Chợ hoa tết ở Cần Thơ (Nguồn: Báo Quân đội nhân dân)
Những ngày cuối năm, đọc lại truyện ngắn Ngày xuân êm đềm của Võ Hồng, mà nhất là chi tiết cậu bé An sung sướng thấy Tết đang về trên những hàng vạn thọ mới trồng, đọt lên xanh mướt trong tinh sương, tôi không khỏi nhớ về mình của những ngày tuổi nhỏ.
Dù không lớn lên ở nông thôn, ít sống gần cây trái thiên nhiên như nhân vật An của Võ Hồng, song không hiểu vì sao trong hình dung của tôi ngay từ thơ ấu, Tết chưa bao giờ thực sự đến gần khi cỏ hoa của nó chưa bắt đầu hé nụ, trải thảm muôn sắc trước mắt người nơi những chợ hoa xuân.
Cần Thơ quê tôi là thủ phủ của miền Tây, nên cứ độ rằm tháng Chạp, khi những buổi sáng phương Nam dần se lạnh trong nắng nhạt cuối năm là xe cộ, ghe xuồng chất đầy hoa kiểng đủ loại từ khắp nẻo đồng bằng sẽ xuôi ngược tụ hội về đây. Trên tuyến phố du lịch Hai Bà Trưng dọc bến Ninh Kiều, trên bờ kè Hoàng Văn Thụ chạy dọc theo rạch Cái Khế, rồi trên cả những con đường nho nhỏ vòng vèo quanh bờ hồ Xáng Thổi gần nhà tôi, nhịp sống vốn không mấy sầm uất thường ngày nơi một thành phố “miệt vườn” chợt trở nên xáo động bởi cái huyên náo rộn rịp của những tốp người trên bến dưới thuyền, nói cười rôm rả trong lúc thoăn thoắt chuyền tay nhau từng chậu cây, hoa, rồi tất bật kê dựng, sắp xếp, bài trí gian hàng, mắc điện, quét tước chuẩn bị cho nửa tháng dài ăn gió nằm sương cùng hoa Tết.
Thời tôi còn đi học, vào những ngày cuối năm như thế, biết tôi thích ngắm chợ hoa, lần nào chở tôi về sau khi tan trường ba cũng dạo một vòng quanh những con đường thường bày bán hoa Tết, cha con thảo luận rôm rả. Năm nay hình như có thêm nhiều loại hoa ngoại nhập, thật lạ. Mai năm nay có lẽ nở sớm vì trời cứ lất phất mưa xuân. Cúc chắc sẽ mắc vì thời tiết không thuận… Có mấy năm kinh tế thất bát, trồng trọt khó khăn, nhiều khi gần hai mươi âm lịch mà chợ hoa Tết chỉ mới lác đác vài điểm bán, hai cha con tiu nghỉu buồn, vừa tội nghiệp những người làm nông cực nhọc suốt năm mà công cán chẳng được bù đắp bao nhiêu, vừa thấy sức xuân của thành phố như giảm đi đôi chút.
Vào mỗi thời điểm trong ngày, chợ hoa Tết dường như lại có một nét kiều diễm riêng. Nếu trong những buổi sáng nắng đẹp, nó bừng nở cái vẻ xuân sắc căng tràn của mình như một thiếu nữ đương hoa, thì vào những lúc tối trời, vẻ đẹp của chợ hoa Tết lại nằm ở cái nô nức rộn ràng của kẻ bán người mua, cái rực rỡ sáng choang của ánh điện rọi xuống cỏ hoa rồi loang ra lấp lánh khắp một vùng sông nước. Nhưng kỳ lạ làm sao, thời điểm đẹp nhất của chợ hoa Tết, với tôi, lại là những buổi sớm tinh mơ, khi trời chưa sáng hẳn, sương mỏng còn giăng trên lá búp, và cây cỏ như còn ngái ngủ trước khi bừng tỉnh vẫy gọi nắng trời.
Đi giữa thời khắc ấy, không bị xao nhãng bởi những ồn ào, tấp nập tạo dáng, selfie, những kỳ kèo lộn xộn mua bán, ta hình như mới thấy mình đang thực sự đi giữa cỏ hoa, mới cảm nhận được cái dòng nhựa thanh tân của trời đất mùa xuân đang lưu chuyển rào rạt trong từng tược lá, nụ nõn. Đi giữa thời khắc ấy, mới thấy dù cho có quen sống giữa những cao ốc chọc trời, những tường vách cốt thép bê tông, dù cho có đi qua bao nhiêu dâu bể của đời sống, trải nghiệm bao nhiêu sự hiện đại tân thời, người ta vẫn chưa bao giờ có thể chối bỏ được mối liên hệ khắng khít ngàn đời giữa mình với cây cỏ tự nhiên. Và vì thế cũng phải đi giữa thời khắc ấy, mới hiểu vì sao Thomas Hardy – một nhà thơ lãng mạn người Anh, trong khi nhìn thấy bao nhiêu cảnh chiến tranh, chém giết, tương tàn, lại cho rằng chỉ có nghề nông, chỉ những cánh đồng, luống đất, dân cày, những vườn tược sum sê hoa cỏ mới là thứ có thể hằng tồn, vượt lên khỏi mọi hưng vong dời đổi của lịch sử.
Ở đoạn cuối truyện Ngày xuân êm đềm, cậu bé An ngày nào đã lớn, rồi chiến cuộc bùng lên trên quê hương, bom đạn phá hại cả cái ngôi nhà lầu từng một thời sung túc của ông Cửu Nghiệp mà An lúc nhỏ có lần được cha dắt đến thăm vào dịp Tết. An không khỏi buồn lòng khi nhớ về cái ông Cửu hào hoa, tòa lầu lộng lẫy và kỷ niệm mùa xuân tươi đẹp năm nào. Nhưng hình như là với Võ Hồng, đâu phải vì điều ấy mà ngày xuân trong mắt An mất đi vẻ êm đềm tuổi nhỏ: nhìn về hướng nhà ông Cửu Nghiệp ngày xưa nay chỉ còn là một di chỉ hoang phế của ký ức, An vẫn nhìn thấy “cái vườn sum sê hoa lá” xuân sắc ngày nào với “những con chim sẻ vẫn say mê mổ thóc rụng, những con chích chòe vẫn nhí nhảnh chuyền trên cành lá lục lọi tìm sâu, những con chiền chiện vẫn mải miết tước lá cau lấy sợi về làm tổ”, “các con mương nhỏ mọc đầy khoai môn khoai sáp, lũ cá sặt cá rô vẫn tinh nghịch đớp mồi và lũ châu chấu cào cào vẫn xòe cánh mỏng màu lúa non mà bay sè sè trong nắng”.
Cái suy tư mà Võ Hồng muốn tỏ bày từ mấy mươi năm trước hình như đâu có khác gì với điều mà tôi chợt nhận ra khi nhìn những nụ mai, nụ cúc nơi khu chợ hoa Tết gần nhà mình những buổi sớm tinh sương?
Nguyễn Đình Minh Khuê
Nguồn: Bản tin ĐHQG-HCM số 214-215