Sự hình thành trào lưu thơ ca lãng mạn Việt Nam và Trung Quốc đầu thế kỷ XX

20170417 Quach Mat NhuocẢnh: Nhà văn hóa Quách Mạt Nhược

Với địa hình “núi liền núi, sông liền sông”, Việt Nam và Trung Quốc có mối quan hệ lâu dài và không ít thăng trầm. Trên phương diện văn chương, Việt Nam đã thực hiện những cuộc “thiên di” thể loại, cốt truyện, nhân vật, điển tích, hình ảnh…, những vấn đề lý luận văn học Trung Quốc nói chung cũng được các học giả Việt Nam học tập, vận dụng. Trong quá khứ, tiến trình văn học Việt Nam không tách rời tiến trình văn học Trung Quốc. Tương đồng văn học trong quá khứ đã được nhiều học giả quan tâm và đưa ra những ý kiến xác đáng. Với những chuyển biến lịch sử, văn học Việt Nam dần thoát li ảnh hưởng trực tiếp từ văn học Trung Quốc. Đầu thế kỷ XX, Việt Nam và Trung Quốc đều tiếp thu văn hóa phương Tây, hiện tượng tương đồng văn chương hai nước theo quy luật mới. Tìm hiểu những tương đồng thời cận đại sẽ cho chúng ta thấy khi các quan hệ quốc tế phát triển, các nước có cùng một điều kiện lịch sử và cùng trong một giai đoạn lịch sử sẽ xuất hiện những hiện tượng văn học cùng kiểu loại. Dù không còn những quan hệ trực tiếp, phong phú như thời trung đại, nhưng văn học Trung Quốc và Việt Nam vẫn cùng vận hành trên một lộ trình, chịu sự chi phối của những quy luật chung, trở thành hiện tượng “không hẹn mà gặp”. Bài viết tập trung xem xét những điểm tương đồng trong quá trình hình thành trào lưu văn học lãng mạn Việt Nam và Trung Quốc đầu thế kỷ XX. (Trung Quốc dùng khái niệm “phái”, “nhóm”. Trong bài, chúng tôi dùng khái niệm “trào lưu” để chỉ hiện tượng thi ca cùng chung một tính chất của hai dân tộc). 

1. Trào lưu văn học lãng mạn hai dân tộc là sản phẩm của quá trình hội nhập Đông Tây, sự tiếp thu ảnh hưởng phương Tây. Tuy vậy, điều đầu tiên chúng tôi muốn đề cập là nội lực của những nền văn học phương Đông trong tiếp nhận phương Tây, xem xét quá trình vận động của mỗi nền văn học thúc đẩy sự ra đời trào lưu thơ ca lãng mạn.    

Tạo dựng nên truyền thống văn học nghệ thuật Trung Quốc là hai hệ tư tưởng có tính chất bổ sung cho nhau: Nho gia và Đạo gia. Nếu Nho gia chú trọng mối quan hệ của văn chương với các yếu tố bên ngoài như ý nghĩa xã hội, chức năng giáo hóa, tải đạo… thì Đạo gia chú ý tới các vấn đề cấu tạo nội tại của tác phẩm, chẳng hạn như hư cấu, tưởng tượng, ngụ ý...  Đạo gia quan niệm, bản nguyên của thế giới là “vô”; “đạo”, là cái không hình, không tướng, không màu, vô vị, vô thanh…Vì thế, để thể hiện cái thế giới rất khó nắm bắt đó phải dùng những tượng trưng, ẩn dụ, có tính chất kì diệu, khác thường. Học thuyết Lão Trang, phần nhiều được thể hiện bằng những ngụ ngôn, những chuyện hoang đường, phiêu dật. “Tư tưởng văn nghệ dùng phương pháp hư cấu và tượng trưng để biểu hiện cảnh giới tinh thần siêu hiện thực này, một cách tự nhiên nó hướng gần đến chủ nghĩa lãng mạn” [1, tr 4]. Du Hạo Mẫn cho rằng, chính Lão tử là người có những luận thuyết sớm nhất về phong cách của chủ nghĩa lãng mạn, gợi mở cho những sáng tác văn chương theo khuynh hướng lãng mạn. “… dùng những lời biến hoá vô định để suy diễn tình lý của vạn vật, dẫn chứng những “trọng ngôn” để người ta tin là thực, dùng những “ngụ ngôn” để triển khai học thuyết” (hoặc mở mang tâm ý người khác) [2, tr 542].

Trong truyền thống văn học Trung Quốc, những sáng tác theo khuynh hướng lãng mạn xuất hiện từ rất sớm. Kinh thi đặt nền móng cho khuynh hướng hiện thực; Sở từ đặt nền móng cho khuynh hướng lãng mạn. Kinh thi là sản phẩm văn hóa phương Bắc, nổi lên tính chặt chẽ, quy phạm, mực thước. “Vui mà không sa đà, buồn mà không thảm thương”, đúng đạo trung dung của Khổng tử. Sở từ là sản phẩm văn hóa phương Nam, chinh phục người đọc bởi tính chất phóng túng ngẫu hứng, những tưởng tượng bay bổng, đậm màu thần thoại. Khuất Nguyên là tác giả chính của Sở từ. “…thời đại của Khuất Nguyên, người Sở vẫn còn chìm đắm trong một thế giới thần thoại, với nhiều tưởng tượng ly kỳ kết hợp một tình cảm nồng cháy” [3, tr 199]. Tên tuổi của Khuất Nguyên gắn liền với Ly tao - sản phẩm đặc trưng cho văn hóa Sở đồng thời bộc lộ rõ cá tính thi nhân. Ly tao trở thành bài thơ trữ tình hiếm có trong lịch sử văn học nhân loại. Với dung lượng 373 câu, tình cảm nồng nhiệt, dạt dào; hình ảnh tươi đẹp, lộng lẫy, dày đặc những tỷ dụ, tượng trưng, Ly tao được coi là áng thơ ca lãng mạn bậc nhất của văn học cổ đại Trung Quốc, là tiếng nói tự do của tình cảm, tâm linh. “Tiền thế vị văn, hậu thế mạc kế” (Đời trước chưa từng nghe, đời sau không theo kịp).

Tiếp nối khuynh hướng lãng mạn được mở ra từ Ly tao, nhiều tác giả đã đi theo con đường của Khuất Nguyên. “Những nhà văn hậu thế có tài đều hấp thu tư tưởng trong tác phẩm của ông, còn những nhà văn tầm thường cũng nhặt nhạnh được lời hay, ý đẹp” (Lưu Hiệp, Biện tao). Người tiếp nối xuất sắc con đường nghệ thuật của Khuất Nguyên là Lý Bạch, Lý Hạ, Lý Thương Ẩn… (Đường). Lý Bạch trở thành nhà thơ tiêu biểu cho khuynh hướng lãng mạn thời thịnh vượng nhất của thơ ca Trung Quốc. Thơ Lý Bạch tình cảm sôi nổi, dâng tràn, luôn hướng tới những vẻ đẹp huy hoàng, kỳ vĩ. Thơ Lý Bạch thể hiện “lực trời”, vì thế, nói những điều bình dị của nhân sinh nhưng bao giờ cũng thấy cảm xúc, hình ảnh mang tầm vũ trụ, lớn lao và hào phóng.

Từ đời Tống là những sáng tác tiếp nối khuynh hướng lãng mạn trong thơ Đường, thiên về bày tỏ tình cảm cá nhân, bay bổng và giàu cảm xúc. Từ Tống có hàng nghìn điệu (chính điệu và biến điệu), tình ý miên man. Thế giới tình cảm con người tuôn chảy theo muôn ngàn làn điệu, cung bậc. Từ của Lý Thanh Chiếu nổi tiếng bởi vẻ đẹp nữ tính dịu dàng, tâm tình chan chứa… Minh Thanh là thời kỳ văn hóa tư tưởng chịu ảnh hưởng khá mạnh mẽ quan niệm chân tình của Thang Hiển Tổ, thuyết nh giáo của Phùng Mộng Long. Sự thịnh đạt của dòng tiểu thuyết tài tử giai nhân cho thấy văn nhân đời Thanh vô cùng yêu thích, quyến luyến với loại văn chương thiên về tình cảm. Thi, từ, tản khúc cũng khá phồn vinh, và như một vườn hoa vừa rực rỡ, vừa ôn nhu thể hiện đời sống tình cảm phong phú, muôn sắc hương. Thi ca từ Minh sang Thanh ngày càng thể hiện rõ ý thức “tự ngã”, đề cao tình cảm cá nhân chân thật. Đặc biệt, với thể từ, từ của Nạp Lan Tính Đức được người đời truyền tụng bởi vẻ đẹp lãng mạn, hoa mỹ. Khí chất nặng tình của ông khiến có thuyết nói rằng ông là nguyên mẫu của nhân vật Bảo Ngọc (Hồng lâu mộng).

Như vậy, trong lịch sử văn học Trung Quốc, khuynh hướng lãng mạn - thiên về phô bày tình cảm, cảm xúc, đã xuất hiện từ rất sớm và trở thành dòng mạch không kém phần dào dạt. Thành tựu của bộ phận văn học trữ tình này không thể phủ nhận. Cho dù, người Trung Quốc vẫn công khai cổ xúy cho loại văn chương “tải đạo”, “quán đạo”, “minh đạo”, khinh thường văn chương trữ tình, nhưng nói như Lâm Ngữ Đường, họ chẳng qua chỉ là “trồng cây chuối” trước hiên Khổng phu tử. “… tất cả những tác phẩm văn chương có giá trị đều phải do tâm linh tác giả phát tiết ra, bản chất của nó là trữ tình…” [4, tr 336].        Thuyết tính linh của Viên Mai (1716 – 1797) càng khẳng định bản chất trữ tình của văn chương. Viên Mai nhấn mạnh điều cốt tử đầu tiên của văn chương là chân tình, thơ ca phải là sự cảm phát từ lòng người. “Thơ do tình mà sinh ra” (Thi giả, do tình sinh giả dã), “Làm thơ không thể không có cái tôi” (Tác thi bất khả dĩ vô ngã). Lý luận của Viên Mai ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống học thuật Trung Quốc bấy giờ và lan tỏa đến Việt Nam.

Nguồn mạch lãng mạn bắt nguồn từ Trang tử, kết hợp với xu hướng văn chương trọng tình là những cơ sở để văn học Trung Quốc tiếp thu thành công chủ nghĩa lãng mạn phương Tây.

Bản chất của thi nhân cũng như mọi nền thi ca là lãng mạn. Trong các tác phẩm thơ ca ít nhiều đều bộc lộ tình cảm chủ quan, những vấn đề có tính chất lý tưởng, những khát vọng mãnh liệt, cao vời. Song, đối với văn học Việt Nam trong quá khứ, rất khó có thể nêu ra rành mạch một vài gương mặt tiêu biểu cho khuynh hướng lãng mạn như Trung Quốc. Những tên tuổi như Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Công Trứ… đều có những vần thơ thể hiện rõ con người cá nhân, trữ tình, lãng mạn. Thế nhưng, nói rằng họ là những nhà thơ theo khuynh hướng lãng mạn thì e không thuyết phục. Những cảm xúc lãng mạn, những yếu tố lãng mạn trong thơ ca cổ trung đại Việt Nam chưa đủ để làm nên một phái, trường phái, hoặc tạo nên khuynh hướng chính trong toàn bộ sự nghiệp văn học của một tác giả. Cảm hứng chủ đạo, nổi trội trong truyền thống văn học Việt Nam là chủ nghĩa yêu nước. Âm hưởng của mười thế kỷ văn chương trung đại là tình yêu quê hương giống nòi, lòng tự hào dân tộc, tinh thần chống ngoại xâm, niềm đau đời, thương người… Tất cả ngời sáng trong thơ, lấn át những biểu hiện tình cảm cá nhân, đơn nhất. Nếu coi chủ nghĩa lãng mạn như một trào lưu thì phải đợi đến khi Tản Đà (1889 – 1939) xuất hiện trên văn đàn, rồi Trần Tuấn Khải (1894 – 1983), khuynh hướng lãng mạn trong thơ ca Việt Nam mới bắt đầu định hình. “Tản Đà, Nguyễn Khắc Hiếu, người khơi nguồn đầu tiên cho khuynh hướng văn học lãng mạn Việt Nam. Á Nam Trần Tuấn Khải, nhà thơ cùng thời, cùng lãng mạn nhưng lại nghiêng về cảm hứng yêu nước thương nòi” [5, tr 434].  

Như vậy, bước sang thời kỳ cận đại, Việt Nam mới có những tác gia sáng tác theo khuynh hướng lãng mạn, Trung Quốc đã có truyền thống dài lâu. Với sự tiếp thu chủ nghĩa lãng mạn từ phương Tây, khuynh hướng lãng mạn trong thơ ca Trung Quốc, Việt Nam đều phát triển thành trào lưu, thành một hiện tượng văn học giàu ý nghĩa đầu thế kỷ XX.

2. Giữa thế kỷ XIX, các nước trong khu vực Đông Á lần lượt bị phương Tây xâm lược. Trung Quốc không là ngoại lệ. Thậm chí, Trung Quốc lại là quốc gia bị phương Tây biến thành thuộc địa sớm nhất – năm 1840 với cuộc chiến Nha phiến. Ở Nhật Bản, quân Mỹ đã đến cửa biển Uraga năm 1853. Năm 1858, thực dân Pháp đã nổ súng tấn công Việt Nam tại bán đảo Sơn Trà. Khát vọng đến với phương Đông của phương Tây từng bùng lên dữ dội từ sau những phát kiến địa lý (XV). Thế nhưng, sau những hành trình xuyên biển của phương Tây, họ đã thu được kết quả ngoài dự kiến. Phương Đông vẫn là vùng đất bí hiểm mà phương Tây chưa thể khám phá, chinh phục. Vào thời điểm giữa thế kỷ XIX, lịch sử nhân loại lại một lần nữa chứng kiến quyết tâm của phương Tây mong muốn tìm hiểu và chinh phục phương Đông. Hành trình của những nhà truyền đạo, sau nữa là tiếng súng xâm lăng của các nước thực dân đế quốc hòng mở rộng thuộc địa đã đặt Phương Đông trước một cuộc xáo trộn lớn lao chưa từng có. Thời điểm này, mối quan hệ vùng vẫn diễn ra sôi nổi với trung tâm thu hút là Nhật Bản. Song, các nước Đông Á đồng thời cùng tiếp xúc với Tân thế giới, xuất hiện mô hình xã hội thực dân nửa phong kiến (bán thuộc địa). Xã hội Trung Quốc và Việt Nam trước “làn gió lạ” phương Tây không còn lặng lẽ, bình yên như trước. Nơi có những chuyển biến mau lẹ hơn cả là các đô thị. Những tiến bộ khoa học kỹ thuật phương Tây đã làm cho đô thị phương Đông nhanh chóng đổi thay diện mạo. Không khí của xã hội công nghiệp và sự xuất hiện ngày càng đông đảo của tầng lớp thị dân làm cho bộ mặt thành thị phương Đông linh động hơn. Đô thị lúc này không chỉ là nơi đồn trú của tầng lớp quan lại mà trở thành nơi kinh tế công thương nghiệp phát triển. Nhà máy, công xưởng, tàu hỏa, xe hơi, báo chí… rầm rộ xuất hiện, thật mới mẻ và xa lạ. Nếu ở Trung Quốc thị dân trở thành một tầng lớp hùng hậu và có tác động mạnh mẽ thúc đẩy sự ra đời thoại bản - tiền thân của tiểu thuyết chương hồi là vào thời Tống (960 - 1279), thì ở Việt Nam phải là thời điểm cuối XIX đầu XX, đô thị phát triển, thị dân mới thực sự là một lực lượng có ảnh hưởng trong đời sống văn hoá dân tộc. Tầng lớp công chúng mới này đòi hỏi thưởng thức những hình thức văn chương khác với truyền thống.

Những tác động từ Phương Tây đã góp phần làm bùng lên phong trào văn hóa Ngũ Tứ (1919), mở đường cho những tư tưởng mới tràn vào Trung Quốc. Đây cũng là thời điểm khẳng định vai trò người trí thức bước lên vũ đài chính trị. Những nhà văn hóa mới bấy giờ như Thái Nguyên Bồi, Lỗ Tấn, Hồ Thích, Trần Độc Tú … đều bày tỏ tinh thần phản phong quyết liệt và có thái độ tiếp nhận tích cực với văn hóa phương Tây.

Với Việt Nam, còn có thêm một nhân tố mới - sự phổ biến chữ quốc ngữ, càng làm bộ mặt văn hóa Việt Nam có những biến đổi rõ rệt. Ở đô thị, các trường Tây mọc lên. Con chữ được chú trọng là chữ Pháp, sau nữa là quốc ngữ. Với ưu thế dễ học, dễ phổ cập, chữ quốc ngữ nhanh chóng chiếm ưu thế trước chữ Hán, chữ Nôm. Kỳ thi bằng chữ Hán cuối cùng là năm 1919. Con chữ có nguồn gốc phương Tây trở thành yếu tố kích thích chủ đạo để văn hóa Việt Nam vận động nhanh hơn về phía châu Âu. 

Như vậy, mặc dù văn hóa phương Tây đến với phương Đông cùng với chiến thuyền và đại bác nhưng không phải là đẩy lùi lịch sử. Một phương Đông trì trệ, chìm đắm dưới sự thống trị của các đế chế phong kiến đã bừng tỉnh. Cùng ở thời điểm này, chủ nghĩa lãng mạn phương Tây đạt đến độ chín muồi. Sự vận động của ý thức cá nhân trong lòng xã hội phương Đông cũng đã đến thời điểm không thể cứ ẩn mình mãi sau cái “tôi” cộng đồng. Những trí thức có tư tưởng đổi mới ở Trung Quốc cũng như Việt Nam đều tiếp thu văn hóa phương Tây, tiếp thu dòng văn học lãng mạn đang trên đà đỉnh cao bấy giờ. Khẩu hiệu về tự do, dân chủ, bình đẳng, bác ái hấp dẫn họ. Một mô hình xã hội khác với truyền thống thu hút họ. Một nền văn hóa cởi mở hơn giúp họ tự cởi trói. Các trí thức Việt Nam có thể được đào tạo trong các trường Pháp - Việt như Vũ Đình Liên, Thế Lữ, Khái Hưng, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên… Một số du học tại Pháp như Nhất Linh, Phạm Huy Thông… “Thế hệ các nhà văn trẻ Việt Nam đứng trước những chân trời mới lạ của cái tôi cá nhân đầy màu sắc hấp dẫn từ phương Tây và họ hấp thu, thẩm thấu theo cách riêng của mình: “Huygô, Vônte, Ranhbô đã thâm nhập vào nhà trường. Những trí thức trẻ ấy đã tiêu hóa tất cả những cái đó theo cách của họ và đưa đến một dòng máu mới. Với một cách diễn đạt uyển chuyển hơn, họ nói một nhu cầu lớn về tự do và phát huy bản ngã… Ở nơi họ có một trật tự kinh viện, đó là kinh viện Âu Tây, chủ nghĩa cá nhân Âu Tây. Nó đến từ chủ nghĩa lãng mạn Âu Tây, nhất là Pháp” [6, tr 233].

Ở Trung Quốc, số lượng thanh niên du học hết sức đông đảo. Chân trời Tây Âu của các thanh niên Trung Quốc bấy giờ là Anh và Mỹ. Ngoài ra, một số lượng rất lớn du học Nhật Bản – xứ sở phương Đông nhưng đã có những chuyển biến theo mô hình phương Tây từ sau cuộc duy tân Minh Trị. Nhật Bản nhanh chóng trở thành “một châu Âu trong lòng châu Á”. Trong làn sóng du học, sau này đã đóng góp những gương mặt lớn cho trào lưu thơ ca lãng mạn Trung Quốc như Quách Mạt Nhược, Từ Chí Ma, Văn Nhất Đa, Chu Tương, Phùng Chí… Từ Chí Ma sau khi đến đại học Cambridge (Anh) đã phát biểu: “Cambridge đã khiến tôi mở mắt, Cambridge đã khơi dậy niềm ham học hỏi trong tôi, Cambridge đã gieo mầm ý thức bản ngã trong tôi”. [7, tr 122]. Thời gian lưu học ở Viện nghệ thuật Chicago (Mỹ), Văn Nhất Đa cũng tiếp thu được nhiều điều mới mẻ, ông chủ trương “Sống trong thế kỷ XX, văn học, đặc biệt phải có hương vị quốc tế.” [Theo 8, tr 113]. Văn Nhất Đa đã dồn nhiều công sức, nhiệt tình cải cách nền thơ, kịch nước nhà bằng những kinh nghiệm học hỏi từ phương Tây. 

Từ những vận động nội tại của bản thân nền văn học, thời khắc cận đại, với sự gặp gỡ phương Tây đã khiến phương Đông nhìn nhận mình sâu sắc hơn, tự thức nhận những sức mạnh tiềm ẩn bấy lâu bị kiềm tỏa, kìm nén. Thời đại mới cần có tiếng nói mới. Tiếng nói ấy vốn đã cất lên đâu đó trong truyền thống văn học hai dân tộc nhưng lúc này mới trở thành dàn đồng ca, sôi nổi và say mê ngợi ca những niềm mới lạ của chính tâm hồn mình. Chủ nghĩa lãng mạn trong văn học phương Tây đã được các thi nhân Trung Quốc và Việt Nam nồng nhiệt đón nhận. Một trào lưu văn chương của phương Tây đã tràn đến phương Đông, đáp ứng được nhu cầu của con người bấy giờ, nhanh chóng bùng phát thành một phong trào rộng lớn.

Sư thống trị quá lâu dài của chế độ phong kiến đã biến các quốc gia Trung Quốc và Việt Nam trở nên già nua, cằn cỗi. Văn học lãng mạn là một thứ ánh sáng khải mông để tâm hồn mỗi dân tộc trở nên tươi mới, đổi thịt thay da. Nếu như tiền đề tư tưởng – xã hội nảy sinh chủ nghĩa lãng mạn ở châu Âu là sự thất vọng đối với nền văn minh tư sản thì ở châu Á (khu vực Đông Á) là sự phản ứng trước những ràng buộc nặng nề của xã hội phong kiến ở một tầng lớp người mới. “… văn học của Chủ nghĩa lãng mạn xuất hiện để tẩy gội bùn bẩn và nước đục của xã hội phong kiến…”, xã hội mới “cần có cá tính, cần có tình cảm sôi nổi, cần có sức tưởng tượng, cho nên cần có văn học của chủ nghĩa lãng mạn” [9, tr 107]. Những người mang đến không khí đổi mới cho đời sống văn hóa, văn học hai nước tất yếu là tầng lớp thanh niên sớm có những tiếp xúc với châu Âu. Tầng lớp trí thức trẻ đã được tắm mình trong dòng sông thi ca lãng mạn châu Âu, vậy nên, họ sẽ tiếp tục ca hát trong vườn văn chương dân tộc bằng tiếng ca ban đầu có vẻ “nghịch nhĩ”, nhưng càng về sau càng hấp dẫn, thuyết phục.

3. Bản chất của tồn tại là phát triển. Quá trình phát triển luôn tích luỹ những yếu tố thay đổi. Hiện đại hóa, đổi mới là lẽ sinh tồn của mỗi nền văn học và cũng là xu hướng tất yếu. Trước khi tiếp thu chủ nghĩa lãng mạn phương Tây, nền văn học hai dân tộc hoàn toàn là sản phẩm của văn hóa phương Đông. Văn học hai dân tộc trải qua các thời kỳ phục hưng, cổ điển nhưng thuần túy mang màu sắc phương Đông. (Theo các nhà Hán học Xô viết, nhà Đường được coi là thời kỳ phục hưng của Trung Quốc). Nằm trong quỹ đạo của văn học trung đại, văn học Trung Quốc và Việt Nam chịu sự chi phối của các phạm trù văn học trung đại phương Đông. Tính chất thể chế hóa của xã hội Nho gia ảnh hưởng sâu sắc đến các hình thức văn chương. Từ cảm hứng đến hình thức thể loại, hệ thống hình ảnh… đều nằm trong khuôn thước, quy định ngặt nghèo. Yêu cầu thể chế hóa đã khiến văn chương khó có cơ hội thay đổi, dễ rơi vào tình trạng xơ cứng, sáo mòn. Tuy nhiên, trong khuôn khổ của những quy phạm trung đại, văn học hai dân tộc vẫn đạt tới những thành tựu huy hoàng, không thể phủ nhận. Thơ Đường, từ Tống, tiểu thuyết Minh Thanh, thơ Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Bỉnh Khiêm…, đều là những mốc son đáng tự hào.

Lịch sử không bao giờ đứng yên, cũng như văn chương luôn có những bứt phá, tìm tòi. Suốt thời trung đại, văn học Trung Quốc cũng như văn học Việt Nam vẫn luôn trăn trở, kiếm tìm những dạng thức tác phẩm mới, những cách thể hiện mới. Mỗi một thể loại hoàn thiện, mỗi một tác phẩm chào đời, được công chúng đón nhận và khẳng định đều nói lên sự tìm tòi, sáng tạo của nhà văn. Tất cả những sáng tạo, thay đổi đều nhằm đáp ứng nhu cầu của thời đại, thị hiếu mới của công chúng, thúc đẩy quá trình vận động tiến về phía trước của mỗi nền văn học. Nhịp điệu của xã hội phong kiến là nhịp điệu của xã hội nông nghiệp, khép kín, tự cung tự cấp, tuần hoàn theo mùa. Vậy nên những thay đổi thường khó khăn, chậm chạp. Và, nếu có thay đổi thì vẫn nằm trong quy phạm quen thuộc, trong những khuôn khổ của hình thái thượng tầng được quy định bởi hạ tầng phong kiến được cấu thành bởi chế độ tông pháp và chế độ quan liêu. Vì thế, chưa thể có những đột phá. Bước sang thời kỳ cận đại, với những biến động từ thực tiễn, thơ ca lãng mạn ra đời chính là sự đáp ứng nhu cầu của xã hội bấy giờ và hoàn toàn phù hợp với quy luật phát triển.

Thơ lãng mạn hai dân tộc là cuộc cách mạng trên phương diện nội dung lẫn hình thức, trở thành mốc quan trọng trong tiến trình hiện đại hóa văn học. Diện mạo văn học Trung – Việt, nhờ sự góp mặt của thơ ca lãng mạn trở nên mới mẻ và đại chúng. Nền văn học cổ kính, nghiêm trang, già nua và cách bức đã nhanh chóng tháo gỡ các rào cản, hòa vào cuộc đời chung. Sự ra đời của thơ lãng mạn là bước nhập dòng tích cực của phương Đông vào tiến trình văn minh nhân loại.

CHÚ THÍCH

(1) Du Hạo Mẫn, Đặc điểm văn nghệ của Lão Trang và ảnh hưởng của nó đối với đời sau, (bản dịch Lê Quang Trường), nguồn http://khoavanhoc-ngonngu-edu-vn/home/, truy cập 19h, ngày 29/6/2016

(2) Vũ Bội Liêu (2000), Những gặp gỡ của Đông phương và Tây phương trong ngôn ngữ và văn chương, Nxb Văn học, Trung tâm văn hoá ngôn ngữ Đông Tây.

(3) Nguyễn Văn Hoài (2010), Từ Chí Ma - tư tưởng và phong cách nghệ thuật, Nghiên cứu Văn học, số 7.

(4) Lâm Ngữ Đường (2001), Trung Hoa đất nước con người, Nxb Văn hoá thông tin, Hà Nội.

(5),(6) Mã Giang Lân chủ biên (2000), Quá trình hiện đại hoá văn học Việt Nam 1900 - 1945, NXB Văn hoá thông tin, Hà Nội.

(7) Cao Kiến Hoa (2009), So sánh phong cách sáng tác thơ ca của Từ Chí Ma và I.A.Bunin, Tạp chí đại học Mẫu Đơn Giang, số 6.

(8) Đinh Phan Cẩm Vân (2010), Văn Nhất Đa - Thơ và lý luận về thơ, Nghiên cứu văn học, số 5.

(9) Vương Văn Anh chủ biên (2005), Văn học hiện đại Trung quốc nhìn từ Thượng Hải, Nxb Văn học, Hà Nội.

 

Đinh Phan Cẩm Vân, PGS.TS, Trường Đại học sư phạm TP.Hồ Chí Minh

Nguồn: Số chuyên đề Bình luận văn học - Niên san 2017, Tạp chí Đại học Sài Gòn, số 34 (59), tháng 12.2017, tr.244-250.

Thông tin truy cập

63700367
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
20659
23426
63700367

Thành viên trực tuyến

Đang có 161 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website