Saint-Exupéry: đôi cánh gãy giữa đường bay và nghịch lý của chàng Incarus (Hay tiếp cận huyền thoại học đối với tiểu thuyết của S. Exupéry)

 

Antoine de Saint-Exupéry (1900 – 1944) không phải là một tên tuổi quá lớn nhưng là một trường hợp độc đáo của văn học Pháp hiện đại. Sự độc đáo ở nhà văn này không chỉ bởi sáng tác và cuộc đời riêng tư của ông gắn chặt với nhau như một định mệnh mà còn là những gì mà ông đã thể hiện trong tác phẩm của mình thông qua những trải nghiệm từ nghề phi công đầy mạo hiểm. 

Tuy nhiên, tác phẩm của Saint-Exupéry không chỉ đưa người đọc tới những chuyến phiêu lưu hành động mà còn dẫn chúng ta bước vào cuộc truy tìm mang đậm màu sắc triết lí thông qua các yếu tố huyền thoại, và chính các yếu tố huyền thoại đó lại có ý nghĩa như một thủ pháp nghệ thuật đắc lực dẫn dắt độc giả tiếp cận với văn bản.

Nghiên cứu về tư duy huyền thoại, nhà nghiên cứu Mircea Eliade đã kết luận rằng “huyền thoại không phải là dối trá hay ảo ảnh. Nó là kinh nghiệm sống tồn tại của con người cổ xưa, nhờ đó mà họ tìm thấy lại mình và tự hiểu được mình” [1, tr.170]. Phê bình huyền thoại giúp người đọc khám phá tác phẩm dựa trên những tương đồng về tư duy và biểu tượng giữa văn học và huyền thoại. Xem các yếu tố huyền thoại là ngọn nguồn bởi huyền thoại“là mô hình đầu tiên của mọi hệ tư tưởng, là cái nôi nguyên hợp của các loại hình văn hóa khác nhau – văn học, nghệ thuật, tôn giáo và ở mức độ nào đó, cả triết học, thậm chí cả khoa học” [2, tr.xiv]. Kỹ thuật huyền thoại khi được nhìn nhận với tư cách là bút pháp sáng tác trong tiểu thuyết của Sain-Exupéry sẽ góp phần làm phong phú thêm phương diện thể hiện hiện thực, thế giới tâm linh từ đó tạo nên sự lôi cuốn cho tác phẩm.

Trải qua những chuyến bay khắc nghiệt và khi mắc kẹt giữa sa mạc Sahara hoang vắng, chàng hoa tiêu Saint-Exupéry nhận ra một sự thật: “Một lần nữa tôi tới sát mép một chân lý mà tôi không hiểu được. Tôi đã tưởng mình lâm vào tuyệt địa, tôi đã tưởng mình chạm tới chỗ tận cùng tuyệt vọng và, một phen chấp thuận chịu khước từ không màng gì nữa hết, thì tôi đã rõ được lẽ thanh thản yên vui” [3, tr.219]. Dù đã tới sát mép một chân lý nhưng vẫn không thể tiếp cận được. Nguyên nhân là vì đâu? Như lời thú nhận đầy chân thành của Saint-Exupéry trong Cõi người ta, đó là do những xung đột: “mọi sự trong con người đều bao hàm mâu thuẫn” [3, tr.220]. Mỗi tác phẩm của Saint-Exupéry là một hành trình và cũng là một trạm nghỉ để tiếp tục vươn đến những cuộc hành trình khác. Đó là hành trình truy tìm chân lý. Trong cuộc phiêu lưu này, Saint-Exupéry đã trải qua ngàn lối rẽ của cảm xúc và ý nghĩ, thậm chí cả những tranh đấu như trong Phi công thời chiến: “Tôi có một con người ở trong tôi, tôi chiến đấu chống con người đó để trưởng thành. Cần phải thực hiện cuộc hành trình cam go này để phân biệt con người mà tôi đang chống cự với con người đang trưởng thành” [4, tr. 145]. Ở mỗi cuộc hành trình, các mâu thuẫn xuất hiện, được hóa giải rồi lại hình thành các mâu thuẫn mới. Dù thừa nhận “chân lý không phải là cái gì có thể minh giải, minh thị, biểu minh được” [3, tr.221], nhưng chàng hoa tiêu vẫn không ngừng tìm kiếm bởi đó là một hành trình mang đầy hấp lực lôi cuốn với những mặt tương phản đối kháng. Những xung đột trong cuộc tìm kiếm tri thức của Saint-Exupéry khiến cho ta nghĩ ngay đến những mê lộ trong huyền thoại cổ sơ. Khái niệm mê ộ (hay mê cung) lần đầu tiên xuất hiện trong thần thoại Hy Lạp và gắn liền với truyền thuyết về con quái vật nửa người nửa bò Minotaure bị nhốt trong điện Labyrinthos ở đảo Crète. Trong nhiều nền văn hóa khác nhau trên thế giới, những công trình mê cung huyền bí, kỳ dị tượng trưng cho những con đường gian khổ mà con người đã phải bỏ công sức để đi tìm chân lý cuộc sống. Phong tục tiến hành những nghi lễ thụ pháp diễn ra rất phổ biến ở những mê cung cổ đại bởi người cổ xưa tin rằng những con đường trong mê cung chính là sự thử thách mà mỗi người sẽ gặp trong đời, và nếu thoát ra được mê cung, người đó sẽ đạt được thành công. Có thể Saint-Exupéry không có chủ đích sử dụng những motif mê cung cổ sơ thành thủ pháp nghệ thuật trong tác phẩm của mình nhưng ở đây trong việc diễn giải thực tại xã hội cũng như những mâu thuẫn trong chính lương tri con người, tiểu thuyết của Saint-Exupéry đã chạm đến hình ảnh mê cung. Mê cung trong tiểu thuyết của Saint-Exupéry về hình thức không giống như những mê cung tồn tại trong những huyền thoại cổ xưa nhưng về bản chất, mê cung trong tiểu thuyết của nhà văn Pháp đã chạm tới ý nghĩa chiều sâu của nó. Những mâu thuẫn xuất hiện liên tục trong tư duy tác giả như là những ngã rẽ quanh co rắc rối của tòa mê cung bí hiểm. Hành trình truy tìm càng khó khăn người hoa tiêu sẽ đạt được nhiều biến chuyển trong cuộc thụ pháp và từ đó sẽ thu nhận được một cái tôi mới. Hành trình tìm kiếm chân lý của chàng hoa tiêu giữa những đường bay cũng giống như là những sở nghiệm thụ pháp mà hoàng tử Thésée trong tòa lâu đài mê cung ở Crète đạt được; và theo một phương diện nào đó, nó gần với việc đi tìm các Quả táo vàng trong khu vườn của các nàng Hesperides hoặc Bộ Lông cừu vàng ở xứ sở Clchide. Con đường truy tìm mang tên chân lý này đã đẩy người hoa tiêu rơi vào một nghịch lý khác bắt nguồn từ “ý ngông” [5, tr.44] của chính mình.

“Mặt trăng… trăng, ôi, ngọn đèn tốt hơn cả! Phi trường Agadir sáng lên ba lần như một tấm biển quảng cáo bằng điện. ‘Mình cần quái gì đến ánh sáng của nó! Mình đã có trăng…!’ ” [6, tr.103]

Hành trình vượt thoát của chàng phi công Bernis tuy quyết liệt nhưng cũng không kém phần bốc đồng. Bernis với một cảm xúc quá ngông cuồng và kết quả cho hành động – tâm trí ngông cuồng ấy là cái chết. Hành động ấy của chàng hoa tiêu chính là tham muốn vô độ và ý chí cuồng ngạo của chàng Incarus. Đáng lẽ phải tiến hành cuộc hành trình ở một độ cao vừa phải: bay ở lưng chừng, giữa trời và biển nhưng bị giam trong mê cung tù túng lâu nên khi vượt ra khỏi chốn giam cầm đã làm cho Incarus quá phấn khích muốn được tự do bay lượn trên khoảng trời mênh mông nên chàng bay mỗi lúc một cao hơn, gần mặt trời hơn nhưng không biết rằng càng lên cao đến gần mặt trời sáp càng nóng và tan chảy, thế là rơi xuống biển. Incarus được xem là “hình ảnh của những tham vọng vô hạn độ, là biểu tượng của trí tuệ đã hóa điên rồ… của trí tưởng tượng phóng túng ngông cuồng, chàng là một dạng hiện thân huyền thoại của tâm trí bị biến dạng, đặc trưng bằng trạng thái hứng khởi quá khích về cảm xúc và kiêu căng về tinh thần” [7, tr.467]. Paul Diel xếp biểu tượng Icare vào loại thuộc kích động tưởng tượng và tiêu biểu cho kiểu người dễ bị kích động bởi Paul Diel cho rằng cuộc sống luôn vươn tới những giá trị tinh thần, cỗ máy tinh thần luôn thực hiện một chức năng có ý thức giúp con người làm quen với những đòi hỏi cấp bách xuất phát từ những mục đích sống của mỗi người. Chàng hoa tiêu cũng rơi vào trạng thái bị kích động; chàng đã quá phấn khích về cảm xúc và giữ bên mình niềm kiêu hãnh quá lớn nên không kìm hãm được những ý chí, đòi hỏi xa vời với hiện thực. Fabien trong Bay đêm luôn giữ vững hành động đầy lý trí nhưng những cảm xúc điên cuồng luôn tràn về, cuốn chàng xa rời thực tại: “Anh phán đoán đúng đó là một cái bẫy: ta nhìn rõ ba ngôi sao ở một lỗ hổng trên bầu trời, ta bay lên cao tới chúng, sau đó ta không thể nào xuống nổi, ta mắc kẹt ở đó răng cắn phập vào các vì sao… Nhưng anh đòi ánh sáng, đến nỗi anh vẫn bay lên” [6, tr.90]. Trạng thái quá hứng khởi về cảm xúc của người hoa tiêu cũng chính là sự kích động vô độ mà chàng Icare năm xưa đã mắc phải. Paul Diel tin rằng những cuộc giao tranh trong thần thoại cổ không gì khác là sự minh họa cho những cuộc phiêu lưu của nhân loại, đó là sự vươn lên về tinh thần hay sa ngã của con người, bởi theo Paul Diel “nhân vật thần thoại hiện lên như một hình chiếu biểu tượng của chính chúng ta, một phần hay toàn bộ, đúng như chúng ta trong một giai đoạn cuộc đời mình” [7, tr.XXXIX]. Chàng phi công Bernis, Fabien và Saint-Exupéry trong phút giây bồng bột ngông cuồng của cảm xúc muốn bay cao hơn mặt trời, đã cố gắng hết sức để vươn lên và cuối cùng chết trong một niềm kiêu hãnh ngây thơ của một đứa trẻ.

Tuy nhiên, rõ ràng, tình cảm và lí trí không hề đối lập nhau mà luôn song hành, kếp hợp cùng nhau trong mọi hoạt động của con người. Triết gia người Đức Richard David Precht cho rằng “cảm xúc có thể làm người ta điên đầu. Nhiều cảm giác mạnh sẽ làm nhiễu tư duy”, nhưng nếu “thiếu cảm xúc thì cuộc sống sẽ chỉ là thảm họa” [8, tr.99]. Tư tưởng của con người luôn luôn nhuộm màu cảm xúc, thậm chí bị cảm xúc chi phối, điều khiển, bởi ngay cả khi ta quyết định là sẽ hoàn toàn duy lý và không nghe theo yếu tố tình cảm nhưng sau đó quyết định vẫn mang đầy tính cảm xúc. Bước vào mê lộ, Saint-Exupéry đã dần phơi bày sự thật các vấn đề của đời sống cũng như nghịch lý trong hành trình phiêu lưu của mình. Ông giúp con người thấy rõ một chân lý khác của đời sống: kẻ đang lâm nguy lại trở thành người cứu nạn. Khi kiệt sức ở sa mạc, Prévot đã than khóc nhưng tiếng khóc ấy là vì tha nhân. Chàng phi công Saint-Exupéry nhận ra được chân lý rất đơn giản, tồn tại bấy lâu trong tâm hồn mình: “‘Nếu anh tưởng tôi khóc cho thân tôi…’ Vâng, vâng, đó mới là điều không thể nào chịu nổi. Mỗi lúc tôi nhìn thấy lại những con mắt kia đương chờ, mỗi lần lòng thấy như thiêu đốt… Đằng kia, ở đằng kia, con người đang kêu cứu, con người đang đắm thuyền. Vai tuồng đảo lộn, dị thường thay!” [3, tr.178]. Đó là gì? Phải chăng là những yêu thương thuộc về cảm xúc? Từ trạm khởi đầu của mê lộ, chàng hoa tiêu Bernis đã cho rằng ái tình, niềm tin tôn giáo đều không phải là cứu cánh cho cuộc đời mình. Những gì thiên về cảm xúc không đặt trong tim những con người phiêu lưu như Bernizs hay Fabien, Riviève một sức nặng nào cả “yêu thương, chỉ yêu thương thôi, thật là lối cụt!” [6, tr.84] - thì giờ đây cảm xúc lại là thứ kho báu vô giá mà chàng phi công Saint-Exupéry khám phá ra được sau cả chặng hành trình dài phiêu lưu. Có phải là nghịch lý không khi lý trí, ý chí của niềm đam mê hành động lại bị chi phối và quyết định bởi những cảm xúc không rõ ràng, mơ hồ? Đó có phải là một nghịch lý chăng khi việc cất cánh bay lên bầu trời để tìm kho báu ở một nơi xa xôi đó hóa ra lại tồn tại ngay trong tâm trí và trái tim con người bấy lâu nay? Tình yêu, hạnh phúc từ ngôi nhà và những chiều đi dạo trên đường làng - những điều mà người hoa tiêu từ bỏ để lao vào cuộc phiêu lưu – sự thật là chúng luôn hiện diện trong tâm trí chàng. Đó chính là nghịch lý? Sự mâu thuẫn ấy phải chăng là sự đối kháng giữa hai tâm hồn tồn tại trong cùng một con người? Nhưng cũng từ chính nghịch lý này cho ta thấy một Saint-Exupéry vừa đam mê hành động nhưng cũng không kém phần thơ mộng, một người đầy lý trí nhưng luôn tràn trề cảm xúc, luôn tỉnh táo nhưng cũng không thiếu phần điên loạn… Hai hình ảnh là hai nét tương phản nhưng lại không mâu thuẫn mà song trùng mô tả trọn vẹn một con người.

Tất nhiên, như Richard David Precht đã lưu ý “không bao giờ các giá trị đạo đức lại chỉ là cảm xúc trung dung” [8, tr.98]. Điều này đòi hỏi phải có sự cân bằng giữa lý trí và cảm xúc, lý trí biết kiềm chế những cảm xúc đam mê vô hạn độ. Sự cân bằng này tưởng chừng như đơn giản đối với một người vừa hội tụ được cả hai yếu tố trên: vừa có hành động đầy ý chí và có một tâm hồn nhạy cảm như Saint-Exupéry nhưng hóa ra lại không như vậy, chàng phi công luôn bị những cảm xúc kiêu hãnh trong tâm trí điều khiển và chi phối. Làm sao Incarus có được đôi cánh trên người? Hẳn nhiên do ước vọng mong được trốn thoát. Nhờ vào cao trào của cảm xúc mà người phi công được sống là chính mình – với cá tính của mình – một linh hồn đã từng là mình, được tung hoành tự do và sự tung hoành ấy đã làm nên một cuộc cách mạng, tạo nên một mối liên kết giữa thân xác và linh hồn. Sự nổi loạn của Irace hay của Saint-Exupéry đó chính là sự thách thức, một sự đối đầu với trật tự cuộc sống đầy quy tắc mà loài người đã tự áp đặt. Nhưng cũng từ ước vọng xa vời đó đã tiết ra chất sáp, hủy diệt chàng Incarus và cũng vì ước vọng cao độ đó đã phá tan cuộc hành trình của chàng phi công Saint-Exupéry. Richard David Precht cho rằng cần phải có một cách nhìn nhận về vấn đề cảm xúc một cách tỉnh táo, không nên quá buông theo cảm xúc vì cảm xúc vừa là chất xúc tác nâng đỡ tinh thần con người nhưng cũng là thủ phạm sát hại chúng ta: “Đừng quá bi lụy nghe theo cảm xúc, theo những ảo giác nửa tỉnh nửa mê về hòa bình, tình yêu và hạnh phúc, bởi vì tất cả những điều đó chỉ là cái vỏ suông lòe loẹt mà thôi! Trong đời thực, mỗi một người buộc phải biết phải trái, đứng đúng vào vị trí phù hợp của mình” [8, tr.97]. Chàng hoa tiêu mỗi lúc càng đi xa bổn phận và vị trí của mình. Chàng biết bản thân không muốn dừng lại là một người phi công đơn thuần, chàng bay quá cao, cảm xúc quá mãnh liệt và chàng bất chấp tất cả. Lời cảnh báo đã được người cha Dédale nhắc nhớ nhưng Incarus không lưu tâm, chàng phi công Saint-Exupéry cũng đã rơi vào một cái bẫy được báo trước. “Thanh bình là điều không có. Chiến thắng cũng có thể là điều không có. Không có cái bến đậu dứt khoát của tất cả các con tàu thư” [6, 19]. Dẫu thế, Saint-Exupéry vẫn mang một khát vọng, một niềm tin ngây thơ khi tin rằng hòa bình và tự do sẽ đến với nhân loại bằng tình yêu thương giữa con người với nhau, như cậu hoàng nhỏ trong Hoàng tử bé luôn tin rằng loài rắn sẽ không còn nọc độc cho lần cắn thứ hai nhưng sự thật chuyện đó đã không xảy ra. Chuyến phiêu lưu tới các hành tinh của Hoàng tử nhỏ diễn ra như một câu chuyện thần tiên trong thế giới cổ tích. Nơi ấy không có bom hạt nhân, không có những cuộc chiến tranh hủy diệt, không có sự toan tính ích kỷ của con người thực dụng. Ước nguyện đó không sai nhưng lại là một mong ước quá xa vời nơi thực tại. Đó phải chăng là một nghịch lý khi mà Saint-Exupéry đã lường trước được mọi chuyện nhưng vẫn mơ mộng viển vông? Ở Cõi người ta, chàng hoa tiêu nhận ra không thể trở về tuổi ấu thơ được nữa nhưng chàng vẫn mơ và nỗi nhớ càng lúc càng điên cuồng hơn ở Hoàng tử bé và Thành trì. Chính cái bóng của tuổi thơ đã mê hoặc chàng phi công và cũng giống như chàng Narcisse, con người ấy không muốn bội phản hình ảnh trong sáng của mình. Nhưng đó phải chăng chỉ là thứ tình yêu vị kỷ? Gương soi của chàng Narcisse mở ra các chốn sâu kín của bản ngã, mặt nước trong veo phẳng lặng mà Narcisse ngồi soi bóng mình đã phản chiếu “cái tôi mà người ta nhìn thấy ở đây để lộ một xu hướng lý tưởng hóa” [7, tr.618]. Tham vọng một đời sống yên lành như miền ấu thơ mà Saint-Exupéry đã mơ đã phản chiếu cho ta thấy mong ước quá xa vời với hiện thực. Việc lý tưởng hóa đời sống ấy là không thể. Lý tưởng mà Saint-Exupéry muốn hướng đến không thể thực hiện giống như ước vọng không thể hoàn thành của chàng Narcisse – muốn lưu giữ mãi mãi cái bóng của chính mình. Saint-Exupéry giống như chú bé Peter Pan của Barrie luôn tìm cách chối bỏ sự trưởng thành và lựa chọn việc không bao giờ lớn để hoàn thành ước nguyện – mãi biết bay, mãi mãi được là đứa trẻ. Saint-Exupéry muốn nuôi dưỡng một tâm hồn trẻ thơ trong thân xác một người đàn ông để thỏa sức sáng tạo trong hành trình sống của mình. Cách níu giữ tuổi thơ ấy đã đưa chàng rơi vào bi kịch của việc chọn lựa. Thực tế giết chết tâm hồn mơ mộng: Hoàng tử bé phải đi một mình về nơi em đã ra đi. Chàng phi công cũng vậy, phải một mình đi tiếp đến nơi những bước chân đã có dấu. Hai linh hồn đã ngược đường thay vì phải xuôi về cùng nhau. Chàng trở về với cái tan vỡ của mơ ước và đôi cánh đã gãy giữa đường bay. Saint-Exupéry đã sa vào cái bẫy của mơ mộng khi ông tin rằng có thể giải quyết tất cả mâu thuẫn của con người bằng tình yêu thương, sự đoàn kết. Đó phải chăng không chỉ là nghịch lý mà còn là bi kịch mà chàng hoa tiêu đã rơi vào? Cuộc phiêu lưu truy tìm của người phi công dù không có ý định cứu thế nhưng những ngã rẽ của mê cung đã đưa họ đến bờ của vấn đề này. Trong truyền thống thánh kinh, Trời được đồng nhất hóa với Thượng Đế, là nơi các thần linh cư ngụ. Việc cất mình lên cao để ngang bằng với uy quyền linh thiêng ấy cũng chính là ước vọng đạt tới cái địa vị cao nhất của lương tri. Mưu toan cuồng dại của chàng Incarus khi xưa đã trở thành điển hình cho “tính dễ bị kích động đến cực độ, cho một chứng bệnh của tâm trí, hoang đường tự đại, muốn làm mọi chuyện tày trời” [7, tr.467]. Trong Thánh vịnh, Chúa Trời được so sánh với thành trì, thành trì được xem là “nơi ẩn náu bên trong của con người, của hang động trái tim, của địa điểm giao lưu đặc biệt giữa linh hồn và chúa trời, hay đấng tuyệt đối” [7, tr.871]. Saint-Exupéry hẳn đã nuôi ước vọng trở thành người kế tục sự nghiệp của Thượng Đế khi chàng tự nhận mình là người bề tôi trung thành của Chúa và xây dựng cả mảnh đất Thành trì cho riêng mình, cố gắng thâm nhập vào đền đài của tâm hồn, ngôi nhà của Đức Ki-tô: “Thành trì ơi, tôi sẽ xây dựng bạn trong trái tim con người” [9, tr.14]. Tuy nhiên chàng phi công không hiểu rằng Trời là sự bao la không bao giờ có thể dò xét được, biểu hiện “của uy quyền, của cái vĩnh hằng, cái thiêng liêng: cái mà không một sinh vật nào trên mặt đất này có thể đoạt được” [7, tr.956]. Nó thể hiện sự bất khả của con người khi muốn sánh vai với các thần linh nhưng lại không có khả năng bất tử và các phép màu. Bernis, Fabien hay Saint-Exupéry lúc này chẳng khác gì trở thành “kẻ cứu nhân độ thế bất thành giả dối điên cuồng tấn công trời khi bị kích động bởi những lời hiệu triệu giả tạo” [2, tr.468] như cách Weinberg đã quy nhân viên đạc điền K. trong Lâu đài và con bọ Gregor Samsa trong Hóa thân của Kafka vào sự hiện thân đầy nghịch dị. Cảm xúc trào lên chế ngự bộ óc vốn dĩ luôn đề cao tư duy logic; với một cảm xúc tràn trề, vô hạn độ như vậy, Saint-Exupéry dễ dàng sa vào cái bẫy của mê lộ đã bầy ra… Rốt cục, ý chí hành động vẫn còn đó nhưng chàng phi công đã đầu hàng trước cảm xúc của mình, và tâm hồn mơ mộng kia buộc phải đơn độc đấu tranh chống lại hấp lực của cảm xúc từ độ cao ấy.

Việc sử dụng bút pháp huyền thoại khi tiếp cận tiểu thuyết của Saint-Exupéry đã giúp người đọc bước sâu vào thế giới nội tâm của tác giả. Bút pháp này góp phần cho ta thấy hành động phiêu lưu thực chất chỉ là một phương tiện đắc lực phục vụ cho hành trình truy tìm mang tính lương tri của Saint-Expéry mà thôi. Con đường sáng tác của Saint-Exupéry mục đích là để kiếm tìm, kiếm tìm chính mình và ý nghĩa của đời sống vĩnh hằng dù trong hành trình ấy, chàng hoa tiêu luôn phải đối mặt với vô vàn mâu thuẫn nhưng những mâu thuẫn đó đã khiến cho người phi công vượt thoát trở thành một triết gia như cách Nietzsche nhìn nhận, “người minh triết nhất phải là người phong phú nhất về mâu thuẫn” [10, tr.191]. Hành trình truy tìm vì thế có thể xem là đã hoàn thành hoặc không thể hoàn thành bởi mê lộ có quá nhiều cạm bẫy mà bản thân con người không thể giải mã được hết vì thế chân lý của loài người bao giờ cũng mang một dáng vẻ đầy chất mê cung và huyền bí.

Tài liệu tham khảo

1.      Mircea Eliade, Triều Đông, Hình thái học và chức năng của các huyền thoại, Tạp chí Văn học và Khoa học Nhân văn, số 2/ 2007.

2.      E.M. Meletinsky, Trần Nho Thìn-Song Mộc dịch, Thi pháp của huyền thoại, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2004.

3.      Antoine de Saint- Exupéry, Bùi Giáng (dịch), Cõi người ta, Nxb. Thời đại, 2012.

4.      Antoine de Saint-Exupéry, Lương Định (dịch), Phi công thời chiến, Quế Sơn, 1971.

5.      Luc Estang, Châu Văn Thuận (biên dịch), Saint – Exupéry cuộc đời và tác phẩm, Nxb. Thời đại, 2009.

6.      Antoine de Saint – Exupéry, Châu Diên (dịch), Bay đêm, Nxb. Văn học, 1986.

7.      Jean Chevalier – Alain Gheerbrant, Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, Nxb. Đà Nẵng – Trường viết văn Nguyễn Du, 2002.

8.      Richard David Precht, Trần Vinh, Tôi là ai – và nếu vậy thì bao nhiêu (một chuyến du hành triết luận), Nxb. Dân trí, 2011.

9.      Antoine de Saint – Exupéry, (translated by Wallace Fowlie from the French Citadelle), The wisdom of the sands, The University of Chicago Press Chicago, 2003.

10.  Edgar Morin, Chu Tiến Ánh (dịch), Phạm Khiêm Ích (giới thiệu), Phương pháp 6 đạo đức học, Nxb. Tri thức.

 

 (Nguyễn Thị Thanh An: Học viên cao học, chuyên ngành Văn học nước ngoài, khoa Văn học và Ngôn ngữ, trường ĐHKHXH và NHân văn, ĐHQG TP. HCM).

 

 

Thông tin truy cập

63675212
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
18930
17595
63675212

Thành viên trực tuyến

Đang có 552 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website