1.Cũng giống như các hiện tượng ngữ âm, các hiện tượng về ngữ nghĩa mang tính quy luật cũng có thể dùng để xác định từ nguyên tiếng Việt. Trong bài này chúng tôi xin nều bốn hiện tượng tiêu biểu là ẩn dụ, hoán dụ, láy nghĩa và chuyển nghĩa.Trong bốn hiện tượng này, hai hiện tượng đầu phổ quát hơn.
2.1. Ẩn dụ
“Ẩn dụ là phép sử dụng từ ngữ ở nghĩa chuyển dựa trên cơ sở sự tương đồng, sự giống nhau…giữa các thuộc tính của cái dùng để nói và cái muốn nói đến”[9]. Ẩn dụ có ba hình thức:
a)Ẩn dụ vật thể (áp dụng cho danh từ):
-Ẩn dụ hình thể: quả (tim), mũi (dao), tay (ghế),..
-Ẩn dụ chức năng: cửa (sông), thầy (bói), cánh (quạt),..
b)Ẩn dụ tính chất (áp dụng cho tính từ):
-Ẩn dụ tính chất: (tâm hồn) cứng rắn, (trách nhiệm) nặng nề, (lòng căm thù) sôi sục,…
-Ẩn dụ cảm giác: (nói) ngọt, (giọng) chua, (pha trò) nhạt nhẽo,…
c)Ẩn dụ hoạt động (áp dụng cho động từ):
-Ẩn dụ động tác: (gió) thổi, (máy) bay, (mặt trời) mọc, …
-Ẩn dụ cách thức: nắm (vấn đề), cắt (hộ khẩu), tích lũy (kinh nghiệm),…
Trong địa danh, ẩn dụng đã được sử dụng trong nhiều trường hợp sau:
Hòn Phụ Tử (ở Hà Tiên): tảng đá có hai đỉnh, một cao một thấp, giống như hai cha con.
Hòn Vọng Phu: tảng đá có hình dáng giống như một người mẹ ôm con, chờ chồng.
Đèo Con Rắn (Đồng Nai): đèo ngoằn ngoèo như con rắn bò.
Núi Tiến Sĩ (Thanh Hóa): vì núi có hình dáng giống như ông tiến sĩ đội mão.
2.2..Hoán dụ
“Hoán dụ là hiện tượng chuyển hóa về tên goi – tên của một đối tượng này được dùng để gọi vật kia – dựa trên quy luật lien tưởng tiếp cận”[2]. Có ba “cơ chế”tiếp cận:
a)Tiêp giáp: cổ (áo), tay (áo), lưng (quần),..
b)Tiếp tạo:
-Từ nguyên liệu đến sản phẩm: (cái) thau, (một) đồng, (cái) kính,…
-Giữa hoạt động và sản phẩm: (một) gói, (hai) bó, (ba) nắm,…
-Giữa nguồn gốc và sản phẩm:
Ở miền Bắc trước đây chỉ có lúa gặt vào tháng mười, gọi là lúa mùa, nên vào khoảng tháng năm, tháng sáu thường thiếu gạo ăn. Khi vào miền Trung gặp người Chăm có loại lúa gặt vào tháng năm, người Việt tiếp thu nên loại lúa này mang tên lúa Chiêm (Thành).
Ở miền Nam trước đây có nhiều giống thực vật và động vật du nhập từ nước Thái Lan láng giềng. Vào thời đó, nước Thái còn gọi là nước Xiêm nên giống dừa nhập từ nước này mang tên dừa xiêm và giống vịt nhập từ đất Thái mang tên vịt xiêm. Ngày nay có thêm các món ăn lẩu thái, chè thái.
Loại bún, loại gạch do người Hoa sản xuất thì gọi là bún tàu, gạch tàu vì trước đây ta gọi người Hoa là người Tàu.
Sau khi người Pháp sang xâm chiếm nước ta, họ có mang vào một số sản phẩm do họ hoặc các nước khác sản xuất để tiêu thụ, như các loại dược phẩm, văn hóa phẩm, quần áo, giày dép,…Thế là trong tiếng Việt có các từ ngữ quần tây, thuốc tây, giày tây, trường tây, bài tây,…vì trước đây ta gọi người Pháp là Tây.
Trước năm 1945, một loại đèn do người Mỹ sản xuất, được mang vào bán ở nước ta, gọi là đèn hoa kỳ. Đó là loại “đèn dầu hỏa nhỏ, có bấc tròn”[5]. Có lẽ chỉ phổ biến ở miền Bắc nên nên trong Nam không nghe nói đến loại đèn này.
Tắt Ráng vốn là một “dòng nước để đi tắt, hai bên bờ có nhiều cỏ ráng”ở thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. Năm 1957, ông Dương Văn Năm là người địa phương đầu tiên sản xuất chiếc xuồng kiểu này. Sau đó chiếc xuồng đi đua nhanh nhất, đoạt giải thưởng trong nhiều trận đua ghe nên nổi tiếng cả Nam Bộ [7]. Nhiều người theo kiểu xuồng này tiêp tục sản xuất cho đến ngày nay nhưng viết sai chính tả thành tắc ráng.
Lưu Cầu vốn là một quần đảo của Nhật Bản. Tại đây người ta sản xuất một loại dao rất bén nên người Việt gọi dao bén đó là cái lưu cầu. Trong Cung oán ngâm khúc, Nguyễn Gia Thiều thông cảm với các nàng cung nữ chết mòn chết héo trong cung cấm vì thương nhớ gia đình quê hương, đã chia sẻ nỗi sầu của các nàng:
Giết nhau chẳng cái lưu cầu
Giết nhau bằng cái ưu sầu, độc chưa!
Làng Giai ở tỉnh Thái Bình, chuyên sản xuất loại gàu có bốn sợi dây dài để hai người cầm dây múc nước tát rất nổi tiếng nhờ chất lượng. Vì thế, người Việt gọi loại gàu ấy là gàu giai [11].
Gò Găng ở tỉnh Bình Định là một làng nghề chuyên sản xuất một loại nón vừa đẹp vừa bền nên mọi người gọi loại nón đó là nón gò găng [7].
Người Huế có sản xuất một loại nón rất đẹp, trong đó có lồng một vài câu thơ
nên được người Việt gán cho cái tên nón Huế hay nón bài thơ.
-Giữa nơi xuất phát và con người:
Người Trung Quốc ngày xưa từ tàu thủy lên giao thương với người Việt nên dân Việt gọi họ là người Tàu.
Người Pháp từ phương Tây sang xâm chiếm nước ta nên dân ta gọi họ là giặc Tây.
Người Trung Quốc thấy đất nước Phù tang nằm tại vị trí mặt trời mọc nên gọi là Nhật Bản (cái gốc của mặt trời).
Honda vốn là tên một kỹ sư người Nhật chế tạo một loại xe máy và xe hơi mang tên ông nên người ta gọi chiếc honđa.
Lao Bảo là đồn canh (bảo) đi sang nước Ai Lao (Lào).
c)Hàm chứa
-Lấy tiếng kêu của con vật làm tên nó: (con) bò, (con) mèo, (con) tu hú,…
-Lấy tên bộ phận chỉ toàn thể: miệng (ăn) = con người, đầu (xe) = chiếc (xe), gốc (dừa) = cây (dừa),…
Hoa Kỳ là “cờ bông” vì cờ nước Mỹ có tới 50 ngôi sao giống như 50 cái hoa. Lấy lá cờ chỉ nước Mỹ là một hoán dụ.
Ngày xưa, có bọn cướp biển vào đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) chiếm một cái hang làm sào huyêt. Chúng thường sử dụng các chiếc tàu thủy sơn đen nên người Việt xưa kia gọi bọn này là giặc Tàu Ô và cái hang mà chúng chiếm cứ là hang Tàu Ô.
Cuối thế kỷ 19, Lưu Vĩnh Phúc, dư đảng của Thái bình Thiên quốc, từ Trung Quốc chạy vào Việt Nam, tổ chức cướp phá ở vùng Tuyên Quang, Thái Nguyên. Chúng thường sử dụng cờ màu đen nên dân ta gọi bọn cướp này là giặc Cờ đen.
Cây vợt trẻ, cây bút trẻ là cách gọi các vận động viên, nhà thơ/văn còn nhỏ tuổi mà đã bộc lộ tài năng.
Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã hai lần dùng từ tổ con đen:
-Mập mờ đánh lận con đen
-Mượn màu son phấn đánh lừa con đen.
Các học giả lỗi lạc từ Trương Vĩnh Ký đến Đào Duy Anh đều hiểu lầm con đen là dân đen. Trong một lần phản biện một luận án về thành ngữ điển tích, chúng tôi bất ngờ phát hiện trong Đại Nam quốc âm tự vị [6] của Huỳnh Tịnh Của có giải thích từ tổ này: con đen: con ngươi; tròng đen. Và tác giả trích dẫn thí dụ là câu thơ thứ hai ở trên.
Ở đây, ta thấy từ con chỉ vật sinh động như con vật và tròng đen là bộ phận chủ yếu của mắt.
-Lấy tên vật sử dụng chỉ người sử dụng:
Đồng là tên kim loại có màu đỏ. Người Trung Quốc ngày xưa lấy đồng làm gương soi, gọi là cái đồng. Một số thầy cúng tay cầm gương soi, miệng đọc thần chú để cầu khẩn cho thần linh hoặc hồn người chết nhập vào mình, ta gọi người ấy là ông đồng.
Bạc và đồng là hai thứ kim loại được dùng làm tiền ngày xưa. Vì vậy, ngày nay ta nói tiền bạc và một đồng, hai đồng.
-Lấy tên người làm hỏng để chỉ sự hỏng:
Khoảng năm 1960, trong một kỳ thi tú tài ở Sài Gòn, có một giám khảo môn Pháp văn rất nghiêm khắc. Lúc đó tất cả các môn học sau khi thi viết thì thi vấn đáp. Giám khảo đó tên Trần Văn Lúa, dạy môn tiếng Pháp ở trường Đại học Văn Khoa Sài Gòn (Đại học Khoa học xã hội và nhân văn ngày nay) được mời chấm thi. Khi vào thi vấn đáp, ông hỏi câu thứ nhất, nếu thí sinh không trả lời được; ông hỏi tiếp câu thứ hai, nếu không trả lời được, ông đánh hỏng ngay thí sinh. Năm đó, số học sinh trúng tuyển rất thấp. Cho nên ngay trong kỳ thi, học sinh đã lan truyền nỗi khiếp sợ của mình bằng câu: “Chết cha! Gặp ông Lúa rồi!” Sau năm đó, từ tổ “lúa rồi!” đồng nghĩa với “hỏng rồi!”, “tiêu rồi!”trở thành thông dụng ở miền Nam trước ngày 30-4-1975.
2.3.Láy nghĩa
Láy nghĩa là hiện tượng hai từ đồng nghĩa hoặc gần nghĩa trong một ngôn ngữ hoặc hai ngôn ngữ đi đôi với nhau.
2.3.1.Trong tiếng Việt: dấu vết, song le, tìm kiếm, yêu thương, roi vọt, thơm tho, nhỏ bé, to lớn, …
Trong nhiều tác phẩm nôm cổ, từ le trong song le có nghĩa là “nhưng” xuất hiện khá nhiều:
-Đồn rằng huyện Ngọc có kênh Trầm
Tuy hẹp le vui hết mấy rằm
(Hồng Đức, Phong cảnh b.35)
-Hậu Nghệ thấy mặt Hằng Nga
Trương cung muốn bắn le đà chẳng đang
(Thiên Nam ngữ lục, c. 5.704)
Từ bỏng trong bé bỏng có nghĩa là “nhỏ”xuất hiện trong Thiên Nam ngữ lục với câu:
-Trẻ thơ bỏng dại thiếu người lo toan.
Từ tho trong thơm tho chỉ một loại trái cây cùng loại với thơm/khóm nhưng lớn hơn. Loại trái này còn ở vùng Trà Vinh (theo TS Thái Văn Chai, quê ở tỉnh này, cho biết).
2.3.2.Trong hai ngôn ngữ:
-Việt + Hán: cầu kiều (Muốn sang thì bắc cầu kiều…).
-Việt + Pháp: xanh lơ (bleu), canh gác (garde).
-Việt + Tày, Nùng: tre pheo.
-Việt + Mường: xanh lè.
-Việt + Thái: chó má (Thái: ma = chó, đồng hóa thanh)
-Việt + Khmer: đất đai.
Hiện tượng này càng được củng cố khi ta tìm thấy trong các từ điển cồ nhiều từ ghép mà lâu nay ta cứ tưởng đó là từ láy: hẹp hòi, hỏi han, ướt át, thiếu thốn…
Hòi [12]: chật hẹp. Hẹp hòi dạ: hà tiện.
Han [6]: hỏi tới, nói tới. Han hỏi = hỏi han. Qua hiện tượng hoán vị được giữa hai yếu tố, ta thấy đây là một từ ghép, không phải là từ láy. Trong Truyện Kiều, khi Tú Bà đón Kiều, Nguyễn Du viết:
Trước xe lơi lả han chào.
Át [6]: ướt: Đàng đi ướt át.
Thốn [6]: thiếu. Thốn thiếu=thiếu thốn. Đây là bằng chứng của từ láy nghĩa.
Trăn trong trăn trở ngày nay chúng ta không còn hiểu nghĩa. Trong [12] ghi blăn blở, sau chuyển thành trăn trở. Blan ở đây có nghĩa lăn, do đó trăn cũng có nghĩa là “lăn”. Vậy trăn trở láy nghĩa với nhau.
Ray trong ray rứt ngày nay không còn sử dụng. Nhưng trong [12], ray là “kẹp, cấu xé, mổ”. Vậy ray và rứt gần nghĩa, nên đã láy nghĩa với nhau.
Tria trong trau tria hiện nay đã mất nghĩa. Nhưng trong Từ điển Annam-Lusitan-Latinh [12], trau và tria (viết blau, blia) đồng nghĩa là “san bằng đất” và trau tria trong [12] đã có nghĩa rộng là “làm cho vật gì bằng phẳng”.Trong Tự điểnViệt Nam [8] của Lê Văn Đức còn ghi, nhưng trong Từ điển tiếng Việt [5] của Hoàng Phê không còn ghi nhận từ này.
Vọt trong roi vọt nhiều người không còn hiểu nghĩa của từ này và các từ điển tiếng Việt hiện đại không ghi lại. Vọt vốn là tên một loại cây có thân bằng vài ngón tay, mọc nhiều ở vùng Nghệ Tĩnh, thường dùng làm roi. Tại huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh có địa danh Bãi Vọt vì nơi đây cây này còn mọc đầy [1].
Rên siết/rên xiết ngày nay được hiểu là “than thở một cách ai oán vì bị đè nén, áp bức, cực khổ, không chịu đựng nổi”[5]. Trong [12], viết siếc và dịch là “lẩm bẩm khi bị truyền khiến một việc gì”. Vậy nghĩa của rên siếc và rên xiết không thay đổi, nhưng siếc/siết/xiết ngày nay không còn dùng độc lập.
Ọp và ẹp trong Từ điển Annam-Lusitan-Latinh [12] đồng nghĩa là “mềm” nên láy nghĩa với nhau. Hai từ này đã đi đôi trong thế kỷ XVII cũng như ngày nay và hiện mang nghĩa “ở trạng thái đã hư hỏng nhiều, đến mức các bộ phận không còn gắn chặt với nhau, dễ sụp đổ”[5].
Hè trong Từ điển Annam-Lusitan-Latinh [12] là “một thứ nghi lễ mà người lương dân làm suốt ba năm đối với người chết”. Vậy hội và hè gần nghĩa nên láy nghĩa với nhau thành hội hè.
Lệ trong Từ điển Annam-Lusitan-Latinh [12] là “lo sợ”. E trong e ngại gần nghĩa với lệ nên hai từ e và lệ láy nghĩa với nhau thành e lệ sau thế kỷ XVII.
Bải hay binh bải là “người lừa dối” [12]. Bải/bãi này ngày nay không còn dùng nữa. Chỉ còn từ bợm bãi, nghĩa là “kẻ chuyên lừa bịp; bợm”[5]. Vậy bợm và bải/bãi đồng nghĩa và láy nghĩa với nhau.
Từ yêu dấu ngày nay còn dùng phổ biến. Nhưng riêng từ dấu trong quá khứ như trong [12], có nghĩa là “yêu”. Tục ngữ cổ có câu: “Con vua vua dấu; con chúa chúa yêu”[11].
Trọt trong trồng trọt ngày nay không còn dùng độc lâp, nhưng trong Từ điển Annam-Lusitan-Latinh [12] còn sử dụng: trọt cây là “trồng cây”. Vậy hai từ trồng, trọt đồng nghĩa và láy nghĩa với nhau thành trồng trọt.
Dại dột ngày nay còn dùng phổ biến. Nhưng dột không còn tính độc lập trong ngôn ngữ hàng ngày. Tuy nhiên trong Từ điển Annam-Lusitan-Latinh [12], dột còn sử dụng và đồng nghĩa với dại nên hai từ dại và dột láy nghĩa với nhau.
Buồn bực ngày nay là “buồn và khó chịu, bứt rứt trong lòng”. Trong Từ điển Annam-Lusitan-Latinh [12], tại từ bực, tác giả đưa từ buồn bực vào đây. Và từ bực có nghĩa là “có tang”; áo bực là áo tang.
Ngày nay chúng ta còn dùng tơ tưởng với nghĩa “nghĩ liên miên không dứt đến người hoặc cái mà mình nhớ mong, ước muốn”[5]. Còn từ tơ thì đã mất nghĩa. Trong Từ điển Annam-Lusitan-Latinh [12] giải thích tơ là “yêu” và tơ thương cũng là “yêu”.
Gớm ghiếc ngày nay có nghĩa khái quát là “trông ghê sợ, ghê tởm”. Ghiếc hoàn toàn mất nghĩa, nhưng trong Từ điển Annam-Lusitan-Latinh [12], ghiếc được giải thích là “buồn nôn”.
Từ mình mẩy có nghĩa khái quát chỉ cơ thể. Thật ra, mẩy là một từ độc lập, chỉ bộ phận sinh dục phụ nữ. Mình chỉ toàn cơ thể, mẩy chỉ một bộ phận trên cơ thể. Mình mẩy có cấu tạo tương tự mặt mũi, nhà cửa, .. Ngày nay, mẩy chỉ có nghĩa “to và chắc hạt, chắc thịt (thường nói về hạt thóc)”[5].
Áp dụng hiện tượng láy nghĩa vào địa danh Hà La, một thôn của huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, ta thấy Từ Thu Mai có lý: Hà là từ Hán Việt có nghĩa là “sông”; La: yếu tố Vân Kiều, nghĩa là “sông, suối”. Hai thành tố đã láy nghĩa với nhau, có nghĩa là “sông”.
2.4.Chuyển nghĩa
Một từ ban đầu có một nghĩa cụ thể, nhưng qua quá trình sử dụng, do tính chất của sự việc, khiến nó biến thành một nghĩa biểu trưng.
Ăn cỏ năn là hình phạt của người xưa với ngụ ý người phạm tội đã có hành động ngu xuẩn như loài động vật [12]. Do đó, về sau từ này chuyển nghĩa là “cảm thấy đau xót, ray rứt vì tội lỗi của mình”.
Trà trộn là thứ trà ngon có pha trộn trà dở vào để bán được lời nhiều. Vì vậy, Huỳnh Tịnh Của giải thích trà trộn là “chè giả”, còn Génibrel dịch là thé mélangé (trà có pha trộn). Ngày nay, chúng ta hiểu “lẩn vào đám đông để khỏi bị phát hiện”[5].
Tóc hoa râm ngày nay được hiểu là tóc “điểm trắng lốm đốm”[5]. Hoa râm nguyên là hoa cây râm. Génibrel dịch đầu bạc hoa râm là “Tête à fleurs de râm; Cad. Cheveux grissonnants; chevelure qui blanchit. Blanchir” (đầu như hoa cây râm; nghĩa là
tóc xám; mái tóc trắng. Trắng ra”. Cây râm ngày nay còn mọc ở vùng Nghệ An. Gỗ cây trăm thường dùng làm tăm xỉa răng.
Ba que là một trò chơi, gồm 3 cây que. Người tổ chức nắm 3 cây que, 1 dài và 2 ngắn, trong bàn tay. Nếu người tham gia chơi rút nhằm 1 trong 2 cây ngắn thì bị thua. Còn người ấy rút nhằm cây dài thì thắng. Rõ ràng người tổ chức có hai khả năng thắng, chỉ có một khả năng thua. Vì vậy, người chơi đã bị lừa vì không công bằng trong việc ăn thua.
Còn xỏ lá là một một trò chơi trong đó người tổ chức buộc một sợi dây vào một cuống lá rồi luồn sợi dây ấy qua một vòng tròn nhỏ. Người chơi cầm sợi dây kéo mạnh, nếu cuống lá xỏ vào vòng tròn thì người chơi thắng; nếu cuống lá không xuyên qua vòng tròn thì người chơi sẽ thua. Vì khi rút mạnh, lá bị chao nên cuống lá rất khó xuyên vào vòng tròn nên người chơi thường là thua.
Hai trò chơi ba que và xỏ lá ngày nay tượng trưng cho sự xảo trá, đểu giả.
Đểu cáng nguyên có nghĩa là “khiêng cái cáng”. Có lẽ câu chuyện sau đây trong Cuốn Vũ trung tùy bút [10] của Phạm Đình Hổ đã làm cho từ tổ này trở nên có nghĩa xấu. Một hôm nọ có hai tên khiêng một cái cáng phủ màn, dừng trước một cửa hàng vải lụa ở Hà Nội. Hai tên này vào tiệm bảo có một bà hoàng đang ở trong cáng muốn mua vải lụa loại rất tốt. Chủ tiệm đem ra một số hàng cho bà hoàng ở trong màn coi. Hai tên khiêng cáng lẩn trốn, mang theo hàng, mà chủ nhân không hay. Chủ hàng thấy bà hoàng không trả tiền mà hàng cũng không trả lại nhưng sợ bà hoàng nên đợi tới gần tối mới ra chỗ để cáng xem thử. Bây giờ người chủ mới hay hai tên cáng không còn, hàng không thấy mà trong cáng không có người nào cả.
Cổ kính mới xuất hiện đầu thế kỷ 20 và hiện còn sử dụng với nghia là “cổ và có vẻ trang nghiêm”[5]. Nguyên từ này bắt nguồn từ một bài thơ của vua Tự Đức: Khóc Bằng phi. Đây là một bài thơ thất ngôn bát cú Đường luật trong đó có hai câu:
Đập cổ kính ra tìm lấy bóng
Xếp tàn y lại để dành hơi
Đây là hai câu thơ nói lên nỗi đau thương tột cùng người bạn đời của vua nên ông muốn đập chiếc gương xưa mà bà từng soi mặt để tìm lai hình dáng cũ. Vậy cổ kính vốn có nghĩa là “gương xưa”, nay đã chuyển nghĩa.
Rấm ở vùng Thanh Hóa có nghĩa là “giấu”[3]. Tại huyện Hà Trung thuộc tỉnh này có gò Rấm Quân, vì gò này có cây cối rậm rap nên vua Quang Trung đưa quân vào đây để tránh tai mắt quân xâm lược vì đã gần đến mục tiêu (Hà Nội). Rấm có biến âm là dấm trong dấm dúi và từ tổ đánh rấm (trung tiện) vì xấu hổ nên thực hiện lén lút.
3.Nhờ các hiện tượng trên, ngôn ngữ nói chung và tiếng Việt nói riêng ngày càng phát triển. Dựa vào các hiện tượng vừa nói, ta có thể suy ra nguồn gốc của nhiều từ ngữ. Hiểu rõ nguồn gốc và ý nghĩa của các từ ngữ chúng ta không chỉ thú vị với những kiến thức mới mà còn yêu quý tiếng mẹ đẻ hơn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.Đinh Xuân Vịnh, Sổ tay địa danh Việt Nam, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, 2002.
2.Đỗ Hữu Châu, Từ vựng – ngữ nghĩa tiếng Việt, Nxb Giáo dục, H., 1981.
3.Đỗ Hữu Thích (Trưởng ban biên tập), Địa chí Thanh Hóa, Tập I, Địa lý và lịch sử, Nxb Văn hóa-Thông tin, H., 2000.
4.Génibrel, J.F.M. , Dictionnaire Annamite-Français, SG, 1898.
5.Hoàng Phê (cb), Từ điển tiếng Việt, Đà Nẵng, Nxb Đà Nẵng-Trung tâm Từ điển học, 2000.
6.Huỳnh Tịnh Của, Đại Nam quốc âm tự vị, SG, 1895-1896.
7.Lê Trung Hoa, Từ điển từ nguyên địa danh Việt Nam, Hà Nội, Nxb Văn hóa Thông tin, 2013.
8.Lê Văn Đức, Việt Nam từ điển, SG, Khai trí, 1970.
9.Nguyễn Như Ý (cb), Nguyễn Thanh Chương, Bùi Thiết, Từ điển địa danh văn hóa và thắng cảnh Việt Nam, HN, Nxb KHXH, 2004.
10.Phạm Đình Hổ, Vũ trung tùy bút, Nguyễn Hữu Tiến dịch, Văn học, H., 1972
11.Phạm Minh Đức, Những làng văn hóa văn nghệ dân gian đặc sắc ở Thái Bình, Nxb Văn hóa-Thông tin, H., 2006.
12.Rhodes, A. de, Từ điển Annam-Lusitan-Latinh (Thanh Lãng, Đỗ Quang Chính, Hoàng Xuân Việt dịch), HN, Nxb KHXH, 1991.
13.Từ Thu Mai, Nghiên cứu địa danh Quảng Trị, Luận án tiến sĩ ngữ văn, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN, H., 2004.
14.Vương Lộc, Từ điển từ cổ, Nxb Đà Nẵng, 2001.
(Nguồn : tạp chí Ngôn ngữ, số 1-2016, tr. 21-28)