Con đi học xa nhà đã ba năm hơn, vậy mà như một lệ thường, trước khi con về Tết, mẹ vẫn chịu ngồi xe hơn 5 tiếng đồng hồ, chuyển từ xe khách sang xe buýt, rồi lại xe ôm, chỉ để đến ở với con được một đêm, dọn phụ con dăm ba món đồ vào túi, rồi lại ngồi xe chừng ấy tiếng để cùng con về lại nhà mình. Nhưng mặc con cáu gắt vì sợ mẹ cực, mẹ vẫn bảo đấy là những chuyến xe vui, vui vì mẹ lên một mình thôi, nhưng khi về nhà sẽ có con về cùng mẹ. Mẹ sợ lên thăm con rồi phải ngồi xe một mình về nhà, sợ vỉ nếu không có con về cùng, mẹ sẽ khóc trên những chuyến xe hay mở mấy bản boléro buồn đến não ruột…
*
Vậy là mấy năm nay, cứ khoảng hai mươi tháng chạp, mẹ lại gọi, tươi cười thông báo với con tình hình chợ hoa tết ở quê, rồi hào hứng khoe đã chạy tới lui nhờ cô này dạy thay, thầy kia gác kiểm tra hộ thế nào để có thể đặt được vé xe đi đón con, vào trước hôm con dự định về một ngày. Mẹ cũng hỏi con muốn ăn thức gì, để mẹ nấu trước ở nhà, bỏ vào cặp lồng rồi mang lên cho con ăn trong đêm hai mẹ con còn ở lại nơi con trọ học để mẹ dọn dẹp.
Ngày mẹ lên, tuy con có bực vì nói mãi mẹ không chịu bỏ cái lệ cực nhọc này, nhưng trong lòng lại khấp khởi vui hệt như hồi nhỏ xíu khi được mẹ tặng cho quyển sách mỗi lần sinh nhật. Sợ mẹ mệt, con gọi mẹ suốt để hỏi mẹ có ghé ăn ở trạm dừng không, đã lên xe buýt chưa hay đã đến đâu rồi. Nhưng mẹ lúc nào cũng ừ hử cho qua chuyện dù chỉ cần nghe giọng mẹ qua đường điện thoại, con biết mỗi lần mẹ lên là mỗi lần mẹ mệt nhiều hơn, vất vả nhiều hơn, gắng gượng nhiều hơn. Ừ thì, mẹ có còn trẻ nữa đâu…
Nhưng vui nhất là lúc mẹ gọi cho con, bảo mẹ đã đứng ở đầu ngõ dẫn vô xóm trọ. Con quày quả chạy ra, xách vội mấy túi đồ trên tay mẹ, rồi í ới hỏi mẹ có mệt lắm không, than thở trời Sài Gòn nóng đến cháy da, mà mưa cũng lênh đênh nước. Mẹ cười. Ở nhà mình, dù sao cũng tốt hơn, nghen!
*
Sống quen trong căn nhà chỉ có mình là người phụ nữ duy nhất, dường như mẹ hiểu rõ cái đặc quyền tối thượng mà không ai dám tranh giành cùng: mẹ mau nước mắt lắm! Con nhớ, những ngày còn ở nhà, chưa đi học xa, con vẫn hay ghẹo mẹ mỗi lần mẹ xem một cảnh phim buồn hay đọc một cuộc đời bất hạnh trên báo. Ba năm nay, mẹ lại có thêm nhiều chuyện để trút tất cả nước mắt vào, nhất là những khi mẹ lên phụ con dọn đồ về Tết, rồi ngồi khóc ngon lành như đứa trẻ.
Mẹ khóc vì thấy con ăn đồ ăn của mẹ rồi tấm tắc khen ngon. Mẹ khóc khi nhìn quanh quất, bảo thương con vì tưởng tượng cảnh con phải ở một mình trong căn phòng trọ mà nhớ về nhà. Mẹ khóc vì cứ nghĩ mãi về con đường đời nhọc nhằn mà thăm thẳm của con, hết cử nhân rồi cao học, hết thức trắng đêm chuẩn bị thi cử lại phải kiếm việc làm, rồi lấy vợ sinh con, rồi đối mặt với biết bao những xô bồ ngoài kia mà mẹ chịu, không thể hai tay giúp con như hồi con còn nhỏ. Và mẹ cũng khóc, vì mẹ biết tuổi tác của mẹ đã in hằn thành những chứng bệnh mạn tính, dai dẳng, không rõ trong nhiều nhiều năm nữa, mẹ có đủ khỏe để bắt những chuyến xe dài, đông ken mùa Tết nhất, để lên Sài Gòn đón con về nữa hay không…
*
Con biết mẹ sợ những hành trình dằng dặc, đơn độc và tê tái buồn khi từ Sài Gòn về nhà mình mà không có con về chung. Nhưng con biết, và hẳn mẹ cũng rõ hơn ai hết, rằng rồi đây, trong một vị lai trái khoáy và bất toàn nào, con người ta cũng phải gắng gượng bước lên một chuyến xe mà đích đến không hề xác định, một cuộc lữ hành một đi không trở lại, cô độc và lắm nỗi bất an. Con chỉ mong ngày ấy đến với mẹ càng chậm càng tốt. Và con cũng mong, nếu đối cùng bị buộc chọn một chỗ trên chuyến xe u ám ấy, mẹ sẽ không phải nghe những bài boléro buồn đến não ruột và khóc vì phải lao ngược vun vút về cõi nào xa ngái, trong khi chỉ có một mình!