Văn học thời Lý – Trần và công cuộc dựng nước, giữ nước

VU GIA[1]

Nói đến ngàn năm Thăng Long, phần lớn người dân Việt Nam đều nghĩ đến cả ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc. Nói đến triều đại nhà Lý, phần lớn người dân Việt Nam đều nhớ đến bài thơ Thần chống giặc giữ nước. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, thì “Mùa xuân, tháng 3 (1076), nhà Tống sai tuyên phủ sứ Quảng Nam là Quách Quỳ làm Chiêu thảo sứ, Triệu Tiết làm phó, đem quân 9 tướng, hợp với Chiêm Thành và Chân Lạp sang xâm lấn nước ta. Vua sai Lý Thường Kiệt đem quân đón đánh, đến sông Như Nguyệt (sông Cầu ngày nay) đánh tan được. Quân Tống chết hơn 1.000 người. Quách Quỳ lui quân, lại lấy châu Quảng Nguyên của ta. Người đời truyền rằng Thường Kiệt làm hàng rào theo dọc sông để cố thủ. Một đêm quân sĩ chợt nghe ở trong đền Trương tướng quân có tiếng đọc to rằng:

          Nam quốc sơn hà Nam đế cư,

          Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.

          Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm?

          Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư!

          (Sông núi nước Nam, Nam đế ở,

          Rõ ràng phân định tại sách trời.

          Cớ sao nghịch tặc sang xâm phạm?

          Cứ thử làm xem, chuốc bại nhơ!)

Sau đó quả nhiên như thế”[1, 295].

Gần đây, có nhiều tư liệu cho rằng, bài thơ này có từ thời quân dân ta đánh bọn giặc Tống xâm lược lần thứ nhất (năm 981). Như vậy, bài thơ này chưa hẳn là của Lý Thường Kiệt, nhưng cách phổ biến bài thơ quả là tuyệt vời. Ngày đó, sau cả ngàn năm Bắc thuộc, nhân dân ta dẫu đã ảnh hưởng sâu đậm tư tưởng Nho, Phật, Đạo nhưng vẫn là cách suy cách nghĩ của người Việt Nam. Với họ, “vạn vật hữu linh” nên gốc cây, hòn đá xung quanh vẫn có thể giúp họ vượt qua những thử thách của cuộc đời, nếu họ có lòng thành. Và trước bọn quân xâm lược nhà nghề, họ không hề nao núng, đặc biệt khi có thần thánh mách bảo, khẳng định đất nước này của họ, sông núi này của họ; “sách trời” đã ghi như thế thì ắt phải như thế. Đất nước ông bà luôn phù hộ họ, đứng về phía con cháu chứ không thể đứng về phía quân xâm lược, không thể đứng về phía “nghịch tặc” luôn muốn cướp nước người. Vì thế, bài thơ ngắn gọn nhưng súc tích, xác lập được niềm tin tất thắng trong lòng mọi người, nói được những điều lòng người mong muốn. Do đó, với tôi, đây là bài thơ đánh giặc cứu nước đầu tiên trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Bài thơ mượn miệng thần thánh phát ra, đã nhanh chóng lan tỏa rộng khắp, làm nức lòng quân sĩ. Nhờ vậy, ông cha ta không những đã chiến thắng được đội quân xâm lược hùng mạnh lúc bấy giờ của phương Bắc, mà năm sau (tháng 3 năm 1077), “lại đem đại binh sang đánh hai châu Khâm và Liêm nước Tống, nói lấy tiếng rằng nhà Tống thi hành phép thanh miêu[2], làm tàn hại dân Trung Quốc, cho nên đem quân sang hỏi tội để cứu giúp nhau”[1, 296]. Điều này cho thấy, ông cha ta đã tự tin khẳng định mình là bậc chân Đế phương Nam, chứ không phải ngẫu hứng nhất thời mà nhắm mắt nói liều. Và đã là chân Đế thì không thể ngồi yên nhìn nhà Tống “tàn hại dân Trung Quốc, nên đem quân sang hỏi tội để cứu giúp nhau”.

Muốn thể hiện cái “quyền” ấy thì phải có thế và lực, phải khẳng định được vị thế của mình trong cái toàn cục, chứ ngẫu hứng nhất thời của người cầm quyền thì đưa đến họa diệt vong như chơi. Trong suốt cả ngàn năm Bắc thuộc, nhân dân ta đã có nhiều lần nổi dậy giành lấy chính quyền, và đã giành được dù nền độc lập không giữ được lâu trước nanh vuốt của bọn xâm lược. Qua những lần đánh đuổi bọn xâm lược, giành lấy chính quyền tuyên bố nền độc lập dân tộc ấy, đã có một người công khai xưng mình là bậc chân Đế phương Nam đối trọng với Đế phương Bắc. Đó là Lý Bí (503-548). Ông “có tài văn võ, trước làm quan với nhà Lương, gặp loạn, trở về Thái Bình. Bấy giờ bọn thú lệnh tàn bạo hà khắc, Lâm Ấp cướp phá ngoài biên, vua dấy binh đánh đuổi, xưng là Nam Đế, đặt quốc là Vạn Xuân, đóng đô ở Long Biên”[1, 178]. Đại Việt sử ký toàn thư còn cho biết thêm: “Mùa xuân, tháng giêng (544), vua nhân thắng giặc, tự xưng là Nam Việt Đế, lên ngôi, đặt niên hiệu, lập trăm quan, dựng quốc hiệu là Vạn Xuân, ý mong cho xã tắc truyền đến muôn đời vậy. Dựng điện Vạn Thọ làm nơi triều hội. Lấy Triệu Túc làm Thái phó, bọn Tinh Thiều, Phạm Tu đều làm tướng văn, tướng võ”[1, 179].

Sự mong muốn của Nam Việt Đế cũng là sự mong muốn của dân tộc, song không được lâu. Nhà nước Vạn Xuân chỉ tồn tại có 7 mùa xuân. Đó là bi kịch và phải đợi đến hơn 400 năm sau, Vạn Thắng Vương Đinh Bộ Lĩnh mới là người thứ hai xưng Đế sau khi dẹp loạn Mười hai sứ quân. Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh “lên ngôi, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, dời Kinh ấp về động Hoa Lư, bắt đầu dựng đô mới, đắp thành đào hào, xây cung điện, đặt triều nghi. Bầy tôi dâng tôn hiệu là Đại Thắng Minh Hoàng Đế”[1, 214].

Tự phong Đế của Lý Bí là bước tiến dài về tính tự chủ của dân tộc, và cho thấy dân tộc ta đã trưởng thành về nhiểu mặt, tạo nên bản sắc văn hóa riêng của mình. Nho/ Lão, Phật, Đạo đến Việt Nam khá sớm, nhưng dân tộc ta không rập khuôn, trái lại như người có thân thể khỏe mạnh, thức ăn nào tiêu hóa được thì sẽ thành chất bổ dưỡng nuôi cơ thể, còn không phù hợp thì được tống khứ ra ngoài. Nhà nước Đại Cồ Việt của Tiên Hoàng Đế đã cho thấy điều ấy. Năm Thái Bình (niên hiệu của Tiên Hoàng Đế) thứ 2 (971), Tiên Hoàng Đế “Bắt đầu quy định cấp bậc văn võ, tăng đạo. Lấy Nguyễn Bặc làm Định quốc công, Lưu Cơ làm Đô hộ phủ sĩ sư, Lê Hoàn làm Thập đạo tướng quân, Tăng thống[3] Ngô Châu Lưu được ban hiệu là Khuông Việt đại sư, Trương Ma Ni làm Tăng lục[4], Đạo sĩ Đặng Huyền Quang được trao chức Sùng chân uy nghi[5]”[1, 215].

Như vậy, dưới triều Tiên Hoàng Đế, vai trò của tu sĩ Phật giáo và Đạo giáo khá rõ. Những người này đã góp phần giúp nhà cầm quyền dựng nước và giữ nước.

Sau 13 năm lập quốc, xưng đế, mùa thu, tháng 7 (năm 980), quân Tống tập trung lực lượng, kéo quân sang xâm chiếm nước ta. Vua còn nhỏ, “Thái hậu sai Lê Hoàn chọn dũng sĩ đi đánh giặc, lấy người ở Nam Sách Giang là Phạm Cự Lạng làm đại tướng quân. Khi [triều đình] đang bàn kế hoạch xuất quân, Cự Lạng cùng các tướng quân khác đều mặc áo trận đi thẳng vào Nội phủ, nói với mọi người rằng: “Thưởng người có công, giết kẻ trái lệnh là phép sáng để thi hành việc quân. Nay chúa thượng còn trẻ thơ, chúng ta dẫu hết sức liều chết để chặn giặc ngoài, may có chút công lao, thì có ai biết cho? Chi bằng trước hãy tôn lập ông Thập đạo làm Thiên tử, sau đó sẽ xuất quân thì hơn”. Quân sĩ nghe vậy đều hô “vạn tuế”.

Thái hậu thấy mọi người vui lòng quy phục bèn sai lấy áo long cổn khoác lên người Lê Hoàn, mời lên ngôi Hoàng đế. Từ đó Hoàn lên ngôi Hoàng đế, đổi niên hiệu là Thiên Phúc năm đầu [980], giáng phong vua làm Vệ Vương”[1, 221]. Và theo một số tư liệu công bố gần đây, bài thơ Thần “Nam quốc sơn hà Nam Đế cư” xuất hiện trong giai đoạn này. Bài thơ Thần xuất hiện vào thời Lê Đại Hành nối ngôi Hoàng Đế giữa lúc vận nước ngàn cân treo sợi tóc cũng phù hợp với lòng quân dân lúc bấy giờ, vì Phạm Cự Lạng thay mặt quân dân “vào Nội phủ” khi mọi người “đang họp bàn kết hoạch xuất quân”, kiến nghị “tôn lập ông Thập đạo làm Thiên tử”, đã khẳng định bọn giặc Tống là những “kẻ trái lệnh” trời, và cần phải “giết”. Như vậy, khi “Cự Lạng cùng các tướng quân khác đều mặc áo trận đi thẳng vào Nội phủ” là đã khẳng định “Nam quốc sơn hà Nam Đế cư” rồi. Và “kẻ trái lệnh” ấy chính là “nghịch lỗ” trong bài thơ Thần. Nhưng bút tích còn lưu lại như là văn bản xác nhận sự mở đầu cho nền văn học viết của dân tộc, đó là bài thơ “Quốc tộ” của Thiền sư Pháp Thuận (915-990) trả lời vua Lê Đại Hành về vận nước. “Thiền sư họ Đỗ, không rõ quê quán. Tài cao, học rộng, có công lao giúp vua Lê Đại Hành (941-1006) nhưng không nhận phong thưởng, rất được vua kính trọng, thường gọi là Đỗ Pháp Sư”[6, 135].

          Quốc tộ như đằng lạc

          Nam thiên lý thái bình

          Vô vi cư điện các

          Xứ xứ tức đao binh.

          (Vận nước đan xen với nhau như mây quấn

          Đất trời Nam đang hưởng thái bình

          Nếu triều đình thấm nhuần lẽ vô vi

          Mọi nơi sẽ không còn chiến tranh)[6, 16]

Theo Phật giáo, Vô vi (Phạn: Asamskrta), còn gọi là Vô vi pháp (Phạn: Asamskrta – dharma). Pháp không có tạo tác, lìa sanh diệt biến hóa và tuyệt đối thường trụ. Vốn là tên khác của niết bàn, người đời sau ngoài niết bàn lại lập các thứ vô vi, do đó sanh ra nhiều thuyết như Tam vô vi, Lục vô vi, Cửu vô vi… Vì thế, tôi nghĩ “vô vi” trong Vô vi cư điện các của bài thơ Quốc tộ gần với tinh thần Đạo đức kinh của Lão tử hơn, dù Đỗ Pháp Thuận là một thiền sư. Lão tử viết: “Đạo thường vô vi nhi vô bất vi, hầu vương nhược năng thủ chi, vạn vật tương tự hóa. Hóa nhi dục tác, ngô tương trấn chi dĩ vô danh chi phác. (Vô danh chi phác) Phù diệc tương vô dục. Bất dục dĩ tĩnh, thiên hạ tương tự định” (Đạo vĩnh cửu thì không làm gì (vô vi vì là tự nhiên) mà không gì không làm (vô bất vi – vì vạn vật nhờ nó mà sinh, mà lớn); bậc vua chúa giữ được đạo thì vạn vật sẽ tự biến hóa (sinh, lớn). Trong quá trình biến hóa, tư dục của chúng phát ra thì ta dùng cái mộc mạc vô danh (tức bản chất của đạo) mà trấn áp hiện tượng đó, khiến cho vạn vật không còn tư dục nữa. Không còn tư dục mà trầm tĩnh thì thiên hạ sẽ tự ổn định”[5, 219-220].

Đến thời Lý – Trần, đạo Phật phát triển rộng khắp nhờ chính quyền tạo điều kiện, nhưng trong suy nghĩ và hành động của nhân dân cũng như giới tăng lữ Việt Nam cũng có không nhỏ sự đan xen Nho/ Lão, Phật, Đạo. Qua một số bài được gọi là thơ Thiền thời Lý – Trần, tôi thấy thơ thì ít mà kệ thì nhiều. Cụ thể, bài “Nguyên hỏa” của Đại sư Khuông Việt (930-1011): Mộc trung nguyên hữu hỏa/ Nguyên hỏa phục hoàn sanh/ Nhược vị mộc vô hỏa/ Toàn toại hà do manh? (Trong cây vốn có lửa/ Sẳn lửa, lửa mới sinh/ Nếu cây không có lửa/ Khi cọ xát sao thành)[6, 19-20], hay bài “Tâm không” của Thiền sư Viên Chiếu (999-1090): Thân như tường bích dĩ đồi thì/ Cử thế thông thông thục bất bi/ Nhược đạt tâm không vô sắc tướng/ Sắc không ẩn hiện nhậm thôi di (Thân người như vách tường sẽ đến lúc đổ nát/ Người đời ai cũng vội vã, lo buồn/ Nếu biết cái tâm vốn là không, sắc tướng cũng là không/ Thì dù sắc với không có ẩn hiện đổi thay bao nhiêu cũng mặc nó vần chuyển)[6, 39-40], hoặc bài “Hữu không” của Thiền sư Từ Đạo Hạnh (…-1117): Tác hữu trần sa hữu/ Vi không nhất thiết không/ Hữu, không như thủy nguyệt/ Vật trước hữu không không (Bảo là “có”, thì nhỏ nhoi như hạt bụi cũng có/ Bảo là “không” thì tất cả (thế gian) đều không/ “Có” và “không” như ánh trăng dưới nước/ Đừng có bám hẳn vào cái “có”, cũng đừng cho cái “không” là không)[6, 55-56], hay bài “Tầm hưởng” của Thiền sư Minh Trí (…- 1196): Tùng phong thủy nguyệt minh/ Vô ảnh diệc vô hình/ Sắc thân giá cá thị/ Không không tầm hưởng thanh (Gió giật cành thông, trăng sáng dưới nước/ Không có bóng, cũng không có hình/ Sắc thân cũng như thế/ (Muốn tìm nó như) tìm tiếng vang trong hư không)[6, 79-80], v.v…

Những gì được các thiền sư ghi ra, để lại đến bây giờ vừa được dẫn, là những bài kệ góp phần giảng giải một đoạn kinh trong Bát nhã tâm kinh: “sắc tức thị không, không tức thị sắc”, chứ không phải là những bài thơ. Trăng đáy nước, bóng trong gương tưởng như hai mà một. Gương và bóng, mới nhìn tưởng như hai, nhưng sự thật không phải là hai, vì rời khỏi gương thì không còn bóng. Bóng ấy không phải là hai mà cũng chẳng phải là một, vì có “sắc” có “không” mà ta thấy như hai. Nhưng nếu nói là một thì làm sao có “sắc” có “không”?

Bài “Thị chư thiền lão tham vấn thiền chỉ” của Lý Thái Tông (1000-1054), thì giải thích hai chữ “bát nhã”: Bát nhã chân vô tông/ Nhân không ngã diệc không/ Quá, hiện, vị lai Phật/ Pháp tính bản tương đồng (Trí huệ bát nhã không thuộc tông phái nào/ Không phải Người, cũng không phải Ta/ Các vị Phật của quá khứ, hiện tại và tương lai/ Vốn cùng chung một Pháp tính)[6, 27-28]. Bài “Thị tịch” của Thiền sư Ngộ Ấn (1020-1088): Diệu tính hư vô bất khả phan/ Hư vô tâm ngộ đắc hà nan/ Ngọc phần sơn thượng sắc thường nhuận/ Liên phát lô trung thấp vị can (Diệu tính rỗng không, khó lòng vin tới/ Nhưng khi tâm rỗng không thì hiểu được (diệu tính) cũng chẳng khó gì/ Giống như ngọc đốt trên núi cao màu vẫn tươi nhuần mãi/ Hay như hoa sen nở trong lò lửa mà sắc vẫn ướt, chưa hề khô)[6, 34-36], thì minh họa một đoạn kinh trong kinh Phổ môn: “Nhảy xuống nước không chìm, nhảy vô lửa không cháy… Nếu rớt xuống nước biết thân này là nước, thì tức nước đâu chìm nước. Bị lửa cháy biết thân này là lửa thì lửa đâu đốt lửa”. Hoặc bài “Tâm” của Thiền sư Thiền Chiếu (…-1203): Tại thế vi nhân thân/ Tâm vi Như Lai tạng/ Chiếu diệu thả vô phương/ Tầm chi cánh tuyệt khoáng (Tấm thân con người ở thế gian này/ Còn cái tâm là kho báu của Như Lai/ Chiếu sáng khắp mọi nơi/ Nhưng tìm nó thì biệt tăm)[6, 82-84], cũng như bài “Cư trần lạc đạo” của Trần Nhân Tông (1258-1308): Cư trần lạc đạo thả tùy duyên/ Cơ tắc xan hề khốn tắc miên/ Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch/ Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền (Sống giữa phàm trần, hãy tùy duyên mà vui với đạo/ Đói thì ăn, mệt thì ngủ/ Trong nhà sẵn của báu, đừng tìm đâu khác/ Đối diện với mọi cảnh giới mà vẫn vô tâm, thì cần chi hỏi thiền nữa)[6, 103-104], chủ yếu truyền đạt hai công thức thường được lặp lại trong Thiền học: Phật tức Tâm (tinh thần chính là Phật) và Phi tâm phi Phật (non-esprit, non-Buddha), chứ cũng chẳng phải thơ.

Bài “Thị tịch kệ” của Ni sư Diệu Nhân (1041-1113): Sinh lão bệnh tử/ Tự cổ thường nhiên/ Dục cầu xuất ly/ Giải phược thiêm triền/ Mê chi cầu Phật/ Hoặc chi cầu Thiền/ Thiền Phật bất cầu/ Đỗ khẩu vô nghiên (Sinh, già, bệnh, chết/ Tự xưa là lẽ thường/ Muốn cầu thoát khỏi/ Càng cởi trói thì càng buộc thêm/ Vì mê nên cầu Phật/ Vì lầm nên cầu Thiền/ Thiền Phật chẳng cầu/ Mím miệng ngồi lặng im)[6, 46-48], hoặc bài “Thị tịch” của Thiền sư Tịnh Giới (…-1207): Thu lai lương khí sảng hung khâm/ Bát đẩu tài cao đối nguyệt ngâm/ Kham tiếu thiền gia si độn khách/ Vi hà tương ngữ dĩ truyền tâm (Thu đến, khí trời dịu mát, tâm thần sảng khoái/ Các nhà thơ tài cao bát đẩu nhìn trăng ngâm vịnh/ Thật tức cười những kẻ rồ ngộ trong nhà thiền/ Cớ sao lại lấy ngôn ngữ để truyền tâm cho người?)[6, 87-88], là minh họa lời dạy của Bồ Đề Đạt Ma (…-528) – người Ấn Độ, sơ tổ của Thiền tông Trung Quốc: Giáo ngoại biệt truyền/ Bất lập văn tự/ Trực chỉ nhân tâm/ Kiến tánh thành Phật.

Bài “Thị đệ tử” được gọi là thơ Thiền khá nổi tiếng của Thiền sư Vạn Hạnh (…-1018): Thân như điện ảnh hữu hoàn vô/ Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô/ Nhậm vận thịnh suy vô bố úy/ Thịnh suy như lộ thảo đầu phô (Thân người như bóng chớp, có rồi lại trở lại không/ Như muôn cây cỏ mùa xuân tươi tốt, đến mùa thu khô héo/ Ngẫm và hiểu cái lý của thịnh suy, lòng không sợ hãi/ Vì thịnh suy nối tiếp nhau như khoảng thời gian hạt sương móc trên đầu ngọn cỏ)[6, 23-24], với tôi cũng… hơi ép.

Đây là bài kệ, thiền sư “bảo đệ tử” (Thị đệ tử) trước khi lâm chung chứ không phải thơ. Như chúng ta đã biết, thiền sư là thầy dạy của Lý Công Uẩn từ khi còn bé và động viên, gợi ý cho Lý Công Uẩn “tiếp nhận” ngai vàng của nhà Tiền Lê khi Lê Ngọa Triều băng hà. Do đó, thiền sư “bảo đệ tử” cũng là dặn dò đệ tử Lý Công Uẩn tức Thái Tổ Hoàng Đế. Cuộc đời chỉ là huyễn mộng, có đó rồi mất đó, mất đó rồi được đó, chẳng có chi phải lo buồn, sợ hãi. Cái huyễn, cái mộng ấy như hạt sương trên lá, nó lóng lánh như kim cương, óng ánh rực rỡ như sắc cầu vồng khi đón ánh bình minh, và rồi sẽ tan bởi chính ánh nắng ấy. Nhưng con người sống ở đời phải cố gắng để chấp không cuồng loạn, chấp không mê lầm. Tuy không mà duyên khởi huyễn có, cái có huyễn duyên lành thì cái có huyễn quả lành; cái có huyễn duyên ác thì cái có huyễn quả ác… Thực sự bài kệ này, Thiền sư Vạn Hạnh muốn giải thích cụ thể hơn cho chúng đệ tử bài kệ Lục như trong kinh Kim Cang: Nhứt thiết hữu vi pháp/ Như mộng huyễn bào ảnh/ Như lộ diệc như điện/ Ưng tác như thị quán (Tất cả pháp hữu vi/ Như mộng, huyễn, bọt, bóng/ Như sương, cũng như điện/ Nên khởi quán như vậy). Bài kệ này được xem là bản tóm tắt tư tưởng của Phật giáo Đại thừa khi quán chiếu thế gian như huyễn mộng.

Những bài được dẫn là những bài văn vần giảng giải, minh họa một đoạn kinh Phật, hoặc những lời để lại trước khi qua đời, gọi chung là kệ đúng hơn là thơ. Nhưng nếu các Thiền sư có một tâm hồn thơ thật sự, thì trong bài kệ, họ chỉ thêm bớt đôi chữ, đôi câu thì bài kệ ấy sẽ trở thành bài thơ và tồn tại mãi với thời gian. Cụ thể, bài “Cáo tật thị chúng” của Thiền sư Mãn Giác (1052-1096): Xuân khứ bách hoa lạc/ Xuân đáo bách hoa khai/ Sự trục nhãn tiền quá/ Lão tòng đầu thượng lai/ Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận/ Đình tiền tạc dạ nhất chi mai (Xuân qua trăm hoa rụng/ Xuân đến trăm hoa nở/ Sự đời trôi vèo trước mặt/ Trên đầu, cái già ngự trị/ Đừng bảo xuân tàn hoa rụng hết/ Đêm qua sân trước một cành mai)[6, 51-52]. Từ nhan đề đến bốn câu đầu là bài kệ, thậm chí câu “Xuân đáo bách hoa khai” cũng là câu trong bài kệ ở kinh Pháp Hoa: Chư Pháp tùng bản lai/ Thường tự tịch diệt tướng/ Xuân đáo bách hoa khai/ Hoàng oanh đề liễu thượng. Thế nhưng, hai câu kết: Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận/ Đình tiền tạc dạ nhất chi mai, đã nâng bài kệ lên thành bài thơ và là một bài thơ hay không chỉ của một thời mà của nhiều thời. Mãn Giác “Có bệnh báo mọi người” (Cáo tật thị chúng), thì không còn là sắc – không, nhưng lời báo lại là sắc – không. Thiền sư “báo mọi người” chứ không phải chỉ báo cho đệ tử. Mọi người mà thiền sư muốn báo trong đó có vua quan, có nhân dân. Đời người cũng như vận nước có lúc này lúc khác, lúc thịnh lúc suy, nhưng giữ được niềm tin, giữ được lòng dân thì sẽ được tất cả. “Nhất chi mai” ấy chính là niềm tin, chính là lòng dân, là nhân dân.

Thơ Thiền thời Lý – Trần không thuần Thiền mà có ảnh hưởng của Lão giáo. Điều này cũng dễ hiểu, vì ngày ấy cả đạo Phật và đạo Lão không chỉ được nhân dân hồ hỡi tiếp nhận mà còn được những người cầm quyền ham chuộng. Sử thần Ngô Sĩ Liên đánh giá cao đạo đức và cách trị quốc của Lý Thái Tổ, nhưng cho rằng: “Duy có việc ham thích đạo Phật và đạo Lão là chỗ kém”[1, 264]. Bài “Trí nhân vô ngộ đạo” của Thiền sư Tịnh Không (1091-1170) cho ta thấy có ảnh hưởng Lão giáo. Thiền sư Tịnh Không viết: Trí nhân vô ngộ đạo/ Ngộ đạo tức ngu nhân/ Thân cước cao ngọa khách/ Hề thức ngụy kiêm chân (Người trí không ngộ đạo/ Ngộ đạo hẳn người ngu/ Khách nằm cao, chân duỗi thẳng/ Chẳng biết ngụy với chân là gì)[6, 71-72]. Tinh thần bài kệ này có trong Đạo đức kinh. Lão tử đã viết: Đạo khả đạo, phi thường đạo; danh khả danh phi thường danh (Đạo mà có thể diễn tả được thì không phải là đạo vĩnh cửu bất biến; tên mà có thể đặt ra để gọi nó [đạo] thì không phải là tên vĩnh cửu bất biến)[5, 161]. Ở chương khác, ông nói thêm: Đạo chi vi vật, duy hoàng duy hốt; hốt hề hoảng hề, kỳ trung hữu tượng; hoảng hề hốt hề, kỳ trung hữu vật. Yểu hề, minh hề, kỳ trung hữu tinh; kỳ tinh thậm chân, kỳ trung hữu tín (Đạo là cái gì chỉ mập mờ, thấp thoáng; thấp thoáng mập mờ mà bên trong có hình tượng; mập mờ, thấp thoáng mà bên trong có vật; nó thâm viễn, tối tăm mà bên trong có cái tinh túy; tinh túy đó rất xác thực, và rất đáng tin)[5, 194-195].

Qua những bài kệ, bài thơ thiền thời Lý – Trần, ta có thể thấy đúng với câu thiền ngữ: “Lý khả đốn ngộ, sự yên tiệm tu”, nhưng những thiền sư thời này, ta thấy có sự khác lạ trong suy nghĩ và hành động so với thiền sư của nhiều thời khác, nhiều quốc gia khác, mà bài thơ Quốc tộ của Thiền sư Pháp Thuận là một. Đời họ gắn chặt với sự tồn vong của dân tộc, chứ không nhất nhất tu hành theo lời dạy của Bồ Đề Đạt Ma (…-528): Giáo ngoại biệt truyền/ Bất lập văn tự/ Trực chỉ nhân tâm/ Kiến tánh thành Phật.

Năm Thiên Phúc (niên hiệu của Đại Hành Hoàng Đế) thứ 8 (987), Tống Uy Tông sai sứ là Lý Giác sang nước ta, Đại Việt sử ký toàn thư ghi: “Khi Giác đến chùa Sách Giang, vua sai pháp sư tên là Thuận (tức Thiền sư Pháp Thuận, dòng Thiền Nam phương- chú thích của sách dẫn) giả làm người coi sông ra đón. Giác rất thích nói chuyện văn thơ. Lúc ấy nhân có hai con ngỗng lội trên mặt nước, Giác vui ngâm rằng:

          Nga nga lưỡng nga nga/ Ngưỡng diện hướng thiên nha.

          (Ngỗng ngỗng hai con ngỗng/ Ngửa mặt nhìn chân trời).

Pháp sư đương cầm chèo, theo vần làm nối đưa cho Giác xem:

          Bạch mao phô lục thủy/ Hồng trạo bãi thanh ba.

          (Nước lục phô lông trắng/ Chèo hồng song xanh bơi).

Giác càng lấy làm lạ, khi về đến sứ quán, làm thơ gửi tặng:

          Hạnh ngộ minh thì tán thịnh du/ Nhất thân nhị độ sứ Giao Châu.

          Đông Đô lưỡng biệt tâm vưu luyến/ Nam Việt thiên trùng vọng vị hưu.

          Mã đạp yên vân xuyên lãng thạch/ Xa từ thanh chướng phiếm trường lưu.

          Thiên ngoại hữu thiên ưng viễn chiếu/ Khê đàm ba tĩnh kiến thiềm thu.

          (May gặp thời bình được giúp mưu/ Một mình hai lượt sứ Giao Châu.

          Đông Đô mấy độ còn lưu luyến/ Nam Việt nghìn trùng vẫn ước cầu.

          Ngựa vượt khói mây xuyên đá chởm/ Xe qua rừng biếc vuột dòng sâu.

          Ngoài trời lại có trời soi nữa/ Sóng lặng khe đầm bóng nguyệt thâu).

Thuận đem thơ này dâng lên. Vua cho gọi sư Ngô Khuông Việt (tức Ngô Chân Lưu làm quan (Tăng thống) dưới triều Tiên Hoàng Đế được ban hiệu là Khuông Việt đại sư) đến xem. Khuông Việt nói: “Thơ này tôn bệ hạ không khác gì vua Tống”. Vua khen ý thơ, tặng cho rất hậu. Khi Giác từ biệt ra về, vua sai Khuông Việt làm bài hát để tiễn, lời rằng:

          Tường quang phong hảo cẩm phàm trương/ Dao vọng thần tiên phục đế hương, Vạn trùng sơn thủy thiệp thương lang/ Cửu thiên quy lộ trường/ Tình thắm thiết/ Đối ly trường/ Phan luyến sứ tình lang/ Nguyện tương thâm ý vị biên cương/ Phân minh tấu ngã hoàng.

          (Nắng tươi gió thuận cánh buồm giương/ Thần tiên lại đế hương/ Vượt sóng xanh muôn dặm trùng dương/ Về trời xa đường trường/ Tình thắm thiết/ Chén lên đường/ Vin xe sứ vấn vương/ Xin đem thâm ý vì Nam cương/ Tâu vua tôi tỏ tường)

Giác lạy ra về. Năm ấy được mùa to”[1, 229-230].

Khi Lê Ngọa Triều băng (mùa đông, tháng 10 năm 1009), vua nối còn bé, được sự động viên, gợi ý của Thiền sư Vạn Hạnh và sự giúp đỡ của các tướng lĩnh trong triều, Điện tiền chỉ huy sứ Lý Công Uẩn được họ dìu “lên chính điện, lập làm Thiên tử, lên ngôi Hoàng đế. Trăm quan đều lạy rạp dưới sân, trong ngoài đều hô “vạn tuế”. Đại xá cho thiên hạ, lấy năm sau làm niên hiệu Thuận Thiên năm đầu. Đốt giềng lưới, bãi ngục tụng, xuống chiếu từ nay ai có việc tranh kiện cho đến triều tâu bày, vua thân xét quyết”[1, 245-246], và “Ban y phục cho các tăng đạo”[1, 247].

Sau này, nhìn lại lịch sử, Lê Văn Hưu[6] nhận xét: “Lý Thái Tổ lên ngôi mới được 2 năm, tông miếu chưa dựng, đàn xã tắc chưa lập mà trước đã dựng tám chùa ở Thiên Đức, lại trùng tu chùa quán ở các lộ và độ cho làm tăng hơn nghìn người ở Kinh sư, thế thì tiêu phí của cải sức lực vào việc thổ mộc không biết chừng nào mà kể. Của không phải là trời mưa xuống, sức không phải là thần làm thay, há chẳng phải là vét máu mỡ của dân ư? Vét máu mỡ của dân có thể gọi là làm việc phúc chăng? Bậc vua sáng nghiệp, tự mình cần kiệm, còn lo cho con cháu xa xỉ lười biếng, thế mà Thái Tổ để phép lại như thế, chả trách đời sau xây tháp cao ngất trời, dựng cột chùa đá, điện thờ Phật lộng lẫy hơn cung vua. Rồi người dưới bắt chước, có kẻ hủy thân thể, đổi lối mặc, bỏ sản nghiệp, trốn thân thích, dân chúng quá nửa làm sư sãi, trong nước chỗ nào cũng chùa chiền, nguồn gốc há chẳng phải từ đấy?”[1, 250].

Qua nhận xét của sử gia Lê Văn Hưu, ta thấy vào thời này ở nước ta “tăng, đạo” đều có và có thế lực nhất định. Khi cầm quyền, Lý Thái Tổ không chỉ “dựng chùa” mà còn “trùng tu chùa quán”. Lý Thái Tổ dựng nhiều chùa cũng là điều đễ hiểu, vì ông vào chùa từ nhỏ: “Vua sinh ra mới 3 tuổi, mẹ ẵm đến nhà Lý Khánh Văn[7]. Khánh Văn bèn nhận làm con nuôi. Bé đã thông minh, vẻ người tuấn tú khác thường. Lúc nhỏ đi học, nhà sư ở chùa Lục Tổ là Vạn Hạnh thấy, khen rằng: “Đứa bé này không phải người thường, sau này lớn lên ắt có thể giải nguy gỡ rối, làm bậc minh chủ thiên hạ. Lớn lên không chăm việc sản nghiệp, chỉ học kinh sử qua loa, khẳng khái có chí lớn”[1, 248].

Thời này, chúng ta chưa có trường học, nên tôi nghĩ ngoài việc mộ đạo, trong thâm tâm, Lý Thái Tổ còn cho rằng xây chùa cũng đồng nghĩa với việc xây trường học. Chùa ngày đó thực chất là trường học không chỉ dạy chữ mà còn dạy cho con người biết cách làm người, chứ không phải ai vào chùa là quên hết mọi chuyện thế gian. Lý Công Uẩn vào chùa từ lúc 3 tuổi, được các thiền sư dạy dỗ mà lớn lên có trở thành nhà sư đâu.

Nếu ngày đó, vì thấy vua chuộng đạo Phật, lập quá nhiều chùa, nên “người dưới bắt chước, có kẻ hủy thân thể, đổi lối mặc, bỏ sản nghiệp, trốn thân thích, dân chúng quá nửa làm sư sãi” như nhận xét của Lê Văn Hưu, thì nhà Lý đã sập lâu rồi, sập ngay từ thời Lý Thái Tổ, chứ không thể tồn tại những 216 năm và nhiều lần cùng với nhân dân dẹp giặc, nổi bật là những chiến tích phá Tống bình Chiêm tạo nên những trang sử vàng của dân tộc. Thời Lý Thái Tổ, Đại Việt sử ký toàn thư ghi: “Tháng hai (1011), vua thấy giặc Cử Long ở Ái Châu hung hăng dữ tợn, trải hai triều Đinh Lê không đánh nổi, đến nay càng dữ, mới đem sáu quân đi đánh, đốt bộ lạc, bắt kẻ đầu sỏ đem về, giặc ấy bèn tan”[1, 251]. Tháng 12 (1012), “Vua thân đi đánh Diễn Châu”[1, 252]; “Năm ấy (1012) người Man sang quá cột đồng, đến bến Kim Hoa và châu Vị Long để buôn bán. Vua sai người bắt được người Man và hơn 1 vạn con ngựa”[1, 252]. “Mùa đông, tháng 10 (1013), châu Vị Long làm phản, hùa theo người Man [Nam Chiếu]. Vua thân đi đánh. Thủ lĩnh là Hà Án Tuấn sợ, đem đồ đảng trốn vào rừng núi”[1, 253]. “Mùa xuân, tháng giêng (1014), tướng của người Man là Dương Trường Huệ và Đoàn Kính Chí đem 20 vạn người Man vào cướp, đóng đồn ở bến Kim Hoa, dàn quân đóng trại gọi là trại Ngũ Hoa. Châu mục châu Bình Lâm là Hoàng Ân Vinh đem việc tâu lên. Vua sai Dực Thánh Vương đem quân đi đánh, chém đầu kể hàng vạn, bắt sống được quân lính và ngựa không kể xiết”[1, 253]. “Mùa đông, tháng 12 (1020), sai Khai Thiên Vương (Phật Mã) và Đào Thạc Phụ đem quân đi đánh Chiêm Thành ở trại Bố Chính, thẳng đến núi Long Ty, chém được tướng của chúng là Bố Linh tại trận, người Chiêm chết quá nửa”[1, 256]. Mùa xuân, tháng 2 (1022), vua “Xuống chiếu cho Dực Thánh Vương đi đánh Đại Nguyên Lịch. Quân ta đi sâu vào trại Như Hồng trong đất Tống, đốt kho đạn ở đó rồi về”[1, 257]. “Mùa xuân (1024), xuống chiếu cho Khai Thiên Vương [Phật Mã] đi đánh Phong Châu, Khai Quốc Vương [Bồ] đi đánh châu Đô Kim”[1, 257]. “Mùa đông, tháng 11 (1026), xuống chiếu cho Khai Thiên Vương đi đánh giặc ở Diễn Châu”[1, 258]. “Mùa thu, tháng 8 (1027), xuống chiếu cho Khai Thiên Vương [Phật Mã] đi đánh châu Thất Nguyên, Đông Chinh Vương [Lục] đi đánh Văn Châu”[1, 258].

Nếu nhân dân ai ai cũng sùng đạo, đi tu, suốt ngày chỉ biết tụng kinh gõ mõ không lý tới việc đời, thì Lý Thái Tổ không thể làm được những việc như vậy. Sau một ngàn năm, tôi thấy phần lớn bà con dân tộc Kh’mer ở miền Tây Nam Bộ cũng đưa con vào chùa đôi ba năm trước khi vào đời, dù bây giờ hệ thống trường học của chúng ta đã đến tận thôn ấp. Vì thế, tôi tin rằng ngày đó xây chùa cũng đồng nghĩa với xây trường, góp phần đào tạo những công dân ưu tú cho đất nước, chứ không phải để có thêm nhiều sư sãi. Và Phật chỉ độ những người có cơ duyên. Ai có cơ duyên thì tiếp tục tu hành, còn không thì ra đời chung tay xây dựng cơ đồ. Và Lý Công Uẩn là minh chứng sinh động nhất.

Nhưng mọi việc làm của các vị vua đầu nhà Lý chỉ là thời kỳ quá độ để xây dựng chính quyền trung ương tập quyền. Đến thời Lý Thánh Tông (1054-1072), dân tộc đã trưởng thành về mọi mặt, “cái áo” cũ không còn phù hợp, cần phải chọn “cái áo” mới hơn, đó là phải đào tạo nhân tài qua trường lớp, qua khoa cử, nên ông đã cho xây Văn miếu tại kinh đô Thăng Long, “đắp tượng Khổng Tử, Chu Công và Tứ phối, vẽ tượng Thất thập nhị hiền, bốn mùa cúng tế. Hoàng thái tử đến học ở đây”[1, 291]; Lý Nhân Tông (1072-1127) mở khoa thi Tam trường, lập Quốc tử giám, chọn người xuất sắc trong đám văn Nho vào dạy. Qua triều Trần, dù đạo Phật vẫn còn xem như là quốc đạo, nhưng Nho học tiếp tục được coi trọng. Kiến Trung năm thứ 8 (1232), Trần Thái Tông (1218-1277), ở ngôi 33 năm (1226-1258), mở khoa thi Thái học sinh; năm 1247, đặt Tam khôi; năm 1253, lập Viện Quốc học để giảng tứ thư, lục kinh - những sách kinh điển của Nho giáo… Do đó, văn học viết thời này được nở rộ với nhiều tác gia nổi tiếng, như: Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Trần Quang Khải, Trần Quốc Tuấn, Chu Văn An, Trương Hán Siêu…, đặc biệt là mở đầu nền văn chương quốc ngữ, khẳng định thêm tính độc lập dân tộc.

Mùa thu, tháng 8, Thiệu Bảo năm thứ 4 (1282), “Bấy giờ có cá sấu đến sông Lô. Vua (Nhân Tông Hoàng Đế) sai Hình bộ thượng thư Nguyễn Thuyên làm bài văn ném xuống sông, cá sấu bỏ đi. Vua cho là việc này giống như việc của Hàn Dũ, bèn ban gọi là Hàn Thuyên. Thuyên lại giỏi làm thơ phú quốc ngữ. Thơ phú nước ta dùng nhiều quốc ngữ, thực bắt đầu từ đấy”[2, 50]. Bách khoa toàn thư Việt Nam viết: “Nguyễn Thuyên là người đầu tiên đưa tiếng Việt vào thơ văn, đặt ra thể thơ Hàn luật (kết hợp thơ Đường với các thể thơ dân tộc)”[4]. Văn chương quốc âm thời nhà Trần còn lại một số tác giả, tác phẩm, như: Hàn Thuyên viết Phi sa tập, Nguyễn Sĩ Cố với một số bài thơ Nôm, Chu Văn An với Quốc ngữ thi tập, Hồ Quý Ly với Quốc ngữ thi nghĩa… Thời kỳ này, văn học Phật giáo cũng phát triển với Kim Cang chú giải (Trần Thái Tông soạn), Khóa hư lục, Thiền tông chỉ nam của Trần Thái Tông, Tăng già toái sự (soạn đời Trần Minh Tông), Thiền uyển tập anh của Thiền sư Kim Sơn…

Nho giáo không giống như các tôn giáo khác, nên các nho sĩ vẫn được quyền chọn lựa tôn giáo riêng cho mình. Nhưng ngày đó, các trường học mở ra đều giảng dạy theo kinh sách của Nho giáo, giúp người học hiểu người, hiểu đời nhằm hiểu cách làm “cha mẹ dân”, nên đã hấp dẫn mọi người. Bên cạnh việc tiếp thu những tư tưởng của mấy bậc thánh hiền Nho giáo, các vị vua nhà Trần đều mộ đạo Phật, đồng thời cũng tin Đạo giáo. Tháng 6 năm 1248, Trần Thái Tông nghe lời Trần Thủ Độ “Sai các nhà phong thủy đi xem khắp núi sông cả nước, chỗ nào có vượng khí đế vương thì dùng phép thuật để trấn yểm, như các việc đào sông Bà Lễ, đục núi Chiêu Bạc ở Thanh Hóa; còn lấp các khe kênh mở đường ngang dọc thì nhiều không kể xiết”[2, 23]. Nhưng thời đầu đế nghiệp nhà Trần, tăng đạo không còn được bổ dụng làm quan, bàn chính sự như các thời trước. “Bấy giờ các vương hầu bổ quan tăng đạo thì gọi là Tả nhai, vì không để cho đứng vào hàng ngũ các quan trong triều. Tả nhai là phẩm cao nhất của tăng đạo. Không phải là người thông thạo tôn giáo của mình thì không được dự càn”[2, 21]. Đây là bước tiến mới của chính quyền nhà Trần và khẳng định sự tự tin của những người lãnh đạo đất nước. Mùa xuân năm 1250, Trần Thái Tông còn “Xuống chiếu cho thiên hạ gọi vua là quan gia”[2, 24], chẳng khác nào thời Tần Thủy Hoàng Đế (259 TCN-210 TCN), người được xem là vị hoàng đế đầu tiên bên Tàu xuống chiếu cho thiên hạ gọi vua là trẫm. Nhưng sự tự tin ấy không chỉ ở tên gọi. Năm 1271, “Mông Cổ đặt quốc hiệu là Đại Nguyên, sai sứ sang dụ vua (Trần Thánh Tông) vào chầu. Vua lấy cớ có bệnh từ chối không đi”[2, 41], chứ không phải nghe Thiên triều gọi là sáng rỡ mặt mày hấp tấp chạy tới khom lưng quỳ gối – điều mà sau ông, không thiếu người lấy làm vinh dự. Thời kỳ này, Trần Thánh Tông còn khẳng định mình là vua của một quốc gia độc lập tự chủ, chứ không phải tên lính đánh thuê của Thiên triều, gọi đâu có mặt đó; sai gì làm nấy bất chấp sự than oán của nhân dân: “Mùa hạ, tháng 4 (1276), Nguyên Thế Tổ đánh Giang Nam, sai Hợp Tán Nhi Hải Nha sang dụ 6 việc như điều dân, giúp quân v.v… Vua đều không nghe”[2, 43].

Cái hay của các vị vua thời Trần là lãnh đạo đất nước một số năm rồi nhường ngôi cho con, vào chùa nghiên cứu Phật pháp, nhưng khi đất nước có giặc là trở về cùng nhân dân đánh giặc. Cụ thể Thượng hoàng Trần Thánh Tông rời ngôi những mấy năm, song khi nghe tin quân Nguyên sang xâm chiếm nước ta, ông đã “triệu phụ lão trong nước họp ở thềm điện Diên Hồng, ban yến và hỏi kế đánh giặc. Các phụ lão đều nói “đánh”, muôn người cùng hô một tiếng, như bật ra từ một cửa miệng”[2, 53]. Vua Trần Nhân Tông thì đề thơ ở đuôi thuyền để dộng viên mình mà cũng động viên tướng sĩ trước sức mạnh nhất thời của lũ giặc xâm lăng: Cối Kê cựu sự quân tu ký/ Hoan Diễn do tồn thập vạn binh (Cối Kê chuyện cũ người nên nhớ/ Hoan Diễn còn kia chục vạn quân)[2, 54]. Ông lấy chuyện cũ kể về Câu Tiễn, vua nước Việt thời Chiến Quốc, đánh nhau với nước Ngô, chỉ còn một nghìn quân lui giữ Cối Kê mà sau đánh bại Ngô Phù Sai, khôi phục được đất nước, huống gì non sông Đại Việt còn đầy dẫy quân dân, riêng ở Hoan Diễn (chỉ vùng Nghệ An, Hà Tĩnh ngày nay), ta còn có những chục vạn quân. Và quân dân ta đã làm nên chiến thắng.

Thời nhà Trần, chuyện Nam quốc sơn hà Nam Đế cư đã là chuyện đương nhiên không phải nhắc; điều cần nhắc là nhắc mọi người phải đoàn kết, tập trung xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sau khi chiến thắng giặc Nguyên Mông lần thứ hai, ngày mồng 6 tháng 6 (1285), “Thượng tướng Trần Quang Khải làm thơ rằng: Đoạt sáo Chương Dương độ/ Cầm hồ Hàm tử quan/ Thái bình tu trí lực/ Vạn cổ thử giang san (Bến Chương Dương cướp giáo/ Cửa Hàm Tử bắt thù/ Thái bình nên gắng sức/ Non nước cũ muôn thu)[2, 61]. Đây là bài thơ hay trong những thơ dựng nước và giữ nước của dân tộc.

Sau ngày chiến thắng giặc Nguyên xâm lược lần thứ ba, khi cử lễ bái yết, vua Trần Nhân Tông “có làm thơ rằng: Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã/ Sơn hà thiên cổ điện kim âu (Xã tắc hai phen bon ngựa đá/ Non sông ngàn thuở vững âu vàng)[2, 66].

Từ thực tế lịch sử và văn học, chúng ta có thể thấy vai trò của nhà Nho đã lấn át vai trò của các thiền sư; tư tưởng Nho giáo đã lấn át tư tưởng Phật giáo trong tư duy dựng nước và giữ nước của nhà cầm quyền, dù họ vẫn chuộng tư tưởng từ bi, hỉ xả của nhà Phật, dù vị vua nào sau khi nhường ngôi cũng cầu kinh niệm Phật, thậm chí thượng hoàng Trần Nhân Tông còn tạo ra một dòng thiền riêng mà đến bây giờ chúng ta vẫn còn lấy đó làm tự hào về trí tuệ của dân tộc.

Tại sao như thế? Theo tôi, câu trả lời cũng đơn giản. Nền tảng của Nho giáo là Trí, Nhân, Dũng. Người quân tử nói chung, người lãnh đạo nói riêng cần phải có ba đức tính ấy mới là người toàn diện. Theo Khổng tử (551-497 TCN), Trí là “Biết người” (Vấn trí. Tử viết: “Tri nhân”)[5, 207]. Nhân là “Thương người” (Phàn Trì vấn nhân. Tử viết: “Ái nhân”)[5, 207]. Nho giáo bao giờ cũng cho đức độ làm trọng hơn tài cán và Nhân là nền móng. Thiên Lý nhân, Khổng tử cũng có nói: “Người quân tử dù trong một bữa ăn (một thời gian ngắn) cũng không làm trái điều nhân, dù trong lúc vội vàng cũng theo điều nhân” (Quân tử, vô chung thực chi gian vi nhân, tháo thứ tất ư thị, điên bái tất ư thị)[5, 74]. Với Khổng tử, muốn biết Dũng hay không thì phải qua thử thách: “Tới mùa đông lạnh lẽo, mới biết loài tùng, bách còn đủ cành lá” (Tuế hàn, nhiên hậu tri tùng bách chi bất điêu dã)[5, 166].

Ba trụ cột của đạo quân tử: Trí, Nhân, Dũng được Khổng tử đúc kết: “Người nhân không lo buồn, người trí không nghi hoặc, người dũng không sợ hãi” (Nhân giả bất ưu, trí giả bất hoặc, dũng giả bất cụ)[5, 243].

Bên cạnh đó, Khổng tử còn dạy riêng cách trị quốc: “Những vị vua thánh thuở xưa muốn làm cho cái đức tánh mình tỏa sang ra trong thiên hạ, trước phải lo sửa trị nước mình. Muốn sửa trị nước mình, trước phải sắp đặt nhà cửa cho chỉnh tề. Muốn sắp đặt nhà cửa cho chỉnh tề, trước phải tu tập lấy mình. Muốn tu tập lấy mình, trước phải giữ lòng dạ mình cho ngay thẳng. Muốn giữ lòng dạ mình cho ngay thẳng, trước phải làm cho cái ý mình thành thật. Muốn làm cho cái ý mình thành thật, trước phải có cái trí thức chu đáo. Muốn có cái trí thức chu đáo, ắt phải nghiên cứu sự vật” (Cổ chi dục minh minh đức ư thiên hạ giả, tiên trị kỳ quốc. Dục trị kỳ quốc giả, tiên tề kỳ gia. Dục tề kỳ gia giả, tiên tu kỳ thân. Dục tu kỳ thân giả, tiên chính kỳ tâm. Dục chính kỳ tâm giả, tiên thành kỳ ý. Dục thành kỳ ý giả, tiên trí kỳ tri. Trí tri tại cách vật)[3, 8]. Và một khi “Nước đã được sửa trị, thiên hạ mới bình an” (Quốc trị, nhi hậu thiên hạ bình)[3, 8].

Khổng tử còn khuyên: “Trên từ bậc Thiên tử lần xuống chí hạng bình dân, ai nấy đều phải lấy sự tu tập lấy mình làm gốc” (Tự thiên tử dĩ chí ư thứ nhân, nhất thị giai dĩ tu thân vi bổn)[3,8].

Sau này, Mạnh tử chỉ dạy cách làm vua cụ thể hơn. Sách Mạnh tử kể chuyện Mạnh tử viếng tân vương Lương Tương Vương: “Bỗng nhiên vua ấy hỏi ta rằng: Thiên hạ đương chiến tranh loạn lạc, làm sao mà yên định cho được? Ta đáp rằng: Muốn yên định thiên hạ, cần phải gom về một mối. Ai có tài thống nhất? Ta đáp: Vị vua nào không ham giết người mới có thể gom về một mối” (Thốt nhiên vấn viết: Thiên hạ ô hô định? Ngô đối viết: Định vu nhứt.- Thục năng nhứt chi? Đối viết: Bất thị sát nhân giả năng nhứt chi)[3, 20].

Mạnh tử còn nói: “Một vị vua mà dùng đức hạnh để làm nhân chính, thi ân bố đức cho dân, thì người tôn là vương. Làm vương chẳng đợi có một nước to lớn. Như vua Thành Thang từ một nước chỉ được bảy mươi dặm mà khởi lên; vua Văn Vương từ một nước vừa được trăm dặm mà nổi lên” (Dĩ đức hành nhân giả, vương; vương bất đãi đại. Thang dĩ thất thập lý, Văn Vương dĩ bá lý)[3, 98].

Điều này phù hợp với từ bi, hỷ xả của đạo Phật, nên Điện tiền chỉ huy sứ Lý Công Uẩn sau ngày “tiếp nhận” ngôi báu khi Ngọa Triều băng, đã áp dụng đưa vào cuộc sống, được lịch sử ghi những dòng rất đẹp: “Vua ứng mệnh trời, thuận lòng người, nhân thời mở vận, là người khoan thứ nhân từ, tinh tế hòa nhã, có lượng đế vương”[1, 248]. Các vị vua hiền kế tiếp cũng như nhiều vị vua nhà Trần thực hiện, dẫu thời nào cũng có sự tranh biện những cái tiểu dị trong cái đại đồng của tư tưởng Phật giáo, Nho giáo, Lão giáo. Nhưng đó là công việc của các nhà khoa học, các nhà tư tưởng, còn cuộc sống vẫn mãi là cuộc sống. Và những gì ông cha ta đã làm được, đã khẳng định Nam quốc sơn hà Nam Đế cư, đã vững tin Non sông ngàn thuở vững âu vàng, đã nhắc nhở Thái bình tu trí lực/ Vạn cổ thử giang san… là niềm tự hào của dân tộc mà muôn đời con cháu cần phải khắc ghi, phải cố gắng để xứng đáng với những trang vàng lịch sử./

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1-     Đại Việt sử ký toàn thư, T.1, NXB Khoa học xã hội, H, 2004.

2-     Đại Việt sử ký toàn thư, T.2, NXB Khoa học xã hội, H, 2004.

3-     Đoàn Trung Còn, Tứ thư, NXB Thuận Hóa, Huế, 2006.

4-     http://dictionary.bachkhoatoanthu.gov.vn

5-     Nguyễn Hiến Lê, Lão tử - Đạo đức kinh, NXB Văn hóa, H, 1994.

6-     Thơ Thiền Lý – Trần, NXB Văn hóa Sài Gòn, 2008.

 



[1] Biên tập viên Báo Người Lao Động

[2] Chỉ biện pháp kinh tế của nhà Tống do Vương An Thạch đề xướng mỗi năm hai vụ xuân hè, nhà nước cho dân vay tiền lúc lúa còn non, khi gặt trả lãi 2 phân.

[3] Tăng thống: Chức quan phong cho vị sư được triều đình coi là người đứng đầu Phật giáo.

[4] Tăng lục: Chức quan trông coi Phật giáo dưới chức Tăng thống.

[5] Sùng chân uy nghi: Chức quan trông coi về Đạo giáo.

[6] Lê Văn Hưu (1230-1322), nhà sử học đời nhà Trần, tác giả bộ Đại Việt sử ký, bộ quốc sử đầu tiên của Việt Nam.

[7] Lý Khánh Văn là nhà sư, lúc bấy giờ trụ trì chùa Cổ Pháp.

Thông tin truy cập

63662773
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
6491
17595
63662773

Thành viên trực tuyến

Đang có 990 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website