Văn đàn Việt 2018 và những cuộc trở lại

Khi nghĩ về diện mạo văn chương Việt Nam 2018, tôi nhận ra sự bất lực của những tính từ. Một năm văn học vừa qua, theo tôi, chứng kiến quá nhiều những cuộc chuyển động, mà chuyển động nào cũng mạnh mẽ, quyết liệt, phức tạp đến nỗi không một hình dung từ nào, dù tinh vi nhất, có thể bao quát được, mô tả được chúng một cách chân xác và thuyết phục. Tuy nhiên, nếu ta thực lòng muốn có một mường tượng tổng quan về toàn cảnh văn học Việt Nam 2018, thì tôi cho chỉ còn cách cố tìm ra một động từ có khả năng thâu tóm, diễn đạt một cách tương đối cái chiều hướng chủ đạo của những cuộc chuyển động kia.  

Trong cái nhìn tất nhiên rất chủ quan của cá nhân tôi, động từ ấy là trở lại.

Bao quát văn đàn Việt suốt một năm 2018 vừa qua là rất nhiều những cuộc trở lại. Những cuộc trở lại đầy ý nghĩa. Những cuộc trở lại thú vị, rực rỡ, thậm chí ngoạn mục. Tôi đang muốn nói đến những lần tái xuất diệu kỳ của nhiều mảnh văn học sử đặc biệt quan trọng, cuộc trở về để truy tìm căn tính của những tiếng nói lưu lạc, và nhất là những chuyến du hành ngược thời gian của các cây bút đương đại với khao khát tìm tòi, lục lọi quá khứ và ký ức dân tộc.

*

            Ở Việt Nam, có lẽ chưa bao giờ nhu cầu tái đánh giá, tái nhận thức về con đường đi của lịch sử văn học lại trở nên mạnh mẽ và quyết liệt như bây giờ. Càng ngày người ta càng nhận ra rất rõ rằng, những gì mỗi cá nhân biết và được biết về lịch sử nói chung và lịch sử văn chương nói riêng phần nhiều chỉ là những hư cấu huyền thoại, hay nói đúng hơn là những thực tại xiêu vẹo, kết quả của liên tục những lần bị/được kiến tạo, cắt dán, phân mảnh, tái cấu trúc. Càng ngày, những lỗ hổng chứa đầy bí mật của lịch sử văn chương Việt Nam càng mở rộng ra, sâu hoắm. Có những điều tưởng chừng đã xác lập được vị thế rất vững chãi của mình trong tiến trình văn học, nay lại trở thành một đối tượng hứng chịu những hoài nghi về giá trị và ý nghĩa tồn tại. Có những tác phẩm tưởng chừng đã trở thành hóa thạch của quên lãng nằm câm lặng dưới những lớp đất sâu, nay chợt nhiên được khai quật và được đưa trở lại với những kiếp sống mới, những cương vị mới. Cũng có những cái tên tưởng chừng đã quá quen thuộc đến mức mòn sáo, nay bỗng chốc bừng lên thành những câu chuyện đầy cuốn hút có khả năng mời gọi và kích nhạy những tra vấn mới, những hồi đáp mới, những viễn tượng mới,…

            Thực ra, tình thế rộn ràng đa thanh ấy của văn đàn Việt đã kéo dài từ suốt gần chục năm nay. Nhưng tôi cho năm 2018 này mới thực sự là một năm đặc biệt chứng kiến những cuộc trở lại vần vũ, dữ dội nhất của các giá trị quá khứ, với quá nhiều những sự kiện buộc người ta không thể không có một cái nhìn khác, thậm chí là phải thay đổi toàn bộ nhìn nhận lâu nay về con đường đi của lịch sử văn chương Việt Nam, ít nhất là trong thế kỷ XX đầy biến động vừa qua.

            Có lẽ ít có một năm văn học nào lại chứng kiến nhiều cuộc kỷ niệm đáng chú ý như năm 2018. Theo thống kê sơ lược của tôi, từ đầu năm đến nay, có khoảng bảy cuộc tọa đàm, hội thảo khoa học nổi bật được tổ chức từ Bắc vào Nam – một con số khá ấn tượng – để tưởng nhớ những nhân vật, những sự kiện văn học vô cùng đặc biệt. Thật ra, khi nhắc đến những cuộc hội thảo, tọa đàm, kỷ niệm như thế, tôi biết có nhiều người sẽ cảm thấy phiền lòng bởi cho rằng, chúng chỉ là những sự kiện nặng vẻ nghi lễ, công thức, và vì thế không mang nhiều ý nghĩa. Tuy vậy, vượt ra khỏi cái vỏ bọc của tính hình thức, những cuộc hội đàm với ý nghĩa tưởng nhớ những cột mốc ấy, theo tôi, đôi khi lại có khả năng mang đến cho người ta một cảm giác rất lạ: cái cảm giác tròn đầy, cái cảm giác hoàn tất một chu trình, và vì thế là cái cảm giác được nối kết, tương hợp, như hai đầu của một đường tròn gặp nhau sau suốt một hành trình dài. Cứ tưởng tượng rằng, khi biết từng có một văn tài lỗi lạc qua đời vào đúng ngày này nhưng cách đây vài thập kỷ hay hàng trăm năm trước, sao lòng ta có thể tránh khỏi những bùi ngùi xúc động, những thương cảm nhớ tiếc, hay thậm chí là những nối kết, những rung cảm thiêng liêng? Cái cảm giác ấy sẽ dọn đường để những hồn thiêng trở về, và cũng sẽ tạo ra một cơ hội diệu kỳ cho những người đương thời chúng ta đọc lại, nghĩ lại, đánh giá lại để từ đó, lịch sử văn học một lần nữa được phục dựng, bổ khuyết và tái kiến tạo một cách khách quan hơn, công bằng hơn.

Tôi có thể đưa ra một ví dụ. Cuộc hội thảo diễn ra vào tháng 8 năm nay tại Đại học Duy Tân (Đà Nẵng) với mục đích kỷ niệm 70 năm năm sinh và 30 năm năm mất của thi sĩ, kịch tác gia tài hoa Lưu Quang Vũ đã kích nhạy được thêm rất nhiều những góc nhìn mới mẻ, những luận bình sâu sắc và đầy gợi mở về bản sắc và những đóng góp của các tác phẩm kịch, thơ ông đối với tiến trình văn chương Việt Nam thế kỷ XX, mà đơn cử là hai tiểu luận tôi đánh giá khá cao: Diễn ngôn về sự khuyết tật trong kịch Lưu Quang Vũ của TS. Đào Lê Na (ĐHKHXHNV TP.HCM) và Mỹ cảm về thành phố trong thơ Lưu Quang Vũ của TS. Trần Ngọc Hiếu (ĐHSP Hà Nội). Tuy vậy, trong năm 2018 này không chỉ có duy nhất cuộc hội thảo hoành tráng về Lưu Quang Vũ. Tháng 3/2018, lễ kỷ niệm 100 năm năm sinh Nguyễn Bính diễn ra tại Sài Gòn, với sự tham gia của gia đình nhà thơ và rất nhiều những người yêu thơ ông trong suốt hơn bảy thập kỷ qua. Tám tháng sau đó, vị thi sĩ chân quê này tiếp tục trở thành nhân vật trung tâm của cuộc hội đàm được Viện Văn học và trường Đại học Văn Lang liên kết tổ chức. Cùng trong tháng 11/2018, lễ kỷ niệm 100 năm năm sinh nhà văn Nguyên Hồng diễn ra tại Hải Phòng – nơi tuy không phải là sinh quán của ông, nhưng có một ý nghĩa hết sức đặc biệt đối với đời văn của cây bút chuyên viết về những người cùng khổ này. Không dừng lại ở đó, diễn ra song song với những cuộc hội đàm về ba cây bút lừng lẫy của văn chương hiện đại Việt Nam trong năm nay là hai cuộc hội thảo không kém phần trang trọng tưởng nhớ cuộc đời và sự nghiệp của hai nhà nghiên cứu văn chương Đỗ Đức Dục và Lê Trí Viễn. Di sản mà hai ông để lại không chỉ là hàng ngàn trang bản thảo luận khảo văn chương trung đại Việt Nam và văn học Pháp thế kỷ XIX, mà còn là những bài học đáng quý về thái độ học tập, làm việc và nhân cách của người trí thức.

Song chỉ nhắc đến sáu cuộc hội thảo, kỷ niệm trên đây thôi thì hẳn là chưa đủ, bởi năm 2018 này còn chứng kiến cuộc hội thảo diễn ra tại Huế vào tháng 7 để kỷ niệm 80 năm ngày tờ báo Dân của xứ ủy Trung Kỳ ra số đầu tiên – một trong những cuộc hội thảo hiếm hoi được tổ chức để vinh danh hành trình lịch sử và vị thế của một tờ báo trong tiến trình văn nghệ dân tộc. Số lượng lớn những cuộc gặp gỡ học thuật đầy chất lượng như thế tạo nên một bản sắc rất riêng cho năm văn học này, như tôi đã nói từ đầu: năm của những cuộc trở lại. Những hồi ức trở lại, nhưng là để khơi gợi những tri kiến mới và tạo đà cho những bước đi mới của lịch sử văn chương Việt Nam.

Bên cạnh những cuộc hội thảo, tọa đàm kỷ niệm hoành tráng, tôi cũng muốn nhắc đến những “pha” xuất bản đáng chú ý trong năm nay, những cuộc tái bản các tác phẩm văn học đặc biệt quan trọng và nhiều ý nghĩa. Năm 2018 “tuôn ra” một loạt những kinh điển: Hà Hương phong nguyệt của Lê Hoằng Mưu; Thượng Chi văn tập của Phạm Quỳnh; Đốt lò hương cũ của Đinh Hùng; Ta đã làm chi đời ta của Vũ Hoàng Chương; Nhật ký Nguyên Hồng được hai người con gái ruột của nhà văn chọn lọc và biên soạn từ phần di cảo ông để lại; Khúc thụy du tập hợp những bài thơ làm nên sự nghiệp nửa thế kỷ của Du Tử Lê; Tuổi nước độc vả Sợi tóc tìm thấy của Dương Nghiễm Mậu; Nguồn nước ẩn của Hồ Xuân Hương Vô Kỵ giữa chúng ta hay là hiện tượng Kim Dung của Đỗ Long Vân; bộ sách nhiều thể loại (từ truyện ngắn, truyện dài đến khảo cứu) của “ông già Nam Bộ” Sơn Nam; Di cảo Lưu Quang Vũ, Chuyện nhỏ sớm mùa thu Nàng Sita của Lưu Quang Vũ;…

Thật ra, trong những năm trước, tủ sách Việt Nam danh tác của Nhã Nam hay các tủ sách kinh điển của Phương Nam, Alphabooks,… vẫn làm tốt công việc tái bản những kiệt tác của văn học Việt Nam từ thời trung đại cho đến thế kỷ XX. Song năm 2018 này, theo tôi, mới là năm chứng kiến những cuộc trở lại bất ngờ và kỳ diệu nhất: Hà Hương phong nguyệt tưởng chừng đã bị thiêu hủy hoàn toàn sau khi trở thành đối tượng cho cuộc tranh luận dữ dội về vấn đề luân lý trên báo chí Nam bộ hồi đầu thế kỷ, nay chợt trở về từ Pháp quốc xa xôi để tái sinh trong hình dáng gần như đầy đủ nhất của nó và bắt đầu gợi mở những câu chuyện bí ẩn đằng sau diễn trình tiểu thuyết Quốc ngữ trước 1932; hay trường hợp Đỗ Long Vân – cái tên tưởng chừng đã chìm khuất hẳn vào mù sương của lịch sử, nay chợt sống dậy với hai kiệt tác phê bình được tái bản gần như cùng một lượt. Tuy nhiên, năm 2018 này càng khác lạ hơn khi những công ty xuất bản có tuổi đời rất ngắn, thậm chí mới toanh như Saigonbooks, Domino Books, Như Books, Phan Book,… lại có vai trò trội bật hơn trong việc đưa trở lại các trường hợp kinh điển đặc biệt của văn học Việt Nam. Sự uyên bác, dấn thân trong lựa chọn xuất bản, sự cởi mở trong tiếp nhận cái mới cộng với nguồn năng lượng nhiệt huyết, trẻ trung chính là những yếu tố quan trọng giúp các công ty và đơn vị xuất bản này ngày càng tạo dựng được vị thế vững chãi của mình trong lòng bạn đọc, và nhất là khiến người ta có quyền tin tưởng và hy vọng về một nền xuất bản nhiều đột phá rực rỡ hơn trong tương lai.

*

            Cuối năm 2017, độc giả trong nước bất ngờ và thích thú khi nghe tin Phương Nam Books chuẩn bị ra mắt tập truyện ngắn Người tị nạn của Viet Thanh Nguyen – tác giả người Mỹ gốc Việt đầu tiên đạt giải thưởng danh giá Pulitzer. Sự bất ngờ thích thú ấy một phần đến từ niềm vui khi biết rằng không khí xuất bản trong nước ngày càng cởi mở và cập nhật sát sao hơn với tình hình sách vở thế giới khi một tác phẩm Anh ngữ như Người tị nạn (tên tiếng Anh: The Refugees) vừa phát hành ở Hoa Kỳ vài tháng thì bản dịch tiếng Việt đã xuất hiện, song một phần cũng bắt nguồn từ niềm hạnh phúc của các độc giả trong nước khi biết mình sắp sửa được đọc tác phẩm của một nhà văn mang dòng máu Việt Nam được văn đàn thế giới công nhận và đánh giá cao. Nhất là, sự xuất hiện hoành tráng của một cái tên mới lạ (tất nhiên là chỉ với văn đàn trong nước) như Viet Thanh Nguyen cho người ta một niềm tin mãnh liệt, rằng trong một tương lai không xa, những người Việt trên khắp thế giới sẽ được đọc nhau nhiều hơn, đối thoại cùng nhau nhiều hơn chứ không chỉ quanh quẩn mãi với một vài nhà văn hải ngoại quen thuộc.

            Niềm tin ấy, đến năm nay, ngay lập tức được đáp lời bằng cuộc trở về (một cách chính thống) của rất nhiều những tiếng nói lưu lạc đặc biệt. Tất nhiên, chiếm đa phần trong số ấy vẫn là những tiếng nói thân quen như Linda Lê (Pháp) với hai quyển tiểu thuyết khá ấn tượng được dịch và xuất bản liên tục trong cùng năm 2018 Vượt sóng Sóng ngầm; Lê Minh Hà (Đức) với Những triền xưa ai đi; Đỗ Hoàng Diệu (Hoa Kỳ) với Lưng rồng; Như Quỳnh de Prelle (Bỉ) với Buổi sáng phủ định; Du Tử Lê (Hoa Kỳ) với những cuộc trở lại hoành tráng khi hàng loạt tựa sách được tái bản như Với nhau, một ngày nào, Trên ngọn tình sầu hay Giữ đời cho nhau;… Tuy vậy, điều đáng chú ý nơi bộ phận văn học hải ngoại xuất bản ở Việt Nam năm nay là sự xuất hiện của những tác giả mới toanh, rất giống với trường hợp của Viet Thanh Nguyen năm ngoái. Tôi đang muốn nhắc đến Doan Bui và Ocean Vương. Hai cây bút, một làm thơ một viết tiểu thuyết, một dùng Pháp ngữ một sáng tác bằng tiếng Anh, một nam một nữ, một trung niên một thanh niên. Cả hai có lẽ cũng chưa biết nhiều về nhau do sống cách nhau tận nửa vòng trái đất, kẻ ở Pháp quốc người ở Hoa Kỳ. Song họ đã cùng nhau trở về trong năm 2018, và quan trọng hơn là đang dần tạo được những dấu ấn nhất định trong lòng độc giả Việt.

Doan Bui, từ sự giới thiệu của nhà văn Thuận, xuất hiện một cách bất ngờ trên văn đàn trong nước bằng quyển tiểu thuyết mang nhiều yếu tố tự truyện Người cha im lặng. Cuốn sách có văn phong gọn, chắc, lạnh rất gần với phong cách báo chí (Doan Bui hiện là một nữ nhà báo có tiếng tại Pháp), nhưng miên man hoài niệm, đẹp một cách giản dị và đầy những ẩn dụ ám ảnh. Ngoài ra, những song thoại đa thanh về thân phận và sự mô tả đầy nhân bản cuộc hành trình truy tìm căn tính, bản sắc của những người Việt lưu vong cũng là điểm nhấn quan trọng giúp Người cha im lặng chiếm được cảm tình của cả độc giả Việt Nam lẫn ngoại quốc, mà bằng chứng là với quyển tiểu thuyết này, Doan Bui đã vinh dự được nhận hai giải thưởng văn chương Amerigo Vespucci và Porte Dorée.

Ocean Vương là một cây bút còn rất trẻ, thuộc thế hệ cuối 8x. Từ một cậu bé tận 7 tuổi mới biết đọc tiếng Anh, vậy mà mười mấy năm sau, Ocean Vương khiến văn đàn Mỹ choáng ngợp đến sững sờ bằng tập thơ đầu tay Night Sky with Exit Wounds. Những câu thơ dài ngắn bất định, vừa mơ mộng tinh tế vừa phá cách, trần tục, nổi loạn của anh khiến cho những thảm kịch nhân sinh, từ cô đơn, chiến tranh, bạo lực, phi nhân,… được lột tả một cách ám ảnh đến khốc liệt. Song điều khiến nhiều người thích thơ Ocean Vương chính nằm ở chỗ, những ý thơ gai góc kia của anh, sau rốt, vẫn hướng đến niềm tin về những vết thương được chữa lành và niềm hy vọng mãnh liệt về sức mạnh của lòng trắc ẩn. Tháng 10/2018, Hoàng Hưng chuyển ngữ tập thơ này của Ocean Vương sang tiếng Việt với tựa đề Trời đêm những vết thương xuyên thấu. Chính bởi nỗ lực này, độc giả trong nước có cơ hội được chứng kiến thêm, từ rất sớm, cuộc trở lại huy hoàng của một tiếng thơ gốc Việt đầy sức nặng được văn đàn thế giới thừa nhận (Ocean Vương từng đạt giải thưởng văn chương danh giá T.S. Eliot vào năm 2017).

Tuy nhiên, sẽ là vô cùng thiếu sót nếu nhắc đến văn đàn Việt năm nay mà quên đi một sự kiện đặc biệt có liên quan đến một nhân vật cũng đặc biệt không kém: nữ nhà văn người Canada gốc Việt Kim Thúy.

Những tháng cuối năm 2018, độc giả Việt Nam xôn xao vì cái tin Kim Thúy – cái tên không mấy quen thuộc trước đây – trở thành một trong bốn ứng cử viên cho giải Văn chương mới (thay thế cho Nobel Văn chương thường niên đang bị hoãn trao giải một năm vì những lộn xộn trong hội đồng xét giải), đứng cùng hàng ngũ với ba tên tuổi nổi bật khác, trong đó có nhà văn đình đám người Nhật Haruki Murakami. Kim Thúy chủ yếu viết bằng tiếng Pháp, song lại cho ra đời nhiều quyển tiểu thuyết có tựa đề rất Việt Nam như Ru, Mãn, Vi,… kể câu chuyện về các thuyền nhân và thân phận những người Việt xa xứ. Hiện tại, các tác phẩm của chị chưa được xuất bản chính thức tại Việt Nam, song theo tôi, ta hoàn toàn có thể xem đây là cuộc trở về đúng nghĩa của một tiếng nói văn chương lưu lạc. Chưa đọc được các sáng tác của chị một cách toàn vẹn, cũng chưa một lần gặp chị ngoài đời, nhưng chỉ cần nghe chị trò chuyện, trả lời phỏng vấn, trong sự chân thành và khiêm nhường, thì những độc giả Việt Nam, ít nhất là cá nhân tôi, hiểu rằng mình có cơ sở để tiếp tục chờ mong sự xuất hiện rực rỡ và đầy hứa hẹn của Kim Thúy – một cách chính thức – trên văn đàn Việt trong thời gian sắp tới.

*

            Những tháng đầu năm nay, gần như toàn bộ văn đàn trở nên sôi động vì một truyện ngắn của Trần Quỳnh Nga đăng trên báo Văn nghệ từ tháng 12/2017. Truyện Bắt đầu và kết thúc của nữ nhà văn sinh năm 1981, với câu chuyện lấy bối cảnh cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần 2 của triều đại nhà Trần, nhanh chóng hứng chịu nhiều phản hồi không mấy tích cực từ phía độc giả. Người cho rằng Trần Quỳnh Nga đang kiến tạo một diễn ngôn phản lịch sử khi chiêu tuyết cho kẻ “cõng rắn cắn gà nhà” là Trần Ích Tắc. Người khác lại cho Bắt đầu và kết thúc có những chi tiết đi ngược lại với tinh thần dân tộc, thậm chí được viết bằng một lối “văn nô”! Nhắc lại câu chuyện không vui vẻ gì của văn đàn Việt đầu năm 2018, tôi thực lòng không hề muốn khơi gợi thêm bất kỳ một cuộc tranh luận nào, và cũng không phải để đưa ra một lời phân định đúng – sai nào của cá nhân mình cho câu chuyện vốn dĩ đã quá phức tạp này. Việc dẫn ra những lùm xùm ấy ở đây chỉ là cách để tôi từ đó có thể trình bày một phán đoán của mình, rằng rất có khả năng cuộc tranh luận về truyện ngắn Trần Quỳnh Nga, hay rộng hơn là vấn đề viết truyện lịch sử diễn ra rầm rộ vào đầu năm nay đã định hình một “định mệnh”, một bản sắc đặc biệt đeo đuổi năm văn học này: sự tìm tòi, trở về với quá khứ và kho ký ức dân tộc.

            Thực vậy, trong năm 2018, theo quan sát của cá nhân tôi, đề tài lịch sử tỏa đi rất rộng. Những quyển sách đáng chú ý của năm nay hầu như đều rơi vào mảng đề tài nhiều gợi mở này. Có thể liệt kê ra một số ví dụ như Những vọng âm nằm ngủ (Huỳnh Trọng Khang), Người canh giữ phù dung (Nguyệt Chu), Hùng binh (Đặng Ngọc Hưng), Về từ hành tinh ký ức (Võ Diệu Thanh),… Chưa kể các truyện ngắn đăng rải rác trên các báo, tạp chí từ trung ương đến địa phương cũng rất chú ý đến những câu chuyện, những con người tưởng chừng đã ở lại rất sâu trong hồi ức dân tộc. Chỉ tính riêng tạp chí Văn nghệ quân đội, gần như bất kỳ một số tạp chí nào trong năm nay cũng ít nhất có một truyện ngắn viết về đề tài lịch sử, mà tác giả của chúng đều là những cây bút tên tuổi như Sương Nguyệt Minh, Ma Văn Kháng, Hồ Tĩnh Tâm, Lê Vũ Trường Giang, Phạm Hữu Hoàng, Triều La Vỹ, Trần Thị Tú Ngọc, Bảo Thương,… Các sáng tác này, theo tôi, phần nhiều đã soi xét được những vấn đề, những bí mật của lịch sử một cách đa diện, đa chiều cũng như chọn được cho mình những lối viết phù hợp, lúc truyền thống giản dị nhưng khơi mở được nhiều ẩn ức, cảm xúc nơi độc giả, lúc mới mẻ, cách tân, tràn đầy tinh thần giải thiêng hậu hiện đại.

            Song không dừng lại ở đây, cuộc trở về của lịch sử và hồi ức như là bản sắc của năm văn học này còn in dấu rõ nét trong cuộc thi Văn học tuổi 20 lần VI đang gần như chiếm trọn mọi mối quan tâm của những người yêu văn chương trong cả nước. Hai mươi tác phẩm vào vòng chung khảo thì hơn một phần tư số ấy là những tác phẩm viết về đề tài lịch sử và những trầm tích văn hóa dân tộc. Có thể bắt gặp cuộc hành trình tìm về với ký ức chiến tranh trong Cửa sổ phía Đông của Nguyễn Thị Kim Hòa, những tự sự mới mẻ về vua Lê Long Đỉnh trong Trăng trong cõi của Phạm Thúy Quỳnh, câu chuyện fantasy lồng ghép lịch sử và huyền thoại dân tộc trong Yagon – Những kẻ vô cảm của Phạm Bá Diệp hay những cốt truyện mang màu sắc “xuyên không” đưa người đọc trở về với không gian huyền thoại cổ sơ trong Những đứa con cổ tích của Bạch Đằng và cuộc chiến đấu chống quân Nguyên – Mông trong Nhân gian nằm nghiêng của Đặng Hằng,… Những nỗ lực ấy cho thấy những người trẻ viết văn hôm nay chưa bao giờ vô tâm với lịch sử và kho tàng văn hóa dân tộc. Họ vẫn thường xuyên thực hiện những cuộc trở về trong tâm tưởng để chiêm ngưỡng, đối thoại và đồng cảm với những câu chuyện và những bí mật từ quá khứ, mà bằng chứng rõ rệt là hàng loạt những cái tên viết truyện lịch sử, từ quen thuộc đến mới toanh, xuất hiện trong cuộc thi lần này và hứa hẹn sẽ còn tiếp tục mang đến nhiều điều kỳ diệu cho độc giả Việt trong thời gian sắp tới.

*

            Rất nhiều cuộc trở lại đã diễn ra trong một năm văn học vừa qua và để lại hàng loạt những thành tựu kỳ vĩ. Đời sống văn chương Việt Nam 2018 vừa được làm dày lên bằng cuộc trở về của nhiều tác phẩm kinh điển và cả những người văn tưởng chừng đã mất hút bên kia đại dương, vừa trở nên tươi mới, hiện đại, nhiều hứa hẹn khi những cây bút đương đại đang miệt mài làm sống dậy những câu chuyện xa xưa dưới ánh sáng của một tinh thần mới, một lối nghĩ mới. Chính vì lẽ ấy, với tôi, trở lại ở đây không có nghĩa là thụt lùi, là thoái lui, như cái nghĩa hiển ngôn ít nhiều u ám của nó, mà thực ra là sự tiến lên, sự vươn đi chở theo rất nhiều những tham vọng và tin tưởng.

Sài Gòn, tháng 11.2018

Nguồn: Tạp chí Sông Hương số 359/01-2019           

           

             

Thông tin truy cập

63670056
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
13774
17595
63670056

Thành viên trực tuyến

Đang có 682 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website