“Việc đó giống như là nuôi ký sinh trùng trong não vậy”, Michel Houellebecq nói. Việc đó là việc gì? Việc gì mà lại nhờn gớm đến mức giống như nuôi ký sinh trùng trong não? Câu trả lời là, Houellebecq đang nói tới việc viết văn. Văn chương mà người ta thường yêu dấu ôm lên giường đi ngủ, nhưng Houellebecq, kẻ quái thai của văn đàn Pháp ấy lại so sánh nó với thứ dơ dáy nhất. Thậm chí trong tiểu luận Rester Vivant (tạm dịch: Để sống) của mình, Houellebecq viết: “Nhà thơ là kẻ ký sinh thiêng liêng: giống như loài bọ hung thời Ai Cập cổ, hắn sinh sôi trên cơ thể đang rữa nát của những xã hội giàu có” – còn ai nói về Houellebecq hay hơn chính Houellebecq?
Tôi có một ngăn để riêng sách của Houellebecq Hạt cơ bản, Chênh vênh, Mở rộng phạm vi đấu tranh,… và ngăn sách ấy mới có thêm một cuốn tiểu thuyết mới, Serotonin (do nhà văn Thuận chuyển ngữ). Phải để riêng, bởi cần phải có một không gian kín bưng để nhốt lại những kẻ thống khổ, u uất, lắm khi loạn trí, những kẻ có thể chứng thực rằng sự sáng tạo của Chúa “nếu không tuyệt đối độc ác thì cũng chỉ xấp xỉ thất bại”, để chúng không tràn ra ngoài và kéo chân ta xuống cái căn hầm tối om tử khí ấy.
Serotonin, tên của một hormon hạnh phúc, nhưng ngay cả hormon hạnh phúc trong văn chương của Houellebecq cũng là thuốc độc bảng A, cái giá phải trả để kích thích được đống serotonin ngỏng đầu lên trong người của Florent-Claude, gã trung niên kể chuyện trong cuốn tiểu thuyết, là sự ỉu xìu của dương vật và sự vĩnh biệt những cơn cương cứng đã từng mang lại một chút động năng cho đời gã.
Florent-Claude, một nhân viên đắc lực của Bộ Nông nghiệp, cặp kè cùng một cô nàng người Nhật trẻ hơn gã 20 tuổi, có tiền và có tình, nhưng một ngày, gã quyết định mất tích. May thay, là một người Pháp, gã có thể và có quyền rút mình ra khỏi cuộc đời, như ngọn thủy triều rút khỏi bờ cát. Nếu câu chuyện được kể từ những người quen gã thì nó sẽ hao hao bộ phim A man vanishes của Shohei Imamura, nhưng câu chuyện được kể theo góc nhìn của gã. Gã trầm cảm. Điều gì khiến gã ra nông nỗi ấy?
Đến đây, xin được trở về một chút với tác giả cuốn sách. Houellebecq, trong nhiều cuộc phỏng vấn, nói rằng ông thích Hans Christian Andersen, đó là nhà văn định hình thời thơ ấu của ông. Hơn ai hết, Andersen là người đầu tiên có thể vén cho một đứa trẻ liếc lưỡi đao trên cỗ máy tra tấn của cuộc đời. Và đâu đó, Houellebecq cũng có phần giống Andersen, chỉ là ở một cấp độ tai ác gấp nhiều lần, giống ở khả năng dập tắt hy vọng vào một niềm hạnh phúc khi còn đương sống.
Có nhiều lý do để Florent-Claude trầm cảm. Nhưng lý do lớn nhất có lẽ là vì biết bói đâu ra hạnh phúc. Vạ vật trong một khách sạn ngoại vi sau khi bỏ nhà ra đi, Florent-Claude tự hỏi mình: “Nói chung, tôi có thể hạnh phúc không?” Có hay không hạnh phúc là băn khoăn vĩnh viễn trong những tiểu thuyết của Houellebecq. Hạnh phúc, với ông, hình như chỉ là một phát minh của châu Âu, một ý tưởng tiền đề khiến cả xã hội đua nhau ngã giá cho một món hàng không có thật, để rồi một thị trường bong bóng hạnh phúc căng phồng lên nhưng chỉ cần trích nhẹ một cái là sẽ vỡ òa.
Hạnh phúc là món hàng dễ vỡ như thế đấy, và quãng đời hạnh phúc của gã cũng ngắn ngủi cũn cỡn. Đó là thời gã yêu Kate và thời gã yêu Camille. Trong chuyến hành hương như truyền thống flaneur đích thực của một người Pháp để hồi quang phản chiếu đời mình trước khi nghe mùi kết thúc, gã nhớ lại thời khắc khi ngồi trong một quán ăn bên Kate, và người bồi bàn đã nhìn họ với ánh mắt như van xin họ hãy mãi bên nhau, và gã nghĩ đáng lẽ ra tình yêu của họ đã có thể cứu chuộc thế giới. Rốt cuộc, nó còn chẳng cứu chuộc được gã trước sự phát tiết của libido. Gã đã phản bội nàng. Gã cũng phản bội Camille. Gã bất hạnh vì gã xứng đáng.
Houellebecq bảo nếu phải gói cuốn tiểu thuyết này trong một dòng thì nó sẽ là câu chuyện về một kẻ đã phản bội và rồi hối hận. Ông đã muốn viết một cuốn tiểu thuyết như thế từ thời Soumission, cuốn sách bị quy kết là căm ghét Hồi giáo từng tình cờ phát hành vào đúng ngày xảy ra sự kiện tòa báo Charlie Hebdo bị khủng bố. “Nhưng tôi không phải nhà văn có tài vì tôi không phải lúc nào cũng thành công ở lần đầu tiên”, Houellebecq nói (sự khiêm tốn có lẽ là điểm đáng yêu hiển hiện duy nhất của con người kỳ thị nữ giới, kỳ thị tôn giáo và luôn đầy ắp những ý tưởng chổng mông vào đạo đức và xã hội này). Câu cuối trong Soumission là “Tôi sẽ không có gì để hối hận”. Và đến Serotonin thì là nỗi hối hận muộn màng của một kẻ đã tự vứt bỏ đời mình.
Ở đoạn đầu Serotonin, Michel Houellebecq đã có một đoạn nhắc thoáng qua về thập niên 60 chói lọi tình yêu và thập niên 80 chóe lọe cạnh tranh. Dù không xác định cụ thể, nhưng từ các dữ liệu trong tiểu thuyết, có thể suy luận được rằng Florent-Claude đã lớn lên vào thập niên 80, thập niên vỡ mộng sau những năm tháng ngắn ngủi của một thời kỳ “thời kỳ năng lượng vô tận” như cách gọi của Camille De Toledo, thời kỳ giải ảo tất cả những kỳ vọng về thịnh vượng, tăng trưởng, phồn vinh, và đến thời điểm khi Florent-Claude bỏ nhà đi (năm 2017), thì mọi vọng tưởng đã điêu tàn từ lâu.
“Ở phương Tây, chẳng một ai sẽ hạnh phúc nữa […] giờ đây chúng ta sẽ coi hạnh phúc như một giấc mơ cũ, đơn giản là bởi những điều kiện lịch sử không còn hội tụ cho điều ấy”, đó là suy nghĩ của Claire, một trong những người tình xưa của Florent-Claude, người đã rớt hạng từ một minh tinh ngạo ngược thành danh nhờ dạng chân trước mặt khán giả trong khi người ta đọc một đoạn văn của George Batailles, xuống chỉ còn là ả kẻ thô kệch gặm cục xương tủy của một con cá vây chân.
Sự thất bại của cô ả nằm trong một sự thất bại tập thể của xã hội tư bản tiêu thụ hiện đại. Trong chuyến đi cuối đời quanh nước Pháp tìm lại những gương mặt thân thương cũ, Florent-Claude cũng sẽ nhận ra gã không phải kẻ duy nhất bị cuộc đời dẫm đến tã tượi, ê chề. Gã đã xem cuộn phim nàng Nhật Bản của mình làm tình cùng những con chó Đức. Gã đã bắt quả tang một gã người Đức ấu dâm đứa con gái 11 tuổi. Đã nhìn thấy Claire thành ra nát rượu. Và đỉnh điểm là khi gã tận mắt chứng kiến cuộc nổi dậy của những người nông dân Pháp và vụ tự sát của người bạn thân sau khi chĩa súng săn nhắm bắn những người cảnh sát. Đó là một thế hệ của “lũ người bị làm nhục và hãm hiếp”, mượn văn phong của Dostoevsky. Đó là những kẻ chỉ có thể tự trút giận lên chính mình.
Không thể sống hạnh phúc trong cái thế giới như thế. Và cũng chẳng thể làm gì để cải tạo thế giới ấy. Càng cải tạo, thế giới ấy càng vỡ vụn. Trớ trêu thay, nước Pháp chống lại thực phẩm biến đổi gene nhưng kết quả là những người nông dân Pháp thua cuộc khi so cùng những quốc gia cóc cần quan tâm tới đạo đức sinh học. Biết phải làm gì với một thế giới coi tài sản là đạo đức như thế? Văn minh không đảm bảo được hạnh phúc của con người.
Có một đoạn khi Florent-Claude nghĩ về tự sát, và gã chỉ nghĩ đến cái công thức h=1/2gt2. Khoa học ư? Khai minh ư? Rồi cũng chẳng ích gì cho gã ngoài việc giúp gã tính ra thời gian rơi xuống đến khi chạm đất. Một đoạn khác, gã nghĩ về Proust, gã đã đọc hết Đi tìm thời gian đã mất, trời ơi, có bao nhiêu người trên trần gian này đọc được bằng hết áng văn chương vĩ đại ấy, vậy mà gã đã đọc, đã đọc rồi cũng chỉ để kết luận rằng những mối quan hệ giữa con người chẳng bổ béo chi, và “những cô gái đương hoa” thì nên được đổi thành “những cái him ẩm ướt”. Văn chương cũng chẳng giúp được con người. Thế là hết chứ còn gì nữa.
Trong bài tiểu luận Rester Vivant, Michel Houellebecq viết: “Đừng sợ hạnh phúc; vì nó không tồn tại.” Còn ai nói về Houellebecq hay hơn chính Houellebecq?□
Hiền Trang
Nguồn: Tia sáng, ngày 11.3.2023.