Thế giới nghệ thuật thơ Chế Lan Viên

Trong các nhà thơ thuộc phong trào Thơ Mới lãng mạn chuyển hướng ngòi bút sang thơ hiện thực cách mạng, có lẽ Chế Lan Viên là người nghĩ và viết sâu nhất về những vấn đề lý thuyết của thơ.

Ông am hiểu thơ cổ điển và có khả năng đọc thơ Pháp trong nguyên bản cũng như tham khảo tài liệu lý luận về thơ viết bằng tiếng Pháp. Nhờ đó ông đã công bố những tập tiểu luận phê bình về thơ như: Nói chuyện văn thơ, Nghĩ cạnh dòng thơ, Ngoại vi thơ, Từ gác Khuê Văn đến quán Trung Tân… Ông lại còn thể hiện quan niệm về thơ bằng chính ngôn ngữ của thơ: Sổ tay thơ; Thơ bình phương, đời lập phương; Nghĩ về nghề, nghĩ về thơ, nghĩ… Đặc biệt, trong một nền văn học đề cao tư tưởng, nội dung, Chế Lan Viên là người sớm nhấn mạnh vai trò của thi pháp, của nghệ thuật, như ông viết: "Hình thức câu thơ cũng là vũ khí".

20190403 HTHa
Chọn Chế Lan Viên như một trường hợp tiêu biểu để nghiên cứu về thế giới nghệ thuật là một chọn lựa hợp lý và đắc địa. Thế giới nghệ thuật đó là một thế giới "thậm phồn": có lãng mạn và siêu thực trước 1945, có hiện thực và chiến đấu sau 1945, có suy tưởng và sám hối những năm cuối đời. Ở đây, nghiên cứu từ cái nhìn cấu trúc không thể tách rời với nghiên cứu từ cái nhìn lịch sử; thừa nhận tính nhất quán và ổn định của phong cách không có nghĩa là phủ nhận sự vận động và tự chuyển hóa của nó.

Hồ Thế Hà khởi thảo công trình Thế giới nghệ thuật thơ Chế Lan Viên (NXB Văn học, 2019) vào cuối thế kỷ trước, khi mà những nỗ lực bàn về thi pháp thơ đã có những thành tựu được khẳng định của Phan Ngọc, Trần Đình Sử, Thụy Khuê, Mã Giang Lân, Đỗ Lai Thúy…, cần được kế tục bởi thế hệ nghiên cứu trẻ hơn và cần được triển khai trên một bình diện rộng hơn. Tuy nhiên, trong điều kiện sự cực đoan và phiến diện của thi pháp học hình thức luận luôn được nhắc nhở và cảnh báo, thuật ngữ "thế giới nghệ thuật" có lẽ là giải pháp an toàn cho những khảo sát có tính chất tìm tòi về hình thức. Điều này khiến cho con đường đổi mới của học giới Việt Nam gần hơn với thi pháp học văn hóa của M. Bakhtin, người đã kết nối vấn đề "quan niệm nghệ thuật về thế giới và con người" với vấn đề thủ pháp nghệ thuật, sự kết nối nhằm bảo chứng cho mối quan hệ giữa hình thức và nội dung là điều mà những V. Shklovski, B. Eikhenbaum, Yu. Tynianov… không mấy quan tâm.

Theo tinh thần đó, trong chuyên luận này, Hồ Thế Hà đã khảo sát một cách toàn diện những đóng góp nổi bật của đời thơ Chế Lan Viên, cho thấy phong cách thơ ông được hình thành từ những yếu tố cảm xúc, trí tuệ, chính luận và cả thời sự mà ông chắt lọc từ một cuộc đời nhiều trải nghiệm. Là nhà thơ, người có mỹ cảm tinh tế, Hồ Thế Hà đọc lại và giải mã những vần thơ đặc sắc đã giúp Chế Lan Viên giữ vững chỗ đứng của mình trong lịch sử thơ ca dân tộc, bên cạnh những phù phiếm của một đời văn mà thời gian dễ dàng bôi xóa.

Chế Lan Viên tinh anh và nhạy bén chắc hạnh phúc với những ghi nhận và đánh giá của thế hệ hậu sinh qua những công trình có sức thuyết phục như cuốn sách này của Hồ Thế Hà.

Huỳnh Như Phương

Nguồn: Người lao động, ngày 31.3.2019.

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

63662259
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
5977
17595
63662259

Thành viên trực tuyến

Đang có 1093 khách và không thành viên đang online

Danh mục website