hùng ca Truyền kì các thế kỉ, chủ nghĩa nhân văn của V.Hugo còn được phản ánh với tầm bay bổng diệu kì của tác giả trong niềm tin đối với sự “chiến thắng của điều Thiện đối với cái Ác” (La victoire du Bien sur le Mal) trên toàn cầu.

Bằng những vần thơ sôi động, tác giả phác hoạ bức tranh hoành tráng của nhân loại trải qua các thời đại với cuộc hành trình của con người mang tinh thần của đám đông, đi từ thời hồng hoang của bà Eve- mẹ của loài người, đến Cách mạng- bà mẹ của dân chúng. Đó là bước phát triển của con người từ “tăm tối đến lí tưởng” (des ténèbres à l’idéal). Theo Hugo, cái Ác đang tồn tại cần được xoá bỏ với niềm tin chân thành ở Đấng tối cao, và hành động ấy sẽ đưa nhân loại đến sự hoà đồng tốt đẹp. Truyền kì các thế kỉ là tập anh hùng ca đồ sộ nhất của Văn học Pháp với kích thước lớn lao về thời gian, không gian với những sự kiện lớn lao trong cuộc sống muôn mặt. Phần cuối tập thơ là sự trở về thời hiện đại với những bài thơ nổi tiếng như Sau trận đánh (Après la bataille), Nghĩa trang Eylau (Le cimetière d’Eylau), Những người cùng khổ (Les pauvres gens), v.v…

Các bài thơ có chung một chủ đề được nối kết với nhau bằng “sợi dây huyền diệu của mê lộ nhân thế là sự Tiến bộ” (Lời tựa). Để minh hoạ cho ý tưởng này, trong bài thơ cuối Giữa bầu trời (Plein ciel), tác giả giới thiệu hình ảnh tuyệt đẹp của chiếc tàu thuỷ được chắp cánh bằng hiệu quả hiệp đồng của tri thức loài người, đang bay lên đến các vì sao… Mĩ học lãng mạn kết hợp với cảm quan hiện thực tạo nên sức lôi cuốn và thuyết phục của lí tưởng thẩm mĩ V.Hugo đối với cuộc đời. Đó là Cái đẹp của Tình thương yêu hoà đồng, của Hạnh phúc bình đẳng và của sự Tiến bộ vô tận của Con người. Và đó chính là giá trị bất hủ của ý nghĩa nhân văn trong tác phẩm Victor Hugo. Ông đã không ngần ngại xác định chức năng của nghệ sĩ như là một nhà “tiên tri” (Prophète), một “pháp sư” (mage), mà tác phẩm là một “âm vang” (écho sonore) của thời đại, hoà hợp cá nhân người sáng tạo với dân tộc, nhân loại và lịch sử trong nhiệm vụ cải tạo cuộc sống để do đó khẳng định vai trò và sứ mệnh cao quý của người nghệ sĩ…

 

(Nguồn: Tạp chí Văn học số 6 (364) tháng 6/2002)



[1]. Thái Thu Lan dịch.

[2]. Trần Mai Châu dịch.

[3]. Thái Thu Lan dịch.

[4]. Trần Mai Châu dịch.

[5]. Trần Mai Châu dịch.

[6]. V.Hugo - Lời nói đầu tác phẩm Những người khốn khổ (Les Misérables).

[7]. Thái Thu Lan dịch- Về phương Đông (Les Orientales, 1829).

[8]. Victor Hugo - Lời tựa tiểu thuyết Những người khốn khổ.

[9]. V.Hugo - Lời tựa kịch Cromwell.

 

 

Thông tin truy cập

63676868
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
20586
17595
63676868

Thành viên trực tuyến

Đang có 169 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website