28042024Sun
Last updateTue, 23 Apr 2024 10am

Tranh dân gian Việt Nam - Trung Quốc: những điểm tương đồng và khác biệt

Ths. Trần Xuân Hiệp

Khoa KHXH&NV, Đại học Duy Tân – Đà Nẵng

Tranh dân gian là thuật ngữ của thời đại chúng ta dùng dựa theo thuật ngữ folklore có xuất xứ từ phương Tây, để chỉ loại tranh của nhân dân mà xưa kia ở Việt Nam gọi là tranh Tết và ở Trung Quốc gọi là Niên họa. Hai cách gọi “Tranh Tết” và “Niên họa” có thể xem là cách dịch nghĩa chuyển âm, đều chỉ loại tranh đón mừng năm mới của nhân dân lao động, chủ đề chính là thờ cúng và chúc phúc, tiếp theo là truyền đạt những sinh hoạt đời thường và tác phẩm văn hóa lưu truyền trong dân gian, cách thức biểu đạt là dùng hình tượng được xây dựng bằng nét và màu trên giấy. Trong bài viết này, chúng tôi thử so sánh một số điểm tương đồng và khác biệt giữa hai dòng tranh dân gian Việt Nam và Trung Quốc, qua đó để thấy được quá trình giao lưu tiếp biến văn hóa hai nước, cũng như nét riêng đặc sắc của tranh dân gian Việt Nam - một nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc không thể bị pha lẫn với các dân tộc khác.

1. Về mặt chủ đề

Nhiều người nghiên cứu tranh dân gian Việt Nam đã chia nó ra làm nhiều thể loại khác nhau, song ở đây để tiện so sánh với tranh dân gian Trung Quốc, chúng tôi cũng phân thật khái quát thành bốn mảng lớn:

            Tranh thờ

     Tất cả các trung tâm làm tranh dân gian Việt Nam đều giành một tỉ lệ lớn trong những tranh được sản xuất là tranh thờ. Chúng ta đã gặp trong nhiều điện, phủ, chùa, những ván in bùa với tính trừ tà, yểm quỷ, và giờ đây chúng ta gặp ở Đông Hồ, Hàng Trống, Kim Hoàng, Sình và đồ thế Nam Bộ tranh thờ tương đồng với tranh dân gian Trung Quốc ở cả đề tài và chức năng của vị thần được thờ. Trước hết là những tranh Ông tướng canh cửa là hai vị thần bận võ phục, trang bị vũ khí, đứng nghiêm túc, được ghi kèm tên là “Vũ Đình” và “ Thiên Ất”, song người già còn gọi là Chung Quì là Thân Thư và Uất Luật theo truyền thuyết có tài bắt ma và ăn quỷ, khi lịch sử hóa bị gắn với hai viên tướng Trung Quốc và Tần Thúc Bảo và Kính Đức đã canh gác cho vua Đường Thái Tông chữa khỏi bệnh bị ma quỷ ám. Tranh Vũ Đinh- Thiên Ất có thể xem là một cách biểu hiện khác của các tranh Môn Thần của Trung Quốc, nhưng ở Việt Nam nó được thể hiện thật khái quát, thật gọn gàng, không gớm ghiếc với người chơi tranh, được dán ngay trên hai cánh cổng vào sân nhà. Qua sân, trước khi vào nhà,  trên những bộ cánh cửa lại thấy dán các tranh những vị thần mang biển “Tiến Tài” và “Tiến Lộc” vận triều phục văn quan đạo mạo, là biểu hiện hi vọng mang sự thịnh vượng cho chủ nhà, cũng có thể xem đây là một dạng khác của Môn Thần. Khái quát hơn, người ta dán ở cửa hai tranh gà trống với các chữ “Đại cát - nghênh xuân” cũng để xua đuổi ma tà và cầu may, nó cùng với nhiều tranh gà trống khác rất gần với bức tranh gà trống “Khai thị - Đại cát” của Trung Quốc.

     Vào trong nhà, trên tường và những vị trí quan trọng thường dán bộ tranh “Tử Vi trấn trạch - Huyền Đàn trấn môn”, vị cưỡi sư tử cầm bát quái, vị cưỡi hổ cầm kiếm, có khi hai vị được vẽ chung trong một tờ với hình bát quái ở giữa. Đề tài này ở tranh dân gian Trung Quốc khá phổ biến, các vị thần này được vẽ riêng thành một tờ tranh độc lập và được vẽ lẫn vào các loại tranh Tam Giáo.

     Bộ tranh Táo quân, Thổ công, Tiên sư vị cũng luôn được các gia đình bình dân coi trọng, là sự tôn kính để tranh thủ sgia ân, phù hộ của các vị thần bếp, thần đất, thần nghề nghiệp. Những vị thần này cũng luôn được nhân dân Trung Quốc coi trọng và thể hiện thành tranh, trong đó tranh thần tổ được cụ thể hơn để gắn với từng loại nghề nhất định. Với người bình dân Việt Nam, những vị thần trên được khái quát cao và đã gắn với truyền thuyết, đã thành truyện cổ tích và sự tích các vị thần, trong đó nhân vật chính ở trong tranh Táo Quân gồm hai Ông một Bà, ở tranh Thổ Công gồm hai ông bà, ở tranh Tiên Sư chỉ có một ông, và niềm hi vọng của người chơi tranh cũng được nêu rõ thành câu đối ở hai bên tranh như “Tiên sư giáng phúc - Đại đạo sinh tài” hay “Nhật nhật hưởng vinh hoa - niên niên tăng phú quý”.

     Nếu trong nhiều đền chùa xưa cả ở Việt Nam và Trung Quốc thường có các tranh Thập Điện khổ to, mười bức mỗi bức vẽ một vị Diêm Vương xem xét hành vi của từng hồn người khi xuống cõi âm để luận công, định tội... thì ngày nay ta còn thấy nhiều tranh dân gian vẽ các Thánh Mẫu. Các tranh Bà Thủy, Bà Hỏa, Bà Gió phổ biến trong tranh dân gian người Huế, con người cần phải tranh thủ khắc phục các tai nạn là Đói - Giặc -Dịch đã khiến chúng ta liên tưởng đến các tranh Thôi sinh nương nương và Đậu chẩn nương nương trong tranh dân gian Trung Quốc nhằm khắc phục các dịch bệnh - nhất là bệnh đậu mùa. Tất cả đều được vẽ khá đơn giản mang tính khái quát. Từ đấy được nâng lên các tranh tôn giáo có phần huyền bí như các tranh Tam Thánh, các tranh Tam tòa Thánh Mẫu, Tứ Phủ hay tách ra để nhấn mạnh là các tranh Mẫu Cửu Trùng Thượng Thiên, Mẫu đệ nhị Thượng Ngàn, Mẫu Thoải Đệ Tam và tranh các chầu như tranh quan Tuần Tranh, ông Hoàng, cậu Quận tất cả tổng hợp sự liên tưởng ngay tới một loạt tranh dân gian Trung Quốc như tranh Tam Giáo, Thiên địa cửu phẩm chư thần, Thiên địa Tam giáo thân bát nhật chư thần đã hỗn dung các tôn giáo phương Đông (Phật - Nho - Lão và các tín ngưỡng cổ sơ) cùng nhau vẽ lên các thế giới thần linh ở cả thiên cung, địa cung, thủy cung và vô vàn các vị thần đầy pháp lực.

     Cùng với nhiều vị thần được nhân hóa, còn có các thần tướng vẫn được nhìn nhận ở dạng tự nhiên là con vật. Trong đó nổi lên là các thần Hổ. Trong tranh dân gian Hàng Trống, các tranh Ngũ Hổ và Hổ Xám được đưa vào nhiều thần điện và chiếm được lòng tin của các con nhang đệ tử như thứ bùa hộ mệnh để ma tà không dám ám ảnh. Tranh dân gian Trung Quốc, hổ xuất hiện không nhiều như kỳ lân nhưng cũng là vị thần quan trọng và cũng được thể hiện thành các tranh Ngũ Hổ, Bạch Hổ, tranh Trấn trạch thần linh vẽ con hổ to bên cạnh cái bình quý, góc trên có bài thơ nói rõ chủ đề tranh.

   Tranh chúc tụng

      Tranh dân gian Việt Nam thường gọi nôm là “tranh gà lợn”, chỉ thế thôi cũng đủ thấy con gà có vai trò lớn trong đời sống tình cảm của nhân dân lao động. Con gà trống trong tranh vừa là dấu hiệu xua đuổi ma tà như vầng dương lên xua sạch đêm đen với những thế lực tà ma: “Đông phương di hiệu thực tà thần”, mà nó còn là biểu trưng của sự thịnh vượng với năm đức tính tốt đẹp của con người là : Văn - võ - dũng - nhân – tính, do đó còn là lời chúc tốt đẹp đầu năm. Hình ảnh gà trống trong tranh Kim Hoàng rực rỡ là “Thần kê ngũ đức thái phượng hình”, có “kim cư hoa khôi ngũ thái văn”, nếu trong tranh dân gian Trung Quốc nó là lời chúc “Khai thị - Đại cát” và “ công danh phú quý”, thì ở Việt Nam có cả loại tranh gà luôn là lời chúc tốt đẹp nhất: “Vinh hoa”, “Đại cát” và Gà thư hùng là hạnh phúc gia đình “Đông con nhiều cháu..., no vợ đủ chồng”.

     “Đông con nhiều cháu” quả là khát vọng của người xưa cả Việt Nam lẫn Trung Quốc, do đó hình ảnh em bé chiếm tỷ lệ lớn trong tranh dân gian cả hai nước. Ở mảng đề tài này, tuy hình thức diễn tả khác nhau nhưng ý đồ gửi gắm vào đó qua những câu chữ kèm theo rất giống nhau: Em bé với quả “Đào hiến thiên xuân”. Em bé với quả lựu bóc vỏ một mảng để hở các hạt: “Lựu khai bách tử”. Em bé với hoa sen: “Liên sinh quý tử”, những đề tài chung ấy rất phổ biến. Những em bé ôm gà “Vinh hoa”, ôm vịt “Phú quý”, cả ôm cóc, ôm rùa, ôm cá,... cũng đều toát lên ước mơ lý tưởng của nhân dân. Tranh Thất đồng của Hàng Trống cũng là một cách nhìn khác của tranh dân gian Trung Quốc với bảy em bé bụ bẩm. Kháu khỉnh trong bức Đào hiến thiên niên. Đề tài Tử tôn vạn đại cũng là sự bức xúc đối với nghệ nhân hai nước, và là hi vọng khôn nguôi của mọi người chơi tranh, tranh Lục hợp đồng xuân của nghệ nhân Hàng Trống tuy tên gọi có khác, song về ý đồ chủ đề và cách diễn tả lại rất thống nhất với tranh Cửu cửu tiên hàn đồ của Trung Quốc lấy các em bé với sự sắp xếp xuôi ngược theo góc nhìn khác nhau để nói lên quy luật hòa hợp âm dương tạo sự phát triển.

     Một hướng chúc tụng khác lại nhằm vào người cao tuổi. Tranh dân gian Hàng Trống đã giành những tờ to để vẽ đề tài Tam đa với ba ông Phúc - Lộc - Thọ trang trọng rực rỡ. Chủ đề này cũng được nghệ nhân Trung Quốc quan tâm thể hiện thành các tranh Tam đa hay Tam tinh tập trung miêu tả các ông được hưởng phúc của tổ tiên, hưởng lộc của vua ban và hưởng tuổi thọ của trời cho. Phúc - Lộc - Thọ ở cả hai nước còn được các nghệ nhân lợi dụng tính chất khối vuông của chữ Hán với những nét viết khéo đẹp như tranh để thể hiện thành những đại tự bố cục chặt có cài thêm hoa.

 Tranh sinh hoạt

     Trong sinh hoạt đời thường, những yếu tố văn hoá Việt, Trung bên cạnh nhiều nét khác biệt cũng có một số nét tương đồng, thậm chí giống nhau, do đó trong tranh dân gian của hai nước cũng có nhiều đề tài cùng được nghệ nhân quan tâm. Trước hết tranh dân gian gắn kết với Tết Nguyên Đán, ở thời điểm vạn vật hồi sinh ấy, con người vừa ăn Tết vừa chơi Tết, và ăn hay chơi cũng đều phải vui. Một số trò chơi Tết ở cả hai nước như các cảnh múa rồng, múa sư tử (kỳ lân). Tranh dân gian Đông Hồ có bộ đôi Nghênh long - Phụng Lân, hai tờ tranh dọc dán sóng đôi, còn ở tranh dân gian Trung Quốc hai cảnh nói trên được ghép lại, bố cục chung thành một tờ tranh ngang.

     Lịch mặt trăng của hai nước đều là lịch can chi, lấy 12 con vật tượng trưng cho 12 năm, trong chu kỳ giáp là: Chuột-Tý, Trâu-Sửu, Hổ-Dần, Mèo-Mão, Rồng-Thìn, Rắn-Tỵ, Ngựa-Ngọ, Dê-Mùi, Chó-Tuất, Lợn-Hi. Tranh dân gian làng Sình (Huế) có những bức nhỏ mô tả từng con vật, còn tranh dân gian Trung Quốc lại phối hợp cả mười hai con giáp, để giúp người xem ngày giờ tốt xấu và hướng xuất hành.

     Từ lịch năm chia ra thành các mùa xuân - hạ - thu - đông, trên cơ sở ấy, tranh dân gian Việt Nam và Trung Quốc đều được nghệ nhân làm phong phú thêm bằng các bộ tứ quý, mỗi mùa (quý) được chọn một thứ hoa tiêu biểu, thông thường nghệ nhân hai nước đều chọn: Hoa đào (mùa xuân), hoa sen (mùa hạ), hoa cúc (mùa thu) và hoa hồng (mùa đông). Tranh Hàng Trống có nhiều bộ tứ quý khác nhau, nhưng phổ biến là ghép mỗi thứ hoa với một con vật như đào - chim (đào tước), sen - vịt (liên áp), cúc - bướm (cúc điệp) và hồng - (kê hồng), mỗi mùa được thể hiện thành một bộ tranh dọc to dài. Còn tranh Trung Quốc, chúng ta gặp trong bộ Tứ quý bình an vẽ đủ bốn mùa, mỗi mùa do một em bé cầm một lẵng hoa (đào, hồng) hay bưng một bình hoa (sen, cúc), các em đều xinh đẹp, bụ bẫm, mặt tươi rói, xúng xính quần áo hoa đẹp, tất cả đều mong được bình an.

     Đối với các tầng lớp nhân dân lao động, tranh dân gian hai nước đều có những đề tài Tứ dân miêu tả bốn lớp người là Ngư - Tiều - Canh - Mục: trong bốn lớp người ấy, nông dân ở hai nước được tranh dân gian mô tả kỹ càng hơn. Trong tờ Thiên địa của tranh dân gian Trung Quốc, người nông dân Trung Quốc được miêu tả với ý đồ dựa vào trời để có cơm ăn (hạt thiên ngăn phạn) và cày ruộng mà lấy thóc (canh điền nhi thực). Còn ở tranh dân gian Việt Nam, trong bức Công việc nhà nông, nghệ nhân dựng lại quá trình lao động của người nông dân từ lúc cày bừa đến khi xay thóc giã gạo, công việc nặng nhọc nhưng tự giác. Quá trình trên cũng được diễn tả trong tranh dân gian Trung Quốc, chẳn hạn ở bức Niềm vui của những người nông dân đã miêu tả hoạt động của người nông dân từ lúc cày cấy đến khi gặt lúa, kèm theo lời chú thích dài nói lên niềm tự hào nghề nghiệp nhưng cũng muốn vươn lên thành kẽ sĩ: “Niềm vui của thiên hạ là cày cấy. Nghề của chúng ta có thể coi là nghề tốt đẹp nhất. Ngày xưa vua Nghiêu đã đến thăm anh nông dân Thuấn. Anh ta là một người thông minh và khôn ngoan, và sau này là người nối ngôi vua Nghiêu. Nông dân ta rất tự hào, chúng ta đội mũ rơm và chúng ta trông đẹp hơn những viên chức, quan chức chỉ cai trị trong một quận, còn chúng ta lại thống trị cả nước. Nơi đâu chúng ta bắt đầu vung roi lên là chúng ta đã mang cả vùng đất hoang dại vào giang sơn của chúng ta. Lúc đó chúng ta thấy rất khoan khoái và ngâm vài câu thơ trong bản vũ kịch “Cuộc chiến đấu của năm vị thần sét”. Mặc dù ta chẳng của cải nhiều và cũng không có chức vị gì, ta vẫn có một vài thúng thóc. Khi nào vua mở khoa thi ta sẽ đi thi. Nếu ta không thi đỗ, ta lại về cày ruộng của ta”.

Cả đến những chuyện ngụ ngôn như kiểu Tiến sĩ chuột vinh quy có trong văn học dân gian của hai nước cũng được các nghệ nhân đưa vào tranh Tết dưới những tên gọi khác nhau. Tranh dân gian Trung Quốc có các bức Lão thử thú thân (chuột lấy vợ), Lão thử giá nữ (chuột gả con gái), Ly miêu sơn (Núi hồ ly) cũng chung chủ đề với các bức Tiến sĩ chuột vinh quy và dị bản Đám cưới chuột trong tranh dân gian Việt Nam, có điều ở chuyện văn học là sự thương tâm của họ hàng nhà chuột bị mèo lừa ăn thịt, còn ở tranh dân gian lại diễn ra nhưu một sự hoà hợp có giá, gợi lên cách ứng xử xã hội.

Tranh minh họa văn hoá và lịch sử

Các nghệ nhân ở Việt Nam trong khi vẽ tranh Tết ở mảng minh hoạ văn học và lịch sử, ngoài việc đi vào văn học và lịch sử Việt Nam, còn tìm cảm hứng rồi thể hiện thành tranh vẽ lịch sử và văn học Trung Quốc. Chúng ta dễ dàng nhận ra ở tranh dân gian của hai nước đều có những bức tranh về truyện Ngưu Lang - Chức Nữ và các truyện Tam Quốc Chí, Tây Du Ký, Đông Chu Liệt Quốc... để rồi các đề tài về Nhị Độ Mai, Chiêu Quân Cống Hổ, Phan Lê Hoa, Ngũ Hổ Bình Liêu, Tiết Đinh Sơn… đã trở nên quen thuộc với mọi người.

2. Về mặt kỹ thuật

     Tranh dân gian Việt Nam và Trung Quốc đều có một số trung tâm, mỗi trung tâm đều có cách thức thể hiện riêng, ngoài những cái chung lại có những nét riêng đặc thù của mình. Chính điều đó đã tạo ra những phong cách khác nhau để người nghiên cứu có thể vạch ra tác phẩm của từng dòng tranh.

     Ở Trung Quốc trong số tranh dân gian nổi tiếng lại trội lên hai dòng thuộc xưởng Đào Hoa Vũ ở Tứ Châu và huyện Dương Liễu Thanh ở Thiên Tân. Nếu ở Đào Hoa Vũ, tranh phần lớn được in cả nét và màu, rất hạn chế tô màu bằng tay, do đó các mảng màu trên tranh thường gọn bẹt, rõ ràng, đồng sắc bộ... thì ở Dương Liễu Thanh lại thiên về nét đen trên giấy, còn ở các mảng màu phần lớn được tô tay. Các màu in thường được lấy từ khoáng chất ít bị thời gian làm phai, còn màu tô tay lại thường là màu hoá học tươi nhưng dễ phai. Tranh màu in, nét khắc cũng thường gọn, bao kín các mảng màu, cũng là đường ranh phân mảng màu. Còn ở tranh tô tay, nét khắc nhiều rậm, thường không liền kín, chỉ gợi mảng khái quát để nghệ nhân tô màu, và do màu tô tay bằng bút lông nên luôn tạo sự đậm nhạt trong một màu, do đó có nhiều sắc độ và nhờ đó đã gây cảm giác tạo khối, lại có thể né và cản màu với những vạch của sắc cầu vồng. Ngay về khổ tranh, những tranh màu in do sử dụng nhiều ván in, một màu tương ứng với một ván in, kích thước thông thường hay gặp khoảng 25 cm x 40 cm. Trái lại, ở những tranh màu tô tay do sử dụng ít ván in, thường in lấy nét còn màu tô tay nên khuôn khổ tranh dễ dàng mở rộng, phổ biến là khoảng 60cm x 110cm. Việt Nam, ở tranh dân gian truyền thống Đông Hồ có nhiều điểm vẽ kỹ thuật gần với tranh của xưởng Đào Hoa Vũ, còn ở tranh dân gian Hàng Trống lại gần với kỹ thuật làm tranh của Dương Liễu Thanh. Như vậy trong phạm vi kỹ thuật làm tranh dân gian, các dòng tranh của Việt Nam và các dòng tranh của Trung Quốc cũng có những nét tương đồng.

     Bên cạnh tranh in và tô màu, Việt Nam và Trung Quốc cũng đều có tranh dân gian trổ giấy. Tất nhiên do đặc thù về kỹ thuật, loại tranh trổ giấy không được phong phú và cũng không phổ biến rộng.

3. Về mặt nghệ thuật

     Khi thể hiện ý tưởng nghệ thuật lên mặt giấy, các nghệ nhân Việt Nam và Trung Quốc cũng có những quan điểm về bố cục, về ánh sáng, về viễn cảnh khá gần nhau. Nghệ nhân xưa của hai nước đều muốn các nhân vật trên tranh của mình hoạt động ở giữa thiên nhiên có ánh sáng rực rỡ nhưng râm mát để hình nào cũng gọn gàng, nhưng lại không hề có bóng đổ , bóng hắt, không có sự phản quang tự nhiên. Các mảng màu gắn bó với nhau là do sự sắp xếp và phối sắc giữa các hình. Các nhân vật được dàn ngang trên mặt tranh, đôi khi ngắt ra rồi chồng nhau tạo thành lớp trên lớp dưới, nhưng thường không che khuất nhau, tất cả đều được trình ra với người xem tranh.

     Riêng ở loại tranh thờ, các nhân vật chính là Thần, Phật luôn được vẽ to và ở chính giữa, chiếm vị trí trung tâm của mặt tranh, còn nhân vật phụ (nhất là người dân thường) thì được bố trí ở hai bên và vẽ nh. Ở đây là sự viễn cận tâm linh theo đẳng cấp thần dân để dẫn tới sự đề cao các lực lượng siêu nhiên, hướng con người đến chỗ cầu xin một sự che chở. Trong loại tranh chúc tụng, những hình tượng mang ý nghĩa tượng trưng như quả táo, quả lựu, quả bầu, bông sen, đồng tiền, con giơi, con gà... cũng thường được vẽ to lên, dùng thủ thuật cường điệu, phóng đại vừa để thu hút người xem về những điểm nhìn chính, vừa để truyền đạt những điểm trọng tâm của chủ đề. Con người trong các loại tranh chúc tụng, sinh hoạt và minh hoạ văn học - lịch sử, do nghệ nhân không dựng hình bằng lối quan sát cố định có người gần người xa, mà luôn tiếp cận nhân vật theo lối “kỵ mã” hay “phi điểu” nên dù nhân vật chính vẫn dồn vào giữa tranh, song nói chung mọi người trong tranh có tỷ lệ như ngoài xã hội, sự chênh lệch về lớn bé và không đáng kể. Có điều để làm nổi bật chất trang trí, các hình hoa quả cũng được phóng to lên, còn các ngoại cảnh khác nhất là nhà cửa lại thường thu nhỏ. Các nhân vật hầu như được nhìn ngang tầm, nhưng khi được phân rải ra trên mặt tranh để không che nhau lại được quan sát theo tự nhiên, nền trời và mặt đất hầu như không được phân biệt, cũng có nghĩa là không có đường chân trời và nếu có thì được đưa lên rất cao. Để tờ tranh cân đối, các mảnh hình thường được phân ra đăng đối ở hai nửa.

     Bảng màu trong dân gian ở hai nước rất hiếm thấy màu ghi làm trung gian, thường dùng những màu tương phản như xanh - đỏ, trắng -  đen, đỏ - vàng, nó rải ra trên khắp mặt tranh, chỗ nào cũng thấy rực rỡ và vui mắt. Tuy nhiên, dù chủ đề giống nhau, thậm chí nhiều đề tài trùng nhau, dù kỹ thuật dòng này dòng nọ có sự tương đồng và quy luật nghệ thuật cũng được nhận thức với những quan điểm chung, tranh dân gian mỗi nước vẫn có những chất dân tộc riêng, và do đó việc phân biệt tranh của mỗi nước không khó khăn lắm.

     Trước hết về giấy tạo màu nền, tranh dân gian Trung Quốc thường dùng giấy làm từ rơm, mềm và hút màu tốt, nhưng thường giống nhau là mịn mặt và hầu hết là màu ngà vàng có tính trung gian với các sắc độ không khác nhau mấy ở những tờ tranh khác nhau. Trái lại, tranh dân gian Việt Nam hầu như mỗi dòng tranh ưa dùng một loại giấy riêng: tranh dân gian Đông Hồ dùng giấy dó không để mộc mà được bồi điệp cho cứng, sau đó còn có thể lướt thêm nước vàng hoè hoặc đỏ vang, tạo cho nn tranh phong phú màu, có những nét sáng tối song song và vẩy điệp lấp lánh, tạo được một không gian vừa mênh mông vừa sâu với nhiều độ sáng và điểm sáng khác nhau. Giấy của tranh dân gian Hàng Trống chuyển dần từ giấy xuyến chỉ sang giấy báo xước, để màu trắng mộc tự nhiên. Giấy của tranh Kim Hoàng lại là giấy đỏ hồng điều. Giấy của tranh Sình cũng giống giấy tranh Hàng Trống. Còn giấy của tranh “Đồ thế” Nam B lại luôn là giấy đỏ. Nói chung, giấy của tranh dân gian Việt Nam rất phong phú, từ mặt giấy đã là mặt sách tách bạch ra với các mảng màu của tranh.

     Về màu, tranh dân gian Trung Quốc ưa dùng màu hoá học tươi và khi tô màu thì vẫn tạo nhiều sắc đỏ, tất nhiên vẫn có sắc màu in bẹt đồng bộ. Màu tranh Hàng Trống của ta ảnh hưởng nhiều của màu hoá học với lối tô tay của mảng tranh chính ở Trung Quốc. Ở tranh Sình (Huế) vẫn màu hoá học, nhưng thường chỉ điểm bằng một số nhát có tính chấm phá. Tranh “đồ thế” Nam Bộ chỉ in nét đen. Đặc sắc là tranh truyền thống Đông Hồ đều khai thác từ tự nhiên (than lá tre, sỏi non, lá chàm, sò ốc, hoa hoè, gỗ vang, gỉ đồng...) màu ấm đậm và rất bền.

     Nét trong tranh dân gian Trung Quốc phần lớn là mảnh mai, kỹ thuật có độ tinh cao, nhiều mảng hình có nét đậm, thích tủn mủn đến mức chi li. Tranh dân gian Việt Nam, ở dòng Hàng Trống nét cũng mảnh và cong duyên dáng gần với nét của tranh Trung Quốc, song vẫn to và thoáng, còn ở các dòng khác nét khắc có phần thô, điển hình là ở dòng Đông Hồ nét to mập, rõ ràng, cong vừa phải, tạo được vẻ khái quát và phóng khoáng.

     Dựng hình ở tranh dân gian Trung Quốc đã được tổng kết thành họa pháp mà người thợ vẽ dân gian phải tuân theo. Tiêu biểu là ở Dương Liễu Thanh, hầu như ai cũng biết vẽ tranh và đều phải tuân thủ nghiêm ngặt những công thức, từ cách sử dụng bút tô màu có 8 kiểu khác nhau, đến phân khoa có 9 cách thể hiện cảnh vật, đồ vật, con vật, quần áo, tĩnh vật, nhất là về người (trẻ em, người lớn, tướng văn, tướng võ...), riêng về kiến trúc cũng có đến 10 loại khác nhau. Chính vì tranh dân gian đã được tổng kết thành họa pháp nên đã mang chất trí tuệ của quốc hoạ. Tuy nhiên, do tuân thủ công thức nên diện mạo của các nhân vật cùng lứa tuổi, cùng giới tính, cùng đẳng cấp... được thể hiện ở những tranh khác nhau lại cứ phảng phất như nhau. Các vị thần trong nhiều tranh thờ, các em bé và thiếu nữ trong nhiều tranh chúc tụng, các quý tộc trong nhiều tranh sinh hoạt, các thiếu nữ trong nhiều tranh huyền thoại... luôn có vẻ mặt và dáng người giống nhau. Trái lại, ở tranh dân gian Việt Nam, chưa dòng tranh nào được tổng kết, mỗi nghệ nhân có một cách nghĩ và diễn tả theo cách nghĩ của mình, cái được xem như “chuẩn mực nghệ thuật” là “thuận tay hay mắt”, “lấy con mắt làm mặt đồng cân”, “thuận mắt ta ra mắt người” nên ai nấy được mặc sức sáng tạo. Hiệu quả của nó nhờ vậy đã tạo sự thống nhất tương đối về phong cách từng dòng tranh, còn trong biểu hiện cụ thể cho mỗi hình luôn có sự đa dạng và vui mắt.

     Những trung tâm lớn tranh dân gian Trung Quốc đều ở ven biển, tranh dân gian vùng Hoa Nam bằng nhiều cách - nhất là thông thương đường thuỷ đã có thể dễ dàng thâm nhập vào Việt Nam, quan hệ với những trung tâm làm tranh của Việt Nam. Tuy đất nước trải qua ngàn năm Bắc thuộc nhưng vẫn chưa có một lý thuyết nào làm cơ sở cho việc tranh dân gian Việt Nam được du nhập từ tranh dân gian Trung Hoa (chưa có tài liệu văn tự, thậm chí chưa có cả tài liệu truyền thuyết đề cập đến tranh nước nào ảnh hưởng sang tranh nước nào). Sở dĩ nền văn hoá nghệ thuật ngay thời gian đầu của kỷ nguyên độc lập đã phát triển rất rực rỡ và độc đáo, hẳn phải từ trên cơ sở văn hoá dân gian bản địa đã có nhiều thành tựu trong thời Bắc thuộc. Và người Việt Nam trong thời gian ấy vẫn tỏ ra là những người nghệ sĩ tài ba. Họ vẫn tồn tại một nền văn hoá riêng ngoài ảnh hưởng của lực lượng thống trị phương Bắc. Nhưng dù có chịu ảnh hưởng của nhau, thì tranh dân gian hai nước luôn có sự tiếp nhận và phát triển. Cứ thử đặt tranh dân gian của hai nước với những bức cùng tên, như Đám cưới chuột, Thất đồng, Tam đa, Gà, Hổ, Tử tôn vạn đại, Lựu khai bách tử, Đào hiến thiên xuân, Môn Thần - tướng canh cửa... bên cạnh nhau và dù có xáo trộn vẫn có thể phân biệt dễ dàng tranh của từng nước.

 

ĐỘNG LỰC VÀ SỰ SỐNG TRONG TRANH DÂN GIAN VIỆT NAM

Tranh dân gian Việt đã trở thành một ngôn ngữ nghệ thuật có giá trị trường tồn, góp phần phát triển văn hóa nghệ thuật dân tộc và là niềm tự hào của đất nước. Thế nhưng, các dòng tranh ấy hiện nay đang dần dần bị mai một và mất hẳn. Có lẽ, vì khó đáp ứng được thị hiếu của công chúng hiện đại cũng như không theo kịp được với sự phát triển thần tốc của văn hóa, kinh tế, xã hội... Điểm qua các dòng tranh dân gian Việt Nam, chúng ta không khỏi ngậm ngùi tiếc nuối cho tranh Kim Hoàng đã bị thất truyền, làng Hồ bây giờ chỉ còn hai nhà làm tranh. Các nhà làm tranh Hàng Trống hầu hết đều bỏ nghề, đốt bỏ dụng cụ, chỉ còn lưu giữ vài mẫu tranh trong các viện bảo tàng. Tranh làng Sình còn bốn hộ theo đuổi nghề làm tranh, nhưng cốt cách, hồn vía đã đổi khác. Như một quy luật tất yếu, sự phát triển kinh tế, song song với sự tiếp thu nhiều luồng văn hóa, khiến văn hóa truyền thống nói chung, trong đó có tranh dân gian, đang đứng trước những thử thách lớn. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng Việt Nam hiện nay không chỉ toàn cầu hóa về kinh tế. Cả văn hóa nói chung, nghệ thuật nói riêng phần nhiều cũng bị ảnh hưởng. Số phận tranh dân gian sẽ thế nào. Làm sao để có thể vừa hội nhập, vừa hiện đại hóa mà vẫn bảo tồn và phát huy các giá trị và bản sắc

 “Mọi thứ quý báu trên khắp cõi đời này, nếu chẳng may bị mất đi thì rốt cuộc, chúng ta vẫn có thể tìm lại được, duy chỉ có những giá trị văn hoá thì không” (Nguyễn Khắc Thuần). Thật vậy, để bảo tồn và phát triển, xây dựng một nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để giữ gìn và tôn vinh những giá trị mà nghệ thuật dân gian đã để lại qua những bức tranh không phải là việc ngày một ngày hai chúng ta có thể làm được. Trước hết, chúng ta cần nhận thức rõ ràng việc thực hiện hai nhiệm vụ “bảo tồn” và “phát triển” phải đi liền với nhau: “Bảo tồn” chứ không phải “bảo vệ”: Bảo tồn là “giữ không để cho mất đi”, còn “bảo vệ” là “giữ nguyên trạng không cho biến đổi”. Bảo tồn văn hoá dân tộc nói chung và tranh dân gian nói riêng không có nghĩa là ôm khư khư lấy vốn cổ không cho nó thay đổi, trái lại phải luôn luôn làm cho nó lớn mạnh hơn, giàu có hơn, bổ sung cho nó những yếu tố mới, tức là phải phát triển nó.

Một trong những giải pháp là coi trọng nhân tố con người, với tư cách là chủ thể văn hóa, gắn các hoạt động sống của con người với môi trường xã hội và văn hóa. Nói cách khác, nên xem các nghệ nhân dân gian như báu vật sống. Ở họ tiềm ẩn sự sáng tạo và lưu truyền những giá trị nghệ thuật dân gian.

      Các nhà quản lý nghệ thuật, hội văn học nghệ thuật ở những địa phương có dòng tranh dân gian nên khuyến khích, kết nạp thêm nghệ nhân vào hội, kích thích khả năng sáng tạo của họ cùng với những chính sách hỗ trợ làng nghề. Mặt khác, nên khơi gợi nhu cầu hưởng thụ thẩm mỹ từ phía công chúng, tạo điều kiện triển lãm, giới thiệu tranh...

Ngoài ra, chúng ta cũng cần quan tâm đến việc giáo dục để thế hệ trẻ hiểu biết sâu sắc về lịch sử văn hóa của dân tộc, những giá trị to lớn của biểu hiện văn hóa thông qua nghệ thuật. Trong thời buổi kinh tế thị trường, chúng ta có nên coi nghệ thuật nói chung, tranh dân gian nói riêng là hàng hóa. Chúng ta cứ loay hoay tốn nhiều giấy mực bàn chuyện bảo tồn và phát triển, nhưng thực tế những người yêu thích tranh dân gian không biết tìm mua tranh ở đâu. Theo chúng tôi, để phát triển, đưa được dòng tranh này đến công chúng, ta nên có các phương pháp tiếp thị rộng rãi như: đưa tranh đi triển lãm, bày bán ở những nơi thuận tiện và đông dân cư mở các gallery trưng bày, đưa vào các shop quà lưu niệm…

Phần nữa, muốn tồn tại trong thời đại này, đề tài tranh nên gần gũi hơn với cuộc sống hiện đại. Ví dụ, hình ảnh con trâu đi trước, cái cày theo sau phản ánh nền văn hóa lúa nước, nhưng hiện nay công nghiệp phát triển, nên chăng thay bằng máy cày, máy kéo, công nhân sản xuất hay không?

Tuy nhiên, đổi mới hay không thì yếu tố bản sắc vẫn phải đặt lên hàng đầu. Tranh dân gian phải được in trên giấy dó, một chất liệu đặc sắc, ít nơi nào có được bởi chỉ có giấy dó mới phản ánh được hồn Việt. Làm được những điều đó, chúng ta mới mong gìn giữ được những dòng tranh quý mang đậm chất dân gian Việt Nam.

Xuất phát từ nguồn gốc ra đời của tranh dân gian Việt Nam và tranh dân gian Trung Quốc, theo dõi cả những chặng đường giao lưu và phát triển trong lịch sử của những dòng tranh dân gian ở hai nước. Chúng tôi đã nhận thấy rằng tuy mỗi nước đều có một cách thức thể hiện riêng, tạo ra những đặc thù và phong cách độc đáo của mỗi dân tộc nhưng  giữa chúng có rất nhiều điểm tương đồng nhau cả về hình thức và nội dung:

Thứ nhất, về chủ đề: Tranh cả hai nước đều vẽ với nội dung tập trung vào 4 mảng chính (tranh thờ, tranh chúc tụng, tranh sinh hoạt và tranh minh họa văn hoá, lịch sử).

Thứ hai, về mặt kỹ thuật: Để tạo một bức tranh hoàn chỉnh, nghệ nhân dân gian cả hai nước đều phải thực hiện những công đoạn: Khắc hình, pha màu, tô màu, in, đóng khổ tranh,... như nhau.

Thứ ba, về mặt nghệ thuật: Khi thể hiện ý tưởng nghệ thuật lên mặt giấy, các nghệ nhân Việt Nam và Trung Quốc cũng có những quan điểm về bố cục, về ánh sáng, về viễn cảnh khá gần nhau. Nghệ nhân xưa của hai nước đều muốn các nhân vật trên tranh của mình hoạt động ở giữa thiên nhiên có ánh sáng rực rỡ nhưng râm mát để hình nào cũng gọn gàng, nhưng lại không hề có bóng đ, bóng hắt, không có sự phản quang tự nhiên. Các mảng màu gắn bó với nhau là do sự sắp xếp và phối sắc giữa các hình. Các nhân vật được dàn ngang trên mặt tranh, đôi khi ngắt ra rồi chồng nhau tạo thành lớp trên lớp dưới, nhưng thường không che khuất nhau, tất cả đều được trình ra với người xem tranh.

Chính vì những nét đẹp của tranh dân gian ở mỗi dân tộc nó được thể hiện trong sự tương đồng đó, mà thế hệ trẻ của chúng ta ngày này và mai sau cần phải biết khám phá, giữ gìn và phát huy những giá trị mà nhân dân ta bao đời để lại, cần phải biết giao lưu có chọn lọc để tiếp thu những gì tinh hoa nhất của nhân loại nhằm tôn vinh vẻ đẹp truyền thống của dân tộc ta ngày càng bền vững hơn và tinh tế hơn.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1.     Nguyễn Tấn Đắc (1987), Nội dung Folklore, Tạp chí Văn hoá dân gian, (4), tr 2- tr 4.

2.     Chu Khắc (1970) , Từ tranh Đông Hồ đến những mảng chạm khắc trong các đình chùa cổ Việt Nam, Tạp chí Mỹ Thuật, (7), tr7 – tr9.

3.     Đinh Gia Khánh (1993), Văn hoá dân gian Việt Nam trong bối cảnh văn hoá Đông Nam Á, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.

4.     Vũ Ngọc Khánh (1991), Dẫn luận nghiên cứu Folklore Việt Nam, NXB Thanh Hoá.

5.     Hoàng Công Luận - Lưu Yên (1993), Hội hoạ Trung Hoa - Nguyên bản, NXB Mỹ thuật.

6.     Dương Lực (2002), Kinh điển văn hoá 5000 năm Trung Hoa (tập IV), NXB Văn hoá - Thông tin.

7.     Khâu Chấn Thanh (1994), Nghệ thuật cổ điển Trung Quốc ( Mai Xuân Hải dịch), NXB Giáo dục.

8.     Vương Thụ Thôn(1959), Một số bí quyết của tranh Niên họa dân gian Dương Liễu Thanh, NXB Mỹ thuật.

9.      Trần Ngọc Thuận (1997), Lịch sử văn hoá Trung Quốc,NXB Khoa học xã hội.

10. Nguyễn Trân (1968), Bước đầu tìm hiểu ý nghĩa và nguồn gốc tranh dân gian Việt Nam, NXB Mỹ Thuật .

11.  Nguyễn Bá Vân - Chu Quang Trứ (1984), Tranh dân gian Việt Nam, NXB Văn hoá, Hà Nội.

12. Alexander C.Soper(1968), Hai quy luật đầu tiên của Tiến Hà, Tạp chí Viễn Đông,11( 8), tr3 - tr5.

13. M.Đuyrăng (1960) , Imagerie populaire Vietnamienne, Pari.(Bản dịch đánh máy của viện mỹ thuật).

14. Neujabrsbiler (1964), Gerrard Pommerany- Liedthe Chinesiere (Dresden - Bản dịch của Viện Mỹ thuật),  NXB Nghệ thuật .

15. William Acker(1968), Một số chủ đề về hội họa Trung Quốc thời nhà Đường và trước nhà Đường, Tạp chí Viễn Đông (8), tr 22 – tr 23.