Bùi Việt Thắng, "Hai bàn tay thì đầy",Văn Nghệ số 20 ngày 19/5/2012.
Đọc Bàn tay nhỏ dưới mưa, tiểu thuyết của Trương Văn Dân, Nxb Hội Nhà văn, 2011.
Đọc một cuốn tiểu thuyết dài hơn 400 trang trong bối cảnh đời sống hiện nay quả là một việc không mấy dễ dàng ngay cả với những người được coi là chuyên tâm nghiên cứu văn học. Vậy mà tôi đã đọc tiểu thuyết Bàn tay nhỏ dưới mưa của Trương Văn Dân một cách say sưa, nhiều khi lén lau nước mắt vì sợ người khác nhìn thấy sự mềm lòng của một người đàn ông tuổi ngoài sáu mươi vẫn được bạn bè và đồng nghiệp coi là cứng rắn, vững vàng trong cuộc sống. Cái định đề “Quy luật của nghệ thuật là quy luật của tình cảm” mà ai đó, lúc nào đó cho rằng “xưa rồi Diễm ơi!”, nay tôi lại thấy thật đúng và thật tâm đắc.
Một kiếp người như Gấm - nhân vật chính đứng ra kể chuyện đời mình bằng nhật kí - thật khổ hạnh và bi ai trong một xã hội mà đôi lúc chúng ta ảo tưởng rằng đã là thiên đường giữa trần gian. Ở độ tuổi xấp xỉ bốn mươi, trải qua hai đời chồng, có một cô con gái nhỏ thơ ngây (tên Liên), Gấm mới bắt đầu đi tìm hạnh phúc cho mình. Tìm và gặp, cuối cùng thì Gấm đã gặp được Anh (làm nghề báo, vợ và con mất trước đó), cùng một cảnh ngộ, có thể tri âm tri kỉ. Đến bây giờ Gấm mới nhận biết được, thấm thía được tình yêu và mới thấy “như yêu lần đầu”, mới thấy “hạnh phúc thật ra ở ngay trong những điều nhỏ nhặt”. Gặp được Anh, Gấm mới “ngộ” ra được nhiều điều sơ đẳng mà lại như là chân lí của đời sống. Nhưng số phận của Gấm thật éo le và tột cùng đau đớn. Đúng khi tưởng như nắm giữ được hạnh phúc với người đàn ông của đời mình (“một nửa” của mỗi con người), thì Gấm lại phát bạo bệnh (bị ung thư). Tất cả vỡ vụn và sụp đổ tan tành trong con người Gấm. Một lần đã lâu, tôi có đọc một cuốn tiểu thuyết của nhà văn Đumbatze nhan đề Quy luật của muôn đời, có một ý ngẫm thấy thú vị: trong đời mỗi người, nên có một lần nằm trong bệnh viện, đó là dịp tốt nhất để ta suy ngẫm chín chắn về giá trị, ý nghĩa của con người và đời sống. Lần này Gấm phải đối diện với cái chết, vì thế cũng là lần đầu tiên chị ý thức được “Tôi là ai? Là con Gấm? Là đứa bé bị đời bạc đãi, là người con gái trôi sông lạc chợ, bám víu vào những cuộc hôn nhân, thực chất là bè gỗ mục, chấp chới giữa dòng chảy xiết? Tôi là kết tinh của sự bất hạnh hay là người phụ nữ được yêu, được vỗ về, che chở để có thể tự cho mình là người hạnh phúc nhất trần gian? Tôi là một, hay là tất cả những hình ảnh phản chiếu từ những chiếc gương xung quanh mình do cuộc đời sắp đặt: tôi phản chiếu thành bóng trên gương và bóng lại phản chiếu lên những tấm gương khác, tạo thành chuỗi hình ảnh vô cùng vô tận. Phản chiếu của phản chiếu, hình ảnh của hình ảnh, cùng với tiếng vọng của âm thanh pha lẫn giọng cười, tiếng khóc?”.Cũng lần đầu tiên, do phải đối mặt với cái chết, Gấm bắt đầu ý thức được vấn đề “thân và tâm” của một cá thể người. Cái chết của Gấm, đáng lí là bi đát, nhưng do “ngộ” ra được cái tất yếu, cái vô hạn của cuộc đời và cái hữu hạn của kiếp người, nên lại “nhẹ tựa lông hồng”. Gấm đã bay vào cõi vô cùng, để cuối cùng “cát bụi trở về với cát bụi”. Gấm cảm thấy hạnh phúc vì “Còn tôi, tôi đã về lại với chính mình. Hòa nhập vào thiên nhiên có lẽ là phần vi diệu nhất trong tất cả những gì hiện hữu dưới ánh sáng mặt trời”. Như thế là Gấm đã ngộ ra được lẽ tử sinh, đã ý thức được cái giới hạn vươn lên cõi vô cùng của con người trong thế giới này.
Lối viết của Trương Văn Dân trong Bàn tay nhỏ dưới mưa, thoạt trông có vẻ như rất thật theo cái triết lí “khôn ngoan chẳng lọ thật thà” của dân gian. Trong phần kết Tro bụi và Trần gian, nhân vật Anh (xưng Tôi) viết“Câu chuyện mà các bạn đang đọc được viết lại theo nhật kí của Gấm (…). Qua những trang viết của Gấm, tôi chỉ làm công việc chủ yếu là sửa vài lỗi chính tả, viết xen vào vài đoạn cho câu chuyện mạch lạc. Còn phần nội dung và cảm xúc thì tôi cố gắng giữ nguyên, dù đôi khi những ý tưởng của Gấm mâu thuẫn hay rối rắm, phản ảnh một tâm lí rối ren tất yếu phát sinh từ những uẩn khúc, sợ hãi, khát khao trong những ngày cuối đời của nàng”. Tuy được biện minh như thế nhưng độc giả nhận thấy cái thật của câu chuyện không phải là “thật như đếm”, mà đã được chăm sóc cẩn trọng, được tính toán đến từng ý, từng đoạn, thậm chí từng câu chữ. Sẽ có người coi sự “dài dòng” là một nhược điểm của tiểu thuyết này vì nó làm mất thì giờ của độc giả. Đúng là dài, nhưng dài không phải vì tác giả “độn” vào nhiều thứ, mà vì bản thân câu chuyện tình, trong trường hợp này, quả thực là miên man bất tận.
Tôi muốn nói đến văn phong của tiểu thuyết Bàn tay nhỏ dưới mưa. Lâu nay, khi bàn về tính hấp dẫn của một tác phẩm văn chương, ta thường nghiêng bàn về giá trị nội dung (về “chuyện” của một tác phẩm văn xuôi), đôi khi ít chú ý tới “văn chương là nghệ thuật ngôn từ”. Tôi thấy tác giả là một người có ý thức “làm văn”. Tại sao không?! Nhưng câu chữ của tác phẩm lại giản dị một lòng yêu đời, yêu người. Đọc kĩ thấy rõ trước hết những gì được viết ra đều từ một cảm xúc run bật, chín và mạnh - chính điều đó dẫn dụ độc giả vào câu chuyện, vào các tình huống, tâm trạng, cảnh ngộ của nhân vật “Rồi vĩnh viễn yên nghỉ trong vườn địa đàng (…). Gấm như con bướm thoát xác, chỉ để lại vỏ kén. Còn hồn nàng vút lên trời, như quả pháo thăng thiên. Và tôi tin là Gấm còn biết rằng, dù nàng đã ra đi nhưng tình yêu thiêng liêng của nàng trong cuộc sống này không bao giờ mất (…). Giờ thì Gấm đã thành mây. Tôi có cảm giác rằng ngay lúc cảm thấy mình sắp chết, nàng đã ý thức rất rõ ràng về cái chết của mình. Nàng đã cảm nhận được sự tái sinh và cũng ý thức được rất rõ sự tái sinh của mình. Vì Gấm sẽ chờ tôi bên kia thế giới. Để cùng quay lại trần gian”.
Một cái kết không “có hậu”, nhưng có sao đâu khi cuộc đời không phải lúc nào cũng có hậu, cũng chia đều may mắn và hạnh phúc cho từng người vì “Tôi kinh hãi nghĩ đến những con thuyền neo bến mà không còn kẻ qua sông”. Một bạn văn của tôi đã đọc cuốn sách này và có ý cho rằng tác giả viết như không tính đến kĩ thuật. Đúng như thế. Nhưng phải nói lại rằng, trong bất cứ nghề gì, khi đã chín, đã sâu, đã tận tâm thì công việc cứ băng băng như là không cố ý cố gắng, nhưng hiệu quả lại cao, lại bền vững. Thật ra thì Trương Văn Dân đã thử bút trong truyện ngắn (Hành trang ngày trở lại - Tập truyện ngắn - Nxb Trẻ, 2007), nên ít nhiều có kinh nghiệm viết.
Gần đây tôi có đọc tiểu thuyết Một bàn tay thì đầy của Hoàng Việt Hằng (Nxb Phụ nữ, 2010). Nhưng tôi thấy Trương Văn Dân lại có cái tứ khác “hai bàn tay mới đầy”. Cả cuốn tiểu thuyết là nghệ thuật hoá ý tưởng sau “ Trong cuốn nhật kí, giữa những trang giấy, tôi còn thấy có một tờ giấy ruột của quyển vở học trò được gấp làm tư. Khi mở ra, đặt lên bàn, tôi dùng bàn tay vuốt cho thẳng nếp. Trên mặt giấy có in hình hai bàn tay. Một bàn tay nhỏ bên trái và một bàn tay bên phải to hơn và khi gấp giấy thì hai bàn tay ấy chạm vào nhau. Mắt tôi ướt đẫm. Tôi nhớ đến những lần thấy Gấm và bé Liên xòe hai bàn tay phải áp vào nhau, rồi cười lên vui vẻ. Hai bàn tay ấy Gấm đã đặt trong quyển vở ghi chép tất cả những bí mật của đời nàng”.
Tôi nghĩ cuộc khám phá bí mật đời sống tâm hồn con người của tác giả Trương Văn Dân đã chạm tới thành công bước đầu rất khả quan./.
Hà Nội 4-2012
B.V.T