Những thân thể nữ chịu chấn thương: Thức nhận và phản kháng

"Tay sát thủ mù" (The Blind Assassin) từng đoạt các giải thưởng văn chương danh giá như giải Man Booker năm 2000, giải Hammett năm 2001, được tạp chí Time bình chọn là một trong những tiểu thuyết hay nhất năm 2000, được đưa vào danh sách 100 tiểu thuyết tiếng Anh vĩ đại nhất kể từ năm 1923. Theo đánh giá của The Washington Post Book World, tiểu thuyết có “Nghệ thuật kể chuyện vĩ đại trên quy mô lớn…tuyệt hay”. Dưới đây là những phân tích về bút pháp của Margaret Atwood trong tác phẩm này.


Cuốn "Tay sát thủ mù" bản dịch tiếng Việt.

Đúng như những gì được hứa hẹn trong tiêu đề, ngay từ những dòng đầu tiên, Tay sát thủ mù đã bày ra một cái chết – một cái chết trẻ, dữ dội, bí ẩn về căn nguyên như mọi vụ tự tử, và phi lí, khó hiểu như mọi vụ tai nạn bất thường. Một cái chết được hàm ý là mang tính chủ đích, vừa như một lựa chọn chủ động cho sự câm tiếng vĩnh viễn của bản thể, vừa như một tiếng thét cuối cùng cho những nỗi đau không thể ngôn từ hóa. Nỗi đau dẫn tới cái chết ấy (của nhân vật Laura) lập tức được Iris sáp nhập ngay vào quỹ tích những vết thương vẫn được liên tiếp cộng dồn từ thuở ấu thơ của hai chị em, không ngoại trừ những thương tích thân xác nhất, lặt vặt nhất – tất cả quy hồi về một điểm chung: tính không thể khép miệng hay không thể lãng quên của nó (những chấn thương được nhân lên thay vì xóa nhòa đi, chấn thương sau gợi nhớ những chấn thương trước), và hơn nữa, tính câm lặng của chủ thể bị thương, khiến cho chúng mãi mãi chỉ là những vết thương không tiếng nói, những ẩn ức không thể giải tỏa, không thể được ngôn ngữ hóa, chuyện kể hóa, và bởi vậy mà mãi mãi thiếu hụt trầm trọng khả năng giao tiếp – “có những người không thể nói được đau ở đâu. Không thể bình tĩnh lại. Thậm chí không thể ngừng rú lên”. Đau đớn, khi ấy, chỉ được phơi bày qua những biểu đạt nguyên thủy, và khơi gợi những đồng cảm nguyên thủy. Nó không thể thoát ra khỏi trạng thái tiền-xã hội để bước vào xã hội, chứ chưa nói gì đến năng lực gây rối. Nó dễ dàng bị lí trí và trật tự ném ra bên lề, bằng cách tiện lợi là xếp vào hàng “điên loạn”. Nó có thể gây kinh động tức thời, khiến những kẻ nhân danh luật tắc hoang mang vài giây, nhưng gần như không thể chạm đến trật tự cứng của toàn thể, và khá dễ dàng bị trấn áp bởi những tin tức vô cảm của báo chí hay những diễn giải đầy định kiến của xã hội. Nói cách khác, nó quá dễ để bị đẩy trở lại vào câm tiếng. Nó có thể dữ dội với cá nhân, nhưng tăm tối với kẻ khác. Đôi khi chúng ta vẫn thế, từ chối chia sẻ và tự biến mình thành một điểm mù trước mắt kẻ khác, hay có khi còn thường xuyên hơn, chấp nhận thân phận làm một kẻ mù lòa trước chính những vết thương của riêng mình.

Cuốn tiểu thuyết, trong tư cách là một thân thể-ngôn từ đã thành hình, gần như chắc chắn phản đối điều này từ bản chất. Nó đòi hỏi người ta chạm vào, lắng nghe nó ngay khi khước từ việc chỉ là một tiếng rú dài. Nó khuấy động và tấn công vào trật tự căn bản nhất – trật tự ngôn ngữ, xô lệch những chuẩn mực bằng cách từ chối viết theo những luật tắc cũ, bằng cách hoài nghi tính hợp lí của những huyền thoại, và bằng cách nới lỏng những đường viền vốn dĩ rất chặt của thể loại, đặt những gì cao cả nhất bên cạnh những gì (vốn bị coi là) thấp hèn nhất,… Còn tác giả, kẻ đan dệt nên tấm thảm ngôn từ ấy, chính là kẻ muốn tái tạo lại những “thương tích”, và hơn thế, đòi hỏi khắc tạc chúng vào lịch sử, không muốn để chúng bị chìm lấp đi. Hành động viết, như thế, với Iris, là một ý chí, vượt ra bên ngoài địa hạt của bản năng, và, vượt lên trên những phản ứng thân thể thụ động. Nguy cơ đụng độ xã hội tiềm ẩn trong mọi lần cầm bút. Không ngẫu nhiên mà một bà già Iris già nua lại để dành lời chúc may mắn cùng lời cảnh cáo đáng sợ như một lời nguyền truyền lại cho một cô gái trẻ đạt giải thưởng văn chương – “Cầu cho con gặp may. Hãy giữ mình. Bất kì ai có ý định rớ vào chữ nghĩa đều cần lời chúc phúc ấy, câu cảnh báo ấy”. Viết, tóm lại, vừa mang tính thân thể, vừa như một hành động phản bội lại thân thể. Nó giúp cơ thể được ngôn từ hóa, được giao tiếp tối đa; nhưng trong quá trình ngôn từ hóa ấy, nó cũng đòi hỏi thân thể phải đánh đổi, qua việc tự (tái) nhận thức tính hữu hạn của nó, đánh thức lại những chấn thương của nó, không để cho nó được yên, không cho phép nó được quên. Văn bản tồn tại giữa ranh giới mơ hồ và mong manh ấy giữa thân thể và thế giới, nó được trừu xuất từ thân thể, và thân thể đôi khi phải hi sinh mình để sự sống của văn bản được thoát thai. Đổi lại, người viết có thể lưu lại những “sợi tơ mảnh” dai dẳng hơn sự sống chủ thể, những dấu vết khó phân hủy hơn phần “mạt thịt” cuối cùng của thân xác, và nếu may mắn, còn có thể là những tượng đài, như chính khát vọng của Iris khi cầm bút.

Thời gian viết nên/trên thân thể tôi

Tuổi già và cái chết là một ám ảnh nặng nề trùm phủ lên cuốn tiểu thuyết, hay có thể nói, là một ám ảnh đóng vai trò như thể căn nguyên chính cho cuốn Tay sát thủ mù thứ hai của Iris. Ham muốn viết, như đã nói, khởi sinh chính từ ý thức về tính mong manh của tồn tại. Ý thức này, có lẽ mạnh hơn lúc nào hết khi buộc phải nhìn chính thân thể mình đang đối diện trực tiếp với những dấu hiệu rõ nét của tuổi già và cuộc săn lùng kề cận của cái chết. Đó là trạng huống con người dễ dàng thừa nhận sự yếm thế và hữu hạn của mình hơn cả, ý chí chuội đi chỉ còn lại thân thể như một thứ “mạt thịt” sau cuộc hành quyết mù lòa của “tay sát thủ” thời gian. Thân thể hiện nguyên dạng là một thứ thảm dệt, một thứ văn bản được thời gian kiến tạo, và tất yếu sẽ phải chịu đựng sự tàn rữa lui về màn tối của vũ trụ, một khả năng biến mất không tăm tích – “như vai nữ chính sương khói trong tiểu thuyết, bị bỏ quên trong trang sách của chính mình, cho vàng đi, mốc lên, vụn ra như chính quyển sách’. Thân thể tuổi già toát ra vẻ “bị-hủy diệt’ từ những loại mùi tàn rữa và chết chóc. Thân thể, lúc này, đã trở thành một văn bản xa lạ với chính ý thức bản thể. Da thịt (ở đây là da thịt phụ nữ), với thứ mùi vị trần tục đặc trưng của nó, vỗn dĩ đã liên tục bị chối bỏ, phủ nhận (Richard thường xuyên tặng Iris nước hoa, biết dùng nước hoa cũng là một điều kiện để bước chân vào giới thượng lưu), đến bây giờ, không ngớt nhắc nhở về sự tồn tại của nó một cách khó chịu. Y phục, lúc này, cũng không còn là một cách “viết” đầy chủ động của con người bên trên thân xác mình, không còn là một cách thức để che đậy bản chất trần thế, mà ngược lại, hoàn toàn bị vũ trụ quy định: “quần áo thực của tôi đâu rồi? Hẳn nhiên là những thứ đồ màu nhạt bèo nhèo này, đôi giày chỉnh hình này phải là của ai khác. Nhưng chúng là của tôi; tệ hơn nữa, giờ chúng vừa với tôi”. Từ bản chất, con người chẳng là gì ngoài xương thịt – “một cái xương quay tay dễ gãy, bọc lỏng lẻo trong cháo yến mạch đầy gân”, dù vậy, là một thứ xương thịt mang dấu ấn lịch sử: “Xương cốt tôi lại nhức trở lại, mỗi lần trời ẩm đều như thế. Chúng nhức cứ như lịch sử: những điều đã quyết toán từ lâu, nhưng vẫn dội lại thành cơn đau”. Tính không rạch ròi giữa thân thể với một văn bản được viết theo những quy luật và những thế lực vũ trụ bên ngoài nó mỗi lúc một rõ nét. Nhận thức về tình trạng “bị viết” đến mức không thể can dự/kiểm soát của thân thể đi kèm với sự hoài nghi cao độ đối với một thân-thể-của-mình-nhưng-không-thuộc-về-mình, mà thuộc về những nguyên tắc tăm tối khác của vũ trụ. Sự bất tín với/của thân thể chưa bao giờ rõ nét đến thế. Thân thể tiềm ẩn nguy cơ tẩy xóa chính nó, đồng thời, tẩy xóa mọi tồn tại khác của cái tôi. Thời gian viết nên thân thể, tất nhiên, nó có toàn quyền lãng quên hay xóa bỏ đi “vết mực” ấy.

Đó chính là điều kiện để sự đòi hỏi kiếm tìm một khả năng tồn tại khác, bất tuân những quy luật thông thường của vũ trụ xuất hiện. Khủng hoảng về khả năng bị tẩy trắng, cái “tôi” ham muốn “hút’ dần máu thịt “bên dưới lớp da” mình, biến nó thành “từng đoạn một, từng câu một, từng chữ một” như thể đang tìm cách kéo dài sự sống cho chính nó, trước hết, qua việc chuyển hóa nó thành một cái gì nếu không bất tử thì cũng tồn tại được lâu dài hơn chính nó – “Tôi viết cái này cho ai đây? Cho mình? Chắc là không phải. Tôi không thể hình dung mình đọc lại nó sau này, cái sau này đã trở thành không chắc chắn. Cho một người lạ mặt, trong tương lai, khi tôi đã chết? Tôi không có tham vọng, hay hi vọng nào như vậy. Có thể tôi viết chẳng cho ai…như khi trẻ con viết, khi chúng vạch tên trên nền tuyết”. Điều quan trọng là để lại được một dấu vết bên ngoài xác thịt, một dấu vết có khả năng sẽ được liệt vào hàng vĩnh cửu một khi có khả năng đi vào kí ức của nhiều người. Có lẽ vì thế mà càng viết, Iris càng lôi kéo những người xung quanh mình vào vai trò những “độc giả tưởng tượng” có trách nhiệm lưu giữ kí ức về mình như thể một hiện hữu từ quá khứ (khi mập mờ về chuyện Myra là em cùng cha khác mẹ, hay khi nhấn mạnh về người được ủy quyền văn bản là Sabrina – một cô cháu gái, kẻ chia sẻ cùng thân phận nữ, và chắc chắn tuyệt đối, cùng một mã gen). Iris tinh quái mập mờ về những sự thật, như thể đang cẩn trọng chuẩn bị những liều thuốc chống-lãng-quên cho những độc giả đầu tiên mà chính bà có thể hình dung được trong lúc viết. Xa hơn nữa, dấu vết ấy sẽ thành vĩnh cửu khi có thể đặt chân vào kí ức cộng đồng. Khả năng này, với Iris, không phải là chưa được kiểm chứng. Iris gần như quá cẩn trọng với những “dấu vết” của mình, tới mức dùng chính Laura, mượn tên cô em gái đã chết để tiến hành một thử nghiệm về vết tích. Dù thế nào, tôi viết, thay vì thời gian viết, tự nó đã là một kháng cự.

Cuốn tiểu thuyết, trong tư cách là một thân thể-ngôn từ, khuấy động và tấn công vào trật tự căn bản nhất – trật tự ngôn ngữ, xô lệch những chuẩn mực bằng cách từ chối viết theo những luật tắc cũ, bằng cách hoài nghi tính hợp lí của những huyền thoại, và bằng cách nới lỏng những đường viền vốn dĩ rất chặt của thể loại, đặt những gì cao cả nhất bên cạnh những gì (vốn bị coi là) thấp hèn nhất,…

Người khác viết nên/trên thân thể tôi

Iris và Laura, có vẻ như, ngay từ khi ra đời, đã được bao bọc trong những huyền thoại về chức phận. Những huyền thoại ấy che phủ, góp phần gây ra sự mù lòa của nhân vật, hoặc, có thể nói, đưa đến những sự tự nhận thức mù lòa về bản ngã cũng như về kẻ khác. Trong tiểu thuyết của Atwood liên tục có sự quy hồi vĩnh cửu của quá khứ – hiện tại – tương lai (tương ứng: truyền thuyết/thần thoại/quá khứ lịch sử – tiểu thuyết hiện thực – truyện viễn tưởng). Lịch sử không là gì ngoài những vòng quay lặp đi lặp lại, bao giờ cũng là những cuộc đấu tranh như thế, những tàn sát như thế, những sự dã man như thế… Gần như tiêu biến hoàn toàn ý niệm về sự tiến bộ. Những vận động lịch sử không còn khiến người ta có được sự ngạc nhiên nào ngoài nỗi kinh hoàng về mức độ đẫm máu. Hiện tại vừa là sự trở lại của quá khứ, vừa là điềm báo cho tương lai. Đổi lại, những gì chưa xảy ra được tạo dựng trong mỗi câu chuyện viễn tưởng cũng chỉ là một biến thể khác của hiện tại, hoặc, nếu muốn nói, một ẩn dụ khác cho hiện tại. Cũng như vũ trụ, lịch sử vận hành theo nguyên tắc của riêng nó, thay vì được “làm nên” bởi bất cứ một ai, nó nhào nặn con người vào vòng xoáy của nó, không thể kiểm soát. Lịch sử “viết” nên thân phận con người, viết lên nó bằng chiến tranh, bằng những phân cấp về giai tầng, những quy cách về y phục (không khó để nhận ra sự chú trọng quá mức của cuốn tiểu thuyết đến trang phục cũng như đến tính phù hợp giữa trang phục và hoàn cảnh hay địa vị).

Một số nhà phê bình coi tác phẩm của Atwood như là tiếng nói của phong trào nữ quyền đang trên đà nảy nở. Ảnh: Nhà văn Margaret Atwood. Nguồn: Gettty Images.

Một lịch sử gia đình, với các thế hệ, cũng thay nhau viết lên thân thể những người phụ nữ. Vọng từ quá khứ là tiếng nói đầy quyền lực của người bà, dù đã mất nhưng vẫn tìm được cách để gián tiếp nhào nặn những đứa cháu gái – “Chúng tôi lớn lên trong ngôi nhà của bà…trong ý niệm của bà về bản thân mình. Cũng là ý niệm của bà về chúng tôi như lẽ ra phải thế, mà không được thế. Vì bà đã chết rồi, chúng tôi chẳng tài nào cãi lại”. Với quá khứ, con người hiện tại chỉ là những thực thể câm tiếng, không đủ khả năng đối thoại. Sự lặp lại liên tục của tính bất khả “chẳng tài nào cãi lại” còn liên tục trở lại với Iris. Không chỉ với bà, mà còn với người mẹ đang trong cơn hấp hối – “tôi chỉ muốn bảo rằng mẹ hiểu nhầm rồi, nhầm ý định của tôi. Chẳng phải tôi vẫn cố làm chị tốt của Laura, hoàn toàn ngược lại… Nhưng tôi chẳng tìm được lời bày tỏ, phản đối cách nhìn sự việc của mẹ tôi. Tôi không biết mình sắp phải ở lại với hình dung của mẹ về tôi; với hình dung của mẹ về nết tốt của tôi, găm vào tôi như tấm huy chương, chẳng còn cách nào gỡ ra ném trả”. Kẻ cầm tù những người phụ nữ, không ai khác, chính là những người phụ nữ từ quá khứ. Bằng ảo tưởng của mình, bằng những ý đồ độc đoán của mình, họ giam hãm thế hệ sau vào những khuôn mẫu do họ chế tạo, hệt như nữ thần Năm Mặt Trăng đòi hỏi sự hiến sinh câm lặng của những thiếu nữ trẻ.

Mô tả chính mình cũng như Laura, Iris trở đi trở lại với hình ảnh một gương mặt câm tiếng, một “khuôn mặt không nói lên gì cả”, một “vẻ bất khả xâm phạm trống rỗng”, một “tấm bảng còn trắng, không chờ được viết, mà chờ được viết vào”. Một gương mặt thụ động tuyệt đối như thế cũng được Iris phô diễn khi nghe thông báo về cuộc hôn nhân đã được quyết định, thậm chí ngay cả sau khi đã kết hôn với Richard – “tôi mỉm cười, và tán thành, và không lắng nghe’. Một lần nữa, những điểm quy chiếu xếp chồng lên nhau. Nữ giới không thể vùng vẫy thoát khỏi thân phận mình khi trốn vào huyền thoại. Thân phận của Iris dường như đã tìm được tiền thân ngay trong hình ảnh những trinh nữ được hiến tế. Hay, càng tìm cách trốn vào huyền thoại, những thân phận nữ càng bị mắc bẫy. Điển hình là, Iris hay Laura, bất cứ khi nào muốn vin vào thứ huyền thoại quyến rũ về đức hi sinh của người phụ nữ, cũng là một lần khiến bản thân mình trở thành đui mù. Iris không thể tìm được an ủi trong ý nghĩ về sự hi sinh vì gia đình, bởi thực chất, chẳng có cứu vớt nào, và vì thế, cũng chẳng có sự hi sinh nào cả. Lấy Richard chỉ là một bước để cô tự đẩy chính mình vào “bẫy”, và rồi khiến mình rơi vào tình thế bị che mắt, đui mù hơn nữa trước tình cảnh bi thảm của gia đình, trước cái chết của người cha cũng như nỗi đau và sự sợ hãi đến khủng hoảng của cô em gái. Ảo tưởng “được hi sinh” cũng đã khiến Laura tự biến mình thành một nạn nhân câm nín của lạm dụng tình dục.

Tôi-viết-văn bản-thân thể-tôi

Tay sát thủ mù, như thế, phần nào là sự tự nhận thức về những thân thể nữ giới chịu chấn thương hay liên tục phải đối diện với những nguy cơ bị chấn thương. Nhưng Laura có thật sự hoàn toàn câm lặng? Nói khác đi, cô có thật sự mù lòa trước những đau đớn của chính mình? Sự thực không hẳn là như vậy. Sự thực là cô gái ấy đã luôn tìm cách tự cắt nghĩa những đau đớn bản thể, để nhận ra tính sát thương của những trật tự và quy ước. Sự thật là cô đã cố gắng tìm cách xâm phạm “ngôi đền thiêng” ngôn ngữ (mà đi kèm với nó là những ngôi đền thiêng khác được tạo dựng từ nó) bằng một hành động đầy phạm thượng: cắt bỏ trong Kinh Thánh những đoạn mình không thích. Sự cắt bỏ, thực chất, chính là sự viết lại, sự cấu thành một văn bản khác, có tính đối thoại với văn bản cũ vốn được coi là tối thượng. Đó phần nào cũng là hành động viết lại chính mình, tự giải phóng mình khỏi những quy ước sẵn có. Kẻ phản đối dữ dội lại truyền thống gia đình đầu tiên có lẽ cũng là Laura, qua việc cô bé tô màu (vẽ lại) những bức ảnh chân dung tổ tiên được đặt trong thư viện. Khác với Iris, Laura ngay từ đầu đã không chấp nhận tiếng nói áp đặt từ quá khứ, mà đòi hỏi có sự nhào nặn trở lại, hay, đòi hỏi có được một khoảng tự do nhất định trong giao tiếp với những thế lực dù đã mất nhưng vẫn đầy quyền năng. Cuối cùng, Laura không hoàn toàn câm lặng sau khi bị lạm dụng về tình dục. Đôi bàn tay được tô màu đỏ của Richard trong tấm ảnh cưới sau này được Iris tìm lại là minh chứng cho điều ấy. Laura không im lặng, chỉ là cô đang cố cất tiếng nói theo cách của mình.

Đến lượt mình, Iris lãnh trách nhiệm của kẻ can dự, của người chuyển hóa mọi chấn thương (của mình và của người em gái) thành một văn bản ngôn từ mang tính cộng đồng hơn – những cuốn tiểu thuyết. Chữ viết – sợi tơ dệt thảm – nhịp tim/hơi thở, và song song với nó: văn bản – thảm dệt – thân thể là những hình tượng vừa đồng nhất, vừa mang tính ẩn dụ cho nhau. Kiếm tìm một cách tồn tại khác trong ngôn ngữ vừa đòi hỏi một khả năng đan bện điêu luyện, vừa phải chấp nhận một khả thể không mấy dễ chịu hơn, ít ảo tưởng hơn, thậm chí buộc phải trực diện hơn với những nỗi đau. Điều an ủi duy nhất của người cầm bút, như Iris, có lẽ là một ý thức về sự viết không đơn độc, khi có một Laura đang cùng cất tiếng với mình, và không những thế, cả “một bầy đoàn ma nữ đang cùng tôi cầm bút” – phải chăng đó chính là tiếng nói xuyên lịch sử của những thân phận nữ?

Nguồn: Tạp chí Tia sáng, ngày 9.3.2018.

Thông tin truy cập

60515808
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
7319
12997
60515808

Thành viên trực tuyến

Đang có 255 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website