(Trần Tịnh Vy, Tạp chí ĐH Sài Gòn, niên giám 2012)
1. Giới thiệu chung
Đại học Linkoping nằm tại thành phố Linkoping, Thụy Điển, hay còn được gọi vắn tắt là LiU, là một trường đại học đa ngành, nơi hoạt động nghiên cứu và giảng dạy đóng vai trò quan trọng ngang nhau. Kế thừa một truyền thống học thuật lâu đời kể từ thời kỳ trung cổ song chính thức thành lập vào năm 1970, Đại học Linkoping trở thành trường đại học thứ sáu tại Thụy Điển và là trường đại học đầu tiên đào tạo chương trình thạc sĩ khoa học máy tính tại Thụy Điển. Tính đến nay, với số lượng sinh viên xấp xỉ là 27300 sinh viên (số liệu thống kê vào năm 2011), Đại học Linkoping trở thành điểm đến lý tưởng cho sinh viên Thụy Điển và quốc tế có ước vọng được học tập và nghiên cứu trong một môi trường học thuật tối ưu.
Bài viết này sẽ đưa ra cái nhìn toàn cảnh về Đại học Linkoping nói chung và đi sâu hơn vào chương trình đào tạo thạc sĩ Ngôn ngữ và Văn hóa Châu Âu.
Về cơ cấu tổ chức, Đại học Linkoping khác biệt khá lớn nếu so sánh với cơ cấu tổ chức truyền thống mang tính khuôn mẫu của các trường đại học Châu Âu. Thay vì phân chia thành từng khoa riêng biệt như nhân văn, khoa học xã hội hay triết học, Đại học Linkoping chỉ bao gồm bốn phân khoa chính là phân khoa Kỹ thuật, phân khoa về Khoa học Y tế, phân khoa về Khoa học Giáo dục và phân khoa về Khoa học và Nghệ thuật. Điểm thú vị trong phân khoa cuối cùng là chuyên ngành đào tạo được thiết kế theo hướng liên ngành, chẳng hạn nhân chủng học xã hội, lịch sử văn chương, khoa học chính trị hay kinh tế chính trị. Bốn phân khoa chính trên đây được chia nhỏ làm 14 chuyên ngành cụ thể và chịu trách nhiệm chính trong hoạt động nghiên cứu và đào tạo tương ứng trong từng khoa. Điều hành khoa là hội đồng khoa học khoa, trong đó trưởng khoa sẽ là người đứng đầu. Bên cạnh hội đồng khoa học, trong mỗi khoa còn có sự góp mặt của ủy ban nghiên cứu và giáo dục bao gồm đại diện từ các tổ chức khác nhau trong trường như đại diện của viên chức trong trường, đại diện của giảng viên, sinh viên… Ủy ban này chịu trách nhiệm trong việc quản lý ngân sách của khoa, cung cấp thông tin hoặc các hoạt động đối ngoại khác.
Với phương châm “Mở rộng thực tiễn”, Đại học Linkoping thể hiện tham vọng phát triển thành môi trường học thuật nơi hoạt động nghiên cứu xuất phát từ khả năng tư duy sáng tạo của con người và cứu cánh là phục vụ nhu cầu con người. Để gia tăng tính thực tiễn trong hoạt động nghiên cứu và giảng dạy, trường thiết lập một mạng lưới liên kết chặt chẽ với các công ty Thụy Điển như SAAB hoặc Ericsson nhằm đảm bảo những kiến thức được giảng dạy sát sao nhất có thể đối với nhu cầu công việc từ thực tế cuộc sống.
Bằng thực tế học tập, người viết sẽ đưa ra cái nhìn cụ thể về chương trình thạc sĩ Ngôn ngữ và Văn hóa Châu Âu thuộc khoa Văn hóa và Truyền thông, phân khoa về Khoa học và Nghệ thuật. Phần nội dung đầu tiên sẽ là phần giới thiệu về chương trình đào tạo trong hai năm. Tiếp theo, chúng tôi sẽ đưa ra cảm nhận về tính chủ động mà phương thức đào tạo mang lại cho người học.
2. Giới thiệu về chương trình thạc sĩ Ngôn ngữ và Văn hóa Châu Âu
Chương trình thạc sĩ Ngôn ngữ và Văn hóa Châu Âu thuộc khoa Văn hóa và Truyền thông nằm trong phân khoa lớn hơn là Phân khoa về Khoa học và Nghệ thuật. Chương trình đào tạo này hướng đến mục tiêu phát triển khả năng tư duy và phân tích của sinh viên về lịch sử phát triển và đặc điểm ngôn ngữ và văn chương Châu Âu. Tập trung chính vào những chuyên đề về ngôn ngữ nói chung, chương trình thạc sĩ Ngôn ngữ và Văn hóa Châu Âu là minh chứng cho xu hướng nghiên cứu liên ngành thông qua việc tìm hiểu các lý thuyết về ngôn ngữ học, văn học và nhân chủng học hay phân tích tiến trình ngôn ngữ và văn bản văn chương trong bối cảnh văn hóa. Tài liệu nghiên cứu do đó được linh hoạt tiếp cận từ các tác phẩm kịch, tiểu thuyết, thơ ca hay điện ảnh. Cách thức học tập đa phần được thiết kế dưới dạng thảo luận nhóm có giảng viên hướng dẫn hoặc thuyết trình theo chủ đề cho sẵn. Hình thức kiểm tra cuối khóa thường bao gồm bài kiểm tra về nhà và thuyết trình trước lớp. Trong một số chuyên đề đặc biệt, thông thường là chuyên đề về ngôn ngữ học, hình thức thi cuối khóa có thể bao gồm một phần thi vấn đáp.
Chương trình được chia làm bốn học kì trong hai năm. Năm học được bắt đầu từ tháng 9 năm trước và kết thúc khoảng tháng 6 năm sau, số tín chỉ yêu cầu cho cả năm là 60 tín chỉ tương ứng với 30 tín chỉ cho một kì. Một điểm linh hoạt trong cách thức đào tạo là sinh viên có thể lựa chọn chương trình học hai năm để nhận bằng Thạc sĩ Văn chương 120 tín chỉ. Nếu không, sinh viên có thể kết thúc chương trình học ngay tại năm thứ nhất và nhận bằng Thạc sĩ Văn chương với 60 tín chỉ. Chương trình giảng dạy do đó khá linh hoạt và độc lập trong cách thức phân bố các chuyên đề đào tạo. Cách thức sắp xếp môn cụ thể sẽ được nhắc đến sau.
Trong học kì đầu tiên của năm nhất, sinh viên được học các môn sau:
Nhập môn học thuật nâng cao (3 tín chỉ): Đây là khóa học giới thiệu về hệ thống đào tạo sau đại học của Thụy Điển nói chung và Đại học Linkoping nói riêng. Trong khóa học này, sinh viên cũng được tìm hiểu sơ lược từ những vấn đề mang tính “vĩ mô” như thiết chế chính trị hay triết lí giáo dục của Thụy Điển đến những vấn đề gần gũi với sinh viên như tổ chức các phòng ban trong trường hoặc các hình thức thi cử. Đặc biệt, sinh viên được hướng dẫn rất kĩ về lỗi đạo văn trong nhà trường, cách nhận biết và phòng tránh cũng như những hình thức kỉ luật đối với sinh viên nếu vi phạm lỗi này.
Nhân chủng học Châu Âu (3 tín chỉ): Nghiên cứu về nhân chủng học Châu Âu, đặc biệt tập trung vào Thụy Điển.
Ngôn ngữ, Văn hóa và Ngôn ngữ học (6 tín chỉ): Phân tích về mối quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hóa dưới góc nhìn của ngôn ngữ học.
Kí hiệu học của Ngôn ngữ và Văn hóa (6 tín chỉ): Sinh viên được giới thiệu các lý thuyết về kí hiệu học và ứng dụng các lý thuyết này vào việc phân tích các hiện tượng ngôn ngữ và văn hóa.
Văn chương, Cộng đồng và Loại thể (6 tín chỉ): Chuyên đề này đi vào phân tích mối quan hệ giữa văn chương và cộng đồng cũng như vai trò của từng thể loại văn học trong xã hội Châu Âu từ khởi thủy đến hiện tại.
Tự sự và Văn chương (6 tín chỉ): Chuyên đề nghiên cứu về bản chất và chức năng của tự sự trong văn bản. Sinh viên sẽ học cách nhận diện và phân biệt các dạng tự sự trong văn bản văn chương và phi văn chương, qua đó là nhận biết cách tự sự được vận dụng trong kĩ thuật viết của tác giả.
Như đã được nhắc đến, chương trình thạc sĩ Ngôn ngữ và Văn hóa Châu Âu mặc dù được thiết kế trong thời gian hai năm tương ứng với 4 kì nhưng số lượng chuyên đề được sắp xếp uyển chuyển và linh động. Sau khi hoàn tất kì thứ nhất, sinh viên sẽ tiếp tục học chung với nhau một chuyên đề trước khi lựa chọn hoặc học thêm 2 chuyên đề nữa hoặc viết luận văn cuối khóa. Đối với những sinh viên lựa chọn chương trình thạc sĩ trong 1 năm, họ buộc phải viết luận văn để hoàn tất khóa học của mình. Các sinh viên theo học chương trình thạc sĩ trong 2 năm thông thường được khuyến khích viết luận văn hoàn tất năm thứ nhất để thực tập cách thức chọn đề tài và nghiên cứu khoa học trước khi bước vào nghiên cứu luận văn thạc sĩ cuối năm hai. Luận văn cuối năm nhất do đó chỉ chiếm phân nửa số tín chỉ (15 tín chỉ) so với luận văn thạc sĩ cuối năm hai (30 tín chỉ).
Trước khi viết luận văn năm nhất, toàn bộ sinh viên sẽ học chung với nhau chuyên đề:
Ngôn ngữ và Văn hóa Châu Âu (15 tín chỉ): Đây là chuyên đề thể hiện rõ nhất tính liên ngành trong chương trình giảng dạy của Đại học Linkoping. Theo đúng với tên gọi, đến với chuyên đề này, sinh viên được tiếp cận các lý thuyết về ngôn ngữ học, văn học, văn hóa học Châu Âu. Chuyên đề kéo dài trong gần hai tháng với một khối lượng kiến thức phải đọc và nghiên cứu dày đặc. Cụ thể, sinh viên phải tìm hiểu các vấn đề về ngôn ngữ học xã hội như Nhập môn ngữ nghĩa học, Hiện tượng song ngữ tại một số quốc gia Châu Âu, Cách phân tích hội thoại hay Bối cảnh ngôn ngữ học Châu Âu. Đối với các vấn đề về văn chương, sinh viên được tiếp cận các kiến thức về văn học thời kì Phục hưng, tìm hiểu về thi hào William Shakespeare, Bối cảnh văn học Đức, Pháp và Tây Ban Nha và đi vào tìm hiểu các tác giả tiêu biểu như Sigmund Freud, Michel de Montaigne và Miguel de Cervantes. Dù tìm hiểu các vấn đề thiên về ngôn ngữ học hay văn học, các vấn đề này đều được soi chiếu dưới góc nhìn văn hóa nhằm phân tích tầm ảnh hưởng của nghệ thuật nói chung trong đời sống xã hội. Vì tính chất liên ngành của chuyên đề nên không chỉ có một giảng viên đứng lớp mà chuyên đề quy tụ từ 5 đến 7 giảng viên luân phiên đảm trách. Các vấn đề nghiên cứu về ngôn ngữ và văn học được sắp xếp xen kẽ nhau trong suốt khóa học, đòi hỏi sinh viên phải liên tục đọc, hiểu và phân tích tài liệu.
Đối với hình thức kiểm tra cuối khóa, mỗi một giáo viên phụ trách một mảng nhất định trong khóa học sẽ đưa ra từ 3 đến 5 câu hỏi xoay quanh các nội dung giảng dạy. Sinh viên sẽ có xấp xỉ 20 câu hỏi cả thảy về các lĩnh vực ngôn ngữ học và văn học dưới góc nhìn văn hóa. Sinh viên sẽ lựa chọn khoảng một nửa số câu hỏi trong cả hai lĩnh vực để thực hiện bài thi cuối khóa. Để đậu chuyên đề này, sinh viên bắt buộc phải nhận được điểm đạt trong tất cả các câu hỏi ở cả hai lĩnh vực ngôn ngữ và văn học. Thang điểm được tính theo Hệ thống Chuyển đổi Tín chỉ Châu Âu (ECTS) từ A - F. Điểm F sẽ bị tính là không đạt và sinh viên bị buộc phải thi lại. Tổng điểm chung của cả chuyên đề được tính từ tổng điểm trung bình mà sinh viên nhận được từ tất cả các câu hỏi trong chuyên đề.
Chuyên đề Ngôn ngữ và Văn hóa Châu Âu cũng là chuyên đề được đa số các sinh viên làm nghiên cứu sinh về ngôn ngữ và văn hóa lựa chọn để hoàn tất tín chỉ. Tại Thụy Điển, sinh viên trong thời gian làm nghiên cứu sinh thường được yêu cầu học bổ túc các chuyên đề trong trường hợp những sinh viên này chưa tích lũy đủ số tín chỉ cần thiết để bắt đầu giai đoạn nghiên cứu. Số tín chỉ được yêu cầu tích lũy có thể lên đến 120 tín chỉ (tương đương với số tín chỉ của bậc học Thạc sĩ toàn thời gian trong hai năm). Riêng đối với khoa Văn hóa và Truyền thông, những sinh viên theo đuổi chương trình nghiên cứu sinh về ngôn ngữ học hay văn học thường lựa chọn chuyên đề về Ngôn ngữ và Văn hóa Châu Âu (được nhắc đến trên đây) để tích lũy tín chỉ. Nguyên nhân có lẽ không chỉ vì số lượng tín chỉ mà sinh viên có được sau khi hoàn tất chuyên đề (15 tín chỉ) mà còn vì khối lượng kiến thức đa ngành khá hấp dẫn mà sinh viên có cơ hội tiếp cận khi học chuyên đề này.
Bên cạnh chuyên đề Ngôn ngữ và Văn hóa Châu Âu, sinh viên có hai sự lựa chọn để hoàn tất năm nhất.
Đối với những ai xác định học chương trình một năm, sinh viên buộc phải lựa chọn hình thức viết luận văn để kết thúc khóa học. Luận văn này sẽ xoay quanh các chuyên ngành hẹp như ngôn ngữ học, văn học và ngôn ngữ và văn hóa nói chung. Thời gian quy định để hoàn tất luận văn là khoảng hơn hai tháng, từ giữa tháng 3 đến khoảng giữa tháng 5. Luận văn được yêu cầu có độ dài xấp xỉ 25 đến 35 trang A4, font chữ Time New Romans với cỡ chữ 12. Số tín chỉ mà sinh viên tích lũy được cho luận văn này là 15 tín chỉ. Điểm đánh giá đối với luận văn thạc sĩ 15 tín chỉ được phân chia khá cụ thể và nghiêm ngặt, phân loại từ thang điểm A tới F, cụ thể như sau:
Thang điểm E: Đạt
Yêu cầu sinh viên có khả năng trình bày vấn đề và kết quả nghiên cứu bằng lập luận hợp lý. Ý tưởng được trình bày dễ hiểu, thể hiện khả năng hiểu cơ bản về vấn đề và lĩnh vực nghiên cứu. Ngoài ra, sinh viên cũng thể hiện sự liên hệ các nghiên cứu trước đó trong bài viết và sử dụng phương pháp nghiên cứu phù hợp.
Thang điểm D: Thỏa mãn
Bên cạnh những tiêu chí để đạt được điểm E, thang điểm D yêu cầu sinh viên trình bày kết quả và ý tưởng nghiên cứu bằng cách thức rõ ràng có sử dụng các ngôn ngữ học thuật phù hợp. Luận văn thể hiện khả năng hiểu cụ thể vấn đề và lĩnh vực nghiên cứu.
Thang điểm C: Tốt
Bên cạnh những tiêu chí để đạt được điểm E và D, thang điểm C yêu cầu khả năng thu thập độc lập, liên hệ và trích dẫn nguồn tư liệu tham khảo chính và thứ cấp. Yêu cầu về khả năng sử dụng các ngôn ngữ học thuật trong luận văn cũng được đề cập đến. Ngoài ra, sinh viên cũng thể hiện khả năng nắm chắc vấn đề và lĩnh vực nghiên cứu thông qua việc lựa chọn và ứng dụng đúng các phương pháp nghiên cứu.
Thang điểm B: Rất tốt
Bên cạnh những tiêu chí có được từ thang điểm E đến C, sinh viên muốn đạt được thang điểm B cần thể hiện khả năng thực hiện nghiên cứu một cách độc lập và chứng tỏ khả năng thấu hiểu vấn đề và lĩnh vực nghiên cứu. Sinh viên cũng cần chứng tỏ khả năng đối chiếu với các nghiên cứu trước đó có cùng lĩnh vực nghiên cứu bằng cách đưa ra các phân tích chi tiết, các diễn giải và kết luận độc lập đối với các nghiên cứu trước đó. Lập luận nghiên cứu được trình bày cụ thể bằng ngôn ngữ học thuật và phương pháp nghiên cứu hợp lý.
Thang điểm A: Xuất sắc
Bên cạnh các tiêu chí từ thang điểm E đến B, luận văn được đánh giá là xuất sắc phải thể hiện tính độc lập và nguyên thủy, chứng tỏ khả năng thấu hiểu vấn đề nghiên cứu của người thực hiện ở mức độ tinh vi. Đồng thời, công trình nghiên cứu phải có sự so sánh và đối chiếu với các công trình nghiên cứu có cùng lĩnh vực, tuy nhiên phải trình bày những đóng góp mới và rút ra các kết luận độc lập. Sinh viên thực hiện làm chủ phong cách viết và trình bày ý tưởng thông qua các lập luận chặt chẽ, logic bằng ngôn ngữ học thuật. Đồng thời, sinh viên phải sử dụng phương pháp nghiên cứu phù hợp và có thể thảo luận về phương pháp nghiên cứu mà mình chọn.
Nếu không không đáp ứng được các yêu cầu ở mức Đạt, sinh viên sẽ bị đánh giá Không đạt thông qua hai thang điểm FX và F, trong đó:
FX: Không đạt
Sinh viên không đáp ứng được các yêu cầu của thang điểm E. Luận văn cần được chỉnh sửa lại.
F: Không đạt
Sinh viên không đáp ứng được các yêu cầu của thang điểm E. Luận văn cần được nghiên cứu và viết lại một phần hoặc toàn bộ mới nhận được điểm đạt.
Bên cạnh việc trở thành yêu cầu bắt buộc đối với sinh viên học chương trình một năm, viết luận văn cũng được các sinh viên học chương trình hai năm lựa chọn như một hình thức “tập luyện” cách thức thực hiện một công trình nghiên cứu trước khi viết luận văn thạc sĩ cuối năm hai. Nếu không viết luận văn 15 tín chỉ, các sinh viên này có thể đăng kí học chuyên sâu hai chuyên đề về ngôn ngữ học và văn học thay thế, cụ thể là:
Lý thuyết và Phê bình Văn học (7,5 tín chỉ): Sinh viên được tiếp xúc với các trường phái phê bình văn học, đa phần là lý thuyết phê bình Châu Âu, thông qua một số giáo trình chính và tài liệu đọc thêm.
Nhân học ngôn ngữ (7,5 tín chỉ): Sinh viên được tìm hiểu các kiến thức trong lĩnh vực nhân chủng học ngôn ngữ. Bên cạnh đó, sinh viên còn được tìm hiểu cách thức tiến hành công trình nghiên cứu trong lĩnh vực nhân chủng học ngôn ngữ.
Ở năm học thứ hai, sinh viên sẽ tiếp tục tìm hiểu sâu hơn về các chuyên đề ngôn ngữ học và văn học. Ở vào giai đoạn này, đa số các sinh viên đã định hướng cụ thể về lĩnh vực mà mình sẽ lựa chọn cho đề tài cuối năm. Các chuyên đề do đó cũng được phân chia cụ thể hơn theo lĩnh vực văn học hay ngôn ngữ học. Cụ thể, sinh viên có thiên hướng văn học sẽ được tìm hiểu kĩ về:
Gặp gỡ Văn hóa - Sự biểu đạt Cái Khác trong tiểu thuyết (7,5 tín chỉ): Mục đích của khóa học là giới thiệu về khái niệm “Cái khác” trong văn chương cũng như những trải nghiệm về sự khác biệt văn hóa. Quan trọng hơn, chuyên đề sẽ phân tích làm thế nào ý niệm về “Cái khác” được lồng ghép và “điều khiển” các tư tưởng về mặt xã hội.
Liên văn bản (7,5 tín chỉ): Chuyên đề này hướng đến việc giới thiệu khái niệm liên văn bản, phân tích biểu hiện và chức năng của hiện tượng này thông qua việc soi chiếu hiện tượng liên văn bản trong bối cảnh văn hóa.
Bên cạnh hai chuyên đề về văn học, sinh viên có thiên hướng ngôn ngữ sẽ được tiếp cận hai chuyên đề về ngôn ngữ học, bao gồm:
Ngữ nghĩa học và Ngữ dụng học (7,5 tín chỉ): Nhận diện và mô tả các dạng thức nghĩa khác nhau thông qua việc vận dụng các phương pháp luận về ngữ nghĩa học và ngữ dụng học. Tài liệu phân tích được sử dụng ngay trong hội thoại từ cuộc sống. Hình thức học tập đa phần là thảo luận và phân tích.
Phong cách học (7,5 tín chỉ): Giới thiệu và tìm hiểu về khái niệm văn phong, vận dụng lý thuyết về phong cách học để nhận diện văn phong tác giả thông qua các tác phẩm nghệ thuật khác nhau như truyện ngắn, thơ, bài báo, blog hay lời bài hát…
Sau khi hoàn tất kì thứ nhất trong năm học thứ hai, kì học cuối là thời gian để sinh viên xác định đề tài và bắt tay thực hiện luận văn thạc sĩ 30 tín chỉ. Thời gian thực hiện luận văn thạc sĩ thông thường kéo dài trong khoảng 5 tháng, bắt đầu từ việc lựa chọn đề tài nghiên cứu đến thu thập và tìm hiểu tài liệu, liên hệ với giáo sư hướng dẫn, viết luận và chỉnh sửa. Luận văn thạc sĩ 30 tín chỉ được giới hạn trong khoảng 45 đến 70 trang A4, font Time New Romans với cỡ chữ 12. Thông thường, sinh viên được yêu cầu hoàn tất bản thảo cuối cùng vào khoảng đầu tháng 5 nếu muốn được bảo vệ luận văn vào khoảng đầu tháng 6. Quá thời gian quy định, việc bảo vệ luận văn sẽ bị hoãn sang đầu năm học sau.
3. Về tính chủ động trong phương thức đào tạo
Mọi hình thức so sánh xem ra đều khập khiễng nếu không xét đến hoàn cảnh phát sinh ra hiện tượng mà chúng ta so sánh. Do đó, người viết không tham vọng so sánh và đối chiếu hai hệ thống giáo dục trong khi thiết chế về xã hội, lịch sử quốc gia cũng như triết lí về giáo dục giữa Việt Nam và Thụy Điển là hoàn toàn khác biệt. Dưới đây là vài dòng cảm nhận về cách thức đào tạo của Thụy Điển trong thời gian hai năm. Những cảm nhận này sẽ xoay quanh tính chủ động mà chương trình thạc sĩ Ngôn ngữ và Văn hóa Châu Âu đem lại cho sinh viên trong suốt quá trình học. Chủ động, theo quan điểm của người viết, đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành tư duy độc lập khi học tập và nghiên cứu mà từ đó, các ý tưởng độc sáng có cơ hội hình thành.
Chủ động trong việc tìm và nghiên cứu tài liệu: Sinh viên sẽ là người tìm tòi và tra cứu giáo trình hay tài liệu tham khảo trước mỗi buổi lên lớp. Giáo trình tham khảo chính và thứ cấp luôn luôn được giới thiệu trên trang web của khoa. Bên cạnh giáo trình chính, sinh viên được giới thiệu một loạt các tài liệu tham khảo thứ cấp nhằm bổ sung các kiến thức liên quan. Các vấn đề nghiên cứu trong mỗi buổi lên lớp sẽ được khoanh vùng dưới dạng các câu hỏi nghiên cứu mà qua đó, sinh viên có nhiệm vụ đọc và tìm hiểu các vấn đề chủ chốt. Nhằm đảm bảo tính chủ động trong việc tìm và nghiên cứu tài liệu, không thể không nhắc đến các buổi đào tạo về hệ thống thư viện tại trường nhằm giúp sinh viên nắm cách thức tra cứu nguồn thông tin vô tận dưới dạng ấn bản in và điện tử. Từ đây, sinh viên đã có được những công cụ cần thiết để tiếp cận và chiếm lĩnh tri thức.
Sự chủ động trong việc tìm và nghiên cứu tài liệu từ phía người học được hỗ trợ bởi cách thức tổ chức các buổi học trong lớp. Hình thức học phổ biến là thảo luận nhóm hoặc thuyết trình để phân tích vấn đề. Thông thường, giảng viên chỉ gợi mở cách tiếp cận vấn đề thay vì giảng dạy thật sâu sát các khái niệm. Sinh viên hoàn toàn chủ động ngay từ giai đoạn đọc giáo trình, hiểu và trình bày cách hiểu của mình thông qua các buổi thảo luận nhóm. Do đó, chất lượng của những buổi thảo luận hay khả năng nắm bắt vấn đề mà sinh viên có được hoàn toàn do người học quyết định. Nếu bạn không tìm tòi, đọc và tìm hiểu nội dung cần đọc thì có thể trong suốt một chuyên đề, bạn sẽ chẳng đọng lại được điều gì.
Chủ động trong việc nghĩ và phân tích nội dung đề ra: Khác với cách thức thi cử truyền thống mà người viết từng trải qua thời gian học đại học là hình thức thi tập trung tại lớp, đa số hình thức kiểm tra cuối khóa trong chương trình thạc sĩ Ngôn ngữ và Văn hóa Châu Âu là hình thức làm bài viết tại nhà, thuyết trình hoặc kiểm tra vấn đáp với giáo sư tùy trường hợp cụ thể. Điểm đánh giá cuối khóa là tổng điểm của bài viết tại nhà và điểm thảo luận trong khóa. Thoạt đầu, những tưởng hình thức làm bài viết tại nhà trông có vẻ “dễ thở” vì sinh viên không bị yêu cầu phải học thuộc lòng nhiều như hình thức kiểm tra tại lớp. Tuy nhiên, bằng trải nghiệm bản thân, người viết cảm nhận phương pháp kiểm tra này thực ra khá hợp lý và hiệu quả đối với các môn thuộc lĩnh vực khoa học xã hội. Xét về bản chất, quá trình tiếp nhận và xử lý thông tin, cụ thể là các lý thuyết về ngôn ngữ hay văn học, không thể dễ dàng được “tiêu hóa” chỉ trong vài ba giờ suy ngẫm. Nó đòi hỏi quá trình đọc, nghiên cứu và tư duy độc lập của người đọc để có thể hiểu, ứng dụng hay hiệu quả hơn là tư duy theo hướng mới. Quá trình này khó lòng được diễn ra trong hai hoặc ba tiếng kiểm tra tại lớp, nếu mong muốn của người ra đề là tìm ra những phương pháp vận dụng lý thuyết mới hay xuất sắc hơn là cách thức tư duy mới từ phía người lĩnh hội kiến thức. Do đó, hình thức làm kiểm tra tại nhà xem ra phù hợp hơn trong việc dành ra khoảng thời gian nhất định để người học suy nghĩ, tìm tòi và nghiên cứu tài liệu trước và trong quá trình làm bài. Cách thức này xem ra cũng phù hợp với bản chất của quá trình nghiên cứu trong các ngành khoa học xã hội. Quá trình viết bao giờ cũng đòi hỏi quá trình thu thập, tìm hiểu và cập nhật kiến thức liên tục trước và trong quá trình viết.
Để tối ưu hóa hình thức làm kiểm tra tại nhà, giảng viên trong chương trình thạc sĩ Ngôn ngữ và Văn hóa Châu Âu có hình thức ra đề khá độc đáo. Thông thường, đề bài được ra theo hướng mở, nhường phần lớn tự do cho sinh viên triển khai và làm bài. Chẳng hạn, trong trường hợp lớp nghiên cứu về chuyên đề văn học nào đó, giảng viên sẽ yêu cầu sinh viên được phép tự lựa chọn một lý thuyết bất kỳ trong số những lý thuyết đã đọc trong tài liệu tham khảo và vận dụng lý thuyết ấy để phân tích một tác phẩm bằng Tiếng Anh bất kỳ mà sinh viên lựa chọn. Sự tự do sáng tạo và tư duy của sinh viên được khuyến khích tối đa. Tuy nhiên, hình thức tự ra đề được hỗ trợ bởi phần mềm kiểm tra lỗi đạo văn(1). Đây là công cụ hỗ trợ cho công tác chấm bài của giảng viên nhằm hạn chế “sự tự do thái quá” trong việc tham khảo và sử dụng các tài liệu tham khảo khi sinh viên làm bài tại nhà.
Chủ động trong việc chọn và nghiên cứu luận văn cuối khóa: Quy trình chọn đề tài và thực hiện luận văn cũng là quy trình đòi hỏi sự chủ động và độc lập từ phía người học. Ban chủ nhiệm khoa sẽ giúp sinh viên định hướng nghiên cứu thông qua việc giới hạn các lĩnh vực nghiên cứu, chẳng hạn như ngôn ngữ học, văn học hoặc ngôn ngữ và văn hóa. Sinh viên cũng sẽ được cung cấp một danh sách các giáo sư có khả năng hướng dẫn có đính kèm thông tin về lĩnh vực nghiên cứu của các giáo sư này. Hứng thú với mảng nghiên cứu nào hoặc đã định hướng lĩnh vực nghiên cứu, sinh viên sẽ đăng ký với khoa giáo sư mình tâm đắc để cộng tác. Từ đây, việc liên lạc và trao đổi với giáo sư hướng dẫn hoàn toàn do sinh viên đảm trách. Thông thường, sinh viên sẽ trình bày đề cương nghiên cứu hoặc lĩnh vực mà mình muốn nghiên cứu trong trường hợp mình chưa có định hướng rõ ràng. Giáo sư có thể sẽ đưa ra gợi ý về một hướng nghiên cứu còn bỏ ngỏ, tuy nhiên, việc xác định lĩnh vực nghiên cứu và tên của đề tài đều phải do sinh viên thực hiện. Nói chung, không những ở giai đoạn khoanh vùng lĩnh vực nghiên cứu mà ngay cả giai đoạn viết sau này, giảng viên đa phần chỉ can thiệp những nội dung thuộc về phương pháp luận hoặc cấu trúc bài viết. Ý tưởng hay cách thức diễn đạt của sinh viên thông thường được tôn trọng tối đa.
Vì tính chủ động đóng vai trò quan trọng trong quá trình viết luận nên một trong những đặc điểm được thể hiện trong luận văn là dấu ấn cá nhân của người viết thay vì của giáo sư hướng dẫn. Một luận văn thạc sĩ được đánh giá xuất sắc bên cạnh việc đáp ứng các yêu cầu cơ bản về cấu trúc và phương pháp nghiên cứu hợp lý, ngôn ngữ và khả năng diễn đạt tốt thì yếu tố quyết định là tính độc đáo và nguyên thủy của đề tài nghiên cứu. Nếu không có được hai tính chất này, bài viết chỉ dừng lại ở mức “tròn trịa” và đáp ứng được yêu cầu đề ra mà thôi. Suy cho cùng, một công trình nghiên cứu, dù dừng lại ở mức là đề tài thạc sĩ, cũng cần đóng góp một lượng tri thức mới cho lĩnh vực nghiên cứu. Ít nhất, điều này cũng chứng tỏ quá trình tích lũy và lĩnh hội kiến thức của người viết đã đem lại kết quả. Hơn nữa, việc tìm ra cái mới (đề tài mới, phương pháp nghiên cứu hay thậm chí là cách diễn giải mới) sẽ là tiền đề tốt cho những ai có ý định theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu một cách nghiêm túc và lâu dài.
4. Kết luận
Trên đây là vài dòng giới thiệu sơ lược về Đại học Linkoping, Thụy Điển nói chung và chương trình thạc sĩ Ngôn ngữ và Văn hóa Châu Âu nói riêng. Những ghi nhận về chương trình đào tạo thạc sĩ và về tính chủ động trong việc lĩnh hội tri thức dù là những cảm nhận mang tính chủ quan song phản ánh phần nào định hướng giáo dục lấy trọng tâm là người học và đề cao tư duy độc lập của giáo dục Thụy Điển. Trong chừng mực nào đó, đây có thể xem là trường hợp đáng tham khảo cho việc xây dựng chương trình đào tạo vừa đáp ứng nhu cầu người học vừa hướng đến bản chất của việc học và nghiên cứu, đó là chủ động, tìm tòi, là tích lũy và tư duy không ngừng.
TTV.
Tài liệu tham khảo
1. http://www.liu.se/ikk/ffu/ske/Masterutbildning/programme-description?l=en, [truy cập ngày 25 tháng 12 năm 2012].
2. http://www.urkund.com/int/en/, [truy cập ngày 24 tháng 12 năm 2012].
________________
(1) Đại học Linkoping có hình thức kiểm tra lỗi đạo văn có thể “gây nản lòng” đối với ai có ý định sao chép, diễn giải lại hay trích dẫn sai quy cách sản phẩm trí tuệ của tác giả khác. Bài kiểm tra cuối khóa trước khi được gửi vào hộp thư điện tử của giảng viên bộ môn sẽ được gửi vào phần mềm chống đạo văn được gọi là Urkund. Đây là phần mềm kiểm tra lỗi đạo văn được tín nhiệm tại các nước Bắc Âu, Mỹ và cả một số nước Châu Á. Phần mềm này có tác dụng so sánh và đối chiếu bài làm của sinh viên với các nguồn tư liệu sẵn có trên mạng internet. Sau khi bài làm được gửi đến hộp thư điện tử của giảng viên, trên màn hình máy tính của giảng viên sẽ xuất hiện đồng thời bài làm của sinh viên và các nguồn tham khảo có liên quan được thể hiện trong bài. Giảng viên sẽ là người quyết định việc sử dụng hay trích dẫn tài liệu tham khảo của sinh viên liệu có hợp quy cách hay cố ý đạo văn. Tùy trường hợp cụ thể, sinh viên nào đạo văn có thể phải thi lại hoặc học lại.