Văn Thánh miếu Vĩnh Long - biểu tượng của học phong Nam Kỳ

Trong bài viết Khổng học ở đất Đồng Nai đăng trên Đại Việt tập chí (số 22 và 23, 1er & 16 Septembre 1943) cách nay tròn 70 năm, Ngạc Xuyên Ca Văn Thỉnh (1902-1987) đã tường giải một mối nghi ngờ, phản biện một ngộ nhận của không ít trí thức cao cấp đương thời và trước đó về sự vắng bóng của một nền Hán học, một nền Khổng học ở đất Nam kỳ. Bản thân ông từng mang ngộ nhận ấy trong suốt thời gian dài cho đến khi theo dấu người xưa tìm về với văn bia dựng ở Văn Miếu Vĩnh Long, bia khắc dựng ở mộ cụ Võ Trường Toản (?-?), rồi bài thi văn của cụ Nguyễn Thông (1827-1884) trong Ngoạ du sào tậpKỳ Xuyên văn sao có liên quan đến hai bài văn bia ấy. Ngạc Xuyên thích thú và ngưỡng vọng với học phong của người xưa bèn dịch các văn bản ấy và kèm theo mấy câu hỏi vô cùng thống thiết, cảm động:

“Xét qua mấy bản văn trên đây, tôi có ba điều nhận thức và phát ra ba câu hỏi sau này:

1. Ngoài vài bài văn dịch trên nói về Khổng giáo, người ta còn có thể kể các nhà văn thi: Mạc Thiên Tứ, Đặng Đức Thuật, Nguyễn Hương, Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định, Ngô Nhân Tĩnh, Phan Thanh Giản, Vương Hữu Quang, Nguyễn Thông, Trần Tử Mẫn…

Thế thì đất Đồng Nai có Hán học không?

2. Những bực hiền tá giúp được Cao hoàng tại đất Đồng Nai xây dựng lại ngôi nhà Nguyễn, kể ra không phải ít: số người liều mình vì nhân nghĩa, vì quân quốc, cũng không phải ít không kể những bậc ẩn dật cao tiết tránh thời loạn, ẩn dật để học rõ nghĩa “Tri ngôn dưỡng khí”.

Thế thì ở đất Đồng Nai có giáo dục, đạo nghĩa không?

3. Năm Ất Vị (1715), ông Nguyễn Phan Long, ông Phạm Khánh Đức sáng lập ra Văn Miếu ở Biên Hòa.

Năm Nhâm Tý (1792) ghi ngày quá cố một nhà giáo dục có ảnh hưởng sâu xa trong đất Đồng Nai: cụ Sùng đức Võ Trường Toản.

Năm Ất Dậu (Minh Mạng thứ 6, 1825), Văn Thánh Miếu Gia Định lập thành.

Năm Bính Dần (1866), năm Kỷ Mão (1867), Phan Thanh Giản, Nguyễn Thông lập xong Văn Thánh Miếu Vĩnh Long và làm lễ thiên táng cụ Sùng đức Võ Trường Toản.

Các bằng cớ lịch sử đại khái ấy tỏ ra rằng ở đất Đồng Nai các vua triều Nguyễn, nhất là vua Minh Mạng có để tâm đến Khổng giáo, và phụ với việc triều đình hai nhà Khổng học Võ Trường Toản trước, Phan Thanh Giản sau có công chấn chỉnh Khổng học.

Thế thì đất Đồng Nai có Khổng học không?

Kẻ hậu học này rất mong mỏi được các bậc cao minh giảng rõ cho những chỗ băn khoăn ấy”(1).

Trong những dấu chỉ quan trọng mà Ngạc Xuyên đã chỉ ra, Văn Thánh Miếu Vĩnh Long với Văn Xương Các ở trong, ở một hoàn cảnh lịch sử đặc biệt, đã hội tụ được những dấu ấn của các bậc trí thức tiêu biểu đại diện cho học vấn, học phong Nam kỳ thế kỷ XIX. Trải qua dâu bể, Văn Thánh Miếu vẫn tồn tại cho tới ngày nay không chỉ có giá trị về mỹ thuật kiến trúc, mà là một bằng chứng của lòng hiếu học, trọng đạo lý lễ nghĩa, biểu tượng của học vấn Nam kỳ một thời vàng son trong quá khứ.

1.      Từ Văn Thánh Miếu: biểu tượng Khổng học…

Văn Miếu có khi gọi là Văn Thánh Miếu là công trình được xây dựng nhằm đề cao Nho giáo của nhà Nguyễn tại các địa phương. Văn Thánh Miếu dưới triều Nguyễn được xây dựng nhằm chấn chỉnh và khuyến khích Nho học, duy trì “đạo học” nhằm chống lại ảnh hưởng của phương Tây. Đại Nam thực lục nhiều lần chép việc vua nhà Nguyễn thân hành khấn vái ở Văn Miếu trong những dịp lễ quan trọng cho thấy rõ ý thức ấy. Việc khuyến khích Nho học qua chủ trương lập Văn Miếu, nhà Nguyễn đang thể hiện một ý thức chính trị là dựa vào tầng lớp trí thức nho học nhằm chống lại phương Tây mà cụ thể là Pháp.

Văn Thánh Miếu Vĩnh Long là Văn Miếu được xây dựng sau cùng ở Nam kỳ dưới thời Nguyễn. Trước đó, Văn Thánh Miếu được lập ở Trấn Biên (Biên Hoà) đời Hiển Tôn hoàng đế (Chúa Nguyễn Minh Vương) năm thứ 25 (1715) và tại thành Gia Định năm Minh Mạng thứ 6 (1825).

So với các Văn Miếu khác, Văn Miếu Vĩnh Long được xây dựng trong một tình thế đặc biệt: pháp chiếm 3 tỉnh miền Đông Nam kỳ; tỉnh Vĩnh Long bị chiếm đóng nhưng sau đó được trao trả theo Hoà ước Nhâm Tuất (1862). Khi Vĩnh Long được trả, nhiều trí thức Nam kỳ ở Biên Hoà, Gia Định và Định Tường đã quy tụ về đây. Quan Đốc học Vĩnh Long là Nguyễn Thông đã hợp với các sĩ phu gấp rút xây dựng Văn Thánh Miếu làm nơi ôn tập cho các sĩ tử và cũng là trung tâm hoạt động văn hoá, đề cao Đức Khổng Tử và các bậc tiền hiền nhằm giáo dục lễ nghĩa và duy trì “đạo học”. Công trình khởi công từ mùa đông năm Giáp Tý (1864) và hoàn thành vào mùa thu năm Bính Dần (1866). Năm 1867, thực dân Pháp đem chiến thuyền uy hiếp và đánh chiếm Vĩnh Long. Thực dân lấy cớ cần có gỗ để xây dựng dinh Tham biện định phá Thánh Miếu. Bá hộ Trương Ngọc Lang được dân cử đứng ra điều đình với Pháp để giữa lại. Trải qua thời gian, Văn Thánh Miếu được trùng tu nhiều lần nhưng vẫn giữ được những nét cơ bản nguyên sơ.

Văn Thánh Miếu toạ lạc tại làng Long Hồ, tổng Long An, huyện Vĩnh Bình (nay thuộc đường Trần Phú, phường 4, thị xã Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long), mặt hướng ra sông Long Hồ. Lối vào là cổng tam quan xây theo lối cổ lầu có ba tầng mái. Qua cổng là thần đạo hướng thẳng chính điện với hàng cây sao cổ thụ. Trước chính điện, giữa thần đạo có tấm bia do Phan Thanh Giản chấp bút. Tổng cộng trong Văn Miếu có 3 tấm bia mang giá trị ghi dấu các thời kỳ lịch sử gắn với Văn Miếu. Ngoài bia Phan Thanh Giản còn có bia ghi việc trùng tu miếu năm 1903, bia ghi công bà Trương Thị Loan (con gái Trương Ngọc Lang) đã có công hiến đất làm hoa lợi hương hoả (2). Miếu thờ Đức Khổng Tử có nhiều cặp liễn đối và hoành phi mang giá trị lịch sử văn hoá và cho thấy lòng hiếu học của dân chúng Nam kỳ. Chính điện làm theo kiểu trùng thềm điệp ốc. Trước sân chính điện có hai ngôi miếu gọi là Tả Vu và Hữu Vu. Trong khuôn viên Văn Miếu có hai cái hồ trồng sen có tên là hồ Nhật Tinh và hồ Nguyệt Anh nhưng qua thời gian nay đã cạn. Phía bên phải hướng từ cổng vào có dựng một “Tân Đình” (1869) để thờ Phan Thanh Giản. Năm 1872, Trương Ngọc Lang dựng bia đặt tên là Tuỵ Văn Lâu (lầu nhóm họp giới văn nhân tài tử), sau đổi tên là Văn Xương Các (Gác Văn Xương).

Văn Xương Các kiến trúc theo kiểu trùng thềm điệp ốc. Phía trên gác là nơi chứa sách và thờ Văn Xương Đế Quân (vị tinh quân chủ quản việc học hành thi cử). Tầng dưới Văn Xương Các là nơi dành cho trí thức ngồi đàm đạo và là nơi đặt khánh thờ những trí thức có tầm ảnh hưởng đối với sĩ phu Nam kỳ như Gia Định Xử sĩ Sùng Đức Tiên sinh Võ Trường Toản và Khâm sai Kinh lược sứ Phan Thanh Giản (1796-1867). Tại đây còn lưu giữ Sắc phong thần của nhà Nguyễn cho Phan Thanh Giản (1933). Phía ngoài trước sân đặt hai khẩu súng thần công đã gỉ sét vì sự bào mòn của thời gian, ghi dấu một thời tranh đấu của nhân dân ta.

Trong những văn bia đề nơi Văn Miếu, bài bi của Phan Thanh Giản không chỉ có giá trị văn học mà còn cho thấy ý nghĩa của việc lập Miếu:

“Lớn thay! Đạo đức Khổng Phu Tử. Vì trời đất lập ra “Tâm”. Vì sanh dân lập ra “Mạng”. Vì thánh trước nối sự học đã dứt. Vì muôn đời mở ra cuộc thái bình, cho nên các đời vua thờ phượng cúng tế, không bao giờ bỏ hẳn. (…) Xứ Nam kỳ Lục tỉnh, địa thế xa cách, gần ba ngàn dặm, và lại mở mang sau hết. Đức Hiền tôn hoàng đế ta trị vì năm Ất Mùi thứ 25, quan trấn thủ doanh Trấn Biên Nguyễn Phan Long, quan Ký lục Phạm Khánh Đức mới lập ngay ở phủ Phước Long một toà miếu vũ, thờ Đức Tiên sư Khổng Tử, rồi từ đó mỗi khi gặp tiết xuân thu hai lần cúng tế, thì ở thành Gia Định có phái bên văn một quan lớn đi với quan đốc học và các thân sĩ đến đó hành lễ.

Qua triều Minh mạng thứ 6 (1825) mới lại cất riêng một toà văn miếu nữa, ở về huyện Bình Dương, mà các trấn lúc bấy giờ chưa có. Song mỗi lần đến kỳ thi khoá, học trò ở các trấn tề tựu về đó như mây nhóm, áo khăn chỉnh chiện, tụng đọc nghê nga, và như có gặp nhằm lễ “Thích điện” các trò cũng đều được đến dự. Đường cả non cao, có chỗ tới lui chiêm ngưỡng. Kịp đến sau Lục tỉnh sửa đổi tên lại, thì bổn tỉnh Vĩnh Long mới chọn được một sở đất ở tại làng Tân Sơn để cất miếu thờ. (…) Lại ở ngoài tường, bên tả gần sông, có dựng một cái thơ lầu, để làm nơi chứa sách, cho tiện lúc hội hiệp đọc sách làm văn.

Ôi! Hai chái ngồi hầu, muôn đời tôn chuộng, xem trông bắt chước, có chỗ sẵn sàng. Mà sự dạy dỗ của thánh nhơn bắt đầu nên cho mình, rồi sau mới nên cho vật. Còn sự học hành của chúng ta, thì gốc ở nơi mình mà phải ra sức làm cho nên việc. Lại có kẻ văn chương thật rõ rệt mà chẳng quan tâm đến sự dạy dỗ cho đời, tuy có giỏi, cũng không ích”(3).

Tháng 3 âm lịch năm Đinh Mão (1867), nho sĩ Lục tỉnh chủ trương dời hài cốt của Võ Trường Toản, người thầy chung của trí thức Nam kỳ, từ Bình Dương (Gia Định) về cải táng tại thôn Bảo Thạnh (huyện Bảo An, Vĩnh Long - nay thuộc Bến Tre). Việc dời mộ cụ Võ Trường Toản ngoài mục đích đích không để thầy nằm trên đất giặc chiếm mà còn có ý nghĩa “Trùng minh chính học, tục truỵ tự” (Làm sáng chính học, nối mối đứt) như Nguyễn Thông bày tỏ(4) và việc xây Văn Thánh Miếu Vĩnh Long là nằm trong chủ trương ấy.

Cũng năm này (1867), Pháp đem quân bức chiếm Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên. Phan Thanh Giản nộp thành, rồi tuyệt thực 17 ngày nhưng không chết. Sau đó ông uống thuốc độc tự tử. Và có lẽ, không phải ngẫu nhiên, mộ của Phan Thanh Giản được táng cùng một giồng cách không xa mộ của Võ Trường Toản.

2.      … Đến biểu tượng của “học phong” Nam kỳ

Khi ba tỉnh miền Tây Nam kỳ mất, nước Việt đặt dưới sự đô hộ của Pháp, nền Hán học dần lui vào dĩ vãng, Văn Thánh Miếu đã chuyển công năng và trở thành ngôi đền biểu trưng cho học vấn Nam Kỳ. Văn Xương Các trở thành nơi thờ phượng các trí thức tiêu biểu cho học vấn vùng đất mới: Sùng Đức công Võ Trường Toản, Kinh lược sứ Phan Thanh Giản, Bố chánh Quảng Ngãi Nguyễn Thông (nguyên Đốc học Vĩnh Long) và các vị khác như Tổng đốc Vĩnh Long Trương Văn Uyển; Bố chánh Vĩnh Long Nguyễn Văn Nhã; Án sát Vĩnh Long Võ Doãn Thanh, Tuần phủ Hà Tiên Lê Quang Nguyên, Án sát Hà Tiên Nguyễn Toán, Án sát An Giang Phạm Hữu Chánh, Tri phủ Định Viễn Lê Văn Khiêm, Tri phủ Định Viễn Nguyễn Thống Minh, Giáo thọ Hoằng tự Nguyễn Tu Mẫn, Tổng đốc Thuận Khánh Nguyễn Mục Như.

Trong Nhất thống chí, tỉnh Gia Định, mục Phong tục, các sử thần Quốc sử quán triều Nguyễn có viết: “Tục chuộng khí tiết, Khinh tài trọng nghĩa, sĩ phu ham đọc sách, cốt yêu cầu cho hiểu rõ nghĩa lý, mà lại vụng nghề văn từ”. Các tác giả sách Tác phẩm Nguyễn Thông đã bình luận: “cái học phong không chuộng từ chương để đi thi cử ấy đã không đem lại cho vùng này nhiều những ông Tú ông Cử, nhưng cũng chính vì vậy mà tầng lớp nho sĩ vùng này nói chung ít nhiều có đầu óc sáng tạo và thực tiễn hơn”(5).

Nhìn lại Nho học Nam kỳ, từ người trí thức có tầm ảnh hưởng lớn là Võ Trường Toản cho đến thế hệ trí thức cuối cùng đã kịp hình thành nên học phong vùng đất này. Võ trường Toản đã mang vào Nam kỳ học phong rồi sẽ trở thành truyền thống của vùng đất mới: thực tiễn (học cốt để hiểu nghĩa lý), trung thành (đề cao lễ nghĩa) và vị đời (vì đời, vì nước, học không phải vì cơm áo). Học phong này được thể hiện rõ qua nhiều trí thức tiêu biểu như Ngô Nhân Tĩnh, Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định (Gia Định tam gia), Phan Thanh Giản, Nguyễn Thông, Nguyễn Đình Chiểu, qua Bùi Hữu Nghĩa, Phan Văn Trị. Học phong trọng thực tiễn khiến người trí thức suy tư trên cơ sở nền tảng thực tế, và tự thân nó có xu hướng ly tâm với kiểu học vấn trường ốc trong truyền thống học thuật nho giáo.

Kinh lược sứ Phan Thanh Giản dù không trực tiếp thụ giáo Võ Trường Toản nhưng đã thể hiện lòng biết ơn đối với người thầy chung của trí thức Nam kỳ. Trong bài minh đề ở bia mộ cụ của Võ Trường Toản, Phan Thanh Giản viết:

“Hay thay! Sở học của tiên sanh. Thật là rộng lớn mà tinh vi vậy, dẫu đọc bất cứ ngàn muôn kinh sách nào cũng rõ nghĩa lý được.

Tiên sanh không khứng ra làm quan nên đại khái không thấy được sự nghiệp. Từ thuở tiên sanh lấy lối học nghĩa lý để giáo hóa, chẳng những đương thời đào tạo được nhiều bực nhơn tài, mà còn truyền thuật, giảng luận trau dồi về sau: tới nay, dân gian trong Lục tỉnh Nam kỳ, tỏ lòng trung nghĩa, cảm phát, dám hi sanh tới tánh mạng, xét ra tuy nhờ đức thân nhân của quân vương nhuần cội, cố kết chặt nhân tâm, nhưng nếu không có công đức mở mang huấn dụ của tiên sanh từ thuở trước thì làm sao được có nhân tâm như thế ấy?”(6).

Đốc học tỉnh Vĩnh Long là Nguyễn Thông, người có tầm ảnh hưởng trong phong trào tị địa của trí thức Nam kỳ và cơ sở duy tân ở Phan Thiết đã viết về bậc lương sư Võ Trường Toản và vị ân sư của mình là Phan Thanh Giản trong Sùng đức Võ phu tử mộ biểu hậu:

“Từ Lương Khê Phan tiên sanh tới cụ Sùng đức Võ phu tử khoảng thời gian không mấy xa.

Sở học của Phan tiên sanh lấy chữ “Thành” làm chủ đích; trước hết lấy việc trị tánh tình làm phương thiết thực.

Thời gần đây, tuy các nho gia chưa xem xét tới sở học ấy, nhưng lời giảng luận xưa kia, câu biên chép còn sót lại của cụ Sùng đức vẫn còn triêm nhiễm trịu trịu trong lòng. Sở học của Sùng đức thật là thiết thực thâm uyên rất hiệp với tư tưởng thánh hiền xưa vậy”(7).

3. Lời kết

Nhà văn hoá Phạm Quỳnh, trong chuyến đi thăm Nam kỳ đã viết thiên du ký Một tháng ở Nam kỳ đăng trên tạp chí Nam Phong (1919). Trong du ký đó, Phạm Quỳnh đã mô tả sống động con người và văn hoá của vùng đất mới. Tới Vĩnh Long, ông đã viết về Văn Thánh Miếu: “Tôi có thăm miếu thờ quan Phan Thanh Giản, ngài là người tỉnh này; trong miếu có bức tranh họa hình ngài theo một tấm ảnh ngài chụp cùng với bộ sứ hồi sang sứ bên Paris. Đứng trong miếu, trước hình ảnh ngài mà lại hồi tưởng đến lịch sử quan Phan, ngậm ngùi than thay cho cái tâm sự bồi hồi của một vị đại thần gặp giữa lúc bước nước gian nan. Tỉnh Vĩnh Long lại có cái Văn Miếu, qui mô cũng phỏng theo các nơi Văn Miếu ngoài ta mà cách sắp đặt sơ sài lắm: ở gian giữa không có bài vị đức Thánh sư, chỉ treo có một cái tranh hình ông Khổng râu xồm tóc bới của các hiệu Khách thường bán! Than ôi! Phu tử lạc loài đến đây làm gì? Ai là người còn biết cúng tế ngài cho hợp lễ, hợp những lễ phép ngài đã đặt ra, vì sách ngài còn mấy người đọc nữa? Trong miếu có đôi liễn khắc của cụ nguyên Học bộ Cao Xuân Dục làm mùa thu năm Quý Mão, tôi sao được như sau này: . . (Xuân thu hà đẳng càn khôn đạo tại ngũ kinh song nhật nguyệt/ Thù tứ biệt thành vũ trụ đồ qua lục tỉnh nhất cung tường). Cả trong miếu còn đôi liễn đó là chút văn chương thừa!”(8).

Không thể trách cứ Phạm Quỳnh, vì ông đã mô tả sự thật. Thời gian phủ bóng, Văn Thánh Miếu thời điểm họ Phạm viếng thăm (1918) đâu còn là nơi lui tới của tao nhân mặc khách thuở nào. Nhưng tiếc cho Phạm Quỳnh là ở chỗ ông hạ bút trước đôi liễn của Đông các Đại học sĩ Cao Xuân Dục (1842-1923): “Cả trong miếu còn đôi liễn đó là chút văn chương thừa!”, mà không hiểu được rằng Nam kỳ từ rất sớm đã hình thành một nền văn chương đặc sắc, học phong “Tri ngôn dưỡng khí” đã có tầm ảnh hưởng rộng lớn đương thời và cho đến thời cận hiện đại. Học phong ấy đã khiến người trí thức Phan Thanh Giản chọn cái chết sau khi nộp thành Vĩnh Long. Học phong ấy đủ để vị Kinh lược sứ hiểu được nhân dân muốn gì trong tình thế cấp bách ngàn cân treo sợi tóc, hiểu được không thể cưỡng lại trước sức mạnh của quân viễn chinh Pháp và làm sao để nhân dân bớt đổ máu. Lời của Phạm Quỳnh là nguyên cớ để Ngạc Xuyên có bài đối thoại (dù cách bài họ Phạm gần một phần tư thế kỷ) trên Đại Việt tập chí. Bài viết của Ngạc Xuyên đã gợi hứng và kích thích chúng tôi trở lại vấn đề này, một vấn đề thú vị rất đáng để học giới quan tâm. Xin mạn phép trình bày những tư liệu của Ngạc Xuyên và Thượng Tân Thị để độc giả có những lưu ý về một khía cạnh của học phong Nam kỳ. Qua vài ba trang giấy quả chúng tôi chưa nói được điều gì xứng với tiền nhân.

_____________

(1), (6), (7) Ngạc Xuyên: Khổng học ở đất Đồng Nai, Đại Việt tập chí, số 22+23, 1er và 16 Septembre, 1943, tr.31; 28-29; 30-31.

(2) Có thuyết nói rằng hai tấm bia sau do Nguyễn Liên Phong soạn. Trong Nam kỳ phong tục nhơn vật diễn ca, Nguyễn Liên Phong khi viết về Vĩnh Long có nhắc đến Văn Thánh Miếu nhưng không thấy bằng chứng gì nói việc ông soạn hai bài văn bia ấy. Nam kỳ phong tục nhơn vật diễn ca có đoạn: Vĩnh Long chùa miếu giăng giăng/ Làng Long Hồ có miếu văn một nền. Nguyên xưa dấu để vững bền, Sao dời vật đổi xuống lên vận đời/ Bởi vì son sắc rạng ngời/, Háo chi lạc thiện lòng người không phai/ Phan Công gầy dựng lưu lai, sau ông hộ Nọn bồi tài kinh dinh/ Nay nhờ nhà nước hậu tình/ Cho ngàn đồng bạc trợ thành mỹ quan/ lại thêm có cô Năm Lang/ Là con ông Hộ giàu sang phải nghì/ Tư thừa phụ nghiệp vĩnh vi/ Thương cha mẹ đã tảo quy Diêm đình/ Cúng vào thửa ruộng của mình/ Giá hai ngàn bạc phát lành từ tâm. (Xin xem thêm Nam kỳ phong tục nhơn vật diễn ca, Nxb Văn học, 2012, tr.267-283).

(3) Thượng Tân Thị: Miếu Văn Thánh ở Vĩnh Long, Đại Việt tập chí, số 5, 1er Décembre, 1942, tr.13-14.

(4), (5) Cao Tự Thanh, Đoàn Lê Giang: Tác phẩm Nguyễn Thông, Sở Văn hoá Thông tin Long An xuất bản, 1984, tr.115; 27.

(8) Phạm Quỳnh: Một tháng ở Nam kỳ, Nam Phong tạp chí, số 20, tháng 2, năm 1919, tr.136. Câu đối trên được nhà nghiên cứu Đoàn Lê Giang dịch chú như sau: Sách Xuân Thu sánh với đất trời, đạo ở ngũ kinh rực rỡ đôi vầng nhật nguyệt; Sông Thù, Tứ riêng thành vũ trụ, chảy qua Lục Tỉnh thâm nghiêm một chốn đền đài. Chú thích: Xuân Thu tức kinh Xuân thu của Khổng Tử; Thù, Tứ là tên hai con sông nơi Khổng Tử dạy học, nên người đời sau vẫn dùng để chỉ đạo học của Khổng Tử; Cung tường là tòa nhà cao lớn với cung phủ tường bao thâm nghiêm, thường dùng để chỉ Văn miếu/ đạo học uy nghi, sâu kín. Đôi câu đối này, vế đầu ca tụng đạo học của Khổng Tử, vế sau ca ngợi Văn Thánh miếu Vĩnh Long.

Bài viết cùng tác giả

Danh mục website