Nhà văn Diêm Liên Khoa và sự nghiệp từ một thôn trang

GD&TĐ - Mới đây, khoa Văn học - Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐHQG TPHCM, tổ chức buổi sinh hoạt khoa học với chủ đề “Trung Quốc và văn học trong một thôn trang” cùng diễn giả là nhà văn đương đại Trung Quốc Diêm Liên Khoa.

20190410 DLK

Nhà văn Diêm Liên Khoa (giữa) chụp ảnh cùng các giảng viên ngữ văn.

 

Nhà văn Diêm Liên Khoa là một tiểu thuyết gia người Trung Quốc với những tác phẩm tái hiện hiện thực sâu sắc đến mức nhức nhối.

Ông có 5 tựa sách được xuất bản tại Việt Nam: “Nàng Kim Liên ở trấn Tây Môn”, “Phong Nhã tụng”, “ Kiên ngạnh như thủy”, “Người tình phu nhân sư trưởng”, “Đinh Trang mộng”.

“Nỗ lực để làm được những điều vĩ đại”

20190410 DLK2
Nhà văn Diêm Liên Khoa (trái) chia sẻ tại buổi tọa đàm.1

Nhà văn Diêm Liên Khoa mở đầu buổi tọa đàm bằng một ấn tượng vui thời tuổi nhỏ về thôn trang của mình.

Cho rằng Trung Quốc có nghĩa là “đất nước trung tâm”, lại sinh ra ở căn nhà nằm ở vị trí trung tâm của một thôn trung tâm của tỉnh Hà Nam (xưa gọi là Trung Nguyên, cũng có nghĩa vùng đất trung tâm), ông cho rằng có lẽ thôn của mình chính là trung tâm của thế giới, và Thượng đế đã giao phó cho bản thân ông một bí nhiệm lớn lao.

Chính vì vậy, sau này, khi viết văn, ông luôn ý thức được rằng bản thân phải nỗ lực để làm được những điều vĩ đại.

Tuy nhiên, hình ảnh thôn trang không chỉ tồn tại trong ông như một hoài niệm đẹp, một động lực lớn cho con đường viết lách, mà còn là một nguồn cảm hứng mãnh liệt cho sáng tác, một kho tàng của những câu chuyện và ký ức sống động, nhức nhối và có khả năng khai mở những vấn đề tầm cỡ của đất nước, dân tộc, thậm chí nhân loại. 

Ông đưa ra một cái nhìn so sánh giữa thôn trang của ông ngày xưa với hôm nay, giữa thời Cách mạng văn hóa nghèo đói, đau khổ nhưng giàu tình người với thời kỳ phát triển công nghiệp hiện đại song đầy rẫy những bất cập, từ chuyện con người bị ám ảnh bởi tiền tài vật chất đến nỗi mất dần nhân tính đến chuyện môi trường bị đe dọa, không gian vắng bóng cây xanh.

Người dân ở các thôn trang Trung Quốc hôm nay, cụ thể là nơi ông từng gắn bó cả thời tuổi nhỏ, đôi khi nghèo khó đến mức không có miếng ăn, đôi khi giàu có đến nỗi có thể mua được phi cơ.

Những biểu hiện của cá tính Trung Hoa xưa nay cũng không phai nhạt đi nhiều trong không gian thôn trang: Quan tâm nhiều đến chính trị, thời cuộc; dân tộc tính ngất ngưởng; sự ngưỡng vọng chức tước, quyền hành.

Diêm Liên Khoa còn kể thêm, rằng ở thôn của ông, có ông giáo sư đọc Hồng lâu mộng đến mức trầm cảm, có người đàn bà sùng bái Thiên Chúa giáo dù tinh thần chung của người dân Trung Hoa là vô thần. 

Nói chung, gần như mọi vấn đề chính trị, kinh tế, văn hóa, tôn giáo, mọi câu chuyện mà văn chương từ Dante, Kafka đến Lỗ Tấn mô tả, đều có thể xuất hiện trong vùng thôn trang mà ông sống.

Tất cả đều là những dữ kiện thú vị, ngồn ngộn chất đời có khả năng trở thành thứ chất liệu hoàn mỹ cho văn chương, bởi chúng không chỉ diễn đạt được những điều bó hẹp trong một thôn xóm nhất định nào, mà còn có thể phóng chiếu thành những vấn đề mang tầm vóc vĩ mô.

Chính bởi điều này, Diêm Liên Khoa cho biết, bây giờ ông đã hiểu nhiệm vụ mà Thượng đế giao phó khi đặt ông vào thôn trang này và dẫn lối ông trở thành một nhà văn.

Ông hiểu mình cần phải viết về thôn trang của chính  ông, phải viết về những xáo động ồn ã, những hạnh phúc đau thương, những dữ dội đen tối của nơi chốn ấy, bởi nó, theo một nghĩa nào đó, là “trung tâm của thế giới”.

“Viết từ một điểm nhìn mới”

Trong phần trả lời những câu hỏi từ cử tọa, nhà văn còn có những bàn luận sâu sắc khác, nhất là khi chỉ ra rằng chủ nghĩa ái quốc hay việc đề cao quá mức dân tộc tính chính là điểm yếu của người Trung Quốc hiện nay. Ông cho rằng trong một thế giới toàn cầu hóa, chủ nghĩa hòa bình, hòa hợp nên là cứu cánh cần hướng đến.

Bên cạnh đó, khi GS.TS Huỳnh Như Phương đặt vấn đề rằng ông quá thiên vị bóng tối, cái ác, Diêm Liên Khoa cho biết, hiện ở Trung Quốc đã có nhiều người viết về những điều xán lạn, nên ông cần viết từ một điểm nhìn mới.

Tuy vậy, ông nói thêm, rằng không gian văn chương của ông không chỉ tối tăm, u ám mà còn có vài điểm sáng le lói, như hình tượng ông lão Đinh trong Đinh Trang Mộng chính là một biểu tượng của tình yêu thương.

Ngoài những ý kiến trên, phần thảo luận của buổi sinh hoạt còn trở nên sinh động hơn khi các câu hỏi đến từ GS.TS La Khắc Hòa, dịch giả Quế Sơn,…đặt ra những câu hỏi về vấn đề tự kiểm duyệt và kiểm duyệt văn học, quan niệm của Diêm Liên Khoa về lối viết tiểu thuyết hay yêu cầu ông dự đoán về khả năng đạt giải Nobel,…

Diêm Liên Khoa là một trong những nhà văn đương đại hàng đầu Trung Quốc. Với gần 20 quyển tiểu thuyết và hàng chục tác phẩm truyện ngắn, tiểu luận được dịch ra hơn 30 thứ tiếng trên thế giới, ông vinh dự nhận được nhiều giải thưởng văn học danh giá như giải thưởng văn học Lỗ Tấn, Lão Xá, Franz Kafka,…

Đã có 5 quyển tiểu thuyết của Diêm Liên Khoa được dịch sang tiếng Việt, quyển thứ sáu mang tên Tứ thư sắp ra mắt độc giả trong tháng 4/2019.  

“Thôn tôi bây giờ đã giàu lên, nhưng mọi người đều nghèo đi về mặt tinh thần. Thôn tôi ở trung tâm, nên nếu bạn hiểu ra những chuyện ở thôn tôi, bạn sẽ hiểu những điều ở Trung Quốc, ở thế giới. Có người nghèo đến nỗi không mua nổi một cái bánh chẻo, nhưng lại có những phú ông. Có người có thể mua cả máy bay” – nhà văn Diêm Liên Khoa.

Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại, ngày 10.4.2019.

Thông tin truy cập

63663323
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
7041
17595
63663323

Thành viên trực tuyến

Đang có 689 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website