Vào lúc 19g00 ngày 31/08/2021, CLB Cây Bút Trẻ đã có buổi họp mặt công bố giải thưởng cho cuộc thi viết truyện ngắn chủ đề Biến Mất.

20210908 2

Trong thời gian giãn cách xã hội vì dịch Covid-19, cuộc thi viết truyện ngắn Biến mất do CLB Cây Bút Trẻ tổ chức giúp cho các bạn trẻ có thêm nhiều hoạt động văn học ý nghĩa. Sau hơn một tháng diễn ra, CLB Cây Bút Trẻ đã nhận được hơn 40 tác phẩm dự thi đến từ mọi miền đất nước. Buổi tọa đàm trao giải được thực hiện với hình thức trực tuyến và thu hút được hơn 50 người tham dự.

Chương trình trao giải đã vinh dự được đón tiếp sự tham gia của tác giả - biên tập viên Huỳnh Trọng Khang, phóng viên Nguyễn Trần Khải Duy, tác giả - sáng tạo nội dung Phan Thuận, đồng thời là ba vị giám khảo cho cuộc thi. Ngoài ra, TS. Lê Ngọc Phương – Cố vấn chuyên môn của CLB Cây Bút Trẻ và ThS. Nguyễn Đình Minh Khuê - giảng viên khoa Văn học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP.HCM cũng góp mặt trong buổi lễ trao giải trực tuyến do CLB Cây Bút Trẻ thực hiện.

Các vị giám khảo, các giảng viên khoa Văn học cùng các cây bút trẻ trong và ngoài trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, TP.HCM đã tạo nên một buổi chia sẻ ấm áp, thân tình.

Kết quả trao giải cuộc thi viết truyện ngắn chủ đề Biến Mất của CLB Cây Bút Trẻ

- GIẢI NHẤT: Tác phẩm “Phản chiếu” của tác giả Nho Nhỏ

- GIẢI NHÌ: Tác phẩm “Người hời hợt” của tác giả Rắn (Lê Nguyễn Hải Nam)

- GIẢI BA: Tác phẩm “Bóng trăng hai vạt đổ tàn” của tác giả Khuynh (Nguyễn Ngọc Minh Khuê)

Phần đầu chương trình, ban giám khảo nêu nhận xét và trao đổi với ba tác giả đạt giải. Qua đó, người tham dự được gợi ý về mục đích, ý nghĩa và giá trị nghệ thuật của từng truyện ngắn. Từ đó, các bạn chia sẻ những khó khăn khi viết như: đi tìm ý tưởng, xây dựng cốt truyện và tình tiết hợp logic, giữ gìn cảm hứng xuyên suốt thời gian viết truyện,… CLB Cây Bút Trẻ đã dành thêm một khoảng thời gian để định hướng cũng như giải quyết các thắc mắc cho các bạn trẻ gần xa có chung niềm đam mê viết lách. Nối tiếp những trao đổi đó, ở phần tiếp theo của chương trình, ban giám khảo chia sẻ một số định hướng cho các cây bút trẻ và vấn đề xuất bản và những kinh nghiệm làm nghề của cựu thành viên CLB Cây Bút Trẻ, cựu sinh viên khoa Văn.

Tọa đàm trao giải kết thúc vào lúc 21g30 trong không khí ấm áp và vui tươi. Chương trình đã diễn ra tốt đẹp và thành công nhận được những phản hồi tích cực từ người tham dự. Tất cả những hoạt động trong buổi công bố các tác phẩm đạt giải đã mang lại cảm xúc đẹp và dấu ấn khó phai cho ban tổ chức cũng như những người tham dự, hứa hẹn những chương trình chất lượng hơn trong tương lai gần.

CLB Cây Bút Trẻ

 

Thủ khoa khoa Văn và tình yêu mãnh liệt với con chữ

Đối với cô nàng thủ khoa Nguyễn Đức Lam Thảo, văn học không đơn giản là một môn học bắt buộc, văn học là đam mê lớn nhất của cô. 

Lam Thảo từng đoạt giải Khuyến Khích kỳ thi Học sinh giỏi Văn cấp Quốc gia và giải Nhất kỳ thi Học sinh giỏi Văn cấp Thành phố khi học THPT. Bên cạnh đó, cô bạn còn tích góp kha khá những giải thưởng khác từ nhiều cuộc thi với quy mô nhỏ hơn, như Huy chương Vàng, Huy chương Bạc kỳ thi Cụm, kỳ thi Olympic 30/4.

Không những thế, Lam Thảo còn là thủ khoa khoa Văn học với phương thức Ưu tiên xét tuyển của trường ĐH KHXH&VN, ĐHQG TP. HCM năm 2020. Hiện tại, Lam Thảo vẫn luôn miệt mài trên con đường đeo đuổi văn chương của mình khi quyết tâm học tập hệ Cử nhân tài năng của khoa. Những giải thưởng, danh hiệu xuất sắc mà Lam Thảo đạt được trên hành trình chính là minh chứng sống động nhất cho sự nỗ lực, cố gắng hết mình vì đam mê của cô gái này.

Lam Thảo chia sẻ, vốn dĩ ban đầu, văn chương không phải là con đường mà cô chọn. Thế nhưng sau đó, trong những giờ phút hoang mang nhất trước cuộc sống, văn chương lại là nơi chốn duy nhất an ủi, vỗ về trái tim cô. Cô nàng thông qua con chữ để bộc bạch nỗi lòng, giải tỏa tâm tư. Cứ như thế, văn chương trở thành chốn ký thác tinh thần quan trọng không thể thiếu với Lam Thảo. “Mình có nhiều chuyện muốn nói nhưng không biết nói cùng ai, thế là mình viết nhật ký. Mình nghĩ là mình yêu việc viết từ đó, viết lắp đầy và khiến mình không cô đơn”, Lam Thảo tâm sự.

Theo đuổi văn chương là phương thức để Thảo thấu hiểu và yêu bản thân mình. Hơn nữa, hành trình đeo đuổi ước mơ đã mở ra cho Lam Thảo cánh cổng để khám phá nhiều chân trời mới, có thêm cơ hội và gặp gỡ những người tuyệt vời mà cô nàng luôn ngưỡng mộ và yêu mến.

Có những lần, Lam Thảo không giữ vững được thành tích và bị lời ra tiếng vào. Trong những lúc quyết tâm bị lung lay, cô nàng tạm thời dừng lại và cho mình thời gian để bình tĩnh hơn. Không thể viết nhiều thì viết ít, đọc sách cũng tương tự, không thể dung nạp thêm điều mới thì đọc lại sách cũ.

Thủ khoa khoa Văn và tình yêu mãnh liệt với con chữ ảnh 2
Lam Thảo từng là thủ khoa khoa Văn học, trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP. HCM).

Dù gia đình không hoàn toàn ủng hộ, Lam Thảo vẫn luôn vững tâm với khát khao, chưa giây phút nào Thảo buông bỏ mong ước của bản thân. Sau một thời gian tạm dừng để “lấy đà”, Lam Thảo đã trở lại đầy mạnh mẽ, viết tiếp ước mơ của mình.

Lam Thảo là người sáng lập và quản lý trang blog "Reading with Lammei". Đây là nơi chia sẻ nhiều hơn về các tác phẩm văn học dưới những lăng kính mới để truyền cảm hứng đọc sách đến với mọi người, tinh thần tích cực cùng những thông điệp ý nghĩa với văn chương được Lam Thảo chia sẻ đã giúp không ít người có cùng niềm say mê con chữ tìm được một nơi gửi gắm, phát triển bản thân và trau dồi kiến thức.

20210902 2

Lam Thảo với nhiều thành tích nổi bật bằng sự nỗ lực của mình.

Trong tương lai, Lam Thảo vẫn sẽ tiếp tục cố gắng không ngừng nghỉ để theo đuổi văn chương một cách chuyên sâu, nghiêm túc. Lam Thảo còn tâm sự về mong muốn được tổ chức một sự kiện trên trang blog Reading with Lammei với sự góp mặt của những tiền bối mà cô nàng ngưỡng mộ trên văn đàn Việt Nam. 

Thanh Thảo
Nguồn: Sinh viên Việt Nam, ngày 25.8.2021.

20191209 SV5T1

Ngày 16/11/2019 vừa qua, Lễ trao giải "Sinh viên 5 tốt" cấp Liên chi hội năm 2019 và Workshop “Train to the future” đã diễn ra tại Văn phòng khoa khoa Văn học (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh).

20191209 SV5T

Lễ tuyên dương "Sinh viên 5 tốt" là một hoạt động thường niên của Hội Sinh viên Việt Nam nhằm ghi nhận sự cố gắng đồng thời khích lệ tinh thần phấn đấu học tập tốt của sinh viên. Năm nay, khoa Văn học chào đón 19 sinh viên có thành tích xuất sắc trên cả 5 tiêu chí: học tập tốt, đạo đức tốt, thể lực tốt, tình nguyện tốt và hội nhập tốt trong năm học 2018-2019.

20191209 TVQ

Hoạt động nối tiếp Lễ tuyên dương là workshop “Train to the future“ với sự góp mặt của diễn giả Trần Viết Quân - CEO công ty cổ phần ứng dụng “Di Động Xanh”. Thông qua buổi chia sẻ, anh đã cung cấp những thông tin bổ ích và thú vị về khởi nghiệp qua góc nhìn của bản thân. Đồng thời, anh cũng giải đáp những thắc mắc, băn khoăn về cơ hội việc làm của các bạn sinh viên đang đứng trước ngưỡng cửa tương lai nhiều thách thức.

Lễ trao giải SV5T cấp Liên chi hội năm 2019 kết hợp cùng Workshop “Train to the future” là hoạt động ý nghĩa và bổ ích, tạo động lực cho các bạn sinh viên rèn luyện, phấn đấu trong học tập. Đồng thời, đây là môi trường tốt giúp các bạn sinh viên trang bị kĩ năng, kinh nghiệm cho hành trình khởi nghiệp của bản thân mình.

Liên chi hội sinh viên khoa Văn học

Từ dư âm của Tháng Thanh Niên, các hoạt động và phong trào Đoàn – Hội khoa Văn học cho đến tháng 4 vẫn chưa có dấu hiệu “giảm nhiệt”. Vòng chung kết cuộc thi viết du kí Gió Trời Vi Vu do Đoàn khoa Văn học tổ chức đã diễn ra thành công với phần trình bày đặc sắc của top 4 thí sinh. Giải nhất thuộc về sinh viên Trần Hoàng Nhật, chàng trai Cần Thơ viết về chính quê hương mình. Cũng trong tinh thần sáng tạo, Câu lạc bộ tình nguyện Cầu Vồng Lửa lần đầu tiên tổ chức cuộc thi Nhật Kí Sống Xanh”, kết hợp công tác thiện nguyện với việc nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho sinh viên. Câu lạc bộ Cây Bút Trẻ cũng trở lại với buổi gặp gỡ trao giải cho các tác phẩm đặc sắc nhất trong trại sáng tác Lam 2019 và cuộc thi thơ Nguyên Xuân lần 3. Với tình yêu dành cho văn chương, các tác phẩm gửi về ngày một chất lượng, có sự đầu tư về tâm lẫn trí của người viết.

20190514 1

Ảnh 1: Sinh viên Trần Hoàng Nhật

20190514 2

Ảnh 2: Buổi gặp gỡ trao giải của CLB Cây Bút Trẻ

Không chỉ tham gia các hoạt động thuộc khuôn khổ “sân nhà”, sinh viên khoa Văn học còn nhiệt tình, năng động trong các phong trào ở quy mô cấp trường. Trong cuộc thi Thủ lĩnh Sinh viên 2019 do Đoàn Hội trường tổ chức, sinh viên Phan Minh Nhân đã xuất sắc giành được ngôi vị Quán quân. Sinh viên Đỗ Hồng Ngọc Uyên cũng xuất sắc đoạt giải Ba trong cuộc thi Bản lĩnh Sinh viên Triết học. Mới đây, tại chương trình Âm Vang Thời Đại 2019, hội thi tìm hiểu các môn khoa học Nguyên lí triết học Mác – Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh, nhóm 4 sinh viên năm nhất gồm bạn Châu Minh Trọng, Võ Nguyễn Huỳnh Như, Nguyễn Văn Quốc Huy và Nguyễn Kim Ngân đã có phần thi đấu đầy ấn tượng. Vượt qua rất nhiều nhóm đối thủ đến từ các khoa bạn, sinh viên Văn học đã giành được giải Ba, sau khoa Triết học và Lịch sử.

20190514 3

Ảnh 3: Sinh viên Phan Minh Nhân

20190514 4

Ảnh 4: Sinh viên Đỗ Hồng Ngọc Uyên

20190514 5

Ảnh 5: Nhóm sinh viên Văn học trong cuộc thi Âm Vang Thời Đại 2019

Thủy Vy

Sau hơn 2 tháng tổ chức Cuộc thi thơ Nguyên Xuân lần thứ V với chủ đề Văn Lưu, vào ngày 18/04/2021, CLB Cây Bút Trẻ đã tổ chức buổi tọa đàm tổng kết và trao giải cuộc thi tại 86 Cafe & Milktea (Dĩ An, Bình Dương).

20210426 4

Buổi tọa đàm diễn ra ấm áp với sự góp mặt của các thành viên CLB Cây Bút Trẻ, và các tác giả tham gia cuộc thi thơ trong và ngoài khoa Văn học.

Nguyên Xuân là cuộc thi thơ thường niên do CLB Cây Bút Trẻ tổ chức. Theo thông lệ, các tác phẩm đạt giải sẽ được trưng bày tại Lều thơ do Hội nhà văn TP. Hồ Chí Minh chủ trì. Thế nhưng, do tình hình dịch bệnh phức tạp, Lều thơ Việt Nam năm 2021 phải tạm hoãn. Tuy nhiên, CLB Cây Bút Trẻ vẫn tổ chức cuộc thi thơ Nguyên Xuân thông qua hình thức Online. CLB vui mừng nhận được 100 đăng ký dự thi với hơn 130 tác phẩm gửi về. Trong kỳ Nguyên Xuân lần này, các tác phẩm lấy đề tài Xuân làm tiêu chí. Những vần thơ Xuân năm nay có nhẹ nhàng, man mác, có cả những mất mát và hoài nghi, hoang mang của người trẻ giữa thập kỉ mới. Tất cả đã làm nên một kì hội ngộ thơ ấm áp, chân tình của các cây bút trẻ. Các tác phẩm dự thi đã được CLB cùng với sự cố vấn của các giảng viên khoa Văn học, ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM đánh giá và xếp giải.

Danh sách tác phẩm đạt giải thưởng thơ Nguyên Xuân lần thứ V

- Đồng giải Nhất:

+ Sáng tác "Xuân thay tiết, anh thay mình" của tác giả Tâm Hòa

+ Sáng tác "Hờn xuân 3" của tác giả Jinlver Wang

- Giải Ba:

+ Sáng tác "Niềm xuân" của tác giả Lê Trọng Phúc

+ Sáng tác "Cài hoa" của tác giả Khanh

- Giải Khuyến khích:

+ Sáng tác "Đối ẩm" của tác giả Hạ

+ Sáng tác "Xuân" của tác giả Biện Tiểu Vy

Nhằm hồi đáp tấm lòng của những người tham gia, CLB Cây Bút Trẻ dự định đưa các tác phẩm đạt giải trong kỳ Nguyên Xuân lần này vào tập san sắp tới của CLB.

Đến với tọa đàm, các tác giả lần lượt chia sẻ, thưởng thức tác phẩm thông qua giọng đọc của chính tác giả, và bày tỏ ý tưởng sáng tạo, tâm sự nghệ thuật của mình.

20210426 5

Sau buổi tọa đàm, CLB đã lắng nghe được những tâm tư tình cảm ẩn giấu trong các tác phẩm sáng tác. Mọi người tham dự đã cùng nhau hiểu hơn góc nhìn đa chiều về người làm thơ, những tâm tình ẩn ý mà các tác giả mong muốn gửi gắm thông qua ngôn từ nghệ thuật.

CLB Cây Bút Trẻ rất cảm ơn các tác giả đã quan tâm và tham gia cuộc thi suốt hơn 2 tháng vừa qua.

Minh Triết

- CLB Cây Bút Trẻ -

20190204 Cho trang

Tiểu thuyết "Chó trắng" của Romain Gary

Milan Kundera từng viết: “Để có thể nghe thấy giọng nói bí mật gần như không thể nghe thấy của ‘tâm hồn sự vật’, tiểu thuyết gia, ngược lại với nhà thơ và nhạc sĩ, phải biết làm im miệng những tiếng kêu từ tâm hồn chính mình.”(Milan Kundera, 2014, 91). Thế nhưng Romain Gary là một những trường hợp hiếm hoi mà ở đó ta chứng kiến sự dung hợp giữa thái độ trữ tình cao độ cùng lối miêu tả hiện thực tỉnh táo, nhạy bén, lặn xuống chiều sâu của tồn tại sự vật nhằm khơi dậy bản chất của chúng. Một trong những quyển tiểu thuyết tiêu biểu cho lối viết đó chính là “Chó trắng”.

Quyển tiểu thuyết kể về giai đoạn ông sống ở Los Angeles. Sự nghiệp chính trị gia song song với nghề viết đã mang lại cho ông nguồn “dưỡng chất trần gian” trong sáng tác. Quyển tiểu thuyết đào sâu vào lòng đời sống xã hội Mỹ lúc bấy giờ mà nổi bật là chủ nghĩa phân biệt chủng tộc. Với một chủ đề mang đậm tính chính trị - xã hội, Romain Gary đã biến nó trở thành bức chân dung của những mảnh tâm thức thời đại lấp lánh chất thơ qua cái nhìn giàu lòng trắc ẩn. Cái nhìn ấy được bộc lộ qua hình tượng chó trắng - Batka bước vào nhà ông ngày mưa nọ là một chú chó được huấn luyện để chống lại người da đen. Hành trình cuộc đời Batka kéo thành sợi chỉ đỏ dẫn lối cho xuyên suốt mạch truyện cũng như mạch suy tưởng của tác giả.

Hình tượng động vật mang dấu ấn đặc biệt trong tiểu thuyết của ông với Rễ trời đoạt giải Goncourt năm 1956 và Quấn quít dưới bút danh Emile Ajar. Hình tượng động vật phản ánh những mối ám ảnh lớn trong tiểu thuyết Romain Gary như là bản nguyên trần trụi, sự vô tri, nỗi cô đơn, sự sợ hãi, khả thể,… Nhân vật trong tiểu thuyết của ông luôn nhìn vào mắt loài vật để rồi nhận ra “mang kiếp trăn hay kiếp người là một nỗi bất hạnh khiến ta ngơ ngác đến mức nỗi hốt hoảng được chia sẻ này trở thành mối tình bằng hữu thật sự.”(Romain Gary, 2018, 14) Không dùng lối nhân hóa để động vật chỉ là sự minh họa của đời sống con người như thường thấy, Romain Gary đặt sự tồn tại của thú vật và con người trong sự đồng đẳng, để con người tự soi mình trong con ngươi của loài vật mà thức tỉnh khiếp đảm trước tình trạng vô tri và bơ vơ của chính mình. Romain Gary tìm kiếm sự hiểu biết trong tồn tại câm lặng của loài vật và cả niềm âu yếm ở đó : “Nơi duy nhất trên thế gian này ta có thể tìm thấy một con người xứng đáng với tên gọi ấy, đó là trong cái nhìn một con chó”(Romain Gary, 2018, 232).

Trước Chó trắng, ta đối diện với phần thú tính, với căn tính bạo lực và dấu vết thù hận đã vạch lên gương mặt của xã hội chúng ta ngày hôm nay. Phần sau tiểu thuyết ông miêu tả bức tranh hiện thực của nạn phân biệt chủng tộc với cái nhìn sắc sảo, đa diện. Cái cách con chó là nạn nhân của phân biệt chủng tộc cũng chính là cái cách con người bị giam hãm trong vòng kim cô định kiến của mình. Với ông, bị cầm tù bởi phân biệt chủng tộc không chỉ là người da đen mà còn là người da trắng bởi họ là nạn nhân của ý thức hệ. Nhưng dù màu da nào thì “tôi không muốn đi giết người da vàng để tập luyện về sau sẽ giết người da trắng, tất cả chỉ vì tôi là một thằng da đen. Tôi không phải chỉ là một màu da.”(Romain Gary, 2018, 140) Song song đó, ông miêu tả xã hội hỗn độn Mỹ mà ông giễu cợt rằng nó xử lí hiện thực bằng cách xé toạc ra thành từng mảnh như tranh Picasso. Một xã hội kích động lòng tham, sự phân hóa giai cấp bằng sự phô trương văn hóa tiêu thụ.  

Chó Trắng mang rõ đặc tính văn chương của ông là sự hòa trộn của dòng trữ tình ấm nóng cùng dòng nước lạnh trí tuệ đầy khoái hoạt. Tấm áo giáp cho thứ văn chương nổi loạn của Romain Gary chính là cái hài. Một cái hài sánh đôi với cái bi để khám phá ra trong bản chất sự vật một vũ trụ hài hước đen. Nơi đó mọi thứ trở nên nhẹ tênh như một cuộc chơi mà chính ông tuyên bố: “Cuộc sống là một việc nghiêm chỉnh, vì tính tầm phơ của nó”(Emile Ajar, 2014, 49).

Danh mục tài liệu trích dẫn:

  1. Emile Ajar (Romain Gary), 1974. Quấn quít. Dịch từ tiếng Pháp. 2014. Hà Nội: Nhà xuất bản văn học, Công ty cổ phần và truyền thông Nhã Nam.
  2. Milan Kundera, 2005. Màn. Dịch từ tiếng Pháp. Trần Bạch Lan. 2014. Hà Nội: Nhà xuất bản văn học, Công ty cổ phần văn hóa và truyền thông Nhã Nam.
  3. Romain Gary, 1970. Chó trắng. Dịch từ tiếng Pháp. Nguyên Ngọc. 2018. Hà Nội: Nhà xuất bản văn học, Công ty cổ phần văn hóa và truyền thông Nhã Nam.

Nguồn: Bài viết được chọn từ chương trình “Sách trong đôi mắt tôi” do được câu lạc bộ Cây Bút Trẻ thuộc khoa Văn học tổ chức.

CLB Kĩ năng Rubic (trực thuộc Đoàn khoa Văn học, trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TPHCM) vừa tổ chức phát động chương trình gây quỹ mang tên “999 đóa hồng” cho bệnh nhân ung thư vú.

Theo đó, chương trình kéo dài đến hết ngày 7/3/2021. Toàn bộ số tiền quyên góp sẽ được gửi đến Mạng Lưới Ung Thư Vú Việt Nam (BCNV – Breast Cancer Network Vietnam). Đây là một tổ chức phi lợi nhuận trực thuộc thành viên của Hiệp hội Phòng chống Ung thư Quốc tế với sứ mệnh nâng cao ý thức phát hiện sớm và hỗ trợ chất lượng sống cho bệnh nhân ung thư vú.

Điều đặc biệt của hoạt động là những người tham gia không quyên góp tiền mặt trực tiếp mà thực hiện ba bước trên Fanpage CLB Kĩ năng Rubic, trong đó có bước thay đổi khung ảnh đại diện Facebook cá nhân. Mỗi một lượt thay khung ảnh hợp lệ sẽ đóng góp 999 đồng vào quỹ thiện nguyện.

Hoạt động này ngay lập tức nhận được đông đảo sự ủng hộ của các sinh viên trong và ngoài trường vì giá trị nhân văn sâu sắc, đúng dịp chào mừng ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3.

Nguyễn Lê Hoàng Như (khoa Báo chí – Truyền thông, trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP. HCM) cảm kích: “Mình đã tham gia chương trình. Cảm ơn Rubic vì một chương trình ý nghĩa như thế này. Mình nghĩ là bất kì người phụ nữ nào cũng xứng đáng được hạnh phúc”. 

 

Bạn Lưu Nhật Nam rất vui vì được đóng góp một phần cho hoạt động. (Ảnh:
Facebook Nhật Nam)

Bạn Lưu Nhật Nam (khoa Ngôn ngữ Anh, trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP. HCM) cũng chia sẻ: "Hoạt động này có sức lan tỏa mạnh mẽ đến với mọi người, thể hiện sự trân trọng dành cho những người phụ nữ Việt Nam, đặc biệt là bệnh nhân mắc căn bệnh ung thư vú thế kỉ. Từ những khung ảnh đại diện nhỏ của mỗi người lại có thể tạo thành nguồn động viên to lớn dành cho các bệnh nhân. Mình rất vui vì đã đóng góp một phần nhỏ vào chương trình”.

 20210306 7

Rất đông các bạn sinh viên ủng hộ chương trình ý nghĩa này.

Nhận thấy hiệu quả tích cực mà chương trình đem lại, Mai Thanh Huyền – Trưởng Ban Tổ chức chương trình, đồng thời là Chủ nhiệm CLB Kĩ năng Rubic bày tỏ: “CLB Kĩ năng Rubic may mắn nhận được nhiều sự quan tâm thông qua chương trình này. Điều đó đã góp phần quan trọng trong việc giúp chúng tôi có thể lan tỏa tinh thần tương thân tương ái, dành tặng món quà ý nghĩa dành cho những người phụ nữ Việt Nam".
Như Mai
Nguồn: Sinh viên Việt Nam, ngày 05.3.2021.

20190123 Bich Van

Ảnh: Bích Vân viết bài theo phương pháp Braille của người khiếm thị. Ảnh: Nguyễn Nhung

“Đôi khi tôi cảm thấy may mắn vì tôi không ôm ấp suy nghĩ là tôi sẽ được nhìn thấy, để rồi cứ phải chờ đợi mà không thể thoát ra được”. Đó là tâm sự của Danh Thị Bích Vân, cô sinh viên năm nhất, Khoa Văn Học, Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM. Vân kể về cuộc đời mình cùng những ước mơ thật tươi đẹp.

Tôi muốn được đi học

* Vân mất đi ánh sáng từ khi nào?

- Đó là do một tai nạn hồi tôi còn nhỏ. Năm đó, tôi và em gái sinh đôi của mình sinh non nên khá yếu. Hai chị em phải nằm trong lồng kính. Riêng tôi phải chiếu đèn đến nửa tháng khiến đôi mắt tôi đã bị hư hoàn toàn. Khi gia đình phát hiện và đưa lên thành phố để chữa trị thì mọi thứ đã quá trễ. Mẹ kể lại với tôi rằng, lúc mẹ biết được tin, mẹ suy sụp lắm. Mẹ gọi điện báo ba, ba cũng chẳng bình tĩnh được, đòi truy cứu bệnh viện đó, cũng là nơi ba đang làm y tá. Lúc đầu, bệnh viện chối, nhưng sau đó có thêm nhiều em bé khác cũng bị hư đôi mắt, vậy là bệnh viện xin lỗi và hứa… rút kinh nghiệm. Nhưng thôi, cũng là do sơ suất, đâu phải ý muốn của ai.

* Lúc đó, Vân đã mơ ước điều gì cho bản thân?

- Ước được đi học. Tôi muốn được đi học như em gái, như bạn bè mình vậy. Mẹ kể lúc em đi học, mỗi tối mẹ dạy em, tôi ngồi kế bên. Em chưa kịp đọc tôi đã đọc lớn trước em rồi, nhưng tôi có biết hình dáng con chữ ra sao đâu. Tôi cứ thế mà đọc theo thôi, rồi cũng dùng bút viết lên bảng, viết bậy bạ gì đó.

Nhiều người hỏi tôi có ước muốn được sáng mắt không? Nói thật tôi chưa từng có suy nghĩ là được nhìn thấy. Ba mẹ kể tôi từng làm một cuộc phẫu thuật khi chỉ mới 3 tháng 10 ngày tuổi. Bác sĩ nói phẫu thuật thì có khả năng nhìn thấy, dù nhỏ thôi. Nhưng cuộc phẫu thuật nào mà không có rủi ro. Mẹ nói tôi suýt chết trên bàn mổ, cuộc phẫu thuật đang dang dở phải tạm ngưng để cứu lấy mạng sống của tôi. Từ đó, tôi không còn cơ hội nào thêm nữa. Mẹ nói chẳng mong tôi sáng mắt, chỉ cầu tôi được sống bình an.

Tôi là người rất dễ xúc động. Nghe cải lương cũng khóc, đọc sách cũng có thể khóc. Nhưng nếu là khóc vì mình không nhìn thấy thì… hình như chưa bao giờ. Tự nghĩ về bản thân, tôi không thấy mình bất hạnh hay mặc cảm gì. Chắc cũng là một may mắn, tôi không thấy từ lúc nhỏ nên cũng chẳng hiểu cách nhìn mọi thứ qua đôi mắt ra sao. Cũng không quá khó để chấp nhận.

* Vậy Vân đã thực hiện ước mơ này của mình như thế nào?

- Tôi bắt đầu học từ 5 tuổi, cái tuổi còn khá sớm so với một người khiếm thị. Trong một lần lên thành phố khám bệnh, một người trong bệnh viện giới thiệu với mẹ tôi mái ấm Nhật Hồng dành cho trẻ khiếm thị thuộc giáo xứ Thị Nghè ở Bình Thạnh. Khi tới mái ấm, tôi kiên quyết muốn ở lại học dù mẹ không cho. Ba mẹ tôi cũng muốn cho tôi đi học, nhưng phải đợi tôi lớn hơn một chút, chừng 10 tuổi. “Chờ 10 tuổi thì lâu lắm, mẹ cho con học đại từ bây giờ đi”, tôi đã nói với mẹ như thế. Nhưng khi biết mẹ về Rạch Giá, còn tôi ở lại mái ấm, tôi đã khóc rất nhiều.

Mấy lần sau đó, mẹ gọi điện lên thăm tôi, mẹ nói ba giận lắm, nói mẹ lên đón tôi về Rạch Giá ngay. Mẹ thuyết phục mãi, ba cũng xuôi. Nhưng mỗi lần mẹ lên thăm, ba đều dặn: “Bà nhớ mang nó về đó”. Nửa năm sau, tôi lần đầu về nhà sau khi được dạy chữ nổi, dạy cách tự chăm sóc bản thân, chắc ba thấy tôi tốt hơn, ba cũng không đòi dẫn tôi về nữa.

Lên thành phố lúc 5 tuổi, học mẫu giáo 2 năm, lần đầu tiên xa nhà sống tự lập nên cái gì tôi cũng lạ và sợ. Nhưng dần dà, tôi cũng quen. 7 tuổi là tôi có thể tự tắm gội, giặt đồ và rửa chén. Học ở thành phố đến lớp 3 thì tôi chuyển về quê học tiếp. Sau đó, lớp 10 lại lên thành phố, học ở Trung tâm Giáo dục Thường xuyên quận Bình Thạnh, rồi học lên tới đại học như bây giờ.

Trở thành cô giáo dạy văn

* Những lúc rảnh rỗi Vân thường làm gì?

Tôi rất thích công tác tình nguyện. Tuy không thể đi xa như các bạn, nhưng tôi vẫn tham gia bằng cách dành ít tiền mua những món hàng gây quỹ hay quyên góp đồ dùng cho những đợt tình nguyện. Đó là một cách để tôi cho đi.

Những ngày rảnh rỗi, tôi thường đọc sách, đọc các tác phẩm văn học, tập chơi đàn tranh hoặc cùng các bạn khiếm thị trong mái ấm đi chơi với nhau. Khi nào có lễ lớn, chúng tôi cùng với các sơ dọn dẹp, trang trí nhà thờ, như là dịp Giáng sinh vừa rồi. Tuy bất tiện, nhưng chúng tôi vẫn đang cố gắng hòa nhập cuộc sống hằng ngày. Chúng tôi muốn mình không là gánh nặng của mọi người.

* Dự định của Vân sau khi tốt nghiệp đại học?

- Tôi không rõ ước mơ trở thành giáo viên dạy văn của mình có từ khi nào. Biết là lúc nhỏ tôi hay nói vui với mẹ rằng sau này lớn lên con sẽ làm cô giáo để nuôi mẹ. Lúc đó mẹ chỉ cười. Hồi học lớp 4, tôi khá thân thiết với cô giáo chủ nhiệm của mình. Cô quan tâm và giúp đỡ tôi rất nhiều. Năm đó lớp chỉ có mình tôi là học sinh giỏi nhưng do điều kiện khó khăn, tôi chỉ được một tờ giấy khen mỏng viết tay. Cô dẫn tôi lên nhận phần thưởng, vỗ vai nói với tôi rằng: “Con phải cố gắng học thật giỏi trong những năm tới nha!”. Câu nói ấy là nguồn động lực lớn cho tôi sau này. Cô chính là hình mẫu giáo viên mà tôi muốn hướng tới, không chỉ dạy học sinh kiến thức mà còn đối xử với học sinh bằng cái tâm của mình.

Còn với văn chương, chắc là do cái duyên từ nhỏ. Mẹ kể lại rằng những lúc em gái đi học, tôi thường đòi mẹ lấy sách tập đọc tiếng Việt của em gái rồi đọc cho mình nghe những bài thơ. Sau này, được đi học và tiếp xúc nhiều hơn với môn văn, tôi càng thích đọc những tác phẩm văn học lớn, thích được viết những bài nghị luận dài ngoằng. Đến tận năm lớp 12, được giáo viên chọn đi thi học sinh giỏi văn, tôi mới tự tin là mình có khả năng. Dù sau đó, tôi không thể tham dự cuộc thi ấy, có lẽ nhà trường không tin tưởng vào một học sinh khiếm thị như tôi nên không cho phép. Nhưng với tôi, đó là một hướng đi mới, cũng là động lực để tôi nộp đơn xét tuyển vào Khoa Văn Học, chứng tỏ cho mọi người rằng, tôi hoàn toàn có khả năng.

Tôi hy vọng sẽ trở thành một cô giáo dạy văn ở một ngôi trường bình thường nào đó. Nhưng nếu ước mơ đó không thực hiện được, tôi mong có thể dạy cho các bạn trong trường khiếm thị. Trước mắt, tôi phải cố gắng học thật giỏi, đạt điểm trung bình trên 7,0 để giữ nguồn học bổng ở thư viện sách nói. Tôi còn phải cố gắng học cả tiếng Anh lẫn tin học. Do môn tiếng Anh thầy dạy khá là nhanh, tôi cũng ít có điều kiện tiếp xúc bên ngoài nên học hơi chậm so với các bạn. Với chứng chỉ tin học, tôi vẫn đang tìm chỗ học vì trường không có hỗ trợ cho sinh viên khiếm thị.

* Vân muốn nhắn gửi điều gì với các bạn khiếm thị không?

Có những điều mình cần phải chấp nhận và học cách sống chung với nó, vượt qua nó. Bất hạnh là điều không ai mong muốn, cũng như không ai được phép chọn nơi mình sinh ra, nhưng ta có thể quyết định cuộc đời mình, tùy thuộc vào cách mình đối mặt. 

Tôi hy vọng rằng những người khác trong xã hội sẽ có cái nhìn công bằng hơn đối với người khiếm thị. Có thể chúng tôi không có đôi mắt sáng, nhưng theo quy luật bù trừ của cuộc sống, người khiếm thị sẽ có những khả năng để bù lại đôi mắt đã mất đi. Vì vậy mong xã hội hãy cho người khiếm thị một cơ hội để hòa nhập cuộc sống bình thường, đánh giá khách quan khả năng thực sự của người khiếm thị. Vì họ cũng có thể làm được những điều phi thường, như một người bình thường.

Xin cảm ơn Vân.

Nguồn: Bản tin ĐHQG-HCM số 191-192 - 2019

20210104 5

Vào lúc 18 giờ ngày 18.12.2020, hoạt động Tổng kết chương trình Du của CLB Cây Bút Trẻ (khoa Văn học) đã diễn ra tại không gian quán Koo Kaffe, quận Bình Thạnh. Du đã hân hạnh được chào đón hơn 30 thành viên, tân thành viên CLB và các cựu thành viên nay đã ra trường đến tham dự.

Du là chương trình tổng kết hoạt động sáng tác của thành viên CLB Cây Bút Trẻ trong năm 2019-2020 với hình thức là một cuộc thi, có mục đích gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ những trải nghiệm sáng tác, thế giới nghệ thuật của mỗi cá nhân thành viên CLB. Du trở thành sân chơi thú vị, thân tình dành cho các thành viên. Du còn là nơi gặp gỡ các thế hệ thành viên CLB với tinh thần giữ gìn kết nối truyền thống và niềm tự hào CLB, khơi dậy tinh thần nhiệt huyệt của các thành viên.

Để bắt đầu, các thành viên cùng tham gia một minigame nho nhỏ để ôn lại lịch sử cùng các thành tựu nổi bật của CLB Cây Bút Trẻ. Tiếp đó, hai cựu chủ nhiệm của CLB là Nguyễn Trần Khải Duy (Chuyên viên truyền thông công ty CP FSmart) và Nguyễn Đình Minh Khuê (nay là giảng viên khoa Văn học, trường ĐH KHXH&NV) bày tỏ những chia sẻ cá nhân, truyền đạt kinh nghiệm từ quá trình hoạt động trong CLB cho đến trải nghiệm công việc. Đặc biệt, hai cựu chủ nhiệm đã đưa ra những lời khuyên hữu ích về con đường đi tìm cảm hứng sáng tác cũng như học tập, nghiên cứu và thưởng thức văn chương.

Nội dung chính của sinh hoạt lần này là hoạt động trao giải cho cuộc thi Tổng kết sáng tác năm 2019-2020, mang chủ đề Du của CLB. Cuộc thi đã tìm ra những tác phẩm của CLB được yêu thích nhất trong năm, thông qua hình thức bình chọn công khai trên diễn đàn Facebook. Hai tác giả có tác phẩm được yêu thích nhất là Rắn và Mây. Hai tác phẩm đoạt giải lần lượt là truyện ngắn “Cục gôm ở đó” và bài thơ “y e n n h i e n”. Các thành viên tham dự cũng tham gia bàn luận, chia sẻ, đối thoại với các tác phẩm đạt giải.

20210104 6

Góp phần thổi thêm sức sống cho chương trình là những tiết mục văn nghệ độc tấu guitar và tác phẩm âm nhạc tự sáng tác của các  thành viên CLB.

Qua chương trình, CLB Cây Bút Trẻ đã có dịp hiểu rõ nhau hơn về tính cách, sở trường của nhau, biết được những gương mặt mê thơ, ham truyện, người thích đọc và viết điểm sách, phê bình,...

Du tuy đã khép lại nhưng chặng đường sáng tác, học thuật còn dài rộng. CLB Cây Bút Trẻ hy vọng mỗi thành viên CLB đều giữ được lửa nhiệt huyết, đam mê nghề và hy vọng sẽ có thêm nhiều chương trình bổ ích, giao lưu văn học rộng mở.

CLB Cây Bút Trẻ

20190118 Ve xuan

Ảnh 1: BST “Sài Gòn - Trong mắt tôi”

Ngày 13-01-2019 vừa qua tại Saigon Outcast (Q.2) đã diễn ra đêm nhạc và trình diễn thời trang gây quỹ từ thiện “Vẽ Xuân”. Đây là chương trình thuộc chuỗi Dự án Bốn Mùa - Four Seasons Project - dự án về giữ gìn và quảng bá văn hóa Việt, trực thuộc Liên chi Hội sinh viên Khoa Văn học.

Đêm nhạc đã trình làng 2 bộ sưu tập (BST) áo dài có tên “Hoa Xuân Đông Hồ” và “Sài Gòn - Trong mắt tôi”. Đây là sản phẩm của bạn Bảo Châu, một trong những người thành lập dự án. Hai BST mang hai sắc thái khác nhau. Một bên là áo dài cách tân với những hình vẽ mô phỏng theo phong cách của dòng tranh dân gian Đông Hồ với những biểu tượng của Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh như Nhà thờ Đức Bà, Chợ Bến Thành, Landmark 81 và Trung tâm thương mại - kinh tế Bitexco. BST còn lại với các hoa văn, họa tiết xưa, gắn kí ức của những người sinh ra và lớn lên cùng với mảnh đất Sài Gòn này, nắm bắt những hương vị Tết mộc mạc, giản dị nhưng sống động, lung linh.

20190118 Ve xuan 2

Ảnh 2: Bạn Châu Nhi chia sẻ cảm nhận về các các khúc Xuân xưa

Bên cạnh đó, chương trình còn mang đến một không gian âm nhạc nhẹ nhàng với những ca khúc Xuân trước 1975 được phối mới qua phần trình diễn của những nghệ sĩ trẻ và các bạn sinh viên. Bạn Châu Nhi, sinh viên năm nhất khoa Văn học, một trong những nghệ sĩ trẻ đã hòa âm phối khí các ca khúc có “tuổi đời” nhiều hơn so với bạn ấy tận 40 thậm chí 50 năm đã chia sẻ:

“Cảm xúc của em khi lần đầu tiếp xúc với những bài hát này, thứ nhất là giai điệu khá dễ nhớ và dễ thuộc. Thứ hai là về ca từ, đa số được sử dụng rất tinh tế, trau chuốt, và giàu hình ảnh. Em không gặp khó khăn khi cảm nhận ca từ và nội dung bài hát dù nó đã được viết cách đây mấy chục năm, cũng không muốn thay đổi hay thêm bớt quá nhiều vì em nghĩ nó vốn là cái hồn, mang tâm tình riêng của tác giả ở một thời điểm nhất định. Bản thân em thì thích những ca khúc có sự mới lạ về phần nhạc, tức là phần giai điệu, nên em tập trung làm mới phần đó, sáng tạo và thay đổi hợp âm để nó khác đi một chút mà vẫn giữ nguyên tinh thần”.

Số tiền sau khi thu được từ đêm nhạc sẽ được dùng để mua 300kg gạo dành tặng cho bà con tại xã Đông Tiến, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận trong chiến dịch Xuân Tình Nguyện 2019 của khoa Văn học.

BTC

20201124 5

Kính thưa quý Thầy Cô, quý đại biểu, các anh chị cựu sinh viên và toàn thể các anh chị, các bạn sinh viên thân mến!

Em là Nguyễn Đức Lam Thảo, tân sinh viên khoá 2020 của khoa Văn học. Ngày hôm nay, em vinh dự được đứng ở đây để đại diện toàn thể sinh viên các khoá, gửi đến Quý Thầy Cô đôi lời tri ân nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. 

Là thành viên nhỏ nhất trong đại gia đình Văn học, sự gắn bó của em với các Thầy Cô giảng viên của Khoa vẫn còn ít ỏi, em chưa được nghe nhiều bài giảng thật hay của các Thầy Cô, chưa trải qua cảm giác miệt mài cùng sách vở và những trang tiểu luận, cũng chưa có nhiều cơ hội để gặp gỡ hay chia sẻ với các Thầy Cô về chuyện Văn chương. Thế nhưng, các Thầy Cô từ lâu đã trở thành một phần vô cùng quan trọng đối với hành trình theo đuổi Văn chương, theo đuổi ước mơ của em. 

Biết đến các Thầy Cô qua những công trình nghiên cứu đã được xuất bản, em từng chút một được dẫn dắt đến với những chân trời mới lạ của Văn chương. Có những Thầy Cô em đã may mắn được gặp trong những buổi toạ đàm, có những Thầy Cô lại lần đầu nhìn thấy sau buổi gặp gỡ được tổ chức khi khai khoá. Và đối với em, đó là những cuộc hạnh ngộ vô cùng quý giá. Nhờ biết đến các Thầy Cô, được đọc những bài nghiên cứu sâu sắc, những sáng tác tình cảm của các Thầy Cô mà em đã luôn có cảm hứng, có động lực để dấn thân và cố gắng để trở thành một Người Khoa Văn thực thụ. Em cũng tin chắc rằng, không chỉ riêng em mà các bạn sinh viên ở đây, lẫn các anh chị đi trước đều sẽ cảm nhận được điều này, cảm nhận được nguồn năng lượng dồi dào tụi em đã luôn có để theo đuổi ước mơ của mình đã được tiếp sức rất nhiều từ các Thầy Cô. 

Ngày hôm nay, em xin thay mặt các anh chị, các bạn gửi đến Quý Thầy Cô lời cảm ơn chân thành nhất, vì những cống hiến của các Thầy Cô dành cho Khoa Văn, cho Nhân Văn suốt những năm tháng qua. Cùng với đó là lời cảm ơn vì các Thầy Cô đã là người dìu dắt, truyền lửa cho bao thế hệ của Người Khoa Văn. Cuối cùng, em xin gửi đến các Thầy Cô lời chúc sức khoẻ và em mong các Thầy Cô sẽ luôn tìm thấy thật nhiều nguồn cảm hứng để tiếp tục đạt thêm nhiều thành tựu trên con đường của mình. Và chúng em, tất nhiên sẽ luôn chờ đợi, dõi theo những thành tựu ấy, xem đó như động lực để cố gắng hằng ngày.

Nguyễn Đức Lam Thảo

20200926

Chiều ngày 21/9/2020, tại Văn phòng khoa khoa Văn học, Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG-HCM (phòng A.214, cơ sở Đinh Tiên Hoàng), Hội nghị Kiện toàn BCH Đoàn - Hội khoa Văn học lần thứ nhất đã được tổ chức.

Hội nghị vinh dự đón tiếp: TS. Hồ Khánh Vân - Phó Trưởng khoa Văn học, đại diện Chi ủy - Ban Chủ nhiệm khoa, ThS. Lê Thị Thanh Vy - Giảng viên phụ trách CTSV khoa, Đ/c Nguyễn Huỳnh Minh Phúc - Phó Bí thư Đoàn trường và Đ/c Lý Tuấn Anh - Chủ tịch Hội sinh viên trường.

Hội nghị thống nhất thôi nhiệm các đồng chí:

  1. Đ/c Huỳnh Thị Cẩm Nương - Bí thư Đoàn khoa;

  2. Đ/c Nguyễn Phương Quỳnh - Phó Bí thư Đoàn khoa, LCH trưởng;

  3. Đ/c Đỗ Thảo Anh - UV BCH LC HSV;

  4. Đ/c Nguyễn Thiên Mai Hân- UV BCH LC HSV;

  5. Đ/c Đặng Thị Diệu Linh - UV BCH LC HSV;

  6. Đ/c Võ Nguyễn Huỳnh Như - UV BCH Đoàn khoa;

  7. Đ/c Phạm Thị Quỳnh Như  - UV BCH Đoàn khoa;

  8. Đ/c Ung Công Nghĩa - UV BCH Đoàn khoa;

  9. Đ/c Đinh Thanh Toàn - UV BCH Đoàn khoa;

  10. Đ/c Trịnh Thế Tân - UV BCH Đoàn khoa;

  11. Đ/c Nguyễn Minh Anh Thư - UV BCH Đoàn khoa.

Đồng thời, Hội nghị kiện toàn BCH Đoàn khoa bỏ phiếu và bầu ra BCH Đoàn khoa gồm 07 đồng chí: 

  1. Đ/c Nguyễn Phước Hoá - Bí thư Đoàn khoa;

  2. Đ/c Phan Minh Nhân - Phó Bí thư Đoàn khoa;

  3. Đ/c Đỗ Trúc Uyên - Phó Bí thư Đoàn khoa;

  4. Đ/c Đoàn Thị Cao - UV BCH Đoàn khoa;

  5. Đ/c Trần Trung Nhật - UV BCH Đoàn khoa;

  6. Đ/c Lê Hồng Mai Trúc - UV BCH Đoàn khoa;

  7. Đ/c Nguyễn Thảo Vi - UV BCH Đoàn khoa.

Hội nghị kiện toàn BCH Liên chi Hội Sinh viên khoa hiệp thương nhân sự và thống nhất với danh sách BCH LC HSV khoa gồm 07 đồng chí:

1. Đ/c Phan Minh Nhân - LCH trưởng;

2. Đ/c Nguyễn Minh Tiến - LCH phó;

3. Đ/c Nguyễn Thy Ngân - LCH phó;

4. Đ/c Mai Thuỳ Duy - UV BCH LC HSV;

5. Đ/c Bùi Thị Huyền Trân - UV BCH LC HSV;

6. Đ/c Hà Thị Phương Ly - UV BCH LC HSV;

7. Đ/c Mai Phan Anh Thư - UV BCH LC HSV.

Hội nghị bày tỏ sự ghi nhận với những đóng góp nhiệt thành từ những các đồng chí đã gắn bó cùng Đoàn Thanh niên - Hội sinh viên khoa trong thời gian qua và chúc các đồng chí thành công trong công việc, cuộc sống. Đồng thời, sự ra mắt của Ban chấp hành mới cũng hứa hẹn sẽ mang đến cho hoạt động sinh viên khoa thời gian sắp tới những hoạt động thiết thực, bổ ích, mang bản sắc sinh viên khoa Văn học. 

Phước Hóa

20181207 NNT

Gần đây, một cuốn sách với cái tên hết sức gợi hình, gợi nghĩa và gợi cả tư duy vừa xuất hiện trên văn đàn - Cố định một đám mây. Đám mây thì làm sao cố định được? Câu hỏi bật ra trong đầu tôi khi lần đầu thấy bìa sách vụt qua trên trang bán sách online. Phải chăng, đó là câu hỏi mà tác giả cuốn sách – cô Nguyễn Ngọc Tư – muốn người đọc tự đi tìm câu trả lời qua các câu chuyện được tập hợp trong đó.

Từ trước đến nay, các câu chuyện của Nguyễn Ngọc Tư luôn lấy nguyên liệu từ những điều mộc mạc, giản dị và chất phác của đời sống. Tập truyện ngắn mới này cũng không thiếu những điều đó; một vùng quê nghèo, một ngôi nhà xập xệ, một hòn đảo biệt lập cũng có thể trở thành cảm hứng cho cô. Với những nơi chốn ấy, không thể viết bằng ngôn từ hoa mỹ hay trau chuốt, mà cũng chẳng cần làm chi. Chỉ cần những “cái hầm nước đá đầy vẩy cá”, “lá mục trên mái nhà hay rớt rụng vào cơm canh” hay “có con sông Vàm chảy trước ủy ban” là đã đủ, không cần phải miêu tả thêm gì nữa. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ để cô làm nên câu chuyện, làm nên số phận nhân vật.

Mười truyện ngắn, mười câu chuyện khác nhau kể về những cảnh đời khác nhau. Có đau khổ, chia ly, mất mát nhưng cũng có hạnh phúc, khoái cảm, niềm vui và phấn khích. Nhưng điểm chung là nhân vật chính trong những câu chuyện ấy luôn tìm cách trôi đi khỏi bầu trời cố định họ bấy lâu, hoặc là tìm kiếm một bầu trời thuộc về họ để có thể tự cố định mình. Liệu rằng mây có cố định được không? Mây của trời, chẳng phải là để gió cuốn đi sao? Nguyễn Ngọc Tư đã tạo nên những nhân vật mà số phận buộc họ phải bị cố định lại một chỗ, bởi điều này hay điều khác: hôn nhân, tình thân, ngôi nhà dột mái lá, hòn đảo buồn bã, sự cô độc trong tâm hồn. Có lẽ tập truyện ngắn này là một bộ sưu tập những nhân vật được xây dựng theo những kiểu bất thường. Trong các câu chuyện, họ luôn hiện lên với những suy nghĩ khác biệt với số đông mọi người, những hành động bốc đồng ngược đời, ngược lại cả với bản chất của thế giới mà họ đang hiện hữu. Điều tài ba của Nguyễn Ngọc Tư là cô khiến người đọc không cảm thấy những nhân vật đó sai, họ luôn dị biệt nhưng lại khiến tôi muốn xem xem họ sẽ tìm ra chân lý của đời họ bằng cách nào. Họ không sai, thế nhưng chân lý của họ có đúng không? Một người chồng muốn ruồng rẫy cô vợ của mình nên giả vờ chết đuối, một người con trai muốn chối bỏ giới tính sinh học của bản thân, một kẻ đánh bom chỉ vì muốn thoát khỏi sự tĩnh lặng. Nghe qua có thể thật là sai trái, nhưng tác giả đã để họ làm điều đó với tất cả những sự bình thản, sự “trôi đi” và nhẹ nhõm. Đôi khi, tác giả cho người đọc biết kết quả (hay hậu quả) dành cho nhân vật, đôi khi không. Nhưng điều đó không làm ảnh hưởng đến cảm xúc của người đọc, có đôi khi sự gợi mở sẽ khiến ta nhận ra thêm nhiều điều, và tôi lại được dịp đặt câu hỏi “Đám mây thì làm sao cố định được?” Từng câu chuyện một đều có đôi điều khiến ta suy ngẫm, về xã hội bất công, về hôn nhân bình đẳng, về cơn đói cơn nghèo, về nỗi sợ hãi trong tâm trí và nỗi cô độc trong tâm hồn.

Cuốn sách khiến ta chợt nhìn lại chính ta, ta có muốn bị cố định không. Ta sẽ trôi đi chứ, hay ta sẽ lẫn vào những đám mây khác. Cố định lại một đám mây, thì sẽ khiến nó tan mất.

Bài viết được chọn từ chương trình “Sách trong đôi mắt tôi” do được câu lạc bộ Cây Bút Trẻ thuộc khoa Văn học tổ chức.

Nhằm đảm bảo cho các bạn sinh viên trong thời gian nghỉ tránh dịch không bị trì trệ trong việc học tập và rèn luyện, Liên chi Hội sinh viên (LCHSV) khoa Văn học trường ĐH KHXH&NV – ĐHQG-HCM đã tổ chức rất nhiều hoạt động truyền thông trực tuyến hữu ích cho các bạn sinh viên thông qua mạng xã hội, cụ thể là fanpage Đoàn - Hội khoa Văn học. 

Có thể kể đến những hoạt động nổi bật đã thu hút lượng lớn tương tác và tham gia từ các bạn sinh viên như: Chương trình thứ 7 tình nguyện, Ngày thênh thang, Cơm nhà mình, Minigame mode on - Sẵn sàng rinh son,....

CHUỖI TRUYỀN THÔNG: CHƯƠNG TRÌNH THỨ 7 TÌNH NGUYỆN

6 bộ ảnh ý nghĩa thuộc “Chuỗi truyền thông: Chương trình thứ 7 tình nguyện” lần lượt mang tên: Tụi con cảm ơn, Giữ gìn sức khỏe, Bảo vệ môi trường, Nông thôn mới, Tên hay dịch bay, Thư gửi con người đã được các bạn sinh viên đón nhận với tổng hơn 1000 lượt tương tác. Những bộ ảnh đã được các bạn chia sẻ nhiệt tình và thích thú có lẽ vì nội dung gần gũi, lồng ghép đa dạng xoay quanh những chủ đề thực tế: các cách để bảo vệ sức khỏe mùa dịch, lời cảm ơn đến những “người hùng” thầm lặng chiến đấu trong dịch, bảo vệ môi trường, nông thôn mới, “trendy” đặt tên vần hưởng ứng công cuộc chống dịch.  

20200628 2

CUỘC THI VIẾT KÈM ẢNH “NGÀY THÊNH THANG”

Thật là một thiếu sót lớn nếu không nhắc đến cuộc thi viết kèm ảnh “Ngày thênh thang” - Một cuộc thi không chỉ nhận được sự hưởng ứng đông đảo từ các bạn học sinh, sinh viên trong nước mà còn nhận được sự hưởng ứng từ các bạn du học sinh. Cuộc thi không những được mở rộng về quy mô thí sinh mà còn mở rộng ở cả loại hình thi. Ngoài hạng mục viết tiếng Việt như các cuộc thi thông thường trước đó trong Khoa, “Ngày thênh thang” còn có một hạng mục dành cho các bài viết tiếng Anh và một hạng mục chấm giải ảnh của bài viết. Chính những điều này đã tạo nên một luồng gió mới mẻ so với các cuộc thi viết trước trong Khoa và tạo nên một cơ cấu giải thưởng cực kì hấp dẫn. “Ngày thênh thang” đã góp phần khiến cho những ngày dịch của các bạn sinh viên mà đặc biệt là các bạn sinh viên khoa Văn học - trường ĐH KHXH&NV trở nên sôi động hơn và là cơ hội cho các bạn trải lòng trong kì nghỉ bất chợt dài "thênh thang" này.

CUỘC THI ẢNH “CƠM NHÀ MÌNH”

Nối tiếp “Ngày thênh thang” là hậu duệ “Cơm nhà mình” - một cuộc thi ảnh do Liên chi hội sinh viên khoa Văn học hợp tác cùng Liên chi hội sinh viên khoa Ngữ văn Pháp tổ chức - với chủ đề cuộc thi: ảnh chụp một bữa ăn ở gia đình bạn/ bữa ăn ở gia đình ai đó khiến bạn nhớ mãi. Những bức ảnh chất lượng và chất chứa đầy những ân tình lần lượt được lên sóng. Và cũng không kém đàn anh đàn chị “Ngày thênh thang”, “Cơm nhà mình” đã nhận được hơn 100 bài dự thi từ các bạn sinh viên qua 2 tuần tổ chức. 

20200628 3

MINIGAME MODE ON - SẴN SÀNG RINH SON

Bên cạnh việc tổ chức các cuộc thi viết nhằm đáp ứng sở thích và phát huy khả năng của các bạn sinh viên khoa Văn. LCHSV khoa Văn học còn ưu ái tổ chức một minigame mà đặc biệt là dành cho các bạn nữ sinh. “Minigame mode on - Sẵn sàng rinh son” đã thu hút hàng trăm lượt bình luận chan chứa đầy nhiều tình cảm của các bạn bày tỏ với người phụ nữ mà các bạn yêu mến, ngưỡng mộ. 

Những ngày này, tình hình dịch ở nước ta đang được kiểm soát khá ổn, các hoạt động đời sống dần dần được khôi phục. Cũng trở lại với nhịp học tập và rèn luyện hối hả sau dịch, LCHSV khoa Văn học mong muốn sẽ tiếp tục đem đến cho các bạn sinh viên thật nhiều chương trình bổ ích hơn nữa trong thời gian sắp tới.

LCHSV khoa Văn học

Sáng 10.11.2018, tọa đàm “Sách trong đôi mắt tôi” đã được câu lạc bộ (CLB) Cây Bút Trẻ thuộc khoa Văn học, trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-TPHCM (cơ sở ĐTH) tổ chức tại phòng D302 (cơ sở Đinh Tiên Hoàng), thu hút hơn 40 bạn sinh viên trong và ngoài khoa đến tham dự. Buổi tọa đàm diễn ra với mục đích tổng kết cuộc thi review sách đã phát động ba tuần trước đó.

Chia sẻ về lí do tổ chức cuộc thi, chị Phạm Thị Thái Hà – chủ nhiệm CLB cho biết: “Review sách luôn là hoạt động cần thiết trong văn hóa đọc. Bởi có người viết thì phải có người đọc và phản hồi. Nhưng trước giờ CLB chưa chú ý nhiều đến vấn đề này. Cuộc thi review sách được tổ chức với mong muốn giúp các bạnchia sẻ suy nghĩ về những cuốn sách các bạn tâm đắc, đồng thời cũng để giới thiệu cho các bạn nhiều đầu sách hay, có giá trị”.

Sau ba tuần tổ chức, câu lạc bộ nhận được 15 bài review hợp lệ. Mỗi bài viết chọn một quyển sách khác nhau, đa dạng về thể loại, phong phú trong cách viết, có cả sách trong nước và nước ngoài, sách của các tác giả tên tuổi và những tác giả trẻ hiện nay.

Chó trắng (Romain Gary), Ở quán cà phê tuổi trẻ lạc lối (Patrick Modiano), Bambi - Câu chuyện rừng xanh (Felix Santen), Cố định đám mây (Nguyễn Ngọc Tư), Cả một trời thương (Trúc Thiên),… là những tác phẩm xuất sắc được chọn trình bày trong buổi tọa đàm.

TS. Lê Ngọc Phương – giảng viên khoa Văn học, cố vấn CLB Cây Bút Trẻ, đánh giá rất cao về chất lượng các bài dự thi: “Với sáu bài chung cuộc, tất cả đều thể hiện được quan điểm cá nhân khi đọc tác phẩm, có sự phản hồi với tác giả bằng lối văn review rất đẹp, trau chuốt và mượt mà”. Tuy nhiên, cô cũng nhắc nhở thêm rằng để những bài viết này được chọn đăng báo, các bạn cần bổ sung thêm thông tin về quyển sách, đặt nhan đề hay hơn, tách ý chia đoạn rõ ràng và gợi mở được một kết thúc ấn tượng.

Với những bài viết có chất lượng, ban tổ chức sẽ lựa chọn, biên tập và gửi đăng báo. Đồng thời, hai bài review tốt nhất về tác phẩm Chó trắng (Romain Gary) của sinh viên Nguyễn Thu Trang và Cố định một đám mây (Nguyễn Ngọc Tư) của sinh viên Lê Huỳnh Thơ đã được chọn để đăng lên trang web của khoa Văn học. Sắp tới câu lạc bộ dự kiến sẽ tổ chức trại sáng tác, các buổi giao lưu với các tác giả tên tuổi và các nhà xuất bản, với hi vọng thành viên câu lạc bộ có thể phát huy thế mạnh sáng tác  của mình, có thể đọc và phản hồi nhiều hơn nữa.

 

20200327

Hưởng ứng hoạt động “Tháng Thanh niên”, Đoàn khoa Văn học đã tổ chức các chương trình, hoạt động học tập, vui chơi giải trí để phục vụ các bạn sinh viên trong kỳ nghỉ chống dịch. Nổi bật nhất là cuộc thi tìm hiểu kiến thức văn học 2020 mang tên Về với Văn. Cuộc thi là vừa sân chơi bổ ích và thú vị dành cho sinh viên trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG-HCM, vừa là nơi để các bạn tìm hiểu về những nét đặc sắc của nền văn học dân tộc. Cuộc thi tìm hiểu kiến thức văn học 2020 - Về với Văn gồm có ba vòng thi với tên gọi lần lượt: Thả mây cho gió (từ 20 giờ, ngày 26/03/2020 đến 20 giờ, ngày 28/03/2020); Thả xanh cho cỏ (19 giờ, ngày 31/03/2020 đến 23 giờ, 31/03/2020); Ta về với Văn (từ 12 giờ, 03/04/2020 đến 12 giờ 05/04/2020). 

Dù chỉ mới khởi động vòng 1 vào đêm qua (26/3/2020) nhưng cuộc thi đã thu hút hơn 250 thí sinh đến từ khoa Văn học và các khoa, bộ môn khác tham gia. Kết thúc vòng 1, 15 thí sinh xuất sắc nhất sẽ được chọn để tham gia vòng 2. Vòng 2 cũng đã sẵn sàng với nhiều câu hỏi khó và ý nghĩa hơn để tìm ra 5 thí sinh chung cuộc tham gia vòng 3. Ban tổ chức hy vọng cuộc thi sẽ giúp cho các bạn sinh viên có không gian vui chơi, học tập mới lạ, hứng thú trong những ngày nghỉ chống dịch và cũng là nơi thoả mãn niềm đam mê của các bạn dành cho văn chương.

Hồng Thảo

20181030 Thai Ha

Vào ngày 27 tháng 10 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với trường Đại học Huế đã tổ chức Lễ tổng kết và trao giải thưởng “Sinh viên nghiên cứu khoa học” năm 2018 tại thành phố Huế. Năm nay, trường Đại học KHXH&NV – ĐHQG Tp.HCM có ba đề tài NCKH đạt giải cấp Bộ, trong đó có một giải Ba và hai giải Khuyến khích.

Trải qua các vòng thi với gần 400 đề tài đến từ hơn 80 trường đại học trong cả nước, sinh viên Phạm Thị Thái Hà - hiện đang học năm thứ 3, khoa Văn học - đã đạt giải Ba trong cuộc thi “Sinh viên nghiên cứu khoa học” cấp Bộ năm 2018. Được biết, đây là giải Ba đầu tiên mà trường Đại học KHXH&NV – ĐHQG Tp.HCM có được trong vòng 5 năm trở lại đây.

Sinh viên Phạm Thị Thái Hà cho biết, công trình NCKH mang tên “Tiếp nhận và cải biên tác phẩm Những người khốn khổ của Victor Hugo: từ văn học đến các loại hình nghệ thuật khác” do Thái Hà thực hiện là một hướng nghiên cứu còn khá mới mẻ tại Việt Nam. Dưới sự hướng dẫn của TS. Đào Lê Na, Thái Hà đã vận dụng lí thuyết cải biên và phương pháp nghiên cứu liên ngành (sân khấu, điện ảnh) để nghiên cứu việc tiếp nhận và cải biên một tác phẩm văn học kinh điển trong bối cảnh hiện đại. Qua đó, tác giả công trình đóng góp thêm các tư liệu về cải biên học và đưa ra cái nhìn bao quát về tình hình tiếp nhận Những người khốn khổ tại Việt Nam và thế giới trong nhiều giai đoạn bằng các số liệu thống kê cụ thể.

Với thành công của sinh viên Phạm Thị Thái Hà và TS. Đào Lê Na trong cuộc thi “Sinh viên nghiên cứu khoa học” cấp Bộ năm 2018, khoa Văn học hi vọng các sinh viên sẽ có thêm nguồn cảm hứng, động lực để tham gia nghiên cứu khoa học, mang lại nhiều đóng góp thiết thực hơn nữa cho ngành Văn học nói riêng cũng như ngành khoa học xã hội và nhân văn nói chung.

20191222 2

 

Trong hai ngày 30.11 và 01.12.2019, CLB Cây bút trẻ - Khoa Văn học, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-TPHCM đã tổ chức chương trình Trại sáng tác 2019 với chủ đề "Nhiên" tại núi Dinh, Vũng Tàu. Đây là hoạt động thường niên của CLB nhằm giúp các thành viên tìm kiếm cảm hứng và thực hành sáng tác, đồng thời tăng cường sự giao lưu, gắn kết giữa các thành viên.

Tham dự Trại sáng tác có anh Nguyễn Đình Minh Khuê - cựu Chủ nhiệm CLB, anh Nguyễn Trần Khải Duy - cựu Chủ nhiệm CLB cùng hơn 20 bạn sinh viên.

Chương trình Trại sáng tác đã diễn ra thành công với nhiều hoạt động sôi nổi. Buổi chiều ngày đầu tiên của Trại sáng tác, mọi người tham quan chùa Thiền Tôn Phật Quang và suối Tiên, hòa vào khung cảnh thiên nhiên thanh tĩnh, hoang sơ. Đến tối, trong không gian ấm áp với tiếng đàn guitar, các bạn đã có những tiết mục văn nghệ ấn tượng như đàn, hát, chia sẻ về quá trình đến với văn chương, niềm đam mê và những sáng tác vừa hồn nhiên, vừa sâu sắc của mình. Ngoài ra, chương trình còn có trò chơi “Đố vui văn học”, được các bạn hưởng ứng rất nhiệt tình, sôi nổi.

Sau một đêm sinh hoạt thơ văn, sáng tác với nhiều cung bậc cảm xúc, đoàn tạm biệt núi Dinh trở về thành phố, kết thúc chương trình Trại sáng tác.

Ban Chủ nhiệm CLB Cây bút trẻ

 

------------- 

TRẠI SÁNG TÁC 2019 - NHIÊN

TP. Hồ Chí Minh, ngày 3.12.2019

Giờ đây, giữa chốn thị thành ồn ào, đông đúc, ta bồi hồi, thơ thẩn nghĩ về những ngày thuộc về núi Dinh - một chốn nguyên sơ với chùa chiền, cỏ cây và núi rừng thanh tĩnh.

Tìm kiếm một niềm kiêu hãnh trong nỗi cô đơn, tha thiết với những giấc mơ thi vị, gần như là tất cả những gì chúng tôi đến với Nhiên:

“Ta nhấm nháp chính ta ngày xưa cũ

Cọng lá buồn man mác ngả về thu

Chân với đất vừa tan rồi lại hợp

Người với người vừa thiếu, đã lại dư.”

                                      (Hoàng Huy)

Mỗi một lần ta lên đường đi đâu đó, ta sẽ tắm gội những điều tươi mới ở nơi đó, để trở thành một ta khác hơn, mới hơn, dù theo chiều hướng nào đi chăng nữa. Chuyến đi “về với Nhiên” này, ta được đắm mình trong không gian thanh tịnh của chốn thiền môn, được gột rửa những phong trần tích tụ bởi dòng suối Tiên mát lành trong trẻo. Nhìn nước suối bình thản chảy qua những khe đá, ta bỗng nhớ đến những lời dạy của Lão Tử từ hơn bốn ngàn năm trước: “Thượng thiện nhược thuỷ: Thuỷ thiện lợi vạn vật nhi bất tranh, xử chúng nhân chi sở ố, cố cơ ư Đạo” (Bậc thượng thiện giống như nước: nước làm lợi cho vạn vật mà không tranh giành, ở nơi mà mọi người đều ghét, nên gần với Đạo). Trăm ngàn năm, nước vẫn chảy từ nơi cao đến nơi thấp, gặp vật tránh vật, chỗ thiếu thì lấp vào, chỗ thừa thì chảy ra, nước không tranh giành với vạn vật. Nước chảy thì đá mòn. Ngẫm xem mọi nỗ lực trên đời đều như thế mà thôi: kiên trì, cố gắng tới cùng ắt sẽ thành công.

20191222 1

Tất cả những gì thuộc về nơi đây, là khí trời thanh khiết, là dòng nước mát lạnh cuốn trôi sự đời, là những tảng đá ánh lên dưới nắng chiều, là mặt nước chiếu gương lấp lánh…

Chuyến đi nào rồi cũng sẽ có điểm dừng. Tạm biệt Nhiên, tạm biệt tiếng chuông chùa Phật Quang, tạm biệt núi Dinh và dòng suối xanh trong vắt. Trong giấc mơ về tiếng nước chảy xa xôi, ta muốn tan đi, là một giọt nước tuôn chảy, tuần hoàn miên man giữa suối đời vô định.

“Giữa Nhiên ta cạn chén đầy,

Núi sông cùng cạn, áng mây cùng bồi.

Ta – mình nốc rượu giao bôi,

Nốc cho họng cháy, mắt môi đỏ bừng.

Thăng hoa một đoạn, ta mừng

Dầu bi dầu hỉ, cười rung thiên hà.”

                                      (Như Đam).

Ban Chủ nhiệm CLB Cây Bút Trẻ

Chuyên mục phụ

Thông tin truy cập

60851222
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
11001
13943
60851222

Thành viên trực tuyến

Đang có 360 khách và không thành viên đang online

Danh mục website