Tìm thuốc chữa những chấn thương

(Đọc “Những chấn thương tâm lý hiện đại”, Phiếm luận của Vương Trí Nhàn, NXB Trẻ, TP.HCM, 2009)

20240222

      Vương Trí Nhàn là nhà phê bình luôn có ý thức nhìn hiện tượng trong bối cảnh văn hoá - lịch sử của nó. Ông hiểu nhà văn và tác phẩm cặn kẽ, xuất phát từ việc am hiểu cái thời của họ. Những vốn liếng và thu hoạch từ sự quan sát của ông trở thành một nguồn chất liệu để ông sử dụng khi viết báo, đặc biệt là khi viết những bài phiếm luận.

      “Những chấn thương tâm lý hiện đại” là những câu chuyện của một người nói về cái thời của mình, dưới cái nhìn trực diện, chứ không phải nói về một “thời xa vắng” nào khác. Tất cả bày ra trước mắt, không còn gián cách qua không gian hay thời gian. Tình trạng ô nhiễm về vật chất lẫn tinh thần, rác nội và rác ngoại. Sự nhập nhèm giữa cũ và mới, giả và thật trong quá trình đô thị hoá. Thói thực dụng và sự thô thiển trong khai thác di sản và tổ chức lễ hội. Giao thông hỗn loạn và căng thẳng. Tham nhũng, lãng phí, cờ bạc… đều đã đến mức báo động.

      Tất cả những điều đó hàng ngày hàng giờ tác động đến đời sống tinh thần, gây ra những chấn thương tâm lý ngày càng đáng lo ngại cho con người. Dục vọng sôi sục trong lòng người. Những ứng xử từ nông nổi, càn rỡ đến hung hãn với chính đồng bào mình. Đã xuất hiện những người trẻ chán chường và mệt mỏi, nếu như họ không nhập vào cái đám đông trong cơn say tiền rồ dại kia. Họ bị thời thế đẩy lên đường ray và cứ thế mà lao tới, không biết bến bờ cuối cùng là đâu.

      Với thế mạnh của một nhà nghiên cứu văn học lành nghề, Vương Trí Nhàn dễ liên hệ quang cảnh thời nay với những trang văn, những số phận, những ý tưởng của Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao… ngày trước, để làm một so sánh hay rút tỉa một kinh nghiệm. Đọc một bài như “Thông tin trong một xã hội tiểu nông”, người đọc hiểu đó không chỉ là câu chuyện của 60 năm về trước. Sự lo âu thái quá có thể làm tác giả bi quan: “Sáu bảy chục năm qua đi mà lòng người có khác được bao nhiêu!” (tr. 152). Sự ngoái nhìn về quá khứ cũng có thể khiến ta không thấy hết vấn đề của thời hiện đại, phức tạp hơn, gai góc hơn nên không thể giải quyết chỉ bằng kinh nghiệm và bài học của quá khứ. Về điều này, 90 năm trước, Nguyễn An Ninh đã từng nói: “Muốn chữa trị những nỗi đau của ngày nay thì phải có phương thuốc của ngày nay”.

       Nhìn thấy những chấn thương và nguyên nhân của nó có nghĩa là còn hy vọng cứu chữa. Dội nước lạnh vào những ngây thơ, ảo tưởng, để người ta tỉnh ra mà đi tới, đó hẳn là một thiện ý. Huống chi tác giả, ở cuối sách, còn trích văn để tự nhắc nhở mình và nhắc nhở người khác, rằng “cần phải sống ngay trong thế giới này, do đó cần phải tác động vào nó để thay đổi nó. Chưa bao giờ và cũng chẳng bao giờ nó hoàn thiện. Có thể là nó vô nghĩa, nhưng chúng ta cần phải mang lại cho nó một ý nghĩa” (tr. 267).

Huỳnh Như Phương

(Bài đã đăng báo Phụ Nữ, ngày 21-11-2009)

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

63662247
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
5965
17595
63662247

Thành viên trực tuyến

Đang có 1097 khách và không thành viên đang online

Danh mục website