20180424 LBVH2

Ảnh: Các đội thi chụp hình lưu niệm với Ban giám khảo và Ban tổ chức

Mong muốn đem đến cho sinh viên nhiều hoạt động học thuật mới mẻ, bổ ích, cuộc thi tranh biện do Đoàn khoa Văn học tổ chức mang tên Let’s Debate 2018 với chủ đề Luận bàn văn học đã trở lại. Ngay từ khi phát động, Let’s Debate đã nhận được sự quan tâm của sinh viên trong và ngoài khoa khi khai thác nhiều vấn đề của văn học và đời sống theo mô hình tranh biện Karl Popper. Đồng hành cùng cuộc thi năm nay còn có sự góp mặt của Ban giám khảo là các giảng viên của khoa Văn học: ThS. Nguyễn Ngọc Bảo Trâm, TS. Đào Lê Na, ThS. Nguyễn Thị Phương Thuý và ThS. Lê Thị Thanh Vy.

Sáng ngày 22/4/2018, tại phòng A1.02, vòng bán kết Let’s Debate 2018 đã chính thức khởi tranh với sự tham dự của 6 đội thi. Các vấn đề được tranh biện đều là những vấn đề mang tính thời sự văn học như: “Có nên bỏ truyện Tấm Cám ra khỏi sách giáo khoa vì tính bạo lực của nó?”, “Tác phẩm văn học có thể được đọc tách rời bối cảnh lịch sử – văn hoá – xã hội của nó?”, “Nghệ thuật là sản phẩm đầy tính chủ quan?”. Kết thúc 3 bảng đấu, 4 đội thi Gà rừng, If you not, Trà xanh và Zero9 đã xuất sắc giành tấm vé bước vào chung kết.

20180424 LBVH

Ảnh: Cuộc thi tranh biện Let’s Debate 2018

Buổi chiều cùng ngày, tại café học thuật Youth Station, vòng chung kết của cuộc thi chứng kiến nhiều màn tranh biện hấp dẫn và kịch tính hơn hẳn. Vấn đề chưa bao giờ cũ “Cái đẹp phải là cái thiện” đã mở đầu bảng đấu thứ nhất giữa hai đội Trà xanh và If you not. Bằng chiến lược đúng đắn của mình, phần thắng đã nghiêng về đội Ủng hộ - If you not. Tại bảng đấu thứ hai, Zero9 và Gà rừng gặp gỡ nhau với vấn đề “Đại học phải giúp sinh viên tìm được việc làm”. Sau loạt đối đáp sôi nổi, Zero9 ở phe Phản đối bằng nhiều lập luận và dẫn chứng thu hút đã có màn thể hiện xuất sắc hơn để có mặt tại trận tranh nhất nhì.

Bước vào trận tranh biện cuối cùng, độ khó được nâng lên khi vấn đề tranh biện “Văn học mang chúng ta lại gần nhau, hay Sự đọc là một hoạt động thuần túy cá nhân?” bắt buộc mỗi đội thi vừa phải bảo vệ quan điểm của mình, vừa phải phản đối quan điểm từ phía đối phương. Càng về cuối, không khí tranh biện càng trở nên căng thẳng khi cả hai đội đều tỏ ra ngang tài ngang sức. Kết quả chung cuộc, vị trí quán quân của Let’s Debate 2018 đã gọi tên các sinh viên năm 3 và năm 4 - Mạnh Phong, Ánh Trâm, Kiều My đến từ If you not.

Trải qua 2 mùa tổ chức, Let’s Debate đã đem đến cơ hội tiếp cận, mổ xẻ nhiều vấn đề học thuật mang tính chất chuyên ngành thông qua hình thức tranh biện sinh động, hấp dẫn. Đặc biệt, hoạt động này còn giúp các đội thi học hỏi nhiều kĩ năng quan trọng cho quá trình tự học và làm việc sau này như kĩ năng làm việc nhóm, kĩ năng giao tiếp, tư duy phản biện,… Với những thành công nhất định đã đạt được, đây chắc chắn là sân chơi học thuật cần được duy trì và phát triển để đưa tranh biện đến gần hơn với sinh viên, giúp sinh viên rèn luyện tri thức và bản lĩnh của mình.

P.H.

201710112Hình 1: Nghi thức truyền lửa - tiếp nối đam mê

Khởi đầu mới là ngày hội truyền thống của khoa Văn học nhằm chào đón Tân sinh viên, chúc mừng Tân cử nhân và trao quỹ học bổng Ngữ Văn. Viết tiếp truyền thống và ý nghĩa đó, Khởi đầu mới 2017 tiếp tục trở thành ngày hội lớn của khoa Văn học. Với mong muốn xây dựng nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực và hấp dẫn sinh viên, chương trình đã có nhiều đột phá trong khâu thiết kế, truyền thông và tổ chức. Chương trình diễn ra xuyên suốt ngày chủ nhật 29/10/2017 với nhiều hoạt động nổi bật.

Workshop “Nói thuyết phục”“Nhà tuyển dụng cần gì?” diễn ra đồng thời vào buổi sáng chính là hai hoạt động mở màn đầy ấn tượng cho Khởi đầu mới năm nay.

201710113

Hình 2: Workshop Nói thuyết phục

Workshop “Nói thuyết phục” dành riêng cho sinh viên năm 1, năm 2 được tổ chức với sự tham gia của hơn 100 sinh viên cả trong và ngoài khoa. Workshop diễn ra dưới sự dẫn dắt độc đáo và hấp dẫn của diễn giả Dương Thành Truyền – Chủ tịch HĐQT NXB Trẻ và khách mời TS Lê Quang Trường – Phó trưởng khoa Văn học. Trải qua hơn 3 giờ lắng nghe và thực hành những chia sẻ của diễn giả, các bạn sinh viên có cơ hội tìm hiểu sâu hơn về nghệ thuật nói thuyết phục và tầm quan trọng của nó trong giao tiếp thường ngày cũng như trong học tập, phỏng vấn, làm việc. Buổi chia sẻ diễn ra sôi nổi với nhiều bí quyết và bài học bổ ích, thú vị. Đây chắc chắn sẽ là hành trang cần thiết để mỗi sinh viên tự tin trên con đường khẳng định bản thân và chinh phục đam mê.

201710114

Hình 3: Workshop Nhà tuyển dụng cần gì

Workshop “Nhà tuyển dụng cần gì?” dành riêng cho sinh viên năm 3, năm 4 có sự hiện diện của nhiều diễn giả: anh Lê Minh Tuấn, chị Đặng Thị Hương, chị Phùng Thị Hạ Nguyên, anh Lưu Hồng Sơn. Đây đều là những cựu sinh viên trưởng thành từ khoa Văn, hiện đang công tác trong nhiều lĩnh vực khác nhau: báo chí, truyền thông, nghiên cứu, giảng dạy… Dưới sự dẫn dắt của ThS Lê Thị Thanh Vy và sự góp mặt của ThS Nguyễn Ngọc Bảo Trâm – giảng viên khoa Văn học, workshop mở ra một không gian chia sẻ thân mật, gần gũi, nơi các diễn giả trải lòng về những câu chuyện vui có, buồn có, đầy suy ngẫm trong nghề nghiệp của chính mình. Sở hữu nhiều kinh nghiệm trong nghề, các diễn giả cũng đã cung cấp nhiều thông tin bổ ích và giúp các bạn trẻ nhận rõ những khó khăn, thuận lợi khi hoạt động trong từng lĩnh vực nghề nghiệp khác nhau. Workshop chính là cơ hội để mỗi sinh viên học hỏi, tiếp thu nhiều bài học kinh nghiệm quí báu cho riêng mình. Từ đó trong thời gian tiếp theo, có sự chuẩn bị, trau dồi và phát triển những kĩ năng phù hợp, phục vụ tốt nhất cho công việc tương lai.

          Nối tiếp thành công của hai workshop, gian hàng “Sắc màu khoa Văn” đến từ Câu lạc bộ và chi đoàn các khóa được tổ chức ngay sau đó đã trở thành một điểm nhấn không thể không nhắc đến tại Khởi đầu mới. Mỗi năm, bằng sự sáng tạo và năng động của những người trẻ, các gian hàng lại được bài trí theo những phong cách khác nhau, các sản phẩm cũng có phần đa dạng, hấp dẫn hơn. Ngoài gian hàng ẩm thực, thư pháp và sách quen thuộc, một sân khấu acoustic đặc biệt hoành tráng đã xuất hiện ngay tại sảnh C để các bạn sinh viên có thể tự tin thể hiện tài năng văn nghệ, góp phần tạo bầu không khí lôi cuốn, náo nhiệt cho ngày hội năm nay.   

201710111

Hình 4: Sân khấu acoustic

Lễ đón Tân sinh viên, chúc mừng Tân cử nhân và trao quỹ học bổng Ngữ văn chính là phần được trông đợi nhất của Khởi đầu mới 2017. Chương trình có sự góp mặt của PGS.TS Trần Lê Hoa Tranh - Phó trưởng khoa Văn học, TS. Lê Quang Trường - Phó trưởng khoa Văn học; các thầy cô là giảng viên khoa Văn học: ThS. Đào Thị Diễm Trang, ThS. Hồ Khánh Vân, TS. Đào Lê Na, ThS. Lê Thị Thanh Vy; cô Nguyễn Thị Tâm, thầy Lê Văn Dũng - giáo vụ khoa; đại diện nhà tài trợ có ông Trần Văn Tấn (Giám đốc công ty Đại Việt) và chị Nguyễn Lâm Như Quỳnh (công ty Duy Lợi); cùng các thế hệ sinh viên, cựu sinh viên, cán bộ Đoàn - Hội các thời kì cũng đã có mặt đông đảo trong ngày hội lớn của khoa. 

Với thông điệp, dù cho con đường phía trước có lắm chông gai, và đôi chân ta quá ngại, nhưng hễ lòng quyết tâm vẫn còn thì những đỉnh núi ước mơ, hoài bão vẫn còn chờ ngày ta bước chân lên để đón ánh bình minh của tri thức, sức mạnh, “Đón bình minh” đã được chọn làm chủ đề của Khởi đầu mới năm nay. Ca khúc chủ đề “Đón bình minh” với giai điệu vui tươi, tràn đầy sức sống cũng đã mở màn cho buổi lễ. Nối tiếp chương trình, PGS.TS Trần Lê Hoa Tranh – Phó trưởng khoa Văn học đã có bài phát biểu đầy xúc động và truyền cảm hứng đến các thế hệ sinh viên đã, đang và sẽ học tập, trưởng thành từ khoa Văn học. Đại diện nhà tài trợ, ông Trần Văn Tấn cũng đã có những gửi gắm nhiều tâm huyết đến toàn thể sinh viên có mặt tại hội trường.

Lễ tuyên dương thủ khoa tuyển sinh đầu vào và đầu ra đã diễn ra với nhiều cảm xúc hân hoan xen lẫn lắng đọng. Kể từ thời khắc này, những bước ngoặt mới mẻ và quan trọng sẽ mở ra trong cuộc đời mỗi sinh viên. Với các bạn Tân sinh viên, khung trời của văn chương, tình yêu và sức trẻ đang rộng mở, đón đợi những đôi chân ham thích khám phá. Với các bạn Tân cử nhân, phía trước là ngưỡng cửa vào đời đầy khó khăn, thách thức nhưng cũng hứa hẹn nhiều cơ hội và trải nghiệm. Nhưng dù các bạn là ai, đang ở đâu trên chuyến hành trình của riêng mình, thì đừng quên rằng, phía sau bạn luôn là sự dõi theo và đồng hành từ những người đặc biệt. 20 suất học bổng Ngữ văn được trao ngay tại buổi lễ chính là sự hỗ trợ đặc biệt ấy từ phía BCN khoa và các cựu sinh viên đến các bạn có hoàn cảnh khó khăn nhưng luôn nỗ lực vươn lên trong quá trình học tập và rèn luyện. Buổi lễ cũng đã kịp thời ghi nhận, biểu dương những sinh viên có thành tích tiêu biểu trong học tập và rèn luyện, có những đóng góp tích cực cho công tác Đoàn - Hội của khoa trong năm học vừa qua.

Điểm nhấn đặc biệt của buổi lễ chính là nghi thức truyền lửa - tiếp nối đam mê, kết nối thế hệ - nghi thức lần đầu tiên xuất hiện sau 6 mùa Khởi đầu mới. PGS.TS Trần Lê Hoa Tranh - Phó trưởng khoa Văn học đã tận tay trao biểu tượng ngòi bút cách điệu hình cánh chim đến đại diện các Tân sinh viên là thủ khoa, á khoa, có thành tích tiêu biểu. Trên nền nhạc ca khúc “Đừng ngại ngùng”, các thế hệ sinh viên tiếp tục chuyền tay nhau biểu tượng truyền thống của khoa, mang theo khát vọng đem văn chương, tri thức và sức trẻ cất cánh vươn xa đến những chân trời mới. Nghi thức truyền lửa - tiếp nối đam mê, kết nối thế hệ cũng đã khép lại buổi lễ trong cảm xúc vỡ òa của người tham dự.

Khởi đầu mới lần thứ 7 năm 2017 với chủ đề Đón bình minh đã kết thúc với nụ cười tin yêu và cả những giọt nước mắt xúc động đã thêm một lần chứng tỏ sức hút và ý nghĩa tốt đẹp mà ngày hội này mang đến. Có được một mùa Khởi đầu mới thành công như thế, không thể không nhắc đến và tri ân công sức, tâm huyết của tập thể BCN, cán bộ giảng viên và BCH Đoàn - Hội khoa; cũng như sự đồng hành, hỗ trợ lớn lao từ phía nhà tài trợ và các thế hệ sinh viên.

Tin rằng trên hành trình viết tiếp đam mê và tình yêu của mỗi sinh viên, Khởi đầu mới mãi là viên gạch đầu tiên, nâng bước những đôi chân còn đang e ngại, để mỗi người khoa Văn thêm vững tin và bản lĩnh tiến về phía trước. Để hằng năm cứ vào dịp cuối tháng 10, những thế hệ người khoa Văn lại thì thầm gọi nhau, hình như một mùa Khởi đầu mới nữa lại về... 

20170718.buoc chan

Nếu bây giờ mình lần nữa lại thương?

Nếu bây giờ mình mở rộng vòng tay

Để một lần nữa cùng trở về nương náu

             Sáng ngày 20/09/2015, Đoàn – Hội Khoa Văn học & Ngôn ngữ đã tổ chức thành công chương trình “Tân sinh viên đến với bảo tàng – Tham quan Bảo tàng Chứng tích chiến tranh’’. Đây là chương trình đầu tiên của Khoa sau buổi gặp gỡ tân sinh viên vào ngày 19/09 trước đó, cũng là một hoạt động thường niên dành riêng cho tân sinh viên Khoa, nhằm giúp các bạn tìm hiểu rõ hơn về lịch sử dân tộc, đồng thời tạo sự giao lưu đầu tiên, làm tiền đề cho các bạn gắn kết trong suốt bậc đại học, cũng như bổ sung thêm những kĩ năng hoạt động nhóm khác. Chuyến đi đã thu hút khoảng 150 sinh viên khóa 2015-2019 (K15), để lại trong lòng những ấn tương đẹp đối với tân sinh viên.

(Đọc Đi qua những mùa vàng của Hồ Huy Sơn)

             Từng bước chân Đi qua những mùa vàng đã phác họa toàn cảnh miền ký ức tuổi thơ  của những đứa trẻ vùng thôn quê Bắc Trung bộ- nơi con người tận hưởng được khí trời thiên nhiên đặc thù rõ nét nhất của tứ mùa Xuân- Hạ- Thu- Đông. Cầm cuốn sách này trên tay, tuổi thơ tôi như trở về mạnh mẽ trong vị ngọt ngào của tình yêu quê hương, đất nước, tĩnh lặng trong ngàn vẻ đẹp đơn sơ, mộc mạc, chân quê nhưng sôi nổi, rạo rực, âm vang một cách hồn nhiên trong tiếng cười của trẻ con đất Bắc nơi đây.

            Hồ Huy Sơn là một nhà văn trẻ, sinh ra tại quê hương xứ Nghệ nhưng anh lại bén duyên văn chương với đất Nam, đặc biệt là cái duyên với trẻ con. Văn phong của Hồ Huy Sơn luôn man mác một sự hồi tưởng của quá khứ đan xen hiện tại. Đến với Đi qua những mùa vàng tuổi thơ như xem một thước phim tua ngược, từng dòng ký ức đọng lại trong một miền thăm thẳm, từng chút từng chút khẽ rơi khi hội ngộ cùng không gian, thời gian. Ngòi bút chân thật, lấp lánh một tuổi thơ gây sự thích thú, tò mò của trẻ con trong đô thị rộng lớn nhưng lại chật hẹp cho những cái chạm khẽ vào tự nhiên, hòa mình tận hưởng tình yêu, thức quà trời đất.

25 miền ký ức trong một mùa vàng ươm tình yêu quê nhà, đọng lại từng giọt trong tâm trí nhà văn. Tuổi thơ của anh là những ngày mưa rất mưa, những buổi ban trưa rực nắng, không ngủ trốn ba má tìm về với sông, ôm trọn dòng nước mát lành vào lòng, thu chiến lợi phẩm từ những con tôm đỏ quạch óng ánh trứng vàng trên ngọn lửa, những trứng vịt đẻ rớt dưới sông, mùi thum thủm nhưng rất ưa là thức đời. Kỷ niệm gom trọn trong mùi hương của mẹt thị thơm giữa phố, trong màu sắc sặc sỡ của những con tò he ngày bé làm bằng bột gạo hễ chơi chán thì đem nướng vào than hồng rồi ăn, kỷ niệm len lỏi trong những que kem đổi từ việc thu nhặt ve chai mang lại, nhìn những que kem chảy thành từng giọt rồi đưa miệng tóm gọn hay chơi sang cắn lấy một miếng rồi cảm nhận cái mát chan chứa từ đầu lưỡi đến cổ họng. Anh nhớ những ngày lớn lên cùng cây cùng khu vườn tuổi nhỏ trong những mùa rộ trái say quả, yêu thương cũng đong trong từng món ăn quê nhà, những trái cà muối ngâm mặn giòn tan, làn da trắng óng ả hòa quyện cùng hương mắm tôm với vị chua của canh lẫn với vị cay của ớt, vang dậy trong tiếng “rụp” nhẹ nhàng từ trái cà muối cắn vỡ làm đôi lan tỏa từng kẽ răng khuôn lưỡi. Anh cũng nhớ nồi canh rau nhót, hay chảo rau nhót đảo vừng thơm nức mũi, những con sứa dai, vàng hòa trong ruốt chấm thơm lựng đã như một món ăn tuyệt thú không bao giờ quên của biển mang lại. Và ký ức anh cũng đong đầy cái nhớ cái thương ấm áp trong ký ức buồn về bà, về những ngày tháng gian khổ, cơ cực của mẹ,… Đọc Đi qua những mùa vàng, tôi mới cảm nhận ký ức con người luôn được gợi lại từ tiếng vọng không gian của những cơn giao mùa, thu gợi xúc cảm, đông sang nhớ người, kỷ niệm chợt ùa về với những tình thương ấm áp từ gia đình, sự hy sinh bảo ban cho những ngày hờn dỗi không hiểu chuyện của con nít chúng tôi. Tất cả đọng lại, theo ngày tháng chúng rỉ rả, râm ran khiến lòng bùi ngùi khó tả.

            Mỗi con người trưởng thành đã từng là những đứa trẻ. Hồ Huy Sơn đã cho những người từng là trẻ con ngắm nghía lại tuổi thơ mình và những trẻ con cảm nhận một tuổi thơ tươi đẹp trên chính đất nước của mình. Cái kết cho một vùng ký ức phân mảnh tinh tế qua những mảnh ghép tâm hồn sống động, đầy sắc màu đã được tác giả chốt bằng những gía trị đạo đức từ ngàn xưa trong truyền thống dân tộc. Cái quay về quá khứ của tác giả là một minh chứng rằng, cuộc sống thông minh, hiện đại cho đến đâu con người vẫn cần một truyền thống để quay đầu nhìn lại nghĩ suy cùng cổ tích cùng nhữ giá trị hướng con người đến việc bảo tồn và phát huy nhân cách một dân tộc.

Vào 9h sáng ngày 19/09/2015, Đoàn – Hội Khoa Văn học & Ngôn ngữ đã tổ chức buổi gặp gỡ Tân sinh viên khóa 2015-2019, nhằm giới thiệu với các bạn về tổ chức Đoàn – Hội Khoa cũng như các Câu lạc bộ (CLB) – Đội – Nhóm – vốn là những nơi các bạn sẽ gắn bó trong suốt quãng đời sinh viên.

Thôi mình về làm một đứa trẻ đi em

Ngày đầu tháng Sáu lại có quà có bánh

Được yêu thương mà chẳng cần cầu cạnh

Cứ nghênh ngang vòi vĩnh thế là xong!

Thôi mình về làm một đứa trẻ đi em

Để khi buồn lại được dịp rúc vào lòng ba mẹ

Mặc ngoài kia người lớn cười với nhau bằng thật nhiều những lọc lừa, mánh khóe

Rồi họ có thấy vui?

Thôi mình về làm một đứa trẻ đi em

Để sáng sáng giả vờ đầu đau xong ngủ vùi trong lười biếng

Chẳng cần lắng lo giải quyết trăm công hay nghìn việc

Cứ mơ giấc mơ dài chuyện cổ tích xa xưa.

Thôi mình về làm một đứa trẻ đi em

Để cởi truồng tung tăng giữa cơn mưa đầu mùa mát lạnh

Thay vì nhốt mình trong phòng và lặng im trốn tránh

Khi mưa cứ nhắc nhớ cái ngày

hai đứa bỏ lại nhau…

Thôi mình về làm một đứa trẻ đi em

Để không phải nghĩ suy đi đâu, ăn gì, chi tiêu như nào là hợp lí

Để không dán mắt vào màn hình cả ngày và luôn miệng “phải làm gì để cuộc đời này không trở nên hoang phí?”

Chỉ vô tư đuổi bắt sau hè và chờ mẹ mắng “đến giờ cơm!”

Thôi mình về làm một đứa trẻ đi em

Kéo con diều vút lên mà cứ nơm nớp sợ nó đứt dây đi mất

Để lủi thủi về nhà nghe ba dỗ dành khi cuối cùng nỗi lo thành thật

Giờ thì mất cả bầu trời cũng phải tự đứng lên.

Thôi mình về làm một đứa trẻ đi em

Để khỏi mệt nhoài với cuộc đời ngoài kia chông chênh bão nổi

Bon chen chi hoài với những bộ mặt người thản nhiên lừa dối

Cứ thế nằm dài nghe mưa nắng ngoài hiên…

Thôi mình về làm một đứa trẻ bình yên.

(Suctrenhanvan) – Dưới đây là bài viết của bạn Trần Ngọc Huyền Trân, sinh viên khoa Văn học và Ngôn ngữ, đạt giải nhất của cuộc thi viết “Tự hào, tiếp bước dưới cờ Đảng”năm 2015. Xin được trân trọng giới thiệu bài viết đến các bạn.

Trong không khí sôi nổi của tháng Thanh niên, vào lúc 8h sáng ngày 19.03.2017, tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cơ sở Linh Trung - Thủ Đức đã diễn ra chương trình tọa đàm "Copy & Paste - Sáng tạo hay đạo văn" do Liên chi Hội Sinh viên Khoa Văn học và Bộ môn Ngôn ngữ học tổ chức.

Sau quá trình lên kế hoạch và chuẩn bị, chương trình tình nguyện “Gieo nắng Mã Đà" đã được thực hiện trong sự háo hức của ban tổ chức và gần 100 tình nguyện viên. Chương trình đã diễn ra trong 2 ngày (31/01-01/02/2015), tại xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai, với sự tham gia của CLB Cầu Vồng Lửa và Đội Công Tác Xã Hội trường ĐH Công Nghệ Thông Tin.

Sáng ngày 18.03.2017, tại phòng A1 – 11, trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, cơ sở Linh Trung, Thủ Đức đã diễn ra vòng 2 của cuộc thi học thuật với chủ đề “Luận bàn văn học”. Trước đó, vào ngày 11.03.2017, vòng 1 đã được tổ chức dưới hình thức trắc nghiệm kiến thức liên quan đến lĩnh vực văn học ngôn ngữ và đã chọn ra 4 đội thi xuất sắc nhất để bước vào vòng 2.

           Vào lúc 7g30, ngày thứ Bảy (31/01/2015), BCH Đoàn Khoa Văn học và Ngôn ngữ, kết hợp cùng Tổ Tu dưỡng và Rèn luyện Khoa Văn học và Ngôn ngữ đã tổ chức thành công chương trình “Về nguồn” – tham quan bảo tàng Chứng tích chiến tranh (số 28 đường Võ Văn Tần - Q3 - TPHCM). Chương trình nằm trong chuỗi hoạt động hưởng ứng 85 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2015).

          Vào lúc 13h30, ngày 20/12/2014, tại phòng D407, Trường ĐH KHXH&NV, CS. Đinh Tiên Hoàng, BCH Đoàn khoa Văn học và Ngôn ngữ kết hợp cùng Liên chi hội sinh viên Bộ môn Ngữ văn Ý đã tổ chức thành công buổi tọa đàm với chủ đề “Những đặc điểm và thành tựu của văn học Ý thời kì Phục hưng”. Đây là buổi chia sẻ, giao lưu đầy ý nghĩa, nhằm giới thiệu đến sinh viên những thành tựu nổi bật của văn học Ý giai đoạn Phục hưng, vốn gắn liền với chủ nghĩa nhân văn tại châu Âu.

Trong những ngày Tết đến Xuân về của năm 2016, chiến dịch “Xuân tình nguyện” đã được các sinh viên khoa Văn học và Ngôn ngữ mang đến Biên giới biển xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre. Nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực và mang tính nhân văn sâu sắc đã được diễn ra.

 

"The Team" chụp hình lưu niệm.

 

Vào ngày 16/11/2014, chương trình sinh hoạt ngoại khóa “The Team 2014” do CLB Rubic (trực thuộc Đoàn Khoa Văn học và Ngôn ngữ) tổ chức đã diễn ra sôi nổi. Đây là chương trình thường niên của CLB với mục tiêu rèn luyện các kĩ năng ngoài trời cơ bản, bồi dưỡng khả năng xử lý tình huống và khả năng thể hiện cá tính bản thân. Chương trình đã tạo sân chơi để các bạn sinh viên thư giãn, giao lưu, gia tăng tinh thần đoàn kết tập thể.

Chuyên mục phụ

Thông tin truy cập

60799714
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
19215
24669
60799714

Thành viên trực tuyến

Đang có 242 khách và không thành viên đang online

Danh mục website