Nữ sĩ Rodica Marian: Tôi là bản sao trắng của màn đêm

Với đất nước Romania, chúng ta đã từng được tiếp cận một số tác phẩm văn học, từ cổ điển đến hiện đại, bây giờ lại được khám phá văn hóa đất nước này qua con đường thi ca của nữ sĩ Rodica Marian với tác phẩm "Khoảnh khắc can đảm" (The courage of the moment) do dịch giả, nhà thơ Bùi Xuân chuyển ngữ sang tiếng Việt, NXB Hội Nhà văn vừa ấn hành trong chương trình hoạt động giao lưu đối ngoại của Hội Nhà văn Việt Nam.

Tôi là bản sao trắng của màn đêm
Sự nặng nề không chạm vào tôi      
Rồi đột nhiên ánh sáng được sinh ra
Trông hạnh phúc và dễ bị tổn thương
Như chú chim hải âu đi chân trần vào buổi sáng. 

Bài thơ ngắn "Ánh sáng sinh thành" có thể xem là chân dung tự thuật rất sinh động của nhà thơ Rodica Marian. Sinh trưởng tại Beius, hạt Bihor bà là tác giả nhiều tập thơ, tiểu luận, bình luận văn học được xuất bản trong và ngoài nước Romania, được trao các giải thưởng văn học danh giá: Giải thưởng "Bogdan Petriceicu Hasdeu" của Viện Hàn lâm Romania (1995), Giải thưởng Hội Nhà văn Romania tại Cluj - Napoca (1999), Giải kỷ niệm Quốc gia "150 năm Ngày sinh của Mihai Eminescu" (2000), Giải thưởng Liên hoan Thơ Quốc tế (2010)…

20240313 4

Rodica Marian còn là Tiến sĩ Ngôn ngữ học, chuyên gia nghiên cứu về từ vựng học, từ điển học, ngữ nghĩa học, ký hiệu học, thi pháp học, phong cách học,… Đó là nền tảng và thế mạnh hết sức quan trọng cho Rodica Marian trên hành trình sáng tạo thế giới thi ca riêng mình. Một thế giới kết hợp tài năng, cảm xúc với tư duy khoa học ngôn ngữ để hình thành nên những bản "thánh ca" tâm hồn có sức lay động và lan tỏa.

Không phải ngẫu nhiên trong tập thơ "Khoảnh khắc can đảm" có nhiều bài thơ viết về thư viện. Bởi thư viện cũng đồng nghĩa với ngôn ngữ, văn hóa và lịch sử. Thư viện đã trở thành một trong những nguồn cảm hứng chủ đạo cho nhà thơ cũng đồng thời là nhà ngữ học Rodica Marian. Ngay bài thơ đầu tiên của tập thơ của bà cũng viết về thư viện:

Trước Thư viện Celsus, của Ephesus cổ đại;
Tôi không dám, không thể vượt qua
Dưới dáng vẻ nguy nga, điệp trùng của nó,
Với hốc tường và trụ đỡ hàng hàng lớp lớp…

(Thư viện Celsus)

Ephesus là một thành phố của Hy Lạp cổ đại được xây dựng vào thế kỉ thứ X trước Công nguyên, hiện nay thuộc thị trấn Selcuk, tỉnh Izmir của Thổ Nhĩ Kỳ. Và tại đây, theo lời nữ sĩ Rodica Marian: "Tôi cảm thấy hoảng sợ, ngột ngạt trước cỗ quan tài của/ Tiberius Julius Celsus Polemaeanus/ người từng là Tổng trấn của vùng Tiểu Á/ vào thế kỷ thứ nhất/ trên ngôi mộ của ông, con trai ông đã xây dựng một thư viện (và lăng mộ của ông được vinh dự đặt trong phòng đọc sách)".

Giữa sự hoành tráng và vinh dự dành cho người xưa, thật bất ngờ khi Rodica Marian có cái nhìn khác biệt. Một cái nhìn bằng nhịp đập trái tim nhân văn:

Giờ đây, trong hầm mộ của mình,
Tôi có cảm giác ông cô đơn hơn, dưới bức tượng vĩ đại của Athena,
Trong hố tường có mái vòm,
Từng được bảo vệ nghiêm ngặt  
Trong những hang động thư viện trống không 
Dường như chúng lạnh nhạt
Với số phận ngôi mộ xây bên cạnh,
Bất lực nhìn kinh sách biến mất.

Rồi từ quá khứ phóng chiếu với thực tại chính mình, cảm thức hiện sinh của nữ sĩ Rodica Marian càng gây ngạc nhiên:

Tôi nghĩ về nấm mộ khiêm nhường của mình
Bên nhà nguyện mái ngói xanh
Khép nép dưới bóng một cây dại,
Cô độc, mọc hoang trong nghĩa trang 

Và điều đó, có lẽ là từ những suy nghĩ vụn vỡ, cuối cùng của mẹ tôi.

Thật nhẹ nhàng và tinh tế. Rõ ràng với nhà thơ thì mọi số phận bình đẳng như nhau. Cả khi chết. Sự hào nhoáng chỉ làm cho linh hồn con người thêm cô đơn. Và sự cao đẹp đôi khi đến từ sự giản dị. Suy tưởng của nữ sĩ Rodica Marian trong "Thư viện Celsus" làm tôi nhớ tới nữ sĩ Nobel Văn học 1996 Wyslawa Szymborska của Ba Lan với bài thơ "Bảo tàng" cũng đầy ngạc nhiên ám gợi từ di sản quá khứ: "Những chiếc đĩa, nhưng chẳng ai thèm khát/ những chiếc nhẫn nhưng chẳng có tình yêu lứa đôi/ ít nhất cũng ba trăm năm rồi/ một chiếc quạt nhưng ở đâu nét mặt đỏ gay/ những thanh kiếm nhưng ở đâu sự giận dữ/ và chiếc đàn tỳ bà ngái ngủ/ không một lần rung lên/… kim loại, thạch cao, lông chim/ qua thời gian lặng im ăn mừng chiến thắng/ chỉ chiếc trâm của người đàn bà Ai Cập khúc khích cười/ chiếc vương miện đã phí công đợi một đầu người/ bàn tay đã thua chiếc găng tay/ chiếc giày chân phải đã thắng bàn chân phải…". (Tạ Minh Châu dịch).

Nữ sĩ Rodica Marian: Tôi là bản sao trắng của màn đêm -0
Tập thơ “Khoảnh khắc can đảm” của nữ sĩ Rodica Marian.

Cũng bằng trái tim nhân văn và "với sự kiên nhẫn lâu dài" suy tư qui luật sinh tồn, ở bài "Thư viện Alexandria", nữ sĩ Rodica Marian lại thấu thị về một trong những thư viện lớn nhất của thế giới cổ đại ở Ai Cập lẫn sự cô đơn không cần thiết của nhà vua Ptolemaios II giữa nắng mưa thời gian:

số phận sắp đặt
khiến thư viện Alexandria bị thiêu rụi
chỉ còn lại bức tượng Ptolemy II ở đó,
cô đơn trong dòng xe cộ chết tiệt của đường phố,
ngột ngạt giữa những bức tường quá cao,
với những chữ cái khổng lồ của tất cả các bảng chữ cái trên thế giới.  

Đến với "Thư viện Khổng Tử", sản phẩm văn hóa "nằm trong một ngôi đền kì lạ, gọn gàng đến khó tin" mang tinh thần của nhà hiền triết lừng lẫy Trung Quốc, nữ sĩ Rodica Marian lại thức nhận rằng "Trong sự rộng lượng phi thường ấy,/ Đừng để bạn được yêu/ Hãy để tình yêu vụt qua bạn", vì dưới góc nhìn mỹ cảm khác lạ vừa bình thản vừa sâu sắc và giàu sức liên tưởng của bà từ công trình này:

Hạnh phúc là một mô hình hóa đá buồn
Trong tục ngữ, về cơ bản không thể dịch sang
Bất kỳ ngôn ngữ lịch sử nào,
Ngọn lửa ám ánh ở bên trong màu xanh vàng,
Miền đất hứa từ chiều không gian thứ tư,
Con rồng cổ xưa tự nuốt chửng lấy mình,
Một hệ thống vô trùng vết thương bị cấm,
Một băng dính toàn cầu đang mở rộng,
Tai họa cứu rỗi của mọi phép lạ bất ngờ
Và một sự phản bội vô cùng tinh vi trong số phận con người.

Những bài thơ viết về thư viện chỉ là một phần trong "Khoảnh khắc can đảm" bản lĩnh và trí tuệ của nhà thơ Rodica Marian. Theo bước lãng du được chiếu rọi qua trái tim nhạy cảm và tâm hồn phóng khoáng của thi sĩ, con người và cảnh vật hiện lên với vẻ đẹp đa chiều từ những khoảnh khắc. Đắm chìm vào thế giới thi ca của Rodica Marian chúng ta như được khám phá một vũ trụ mới kết tinh từ tình yêu thương và lòng can đảm để vượt qua sự cô độc luôn ngự trị trong mỗi con người:

Chúa ơi, trong phút giây này, con cần bao nhiêu can đảm để lưu lại một khoảnh khắc,
Để đừng bỏ qua những giờ hạnh phúc
hoặc một thế kỉ diệu kì, 
Nếu không thì cuộc sống của con dường như sẽ lẻ loi, vụng về, cô độc
lúc phải lìa xa cuộc đời.

                     (Khoảnh khắc can đảm)

Đất nước của thi hào Mihai Eminescu đã từng mang đến cho người yêu thơ Việt Nam những tác phẩm văn học giá trị, mà gần đây tiêu biểu là hai nhà thơ Attila Balazs và Sandor Halmosi dù sống ở Hungary nhưng mang tâm hồn người Romania. Hai ông cũng chính là cầu nối quan trọng đưa thơ Rodica Marian cũng như những nhà thơ khác đến với Việt Nam. Vẻ đẹp "Khoảnh khắc can đảm" của nữ sĩ Rodica Marian càng tăng thêm qua sự chuyển ngữ của nhà thơ, dịch giả Bùi Xuân. Đây là sự gặp gỡ của tài hoa và mang tính liên tài để chúng ta có được một tập thơ hay đáng thưởng thức.

Phan Hoàng
Nguồn: Văn nghệ Công an, ngày 18.01.2024.

Thông tin truy cập

60896707
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
20563
18331
60896707

Thành viên trực tuyến

Đang có 544 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website