Mấy năm nay, đời sống văn hóa ở TP HCM chứng kiến một tình hình dường như mâu thuẫn này: Trong khi dư luận xã hội chưa hết than phiền về sự sa sút của văn hóa đọc thì ngày càng có nhiều cơ sở làm sách được thành lập và từng bước khẳng định thương hiệu qua những sản phẩm có chất lượng tốt cả về nội dung lẫn hình thức.
Đóng góp vào sự khởi sắc đó có tiếng nói của những cây bút tích cực quảng bá cho văn hóa đọc mà tôi thường không bỏ lỡ những bài viết của họ: Phan Trọng Hiền (Biên Hà), Dương Thành Truyền (Duyên Trường), Trần Vương Thuấn (Thục Linh), Nguyễn Minh Hải (Trúc Giang)… Tuy không phải là những nhà phê bình chuyên nghiệp, bên cạnh công việc chính ở các cơ quan văn hóa, họ vẫn dành thời gian dõi theo sự ra đời và đường đi của những cuốn sách để cổ vũ cho một đời sống văn hóa có chiều sâu.
Cuốn "Sách trong cuộc đời" (NXB Văn hóa - Văn nghệ TP HCM, quý II/2017), tập hợp những bài viết của Nguyễn Minh Hải về cùng chủ đề trên các báo ở TP HCM 15 năm qua, là kết quả của hoạt động âm thầm mà bền bỉ đó.
Có thể nói, đây là những câu chuyện của một người yêu sách cất lên tiếng nói chân thành và thẳng thắn của mình về một số hiện tượng trong sáng tác, xuất bản và tiếp nhận văn học. Trước hết là những câu chuyện có ý nghĩa mà tác giả rút ra từ việc cảm thụ một số tác phẩm của Nam Cao, Mạnh Phú Tư, Sơn Nam, Nguyễn Huy Thiệp, An Chi…; hay quan sát những sinh hoạt thường ngày như tặng sách, mua bán sách cũ, quảng cáo sách mới, đưa sách về nông thôn…
Tôi thật sự thú vị khi đọc những trang tác giả kể những kỷ niệm về "gène đọc sách" được truyền lại từ người cha, về tập sách "gia bảo" của một người bạn, về lá thư tình cờ tìm thấy trong một cuốn sách cũ. Là nhà báo, Nguyễn Minh Hải cũng đồng thời mang tố chất của nhà giáo dục khi anh nhiều lần quan tâm đến việc chọn sách, hướng dẫn cách đọc và xây dựng thói quen đọc sách cho thiếu nhi. Tinh thần công dân của tác giả còn thể hiện rõ qua mối ưu tư đối với việc sách giáo khoa lịch sử chưa đề cập một số sự kiện quan trọng (nạn đói năm Ất Dậu 1945, việc Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm Hoàng Sa năm 1974 và tấn công Trường Sa năm 1988, cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược năm 1979 ở biên giới phía Bắc…). Điều đó cho thấy ý thức trách nhiệm của một ngòi bút trước hiện tình đất nước và các thế hệ tương lai.
Đọc bài "Một cuốn sách còn nợ", tôi hết sức xúc động và cảm ơn tác giả đã nhắc đến món nợ đối với nhà văn Nguyễn Nguyên mà nhà báo Nguyễn Trọng Chức và tôi luôn canh cánh bên lòng. Mong sao Nguyễn Minh Hải - vốn đã bỏ nhiều công sức sưu tầm, tìm hiểu về hoạt động báo chí và văn học của Nguyễn Nguyên - sẽ cùng gia đình nhà văn, với sự góp sức của các đồng nghiệp, trả được món nợ tinh thần đó.
"Sách trong cuộc đời" là một đề tài quen thuộc nhưng không dễ gì khai thác hết những khía cạnh phong phú, đa chiều của nó. Đây là những suy nghĩ trung thực và tâm tình giản dị của một người chịu ơn từ sách. Tất nhiên, tác giả còn thời gian dài rộng để suy ngẫm về việc đọc sách từ điểm nhìn của ngày hôm nay, chẳng hạn có nên "tận tín ư thư" hay không, làm sao tiếp thu có chọn lọc những bài học đạo đức của "nhị thập tứ hiếu" cho phù hợp với thời đại, lý giải thế nào cho thỏa đáng những hiện tượng "đốt sách", "ăn cắp sách" mà không gây ngộ nhận…
Có thể nói, "Sách trong cuộc đời" góp phần hâm nóng niềm khát khao nơi bạn đọc luôn mong muốn vươn tới những giá trị văn hóa.
Huỳnh Như Phương
Nguồn: http://nld.com.vn/van-hoa-van-nghe/nhung-cau-chuyen-cua-mot-nguoi-yeu-sach-2017071521212166.htm