Vu Gia (thực hiện)
Ngày 20/10/2012, tại Trường ĐH Sư phạm TP. HCM, Hội Nghiên cứu và Giảng dạy Văn học TP. HCM phối hợp với Trường ĐH Sư phạm TP. HCM, Tạp chí Thế Giới Mới, Khoa Văn học và Ngôn ngữ Trường ĐH KHXH-NV TP. HCM tổ chức Hội thảo "Phong trào Thơ mới và Văn xuôi Tự lực văn đoàn - 80 năm nhìn lại". Nhân dịp này, PGS. TS. Trần Hữu Tá - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghiên cứu và Giảng dạy Văn học TP. HCM cùng PGS. TS. Nguyễn Thành Thi - Trưởng Khoa Ngữ Văn Trường ĐH Sư phạm TPHCM có cuộc trao đổi về những vấn đề được chú ý trong hội thảo.
PGS. TS. Trần Hữu Tá
Xin PGS. TS. Trần Hữu Tá và PGS. TS. Nguyễn Thành Thi cho biết lần "nhìn lại" Phong trào Thơ mới và Văn xuôi Tự lực văn đoàn này có khác gì những lần "nhìn lại" từ sau ngày đất nước đi vào công cuộc đổi mới?
PGS. TS. Trần Hữu Tá: Khác hay không là do người đọc, người nghiên cứu về lĩnh vực này, chứ không do Ban tổ chức hội thảo. Nhưng qua 68 tham luận của các nhà nghiên cứu ở hai miền Nam - Bắc, sẽ được trình bày một ít tại hội trường, còn lại sẽ phát biểu, thảo luận ở các tiểu ban. Nếu tham dự, anh sẽ thấy có nhiều điểm khác đấy. Những năm gần đây, tác phẩm của các cây bút trong phong trào Thơ mới, thơ - văn của Tự lực văn đoàn (TLVĐ) được các nhà xuất bản in lại tương đối nhiều; các công trình nghiên cứu về TLVĐ cũng khá bài bản, nên người đọc có điều kiện tiếp cận về tác giả, tác phẩm của một thời được cho là "cấm kỵ". Có tham luận thống kê xã hội học trong giới trẻ về Thơ mới, về văn chương TLVĐ; có tham luận không bằng lòng với kết luận tưởng như đã ổn; có tham luận lật lại vấn đề để có kết luận khoa học hơn dưới ánh sáng đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, v.v… Nói chung, nhìn tổng quát từ các tham luận gửi đến (chưa đầy đủ), tôi cho rằng về mặt chất lượng như thế là rất tốt.
PGS. TS. Nguyễn Thành Thi: Đây không phải là lần đầu chúng ta “nhìn lại” phong trào Thơ mới và văn xuôi TLVĐ. Cho dù “nhìn lại” là nhu cầu tất yếu, thường xuyên, song việc này, đối với sáng tác của văn đoàn Tự lực, nhất là văn xuôi, có những nguyên cớ và dzíc dzắc riêng. Đương thời, TLVĐ được khẳng định và đánh giá thỏa đáng. Sau Cách mạng tháng Tám 1945, nhất là từ thập nên 60, trong bối cảnh một cuộc đấu tranh ý thức hệ bỗng trở nên gay gắt khi cuộc chiến chống Mỹ chính thức nổ ra trên cả hai miền; và trên miền Bắc, công cuộc xây dựng mới là gắn với phe xã hội chủ nghĩa và với tình thế thế giới chia làm hai phe. Nếu trong đời sống chính trị bắt đầu diễn ra cuộc chiến chống “chủ nghĩa xét lại” thì trong hoạt động văn chương - học thuật phải hết sức cảnh giác với mọi biểu hiện vi phạm tính Đảng và đi chệch khỏi con đường hiện thực xã hội chủ nghĩa. Từ đó, TLVĐ và Thơ mới chính thức trở thành một “vùng cấm” trong sinh hoạt phê bình- lý luận văn học và giáo dục ở học đường kéo dài suốt ngót 30 năm, cho đến ngày 27-5-1989, Khoa Ngữ văn, Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội tổ chức hội thảo về TLVĐ, và ngày 9-5-2008, tại Cẩm Giàng, Hải Dương cũng có tổ chức cuộc hội thảo như thế. Hai cuộc hội thảo ấy cũng là để "nhìn lại" như chúng tôi làm hôm nay.
Nói đến phong trào Thơ Mới là nói đến cái ta sang cái tôi, nhưng sau đó chúng ta đòi hỏi ngược lại và Thơ Mới xem như là một vùng cấm kỵ…
PGS. TS. Trần Hữu Tá: Vâng, phải thừa nhận phong trào Thơ mới và văn chương TLVĐ là cuộc cách mạng văn học ở tiền bán nửa đầu thế kỷ XX, nhưng vì vận nước, vì đại chúng, chúng ta đã có hướng hành động mới, đi vào bề sâu của cái tôi chung, cái tôi giai cấp. Chính tác giả Thi nhân Việt Nam 1932-1941, khi nhìn lại thấy Thơ mới đáng thương hơn đáng trách, bởi cái buồn tủi, cái bơ vơ của nó chứng tỏ rằng nó cũng là một kẻ trầm luân trong bể khổ của chế độ thực dân. Ông lên tiếng phê phán những cái rớt trong thơ kháng chiến, như: đạo rớt, mộng rớt, ngắm rớt, buồn rớt, v.v… và kêu gọi văn nghệ sĩ phải hòa cái tôi riêng trong cái ta chung, cái ta anh dũng, cái ta vui khỏe của những lớp người đông đảo. Ở hội nghị tranh luận văn nghệ Việt Bắc (tháng 9-1949), với chủ đề "Cách mạng hoá tư tưởng, quần chúng hoá sinh hoạt", nhằm có được những tác phẩm văn nghệ phổ cập trong nhân dân, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân. Hội nghị cũng nêu một số vấn đề, như chủ nghĩa hiện thực, thơ tự do… Và thơ không vần của Nguyễn Đình Thi cũng bị các nhà thơ mới Xuân Diệu, Thanh Tịnh… phê khá nặng nề. Từ trong Khu IV, Lưu Trọng Lư cũng lên tiếng đòi "đuổi" thơ Nguyễn Đình Thi ra khỏi nền thơ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Do đó, Thơ Mới bị "đóng băng" suốt mấy chục năm liền cũng là điều dễ hiểu. Sau ngày đất nước đổi mới, chúng ta đã "nhìn nhận" lại, và từng bước trả lại vị trí của Thơ Mới đúng như nó từng có.
PGS. TS. Nguyễn Thành Thi: Nhất Linh có nói một câu với đại ý rằng văn hóa cao hay thấp không phải do người viết mà do người đọc. Và người đọc bây giờ đã khác với người đọc thời Thi nhân Việt Nam 1932-1941. Chẳng hạn nói về thơ Bích Khê, Hoài Thanh khẳng định thơ Bích Khê có "những câu thơ hay vào bực nhất trong thơ Việt Nam", nhưng… không dễ đọc, bởi "thơ Bích Khê, đọc đôi ba lần thì cũng như chưa đọc". Thế nhưng khoảng hơn chục năm lại đây, người đọc đã đón đọc thơ Bích Khê và đã có hội thảo riêng về thơ Bích Khê. Dẫn sơ ví dụ này để thấy người đọc không dễ bị lừa. Trong hội thảo lần này có tham luận riêng về thơ Hàn Mặc Tử, thơ Nguyễn Bính… với cách nhìn mới, cách cảm mới. Bây giờ, bình quân mỗi ngày có cả chục tập thơ ra mắt bạn đọc, nhưng trên các quày sách không vắng bóng các tập thơ của các nhà thơ trong phong trào Thơ Mới. Với tôi, điều đó đã góp phần nói lên sự thành công của sự nghiệp đổi mới đất nước hơn một phần tư thế kỷ qua. Hội thảo "nhìn lại" hôm nay, chúng tôi cũng muốn góp phần đẩy mạnh hơn nữa sự nghiệp đổi mới này.
PGS. TS. Nguyễn Thành Thi
Hơn 20 năm qua, hầu hết các nhà xuất bản trong nước đều có xuất bản các tác phẩm văn xuôi TLVĐ, nhưng vẫn còn không thiếu những bài viết, những công trình nghiên cứu, kể cả sách dùng cho nhà trường vẫn còn những khái niệm: Cải lương tư sản, Lãng mạn suy đồi, Chủ nghĩa cá nhân cực đoan…
PGS. TS. Nguyễn Thành Thi: Trên tinh thần “nhìn lại” văn xuôi TLVĐ một cách cởi mở ở thập niên thứ 2 của thế kỉ XXI này, nên qua gợi ý của Hội Nghiên cứu và Giảng dạy Văn học TP. HCM, chúng tôi nhất trí phối hợp tổ chức hội thảo là xét thấy cũng cần xem xét lại các khái niệm: Cải lương tư sản, Lãng mạn suy đồi, Chủ nghĩa cá nhân cực đoan mà một số nhà nghiên cứu sử dụng trong các công trình của họ.
Cải lương tư sản, Lãng mạn suy đồi, Chủ nghĩa cá nhân cực đoan… là các khái niệm thường được sử dụng để phê phán khuynh hướng tư tưởng, giải pháp chính trị - xã hội ảo tưởng, không đi đến đâu của TLVĐ. Chúng biểu đạt các nội dung, ý nghĩa nặng tính chất áp đặt, thậm chí quy chụp. Cách sử dụng các khái niệm này có mấy điểm bất cập: thứ nhất, đây là những khái niệm mà trong quá trình sử dụng, bị trượt/xấu nghĩa khá nặng nề khi gắn thêm các định ngữ (tư sản, suy đồi, cực đoan) so với nghĩa vốn có của khái niệm; thứ hai, cái được biểu đạt đằng sau các khái niệm, một phần mang tính chất ngụy tạo, tức là cái phần trượt/xấu nghĩa ấy, là một sự áp đặt, ít nhiều mang tính chất ngộ nhận hay/và kì thị, thường không sát hợp với TLVĐ cũng như văn chương của họ.
PGS. TS. Trần Hữu Tá: Qua nghiên cứu và giảng dạy văn học giai đoạn 1930-1945, tôi thấy khi nói về văn xuôi TLVĐ vẫn còn có người sử dụng những khái niệm ấy. Ví dụ qua tiểu thuyết Bướm trắng của Nhất Linh, mới thoạt xem, ta dễ có cảm giác Nhất Linh định đề cao một chủ nghĩa cá nhân cực đoan, một tâm trạng bi quan đen tối, một thứ tình yêu ích kỷ đến bệnh hoạn. Cho nên không kể đến những định kiến nặng nề của giới nghiên cứu trong mấy chục năm qua, và đã có người cho rằng tiểu thuyết Bướm trắng đánh dấu một chặng đường xuống dốc rõ rệt của Nhất Linh.
Tác giả đâu có muốn ca ngợi lối sống vô luân đó. Ông đã cho ta chứng kiến một cuộc vật lộn âm thầm, lặng lẽ nhưng dai dẳng, quyết liệt trong tâm tư, tình cảm của Trương. Giả dối và chân thành, ích kỷ và nhân hậu, phóng đãng và tự trọng, bạo liệt và mực thước, thấp hèn và cao thượng… những mặt đối nghịch của tâm lý, tính cách cứ xen kẽ, đan chéo, xoắn quyện vào nhau khiến nhân vật lúc nào cũng như đang chới với bên bờ vực thẳm… Nhìn chung, tiều thuyết Bướm trắng của Nhất Linh thực sự đã đạt được thành tựu đáng kể trong quá trình hiện đại hóa nghệ thuật viết tiểu thuyết của mình, chứ chẳng có gì là suy đồi, cực đoan cả.
Hai ông có thể "bật mí" cho bạn đọc biết trước về ý kiến của mình tại hội thảo này?
PGS. TS. Nguyễn Thành Thi: Mọi ý kiến phát biểu tại hội trường, hoặc tại các tiểu ban cũng là để anh em tham khảo, rút ra được ý gì đó nhằm áp dụng vào công việc nghiên cứu, giảng dạy của mình là tốt rồi. Với tôi, sau hơn một phần tư thế kỷ đất nước đổi mới, chúng ta cần đặt văn xuôi TLVĐ vào bối cảnh văn hóa xã hội, nghệ thuật của nó để nghiên cứu một cách đầy đủ, hệ thống hơn. Văn xuôi nói riêng và văn chương TLVĐ, cho đến nay đã nhiều lần được “nhìn lại”. Tuy vậy, vẫn còn không ít khía cạnh, vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu, nhất là nghiên cứu chuyên sâu. Văn chương, báo chí của TLVĐ đã là “thương hiệu mạnh” vào thập niên 30 - 40 của thế kỉ trước, nhiều bài học bổ ích cho văn chương báo chí đương đại có thể rút ra từ đây, trên cơ sở một sự nghiên cứu cẩn trọng khoa học và tinh thần tiếp thu cởi mở nhưng chọn lọc. Về mặt phương pháp luận trong nghiên cứu, cần coi trọng tư duy hệ thống, xem văn xuôi TLVĐ như một tổng thể đặt trong một tổng thể lớn hơn (lịch sử - văn hóa - nghệ thuật). Cần nghiên cứu đầy đủ tác động hai chiều: tác động của bối cảnh, môi trường lên các sáng tác văn chương và tác động của văn chương lên bối cảnh, môi trường tồn tại của nó; tác động của báo chí đối với văn học và văn học đối với báo chí.
PGS. TS. Trần Hữu Tá: Tôi muốn nói thêm một chút về khái niệm Cải lương tư sản. Ngày 2-3-1934, Nhất Linh, Tú Mỡ, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Thạch Lam và Thế Lữ thống nhất công bố mục đích, tôn chỉ của Tự lực văn đoàn. Và mọi việc làm của họ cũng như của những cộng tác viên đều phải bám theo ít nhất một phần của tôn chỉ này. Qua những tác phẩm văn xuôi của họ, như: Hải vẻ đẹp của Nhất Linh, Những ngày vui, Gia đình của Khái Hưng, Con đường sáng của Hoàng Đạo… với những ông chủ đồn điền trí thức Tây học trẻ thực hành một số cải cách nâng cao dân trí, dân sinh cho nông dân. Qua tác phẩm, ta thấy những ông bà chủ trẻ tuổi trí thức ấy có lòng thương người thật sự. Họ thương xót những người dân quê chân lấm tay bùn, không biết cách làm giàu trên mảnh ruộng của mình, nên phải chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống. Và họ muốn cải cách, muốn mang lại cho con người được sống với ý nghĩa làm người… Như thế là cải lương ư? Không tưởng ư? Bây giờ chúng ta có nhiều đại gia, tài sản nhiều gấp triệu triệu lần những Hạc, Bảo, Duy, Phương… trong các tác phẩm kể trên, nhưng đã có ai có được ý nghĩ như họ không? Các trang trại trải dài từ Bắc chí Nam đã có ông chủ nào nghĩ đến việc cải cách đời sống những người đang phục vụ cho mình, những người sống quanh trang trại mình như họ không? Đó cũng là suy nghĩ của tôi khi nghĩ đến văn xuôi TLVĐ.
Xin cám ơn PGS. TS. Trần Hữu Tá PGS. TS. Nguyễn Thành Thi, và chúng ta cùng tin trong tiến trình xây dựng nông thôn mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo sẽ có những trí thức trẻ tuổi như các nhân vật trong văn xuôi TLVĐ.
Nguồn: Tạp chí Thế giới mới số 40/2012