Tranh luận "Văn học Đài Loan" từ những năm 80 của thế kỷ XX đến nay

Tóm tắt: Những năm 80 của thế kỉ XX, văn học Đài Loan bước vào giai đoạn hướng đến tự do, khai phóng và đa diện. Dòng văn học hương thổ đậm màu sắc bản địa dần nhường bước cho những sáng tác mang dấu ấn lịch sử và thời đại. Tự do ngôn luận mở lối cho tác giả đến một vùng đất vốn nhạy cảm và úy kỵ - chính trị. Đội ngũ tác giả nhìn nhận sâu sắc hơn về quyền, vai trò, nghĩa vụ của mình đối với nền văn học bản địa và xã hội. Tự do biểu đạt cùng với những nhận thức riêng biệt của mỗi cá nhân về các vấn đề quốc gia là tiền đề dẫn đến những cuộc tranh luận văn học. Nội dung tranh luận đi từ văn tự, ngôn ngữ, xuất thân tác giả, ý thức sáng tác cho đến nội dung phản ánh, nhưng tựu chung đều vì mục tiêu đề xướng “văn học Đài Loan”, khẳng định giá trị, xác lập vị thế riêng cho nền văn học của lãnh thổ này.

Từ khóa: văn học Đài Loan, tranh luận văn học, Đài Loan những năm 80 thế kỉ XX.

AbstractDuring the 1980s, Taiwanese literature started to expand toward freedom, liberation and multi-aspects. The nativist literature (鄉土文學 xiangtu wenxue) has been slowly replaced by other literary tendencies full of historical and contemporary spirits. Freedom of speech has enabled writers to touch the sensitive - or even taboo - topic of politics. Taiwanese writers have acknowledged their rights, roles and responsibilities to their society and native literature. The free literary atmosphere and diverse personal perceptions of national, social, historical issues led to various discussions about literature. They discussed and argued about the writing system, the language, author’s biography and creative mind, and the work’s content, all leading to the main purpose of defining “Taiwanese literature” and determining its own specific values and position.

Keywords: Taiwanese literature, literary discussions, Taiwan in the 1980s.

20220627 3

Đài Loan những năm 1980 (Ảnh: Michael Frizell)

1. Từ cuối thế kỉ XIX, trong giai đoạn “Nhật trị”, các tác giả Đài Loan đã ý thức về một nền “văn học Đài Loan” bắt đầu từ vấn đề văn tự. Ngoài việc dùng Hán văn để sáng tác, nếu phải dùng Nhật văn để viết thì họ lấy nội dung tác phẩm, tức tác phẩm phản ánh những khía cạnh cuộc sống của nhân dân trên đảo, để quy về “văn học Đài Loan”. Những năm 50 của thế kỉ XX, khi Trung Quốc triệt để tiến hành phương án giản thể chữ Hán, thì tại Đài Bắc cũng xuất hiện những tranh luận có liên quan. Với quan điểm dùng chữ giản thể là hủy diệt văn tự và văn hóa Trung Hoa, không “phụ họa” cùng Đảng cộng sản Trung Quốc, phái bảo thủ chiếm thế thượng phong, cho nên Đài Loan không dùng chữ giản thể. Cũng có tác giả nỗ lực viết bằng tiếng Đài với mong muốn văn học Đài Loan thoát khỏi con đường sử dụng tiếng Nhật hay tiếng Quan thoại Bắc Kinh. Thế nhưng, chủ trương văn học Đài dùng tiếng Đài chưa bao giờ là con đường có thể thực thi dễ dàng. Bởi vì, bản thân Đài ngữ - tiếng Đài vốn đã tồn tại vấn đề văn tự hay những khía cạnh nhạy cảm, dễ khởi phát tranh luận chính trị như “tiếng Đài chỉ là nói, không là viết” (nhà nghiên cứu lịch sử, Viện trưởng Bảo tàng Cố Cung Ngô Mật Sát 吳密察, 1956-), “đem tiếng Mân Nam gọi là tiếng Đài đối với người Khách Gia hay các dân tộc thiểu số khác của Đài Loan là không công bằng” (Viện trưởng Viện Lập pháp Du Tích Khôn游錫堃, 1948-), v.v… Cho nên dù không gọi là “văn học Đài Loan” mà gọi là “văn học Đài ngữ” đều có thể dẫn đến tranh luận. Năm 1989, Liêu Hàm Hạo (廖咸浩, 1955-) trong bài viết bàn về hạn chế và điểm mờ lí luận của văn học Đài ngữ[1] cho rằng không có cái gọi là “thuần Đài ngữ”. Văn học Đài ngữ xét về mặt ngôn ngữ, văn thể thì rất gần với “văn học hương thổ”, gọi là “văn học Đài ngữ” không chỉ làm giới hạn không gian phát triển của văn học mà còn giảm sức sáng tạo của tác giả [8, tr.78-89]. Nhưng nhà thơ Lâm Ương Mẫn (林央敏, 1955-) phản bác trên tờ Nhật báo Dân chúng rằng muốn nhấn mạnh văn học bản địa thì tất yếu phải viết bằng tiếng Đài - qua bài viết “Không thể bóp méo vận động văn học Đài ngữ - phản bác cải chính ông Liêu Hàm Hạo” [8, tr.99-108]. Còn nhà ngôn ngữ học Hồng Duy Nhân (洪惟仁, 1946-) thì phê bình bài viết của Liêu Hàm Hạo trên Văn nghệ Đài Loan (số 119) là mù mờ và hạn chế. Bởi theo ông danh xưng “Đài ngữ” không phải để độc tôn tiếng Mân Nam. Đài ngữ bao gồm tiếng Mân Nam, tiếng Khách Gia và các ngôn ngữ bản địa [8, tr.90-98]. Năm 1991, Lâm Ương Mẫn trở lại cuộc tranh luận với bài viết “Nhìn lại diện mạo văn học Đài Loan” [8, tr.150-160]. Ông cho rằng văn học Đài ngữ mới chính là văn học Đài Loan. Bởi vì, tiếng Phúc Kiến (Mân Nam ngữ) là thứ tiếng phổ biến nên lấy làm đại biểu. Thứ tiếng này là tiếng mẹ đẻ của người Đài Loan, đậm chất bản địa. Dùng Đài ngữ sáng tác thì biểu hiện (ngoại) và giọng điệu (nội) của tác phẩm mới hòa hợp, phản ánh rõ nhất xã hội và con người nơi đây. Lập luận này khiến các tác giả người Khách Gia bất mãn. Tiểu thuyết gia Lý Kiều (李喬, 1934-) chỉ ra rằng người Đài Loan có bốn tộc lớn[2], danh xưng Đài ngữ nên chỉ bốn hệ ngôn ngữ này [8, tr.161-167]. Nhà phê bình văn học Bành Thụy Kim (彭瑞金, 1947-) cũng cho rằng cách nói của Lâm Ương Mẫn khiến ý thức tộc quần nổi lên, là ném bom vào ngôn ngữ [8, tr.168-171]. Chúng ta có thể thấy, một khi tiếng Đài vẫn tồn tại vấn đề văn tự, danh xưng chưa được giải quyết ổn thỏa thì “văn học Đài dùng tiếng Đài” hiển nhiên khó thực thi, khó tránh khỏi những cuộc tranh nghị có liên quan. Cho nên đến thập niên thứ hai của thế kỉ XXI vẫn xảy ra khẩu chiến về ngôn ngữ sáng tác văn học Đài Loan. Đơn cử ngày 24 tháng 5 năm 2011, trong hội thảo Trăm năm tiểu thuyết[3], nhà văn Hoàng Xuân Minh (黃春明, 1935-) cho rằng vấn đề viết và dạy học ngữ văn Đài còn có chỗ cần bàn bạc vì ngôn ngữ, văn tự chưa thống nhất. Buổi diễn thuyết dậy sóng bởi câu nói của giáo sư Tưởng Vi Văn (蔣為文, 1971-): “Tác giả Đài Loan không dùng tiếng Đài, đáng xấu hổ” (台灣作者無用台語文, 可恥). Hoàng Xuân Minh phản bác rằng Đài Loan hiện nay sử dụng Quốc ngữ cùng với tiếng Bắc Kinh đã có điểm không giống nhau, Quốc ngữ của Đài Loan đã trộn lẫn bộ phận tiếng Đài, ông nói hãy nhìn “người Mỹ sau khi độc lập vẫn sử dụng tiếng Anh, họ đáng xấu hổ sao?” Do đó, người Đài Loan dùng Trung văn sáng tác hoàn toàn không có gì đáng xấu hổ. Điều này cho thấy tại Đài Loan tồn tại nhận định “tiếng Đài là bản thổ”, không phải tiếng Đài bị quy là “phi bản thổ”, cũng vì thế dẫn đến tranh luận không dùng Đài ngữ để sáng tác có phù hợp với danh xưng “văn học Đài Loan”.

Cấu thành thực trạng này, có thể nói một phần bởi do từ cuối thế kỉ XIX, Nhật cai trị Đài Loan, từ năm 1936 có chính sách cấm dùng tiếng Quan thoại, khiến Nhật ngữ thành “Quốc ngữ”. Đến năm 1945, sau khi Nhật Bản bại trận, Quốc dân đảng lên nắm quyền, từ năm 1946 thực thi chính sách cấm dùng Nhật ngữ, đưa tiếng Quan thoại trở lại vị trí “Quốc ngữ”, còn tiếng Mân Nam (Phúc Kiến) là ngôn ngữ thường dùng trong cuộc sống hàng ngày. Như vậy, những xáo trộn, thử thách liên tiếp ở phương diện ngôn ngữ đã ảnh hưởng đến sáng tác văn học và nảy sinh tranh luận kể trên.

2. Ngược dòng thời gian, qua những đợt tranh luận về văn học hương thổ đến đầu thập niên 80, danh xưng “văn học Đài Loan” xuất hiện. Từ những năm 80 về sau, Đài Loan tiến hành cải cách dân chủ, kinh tế đại nhảy vọt, giải trừ giới nghiêm, bãi bỏ “báo cấm” - mở cửa cho báo chí và xuất bản, tư tưởng được giải phóng… là tiền đề phát sinh chiến luận ý thức giữa ý thức Trung Quốc và ý thức Đài Loan. Qua đó đề cao tính bản thổ, tính độc lập, cũng tạo cơ hội cho văn học Đài Loan được chính danh. Có những tác giả công khai đề xướng văn học của mảnh đất này là “văn học Đài Loan”, cũng có những cá nhân không nhất trí với tên gọi “văn học Đài Loan”. Văn học Đài Loan là văn học của người Đài Loan viết về Đài Loan hay là văn học tiếng mẹ đẻ, hoặc phàm những hiện tượng văn học, tác phẩm sản sinh trên mảnh đất này đều là văn học Đài Loan? Tác giả Trần Ánh Chân (陳映真, 1937-2016) cho rằng văn học Đài Loan là “văn học Trung Quốc tại Đài Loan”. Ý kiến phản bác thì nói: “Văn học Đài Loan đã chẳng phải là văn học Trung Quốc, cũng không phải là văn học Nhật Bản, là nền văn học độc lập” [7, tr.1204]. Kì thực, câu chuyện chính danh cho văn học Đài Loan đã kéo dài mấy thập kỉ, bắt đầu từ những năm 40 trong luận chiến định nghĩa và định vị cho nền văn học. Đến tận năm 1998, khi xây dựng bảo tàng văn học vấn đề này lại tiếp tục được thảo luận. Danh xưng không chỉ là tên gọi bảo tàng mà còn liên quan đến phạm vi thu thập tư liệu như chỉ lưu giữ những tư liệu văn học từ đời Thanh, thời kì Nhật trị đến giai đoạn đương đại của Đài Loan, hay lấy văn học hiện đại Trung Quốc và văn học hiện đại Đài Loan làm chủ. Vấn đề danh xưng thậm chí đưa lên Viện Lập pháp thương thảo. Tên gọi, phạm vi thu thập tư liệu đến địa điểm xây dựng đều dẫn đến tranh luận. “Bắc phái” ủng hộ xây bảo tàng tại Đài Bắc, “nam phái” muốn tại phía Nam. Đến năm 2007, bảo tàng xây dựng tại Đài Nam để thể hiện tính chủ thể, tên gọi chính thức là “Bảo tàng Văn học quốc lập Đài Loan”, lưu giữ tư liệu văn sử của văn học bản thổ, còn tư liệu về các tác giả Đại lục qua Đài Loan chỉ là thêm vào cho phong phú. Năm 2006, Lý Cần Ngạn, Lữ Hưng Xương, Tưởng Vi Văn xuất bản sách có tên Đài Loan văn học chính danh[4] một lần nữa trở lại với vấn đề này.

3. Văn học Đài Loan nhìn từ góc độ chủ thể sáng tác, cũng nảy sinh những tranh biện liên quan đến hộ tịch tác giả. Năm 1990, tiểu thuyết gia Chung Triệu Chính (鐘肇政,1925-2020) khi đảm nhiệm chức hội trưởng “Hội cây viết Đài Loan” chủ biên bộ Toàn tập tác giả Đài Loan 50 quyển[5], vì loại bỏ những tác giả không sinh ra ở Đài Loan nên bị Cung Bằng Trình (龔鵬程,1956 -) phê phán là kì thị “tỉnh tịch” (tức chỉ hộ tịch là tỉnh Đài Loan). Nội dung tranh luận giữa người được xưng là “mẹ của văn học Đài Loan” - tiểu thuyết gia Chung Triệu Chính và tác giả Cung Bằng Trình xoay quanh vấn đề văn học Đài Loan gồm sáng tác của các tác giả có tỉnh tịch, hay bao gồm cả sáng tác của những tác giả ngoại tỉnh, văn học Đài Loan có thể tách rời khỏi văn học Trung Quốc không. Đến năm 1999, câu chuyện tỉnh tịch một lần nữa dậy sóng, bởi do kết quả cuộc bình chọn các tác phẩm kinh điển văn học Đài Loan có tác giả bản địa, có tác giả Hoa kiều ở hải ngoại, có người ngoại tỉnh, v.v… Điều này khiến một số nhân vật thuộc phái “hương thổ” như Lý Kiều, Vu Vĩnh Phúc (巫永福, 1913-2008), Chung Triệu Chính bất bình. Họ phối hợp với Liên hợp báo tổ chức Hội thảo Văn học kinh điển Đài Loan để chất vấn. Sau đó, tờ Văn nghệ Đài Loan cũng đứng về phía các nhân vật này. Trong hội thảo, trường hợp tiểu thuyết của Trương Ái Linh được đem ra thảo luận. Số phản đối cho rằng tác phẩm của Trương Ái Linh không bắt nguồn từ ý thức Đài Loan, không phản ánh hiện thực xã hội Đài Loan, không dùng tiếng Đài để sáng tác, về bản chất không thể xếp vào tác phẩm Đài Loan. Số ủng hộ cho rằng Trương Ái Linh một đời phiêu bạt, có tác phẩm xuất bản tại Đài Loan mà không được xuất bản tại Trung Quốc, tác phẩm có ảnh hưởng lớn đến tác giả và độc giả Đài Loan, xét về tầm ảnh hưởng có thể mở rộng phạm vi để đưa vào danh sách các tác phẩm kinh điển của văn học Đài Loan. Mâu thuẫn giữa hai luồng ý kiến này khiến phó thư kí Đảng Dân chủ phải lên tiếng, e ngại các hoạt động tranh nghị làm tổn thương tình cảm của những tác giả lâu nay nỗ lực vì văn học Đài Loan. Kì thực, mâu thuẫn, tranh luận về tỉnh tịch tác giả vốn có từ rất sớm như trường hợp ca khúc nổi tiếng Truyền nhân của rồng (龍的傳人) do Hầu Đức Kiện (侯德健,1956-) sáng tác. Năm 1978, bài hát được phát hành đĩa nhạc, phổ biến khắp Đài Loan. Khi kiểm duyệt, ca khúc bị cho là đề cao cốt khí Trung Quốc, kiến nghị chỉnh sửa khiến Hầu Đức Kiện không hài lòng. Năm 1983,  Hầu Đức Kiện đột ngột bỏ qua Trung Quốc, tác phẩm bị cấm tại Đài Loan. Đến năm 1987, lệnh cấm này mới được giải trừ. Hành động của Hầu Đức Kiện khiến xã hội đặc biệt chú ý vấn đề nhận thức có liên quan đến thân phận, tổ quốc, ý thức Đài Loan - Trung Quốc... Trường hợp nhà văn Trần Ánh Chân - người cho rằng “văn học Đài Loan là văn học Trung Quốc tại Đài Loan”, ông sinh ra và lớn lên tại Đài Loan, năm 2006 qua Bắc Kinh giảng dạy và định cư tại đây, sau đó mất tại Bắc Kinh; vào năm 2008, Bảo tàng Văn học Đài Loan xuất bản Đọc Đài Loan - nhân văn 100[6] đề cử 104 quyển sách đến độc giả, tác phẩm của Trần Ánh Chân hoặc của những tác giả ngoại tỉnh không được đưa vào. Qua đó cho thấy có một cách nhìn nhận văn học Đài Loan do người Đài Loan viết, thể hiện quan điểm của người Đài Loan, phản ánh những sự việc có liên quan đến Đài Loan, về mặt ý thức tác giả lấy Đài Loan làm trung tâm…; dựa vào những căn cứ này để xác định phạm trù “văn học Đài Loan”. Có ý kiến cho rằng việc làm này khiến diện mạo và thành tựu văn học Đài Loan bị thu hẹp. Phân biệt tỉnh tịch cùng những nhận thức chính trị khác biệt khiến tập thể đội ngũ sáng tác phân hóa, văn đàn Đài Loan xảy tra thực trạng chia rẽ bè phái.

4. Bàn về những dòng văn học chủ lưu trong văn học Đài Loan, nổi lên những đợt tranh luận về “văn học hương thổ”. Theo Diệp Thạch Đào (葉石濤, 1925-2008) trong Sử cương văn học Đài Loan, dòng văn học này xuất hiện từ thời Nhật chiếm cứ Đài Loan, dùng tiếng Đài để miêu tả cuộc sống cơ cực người dân, mục đích để thức tỉnh dân chúng, chống lại sự thống trị của thực dân [1,tr.142-143]. Tháng 5 năm 1977, Diệp Thạch Đào trong bài viết “Giới thiệu về lịch sử văn học hương thổ Đài Loan”[7], đề xuất khái niệm “ý thức Đài Loan”. Ông cho rằng những tác phẩm được sáng tác dưới “ý thức Đài Loan” mới có thể gọi là “văn học hương thổ”. Diệp Thạch Đào hay Lý Kiều đều nhận định hương thổ, bản thổ chỉ mảnh đất Đài Loan. Còn các tác giả như Uý Thiên Tổng (尉天驄, 1935-2019), Trần Ánh Chân (陳映真, 1934-2016) cho rằng bản thổ chính là chỉ Trung Quốc [1, tr.38]. Vì như Trần Ánh Chân nói “lập trường Đài Loan” lúc đầu chỉ là địa lí, nên cho dù lí trí có “ý thức Đài Loan” trong sáng tác văn học, chẳng qua cũng chỉ là một loại “ý thức Trung Quốc”, văn học Đài Loan về bản chất là văn học Trung Quốc tại Đài Loan. Thực tế, đầu những năm 80 tranh luận về văn học hương thổ đã giảm nhiệt cho đến năm 1984, Trần Phương Minh (陳芳明, 1947-) trong bài viết “Vấn đề bản thổ hóa văn học Đài Loan giai đoạn hiện nay”[8] nhắc lại quan điểm “bản thổ” của Diệp Thạch Đào và Trần Ánh Chân để phủ nhận văn học Đài Loan là một nhánh của văn học Trung Quốc. Cùng năm, vào tháng 3, tạp chí Hạ triều luận đàn (夏潮論壇) ra chuyên san phê bình Trần Phương Minh cố ý khơi gợi mâu thuẫn. Sau đó, tuần báo Sinh căn (生根) công khai ủng hộ quan điểm của Trần Phương Minh, phản đối Hạ triều luận đàn. Từ năm 1996 đến 1997, ba hội thảo khoa học liên quan đến chủ đề văn học hương thổ được tổ chức, tổng cộng gần 30 bài viết thảo luận về vấn đề này. Nhìn chung, luận chiến văn học hương thổ của những năm 80-90 bắt đầu xuất phát dưới danh nghĩa tranh luận văn học, sau dần thể hiện mâu thuẫn ý thức, cuối cùng có xu thế chuyển thành bày tỏ quan điểm chính trị. Mâu thuẫn quan điểm ngày càng khuếch trương và vẫn tồn tại trong xã hội Đài Loan hiện nay.

 Tiếp diễn tranh luận văn học hương thổ, như đã trình bày ở trên, càng về sau chủ đề dần chuyển thành tranh luận ý thức; trong sáng tác văn học Đài Loan, ý thức Đài Loan hay ý thức Trung Quốc giữ vai trò chủ đạo. Qua các cuộc tranh luận ý thức, ý thức Đài Loan được đặt đối lập với ý thức Trung Quốc, từ đó dẫn đến cục diện chia rẽ nam bắc. Nam phái lấy Diệp Thạch Đào làm thủ lĩnh, đề cao tính bản thổ, chủ thể của văn học Đài Loan. Còn bắc phái lấy Trần Ánh Chân làm đầu tàu, nhấn mạnh văn học Đài Loan thuộc vòng tròn văn học Trung Quốc. Năm 1981, Đạm Hoành Chí (詹宏志, 1956 -) qua bài viết “Hai loại tâm linh văn học - bình hai tác phẩm được giải tiểu thuyết của Liên hiệp báo[9] thể hiện sự lo lắng nếu có một ngày văn học Đài Loan quy thuộc văn học Trung Quốc thì có bị nhìn nhận là “văn học biên cương”. Những năm này do sự kiện Truyền nhân của rồng của Hầu Đức Kiện bị trào phúng là “chủ nghĩa Hán tộc không tưởng” mà Trần Ánh Chân phát biểu khái niệm “Trung Quốc tổ quốc cha ông”. Trần Ánh Chân nói rằng tổ quốc cha ông qua mấy ngàn năm lịch sử xâm nhập sâu trong huyết dịch người Trung Quốc, cho nên hành động rời Đài Loan đi Trung Quốc của Hầu Đức Kiện là đi xem tổ quốc cha ông cuồn cuộn chảy trong dòng máu, trong giấc mộng lãng du bấy lâu nay của chính mình. Phát biểu này tạo làn sóng phản đối trên văn đàn, luận chiến ý thức lại nổ ra, đặt ý thức Đài Loan trong mối tương quan với ý thức Trung Quốc. Bài viết của Thái Nghĩa Mẫn (蔡義敏) phản đối “ý thức Trung Quốc” của Trần Ánh Chân cho rằng miễn cưỡng có thể nói “khái niệm, tình cảm, nhớ nhung” chảy trong huyết mạch, còn “tổ quốc, đất nước cha ông” theo cách nào có thể tuôn chảy trong huyết mạch sinh mệnh[10]. Lương Cảnh Phong (梁景峰) có bài khẳng định “Trung Quốc của tôi là Đài Loan”[11], hay Trần Thụ Hồng (陳樹鴻) cũng bàn về ý thức Đài Loan dưới góc nhìn chính trị trong cuộc vận động đảng phái dân chủ[12]… Những bài viết này được Thi Mẫn Huy (施敏輝) tổng hợp đưa vào tuyển tập luận chiến ý thức Đài Loan - ý thức Trung Quốc[13] gồm 249 trang, xuất bản năm 1988. Trong khoảng thời gian này còn có tuyển tập thơ 1983 Đài Loan thi tuyển[14] do Ngô Thịnh (吳晟, 1944 -) chủ biên ra mắt. Trong đó có những bài của các tác giả “ngoại tỉnh” phê phán kịch liệt chính quyền, vấn đề “thơ chính trị” do đó cũng tạo nên tranh luận.

Ý thức Đài Loan hay những tranh luận về huyết thống trên văn đàn đến tận thế kỉ XXI vẫn tiếp diễn, thậm chí được tiếp sức bởi thành quả từ ngành khoa học, kĩ thuật. Như vào năm 2000, Thẩm Kiến Đức (沈建德, 1947-) xuất bản tập sách Huyết thống Đài Loan (台灣血統) công bố kết quả phân tích tư liệu văn hiến lịch sử và thống kê nhân khẩu cho thấy đại đa số người Đài Loan hiện nay không thuộc Hán tộc mà là người dân bản địa đã bị Hán hóa. Tháng 7 năm 2010, giáo sư Lâm Ma Lợi (林媽利, 1938-) người đứng đầu ngành huyết học và được tôn xưng là “Đài Loan huyết dịch chi mẫu 台灣血液之母” xuất bản công trình Dòng máu bất đồng chảy trong chúng ta: bí ẩn thân thế các tộc người Đài Loan (我們流著不同的血液: 台灣各族群身世之謎). Thông qua chứng cứ khoa học về nhóm máu và gene mở ra bí mật thân thế các tộc người ở Đài Loan. Bà cho biết 85% người Đài Loan hiện nay (người Mân Nam và Khách Gia) có quan hệ huyết thống với người dân bản địa Đài Loan. Vì vậy, năm 2011, Chu Nhân (朱仁, 1952-) khi quan sát những xung đột tư tưởng ở Đài Loan thế kỉ XXI nói rằng khoảng 100 năm gần đây khá phổ biến cách nói người Đài Loan không thuộc Hán tộc [7, tr.1047-1048]. Điều này cho thấy họ dùng thực tế “hỗn huyết” để chứng minh huyết thống “đặc thù” ở hiện tại. Đây là biểu hiện của ý thức Đài Loan, của chủ nghĩa dân tộc, của nhu cầu được công nhận về bản sắc. Vì bản sắc có liên quan đến chủng tộc, bản sắc tạo sự khác biệt giữa các dân tộc và bản sắc cũng là nguyên nhân dẫn đến các tranh nghị đã thấy.

5. Từ năm 1980 khi danh xưng “văn học Đài Loan” được công nhận, có cuộc chiến liên quan đến công tác biên soạn lịch sử văn học Đài Loan. Cho dù là người Đài Loan viết về văn học Đài Loan hay người nước ngoài viết lịch sử văn học Đài Loan đều không tránh khỏi nghị luận. Trần Phương Minh khi biên soạn lịch sử văn học Đài Loan sử dụng quan điểm lịch sử hậu thực dân để phân kì văn học và trình bày kết cấu lịch sử văn học[15]. Điều này thể hiện qua mục 1 chương 1: “Thành lập sử quan hậu thực dân”, hay mục 1 chương 2: “Kiến lập thể chế thực dân” trong Đài Loan tân văn học sử  (台灣新文學史). Sách xuất bản vào năm 2011 nhưng kì thực từ mười mấy năm trước (năm 1999), tác giả đã bắt tay vào công việc biên soạn và công bố một phần công trình của mình. Khi đó, quan điểm lịch sử này của Trần Phương Minh vấp phải phản đối dữ dội của Trần Ánh Chân. Trong năm 2000, Trần Ánh Chân liên tiếp đăng 3 bài phê bình trên Liên hiệp Văn học, cho rằng dùng hình thái ý thức để thay thế tri thức khoa học là thảm họa. Còn Trần Phương Minh trong công trình của mình trình bày cách gọi “sử quan hậu thực dân”, thực chất là một thái độ khai phóng, nhìn lại lịch sử; một mặt để ôn lại sự chi phối quyền lực, nhìn nhận văn hóa xã hội chịu tổn hại, một mặt phản tỉnh thái độ phê bình như thế nào để có thể tiếp thu thành quả di sản văn hóa. Theo Trần Phương Minh, Đài Loan từng chịu tổn hại cũng nhận ân huệ, vì sau năm 1980 văn hóa sản sinh ra tính đa nguyên, tính khác biệt, cả hai cùng tồn tại, lập trường xã hội ngày càng khai phóng và khoan dung. Cuộc chiến văn chương giữa hai tác giả họ Trần được gọi là đại chiến “Song Trần” [6, tr.201].  

Năm 1998, Nhật Bản phát hành cuốn Văn học Đài Loan trăm năm nay (台湾文学この百年) của Fuji Shojo (藤井省三, 1952 -). Trần Ánh Chân liền có bài phê phán “thuyết âm mưu”, cho rằng sách tuyên truyền văn học Đài Loan đã không phải thuộc văn học Nhật Bản thì cũng không phải thuộc văn học Trung Quốc để thể hiện chủ nghĩa dân tộc của văn học Đài Loan[16]. Fuji Shojo phản đối Trần Ánh Chân bẻ cong quan điểm của ông qua bài viết trên Liên hiệp Văn học[17]. Trần Ánh Chân đăng bài bác bỏ[18] và Fuji Shojo có hai bài phản biện[19]. Khi các học giả Trung Quốc như Bạch Thiếu Phàm (白少帆), Lưu Đăng Hàn (劉登翰), Hoàng Trọng Thiêm (黃重添), Cổ Kế Đường (古繼堂)… viết lịch sử hay luận bàn về văn học Đài Loan cũng vấp phải phản đối[20]. Có ý kiến cho rằng những tác giả này không nhìn nhận văn học Đài Loan có tính tự chủ, xem văn học Đài Loan là “kế tục, biên duyên hóa” của văn học Trung Quốc, “căn bản không có kinh nghiệm thực tế lịch sử Đài Loan, cũng không có chân chính sống trong xã hội cơ sở kinh tế” [5, tr.40]. Điều này cho thấy công tác biên soạn lịch sử văn học Đài Loan là công việc có độ khó cao, thử thách ngay từ bước đầu, định nghĩa thế nào cho danh xưng “văn học Đài Loan”. Bước vào thế kỉ XXI, hướng đi nào giúp giảm thiểu những tranh luận liên miên không hồi kết trên? Trả lời cho câu hỏi này là công trình Đài Loan văn học sử trường biên (台灣文學史長編) 33 quyển do Bảo tàng Văn học Đài Loan xuất bản trong khoảng thời gian từ năm 2011 đến 2013: “Chúng tôi xem văn học Đài Loan là văn học sản sinh tại không gian địa lí Đài Loan, không kể tộc quần, quốc tịch và ngôn ngữ sử dụng”[21]. Câu nói này được giáo sư Cổ Viễn Thanh đánh giá là thể hiện tâm hồn rộng mở, khoan dung của người biên soạn, định nghĩa có tính dung nạp cao, bao gồm được những nhà văn Đài Loan bản tỉnh, ngoại tỉnh hay cư trú tại nước ngoài, mà không lấy hộ chiếu, quốc tịch và ngôn ngữ làm giới tuyến [7, tr.1204]. Có thể thấy, nhóm tác giả biên soạn bộ tùng thư văn học sử Đài Loan bằng cách thừa nhận văn học bộ phận của các tộc người trên đảo, trân trọng đa âm, giao hưởng trong văn học, phần nào tìm ra hướng giải quyết mâu thuẫn trên.

Tóm lại, năm 1980 Đài Loan tiến hành cải cách dân chủ, năm 1987 bãi bỏ lệnh giới nghiêm, giải phóng về mặt tư tưởng thúc đẩy sáng tác, cũng tạo điều kiện cho tự do ngôn luận. Văn đàn Đài Loan từ năm 1980 trở lại đây có gần 40 cuộc tranh luận văn học [6, tr.182-207]. Nội dung luận bàn chủ yếu xoay quanh quan điểm văn học, luận thơ, diễn dịch, thân phận tác giả, vấn đề Đài - Trung… Cũng có học giả thông qua hoạt động nghiên cứu văn học để thể hiện nỗi quan hoài xã hội, như nghiên cứu những bài thơ chiến tranh trong Kinh Thi nhìn về vấn đề hai bờ Đài-Trung[22]. Riêng với chủ đề “văn học Đài Loan” có thể nói đó là “luận chiến ý thức Đài Loan”, luận chiến văn học có xu hướng thành chiến luận chính trị mà ở đó chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa dân tộc được tự do thể hiện. Trần Phương Minh khi nhìn lại lịch sử văn học Đài Loan từ năm 1980 trở về sau cho rằng, ngành khoa học này đã trở thành “hiển học” và “hiểm học”. Bởi vì sau khi xác lập được vị thế của mình, lại trở thành khu vực cho những tranh đoạt chính trị, do đó gọi là “hiểm học” [5, tr.40]. Tuy vậy, cá nhân tôi cho rằng có đối thoại, tranh nghị, mới có thay đổi và phát triển. Những cuộc tranh luận trên văn đàn Đài Loan trong quá khứ sôi nổi, thẳng thắn, mang đặc thù lịch sử và thời đại. Qua đó thấy được bản sắc, cùng những khát khao nỗ lực của giới trí thức Đài Loan cho nhu cầu được công nhận và xác lập vị thế nền văn học bản địa.

Vũ Thị Thanh Trâm

Bài đã đăng trên Tạp chí Nghiên cứu văn học số 1/2022

Tài liệu tham khảo

[1] Diệp Thạch Đào (1998), Sử cương văn học Đài Loan, Cao Hùng, Nxb. Xuân Huy, Đài Loan (葉石濤 (1998), 台灣文學史綱, 高雄:春暉出版社, 再版).

[2] Diệp Thạch Đào (2018), Lược sử văn học Đài Loan (Phạm Tú Châu, Trần Hải Yến, Bùi Thiên Thai, Lê Xuân Khai dịch; Nguyễn Thị Diệu Linh hiệu đính), Nxb. Đại học Sư phạm, Hà Nội.

[3] Trương Viêm Hiến, Tăng Thu Mỹ, Trần Triều Hải (2001), Tập luận văn: Quốc gia và dân tộc Đài Loan hướng về thế kỉ XXI, Đài Bắc, Quỹ Sử liệu Đài Loan Ngô Tam Liên, Đài Loan. (張炎憲, ‎曾秋美, ‎陳朝海 (2001), 邁向21世紀的台灣民族與國家論文集, 台北: 吳三連台灣史料基金會).

[4] Lâm Ương Mẫn (1989), “Không thể bóp méo vận động văn học Đài ngữ - phản bác cải chính ông Liêu Hàm Hạo”, Văn nghệ Đài Loan, kì 118 (7-8/1989), Đài Loan ([林央敏 (1989), 不可扭曲台語文學運動 - 駁正廖咸浩先生, 臺灣文藝, 第118期, 7-8/1989).

[5] Trần Phương Minh (2011), Lịch sử văn học mới Đài Loan, Đài Bắc, Nxb. Liên Kinh, Đài Loan (陳芳明 (2011), 台灣新文學史, 臺北: 聯經出版事業, 二版).

[6] Cổ Viễn Thanh (2014), “Đề yếu tranh luận văn học trên văn đàn Đài Loan 60 năm trở lại đây”, Tân địa văn học, số 27 (3.2014), Đài Loan (古遠清(2014), 台灣文壇六十年來文學爭論提要,新地文學, 3.2014 第27期).

[7] Cổ Viễn Thanh (2021), Lịch sử lí luận văn học hậu chiến Đài Loan, Đài Bắc: Vạn quyển lâu xuất bản, Đài Loan (古遠清 (2021), 戰後臺灣文學理論史, 第4卷, 臺北: 萬卷樓).

[8] Lữ Hưng Xương (1999), Tập luận văn: Vận động văn học Đài Loan, Đài Bắc, Nxb. Tiền Vệ, Đài Loan (呂興昌 (1999), 台語文學運動論文集, 臺北: 前衛出版社).

---------------------------------------------------------------

Chú thích:

[1] Tháng 6 năm 1989, Liêu Hàm Hạo trong hội thảo Văn học và mĩ học (Sở nghiên cứu Trung văn, Đại học Đạm Giang tổ chức) có bài phát biểu “Bàn về văn học Đài ngữ: hạn chế và điểm mờ lí luận”. Tóm tắt của bài tham luận được đăng trên Tự lập vãn báo với tiêu đề “Cần thêm nhiều dưỡng chất cách mạng: hạn chế và điểm mờ của lí luận vận động văn học Đài Loan”, sau đó toàn văn được đăng trên Đài đại bình luận. Từ đó đã dẫn đến một loạt những tranh luận xoay quanh bài viết này, như của tác giả Đài Loan Tống Trạch Lai (宋澤萊, 1952-) trên thờ Tân văn hóa hay bài viết của giáo sư Trịnh Lương Vĩ (鄭良偉) trên tờ Tự lập vãn báo, v.v...

[2] Bốn tộc lớn của Đài Loan là người Phúc Kiến, người Khách Gia, dân bản địa và dân ngoại tỉnh. Dân “ngoại tỉnh” - đặt trong mối tương quan với dân “bản tỉnh” - chỉ nhóm người sau thế chiến lần thứ II mới di dân đến Đài Loan.

[3] Từ ngày 21/5/2011 đến ngày 25/5/2011, tuần tự tại Đài Bắc, Đài Nam diễn ra hội thảo Trăm năm tiểu thuyết bao gồm các hoạt động như diễn thuyết, phát biểu luận văn, hội đàm, v.v… phản tỉnh một số vấn đề qua trăm năm lịch sử của tiểu thuyết Đài Loan như phong cách sáng tác, thực trạng và hi vọng. Hội thảo do Thư viện Quốc gia, Hội Ngân sách Xu thế giáo dục, tạp chí Văn tấn đồng tổ chức. Cuộc khẩu chiến giữa tác giả Hoàng Xuân Minh và giáo sư Tưởng Vi Văn diễn ra vào ngày 24/5/2011 tại Bảo tàng Văn học Đài Loan, Đài Nam.

[4] 李勤岸, 呂興昌, 蔣為文 (2006), 臺灣文學正名, 台南: 開朗雜誌.

[5] Chung Triệu Chính (鐘肇政) tổng phụ trách công việc biên soạn Toàn tập tác giả Đài Loan (台灣作家全集). Tham gia biên soạn còn có Trương Hằng Hào (張恆豪), Lý Kiều (李喬), Lâm Phạn (林梵), Thi Thục Nữ (施淑女), Cao Thiên Sinh (高天生), Trần Vạn Ích (陳萬益), Bành Thụy Kim (彭瑞金), v.v… Năm 1992, Toàn tập tác giả Đài Loan 50 quyển xuất bản tại Đài Bắc, Nxb. Tiền Vệ (前衛).

[6] 吳瑩真 (2008), 閱讀臺灣­­ -人文100, 臺南:國立臺灣文學館.

[7] 葉石濤 (1977), “臺灣鄉土文學史導論”,  夏潮, 頁 14.

[8] 宋冬陽 (tức Trần Phương Minh, 1984) , “現階段台灣文學本土化的問題”,  台灣文藝, 第86, 頁10-40.

[9] 詹宏志 (1981), “兩種文學心靈——評兩篇聯合報小說獎得獎作品”, 書評數目, 第 93期, 頁23-32.

[10] 蔡義敏 (1984), “試論陳映真的“中國結” - “祖父之國”如何奔流于心生的血液中”, 前進, 第13期, 頁16-21.

[11] 梁景峰 (1984) , “我的中國是臺灣”, 前進, 頁13.

[12] 陳樹鴻 (1985), “臺灣意思 - 黨外民主運動的基石”, 收入施敏輝 (1988) , 臺灣意思論戰選集:臺灣結與中國結的總決算, 臺北: 前衛.

[13] 施敏輝 (1988), 臺灣意思論戰選集:臺灣結與中國結的總決算, 臺北: 前衛.

[14] 吳晟 (1984) , 一九八三台灣詩選, 臺北: 前衛出版社.

[15] 陳芳明 (2011), 台灣新文學史, 臺北:聯經出版事業, 二版.

[16] 陳映真(2003), “警戒第二輪臺灣「皇民文學」運動的圖謀 - 讀藤井省三〈百年來的臺灣文學〉”, 人間思想與創作叢刊, 冬季, 頁150.

[17] 藤井省三 (2004), “回應陳映真對拙著《臺灣文學百年》之誹謗中傷”, 聯合, 第236期, 頁28-34.

[18] 陳映真 (1999), “避重就輕的遁辭”, 中國時報.

[19] Fuji Shojo đăng hai bài phản biện Trần Ánh Chân trên tờ Đông phương (東方, 第 288期 (2.2005), 頁16-19 và 第 294期 (8.2005), 頁6-10).

[20] Bạch Thiếu Phàm, “Lịch sử văn học hiện đại Đài Loan” (白少帆: 現代臺灣文學史); Lưu Đăng Hàn, “Văn học sử Đài Loan” (劉登翰: 臺灣文學史); Hoàng Trọng Thiêm, “Tổng quát văn học mới Đài Loan” (黃重添: 臺灣新聞學概觀), Cổ Kế Đường, “Yên nghe giai điệu tâm hồn - luận văn học Đài Loan” (古繼堂: 靜聽那心底的旋律: 臺灣文學論).

[21] Lời trong bài tổng tự của Lý Thụy Đằng (李瑞騰), dẫn từ [7, tr.1204].

[22] Trương Văn Triều (張文朝) trong hội thảo Quốc tế hóa Kinh học (do Viện Nghiên cứu Trung Ương Đài Loan tổ chức 8/11/2021 tại Đài Bắc) phát biểu tham luận “Câu chuyện hay ngụ ngôn: đánh giá những nguy cơ ở eo biển Đài Loan từ những bài thơ có nội dung chiến tranh trong Kinh Thi”.

Thông tin truy cập

63735628
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
33722
22198
63735628

Thành viên trực tuyến

Đang có 381 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website