Website Khoa Văn học - Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ đã qua đời vào sáng hôm nay, ngày 6/7/2023 tại TP. Hồ Chí Minh, hưởng thọ 75 tuổi. BBT website khoa Văn học đăng lại bài viết này để tưởng niệm bà.
-----
Hồn đầy hoa cúc dại (NXB Thuận Hoá, 2007) là tập thơ thứ bảy của Lâm Thị Mỹ Dạ, nếu kể cả một tuyển thơ của chị được dịch sang tiếng Anh và in ở Mỹ. Hầu hết những bài trong tập thơ mới này viết khoảng mười năm nay, thời gian mà tác giả gặp nhiều khó khăn về gia cảnh. Trong bài thơ Thân phận tơ trời, Lâm Thị Mỹ Dạ tâm sự với bạn thơ nữ ở Nha Trang:
Đàn bà làm thơ trăm cái khổ
Thấm vào trong như cát chẳng thấy gì
Góc khuất nào người đời không thấu được
Xin chia cùng cho bạn nhẹ chân đi…
Trăm cái khổ: nỗi khổ có tên và nỗi khổ không tên, nỗi khổ đi vào thơ và nỗi khổ phía sau thơ.
Ngày Hoàng Phủ Ngọc Tường ngã bệnh, Mỹ Dạ giãi bày với sông Hàn:
gánh đời nặng nề
sao tôi bước như người không trọng lượng
bây giờ bên sông
tôi ngồi trong chiều xuống muộn…
Một đời người bao nhiêu lần bước đi như vậy? Như ngày nào, theo lời kể của Ngô Minh, người thiếu nữ Mỹ Dạ từ núi rừng Tuyên Hoá đi bộ về Lệ Thuỷ với mẹ khi con đường học vấn bị rào ngăn. Bây giờ đây, gần 40 năm sau, nhà thơ không che giấu bao lo âu, phiền muộn trên con đường thiên lý còn phải bước đi. Chị thấy mình hư hao từ bên ngoài:
Những ngày tháng xanh tươi dần vắt cạn
Đôi mắt quầng thâm bóng tối đậm dần…
Từ bên trong, chị cảm nhận như thời gian đang gặm nhấm tâm hồn:
ta tự sát bằng thời gian
không màu, không vị, không đớn đau!
[…]
một ngày đi qua
một ngày ta dần mất ta
từng chút, từng chút một…
Với một trái tim mềm yếu, khổ đau có thể tăng gấp bội khi người ta ý thức mình phải đơn thân đối mặt với chính khổ đau. Nói về hoàn cảnh cay nghiệt đó, thơ Lâm Thị Mỹ Dạ dù cố nuốt nỗi đau vào bên trong, vẫn mang chút hờn tủi lẫn cả lời trách móc:
Trên đôi vai bình yên
Mà bão giông nghiêng ngửa!
Em chênh vênh đối mặt chính mình
Nào ai biết, đến anh cùng chẳng biết
Em quằn mình như rễ giữa đất im.
Chị tưởng tượng ra một điểm tựa nào đó để có thể úp mặt vào khóc thoả thuê một lần như trẻ nhỏ, nhưng giật mình tỉnh lại, đó chỉ là ảo ảnh. Điểm tựa còn lại bây giờ là thơ, thơ trong hình dung của chị:
Tôi ngụp lặn giữa tháng ngày chật hẹp
Thơ trên cao - tầm tay với chênh vênh
Cái đầu tôi tự dưng đặc quánh như bóng đêm
Những tứ thơ bị nhốt trong đó…
Thậm chí, có khi cảm xúc đóng băng, chị thấy lòng mình như sa mạc, phải “giơ cao lá cờ trắng trước thơ”.
Nhưng đau khổ cũng có thể là bà đỡ của sáng tạo. Trong thơ Lâm Thị Mỹ Dạ, đối nghịch với tháng ngày chật hẹp, với gánh nặng trần gian, với cõi đời phiền nhiễu là những hình ảnh mong manh nhưng có sức gọi gió trong tâm hồn và trở thành biểu tượng của thi ca: cánh chim, làn hương, hạt sương, tơ trời, hoa cúc dại… Những lo toan vất vả không những không làm thui chột nguồn thơ mà còn giúp phát hiện ra một vẻ đẹp khác của người thơ: nghị lực, lòng kiêu hãnh, sự vững chãi của tâm hồn cũng như sự tự tin vào giá trị của bản thân mình.
Như tơ trời nhẹ bay, hồn thơ Lâm Thị Mỹ Dạ vẫn vỗ cánh với những chiều kích của bản ngã. Và vì vậy, tuy nỗi buồn chừng như không có ngưỡng, nhưng người đàn bà trong thơ không trĩu nặng niềm hoang mang và cay đắng. Hồn thơ này đã lọc qua tâm cảm đồng quê, chan chứa cỏ cây sông nước đất trời, nên nỗi mong cầu cũng bớt phần quay quắt. Cuộc đời vẫn giúp chị gìn giữ chất non tơ mặc cho thời gian bôi xoá:
Ta gập lưng lặng lẽ giữa đời thường
Tóc điểm bạc mà hồn còn trẻ nít.
Và vượt qua những phôi pha, tâm hồn con người lại lại bừng dậy khi đất trời khơi mở:
Đôi lúc tâm hồn màu phố Phái
Tĩnh lặng ngói rêu, tĩnh lặng tường
Sớm nay thời tiết như mười bảy
Tở mở lá cành ngơ ngác hương…
Hình như đó là suối nguồn truyền thêm sức cho một tâm hồn nữ, biết mình “mắc nợ đoá phù dung”, mà bền bỉ đi tiếp trên con đường nghiệp dĩ:
Nghiêng vai đặt gánh qua cầu
Hạnh phúc thì mỏng khổ đau thì dày.
Lệch người biết gánh sao đây
Đường đi chưa hết kiếp này chưa qua.
Đường đi đã tới tháng mười, ngoái nhìn thấy hình bóng tháng giêng còn đuổi theo, lòng người an nhiên tự nhủ:
Thưa rằng tôi vẫn là tôi
Mong manh một chút tơ trời mỏng tang…
Tơ trời mong manh.
Tơ trời còn vương…
Huỳnh Như Phương
2007
(In trong Tuyển tập Lâm Thị Mỹ Dạ, NXB Hội Nhà Văn, Hà Nội, 2011)