Tóm tắt
Ca Văn Thỉnh (1902-1987) là học giả hiện đại đi tiên phong trong việc nghiên cứu văn hóa truyền thống Nam Bộ, để lại những kết quả và thành tựu quan trọng, có ảnh hưởng sâu rộng đối với các nhà nghiên cứu đi sau trong các lĩnh vực Văn học, Nho học, Sử học Nam Bộ thế kỷ XVIII-XIX. Mục tiêu nghiên cứu của ông là khẳng định giá trị, bản sắc văn hóa cũng như cổ học Nam Bộ, bác bỏ những luận điểm sai trái của học giả trong và ngoài nước về con người, lịch sử, văn chương, giáo dục Nam Bộ.
Về mặt Sử học, Ca Văn Thỉnh chứng minh rằng Nam Bộ là đất có lịch sử lâu đời, do người Việt khai khẩn và tạo dựng nên bằng con đường hòa bình, ông kêu gọi người Nam Bộ hãy tìm hiểu, giữ gìn và yêu quý các di tích, lịch sử, văn hóa của mình. Về mặt Văn học, ông cho thấy Nam Bộ rõ ràng có một nền văn học quy mô tổ chức hẳn hòi, với những tác giả tác phẩm tiêu biểu cho tinh thần “ngay thảo”, “hào khí Đồng Nai”. Về mặt Nho học, ông khẳng định đất Nam Bộ có một nền giáo dục vững chắc, lâu đời với đặc điểm “điển yếu, thiết thiệt”, “tập nghĩa”, “dưỡng khí”, đề cao đạo nghĩa danh tiết, và con người Nam Bộ là những người “có văn hóa”, “biết đạo nghĩa”.
Nam Bộ là vùng lãnh thổ hình thành muộn nhất của Việt Nam, tính đến nay mới chừng ba thế kỷ lịch sử. Nếu nói đến “cổ học” ở đây, thì phải trừ đi một thế kỷ nữa, như vậy chỉ còn lại hai trăm năm. Khoảng thời gian ấy đã đủ cho việc ra đời, định hình và phát triển một nền cổ học với những tính chất, đặc điểm đáng chú ý, đáng trân trọng chưa? Nếu có, thì diện mạo nó ra sao và làm cách nào để chỉ ra?
Có thể nói Ca Văn Thỉnh là học giả tiên phong trong việc đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi ấy. Bằng cách đi ngược dòng thời gian thông qua những di tích, thư tịch cổ xưa còn sót lại, ông lần ra manh mối và kết nối những mảnh vụn lại, cho chúng ta thấy diện mạo của nền cổ học Việt Nam ở phương Nam với những tính chất, đặc điểm rất đáng chú ý, rất đáng trân trọng.
Ca Văn Thỉnh bắt đầu sự nghiệp nghiên cứu của mình với cổ học Nam Bộ, đây cũng là con đường mà ông theo đuổi suốt cuộc đời, và là thành tựu nổi trội nhất trong sự nghiệp khoa học của ông. Các thành quả nghiên cứu cổ học của Ca Văn Thỉnh trong thời kỳ đầu được công bố chủ yếu trên tờ Đại Việt tập chí năm 1942-1943 với bút danh “Ngạc Xuyên” (tên chữ Hán của Rạch Cái Sấu gần nhà ông ở Bến Tre). Dưới đây là danh mục thống kê 8 bài viết của Ca Văn Thỉnh in trên Đại Việt tập chí mà chúng tôi sưu tầm được.
Stt |
Tên bài |
Trang |
Số và ngày ra báo |
1 |
Đền Đế Thiên đối với tiền nhơn ta |
7-14 |
Số 2 (16 Octobre 1942) |
2 |
Nguyễn Thông |
31-34 |
Số 3 (1 Novembre 1942) |
3 |
Chuyện ếm quỷ |
26-28 |
Số 4 (16 Novembre 1942) |
4 |
Minh bột di ngư – một quyển sách hai thi xã |
6-13 |
Số 12 (1er Avril 1943) |
5 |
1-4 |
Số 19 (16 Juillet 1943) |
|
6 |
Khổng học ở đất Đồng Nai |
25-31 |
Số 22+23 (1er + 16 Septembre 1943) |
7 |
Nguyễn Văn Thoại với sự đào Thoại Hà và kinh Vĩnh Tế |
1-6 |
Số 28 (1er Decembre 1943) |
8 |
Tiểu sử Nguyễn Văn Thoại |
5-10 |
Số 29 (16 Decembre 1943) |
Ngạc Xuyên nghiên cứu cổ học Nam Bộ ở nhiều phương diện, ở đây chúng tôi căn cứ vào nội dung, chủ đề các bài viết, tạm thời chia hướng tiếp cận của Ca Văn Thỉnh theo 3 con đường: Sử học, Văn học và Nho học.
Trước khi đi vào các vấn đề cụ thể, cũng cần nói qua một chút về một trong những động cơ quan trọng và có tính chất trực tiếp khiến Ca Văn Thỉnh chọn con đường nghiên cứu cổ học Nam Bộ. Năm 1925, ông ra Hà Nội học Cao đẳng sư phạm, bấy giờ phong trào yêu nước đang lên cao, sự kiện Phan Bội Châu bị bắt và Phan Châu Trinh qua đời làm dấy lên những cuộc đấu tranh có quy mô toàn quốc của nhân dân cả nước khiến thực dân Pháp lo sợ, tìm mọi cách trấn áp. Bấy giờ ở trường Ca Văn Thỉnh học, có giáo sư đại tá người Pháp tên “Bô-ni-phát-xi” dạy lịch sử đã cố tình xuyên tạc lịch sử Nam tiến và con người Nam Bộ bằng cách dẫn ra những sử liệu của chúa Nguyễn để chứng minh rằng dân Nam Bộ là “con cháu quân… ăn cướp”, rằng đất Nam Bộ chỉ là nơi dành cho những kẻ tội đồ bị triều đình lưu đày đến đó, rằng “dân Nam kỳ vô đạo nghĩa có tổ tiên là hạng người vô loại”, cho nên bây giờ cái máu ăn cướp nổi loạn của dân Nam Bộ lại nổi lên, và vì thế mà họ để tang Phan Châu Trinh. Quan điểm của học giả thực dân ấy đã khiến chàng sinh viên họ Ca “giận thắt ruột” và từ đó “luôn luôn nuôi trong lòng mình ý chí phải nghiên cứu để bằng mọi cách đánh bại luận điệu phản động của Bô-ni-phát-xi một cách khoa học”, khẳng định những giá trị lớn, cao đẹp của lịch sử, văn học, giáo dục, con người Nam Bộ.
Chuyện này được Ca Văn Thỉnh kể lại trên báo Nhân dân 1982 (ra ngày 27/8 và trong sách Hào khí Đồng Nai 1983), thực ra trước đó, vào năm 1943, ông đã nhắc qua trong bài Khổng học ở đất Đồng Nai trên Đại Việt tập chí. Bài biên khảo công phu này còn nhắc đến chuyện“một nhà học giả có tiếng tăm nhơn đi du lịch Nam kỳ có lời phẩm bình, đại để nói Hán học chẳng có còn chi ở Lục châu, nếu không có đôi đối để ở Văn Miếu tại Vĩnh Long của ông Cao Xuân Dục”. Có lẽ Ca Văn Thỉnh muốn ám chỉ Phạm Quỳnh và bài Một tháng ở Nam kỳ do ông ta viết sau khi vào Nam cuối năm 1918 đầu năm 1919.
Năm 1928, Ca Văn Thỉnh tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm về Nam vừa làm công tác giáo dục, vừa chú ý sưu tầm tài liệu. Và sau hơn mười năm tích lũy, nghiền ngẫm, ông đã lần lượt công bố các kết quả nghiên cứu của mình vào đầu thập niên 1940.
1. CON ĐƯỜNG LỊCH SỬ
Để khẳng định Nam Bộ là xứ sở do những người Việt tài năng, cần lao khai phá, xây dựng nên, Ca Văn Thỉnh đã bắt đầu cuộc hành trình “đi tìm dấu vết tiền nhân”, “đọc lịch sử những bực danh thần, nghĩa sĩ”, tìm hiểu “công nghiệp của danh nhân chúng ta”. Tiếp cận cổ học Nam Bộ từ con đường sử học, Ca Văn Thỉnh không đi vào con đường phê bình các bộ sử cũ theo hệ thống, mà ông chọn lọc một số sự kiện, nhân vật tiêu biểu ở Nam Bộ nhằm chứng minh rằng: Nam Bộ là đất có lịch sử lâu đời, do người Việt khai khẩn và tạo dựng nên bằng con đường hòa bình.
Bài nghiên cứu đầu tiên của Ngạc Xuyên là Đền Đế Thiên đối với tiền nhơn ta đăng trên Đại Việt tập chí số 2 năm 1942. Ở đây ông muốn chứng minh và khẳng định quan hệ hữu hảo có truyền thống lâu đời giữa hai dân tộc Việt Nam - Campuchia, Ca Văn Thỉnh đi tìm mối quan hệ giữa người Việt và người Miên thời cổ xưa dựa trên nhiều nguồn tài liệu khác nhau: từ kết quả các công trình thám hiểm, khảo cổ của người Pháp (như Henri Mauhot, Doudart de Lagree, Francis Garnier, Luis Delaporte, Jean Commaille, Luis Pinot); từ thư tịch của người Trung Quốc (Chân lạp phong thổ ký của Châu Đạt Quan, ban đầu Ca Văn Thỉnh đọc bản dịch sang Pháp văn của Paul Pelliot); từ sử thư cổ Việt Nam (Đại Nam thực lục, Đại Nam liệt truyện, Đại Nam nhất thống địa dư chí, Gia Định thành thông chí); từ các thi tập của Trịnh Hoài Đức (từ Cấn Trai Thối Thực truy biên, tìm thấy bài thơ Khách Cao Miên quốc ký hoài Diệp Minh Phụng Kỳ Sơn viết năm 1783; từ Cấn Trai thi tập trong thư viện của Lê Thọ Xuân, thấy các bài Hồ hải đông lưu… viết năm 1785, bài Ký hoài Huỳnh Ngọc Uẩn Hối Sơn Chân Lạp hành viết năm 1786).
Tuy nói bài viết của mình là nhằm xem “từ thế kỷ XVII, tiền nhân chúng ta giao thiệp với người Cao Miên có biết Đế Thiên Đế Thích và có biên chép vào sách vở nào không?” (tr.8), nhưng có lẽ mục đích thực sự hay ý đồ sâu xa hơn của Ca Văn Thỉnh thông qua việc ca ngợi “di tích vô giá của nền văn minh tối cổ của dân tộc Cao Miên” (tr.7) Angkor Wat và Angkor Thom là phác họa lại cuộc Nam tiến mở đất Nam Bộ của người Việt. Ngạc Xuyên ngầm cho chúng ta thấy, đất Nam Bộ Việt Nam hình thành không phải từ chiến tranh xâm lược, mà bằng con đường hòa bình từ chính sách “tàm thực” của Nguyễn Hữu Cảnh, Nguyễn Cư Trinh đưa dân Việt Nam từ miền Bắc miền Trung vào miền Nam. Ca Văn Thỉnh cũng nhắc đến “công trình tổ chức chánh trị của Trương Minh Giảng ở đất Cao Miên”, rồi sau này là “Bảo hộ Thoại” (Thoại Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thoại) – tức là nhắc đến quan hệ hữu nghị, cũng như công lao của người Việt Nam trong việc xây dựng, ổn định, bảo vệ đất Cao Miên trước đây chống lại sự xâm lược của quân Xiêm.
Tình trạng ngày nay “thổ dân Cao Miên tuyệt nhiên quên mất chữ Phạn khắc vào tường đá, không biết tới đền đài chôn lấp trong rừng hoang và sau cuộc xâm lược, tàn sát của dân Thái, đạt nhiên dứt hẳn, trong đất Cao Miên, các cuộc kiến trúc đồ sộ như trước” (tr.13) cùng các giả thuyết của học giới đưa ra về sự diệt vong của đế quốc Khmer cổ mà Ngạc Xuyên dẫn ra cuối bài viết cũng gián tiếp khẳng định thêm quan điểm trên của ông.
Thứ nhất, là “nguyên nhân chánh trị và xã hội”. Người ta cho rằng đế chế Khmer cổ sụp đổ là do “cuộc chinh phục mãnh liệt như nước lụt vỡ đê của quân Thái”, khiến các trí thức thuộc thiểu số ở đây vốn chủ yếu là kiến trúc sư người Ấn Độ không tồn tại nữa, trong khi “phần đông thổ dân ngu dốt”, chẳng “còn nhớ chi tới đền đài cổ” (tr.13).
Thứ hai, là “nguyên nhân tôn giáo”. Người ta giả thiết rằng Chân Lạp tiêu vong do “Phật giáo của đa số thổ dân thay vào đạo Bà La Môn cổ” (tr.13).
Qua việc Đế Thiên Đế Thích bị bỏ hoang, dân chúng Cao Miên lãng quên, bài viết của Ca Văn Thỉnh cho phép chúng ta nghĩ rằng ông đang kêu gọi người Nam Bộ hãy tìm hiểu, giữ gìn các di tích, lịch sử, văn hóa của mình.
Việc lật lại quan hệ Việt - Miên trong lịch sử của Ca Văn Thỉnh còn có ý nghĩa quan trọng trong việc tăng cường tình hữu nghị đoàn kết với lân bang, chống lại các âm mưu kích động, chia rẽ hai dân tộc. Sau này, trong dịp phái đoàn Việt Nam do Thủ tướng Phạm Văn Đồng sang thăm Campuchia và phái đoàn Campuchia do Chủ tịch Heng Sam Rin sang thăm Việt Nam, Ca Văn Thỉnh viết bài Mối tình hữu nghị Việt Nam - Campuchia qua thơ văn xưa, nhắc lại truyền thống bang giao tốt đẹp giữa hai nước, kể từ năm 1620 khi chúa Nguyễn Phúc Nguyên gả công nương Ngọc Vạn cho quốc vương Chay Chetta II như là mối dây thắt chặt tình đoàn kết Việt - Miên chống lại sự nhòm ngó của quân Xiêm; sau đó là thỏa thuận giúp đỡ khai khẩn đất đai ở vùng Đồng Nai giữa hai bên được chính thức công nhận từ năm 1623,…; và những sự hy sinh, giúp đỡ quan trọng của Việt Nam trong sự nghiệp chiến đấu chống quân xâm lược Xiêm, Pháp của Campuchia hồi thế kỷ XVIII-XIX.
Năm 1942, viên Toàn quyền Đông Pháp đi qua Châu Đốc, đến viếng mộ Thoại Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thoại (1761-1829). Chưa rõ ý đồ chuyến viếng thăm của Toàn quyền Đông Pháp là gì, nhưng có lẽ thái độ quan tâm của người Pháp đã thúc đẩy Ca Văn Thỉnh tiếp tục tìm hiểu lịch sử Nam Bộ, cũng là dịp để ông có “cớ” khơi gợi lòng yêu nước của người Nam Bộ. Liên tiếp trên hai số 28, 29 của Đại Việt tập chí tháng 12 năm 1943, Ca Văn Thỉnh đã công bố bài Nguyễn Văn Thoại với sự đào Thoại Hà và kinh Vĩnh Tế và Tiểu sử Nguyễn Văn Thoại cho mọi người hiểu rõ thân thế, sự nghiệp của Thoại Ngọc Hầu cũng như hiểu rõ nguồn gốc các địa danh “Thoại Sơn”, “Kinh Vĩnh Tế”, “Vĩnh Tế thôn”…
Ca Văn Thỉnh đã thực hiện công việc này một cách công phu, khoa học. Đầu tiên ông lên Thoại Sơn (núi Sập), vào Thoại Sơn thị (chợ núi Sập), đến Thoại Sơn tự tìm dấu tích đầu tiên dựng tấm bia nói về tiểu sử, công nghiệp của Thoại Ngọc Hầu (tấm bia này đã được đưa về tòa bố Long Xuyên, rồi lại đưa về đình). Sau đó ông quay về Long Xuyên viếng mộ Thoại Ngọc Hầu, đọc bia Vĩnh tế sơn ký và Vĩnh tế sơn lộ kiều lương lý, dịch giới thiệu cho mọi người hiểu được vì sao núi Sam được đặt là Vĩnh Tế Sơn, sơn thôn là Vĩnh tế thôn và kinh Châu Đốc Hà Tiên là Vĩnh Tế hà, biết tên vợ cả của Thoại Ngọc Hầu là Châu Thị Tế. Ngạc Xuyên lại đến tận làng Thái Bình – quê hương của bà Châu Thị Tế, thăm mộ của họ Châu và họ Nguyễn, tìm được nhà ông Nguyễn Khắc Ngọ - cháu năm đời của Ngọc Hầu, xin chép gia phả, xin xem sắc phong, hỏi thăm con cháu, tìm trong sử cũ để xác minh, bổ cứu thêm các thông tin. Ông xúc động khi được tận mắt chứng kiến những di vật cổ như chiếc chiêng và trống chầu lớn “chính là hai món đồ mà xưa kia Nguyễn hầu cúng vào đình làng Thái Bình” còn được giữ tại nhà ông hương bái họ Châu Vĩnh, rồi pho tượng hộ pháp bằng đồng ở chùa Linh Phước “tương truyền là của Nguyễn hầu cúng cho chùa” (tr.6).
Đứng trước kênh Vĩnh Tế, Ca Văn Thỉnh cảm khái: “chúng ta tức khắc thán phục tài phóng kính của tiền nhơn ta: có đoạn kinh thẳng băng trong khoảng núi rừng hiểm trở, nhứt là khi chúng ta nhớ lại thời bấy giờ tổ tiên ta chưa biết tới máy nhắm mà hiện nay các ông kỹ sư thường dùng (…) Chúng ta càng thán phục thêm công phu khó nhọc đào kinh sửa đất núi. Nhiều khoảng gặp phải đá gồ ghề chận ngang đường kinh đã phóng, thế mà tiền nhân ta cố công đào cũng được, nhứt là phải dùng những khí cụ hết sức đơn sơ của người xưa” (tr.5). Ông than thở: “Đọc xong tiểu sử của Nguyễn hầu, tiểu sử do Quốc sử quán biên thuật, nếu chúng ta lấy bình tình xét đoán thì càng khoăn khoái, ngưỡng mộ đời sống đầy danh dự của ngài bao nhiêu chúng ta lại càng thương xót ngậm ngùi khoảng đời sau khi ngài quá cố bấy nhiêu!”. Và ngậm ngùi: “Nếu không nhắc lại bài ký Vĩnh Tế sơn thì biết bao nhiêu đồng bào của Châu phu nhơn nghe hay đọc tới tên Vĩnh Tế, có khác nào nghe hay đọc một cách thản nhiên tên sông Mêkông hay sông Seine chẳng hạn?” (tr.10).
Một nhân vật lịch sử nổi tiếng khác của Nam Bộ cũng được Ca Văn Thỉnh đặc biệt chú trọng là Nguyễn Thông (1827-1884), người miền Nam nhưng ra làm quan ở miền Trung và có nhiều công lao với đất Quảng Ngãi, Bình Thuận trong việc cải cách thủy lợi, tài thực, chống trừ tham nhũng nhiễu lại, khẩn đất lập đồn điền ở miền thượng du,… năm 1942, trên Đại Việt tập chí số 3, Ca Văn Thỉnh đã dịch giới thiệu tiểu sử Nguyễn Thông được ghi chép trong Đại Nam liệt truyện để mọi người biết những đóng góp công lao của ông với nước nhà, lại dịch thêm bài Sơn thuyết trong Ngọa du sào văn tập và Chuyện ếm quỷ trong Kỳ Xuyên văn sao để nêu cao văn tài, “ý khí” và tinh thần trọng “chính khí” của Nguyễn Thông. Thân thế và sự nghiệp văn học của Nguyễn Thông sau này còn được Ngạc Xuyên tiếp tục sưu tầm, dịch thuật và nghiên cứu (1962, 1984).
2. CON ĐƯỜNG VĂN HỌC
Thế kỷ XVIII, khi văn học trung đại Bắc hà bước vào thời kỳ hoàng kim, thì văn học Hán Nôm Nam hà mới bắt đầu hình thành. Tính từ lúc ra đời đến khi suy tàn, văn học Hán Nôm Nam bộ chỉ tồn tại trong khoảng hai thế kỷ (XVIII và XIX), nhưng thời gian ấy cũng đủ tạo nên thời kỳ “cổ điển” cho văn học Nam Bộ với đầy đủ những tính chất, đặc điểm cần thiết. Tuy vậy, số lượng tác phẩm Hán Nôm ở Nam Bộ vẫn còn khá ít ỏi, lại mất mát nhiều qua thời gian và chiến loạn, nên những người quan tâm đến văn học cổ vẫn thường gắng công sưu tầm gìn giữ và lưu truyền. Đó là tinh thần chung của các văn nhân trí thức, riêng ở Nam Bộ, công việc này ít nhất khởi đầu từ Trịnh Hoài Đức (1765-1825) với các tác phẩm của Chiêu Anh Các, sau đó là Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Lê Quang Chiểu, Lê Sum, Võ Sâm… gần hơn có Đông Hồ, Lê Thọ Xuân, Phạm Thiều, Ca Văn Thỉnh… Trong số các học giả sau này, Đông Hồ đi sâu vào văn học Hà Tiên, Lê Thọ Xuân chú trọng vào lịch sử, còn Phạm Thiều và Ca Văn Thỉnh khá gần gũi nhau ở việc quan tâm đến văn học và văn hóa Nam Bộ.
Riêng về Ca Văn Thỉnh, trong giai đoạn đầu ông quan tâm đến cổ học Nam Bộ ở nhiều phương diện: Sử học, Văn Học, Nho học… nhưng sang giai đoạn sau, ông tập trung chủ yếu vào việc nghiên cứu và giới thiệu văn học Nam Bộ, nhất là dòng văn học yêu nước. Năm 1943, Ngạc Xuyên công bố hai bài viết về văn học Nam Bộ trên Đại Việt tập chí với mục đích khẳng định Nam Bộ chẳng những có lịch sử, danh nhân, mà còn có một nền văn học quy mô, có tổ chức hẳn hòi, có những văn nhân lớn tiêu biểu cho tinh thần “ngay thảo” và “hào khí Đồng Nai” của Nam Bộ.
Bài Minh bột di ngư – một quyển sách hai thi xã trước hết nói về nỗi khó khăn của việc “sưu tầm sách vở thời cổ của tiền nhơn ta” và sự lo lắng “cái vựa thóc văn học ít ỏi này không đủ cung cấp thức ăn tinh thần cho cả giống nòi đương khao khát”. Ca Văn Thỉnh đã nhận thấy trách nhiệm của mình trong đó, quyết tâm “ráng sức mọn đi mót từ hột, lượm từ bông, mà người bỏ rơi rớt ở tận ruộng biền, ruộng chéo của đất Lục tỉnh Nam kỳ” (tr.6). Ông bắt đầu công việc tìm hiểu sự lưu truyền di sản văn học cổ của Nam Bộ thông qua các công trình tiêu biểu được xuất bản thời bấy giờ như Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim, Văn đàn bảo giám của Trần Trung Viên. Từ đó ông phát hiện và đính chính những sai lầm của các sách trên khi nhắc đến tập Minh bột di ngư của Mạc Thiên Tứ do Trịnh Hoài Đức sưu tầm và khắc in lại. Đó là:
Thứ nhất, tên sách là Minh bột di ngư hay đầy đủ hơn là Minh bột di ngư văn thảo, chứ không phải Minh bột di hoán. Sai sót này là do Trần Trọng Kim lầm tự dạng giữa chữ ngư và chữ hoán mà ra.
Thứ hai, tác giả sách Minh bột di ngư là Mạc Thiên Tứ chứ không phải Trịnh Hoài Đức như Trần Trung Viên chép.
Nhân đó, Ca Văn Thỉnh giới thiệu sơ lược về tập Minh bột di ngư do Trịnh Hoài Đức sưu tầm và cho khắc in lại: “từ đầu chí cuối, bổn sách này in toàn bằng chữ viết đủ các thể: chân, thảo, triện, lệ. Mấy tay danh bút thời bấy giờ, người Tàu, người mình đều tranh xảo, tranh gân, đề bút tích vào tập thi họa ấy. Điều quý nhứt là trọn bài Tân tự là bút tích của Trịnh Cấn Trai viết năm Minh Mạng thứ hai (1821). Mặc dầu chữ ngài phải khắc vào bản rồi mới in ra, nhưng trọn 12 trương chữ thảo của bài Tân tự này đủ hình dung, duy trì được điệu chữ viết đặc biệt, tài tình của ngài. Mỗi trương sách đều có chạy khuôn, vẽ hoa, kẻ lá rất đẹp đẽ. Ngoài hai bài tự đầu sách, bài bạt cuối sách, toàn tập có một bài phú, 30 bài thi, thảy đều tả cảnh Lư khê nhàn điếu, một trong mười cảnh Hà Tiên. Mỗi bài thi in riêng một điệu chữ thảo, có khuôn hoa lá như nói trên, lại còn có một bức họa đối diện bài thi, một bức tranh sơn thủy vẽ theo lối thủy mạc Tàu, trông ra đầy thi vị, nhứt là khi miệng bình câu thi, mắt xem bức họa” (tr.8).
Trong phạm vi bài viết này, Ngạc Xuyên dịch nghĩa bài thơ Lư khê nhàn điếu của Mạc Thiên Tứ và bài Tân tự của Trịnh Hoài Đức viết ở Phú Xuân in trong Minh bột di ngư mà ông được đọc. Phần cuối bài biên khảo, Ca Văn Thỉnh đưa ra những nhận định cụ thể mà sâu sắc xác đáng: “Mạc công cũng như Trịnh hầu đều là người Tàu sanh trưởng ở đất Việt Nam. Họ Mạc đại diện cho Chiêu Anh Các ở Hà Tiên, họ Trịnh đại diện cho Sơn Hội Gia Định. Hai thi xã, Hà Tiên trước, Gia Định sau, đều có ảnh hưởng sâu xa đến nền văn học ở xứ Nam kỳ. Thành thử chúng ta có thể nhận rằng: dân tộc Việt Nam về thời cổ đã chịu ảnh hưởng của người Tàu nhà Hán, tự phương Bắc đi xuống rồi về thời cận kim lại chịu ảnh hưởng của người Tàu nhà Minh từ phương Nam đi ngược lại” (tr.12). Nhận định này đã được các nhà nghiên cứu văn học Hán Nôm Nam Bộ sau này công nhận và kế thừa.
Bài thứ hai Ngạc Xuyên bàn về vấn đề văn học truyền thống Nam Bộ là Lễ kỷ niệm cụ Nguyễn Đình Chiểu – tác giả Lục Vân Tiên. Trong số các văn nhân Nam Bộ, Ca Văn Thỉnh dành sự kính trọng và lòng yêu mến đặc biệt cho Nguyễn Đình Chiểu. Ngày 27/6/1943, Sở Thông tin Tuyên truyền, báo chí cùng quan chủ tỉnh Bến Tre và các thân hào trí thức tổ chức lễ viếng mộ Nguyễn Đình Chiểu tại Ba Tri. Ca Văn Thỉnh bấy giờ là Giám đốc các trường sơ học Bến Tre đã lên đọc bài diễn văn nói về thân thế và sự nghiệp của Đồ Chiểu, ông xem Cụ Đồ là bậc “kỳ sĩ”, đặc biệt ca tụng “khí tiết”, “lòng đạo” của Nguyễn Đình Chiểu, nhấn mạnh rằng các tác phẩm Lục Vân Tiên, Dương Từ Hà Mậu, Ngũ Kinh, Gia Huấn cùng các bài thi văn khác đều là sách để chữa bịnh tinh thần”, sự nghiệp của Nguyễn Đình Chiểu là “một sự nghiệp tinh thần trường cửu”. Từ năm 1945, khi Ca Văn Thỉnh đi theo cách mạng, ông lại càng đề cao văn chương đức độ của Đồ Chiểu qua các bài viết, công trình biên khảo của mình (như Thơ văn yêu nước Nam Bộ cuối thế kỷ XIX (1962), Truyền thống quật cường của Nam Bộ và Việt Nam với tinh thần đấu tranh của Nguyễn Đình Chiểu (1972), Thơ văn Nguyễn Đình Chiểu (1976), Nguyễn Đình Chiểu toàn tập (1982)).
Ở giai đoạn sau, Ca Văn Thỉnh đã bỏ công sưu tầm, nghiên cứu, giới thiệu nhiều tác giả tác phẩm khác, như thơ văn Nguyễn Hữu Huân, Nguyễn Trung Trực, Huỳnh Mẫn Đạt, Phan Văn Trị… để cho thấy rõ hơn “Hào khí Đồng Nai” trong văn chương Nam Bộ.
3. CON ĐƯỜNG NHO HỌC
Ở Việt Nam thời phong kiến, Nho học giữ một vị trí trọng yếu, gắn liền với giáo dục, đạo đức, thậm chí là đại từ chỉ “văn hóa”, vì vậy trí thức kẻ sĩ nước ta ngày xưa cũng thường được xem như đồng nghĩa với “nho sĩ”. Người “có học”, “có văn hóa”, “biết đạo nghĩa” tức là người có “Nho học”.
Cũng như Lịch sử và Văn học, Nho học ở Nam Bộ xét về bề dày truyền thống thì không thể so với miền Bắc miền Trung, nhưng điều này do hoàn cảnh lịch sử xã hội quy định. Để phục vụ cho ý đồ của mình, một số người như “Bô-ni-phát-xi” mà Ca Văn Thỉnh đã nhắc ở trên đã cố ý khoa trương thành phần “bất hảo” để miệt thị lịch sử, văn hóa, con người Nam Bộ, chia rẽ đoàn kết dân tộc. Nhằm bác bỏ luận điệu phản động ấy và chứng minh thực tế ở Nam Bộ đã có một nền Khổng học, một nền giáo dục vững chắc đáng tự hào, năm 1943 trên Đại Việt tập chí, Ca Văn Thỉnh viết bài Khổng học ở đất Đồng Nai.
Mở đầu, Ngạc Xuyên đặt vấn đề: “Đất thực dân khoảng ba thế kỷ gần đây của người Việt Nam, đất Đồng Nai có chăng một nền Khổng học? Có người bảo rằng không”. “Người bảo rằng không” ấy, là “một nhà học giả có tiếng tăm” và “một nhà giáo sư Pháp dạy về lịch sử Việt Nam trong một ban trường Cao đẳng Hà Nội”, tức Ca Văn Thỉnh đang ám chỉ Phạm Quỳnh và Bô-ni-phát-xi. Phạm Quỳnh cho rằng “Hán học chẳng có còn chi ở Lục châu”, còn Bô-ni-phát-xi thì phán: “dân Nam kỳ vô đạo nghĩa có tổ tiên là hạng người vô loại”. Ca Văn Thỉnh xác lập mối tương quan giữa các phạm trù “Khổng học” - “Hán học” – “Giáo dục” - “Đạo nghĩa”: “Theo nghĩa thông thường của người mình, Khổng học là đồng nghĩa với giáo dục, với đạo nghĩa. Nếu nói người Nam kỳ không đạo nghĩa tức là nói ở đất nầy không có một nền giáo dục, một nền Khổng học vững chắc. Ý kiến của hai nhà bác học Pháp Nam về Hán học, về đạo nghĩa, và một cách gián tiếp, về Khổng học ở đất Đồng Nai, có ảnh hưởng nhiều trong văn học giới xứ nầy, còn ai dám ngờ vực lời lẽ ấy?” (tr.25). Như thế là ông đã đồng nhất, hay nói đúng hơn là thống nhất bốn phạm trù ấy thành một và căn cứ trên đó bắt đầu cuộc hành trình tái hiện diện mạo của nền Nho học - Giáo dục Nam Bộ.
Ca Văn Thỉnh đã tìm đến Văn miếu Vĩnh Long, mộ Võ Trường Toản để đọc và sao chép các bài bia, lọc những bài văn bài thơ liên quan đến các bia ấy trong Kỳ Xuyên văn sao của Nguyễn Thông. Từ những tư liệu cơ sở này, ông vẽ lại lịch sử Khổng học Nam Bộ:
Năm 1715, thời chúa Nguyễn Minh vương, Văn miếu đầu tiên của Nam Bộ đã được Nguyễn Phan Long, Phạm Khánh Đức lập ở phủ Phước Long, dinh Trấn Biên, Biên Hòa Đồng Nai.
Năm 1825, thời vua Minh Mạng, Văn miếu thứ hai của Nam Bộ được lập ở thành Gia Định.
Năm 1864-1866, thời Tự Đức, Văn miếu thứ ba của Nam Bộ được Phan Thanh Giản và Nguyễn Thông lập ở Vĩnh Long.
Đó là xét về mặt di tích kiến trúc. Còn về mặt nhân vật, mà cụ thể là các nhà giáo dục ở Nam Bộ thời xưa, Ca Văn Thỉnh đã dẫn ra danh sư Võ Trường Toản (?-1792). Ông dịch giới thiệu bài biểu đề mộ Võ phu tử của Phan Thanh Giản, qua đó cho thấy học vấn và đức độ của cụ Sùng Đức: “sở học của tiên sanh đã tới bực dày dặn đẩy đủ, chất thực, có thuật nghiệp thâm uyên, thông đạt”. Chỗ này Ngạc Xuyên gián tiếp cho chúng ta biết đất Đồng Nai từ cuối thế kỷ XVIII đã là một trung tâm giáo dục lớn, chỉ tính riêng học trò của Võ Trường Toản đã lên đến “mấy trăm”, tiêu biểu là: Ngô Tùng Châu, Trịnh Hoài Đức, Phạm Ngọc Uẩn, Lê Quang Định, Lê Bá Phẩm, Ngô Nhân Tịnh… Trong đó, trừ hai ẩn sĩ là “ông Chiêu”, “ông Trúc”, còn lại “các ông ấy đều gặp hồi phong vân, thời Trung hưng triều Gia Long đứng vào bực tôi hiền, có người hoặc sát thân để làm nên điều nhân, hoặc quên mình để trọn tiết nghĩa, thảy đều nên công nghiệp lớn trong đời” (tr.28).
Võ Trường Toản được sĩ phu Nam Bộ tôn xưng là bậc “sư biểu”, đặt nền móng cho học phong phương Nam, có ảnh hưởng rộng lớn sâu xa đến học vấn, đạo đức chẳng những của những môn sinh đương thời mà cả đến các thế hệ trí thức Nho học Nam Bộ sau này. Cho nên Phan Thanh Giản mới ca ngợi: “từ thuở tiên sanh lấy lối học nghĩa lý để giáo hóa, chẳng những đương thời đào tạo được nhiều bực nhơn tài, mà còn truyền thuật, giảng luận trao dồi về sau; tới nay, dân gian trong Lục tỉnh Nam kỳ, tỏ lòng trung nghĩa, cảm phát, dám hi sanh tới tánh mạng, xét ra tuy nhờ đức thân nhân của Quân vương nhuần gội, cố kết chặt nhân tâm, nhưng nếu không có công đức mở mang huấn dụ của tiên sanh từ thuở trước thì làm sao được có nhân tâm như thế ấy? (tr.28)”
Ngạc Xuyên lại dịch thêm bài Vĩnh Long Khổng Tử miếu ký hậu và bài viết sau mộ biểu Sùng Đức Võ phu tử trong Kỳ Xuyên văn sao của Nguyễn Thông để khẳng định thêm vị trí vai trò của Võ Trường Toản trong sự nghiệp giáo dục miền Nam: “ở đất Nam Trung từ hồi cụ Sùng Đức Võ phu tử lấy nghĩa lý trong thánh kinh để giáo hóa, thì hàng sĩ phu đều tôn ngài làm bực thầy. Nên ai ai cũng tìm cho sáng nghĩa lý, giữ cho trọn danh tiết, cầu được hạnh kiểm bực sĩ quân tử”, “sở học của Sùng Đức thật là thiết thực thâm uyên rất hiệp với tư tưởng thánh hiền xưa”, nhờ bài biểu của Phan Thanh Giản mà “đạo cụ Võ được suy tôn thêm và ý nghĩa của Thánh kinh càng thêm sáng tỏ” (tr.30).
Theo Ca Văn Thỉnh, sau Võ Trường Toản, thì Phan Thanh Giản là người có công mở mang chấn chỉnh Nho học ở Nam Bộ. Cái học của Phan Thanh Giản, như lời Nguyễn Thông, là cái học “điển yếu, thiết thiệt”, “trung hòa”, làm sáng tỏ được “mạch đạo”. Kỳ Xuyên văn sao còn viết: “Sở học của Phan tiên sanh lấy chữ Thành làm chủ đích, trước hết, lấy việc trị tánh tình là phương thiết thực”, “người cần học trong đời, mỗi khi thể nhận lời của Lương Khê tiên sanh, sẽ chăm chăm lo việc chí tình chí tánh để đi lần đến chỗ sáng suốt, tính thành kín đáo của đạo học. Chừng ấy, người không còn lầm tục học, dị đoan dời đổi lòng người, trái lại, được nhiều điều bổ ích cho tâm thần người lắm” (tr.30).
Cuối bài viết, Ca Văn Thỉnh không đưa ra những lời bác bỏ hay khẳng định quyết liệt sự tồn tại cũng như giá trị của Hán học, giáo dục, đạo nghĩa, Khổng học ở Nam Bộ, mà sau khi đưa ra những chứng cứ đầy sức thuyết phục như trên, ông đặt thành ba câu hỏi thực tế đã lồng vào đó câu trả lời rõ ràng khó có ai không tán đồng với mình:
Ngoài vài bài văn dịch trên nói về Khổng giáo, người ta còn có thể kể các nhà văn thi: Mạc Thiên Tứ, Đặng Đức Thuật, Nguyễn Hương, Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định, Ngô Nhân Tịnh, Phan Thanh Giản, Vương Hữu Quang, Nguyễn Thông, Trần Tử Mẫn… thế thì đất Đồng Nai có Hán học không?
Những bực hiền tá giúp đức Cao hoàng tại đất Đồng Nai xây dựng lại ngôi nhà Nguyễn, kể ra không phải ít; số người liều mình vì nhân nghĩa, vì quân quốc, cũng không phải ít, không kể những bực ẩn dật cao tiết tránh thời loạn, ẩn dật để học rõ nghĩa “tu ngôn dưỡng khí”. Thế thì ở đất Đồng Nai có giáo dục, đạo nghĩa không?
Sau khi nhắc lại các mốc lập Văn Miếu và công đức của Võ Trường Toản, Phan Thanh Giản, Nguyễn Thông… ông kết luận: Các bằng cứ lịch sử đại khái ấy tỏ ra rằng ở đất Đồng Nai các nhà vua triều Nguyễn, nhứt là vua Minh Mạng, có để tâm đến Khổng giáo, và phụ với việc triều đình hai nhà Khổng học Võ Trường Toản trước, Phan Thanh Giản sau, có công chấn chỉnh Khổng học. Thế thì ở đất Đồng Nai có Khổng học không?
Kết thúc bài viết Ngạc Xuyên đĩnh đạc hỏi: “Kẻ hậu học này rất mong mỏi được các bực cao minh giảng rõ cho những chỗ băn khoăn ấy”.
Sau này, trong các bài viết khác, Ca Văn Thỉnh còn chỉ cho chúng ta thấy Nguyễn Đình Chiểu là người kế thừa được tinh hoa cái học “tri ngôn”, “tập nghĩa”, “dưỡng khí” của Võ Trường Toản (như ở các bài Nguyễn Đình Chiểu – nhà thơ chiến đấu vì nghĩa cả (1973), Mùa thu nhớ mãi hai lần Bến Tre - Hà Nội (1982), sách Hào khí Đồng Nai (1983)).
Bản thân Ca Văn Thỉnh ngay từ nhỏ đã được tiếp thu lối giáo dục đề cao đạo nghĩa danh tiết dưỡng khí ấy của Nam Bộ từ các người thầy Võ Văn Thơm, Nguyễn Văn Vinh hậu duệ của những sĩ phu Nam hà trước đó. Điều này có ý nghĩa to lớn trong việc hình thành chí khí, nhân cách của Ngạc Xuyên, mà bản thân ông nhận thấy và thể hiện một cách gián tiếp qua tác phẩm Xây dựng con người mới từ tuổi thơ (1987).
Kể về lượng thì quả số trang viết của Ngạc Xuyên Ca Văn Thỉnh để lại không nhiều, nhưng ông đã thấy và chỉ cho chúng ta thấy rõ mạch văn mối đạo cũng như tinh túy của cổ học Nam Bộ thông qua các bài nghiên cứu công phu, thận trọng, khoa học, đầy tính phát hiện, thể hiện tài hoa và “bầu nhiệt huyết” của một người luôn quan tâm đến việc gìn giữ và phát huy văn hóa truyền thống dân tộc.
Loạt bài nghiên cứu trên Đại Việt tập chí năm 1942-1943 của Ngạc Xuyên chẳng những là cơ sở tiền đề cho con đường nghiên cứu về sau của chính ông, mà cũng là nền tảng quan trọng cho việc nghiên cứu cổ học Nam Bộ của các học giả sau này. Vì thế, có thể nói, Ca Văn Thỉnh là người tiên phong và có đóng góp quan trọng trong việc mở ra và triển khai nghiên cứu cổ học, văn hóa Nam Bộ.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN
1. Ca Văn Thỉnh. 1983. Hào khí Đồng Nai. TPHCM: Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh.
2. Ca Văn Thỉnh - Bảo Định Giang sưu tầm, tuyển lựa, giới thiệu. 1962. Thơ văn yêu nước Nam Bộ cuối thế kỷ XIX. Hà Nội: Nxb. Văn hóa - Viện Văn học.
3. Cao Tự Thanh. 1996. Nho giáo ở Gia Định. TPHCM: Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh.
4. Đại Việt tập chí năm 1942-1943. Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh. Ký hiệu: CV.194. Thành phố Hồ Chí Minh.
5. Tài liệu đánh máy các bài viết, công trình của Giáo sư Ca Văn Thỉnh và những bài viết liên quan của các tác giả khác do gia đình Giáo sư cung cấp.
6. Thanh Giang. 2012. Ngạc Xuyên hiền nhân – tiểu thuyết chân dung. Hà Nội: Nxb. Văn hóa Văn nghệ.
7. Thơ văn Nguyễn Thông. 1962. Lê Thước - Phạm Khắc Khoan trích dịch; Ca Văn Thỉnh-Bảo Định Giang giới thiệu. Hà Nội: Nxb. Văn hóa - Viện Văn học.
Nguồn: Tạp chí Khoa học Xã hội, số 6-2014.