Organizations and literary trends East Asia in the early 20th century

Luu Hong Son

Institute of Sustainable Development for The South

Abstract

In the early 20th century, the East Asian literatures strongly transformed from classical to modern, from poetry to prose, from Sinicization to Westernization … There were also numerous literary organizations and literary trends, simmering with countless authors and countless works of different genres, concerning different topics. From the late 19th century to early 20th century, Japan replaced China as a centre for Eat Asian literary exchanges, that gave a new picture of interrelation between the countries of the this region. There were many Chinese and Korean writers  coming to Japan for study of Japanese and Western culture. Moreover, they also established they own literary organizations in the land of Japan.

 

CÁC TỔ CHỨC VÀ TRÀO LƯU VĂN HỌC ĐÔNG Á
ĐẦU THẾ KỶ XX

Lưu Hồng Sơn

Viện Phát triển Bền vững Vùng Nam Bộ

 

Tóm tắt

Đầu thế kỷ XX, văn đàn Đông Á có nhiều biến chuyển lớn lao, chuyển đổi từ cổ điển sang hiện đại, từ thơ ca sang văn xuôi, từ Hán hóa sang Âu hóa… Đây cũng là thời rất nhiều tổ chức và trào lưu văn học ở Đông Á ra đời và hoạt động sôi nổi với vô số tác giả tác phẩm và những thể loại, đề tài khác nhau. Cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX, Nhật Bản thay thế vị trí của Trung Quốc, trở thành trung tâm văn học, thành nơi giao lưu của văn nhân Đông Á và các mối quan hệ văn học giữa các quốc gia này cũng theo đó có những bước phát triển mới. Không ít nhà văn Trung Quốc và Triều Tiên đã sang Nhật tìm hiểu, học hỏi văn hóa của người Nhật và người phương Tây, thậm chí họ còn xây dựng tổ chức văn học nước mình ngay trên đất Nhật.

 

 

 

 

CÁC TỔ CHỨC VÀ TRÀO LƯU VĂN HỌC ĐÔNG Á
ĐẦU THẾ KỶ XX

Lưu Hồng Sơn(*)

 

Đầu thế kỷ XX, văn đàn Đông Á có nhiều biến chuyển lớn lao, từ cổ điển sang hiện đại, từ thơ ca sang văn xuôi, từ Hán hóa sang Âu hóa… Đây cũng là thời rất nhiều tổ chức và trào lưu văn học ở Đông Á ra đời và hoạt động sôi nổi với vô số tác giả tác phẩm cùng những thể loại, đề tài khác nhau. Cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX, Nhật Bản thay thế vị trí của Trung Quốc, trở thành trung tâm văn học, thành nơi giao lưu của văn nhân Đông Á và các mối quan hệ văn học giữa các quốc gia này cũng theo đó có những bước phát triển mới. Không ít nhà văn Trung Quốc và Triều Tiên đã sang Nhật tìm hiểu, học hỏi văn hóa của người Nhật và người phương Tây, thậm chí họ còn xây dựng tổ chức văn học nước mình ngay trên đất Nhật.

 

I. BỐI CẢNH LỊCH SỬ - XÃ HỘI VÀ ĐỜI SỐNG VĂN HỌC ĐÔNG Á ĐẦU THẾ KỶ XX

1. BỐI CẢNH LỊCH SỬ - XÃ HỘI

Nửa đầu thế kỷ XX, thế giới biến động dữ dội và để lại những dấu ấn đau thương nhất, kinh hoàng nhất trong lịch sử nhân loại: chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914 – 1918), khủng hoảng kinh tế thế giới (1929 – 1933), chiến tranh thế giới lần thứ hai (1939 – 1945). Ba sự kiện trọng đại mang tính toàn cầu liên tiếp diễn ra chỉ trong 50 năm, đẩy con người trên toàn thế giới vào thảm cảnh chiến tranh, chết chóc cùng cực mà di chứng khủng khiếp của nó vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay. Đây cũng là thời kỳ lớn mạnh, bành trướng xâm lược của các đế quốc tư bản Âu Mỹ, Nhật Bản; đồng thời là thời kỳ suy thoái và diệt vong của chế độ phong kiến ở các nước Đông Á.

Trung Quốc, Nhật Bản và Triều Tiên là ba nước nằm trong vùng văn hoá chữ Hán Đông Á thuộc châu Á, và cũng là những quốc gia chịu tác động trực tiếp từ những biến động của thế giới. Theo cách phân kỳ lịch sử truyền thống, thì 50 năm đầu thế kỷ XX ở Trung Quốc, Nhật Bản và Triều Tiên thuộc vào thời cận đại và hiện đại hoặc thời cận – hiện đại.

(1) Trước thế kỷ XX, người Trung Quốc vẫn luôn tự hào về truyền thống và thành tựu văn hoá của mình. Họ tự cho nước mình là trung tâm của thế giới, là “văn hoá mẫu thể”, là ngọn nguồn sinh ra các nền văn hoá khác như Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam. Các nước ngoài Trung Quốc đều bị họ xem là “man di”… Nhưng từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, lịch sử huy hoàng của Trung Quốc bắt đầu thay bằng những trang đen tối. Kể từ sau thất bại trong chiến tranh nha phiến (1840) và chiến tranh Trung – Nhật (1894 – 1895), Trung Quốc trở thành miếng mồi lớn cho các đế quốc phương Tây và Nhật Bản xâu xé.

Điều nhục nhã nhất đối với người Trung Quốc là Nhật từ một nước nhỏ bé, từng khăn gói sang Trung Quốc học hỏi mấy trăm năm, mà nay bỗng vùng lên thành một đế quốc, hơn nữa còn xâm lược và thống trị Trung Quốc trong một thời gian dài, từ năm 1931 cho mãi đến khi Nhật đầu hàng quân đồng minh. Trong thời gian bị quân Nhật chiếm đóng và trước khi quân đồng minh vào giúp giải phóng đất nước, Trung Quốc còn phải gánh chịu những tang thương do cuộc nội chiến giữa Quốc dân đảng (do Tưởng Giới Thạch đứng đầu) và Cộng sản đảng (do Mao Trạch Đông đứng đầu).

Tuy vậy, nửa đầu thế kỷ XX cũng là giai đoạn người Trung Quốc bắt đầu thức tỉnh và đứng dậy, nhiều cuộc canh tân đất nước và cách mạng, khởi nghĩa vũ trang đã diễn ra trong khoảng thời gian 50 năm này, ví dụ: khởi nghĩa Thái Bình Thiên Quốc, chính biến Mậu Tuất (Bách Nhật Duy Tân), cách mạng Tân Hợi (1911), phong trào Ngũ Tứ (1919), phong trào chống Nhật… cho đến khi thống nhất đất nước với sự ra đời của Cộng hoà nhân dân Trung Hoa năm 1949.

(2) Nhật Bản may mắn chưa từng chịu sự xâm lược và thống trị của Trung Quốc, cho nên có quá trình phát triển tích luỹ ổn định lâu dài, lại được chủ động gần như hoàn toàn trong việc tiếp thu văn hoá Hán. Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, Nhật Bản trở thành một đế quốc hùng mạnh, một hiện tượng kỳ lạ không những ở châu Á mà trên cả toàn thế giới. Sau Minh Trị duy tân 1868, chế độ Mạc phủ Tokugawa sụp đổ, Nhật Bản bước vào thời kỳ phát triển siêu tốc trở thành một cường quốc khiến cả thế giới kinh ngạc, trở thành niềm tự hào của người châu Á. Nhưng ngay sau đó, Nhật Bản bắt đầu thực thi mưu đồ chinh phục thế giới.

Sau thắng lợi trong các cuộc chiến với Trung Quốc (1894 – 1895), với Nga (1904 – 1905), địa vị quốc tế của Nhật lên cao. Năm 1910, Nhật xâm lược và thống trị bán đảo Triều Tiên (đến tận 1945), năm 1914 lại tấn công Thanh Đảo với tham vọng biến Trung Quốc thành thuộc địa. Thanh gươm Nhật khiến không những Trung Quốc và Triều Tiên, mà cả thế giới đều phải kinh hoàng. Nhưng giấc mộng bá chủ hoàn cầu của Nhật đã phải chấm dứt khi quân phát xít bại trận và Nhật tuyên bố đầu hàng quân đồng minh tháng 9 – 1945. Sau chiến tranh, nước Nhật hoang tàn đổ nát vì bại trận, hai thành phố Hiroshima và Nagasaki bị bom nguyên tử Mỹ san bằng. Song sau đó không lâu, người Nhật lại một lần nữa làm thế giới kinh ngạc bởi sự khôi phục nhanh chóng và phát triển thần kỳ của nước Nhật mới.

(2) Tương tự Việt Nam, giai đoạn trung đại Triều Tiên cũng bị Trung Quốc xâm lược và thống trị. Đây cũng là một nguyên nhân cơ bản khiến cho nên kinh tế và văn hoá Triều Tiên kém phát triển hơn Trung Quốc và Nhật. Từ cuối thế kỷ XX, Nhật bắt đầu chiếm ảnh hưởng ở Triều Tiên, thay thế vị trí của Trung Quốc. Bước sang đầu thế kỷ XX, Triều Tiên lại bị Nhật thôn tính và thống trị suốt 35 năm, từ 1910 cho đến khi quân đồng minh vào giúp giải phóng đất nước.

Lịch sử Triều Tiên từ trước khi đất nước bị chia cắt trở về trước, nhìn lại, gần như là lịch sử của kháng chiến chống ngoại xâm. Năm 1945, sau khi quân Nhật đầu hàng rút về nước, Triều Tiên rơi vào tình trạng bị chia cắt thành hai miền Nam Bắc và trở thành hai quốc gia độc lập với thể chế chính trị khác nhau: Hàn Quốc (Nam Hàn) và Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên (Bắc Hàn).

2. ĐỜI SỐNG VĂN HỌC

Đương nhiên đời sống văn học chịu sự tác động và chi phối của bối cảnh lịch sử xã hội, những biến động của lịch sử xã hội cũng làm đời sống văn học biến động theo. Có thể nói, trên văn đàn phương Đông cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX cũng diễn ra một cuộc “chiến tranh” rất khốc liệt giữa nền văn học cũ hàng trăm hàng nghìn năm già cỗi và nền văn học mới hình thành nhưng đầy sức sống. Đây chính là những điều kiện cơ bản làm nảy sinh nhiều tổ chức và trào lưu văn học đầu thế kỷ XX ở Đông Á.

Trước thế kỷ XIX, trong ba nước Đông Á, Trung Quốc được xem là trung tâm, nguồn mạch của vùng văn hoá chữ Hán; còn Nhật Bản, Triều Tiên và Việt Nam là các chi lưu. Bởi ở thời cổ điển, văn hoá Trung Quốc phát triển rực rỡ, thu hút và ảnh hưởng rất lớn đến những nước trong khu vực. Trong một thời gian dài, chữ Hán và văn hoá Hán chiếm địa vị trọng yếu ở Nhật, Triều Tiên cũng như Việt Nam, thậm chí ngay cả sau khi ba nước này có chữ viết riêng, thì ảnh hưởng của chữ Hán cũng như văn học Trung Quốc ở các quốc gia này cũng không phải nhỏ. Đúng là từ nửa đầu thế kỷ XIX trở về trước, Nhật Bản, Triều Tiên và Việt Nam chịu ảnh hưởng của Trung Quốc rất sâu và rõ. Nhưng song song với quá trình tiếp thu văn hoá Hán, người Nhật, người Triều Tiên cùng người Việt Nam vẫn luôn có ý thức “giải Hán hoá”, giữ gìn và bảo vệ bản sắc văn hoá dân tộc.

Từ thế kỷ XIX về sau, văn hoá các nước Âu Mỹ hoặc tự nhiên hoặc theo bước chân quân xâm lược, bắt đầu lan rộng và ảnh hưởng ngày càng sâu đến châu Á nói chung và vùng văn hoá Đông Á nói riêng. Không những Nhật Bản, Triều Tiên, hay Việt Nam mà ngay cả Trung Quốc cũng chịu ảnh hưởng rất lớn từ văn học phương Tây. Như vậy, thời kỳ này ảnh hưởng của văn học Âu Mỹ đã thay thế cho ảnh hưởng của văn học Trung Quốc ở Đông Á. Đây cũng là thời kỳ các nước Đông Á bước vào quá trình hiện đại hoá nền văn học, chuyển từ nền văn học cũ sang nền văn học mới, từ thơ ca là thể loại văn học chủ yếu sang lấy tiểu thuyết làm thể loại sáng tác chủ yếu…

Đến giai đoạn này, Nhật Bản trở thành trung tâm ở Đông Á. Với ưu thế kinh tế hùng mạnh, khoa học kỹ thuật tiên tiến, văn hoá cao, Nhật Bản đã trở thành hình mẫu ở châu Á Thái Bình dương. Nếu như trước đây Nhật từng sang Trung Quốc và Triều Tiên học hỏi, thì bây giờ tình hình ngược lại, Trung Quốc, Triều Tiên và cả Việt Nam phải Đông du sang Nhật học hỏi, nhờ giúp đỡ. Đó là hiện tượng “đảo lưu” trong văn hoá. Nhật Bản là quốc gia mở cửa giao lưu với phương Tây sớm, cho nên “Tân học”, “Tây học” ở Nhật cũng phát triển sớm và nhanh hơn so với Trung Quốc, Triều Tiên, Việt Nam. Không ít trí thức Trung Quốc (ví dụ: Lỗ Tấn, Quách Mạt Nhược, Úc Đạt Phu, Điền Hán, Trương Tư Bình, Thành Phương Ngô… ), trí thức Triều Tiên (ví dụ: Lý Cơ Vĩnh, Kim Đông Nhân, Chu Diệu Hàn, Điền Vinh Trạch, Kim Hoán… ), trí thức Việt Nam (ví dụ: Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu…) đã tìm hiểu văn hoá phương Tây thông qua Nhật Bản, nghĩa là Nhật Bản được xem như trạm trung gian văn hoá Đông – Tây. Nhiều tổ chức và tạp chí văn học của Trung Quốc (ví dụ: Sáng Tạo Xã) và Triều Tiên (ví dụ: KAPF, phái Sáng Tạo), hình thành hoặc hoạt động ngay trên đất Nhật.

Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX là thời kỳ nở rộ của các trường phái sáng tác và nghiên cứu văn học ở các nước phương Tây, Mỹ, Nga. Nhưng ở phương Đông, mà cụ thể ở đây là Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên và Việt Nam lại là thời suy tàn của nền văn học truyền thống, là thời các nước Đông Á ra sức cách tân văn học dân tộc, mô phỏng, thí nghiệm sáng tác và nghiên cứu văn học theo kiểu phương Tây. Báo chí và văn học mới hình thành, phát triển nhanh chóng ở các nước Đông Á. Từ đó, nhiều tổ chức và trào lưu văn học ra đời góp phần làm phong phú và đa dạng thêm cho đời sống văn học Đông Á. Các trí thức Trung Quốc, Nhật Bản và Triều Tiên du học phương Tây (chủ yếu là Mỹ, Anh, Pháp) khi trở về đã góp phần rất quan trọng trong việc giới thiệu các thành tựu văn học nước ngoài và thúc đẩy quá trình hiện đại hoá văn học trong nước.

Phải nói đây là thời kỳ đa nguyên văn học ở Đông Á, hàng trăm tổ chức, tạp chí và khuynh hướng sáng tác đã hình thành và phát triển theo nhiều khuynh hướng, chủ trương khác nhau khiến cho đời sống văn học các nước Đông Á giai đoạn này hết sức sôi động và phức tạp với hàng loạt các tổ chức văn học và khuynh hướng sáng tác được hình thành, phát triển. Thống kê sơ bộ cũng cho thấy con số các tổ chức và khuynh hướng văn học tiêu biểu đầu thế kỷ XX vào khoảng 40, trong đó ở Trung Quốc là 15, ở Nhật và Triều Tiên khoảng 10, chưa kể Việt Nam.

Ở Việt Nam hiện nay, việc giới thiệu và nghiên cứu văn học cổ điển và hiện đại đương đại của Trung Quốc trong những năm qua và Nhật Bản và Triều Tiên những năm gần đây đã có những dấu hiệu khởi sắc, riêng văn học Đông Á thời cận đại (cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX) vẫn còn ít được chú ý quan tâm. Thành ra tài liệu mà chúng tôi hiện thu thập được không nhiều, song lại khá phức tạp. Mặc dù vậy, chúng tôi cũng cố gắng trình bày thật ngắn và rõ các vấn đề đề cập trong phạm vi tư liệu hiện có và khả năng cho phép. Do đó, trong bài viết này, chúng tôi chủ trương lấy việc phác thảo, giới thiệu khái quát làm chính, đồng thời cũng hy vọng trong thời gian tới với điều kiện tài liệu đa dạng phong phú hơn, sẽ có những bài viết hoặc công trình sâu sắc và quy mô hơn.

Theo tinh thần đó, dưới đây chúng tôi xin giới thiệu khái quát về những tổ chức văn học và các khuynh hướng, trào lưu sáng tác tiêu biểu của ba nước Đông Á: Trung Quốc, Nhật Bản và Triều Tiên. Trong đó bài viết dành một phần nhỏ giới thiệu chi tiết hơn về tổ chức và hoạt động văn học của nhóm “Sáng tạo” của các du học sinh Trung Quốc và Triều Tiên trên đất Nhật.

 II. CÁC TỔ CHỨC VÀ TRÀO LƯU VĂN HỌC TRUNG QUỐC, NHẬT BẢN, TRIỀU TIÊN ĐẦU THẾ KỶ XX

1.      CÁC TỔ CHỨC VÀ TRÀO LƯU VĂN HỌC TRUNG QUỐC

Đầu thế kỷ XX, đồng thời với các cuộc đấu tranh chính trị cách mạng Tân Hợi, Ngũ Tứ… trong văn học cũng dấy lên các phong trào cải lương, cách mạng văn học (văn giới cách mệnh, thi giới cách mệnh, hí kịch cải lương).

Cuộc cách mạng văn học đầu tiên ở Trung Quốc trong thời kỳ cải lương, đổi mới văn học (1900 – 1916) được bắt đầu từ thơ ca với các nhân vật tiên phong: Lương Khải Siêu (Hawai du ký, Ẩm Băng Thất thi thoại), Hạ Tăng Hựu, Đàm Tự Đồng (Nghe giảng thơ ở Kim Lăng), Hoàng Tôn Hiến (Tạp cảm)…

Tiếp theo là tư tưởng cách mạng tiểu thuyết của Lương Khải Siêu (Bàn về quan hệ giữa tiểu thuyết và quần trị, 1902), biểu hiện trong sáng tác là các tác phẩm của Lý Bá Nguyên (Quan trường hiện hình ký, 1901 - 1905), Ngô Kiển Nhân (Những điều kỳ quái được chứng kiến trong hai mươi năm, 1903 - 1909), Lưu Ngạc (Lão Tàn du ký, 1903), Tăng Phác (Nghiệt mai hoa, 1905 – 1907).

Việc đổi mới kịch cũng do Lương Khải Siêu khởi xướng (Truyền kỳ La Mã mới); sau đó là Lý Thúc Đồng, Tăng Hiếu Cốc (vở Trà Hoa nữ được công diễn tại Nhật, cải biên tác phẩm Uncle Tom's Cabin của Harriet Beecher Stowe diễn trong nước). Về dịch thuật, việc giới thiệu các “tân thư” hoặc tác phẩm tiêu biểu của nước ngoài phổ biến cho người Trung Quốc thời kỳ này phải kể đến hai dịch giả lừng danh là Nghiêm Phục (1854 – 1921) và Lâm Thư (1952 – 1924) với hàng trăm dịch phẩm độc đáo và có giá trị.

Sang thời kỳ cách mạng văn học (1917 – 1927), tình hình văn học Trung Quốc trở nên hết sức sôi nổi, có thể nói đây là thời “trăm nhà đua tiếng” với rất nhiều khuynh hướng và tổ chức. Hăng hái nhất trong việc cách tân cách mạng văn học là Trần Độc Tú (Sự thức tỉnh cuối cùng của chúng ta, 1916), Hồ Thích (Lược bàn về việc đổi mới văn học, 1917), Tiền Huyền Đồng (Gởi Trần Độc Tú, 1917), Lưu Bán Nông (Về việc đổi mới văn học của tôi, 1917)… Các bài tiểu luận này đều được đăng trên tờ báo thời danh Tân thanh niên. Nếu như từ năm 1917 về trước, việc đổi mới văn học mới tập trung ở hình thức, thì bước sang năm 1918, cuộc cách mạng về nội dung văn học bắt đầu diễn ra mạnh mẽ. Những người tiên phong thời này là Hồ Thích (Chủ nghĩa Henrik Johan Ibsen), Chu Tác Nhân (Văn học của con người, 1918; Cách mạng tư tưởng, 1919).

Song song với việc cách mạng tư duy lý luận, về sáng tác, thời kỳ này cũng có những đột phá quan trọng, tiêu biểu là Lỗ Tấn với một loạt tác phẩm, trong đó tiểu thuyết bạch thoại Nhật ký người điên (1918) được xem là sáng tác đặt nền móng chính thức cho nền văn học hiện đại Trung Quốc. Theo Mao Thuẫn, đến năm 1925, ở Trung Quốc đã có không dưới một trăm tổ chức và báo chí văn học các loại, mà có ảnh hưởng lớn nhất ở giai đoạn này là Hội Nghiên Cứu Văn Học và Sáng Tạo Xã. Đây là hai tổ chức văn học đại diện cho hai khuynh hướng sáng tác khác nhau, một thiên về nhân sinh, một thiên về nghệ thuật.

Tiểu thuyết thời kỳ 1917 – 1927 phát triển rất mạnh và được các nhà nghiên cứu sau này chia thành hai phái là: tiểu thuyết nhân sinh và tiểu thuyết nghệ thuật. Tiểu thuyết nhân sinh chú trọng miêu tả các quan hệ và vấn đề xã hội, có thể tạm chia thành các chi nhỏ như sau: tiểu thuyết vấn đề (các tác giả tiêu biểu: Băng Tâm, Diệp Thánh Đào, Vương Thống Chiếu, La Gia Luân, Dương Chấn Thanh, Du Bình Bá); tiểu thuyết tả thực (với các tác giả tiêu biểu: Lỗ Tấn, Diệp Thánh Đào, Vương Thống Chiếu, Hứa Địa Sơn); tiểu thuyết đồng quê (với các tác giả tiêu biểu: Lỗ Nhan, Bành Gia Hoàng, Đài Tỉnh Nông, Hứa Khâm Văn, Hứa Kiệt, Tiên Ngải). Phái tiểu thuyết nghệ thuật chú trọng việc thể hiện, bộc lộ tình cảm nội tâm cá nhân với các tác giả tiêu biểu: Úc Đạt Phu, Lăng Thúc Hoa, Quách Mạt Nhược, Trương Tư Bình, Phùng Nguyên Quân, Đào Tinh Tôn, Chu Toàn Bình, Diệp Linh Phong…

Thơ ca trong khoảng thời gian 10 năm này cũng có những chuyển biến lớn lao. Hồ Thích mở đầu phong trào thơ mới Trung Quốc, tiếp sau đó là Thẩm Doãn Mặc, Lưu Bán Nông, Du Bình Bá, Khương Bạch Tình, Lỗ Tấn, Chu Tác Nhân, Quách Mạt Nhược, Văn Nhất Đa, Từ Chí Ma. Lý Kim Phát được xem là người tiên phong trong sáng tác thơ tượng trưng ở Trung Quốc, ngoài ra phái này còn có Vương Độc Thanh, Mục Mộc Thiên, Phùng Nãi Siêu, Đới Vọng Thư, Diêu Liên Tử.

Về đổi mới tản văn phải kể đến Trần Độc Tú, Lý Đại Chiêu, Lỗ Tấn, Chu Tác Nhân, Tiền Huyền Đồng, Lưu Bán Nông, Lâm Ngữ Đường, Chu Tự Thanh, Du Bình Bá… trong số đó, Chu Tác Nhân được xem là nhân vật tiêu biểu cho thể loại tản văn Trung Quốc giai đoạn 1917 – 1927. Thể loại kịch được cách tân theo kiểu kịch phương Tây và được chia thành hai loại: kịch tả thực (tiêu biểu là các soạn giả: Hồ Thích, Âu Dương Tự Sai, Đinh Tây Lâm) và kịch trữ tình (tiêu biểu là các soạn giả: Quách Mạt Nhược, Điền Hán). 

Văn học thời cách mạng (1928 – 1937) mang ba đặc điểm sau: Thứ nhất là cả lượng và chất đều được nâng cao, ngoài những tác giả đã thành danh ở giai đoạn trước như Lỗ Tấn, Úc Đạt Phu, Diệp Thánh Đào, Vương Thống Chiếu, Điền Hán, Chu Tác Nhân… Thời kỳ này còn xuất hiện nhiều nhà văn mới, tiêu biểu như Mao Thuẫn, Ba Kim, Lão Xá, Tào Ngu, Thẩm Tòng Văn; Thứ hai, phong trào văn học vô sản có ảnh hưởng quan trọng đến tình hình sáng tác trên văn đàn; Thứ ba, chiếm địa vị chủ yếu trên văn đàn giai đoạn này là dòng văn học hiện thực.

Sáng Tạo Xã và Tả Liên là những tổ chức văn học tiêu biểu trong giai đoạn này. Dưới ảnh hưởng của cách mạng tháng Mười Nga, phong trào văn học vô sản ở Trung Quốc lên cao. Năm 1928, những thành viên trong Sáng Tạo Xã (như Quách Mạt Nhược, Thành Phương Ngô, Phùng Nãi Siêu, Lý Sơ Lê, Bành Khương, Chu Kính Ngã) và Thái Dương Xã (như Tưởng Quang Từ, Tiền Hạnh Thôn, Mạnh Siêu) đã vận dụng lý luận Mác-xít để lý giải văn học. Nhưng sự lý giải bấy giờ của họ vẫn còn phiến diện và máy móc, cho nên tất cả những tác giả tác phẩm ngoài văn học vô sản đều bị họ phê phán, như trường hợp của Lỗ Tấn, Mao Thuẫn, Diệp Thánh Đào, Úc Đạt Phu… Do vậy, nhiều cuộc tranh luận văn học đã nảy sinh và kéo dài từ hai phía.

Đến năm 1929, với sự nỗ lực can thiệp của đảng cộng sản Trung Quốc, các cuộc tranh luận này mới dừng. Và sang đầu năm 1930, Liên Minh Các Nhà Văn Cánh Tả (Tả Liên) được thành lập, quy tụ được nhiều tác giả nổi tiếng đương thời (như Lỗ Tấn, Thẩm Đoan Sinh, Dương Hàn Sênh, Úc Đạt Phu, Phùng Nãi Siêu, Phùng Tuyết Phong, Trịnh Bá Kỳ, Quách Mạt Nhược, Mao Thuẫn…) với chủ trương “đứng về chiến tuyến đấu tranh giải phóng của giai cấp vô sản”, “nghệ thuật phục vụ giai cấp vô sản”, hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản. Tạp văn của Lỗ Tấn và tiểu thuyết của Mao Thuẫn được xem là kinh điển của văn học hiện thực cách mạng Trung Quốc.

Hàng trăm bộ tiểu thuyết trường thiên đã ra đời trong giai đoạn này, tiêu biểu là các tác giả Mao Thuẫn, Ba Kim, Lão Xá, Thẩm Tòng Văn. Riêng tiểu thuyết của phái Cánh Tả phải kể đến Nhu Thạch, Tưởng Quang Từ, Trương Thiên Dực, Ngải Vu, Diệp Tử, Tiêu Quân, Tiêu Hồng. Còn đại biểu cho tiểu thuyết của phái Tân Cảm Giác là các tác giả: Mục Thời Anh, Thi Trập Tồn. Lý Cật Nhân là tác giả tiêu biểu cho tiểu thuyết lịch sử, và Trương Hận Thuỷ được xem là đại diện của dòng tiểu thuyết thông tục.

Thể loại kịch cũng gặt hái được nhiều thành công. Sau Tào Ngu với Lôi vũNhật xuất, nhiều kịch tác gia khác cũng khẳng định được tên tuổi, như Điền Hán, Hồng Thâm, Hạ Diễn, Dương Hàn Sênh, Đinh Linh, Trần Bạch Trần, Tống Chi Đích.

Thơ ca giai đoạn này được chia thành ba loại: Thứ nhất là sáng tác của các tác giả Tả Liên, nội dung chủ yếu miêu tả những hắc ám của xã hội, cổ vũ đấu tranh cách mạng, tiêu biểu là Quách Mạt Nhược và Ân Phu. Thứ hai là những nhà thơ viết về nỗi thống khổ và phản kháng của nông dân; với hình thức sáng tác là thông tục hoá, đại chúng hoá; tiêu biểu là các tác giả Mục Mộc Thiên, Dương Tao, Nhậm Quân, Bồ Phong. Thứ ba là sáng tác của phái Hiện Đại tìm tòi những hình thức mới để thể hiện tình cảm mông lung, lảng tránh hiện thực xã hội, tiêu biểu là các tác giả Tang Khắc Gia, Đới Vọng Thư, Biện Chi Lâm, Hà Kỳ Phương, Lý Quảng Điền.

Văn học Trung Quốc giai đoạn 1937 – 1949 có 4 đặc điểm sau: Thứ nhất, hầu hết các nhà văn đều tự giác sử dụng văn nghệ vào việc góp phần đấu tranh giải phóng dân tộc, hiện thực chủ nghĩa trở thành phương pháp sáng tác cơ bản ngày càng được nhiều người thừa nhận. Thứ hai, do tình hình thực tế, nên ở Trung Quốc giai đoạn này, trên một ý nghĩa nào đó, chủ nghĩa hiện thực cũng thống nhất với chủ nghĩa lãng mạn. Thứ ba, nội dung chủ yếu của văn học thời kỳ này là: trực tiếp phản ánh cuộc kháng chiến chống Nhật của nhân dân Trung Quốc, tố cáo chế độ Tưởng Giới Thạch, ca tụng cuộc sống mới ở vùng giải phóng. Thứ tư, sáng tác chủ yếu về người công nhân và nông dân, tác phẩm chủ yếu phục vụ cho giai cấp vô sản đại chúng.

Người ta chia văn học giai đoạn 1937 – 1949 (từ khi Nhật Bản chính thức xâm lược Trung Quốc cho đến khi Trung Quốc kết thúc nội chiến và thống nhất đất nước) thành hai khu vực là: văn học trong vùng Quốc dân đảng chiếm dóng (ở đây gọi tắt là Vùng Quốc) và văn học trong vùng Đảng cộng sản chiếm đóng (ở đây gọi tắt là Vùng Cộng).

Trong Vùng Quốc, thơ trữ tình tự do là thể loại chính trong thơ ca, các tác giả tiêu biểu là Ngải Thanh và Điền Gian. Hai nhà thơ này, thực tế cũng thuộc phái Thất Nguyệt đương thời với các tác giả: Hồ Phong, Lỗ Lê, Trâu Hoạch Phàm, Dực Phương, Tôn Điền, Lục Nguyên, Thiên Lam, Bành Yên Giao, Đỗ Cốc, Ngưu Hán. Cuối thập niên 40, xuất hiện phái Cửu Diệp với chín nhân vật là Hàng Ước Hách, Tân Địch, Mục Đán, Trần Kính Dung, Trịnh Mẫn, Đường Kỳ, Đường Thực, Đỗ Vận Nhiếp và Viên Khả Gia, họ chịu ảnh hưởng của thi phái hiện đại phương Tây. Đặc biệt về thơ ca phúng thích chính trị có Viên Thuỷ Phách là đại biểu với phong cách khoa trương, trào lộng sống động. Về truyện ngắn, thì Khâu Đông Bình, Diêu Tuyết Ngần, Ngải Vu, Trương Thiên Dực, Sa Đinh là những tác giả tiêu biểu. Còn ở thể tiểu thuyết thì Trương Ái Linh, Lộ Dực, Tiền Chung Thư được xem là đại biểu. Kịch nói là thể loại chính, được chia làm hai loại: kịch lịch sử (đại biểu là Quách Mạt Nhược, Dương Hàn Sênh, Âu Dương Tự Sai) và kịch hiện đại (đại biểu là Tống Chi Đích, Ngô Tổ Quang, Trần Bạch Trần).

Ở Vùng Cộng, thơ tự sự thể dân ca chiếm vị trí chủ yếu. Sau buổi toạ đàm văn nghệ ở Diên An của Mao Trạch Đông, nội dung của thơ ca Vùng Cộng càng gắn chặt với đời sống của giai cấp công nông, tác giả tiêu biểu là Lý Quý và Nguyễn Chương Cánh. Những tác giả truyện ngắn có ảnh hưởng lớn nhất trong vùng này là Triệu Thụ Lý và Tôn Lê. Đinh Linh và Triệu Thụ Lý được xem là hai tác giả tiêu biểu của tiểu thuyết. Về kịch, có ảnh hưởng rộng nhất là thể ca kịch mới chủ yếu hướng đến quần chúng với các tác giả tiêu biểu Vương Đại Hoá, Lý Ba, Lộ Do, An Ba, Phó Đạc, Hạ Kính Chi, Đinh Nghị, Nguyễn Chương Cánh, Nguỵ Phong, Lưu Liên Trì, Chu Đơn, Nghiêm Ký Châu, Đổng Tiểu Ngô; trong đó nổi tiếng nhất là vở Bạch mao nữ của Đinh Nghị.

* SÁNG TẠO XÃ

Sáng Tạo Xã là một tổ chức văn học được thành lập tháng 7 năm 1921 tại Tokyo do các sinh viên Trung Quốc du học Nhật Bản thủ xướng, đó là: Quách Mạt Nhược, Thành Phương Ngô, Úc Đạt Phu, Trương Tư Bình, Điền Hán, Trịnh Bá Kỳ, Mục Mộc Thiên.

Cơ quan ngôn luận là các tờ: Sáng tạo quý san, Sáng tạo tuần báo, Sáng tạo nhật, Hồng thủy, Sáng tạo nguyệt san, Văn hóa phê phánSáng tạo tòng thư.

Sáng Tạo Xã nhấn mạnh chủ trương: văn học là biểu hiện của tự ngã, đề cao tình cảm tự nhiên, tuyên dương khoa học và dân chủ, cổ xúy tinh thần sáng tạo. Bởi vậy tác phẩm của nhóm Sáng Tạo Xã có ý thức chống quan niệm “văn dĩ tải đạo” thời phong kiến rất mạnh mẽ, theo khuynh hướng lãng mạn tích cực, có sắc thái giải phóng cá tính tươi mới, phong cách trữ tình đậm đà.

Trong thời kỳ diễn ra chiến tranh cách mạng trong nước lần thứ nhất, Quách Mạt Nhược và Thành Phương Ngô đã tham gia cách mạng. Sau đó tư tưởng của họ có sự chuyển biến, ra sức đề xướng văn học cách mạng, họ thử nghiệm vận dụng quan điểm giai cấp và đấu tranh giai cấp để nhận định xã hội và sáng tác văn học.

Sau khi đại cách mạng thất bại, Sáng Tạo Xã có thêm các thành viên: Lý Sơ Lê, Phùng Nãi Siêu, Bành Khang và Chu Kính Ngã gia nhập, đề xướng văn học cách mạng của giai cấp vô sản. Nhưng một thời gian sau, sáng tác của Sáng Tạo Xã đi dần sang “tả khuynh” và công thức hóa, máy móc khô cứng. Ngày 7 tháng 2 năm 1929, Sáng Tạo Xã bị Quốc dân đảng kiểm phong và ngừng hoạt động.

Sáng Tạo Xã chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa khai sáng và chủ nghĩa lãng mạn châu Âu. Có thể chia quá trình hoạt động của nhóm thành hai thời kỳ, mốc định ranh giới là sự kiện “Ngũ Châu” năm 1925. Thời kỳ từ 1925 trở về trước là giai đoạn “nghệ thuật vị nghệ thuật”, nhấn mạnh sự trung thực của bản thân nhà văn, chú trọng đến tác dụng mỹ cảm của văn học, màu sắc trữ tình đậm nét; chủ trương và sáng tác của họ có khuynh hướng lãng mạn và duy mỹ chủ nghĩa. Thời kỳ sau bắt đầu từ 1925 trở đi, chuyển sang khuynh hướng văn học cách mạng, đứng về phía những người vô sản.

Năm 1930, những thành viên tiến bộ của Sáng Tạo Xã, Thái Dương Xã và Lỗ Tấn hợp tác thành lập Liên Minh Các Nhà Văn Cánh Tả Trung Quốc (Trung Quốc tả dực tác gia liên minh) ở Thượng Hải.

 

2. CÁC TỔ CHỨC VÀ TRÀO LƯU VĂN HỌC NHẬT BẢN

Văn học nửa đầu thế kỷ XX ở Nhật có nhiều tổ chức và trào lưu, nhưng có thể quy về hai khuynh hướng chủ yếu: thứ nhất là khuynh hướng nghệ thuật (ví dụ phái Tân Cảm Giác, phái Nghệ Thuật Mới); thứ hai là khuynh hướng văn học cách mạng.

Năm 1868, phong trào Minh Trị duy tân kết thúc hơn 300 năm thống trị của Mạc phủ Tokugawa, tiến lên chủ nghĩa tư bản. Văn học Nhật, do vậy, cũng phát triển theo hướng mới.

Năm 1885, Tsubouchi Shoyo công bố một bài tiểu luận nổi tiếng về lý luận văn học với tựa đề là Bản chất của tiểu thuyết. Bài viết này được xem là cơ sở cho sự ra đời của chủ nghĩa hiện thực trong văn học Nhật Bản. Tác phẩm Phù vân của Futabatei Shimei ra đời sau đó đánh dấu cho sự xuất hiện của văn học hiện thực phê phán ở Nhật. Trong khi đó, tác phẩm Vũ nữ của Mori Ogai được xem là tác phẩm mở đầu cho dòng văn học lãng mạn Nhật thời hiện đại. Những tác giả, tác phẩm tiêu biểu cho khuynh hướng tự nhiên chủ nghĩa giai đoạn này là Shimazaki Toson với Phá giớiTayama Katai với Gối chăn.

Sau năm 1910, khuynh hướng văn học tự nhiên dần dần suy yếu. Xuất hiện ba phái mới: Thứ nhất là phái Tân Lãng Mạn theo chủ nghĩa duy mỹ với các đại biểu Tanizaki Junichiro và Nagai Kafu; Thứ hai là phái Bạch Hoa (Shirakaba-ha) mà Shiga Naoya là đại biểu; Thứ ba là phái Tân Tư Trào với đại biểu Akugatawa Ryunosuke.

Sang đầu thập kỷ 20, ảnh hưởng của phái Bạch Hoa và Tân Tư Trào mờ nhạt dần. Hai kiện tướng Arishima Takeo và Akugatawa Ryunosuke đều tự sát vì tuyệt vọng trước hiện thực xã hội.

Tháng 10 năm 1924, tạp chí Văn nghệ thời đại ra đời, bắt đầu cuộc vận động của phái Tân Cảm Giác trong bối cảnh Nhật Bản lâm vào nguy cơ khủng hoảng kinh tế, rồi một trận động đất kinh hoàng đã xảy ra năm 1923 khiến người Nhật cảm thấy thất vọng, bất an đối với hiện thực. Phái Tân Cảm Giác chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa Dada và chủ nghĩa Cấu trúc phương Tây, chủ trương chống lại văn học truyền thống, tìm tòi những kỹ thuật và hình thức sáng tác mới. Đa số các nhà văn của phái này sống ở thành thị, trong môi trường mà khoa học công nghệ thay đổi siêu tốc, họ cho rằng sự phát triển về văn minh vật chất quá nhanh chóng như vậy, thì văn học cũng phải được đổi mới để bắt kịp tốc độ phát triển của thời đại, và vì vậy cần phải vứt bỏ kiểu sáng tác cũ, lỗi thời.

Các nhà văn thuộc phái Tân Cảm Giác thể hiện cuộc sống bằng cảm giác khoảnh khắc, hư cấu tưởng tượng, chú trọng miêu tả những hoạt động tâm lý và tình cảm tinh tế của con người bằng những từ ngữ hoa lệ và thể thức tân kỳ. Những gương mặt tiêu biểu cho trào lưu sáng tác này là Yokomitsu Riichi, Kataoka Teppei, Kawabata Yasunari, Nakagawa Yoichi. Mặt trời (1923) của Yokomitsu và Vũ nữ Izu (1926) của Kawabata là hai tác phẩm đại diện cho khuynh hướng sáng tác của Tân Cảm Giác, theo đuổi cái đẹp siêu thực.

Đến năm 1927, tờ Văn nghệ thời đại đình bản, phái Tân Cảm Giác cũng đi vào giai đoạn suy tàn và phân hóa, Kataoka Teppei theo văn học cách mạng, Yokomitsu Riichi và Funahasi Seiichi cùng với Kobayashi Hideo thành lập tạp chí Sóng mới, lấy đó làm trận địa hoạt động. Phái Nghệ Thuật Mới cho rằng nghệ thuật là chí thượng và chủ trương chống đối văn học vô sản. Họ rất chú trọng ngôn từ, đa phần các tác phẩm miêu tả cuộc sống xa hoa, hưởng lạc ở thành thị với các tác phẩm tiêu biểu như Thời đại phóng đãngTôi và người đàn bà trong nhà trọ của Ryutanji Yu. Sau khoảng một năm thành lập, phái Nghệ Thuật Mới bắt đầu tan rã và phân hóa. Giữa thập niên 30, một số thành viên trong phái này sáng lập tờ Thế giới văn học (1933), một số ít tác phẩm trong đó thể hiện sự bất mãn đối với chiến tranh xâm lược của Nhật Bản. Thời kỳ này ít có những tác phẩm nổi bật, ngoại trừ Xứ tuyết của Kawabata.

Văn học cách mạng thời kỳ này phát triển khá sôi nổi. Tháng 10 năm 1921, tờ Người gieo trồng ra đời chủ yếu tuyên truyền tư tưởng xã hội chủ nghĩa và ra sức đề cao văn học của giai cấp vô sản. Tác giả tác phẩm tiêu biểu cho khuynh hướng văn học cách mạng Nhật Bản giai đoạn này là Địa ngục (1923) của Kaneko Yobun, Công xưởng (1924) và Chuyện bi thảm về người nữ công nhân (1925) của Tsukuda. Hầu hết những tác phẩm này đều lấy đề tài từ cuộc sống bị áp bức của công nhân, nông dân và sự nổi dậy của họ. Sau trận động đất năm 1923 ở Quan Đông, tờ Người gieo trồng bị đóng cửa. Sang năm 1924, tờ Chiến tuyến văn nghệ ra đời và trở thành vũ khí của giai cấp vô sản. Các tác giả tiêu biểu thời kỳ này là Hayama Yoshiki với tác phẩm Cuộc sống của những người trên biển (1926) viết về sự phản kháng mang tính tự phát của những người công nhân trên biển. Sau một thời gian phân tán, năm 1928, văn học vô sản được thống nhất với sự thành lập của Hội văn nghệ giai cấp vô sản.

Napu được xem là thời kỳ rực rỡ nhất của văn học giai cấp vô sản với hai tác phẩm tiêu biểu là Thuyền bắt cua (1929) của Kobayashi Takiji và Con đường không có ánh sáng (1929) của Tokunaga Sunao miêu tả những cuộc nổi dậy nhưng bị đàn áp của tầng lớp công nông. Sau thập niên 30, chính quyền Nhật tăng cường trấn áp các hoạt động văn nghệ của giai cấp vô sản. Sau khi Kobayashi Takiji bị giết năm 1933, Hội văn nghệ vô sản cũng bị giải tán (1934), do vậy phái này cũng đi xuống.

3. CÁC TỔ CHỨC VÀ TRÀO LƯU VĂN HỌC TRIỀU TIÊN

Tháng 8 năm 1910, đế quốc Nhật Bản thông qua “Điều ước sáp nhập Nhật -Hàn”, biến Triều Tiên hoàn toàn trở thành thuộc địa của Nhật. Sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất, Nhật tăng cường nô dịch và bóc lột Triều Tiên khiến cho mâu thuẫn giữa Triều Tiên và Nhật ngày càng gay gắt. Dưới ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười Nga, giai cấp công nhân vươn lên nắm quyền lãnh đạo phong trào giải phóng dân tộc. Đầu thập niên 30, dưới sự lãnh đạo của Kim Nhật Thành, phong trào đấu tranh vũ trang có tổ chức của nhân dân Triều Tiên chống đế quốc Nhật bắt đầu bùng nổ.

Ảnh hưởng của phong trào kháng Nhật, văn học hiện đại Triều Tiên đã phân hoá mạnh mẽ. Một số nhà văn giai cấp tư sản (tiêu biểu như Lý Quang Chu, Kim Đông Nhân) đã giương ngọn cờ “nghệ thuật vị nghệ thuật” cổ xuý cho văn học suy đồi và chủ nghĩa tự nhiên. Một số nhà văn khác bước theo con đường hiện thực phê phán như La Đạo Hương (1903 – 1927), Kim Tố Nguyệt (1903 – 1935); tác phẩm của các nhà văn này phê phán tội ác của đế quốc Nhật, đồng thời thể hiện sự đồng cảm sâu sắc đối với cuộc sống bi đát của nhân dân Triều Tiên.

Danh tác Gọi hồn của Kim Tố Nguyệt thể hiện nỗi đau của người vong quốc. Một số nhà văn trẻ như Lý Tương Hoà, Triệu Minh Hi, Thôi Thự Hải, Lý Cơ Vĩnh và Tống Ảnh chịu ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười Nga, sáng tác của họ dần dần đi theo khuynh hướng cách mạng, nên được gọi là phái Khuynh Hướng Mới. Trong quá trình tìm tòi con đường văn học mới, họ kế thừa có phê phán văn học truyền thống, đồng thời gắn sáng tác của mình với các phong trào yêu nước của giai cấp vô sản. Ví dụ truyện ngắn Sông Lạc Đông (1927) của Triệu Minh Hi đã xây dựng nên một hình tượng anh hùng lý tưởng, còn thi phẩm Mùa xuân có về trên cánh đồng bị chiếm? của Lý Tương Hoà (1901 – 1943) là những lời lên án tội ác của quân đội xâm lược Nhật.

Chỉ trong một thời gian ngắn, phái Khuynh Hướng Mới đã có nhiều tác phẩm lớn mang hơi thở của thời đại, đặt nền móng vững chắc cho văn học vô sản hình thành thành và lớn mạnh. Bởi vậy, về sau, những nhà văn này được tôn là những nhà văn tiên phong của văn học vô sản Triều Tiên.

Năm 1925, trên cơ sở của phái Khuynh Hướng mới, Đồng minh nghệ thuật giai cấp vô sản Triều Tiên được thành lập, gọi tắt là KAPF. Ban đầu, tác phẩm của của các nhà văn KAPF về nội dung tư tưởng cũng không khác gì mấy so với văn học của phái Khuynh Hướng Mới. Đến năm 1927, KAPF cải tổ, thông qua cương lĩnh mới, khẳng định rằng phong trào văn nghệ giai cấp vô sản là một bộ phận của phong trào đấu tranh cách mạng của giai cấp vô sản, yêu cầu các những người sáng tác giương cao ngọn cờ chống phong kiến, nâng cao tính giác ngộ cách mạng và tinh thần đoàn kết cho quần chúng, đấu tranh chống văn học suy đồi và chủ nghĩa tự nhiên. Lúc này, văn học hiện thực Triều Tiên phát triển nhanh chóng theo con đường “chủ nghĩa hiện thực kiểu M. Gorky”. Các truyện ngắn: Những người bần cùng, Nguyên phủ, Làng làm giấy của Lý Cơ Vĩnh và truyện ngắn của các nhà văn trong KAPF như: Tống Ảnh, Doãn Cơ Đỉnh, Nghiêm Hưng Nhiếp, Lý Bắc Minh, Phác Thế Vĩnh, Kim Xương Thuật… đều thu được những thành tựu đáng chú ý.

Năm 1931 và 1934, những nhà văn hạt nhân của KAPF bị đế quốc Nhật trấn áp mạnh, đại đa số thành viên của tổ chức này cũng bị bắt. Năm 1935, KAPF bị buộc phải giải tán, tuy nhiên, nhiều nhà văn vẫn tiếp tục hoạt động sáng tác. Tiểu thuyết Lớp học nhân gian của Lý Cơ Vĩnh tiếp tục lên án và đả kích quân xâm lược Nhật, các thi phẩm Sông Trầm Hương (1935) và Núi Yến (1937) của Phác Thế Vĩnh đã tố cáo tội ác của giặc, ngợi ca sự đấu tranh của những người cách mạng và thể hiện mơ ước tự do. Thể loại kịch lúc này có những bước phát triển lớn, được phổ biến rộng rãi nhất đương thời là các vở: Đại hội khánh chúc, Miếu Thành hoàng, Cô gái bán hoa, Biển máu do Kim Nhật Thành soạn.

Ngày 15 tháng 8 năm 1945, Triều Tiên được giải phóng, kết thúc 36 năm xâm lược của quân Nhật. Nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên ra đời. Giai đoạn này, văn học nghệ thuật hoạt động dưới sự chỉ đạo của Đảng Lao động Triều Tiên, chỉ rõ tác dụng giáo dục của văn nghệ, kiên trì chủ nghĩa Mars-Lênin và gắn bó mật thiết với tình hình chính trị. Để tăng cường tác dụng đấu tranh của văn nghệ, năm 1946, Tổng đồng minh văn học nghệ thuật Triều Tiên ra đời, phê phán khuynh hướng văn nghệ tư sản và thống nhất các trí thức trên mặt trận văn học hiện thực chủ nghĩa xã hội.

Thời kỳ này, đội ngũ tác giả văn học Triều Tiên phát triển mạnh. Một trong những chủ đề quan trọng của văn học hậu chiến là ca tụng cuộc kháng chiến của Kim Nhật Thành và các chiến hữu của ông. Ví dụ Bài ca về tướng quân Kim Nhật Thành (1946) của Lý Xán, Núi Bạc Đầu của Triệu Cơ Thiên, Con đường đến vinh quang của chúng ta (1947) của Lý Viên Hữu, Núi Trường Bạch (1947) và Đảo Giang Bắc của Hàn Minh Tuyền, Cố hương của tôi (1949, kịch bản điện ảnh) của Kim Thắng Cửu… đều là những tác phẩm lấy đề tài từ cuộc kháng chiến chống Nhật.

Ngoài ra, công cuộc cải cách đất nước sau chiến tranh cũng là một đề tài sáng tác của các nhà văn Triều Tiên. Nhiều tác phẩm về đề tài này cũng thu hút được sự chú ý của độc giả. Về thơ ca, có Tin mới (1946) của Lý Xán, Cánh đồng đang xanh lên (1946) của Trịnh Văn Hương, Khúc dạo đầu của đất (1948) của Thiên Thế Phong. Về văn xuôi, có truyện vừa Cả nhà lao động (1947) của Lý Bắc Minh và tiểu thuyết Đất của Lý Cơ Vĩnh viết về mâu thuẫn giữa hai tư tưởng cũ và mới, ca ngợi những thành quả của những người lao động, công nhân sau giải phóng.

Năm 1950, Mỹ tấn công Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên, các nhà văn Triều Tiên theo lời hiệu triệu của đảng Lao động và tướng Kim Nhật Thành, ra tiền tuyến, về hậu phương, vào thành thị, xuống nông thôn sáng tác lên án tội ác của quân Mỹ, đồng thời hăng hái với việc ngợi ca chủ nghĩa anh hùng, tinh thần ái quốc của quân dân Triều Tiên. Những tác phẩm tiêu biểu thời kỳ này có: Sông Lạc Đông (1950) của Kim Bắc Nguyên, Cây súng xung phong của tôi (1950) của An Long Loan, Người lính thổi kèn (1952) của Phác Thế Vĩnh và các bài thơ Cao điểm của tôi (1951), Triều Tiên nơi tuyến đầu của Triệu Cơ Thiên.

Về văn xuôi, nhiều truyện ngắn phản ánh cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, như Người nông dân chiến đấu (1952) của Thiên Thế Phong, Đảo lửa (1952) của Hoàng Kiện, Tuyết đầu mùa (1952) của Biên Hi Căn, Đội viên già và đội viên trẻ (1952) của Doãn Thế Trọng.

Trong chiến tranh, Trung Quốc đứng về phía Triều Tiên chống Mỹ, và trong văn học, cũng có một số tác phẩm viết về tình hữu nghị giữa hai nước Triều – Trung. Chẳng hạn truyện ngắn Người bạn già của tôi của Doãn Thời Triết, Tình bạn của Phác Thế Vĩnh và bài thơ Mãi mãi là anh em của Triệu Bích Nham.

Về kịch bản, tiêu biểu là các vở: Đảo Giang Bắc (1953) của Tống Ảnh, Lính trinh sát (1951) của Liễu Cơ Hồng, Tín hiệu xanh (1952) của Phác Vĩnh Hạo và Thấy biển (1953) của Hàn Thành.

Tháng 7 năm 1953, sau ba năm chiến đấu, cuộc chiến chống Mỹ của Triều Tiên đã thắng lợi. Sau chiến tranh, văn học Triều Tiên phát triển nhanh chóng, nhất là ở thể loại truyện vừa và tiểu thuyết. Tác phẩm phản ánh hiện thực xã hội cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, đa dạng và phong phú hơn những giai đoạn trước với các tác phẩm ĐấtSông Đồ Môn của Lý Cơ Vĩnh, Đi đâu cũng thấy núi Bạc Đầu của Tống Ảnh nhìn lại cuộc chiến tranh du kích chống Nhật, Thử thách của Doãn Thế Trọng viết về những khó khăn và tinh thần lao động quên mình của người công nhân khôi phục đất nước sau chiến tranh. Tiểu thuyết Xuân mới của Thạch Khê và truyện vừa Mùa thu hoạch đầu tiên của Lý Căn Vinh phản ánh sinh hoạt sản xuất của người nông dân hợp tác xã hậu chiến. Tác phẩm Cao nguyên Cái Mã viết về cuộc đấu tranh bảo vệ đất nước của nhân dân Triều Tiên.

Về thơ ca, chủ đề chủ yếu là phản ánh công cuộc khôi phục kinh tế và hợp tác xã hoá nông nghiệp, ca ngợi tinh thần lao động sản xuất của nhân dân Triều Tiên. Những tác phẩm tiêu biểu có: Chim bay về ngàn (1954) của Trịnh Văn Hương, Đất (1955) của Thôi Vinh Hoá, Nước về Bình Nam (1956) của Lý Dung Nhạc và tập Lâm Thế Vĩnh thi tập.

Kịch thời hậu chiến cũng phát triển mạnh. Các vở nổi tiếng thời kỳ này là: Nơi hoài niệm (1954) của Liễu Cơ Hồng, 123 ngàn dặm bình nguyên (1954) của Triệu Linh Xuất và Sức mạnh vĩ đại (1958) của Lý Đông Xuân.

* PHÁI SÁNG TẠO

Đây là phái văn học duy mỹ sớm nhất trong văn học Triều Tiên thời hiện đại. Phái Sáng Tạo được sáng lập ở Tokyo Nhật Bản, do những người du học Nhật như: Kim Đông Nhân, Chu Diệu Hàn, Điền Vinh Trạch, Kim Hoán chủ trương.

Tháng 2 năm 1919, những du học sinh kể trên đã cho ra đời tập san Sáng tạo làm cơ quan ngôn luận. Đây cũng là tờ tạp chí văn học đầu tiên của Triều Tiên.

Sau khi phong trào “1 tháng 3” bùng nổ, tờ Sáng tạo được dời về xuất bản tại Triều Tiên. Đến tháng 5 năm 1921, Sáng tạo đình bản, tổng cộng mới phát hành được 9 kỳ.

Những người chủ trương phái Sáng Tạo phát động phong trào văn học thuần tuý, hướng về giá trị nghệ thuật của văn nghệ, hô hào cho chủ nghĩa nghệ thuật tối cao, chống lại quan niệm văn học gắn với chính trị. Song trong tác phẩm của họ, hoặc có khi là ngay trong tác phẩm của một cá nhà văn, cũng không hoàn toàn nhất quán về một khuynh hướng, mà thường có nhiều khuynh hướng khác nhau như duy mỹ, tự nhiên, tượng trưng… cùng tồn tại trong đó.

Tác giả tác phẩm tiêu biểu của phái Sáng Tạo thường được kể là truyện ngắn Thuyền ca, Họa sĩ điên của Kim Đông Nhân; truyện ngắn Điên? Thiên tài? của Điền Vinh Trạch; và bài thơ Hội đom đóm của Chu Diệu Hàn.

4. KẾT LUẬN

Như vậy, tuy đầu thế kỷ XX là thời kỳ lịch sử - xã hội ở các nước Đông Á xảy ra nhiều biến động, ảnh hưởng đến sự tồn vong của cả dân tộc, nhưng đây lại là thời các hoạt động văn học diễn ra rất sôi nổi với khoảng bốn mươi tổ chức văn học và trào lưu khuynh hướng khác nhau, tạo nên sự phong phú đa dạng cho bức tranh văn học Đông Á đương thời.

Đặc điểm chung của văn học các nước Đông Á giai đoạn này là đều thuộc vào thời kỳ Âu hóa mạnh mẽ, chuyển đổi từ văn học cũ sang văn học mới, từ thơ ca là chủ yếu sang văn xuôi là chủ yếu. Các nhà văn Đông Á đều cố gắng tìm cách đối mới văn học đất nước mình. Quá trình hiện đại hóa ở Trung Quốc và Triều Tiên diễn ra chậm hơn so với Nhật, nên đầu thế kỷ XX vẫn còn một số khuynh hướng văn học lấy vấn đề chống lễ giáo phong kiến làm đề tài, chẳng hạn phái Uyên ương hồ điệp ở Trung Quốc, hoặc phái Tiểu thuyết mới ở Triều Tiên. Ngoài một số  người chủ trương phục cổ văn học, thì khuynh hướng chính vẫn là Âu hóa, tức là tiếp thu các tư tưởng và nghệ thuật sáng tác của các nước phương Tây để hiện đại hóa văn học dân tộc. Các nhà văn thuộc các nước Đông Á khác, phần nhiều theo con đường du học, đã sang Nhật để tìm hiểu văn hóa Nhật trên đất Nhật và văn hóa phương Tây trên đất Nhật.

Nhật  Bản canh tân đất nước đạt hiệu quả cao, trở thành một cường quốc trên thế giới, thu hút nhiều văn nhân trí thức các nước sang học hỏi con đường phát triển văn học, nâng cao dân trí. Chính điều kiện này đã khiến Nhật trở thành nơi giao lưu của các nhà văn Đông Á, thậm chí có các văn nhân Trung Quốc và Triều Tiên còn xây dựng tổ chức văn học của nước mình ngay trên đất Nhật, cầu viện Nhật chống phương Tây giành độc lập lại cho dân tộc. Nhưng khi Nhật lộ rõ tham vọng bá chủ bằng các cuộc xâm lược các nước Đông Dương thay Pháp, thì các nhà văn Đông Á đều nhanh chóng rút về nước, tích cực tham gia phong trào sáng tác văn học chống Nhật, kêu gọi tinh thần dân tộc. Trong ba nước kể trên, Trung Quốc và Triều Tiên có đặc điểm chung là cùng bị Nhật Bản xâm lược và thống trị, cho nên trào lưu văn học yêu nước chống Nhật phát triển mạnh, trở thành khuynh hướng văn học chính ở giai đoạn sau của nửa đầu thế kỷ XX.

Riêng Nhật Bản, đây là thời kinh tế phát triển thần tốc, nhưng thực tế đời sống của con người bị bao vây trong sự xáo trộn và đổ vỡ; tư tưởng hư vô, hưởng lạc, sống vội, đau buồn, tuyệt vọng, xem nghệ thuật là chí thượng được phản ánh theo nhiều góc độ trong văn học và trở thành khuynh hướng chính. Ví dụ phái Nghệ thuật mới, phái Tân cảm giác, phái Duy mỹ… Bên cạnh đó, cũng có những nhà văn Nhật sáng tác văn học theo khuynh hướng phản chiến, như Yosano Akiko phái Minh tinh, Hotta Yoshie trong văn học hậu chiến. Một điều quan trọng không thể phủ nhận là, đầu thế kỷ XX, Nhật đã trở thành trung tâm văn hóa của Đông Á, thành nơi giao lưu của các nhà văn Đông Á và điều đó góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy quan hệ văn học trong khu vực này phát triển lên một bước mới.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.      Bạch Canh Thăng chủ biên. 2000. Ba trăm vấn đề của văn học thế giới. Nxb. Cổ tịch Thượng Hải. (Tiếng Trung).

2.      Diệp Vị Cừ. 2009. Lịch sử các tư trào văn học Nhật Bản. Nxb. Đại học Bắc Kinh. (Tiếng Trung).

3.      Diệp Vị Cừ. 2009. Lịch sử tiểu thuyết Nhật Bản. Nxb. Đại học Bắc Kinh. (Tiếng Trung).

4.      Doãn Doãn Trấn, Trì Thủy Dũng, Đinh Phụng Hi, Quyền Hách Tân. 2008. Lịch sử văn học Hàn Quốc. Nxb, Giao Thông Thượng Hải. (Tiếng Hàn).

5.      Đổng Học Văn, Kim Vĩnh Binh. 2008.     Dẫn luận văn học đương đại Trung Quốc. Nxb. Đại học Bắc Kinh. (Tiếng Trung).

6.      Lý Quang Trạch, Bốc Khánh Hà. 2007. Lịch sử văn học Nhật Bản. Nxb. Đại học Công Lý Đại Liên. (Tiếng Nhật).

7.      Mao Khánh Kỳ, Quách Tiểu Mi. 2006. Văn học Trung Quốc. Nhạc Lộc thư xã xuất bản. (Tiếng Trung).

8.      Nhiều tác giả. 2006. Lịch sử cận và hiện đại của Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Nxb. Văn hiến Khoa học Xã hội. (Tiếng Trung).

9.      Trần Hiểu Minh. 2009. Các trào lưu chính của văn học đương đại Trung Quốc. Nxb. Đại học Bắc Kinh. (Tiếng Trung).

10. Trương Triết Tuấn. 2007. Dẫn luận văn học so sánh Đông Á. Nxb. Đại học Bắc Kinh. (Tiếng Trung).

11. Vi Húc Thăng. 2008. Lịch sử văn học Hàn Quốc. Nxb. Đại học Bắc Kinh. (Tiếng Trung).

12. Vương Hiểu Bình. 2008. Học thuật Nhật Bản và Trung Quốc. Trung Hoa thư cục xuất bản. (Tiếng Trung).

13. Vương Hướng Viễn. 2007. Lịch sử văn học Nhật Bản lấy Trung Quốc làm đề tài. Nxb. Cổ tịch Thượng Hải. (Tiếng Trung).

 

 



(*) Trung tâm nghiên cứu Văn hoá – Viện Phát Triển Bền Vững Vùng Nam Bộ

Thông tin truy cập

63707908
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
6002
22198
63707908

Thành viên trực tuyến

Đang có 484 khách và không thành viên đang online

Danh mục website