Học lắm điều hay từ thầy giáo Trần Chút

Theo Nhà giáo Ưu tú Trần Chút, thông minh tài trí cách mấy mà không có nỗ lực sẽ bị thời gian đào thải. Sự nghiệp của đời người chủ yếu do nỗ lực phấn đấu mà thành

Tôi quen anh Trần Chút khá lâu. Lúc còn làm việc ở Báo Người Lao Động, tôi thường đến Trường ĐH Tổng hợp TP HCM (sau này Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP HCM), đặt bài các anh: Nguyễn Quang Điển, Võ Văn Sen, Trần Chút (Hồng Dân)… Trò chuyện với các anh, tôi học được lắm điều hay. Anh Trần Chút rất tếu, dẫu việc nghiêm túc như thế nào, nhưng qua suy nghĩ của anh, ai cũng phải cười khoái trá.

Học được ở anh là đọc

Anh Trần Chút là người đọc nhiều và tôi học được ở anh là đọc không chỉ để biết mà để hiểu, hiểu càng tường tận thì cái đọc ấy mới trở thành chất dinh dưỡng cho não bộ của mình. Hồi đất nước chúng ta rộ lên cụm từ "chỉ số cảm xúc" (EQ: Emotional Quotient), anh nói tuổi trẻ cũng cần phải biết và chú ý cụm từ ấy, bởi trong cuộc sống chỉ có chỉ số thông minh (IQ: Intelligent Quotient) là chưa đủ, thậm chí không đủ. Có nhiều người học rất giỏi, nhưng khi bước ra cuộc sống thì làng nhàng. Chính chỉ số cảm xúc mới trả lời được câu hỏi tại sao những người chỉ trình độ chưa hết bậc tiểu học mà chế tạo được máy suốt lúa đa năng, dời được những công trình xây dựng đồ sộ mà không bị hỏng. Những người ấy, cả đời họ đau đáu với công việc mà họ yêu thích, họ muốn làm cho nó tốt hơn và đến lúc bất chợt, chỉ số thông minh vụt đến, giúp họ thành công.

Hết lòng yêu tiếng Việt

Từ câu chuyện ấy, anh nói về mình. Anh chỉ tốt nghiệp đại học 3 năm và anh yêu tiếng Việt, tìm tòi những cái hay cái lạ trong tiếng Việt… Qua thời gian, anh chị em trong giới ngôn ngữ không ai không biết tên anh. Và anh được mời làm chủ biên sách giáo khoa Tiếng Việt 10 (1990), Tiếng Việt 11 (1991), cùng đồng nhiệp biên soạn nhiều bộ sách giáo khoa về tiếng Việt khác. Theo anh, con người có tiên thiên và hậu thiên. Tiên thiên có từ trong bụng mẹ, còn hậu thiên có được là do nỗ lực của mỗi người khi bước vào đời. Thông minh tài trí cách mấy mà không có nỗ lực sẽ bị thời gian đào thải. Sự nghiệp của đời người do hậu thiên là chính. 

20201012 3

 Nhà giáo Ưu tú Trần Chút (giữa) và các giảng viên Bộ môn Ngôn ngữ học, Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP HCM trong một buổi trao học bổng “Cánh buồm xanh”. (Ảnh do TS Huỳnh Thị Hồng Hạnh cung cấp)

Mỗi lần đem sách đến tặng anh, anh thường dẫn tôi xuống căng-tin uống cà phê và cho rằng với sự nỗ lực của tôi như thế, tôi có quyền bốc phét vì có vốn để bốc phét. Anh không coi thường ai, nhưng không mấy thích những người không có thực lực mà cứ ngạo đời. Trong ngôn ngữ, nhiều người "dĩ Âu vi trung" (lấy châu Âu làm trung tâm), theo anh không sai nhưng chưa mấy đúng. Học người nhưng không rập khuôn theo người, đó mới là học. Ở xứ ta không ít người lấy "Giáo trình Ngôn ngữ học Đại cương" (Cours de Linguistique Generale) của Ferdinand de Saussure làm sách gối đầu giường, nhưng theo anh cứ bám theo như thế có khi hỏng tiếng Việt. Saussure là người đầu tiên nhận ra cái cơ chế hoạt động của ngôn ngữ khi ông nói về hai khái niệm: Ngôn ngữ và lời nói khá thú vị, nhưng tiếng Việt của mình cũng thú vị không kém. Chẳng hạn tính ẩn dụ trong ngôn ngữ. Tiếng Việt có "le le", "vịt trời", trong câu chuyện, người nghe có thể hiểu đó là chỉ trẻ nhỏ có giới tính nữ, hoặc "gà" dùng để chỉ người nữ còn trẻ và hấp dẫn, nhưng "gà móng đỏ" là chỉ những chị em cần… "phục hồi nhân phẩm", hoặc "heo nái", "lợn nái" trong văn cảnh, lắm lúc chỉ người nữ lớn tuổi...

Trao đổi với anh về ngôn ngữ học, tôi chỉ nắm được chút da lông, nhưng thật lòng mà nói "chút da lông" ấy đã giúp tôi khá nhiều trong việc viết lách. Gần đây, anh cho biết có quyển "Mẹo tiếng Việt", anh viết đã lâu nhưng thất lạc, cũng đã lâu không hề nghĩ tới sự tồn tại của nó, thế mà "nó tìm được cố chủ", chắc chắn sắp tới sẽ có sách biếu anh em. Tôi có đề nghị anh gom mấy bài của anh viết về ngôn ngữ học đăng trên các báo, in thành sách cũng có ích. Anh cười cho biết anh không thiếu tiền để làm chuyện ấy nhưng cứ để lớp đàn em, lớp học trò sau này lo, nếu họ yêu quý mình. Anh tin như thế. Giờ phút này, qua nén tâm nhang, tôi nói với anh rằng tôi cũng tin như thế! 

Tham gia biên soạn rất nhiều sách Tiếng Việt

NGƯT Trần Chút sinh năm 1937, tại Gio Linh, Quảng Trị. Năm 1960, sau tốt nghiệp phổ thông, ông được tuyển thẳng vào Khoa Ngữ văn, Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội. Học xong đại học, ông vào làm việc tại Viện Ngôn ngữ học (1964), nay thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Sau năm 1975, ông được chuyển vào Nam công tác, giữ chức vụ Phó trưởng Khoa Ngữ văn đầu tiên, rồi làm Trưởng Phòng Đào tạo, Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP HCM cho tới ngày nghỉ hưu. Sau khi nghỉ hưu, ông được mời làm Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Văn Hiến.

Ông là Phó Chủ tịch Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, Chủ tịch đầu tiên của Hội Ngôn ngữ học TP HCM và là Chủ tịch danh dự Hội Ngôn ngữ học TP HCM hiện nay.

Bên cạnh việc quản lý, giảng dạy, NGƯT Trần Chút, với bút danh là Hồng Dân, đã tham gia vào việc biên soạn nhiều sách giáo khoa ngữ văn của Bộ Giáo dục và Đào tạo: "Ngữ văn Tiếng Việt" (1983) "Tiếng Việt 10" (chủ biên, 1990), "Tiếng Việt 11" (chủ biên, 1991), "Tiếng Việt 8" (1995), "Tiếng Việt 9" (1995), "Tiếng Việt 11" (2000), "Ngữ văn 8" (2002), "Ngữ văn 9" (2002), "Ngữ văn 10" (2006)... Ngoài ra, ông còn tham gia biên soạn các cuốn: "Nói và viết đúng tiếng Việt" (1967), "Rèn luyện cách viết" (1987), "Dẫn luận ngôn ngữ" (1991), "Góp phần phát triển năng lực cảm thụ văn" (1997), "Hoàng Tuệ tuyển tập" (2009)...

Vu Gia

Nguồn: Người lao động, ngày 03.10.2020.

Thông tin truy cập

63662550
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
6268
17595
63662550

Thành viên trực tuyến

Đang có 1072 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website