Lê Thuỵ Tường Vi*
Ngày 1/12/1924, Tuyên ngôn siêu thực, do André Breton soạn thảo, lần đầu tiên được đăng trên tạp chí La Révolution surréaliste. Kể từ thời điểm này, ngọn cờ siêu thực đã được giương lên, tách khỏi tính chất tiền phong của Dada để gia nhập vào hệ thống các chủ nghĩa hiện đại. Các nhà siêu thực tự viết tuyên ngôn, minh định khái niệm siêu thực, xác định các tiêu chí nghệ thuật siêu thực song song với quá trình sáng tác. Lý luận và sáng tác của siêu thực gắn bó với nhau, thể hiện cao độ ý thức tự tìm đường, tự điều chỉnh và tác động vào tầm đón đợi của công chúng.
Trong Tuyên ngôn siêu thực thứ nhất (1924), André Breton đưa ra hai định nghĩa về siêu thực, bổ sung lẫn nhau. Định nghĩa thứ nhất xác định các phương thức biểu hiện của siêu thực:
Siêu thực, danh từ giống đực, sự tự động của tinh thần thuần tuý nhằm mục đích thể hiện bằng lời nói, hoặc chữ viết, hoặc bằng bất kỳ phương tiện nào khác sự hoạt động hiện thực của tư tưởng. Các tư tưởng được tự do bộc lộ, không phải chịu bất kỳ một sự kiểm soát nào của lý trí, hay của những thành kiến đạo đức và thẩm mỹ.
Ngày nay, phần lớn từ điển văn học, người ta vẫn dùng định nghĩa này để giải thích chủ nghĩa siêu thực. Tuy nhiên, nói như Breton trong Tuyên ngôn thứ hai, siêu thực không chỉ là một trào lưu nghệ thuật, siêu thực còn là “một thái độ sống”. Chỉ có thể hiểu được điều đó qua định nghĩa thứ hai của Breton khi xem xét siêu thực trong các chiều kích của hiện thực:
Siêu thực. Triết học. Chủ nghĩa siêu thực dựa trên niềm tin vào hiện thực cao cấp của những dạng thức nhất định của những mối liên hệ đã từng bị lãng quên, trong quyền lực vô song của giấc mơ, trong vai trò vô vụ lợi của tư duy. Nó có xu hướng phá hủy một lần và vĩnh viễn những cơ chế tâm lý khác, tự thay thế mình vào đó để giải quyết tất cả những vấn đề cốt lõi của cuộc sống.
Quan điểm mỹ học mới mẻ của siêu thực đã tạo nên một bước ngoặt lớn trong lịch sử nghệ thuật, làm thay đổi nhận thức của nhân loại về chính mình, về thế giới và cả cách dấn thân vào thế giới ấy.
1. Bước ngoặt trong cách nhận thức thế giới và con người.
Từ chủ nghĩa cổ điển, sang đến chủ nghĩa hiện thực, rồi lãng mạn… thế giới vẫn là một thế giới phẳng. Phẳng theo nghĩa, thế giới, kể cả nội giới, luôn có thể phân tích, giãi bày, trải rộng ra trên mặt giấy dù dưới những cách biểu đạt khác nhau – rạch ròi, nghiêm minh như chủ nghĩa cổ điển; chân thành như chủ nghĩa hiện thực hay tràn trề, bay bổng như chủ nghĩa lãng mạn. Xa hơn một bước, chủ nghĩa tượng trưng hé lộ một diện mạo lung linh, khó nắm bắt khác của thế giới. Trong thơ tượng trưng, vũ trụ là một bản hòa âm kỳ vĩ, mở rộng đến bất tận các chiều không gian. Từ trong cái vô biên ấy, thế giới được cảm nhận toàn vẹn như đúng bản chất tinh khôi của nó. Gần như ngược lại với tượng trưng, siêu thực dịch chuyển mối quan tâm từ ngoại giới mênh mông vào chiều sâu nội giới, chính xác là vào phần khuất khúc nhất, thẳm sâu nhất của thế giới nội tâm – vô thức.
Chính phân tâm học Freud đã khai mở thế giới bí ẩn ấy trong con người, cái phần bóng đen khuất sau ý thức. Hơn thế nữa, Freud xác nhận vô thức có một sức mạnh khó kiểm soát nổi, không ngừng xen ngang vào các hoạt động có ý thức, biểu hiện qua chứng nói nhịu, chứng đãng trí vô cớ, mà nhất là khi ý thức đã ngủ yên, vô thức hiển hiện dưới hình thức những giấc mơ.
Lấy Freud làm tiền đề, các nhà siêu thực cũng đặt ra vấn đề những giấc mơ vốn là một cuộc sống vô thức liên tục, liền mạch, đã bị lý trí làm cho biến dạng, bị hiện thực cắt vụn ra. Vì vậy, các nhà siêu thực khai thác những giấc mơ; những ám tượng bất ngờ, trở đi trở lại; những khoảnh khắc mà lý trí để vuột mất sự kiểm soát đối với vô thức. Chính ở trạng thái ấy, trạng thái siêu thực ấy, ta là ta, thuần khiết nhất, chưa hề bị các thành kiến xã hội, đạo đức, luân lý… làm cho lệch lạc. Vì vậy, trong trạng thái siêu thực, con người đạt đến sự tự do tuyệt đối.
Từ điển Collins School đã diễn giải lại một cách rõ ràng hơn điều mà André Breton từng đề cập trong Tuyên ngôn thứ nhất. Trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, Breton từng làm trợ lý tại những bệnh viện tiền tuyến. Nơi đó, ông chứng kiến những thương binh bị thương tổn cả về thể xác lẫn tinh thần, đứng giữa chiến trường, kêu gọi kẻ thù bắn mình. Breton nhận ra rằng những bệnh nhân tâm thần này đã chối bỏ thế giới thực đẫm máu, thương tích, kinh hoàng… tự xây dựng một thế giới an toàn hơn và tuyệt đối tin tưởng vào nó. Cảnh tượng ấy, nỗi suy tư về thế giới an toàn mà con người có thể tự tạo ra, đã gieo vào Breton ý niệm về sức mạnh của vô thức. Đó là một cú hích tinh thần quan trọng, cũng như đã từng xảy ra với chiếc bồn tắm của Archimède, với quả táo rơi của Newton, để nhiều năm sau đó, trong ánh sáng của Freud, André Breton giương lên ngọn cờ siêu thực. Theo đó, chủ nghĩa siêu thực đặt niềm tin vững chắc vào “tâm lý thuần khiết”, vào “hoạt động đích thực của tư tưởng” chỉ tìm thấy trong giấc mơ, trong sự lơ đãng, không có lý trí kiểm soát.
Trong sáng tạo, chủ nghĩa siêu thực khước từ hiện tiền đã bị biến dạng, tìm đến với trạng thái mộng mị, lơ đãng để được tự do tuyệt đối. Vì vậy, đặc điểm của thế giới quan siêu thực là sự thâm nhập, chồng chéo lên nhau giữa nội giới và ngoại giới, giữa những trải nghiệm cá nhân và tri thức chung. Tiến trình văn học cho thấy càng ở các trào lưu sau, nhân loại càng có xu hướng vươn đến sự tự do cao hơn các trào lưu trước. Chủ nghĩa hiện thực tạc nên những con người hoàn chỉnh, sống động, tự do hơn chủ nghĩa cổ điển vì đã thoát ra khỏi những mẫu hình lý tưởng. Con người ấy, trong chủ nghĩa lãng mạn, đầy đặn, tươi mát hơn, khi được tự do bày tỏ thế giới tình cảm phong phú; càng tinh tế hơn nữa với những giao cảm huyền diệu, vượt thoát những chiều kích không gian thật, trong chủ nghĩa tượng trưng. Thế nhưng ở thế kỷ XX, siêu thực mới là đỉnh cao giấc mơ tự do của nhân loại khi công phá cái ách vô hình của ý thức, của lý trí áp đặt lên mỗi con người.
Tóm lại, về phương diện tư tưởng, chủ nghĩa siêu thực nổi bật với hai đặc trưng. Thứ nhất, đưa con người đến đỉnh điểm của sự tự do bằng cách trút bỏ, tháo gỡ toàn bộ mắt lưới vô hình của ý thức, khơi mạch cho vô thức trào tuôn. Thứ nhì, cùng với sự xuất hiện của trạng thái vô thức, mơ và thực, tâm giới và ngoại giới đã thâm nhập vào nhau, tương tác nên một thế giới siêu thực, vừa thấm đẫm những trải nghiệm cá nhân, vừa mang dấu vết của cuộc đời thật. Cái phi lý trong thế giới siêu thực sinh ra từ đó – từ sự đan cài tự nhiên, lồng ghép chặt chẽ đến mức không để lại một chút manh mối nào.
Sau những phát minh làm thay đổi cuộc sống của nhân loại, sau các cuộc khai phá, chinh phục những miền đất xa xôi, và vừa tức thì là sau nỗi kinh hoàng của cuộc thế chiến, phương Tây, rốt cuộc, đã đánh một vòng thật xa trước khi trở về tìm hiểu chính bản thân mình. Cùng với chủ nghĩa siêu thực, thế giới đã không còn phẳng một cách giản đơn, con người đã bắt đầu được khám phá theo chiều sâu.
2. Bước ngoặt trong phương pháp sáng tạo.
Chủ nghĩa siêu thực chú trọng khai thác những ý nghĩ bật ra tự do, khai thác trạng thái giấc mơ, khai thác cảm giác quyến rũ tự nhiên của giới tính… bởi cho đó là biểu hiện mạnh mẽ nhất của vô thức, không qua sự kiểm duyệt của lý trí, của định kiến, đạo đức, thẩm mỹ. Đồng thời, siêu thực tiếp nối Dada ở kỹ thuật cắt dán, lắp ghép ngẫu hứng, không sửa bản thảo.
2.1 Sáng tác tự động.
Sáng tác tự động (automatism) là phương pháp sáng tác đặc trưng của chủ nghĩa siêu thực, gắn liền với chủ trương gạt bỏ mọi sự can thiệp của luân lý, ý thức xã hội… vào quá trình sáng tạo.
Cốt lõi của phương pháp sáng tác tự động là nhà văn ghi lại lập tức từ ngữ, hình ảnh, dòng ý tưởng chợt xuất hiện trong đầu, bất kể văn bản cuối cùng là những chắp vá xẹo xọ, vô nghĩa, không đầu đuôi. Tác phẩm càng có giá trị khi được sáng tạo trong trạng thái lơ mơ, nửa thức nửa tỉnh, sáng tạo trong trạng thái “nhập đồng”, người viết bị ngòi bút lôi đi không thể kiểm soát... Chủ nghĩa siêu thực tin rằng những văn bản ấy là sự phục hiện lại ngôn ngữ của vô thức, thứ ngôn ngữ tuyệt đối dân chủ. Nghệ thuật chân chính chỉ có thể được sinh ra từ tự do, vì vậy, những văn bản này đúng là những tác phẩm nghệ thuật thuần khiết. Đó cũng là lý do các nhà siêu thực không bao giờ chỉnh sửa hay biên tập lại những văn bản rất tuỳ tiện. Với siêu thực, thời đại của những những phép tu từ hoa mỹ đã vào hồi tàn cuộc.
Sáng tác tự động là sự tiếp nối Dada ở mức độ cao hơn trong việc phản ứng lại sự can thiệp của lý trí trên phương diện nghệ thuật và cuộc sống. Vô thức – đồng nghĩa với không hoài nghi, không phân biệt, không chia cắt – sẽ bảo toàn bản chất nguyên sơ, thuần khiết của sáng tạo. Quan trọng hơn, lối viết tự động đã lật nhào những quan niệm thẩm mỹ tiền siêu thực – trong nghệ thuật không có cái gọi là hay, là tốt, là đẹp, chỉ có duy nhất sự chân thật.
2.2 Xây dựng hình ảnh siêu thực.
Trong việc xây dựng hình ảnh, tính cách mạng của chủ nghĩa siêu thực nằm ở chỗ đã vượt qua sự mô tả thuần tuý vẻ bề ngoài để chạm đến bản chất sự vật qua khúc xạ của đôi mắt nghệ sĩ. Breton đã từng lặp lại một câu nói của Paul Valéry: “Lúc nào tôi cũng nhất định không chịu viết rằng: bà bá tước đi chơi lúc năm giờ chiều” [5, 82] – không bao giờ chủ nghĩa siêu thực chấp nhận một sự mô tả thông thường. Các tiểu thuyết của André Breton luôn xen lẫn những hình chụp, những báo cáo, những thống kê… là vì thế - chủ nghĩa siêu thực từ chối việc miêu tả. Vì vậy, trong nghệ thuật siêu thực, những hoạ phẩm phi lý, những tác phẩm văn học chắp vá, dưới cảm quan thông thường là sự bóp méo hiện thực, từ góc độ siêu thực, lại là phương tiện truyền tải một hiện thực khác.
Trò chơi cú pháp
Đây không nói đến kiểu đảo ngữ tu từ, trò chơi cú pháp xáo trộn hoàn toàn trật tự câu, tạo nên hiệu quả lạ hoá ở cấp độ cú pháp. Hãy bắt đầu từ một hình ảnh mà Breton đã đưa vào Tuyên ngôn thứ nhất. Theo logic thông thường, khi bắt gặp một người nhoài nửa thân mình ra cửa sổ, miêu tả tối ưu nhất trong trường hợp đó là: “Có một người chồm qua cửa sổ”. Thế nhưng, bất thần André Breton “nghe” được một giọng nói, vang lên rõ rệt như thể đang “nện vào cửa kính”: “Có một người bị cắt làm đôi ở cửa sổ”. “Có một người chồm qua cửa sổ” là một thông báo. Với siêu thực, những thông báo như thế đi vào văn chương là thảm hoạ sáng tạo bởi sự đơn điệu của nó. Thế nhưng, “có một người bị cắt làm đôi ở cửa sổ” thì khác, nó mới mẻ, nó “nện vào cửa kính”, nó “chộp” lấy người nghe trước khi họ kịp suy xét, nó chinh phục họ bằng sự kinh ngạc và trước khi lý trí kịp can thiệp, người đọc đã lĩnh hội trọn vẹn ý nghĩa văn bản.
Trò chơi cú pháp thể hiện niềm tin vào tính dân chủ của ngôn từ, xem sáng tạo như một trò chơi – giữa hai cuộc thế chiến, trò chơi của Dada, rồi đến siêu thực, không có được cái ung dung, giễu cợt kiểu “chuyện nhỏ” của hậu hiện đại – đây là một trò chơi thống thiết:
Lấy một tờ nhật trình.
Lấy một cây kéo.
Tìm trong tờ báo ấy một bài viết có chiều dài
bạn muốn có cho bài thơ.
Cắt bài báo.
Cắt tiếp theo thật cẩn thận mỗi chữ của bài báo
và bỏ chúng vào một cái bao.
Lắc nhẹ.
Rồi lấy ra từng chữ một.
Chép lại thật cẩn thận
theo đúng thứ tự khi nó ra ngoài.
Bài thơ sẽ giống bạn y chang.
Và bạn đã trở thành một nhà văn hoàn toàn độc sáng
với sự nhạy cảm rất dễ thương, dù kẻ thô tục không thể
hiểu nổi.
Cách làm một bài thơ Dada - Tristan Tzara
Tác phẩm văn học được sáng tạo bằng giấy báo, kéo và túi – quả là hạ thấp văn chương quá đỗi. Chối bỏ đại tự sự nhưng lại không “phá chấp” như hậu hiện đại, đằng sau thủ pháp trò chơi của siêu thực là niềm kỳ vọng vào sự hồi sinh mạnh mẽ của văn chương: “Và bạn đã trở thành một nhà văn hoàn toàn độc sáng”.
Trở lại với cú pháp “có một người bị cắt làm đôi ở cửa sổ”, nhìn từ góc độ trò chơi, hình ảnh này là kết quả của hai lần hoán chuyển giữa khách thể - chủ thể và thể của động từ:
Một người : chủ thể à khách thể : một người
Chồm qua : thể chủ động à thể bị động : bị chồm qua / cắt đôi
Cửa sổ : khách thể à chủ thể : cửa sổ
Ở lần hoán chuyển thứ nhất, kết quả là: “Cửa sổ cắt đôi một người”. Tương tự, nếu lặp lại việc hoán chuyển này lần thứ hai, kết quả sẽ đúng là câu nói đã “nện vào cửa kính” mà Breton nghe được: “Có một người bị cắt làm đôi ở cửa sổ”:
Cửa sổ : chủ thể à khách thể : cửa sổ
Cắt đôi : thể chủ động à thể bị động : bị cắt đôi
Một người : khách thể à chủ thể : một người
Và thử nghĩ mà xem, chẳng phải câu thơ Việt thời kỳ tiền siêu thực: “Trăng nhòm cửa sổ mặt trăng vuông” cũng là kết quả của những hoán đổi cú pháp tinh tế đó sao?
Hoán đổi cú pháp cũng như dán ghép ngẫu nhiên những mảnh báo cắt nhỏ không đơn thuần là trò chơi, mà là một thủ pháp sáng tác. Sáng tạo – trò chơi là một thái độ có tính thời đại, chỉ mới xuất hiện từ phong trào avant-garde. Với chủ nghĩa siêu thực, các thủ pháp sáng tạo nhởn nhơ như một trò chơi nhưng tự trong sâu thẳm, lại khẩn thiết như một sự cứu rỗi.
“Những va đập chói loà của từ ngữ”
“Liên hội tín hiệu này với tín hiệu kia theo đúng quy luật tri giác nghệ thuật là hoàn toàn có thể làm cho người đọc nhận được một nội dung, tuy ẩn ngầm nhưng hiện thực không kém nội dung do các câu chữ cụ thể gây ra” [3, 35]. Chủ nghĩa siêu thực phá vỡ “quy luật tri giác” thông thường, thay vào đó bằng một thứ quy luật không đòi hỏi tính hợp lý, tạm gọi là quy luật siêu thực, chi phối quá trình sáng tạo cũng như tiếp nhận văn bản. Hình ảnh siêu thực là sự tụ họp, kéo gần lại những hình ảnh không hề có mối liên đới nào với nhau, và từ sự phi lý ấy, siêu thực sẽ tìm ra được ý nghĩa “chói loà” của riêng mình.
Qua bài viết “Hình ảnh trong thơ siêu thực” [4], nhà nghiên cứu Đào Duy Hiệp đã nhận xét rằng “như” và các biến thể của nó, với tư cách từ nối kết hai vế của so sánh, là cấp độ đơn giản nhất trong việc đẩy lại gần nhau những liên tưởng xa xôi của siêu thực. Hiệu quả sự tương tác giữa những hình ảnh hoàn toàn xa lạ, phi lý khi đặt bên nhau sẽ làm bừng lên điều mà Breton gọi là “ánh sáng của hình ảnh”, Vaché gọi là “những va đập chói loà của từ ngữ”:
Như thể một cây đàn lia, thế giới
Run trong cơn run nụ hôn kỳ vĩ
(Rimbaud)
Trời dịu dàng như bát sữa ăn
(Eluard)
“Thế giới” và “cây đàn lia”, “trời” và “bát sữa ăn”… thốt nhiên bị buộc lại với nhau trong mối tương quan so sánh. Những hình ảnh ngỡ ngàng, chưa bao giờ tương ngộ, gặp nhau trong thơ siêu thực. Tương tự, những hình ảnh “bờ vai của rượu champagne”, bờ vai và “chiếc vòi phun trên đầu những chú cá heo dưới băng” trong thơ Breton đã bước ra ngoài lãnh địa của tính hợp lý:
Vợ tôi với bờ vai của rượu champagne
Và của chiếc vòi phun trên đầu những chú cá heo dưới băng.
(Breton)
Những câu thơ của Breton tự do đi tìm một phương thức tương thích để bày tỏ những rung cảm thẳm sâu, tinh tế trong tâm hồn. Trong phạm vi của ý thức, ba đối tượng “bờ vai”, “rượu” và “vòi phun trên đầu cá heo” không có cơ sở để so sánh, chỉ trong thơ siêu thực mới có thể tìm thấy một bờ vai linh động và hân hoan như thế. Tuy nhiên, một khi còn lý giải được, những hình ảnh vẫn chưa thật “chói loà” như siêu thực mong muốn. Chủ nghĩa siêu thực kỳ vọng mở tung một thế giới chưa từng được biết đến phía sau ngôn ngữ như thế này:
Giờ run rẩy dưới đáy thời gian hỗn loạn
Một con chim đẹp khoáng hoạt mạnh mẽ hơn hạt bụi
Kéo lê trên tấm gương một cái xác không đầu
Những viên mặt trời làm mềm đôi cánh
Và gió từ mặt đất khiến ánh sáng rụng rời
Điều kỳ diệu nhất được phát hiện ở xa nơi đây.
(Marcha cười với thiên thần, Eluard)
Breton viết về những hình ảnh siêu thực như sau: “Chính sự tiến lại gần theo cách ngẫu nhiên nào đó của hai khái niệm đã làm bật ra một thứ ánh sáng đặc biệt, ánh sáng của hình ảnh, tỏ ra vô cùng nhạy cảm với chúng ta.” [1]. Phi lý là đặc trưng của những hình ảnh siêu thực, dẫu vậy, sự phi lý ấy vẫn cứ tạo ra ý nghĩa, xâm chiếm, chế ngự lấy chúng ta ngay khi chưa kịp có một phân tích, một phê phán nào. Quyền năng của siêu thực tập trung ở hình ảnh, những hình ảnh chinh phục người đọc mãnh liệt và vô điều kiện. Nói thơ siêu thực là thơ hình ảnh là vì vậy.
Cũng trong bài viết trên, nhà nghiên cứu Đào Duy Hiệp đã ghi nhận ba ảnh hưởng lớn của chủ nghĩa siêu thực đối với thơ. Một là, thôi thúc người sáng tạo tích cực, chủ động chống lại sự xói mòn, xơ cứng của từ. Hai là, buộc người lao động nghệ thuật phải trở nên chuyên nghiệp và có tri thức, trí tuệ để tìm kiếm nhưng hình ảnh mới, lạ. Ba là, từ những hình ảnh đó, làm nảy sinh những ý nghĩa mới, đẹp vào cuộc đời và con người.
Chỉ trong mươi năm, chủ nghĩa siêu thực đã vượt khỏi biên giới nước Pháp. Làn sóng siêu thực lan toả và tác động sâu rộng đến văn học nghệ thuật thế giới, không một trào lưu nào đầu thế kỷ XX có ảnh hưởng to lớn bằng. Đó là lần đầu tiên điều tưởng chừng không tưởng, công phá vào chủ nghĩa duy lý, đã được hiện thực hoá. Nhờ đó, nhân loại khám phá ra một diện mạo tươi mới khác của cuộc sống, của thế giới và của chính mình. Cuộc cách mạng siêu thực đã trở thành biểu tượng cho sự sáng tạo và khám phá không mệt mỏi của người nghệ sĩ.
Mặt khác, chủ nghĩa siêu thực cũng xác nhận rằng ngôn từ đã đuối sức trong việc truyền tải những rung cảm tế vi của con người hiện đại. Khoảng trống giữa những con chữ, độ dày phía sau văn bản ngày một lớn hơn, đòi hỏi ở cả người viết và độc giả độ chín nhất định khi tiếp xúc với một văn bản. Nhờ đó, sự tự do sáng tạo càng được phát huy cao độ ở cả hai phía sáng tác và tiếp nhận.
Ở phương diện xã hội, chủ nghĩa siêu thực là hệ quả của cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất và của một thế giới đang âm ỉ bước vào thế chiến thứ hai. Những thương tổn tinh thần của những thế hệ vừa trải qua cuộc chiến cần được cứu chữa bằng nhiều cách, một trong số đó là chủ nghĩa siêu thực với niềm tin vào “quyền lực vô song của giấc mơ”, vào “vai trò vô vụ lợi của tư duy”. Chính vì vậy, việc sáng tạo, với chủ nghĩa siêu thực, bức bách và thống thiết như một sự cứu rỗi.
Không chỉ tác động mạnh mẽ đến văn học nghệ thuật thế kỷ XX, xa hơn nữa, các nhà siêu thực còn muốn đẩy triết lý siêu thực vào cuộc đời. Siêu thực là một giấc mơ lớn của André Breton và thế hệ ông, những người luôn tin tưởng rằng siêu thực sẽ “phá hủy một lần và vĩnh viễn những cơ chế tâm lý khác, tự thay thế mình vào đó để giải quyết tất cả những vấn đề cốt lõi của cuộc sống” [1]. Giấc mơ không bao giờ thành hiện thực đã đẩy các nhà siêu thực rẽ sang những con đường khác – một số nhà siêu thực Pháp đến với chủ nghĩa Marx, một số nhà siêu thực Đức đến với chủ nghĩa hiện sinh – đều là những chủ nghĩa “gần” với con người và quyền lợi dân tộc trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phát-xít. Từ trong sâu thẳm, cuộc cách mạng nghệ thuật của chủ nghĩa siêu thực chính là những thôi thúc đầy nhân bản về quyền con người, quyền được sống như con người chân chính.
LTTV
Thư mục tham khảo
1. André Breton (2 và 3/11/2004), “Tuyên ngôn thứ nhất của Chủ nghĩa siêu thực”, Phùng Kiên dịch, Phương Ngọc hiệu đính. Nguồn: http://www.evan.com.vn/News/phe-binh/ly-luan/2004/11/3B9AD460/.
2. André Breton (4/11/2004), “Tuyên ngôn thứ hai của Chủ nghĩa siêu thực”, Nguyễn Bích Thủy dịch. Nguồn: http://www.evan.com.vn/News/phe-binh/ly-luan/2004/11/3B9AD45B/
3. Nguyễn Phan Cảnh (1987), Ngôn ngữ thơ, Nxb Đại học và Giáo dục chuyên nghiệp, Hà Nội.
4. Đào Duy Hiệp (5/2004), “Hình ảnh trong thơ siêu thực”. Nguồn: www.evan.com.vn/Functions/Author/?AuthorID=160
5. Maurice Nadeau (2002), Tiểu thuyết Pháp từ Thế chiến thứ hai, Trần Nhựt Tân dịch, Nxb Văn học, Hà Nội.
6. Richard Appignanesi, Chris Garratt, Ziauddin Sardar, Patrick Curry (2006), Nhập môn chủ nghĩa hậu hiện đại, Trần Tiễn Cao Đăng dịch, Bùi Văn Nam Sơn hiệu đính, Nxb Trẻ, TP.Hồ Chí Minh.
7. Đỗ Lai Thúy (2004), “André Breton và chủ nghĩa siêu thực”, Văn học nước ngoài, (4), 191-193.
Nguồn: Tạp chí Đại học Sài Gòn, số chuyên đề Bình luận văn học – Niên giám 2011