Cả tuần nay, bạn bè, học trò của thầy đều biết thầy chuẩn bị chuyến đi xa nhưng không ai muốn viết những dòng chữ như thế này...
Thế là qua một đời người! GS-NGND Lê Đình Kỵ đã về cõi vĩnh hằng! Mấy năm nay, khi nhắc về thầy, anh em chúng tôi mong thầy được ra đi nhẹ nhàng nhưng lúc nghe tin không thể không buồn, thậm chí khóe mắt còn cay cay. GS-NGND Lê Đình Kỵ là thầy của rất nhiều thế hệ sinh viên Đại học Tổng hợp Hà Nội, TPHCM... Nhiều học trò của thầy đã thành đạt, trở thành những nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhà nghiên cứu tên tuổi.
Tôi được học với thầy chuyên đề “Thơ mới” trong chương trình sau đại học. Thầy là một trong những người Quảng Nam tập kết thành đạt. Với sức học tú tài của chương trình Pháp - Việt, thầy tự học, tự nghiên cứu và tự khẳng định mình qua hàng chục công trình nghiên cứu văn học có giá trị.
Nhìn cách ăn mặc xuềnh xoàng của thầy, nếu không quen biết thì không ai có thể nghĩ đó là một vị GS đầu ngành cả, nhà giáo nhân dân. Lên lớp, thầy cũng không có cách diễn đạt hấp dẫn nhưng có chiều sâu. Sau này vào nghiệp nghiên cứu, tôi thường đưa vào bài viết của mình những liên hệ thực tế là cũng học được ở thầy.
Hồi dạy chuyên đề “Thơ mới”, khi nói đến Thế Lữ, thầy có “đá qua” mảng văn xuôi của tác giả này và... đọc theo bản thảo (vừa dạy vừa sửa morasse): “Truyện Vàng và máu chính là lấy từ chuyện cất giấu vàng của bọn đô hộ Trung Quốc, bây giờ đọc lại thấy nó có giá trị thời sự thú vị bất ngờ...” (Tuyển tập Thế Lữ, NXB Văn học, II, 1983, trang 21).
Khi giải lao, thầy cho tôi biết thêm, viết nghiên cứu hay sáng tác và viết cho con người đang sống đọc, nên cần phải gắn với thời sự để thấy “đời” hơn, gần gũi với người đọc hơn. Viết mà không cần người đọc, không nghĩ đến người đọc thì không nên viết.
Năm 1994, Báo Người Lao Động có mở cuộc thi truyện ngắn, GS-NGND Lê Đình Kỵ được mời vào ban chung khảo. Trước khi vào họp ban chung khảo, thầy kéo tôi ra góc sân hỏi ý người này sao, ý người kia sao... Tôi thú thật không biết và nói thầy là thành viên nên có quyền phát biểu theo ý của mình.
Thầy chỉ cười. Sau đó, tôi thấy thầy tóm ý của một số thành viên và gút lại ý của người cần gút. Khi về, thầy lại kéo tôi ra góc sân, cho biết đó là bài học mà tôi cần nhớ lấy, nếu muốn tiến bộ. Tuổi trẻ với chút ngang bướng, tôi thưa với thầy là thiên hạ đã tiến... bằng phi thuyền mà thầy dạy để tiến... bộ thì cực quá! Thầy cười vỗ vai tôi: “Mình mừng có lớp người trẻ như cậu, nhưng khổ lắm cậu ơi”. Và bài học ấy, tôi đã... vờ, dù rất nhớ, rất thuộc, lắm lúc còn muốn đưa vào cuộc sống riêng tư.
Cả tuần nay, bạn bè, học trò của thầy đều biết thầy chuẩn bị chuyến đi xa nhưng không ai muốn viết những dòng chữ như thế này. Thời xưa, ngày về với tổ tiên của những người đại thọ như thầy, con cháu, học trò đốt pháo mừng đưa tiễn nhưng trong chúng em - những thế hệ học trò của thầy - đều thấy bùi ngùi thương tiếc, dẫu biết đó là chặng đường ai cũng phải một lần đi qua...
Nguồn: Báo Người lao động ngày 25.10.2009