Ngành giáo dục đang đứng trước những kỳ vọng của xã hội

Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (CT) đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra để xin ý kiến xã hội.

Xung quanh nội dung bản dự thảo này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Giáo sư Huỳnh Như Phương (Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh)

-          Xin Giáo sư cho biết đánh giá chung của ông về dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể lần này?

-          Theo ý tôi, Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố ngày 12-4-2017 vừa kế thừa, vừa có nhiều nét đổi mới so với những CT trước đây. Ban soạn thảo cũng đã nghiêm túc tiếp thu những ý kiến đóng góp có cơ sở khoa học của Hội đồng thẩm định trong cuộc họp kéo dài ba ngày, từ ngày 20 đến 22-02-2017 tại Hà Nội. Có thể nói CT đảm bảo tính hệ thống và mối quan hệ hữu cơ giữa các cấp học, các môn học, giữa giai đoạn giáo dục cơ bản và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp. Ban soạn thảo đã cân nhắc và chọn lựa những giải pháp thiết thực trong bối cảnh những cuộc tranh luận nhiều chiều về giáo dục thời gian qua: chẳng hạn, không xóa nhòa tính độc lập của hai môn Lịch sử và Địa lý, đề cao môn Giáo dục công dân, tiếp tục tích hợp các môn Ngữ văn, Tìm hiểu xã hội, Tìm hiểu tự nhiên; dạy tiếng Anh như môn bắt buộc từ lớp 3 và dạy ngoại ngữ 2 như môn tự chọn từ lớp 6; coi trọng dạy tiếng dân tộc thiểu số cho học sinh (HS) các tộc người thiểu số; khẳng định chủ trương “một chương trình, nhiều sách giáo khoa”…

GS.TS. Huỳnh Như Phương - Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hồng Ngọc)

-          Theo ông, việc hình thành phẩm chất và năng lực của người HS được thể hiện cụ thể như thế nào trong CT? Năng lực và phẩm chất nào là quan trọng nhất trong thời đại hội nhập, thưa ông?

-          Đây là một nội dung gợi ra nhiều ý kiến thảo luận trong cuộc họp của Hội đồng thẩm định vừa rồi. Việc kết hợp giảng dạy kiến thức với mục tiêu hình thành phẩm chất và năng lực của HS là một điểm mới của CT lần này. Về phẩm chất, tình yêu đất nước và tình yêu con người vẫn là hai phẩm chất quan trọng nhất. Đất nước ta luôn đứng trước những thử thách để tồn tại và phát triển, không thể nào xao lãng nhiệm vụ bảo vệ bờ cõi, xây dựng tự do, dân chủ và hòa đồng với nhân loại. Yêu đất nước và yêu con người thật sự sẽ tác động đến ý thức trách nhiệm, sự chuyên cần…

Về năng lực, tư duy độc lập để phát hiện và giải quyết vấn đề một cách sáng tạo là năng lực quan trọng cần rèn luyện cho HS; bên cạnh đó là năng lực hợp tác với người khác, trước hết là bạn bè, đồng nghiệp. Mỗi HS cần được tôn trọng cá tính để trở thành chính mình, đồng thời là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng trong hiện tại và tương lai.

Thật ra, những phẩm chất và năng lực nói trên không tách rời nhau mà có quan hệ mật thiết, hữu cơ với nhau; không thể hình thành cái này mà thiếu cái kia và ngược lại.

-          Cách dạy và học cần thay đổi như thế nào để tiếp cận được mục tiêu của Chương trình tổng thể, thưa ông?

-          Nếu nhà trường vẫn dạy và học như cũ thì CT không thể nào đạt được mục tiêu đã đề ra. Dạy học bây giờ không chỉ là dạy kiến thức mà còn là dạy cách học, để HS có thể tự học suốt đời. Ngoại ngữ và công nghệ thông tin hỗ trợ rất lớn về mặt này; nếu nhà trường khai thác được thế mạnh này thì nền giáo dục sẽ thay đổi về chất. Đặc biệt, nhà trường phải tăng cường tính thực hành: môn Ngữ văn phải rèn luyện cho HS năng lực sử dụng tiếng Việt và cảm thụ văn chương, môn tiếng Anh phải rèn luyện năng lực giao tiếp, các môn Tìm hiểu tự nhiên và xã hội phải góp phần rèn luyện kỹ năng sống…

Cần lưu ý rằng trong quá trình dạy học, đánh giá là khâu cuối cùng nhưng lại là đòn bẩy của việc cải cách dạy và học. Nếu việc đánh giá, ra đề thi và cách chấm thi không phát huy sáng tạo của HS thì không thể khuyến khích đổi mới dạy và học, do đó những mục tiêu về phẩm chất và năng lực chỉ còn là từ ngữ trên mặt giấy.

-          Trong Chương trình tổng thể mới lần này có đề ra hai giai đoạn của giáo dục (giáo dc cơ bản và giáo dục định hướng nghề nghiệp), ông đánh giá như thế nào về việc phân chia hai giai đoạn này? Quan điểm của ông vê việc quy định lớp 10 (thuộc giai đoạn định hướng nghề nghiệp) được coi là lớp dự hướng nghề nghiệp trước khi chuyển qua phân hóa sâu theo định hướng nghề nghiệp?

-          Tôi tán thành CT đề ra hai giai đoạn của giáo dục phổ thông là giáo dục cơ bản và giáo dục định hướng nghề nghiệp. Phân chia hai giai đoạn này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc phân luồng HS là vấn đề mà lâu nay chúng ta bàn nhiều nhưng chưa thực hiện thành công. Tuy nhiên, tôi lại băn khoăn về tính thiết thực của việc xem lớp 10 là lớp “dự hướng”. Điều này sẽ làm cho nội dung định hướng nghề nghiệp bị thu hẹp, chỉ còn giới hạn trong chương trình lớp 11 và 12, và nếu thiết kế không phù hợp thì có khả năng lớp 10 sẽ lặp lại một số kiến thức của chương trình giáo dục cơ bản. Tôi nghĩ rằng những nội dung hướng nghiệp trong giờ chính khóa và ngoại khóa ở lớp 9, nếu tổ chức đúng thực chất, có thể giúp HS ở độ tuổi 15 hình dung được con đường nghề nghiệp tương lai của mình.

-          Ông đặt kỳ vọng gì và còn điều gì băn khoăn với bản dự thảo chương trình lần này?

-          Những người làm giáo dục hiện nay đứng trước những đòi hỏi rất lớn của xã hội. So với các thế hệ HS trước đây, tâm sinh lý HS ngày nay cũng có nhiều đổi khác. Các em có nhiều cơ hội tiếp cận thông tin và kiến thức hiện đại hơn. Người thầy giáo, do vậy, cũng đứng trước nhiều áp lực hơn.

Chương trình tổng thể mới là bản đề án tổng quát, còn phải được cụ thể hóa bằng các chương trình môn học, rồi các chương trình môn học sẽ được cụ thể hóa bằng sách giáo khoa. Từ sách giáo khoa, CT sẽ đi vào đời sống qua việc dạy và học ở nhà trường. Những yếu tố đó cần kết hợp đồng bộ và tác động qua lại với nhau thì đổi mới giáo dục mới có cơ may thành công. Đó là chưa kể những điều kiện khách quan cần thiết cho sự triển khai chương trình: cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học của nhà trường, điều kiện làm việc và sự đãi ngộ đối với giáo viên, chất lượng công tác quản lý giáo dục…

Trong dư luận xã hội hiện nay, không ít người tỏ ra lo lắng và nghi ngờ hiệu quả những thay đổi trong giáo dục. Ban soạn thảo CT nên điềm tĩnh lắng nghe ý kiến rộng rãi của các chuyên gia và những người tâm huyết với giáo dục để bổ sung, chỉnh sửa, hoàn thiện CT. Việc đổi mới CT và sách giáo khoa lần này cần hết sức thận trọng, thà chậm mà chắc, để lấy lại niềm tin của phụ huynh, HS và các thầy cô giáo. Không quá lời, khi nói rằng việc thực hiện thành công CT này sẽ góp phần đặt nền tảng vững chắc cho sự phát triển giáo dục trong tương lai.

Trân trọng cảm ơn ông.

HỒNG NGỌC thực hiện

Nguồn: Báo Giáo Dục Việt Nam online, ngày 18-4-2017.

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

63695175
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
15467
23426
63695175

Thành viên trực tuyến

Đang có 836 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website