Các cựu sinh viên Trường Đại học KHXH - NV TPHCM trong kỷ niệm 60 năm ngày thành lập trường
Mùa hè năm 1973, khi ghi danh vào học Ban Triết học Tây phương của Trường Đại học Văn khoa Sài Gòn, tôi không thể nào hình dung mình sẽ ở lại ngôi trường này đến gần 45 năm.
Trong dòng người xếp hàng từ sân trường đến phòng học vụ để làm thủ tục của tân sinh viên lúc đó, tôi cũng không biết mình sẽ làm gì khi tốt nghiệp ở ngôi trường này.
Được khai minh từ những bài học thời trung học, tôi chỉ biết chắc một điều rằng, triết học và văn chương cần thiết cho xã hội và con người. Năm đó, Hiệp định Paris vừa được ký kết với tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc, trước viễn cảnh về một nền hòa bình sẽ sớm trở lại trên quê hương điêu tàn vì bom đạn, tôi tin rằng khoa học xã hội và nhân văn sẽ góp phần xây dựng lại văn hóa và con người Việt Nam đã bị tổn thương và chấn thương trầm trọng trong cuộc chiến tranh khốc liệt trước đây.
Đúng như niềm mơ ước của mọi người Việt Nam, 2 năm sau hòa bình được lập lại, tuy trong một hoàn cảnh khác. Một giai đoạn mới mở ra trong lịch sử của ngôi trường mà tôi chọn lựa.
Có lẽ trong lịch sử giáo dục Việt Nam, ít có ngôi trường nào chịu sự tác động sâu sắc của những biến đổi xã hội như Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, với những tình huống đòi hỏi cả giảng viên lẫn sinh viên phải có thái độ trước thời cuộc và phải đưa ra những chọn lựa khó khăn trong đời mình.
Ngôi trường đã chứng kiến những cuộc chia xa và những lần hội ngộ. Những người ra đi, những người ở lại và những người đến từ một chân trời khác. Những mất mát và đền bù. Ngôi trường trở thành hợp lưu của những tinh hoa tư tưởng triết học, nhân học, sử học, văn học… mà một dân tộc muốn ngẩng mặt trước năm châu không thể không tiếp thu một cách sáng tạo.
Đồng thời với điều đó là một niềm tin vững chắc về truyền thống lâu đời của dân tộc, về căn cước văn hóa vốn là sức mạnh giúp đất nước này đứng vững trước các thế lực xâm lăng, dù đến từ phương Bắc hay phương Tây.
Thật là một nghịch lý, chưa bao giờ trên con đường phát triển, đất nước ta cần đến khoa học xã hội và nhân văn như bây giờ; nhưng cũng chưa bao giờ các ngành khoa học này gặp nhiều khó khăn và thử thách như hiện nay.
Nạn ô nhiễm môi trường, tình trạng suy đồi về đạo đức, sự thờ ơ đối với lịch sử và văn học dân tộc… chứng tỏ khoa học xã hội và nhân văn chưa làm tròn trách nhiệm của nó đối với đất nước; ngược lại, đất nước cũng chưa biết cách tổ chức để liên kết và phát huy sức mạnh của ngành khoa học này như chúng ta hằng mong đợi.
Mỗi năm, đến mùa khai giảng, khi bước vào lớp học mới, nhìn vào ánh mắt của các sinh viên, tôi luôn bị ám ảnh bởi câu hỏi này: Thưa thầy, thầy sẽ đem lại gì cho chúng tôi trong những giờ học này; sau những giờ học này chúng tôi sẽ được trang bị những gì để bước ra cuộc đời rộng lớn với những thử thách gay gắt ở bên ngoài cổng trường kia?
Là nhà giáo, chúng tôi đồng hành với sinh viên của mình không chỉ giữa khuôn viên nhà trường mà còn cả khi họ dấn thân vào cuộc sống. Tất nhiên, họ phải chịu trách nhiệm chính về sự chọn lựa, bước đi và con đường của họ.
Nhưng lẽ nào trong thành công của họ, chúng tôi không được chia sẻ chút niềm vui; đồng thời trong những thất bại và khủng hoảng của họ, chúng tôi lại là người vô can? Chúng tôi góp phần gieo hạt giống, còn mùa màng thì lại phụ thuộc vào đất đai, thời tiết.
Tôi nghĩ rằng, tương lai của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn không còn thuộc về thế hệ chúng tôi mà thuộc về những người trẻ đang đứng trên bục giảng hay trên những nẻo đường của đất nước, tiếp tục mang những hạt giống của lý tưởng phụng sự xã hội, của văn hóa, sự thật, tình thương và tinh thần hòa hợp dân tộc, gieo trên đất đai của tổ tiên để lại.
Ngôi trường nhìn thấy tương lai của mình qua vầng trán, trái tim của những người trẻ, qua nghị lực, ý chí, kiến văn và tầm nhìn của họ. Vì vậy, nhà trường cần tạo một không gian học thuật cởi mở, dân chủ, khích lệ những tìm tòi trong khoa học, nâng cao tầm nhận thức và tư tưởng của cả giảng viên trẻ lẫn sinh viên, đó là điều đặc biệt quan trọng giúp cho các ngành xã hội và nhân văn phát triển.
Tuổi 60 mà thế hệ chúng tôi đã bước qua chắc không còn kịp làm những điều mình mong ước. Ngôi trường kỳ vọng vào những dự phóng của các thế hệ đến sau. Chính họ sẽ làm cho tuổi 60 của ngôi trường thêm sức sống, bởi chính họ đang gánh trên vai sứ mạng mà nhà trường vạch ra cho mình: một đại học “đi đầu trong xây dựng môi trường tự do học thuật về khoa học xã hội và nhân văn”.
Là một người được đào tạo từ ngôi trường này, cho phép tôi chúc mừng ngôi trường của tôi, ngôi trường của chúng ta. Xin gửi tất cả niềm tin và sự kỳ vọng vào các thế hệ tương lai.
Nguồn: Báo Sài Gòn giải phòng, ngày 26.11.2017