60 năm Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM:
Tương lai thuộc về những nhà khoa học trẻ
Trong lịch sử giáo dục nước ta, ít có ngôi trường nào chịu sự tác động sâu sắc của những biến đổi xã hội như Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) hiện nay, trước đây là Trường ĐH Văn khoa Sài Gòn.
Mỗi giai đoạn đều để lại dấu ấn trong đời sống học thuật của nhà trường.
Phẩm cách trí thức và tinh thần dân chủ
Tôi học 2 năm ở ban triết học Tây phương Trường ĐH Văn khoa Sài Gòn, đến 1975 thì chuyển sang khoa ngữ văn học tiếp 4 năm nữa. Hồi trước, ở lớp 12 học sinh học triết học nên tôi đã đọc sách của các giáo sư ở trường ĐH này do một thầy giáo trung học giới thiệu, đó là thầy Nguyễn Trọng Văn. Thầy Văn cũng là trợ giảng ở ĐH Văn khoa, có quan điểm khuynh tả, đề cao chủ nghĩa Marx, từng viết bài phê bình cho rằng sách Triết học hiện sinh của Giáo sư Trần Thái Đỉnh đánh giá bất công đối với Jean-Paul Sartre. Lên năm thứ hai ban triết, một hôm, sau những bài giảng về triết học cận đại, thầy Đỉnh đến lớp chúng tôi giới thiệu thầy Văn là người tiếp tục dạy môn học đó, với lời lẽ rất khoan hòa, tin cậy. Tôi quý trọng sự thẳng thắn của thầy Văn, nhưng còn quý trọng hơn phẩm cách trí thức và tinh thần dân chủ của thầy Đỉnh. Sau ngày đất nước thống nhất, hai thầy giáo ấy tiếp tục làm việc ở trường cho đến khi nghỉ hưu.
Trong lịch sử giáo dục nước ta, ít có ngôi trường nào chịu sự tác động sâu sắc của những biến đổi xã hội như trường này. Mỗi giai đoạn đều để lại dấu ấn trong đời sống học thuật của nhà trường. Cả giảng viên và sinh viên đều không thể đứng ngoài dòng chảy của lịch sử và buộc phải có thái độ trước thời cuộc. Trong khoa học xã hội và nhân văn, chính điều đó mới tạo nên chân dung tinh thần của người trí thức. Đồng thời, lịch sử cũng có cách sàng lọc những giá trị đích thực để bảo tồn và phát triển thành tài sản tinh thần của dân tộc.
Mấy năm qua tôi có viết một số tiểu luận về sự tiếp nhận chủ nghĩa hiện sinh, chủ nghĩa cấu trúc, chủ nghĩa Marx… ở miền Nam trước 1975. Sau khi công bố, tôi may mắn được sự phản hồi, góp ý của những học giả nổi tiếng từng làm việc ở Trường ĐH Văn khoa trước đây như Giáo sư Nguyễn Thế Anh, Giáo sư Bửu Lịch… Tôi nghĩ, những người trí thức thật sự luôn gặp nhau ở tinh thần tôn trọng chân lý. Đó là tinh thần đại học đúng nghĩa.
GS-TS Huỳnh Như Phương
Nguồn: Báo Thanh niên, ngày 17.11.2017