Đào tạo trực tuyến vốn là phương án dự phòng của nhiều trường đại học trước những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 và trong đợt dịch lần này, phương thức đào tạo này được triển khai một cách chính thức. Với quá trình chuẩn bị chu đáo, trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG-HCM) đã triển khai công tác dạy và học trực tuyến nhanh chóng, hiệu quả.
TS. Phạm Tấn Hạ - Phó Hiệu trưởng trường ĐH KHXH&NV - đánh giá rằng đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến quá trình chuyển đổi phương pháp dạy học của các trường đại học cũng như Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM. Tuy nhiên, với kinh nghiệm từ đợt dịch trước, cụ thể là tháng 3.2020, nhà trường đã lên kế hoạch và có những bước chuẩn bị cụ thể để tiếp cận với đào tạo trực tuyến.
Nhà trường đã giao cho tổ Công nghệ thông tin và Dữ liệu phụ trách phần mềm Learning Management System (LMS) nhằm đưa các tài liệu eLearning tới số lượng lớn sinh viên - học viên, đồng thời hỗ trợ nhà trường dễ dàng theo dõi, điều chỉnh và đánh giá quá trình đào tạo một cách hiệu quả. “Vì vậy, trong giai đoạn này, giảng viên đã có thể chia sẻ tất cả nguồn dữ liệu học tập, kiểm soát lớp học chặt chẽ và tăng độ tương tác với sinh viên” - TS. Phạm Tấn Hạ khẳng định.
Nguyễn Thành Tín (Sinh viên khoa Báo Chí và Truyền Thông) cho biết: “Học online chính là giải pháp vô cùng hữu ích để không làm gián đoạn việc học của mình trong tình hình dịch bệnh phức tạp như thế này. Tuy nhiên, việc học trực tuyến dễ khiến mình cảm thấy khá bị động và không được hào hứng hơn so với việc học trực tiếp”.
Cùng ý kiến, Nguyễn Thị Trúc Mai (Sinh viên khoa Lưu Trữ - Quản trị văn phòng) nhận thấy việc học trực tuyến giúp sinh viên tiết kiệm thời gian di chuyển và đảm bảo yêu cầu 5K của Bộ Y tế trong thời điểm hiện tại. Theo Trúc Mai, để đẩy mạnh hiệu quả của việc dạy học trực tuyến, giảng viên và sinh viên nên cùng nhau xây dựng phương pháp học tập thú vị hơn như đầu tư các sản phẩm khi thuyết trình, tổ chức trò chơi,... sẽ thu hút những bạn trong lớp tập trung hơn. Bên cạnh đó, nhà trường cũng cần quan tâm đến việc kiểm duyệt yêu cầu tham gia lớp học trực tuyến để tránh mất nhiều thời gian.
Còn theo học viên Khánh Linh (học viên cao học ngành Chính trị học, khoa Triết học), học trực tuyến giúp giảng viên và học viên chủ động về thời gian, áp dụng được nhiều phương pháp giảng dạy, vừa góp phần nâng cao khả năng sử dụng thông tin, vừa bồi dưỡng năng lực và thái độ học tập của người học. “Với tình hình hiện tại, nhà trường cần đẩy mạnh giảng dạy trực tuyến, để không làm chậm tiến độ học tập của người học. Giảng viên nên cung cấp tài liệu trước buổi học để sinh viên tham khảo, còn trong quá trình học, giảng viên sẽ hướng dẫn những nội dung nâng cao và chuyên sâu hơn. Đặc biệt, giảng viên nên mở camera liên tục để kiểm tra quá trình học của sinh viên và có thể cho bài tập khuyến khích phát biểu” - Khánh Linh đóng góp.
Giải đáp những thắc mắc về việc tổ chức kỳ thi cuối kỳ và các kỳ thi chứng chỉ ngoại ngữ, TS. Phạm Tấn Hạ cho biết: “Nhà trường đã thông báo cho tất cả các khoa/ bộ môn rằng những môn nào có thể tổ chức được nhiều hình thức thi sẽ được triển khai trước, có thể làm bài tiểu luận hoặc thi vấn đáp qua ứng dụng trực tuyến. Còn với những môn bắt buộc thi trực tiếp thì chúng ta phải chờ tình hình dịch bệnh được kiểm soát và đợi những thông báo tiếp theo từ các cấp”. Phó Hiệu trưởng nhà trường nhắn nhủ sinh viên nên chuẩn bị cho mình một tâm thế chủ động, có kế hoạch kiểm soát thời gian, kiểm soát bản thân để hoàn thiện trí tuệ và tinh thần. Còn về phía Nhà trường, khi tình hình ổn định, tất cả hoạt động sẽ được tổ chức trở lại và đảm bảo tiến độ học tập, thực tập và tốt nghiệp cho sinh viên.
Bên cạnh đó, Phòng Truyền thông và Quan hệ doanh nghiệp cũng chủ động tìm kiếm và giới thiệu đến sinh viên, học viên Trường các khóa học trực tuyến bổ trợ khác được tổ chức bởi các trường đại học, các tổ chức hỗ trợ phát triển giáo dục uy tín trên thế giới. Thư viện trường tổ chức dịch vụ mượn sách tham khảo trựi tuyến và chuyển cho bạn đọc thông qua đường chuyển phát...
Tường Vi
Nguồn: ĐHKHXH&NV - ĐHQG-HCM