"Những chân trời xanh thẳm" được Phạm Phú Phong dành để trình bày sự nghiệp, chân dung và phong cách của 20 tác gia hiện đại
Thoạt nhìn nhan đề và bìa sách "Những chân trời xanh thẳm" của Phạm Phú Phong (NXB Hội Nhà văn, tháng 12-2018), người đọc dễ nghĩ đây là một tập thơ hay một tập tùy bút. Không phải. Dù tác giả từng sáng tác lâu năm, tác phẩm thứ chín này của ông tiếp tục nối dài con đường văn nghiệp với tư cách một nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình gắn bó chặt chẽ và am hiểu sâu sắc đời sống văn học của đất nước thời hiện đại.
Phạm Phú Phong quê Điện Bàn, Quảng Nam, ra Huế học, "chân đi không đành", trở thành giảng viên Trường Đại học Tổng hợp (Huế), lập gia đình rồi bám trụ lập nghiệp ở đây cho đến nay. Ông viết và dạy giáo trình mỹ học, lý luận văn học, thi pháp học, lý luận báo chí, đồng thời bỏ nhiều công sức sưu tầm, tìm hiểu, phân tích, đánh giá thành tựu văn học và báo chí trên dải đất miền Trung lắm thăng trầm, đau thương.
Từng xuất bản những công trình có tính chất tổng kết toàn cảnh lịch sử văn học, báo chí Quảng Nam - Đà Nẵng, Bình Trị Thiên và Liên khu 5, Phạm Phú Phong dành cuốn sách này để trình bày sự nghiệp, chân dung và phong cách của 20 tác gia hiện đại. Bên cạnh những bài viết công phu về 4 nhà văn hoạt động ở miền Nam (Nguyễn Hiến Lê, Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, Phạm Thế Ngũ), phần lớn cuốn sách nói về 16 văn thi sĩ miền Trung mà ta có thể xếp vào ba thế hệ. Một là những tác gia đã khẳng định tài năng trước Cách mạng Tháng Tám: Phan Khôi, Hải Triều, Hàn Mặc Tử. Hai là những tác gia hình thành ngòi bút chủ yếu trong thời kháng chiến chống Pháp: Vĩnh Mai, Nguyễn Văn Bổng, Võ Hồng, Đào Xuân Quý, Phan Tứ, Nguyên Ngọc. Ba là những nhà văn, nhà thơ xuất hiện và hoạt động thời kháng chiến chống Mỹ: Nguyễn Minh Châu, Trần Vàng Sao, Tô Nhuận Vỹ, Lê Văn Ngăn, Thanh Quế, Thái Bá Lợi, Lưu Quang Vũ. Đối với nhiều nhà văn trong hai thế hệ sau, Phạm Phú Phong đều có những giao tiếp, trao đổi nên ông không những hiểu văn mà còn hiểu người.
Có thể nói, Phạm Phú Phong làm việc cần mẫn và kỹ lưỡng với văn bản nhưng ông không phải là nhà nghiên cứu bó mình trong bốn bức tường thư viện. Ông không bao giờ tách văn bản khỏi bối cảnh xã hội và môi trường văn hóa mà nó hình thành. Ông cũng không bao giờ hiểu văn bản ở ngoài thế giới tinh thần và tâm lý của người sáng tạo nên nó. Theo chỗ tôi biết, Phạm Phú Phong đã đặt dấu chân khắp mọi miền đất nước, cả Bắc Trung Nam, để mang chất liệu, phong thổ, khí phách của đất Việt, người Việt vào trong trang viết của mình. Điều đó những nhà nghiên cứu "kinh viện" không thể nào có được.
Tuy là nhà phê bình xuất thân từ "Quảng Nam hay cãi", Phạm Phú Phong luôn tìm được tiếng nói đồng cảm và đối thoại trong ôn hòa với đồng nghiệp. Nhưng ông không phải là người "dĩ hòa vi quý", lúc cần thì vẫn "hòa nhi bất đồng" và giữ chủ kiến của mình. Những bài viết của ông về Phan Khôi, Nguyên Ngọc, Nguyễn Minh Châu, Trần Vàng Sao trong tập này cho thấy điều đó. Khi nào ông thâm nhập thế giới nghệ thuật của nhà văn, ngòi bút ông sẽ viết ra những dòng thuyết phục, như khi viết về Võ Hồng: "Tâm hồn người viết là khối thủy tinh trong suốt, hắt ra một thứ ánh sáng dịu dàng bao phủ lên từng số phận, soi tỏ và xâu chuỗi được tất cả những gì diễn ra trong thực tại" (tr. 161).
Phạm Phú Phong cho biết ông đang gấp rút thực hiện và trong tương lai gần sẽ cho ra mắt hai công trình mới: "Quảng Nam - 20 nhà văn của thế kỷ XX" và "Văn học Quốc ngữ Thừa Thiên - Huế". Bằng đời sống và ngòi bút của mình, ông tiếp tục góp phần kết nối và trả nợ cho hai vùng đất ở hai bên đèo Hải Vân nay đã có đường đi thông thoáng và trở nên gần gũi.