Yếu tố Phật giáo và tín ngưỡng dân gian trong truyện thơ Nôm có nguồn gốc bản địa Việt Nam

Tóm tắt. So với nhóm truyện thơ Nôm được vay mượn từ văn học thông tục Trung Quốc thì mảng truyện thơ Nôm có nguồn gốc bản địa Việt Nam có những nét khác biệt khá rõ. Một trong những nét khác biệt đáng lưu ý đó là những yếu tố văn hóa tâm linh hiện diện trong tác phẩm. Phật giáo và tín ngưỡng dân gian là những yếu tố tham gia mật thiết vào cốt truyện, cấu trúc tác phẩm của mảng truyện thơ Nôm này. Trên cơ sở khảo sát tác phẩm, tham luận thử tìm hiểu những yếu tố này có vai trò như thế nào đối với thi pháp thể loại của mảng truyện thơ Nôm nói trên.

Từ khóa: Phật giáo, tín ngưỡng dân gian, truyện thơ Nôm…

So với nhóm truyện thơ Nôm được vay mượn từ văn học thông tục Trung Quốc (chủ yếu là tiểu thuyết tài tử giai nhân) thì mảng truyện thơ Nôm có nguồn gốc bản địa Việt Nam có những nét khác biệt khá rõ. Một trong những nét khác biệt đáng lưu ý đó là những yếu tố văn hóa tâm linh hiện diện trong tác phẩm. Tư tưởng Phật giáo và tín ngưỡng dân gian là những yếu tố tham gia mật thiết vào cốt truyện, cấu trúc tác phẩm, góp phần định hình thi pháp thể loại của mảng truyện thơ Nôm này.

Các nhà nghiên cứu thường chia truyện thơ Nôm thành hai nhóm là truyện Nôm khuyết danh và truyện Nôm hữu danh, hoặc truyện Nôm bình dân và truyện Nôm bác học. Trong mục “II. Truyện thơ Nôm” của công trình Thi pháp văn học trung đại Việt Nam, tác giả Trần Đình Sử ủng hộ cách phân loại thứ hai, nhưng ông lại có ý muốn gọi tên loại truyện Nôm bác học là “truyện Nôm của văn nhân”(1). Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu cũng đã chỉ ra những điểm lấn cấn, bất cập trong hai cách phân loại này. Chẳng hạn, Kiều Thu Hoạch nhận xét rằng, “việc phân loại truyện Nôm thành hai loại truyện Nôm bình dân và truyện Nôm bác học, dầu sao cũng chỉ nên xem là một biện pháp tạm thời để tiện cho việc nghiên cứu trong một chừng mực nào đó, và đối với một số truyện Nôm nào đó mà thôi. Một quan niệm tuyệt đối hóa ở đây sẽ là phi thực tế và do đó, cũng là phi khoa học. Bởi trong thực tế, cái ranh giới chủng loại ấy cũng chẳng có gì là rõ ràng, nếu không muốn nói là nó khá mù mờ như chúng ta đã thấy”(2). Trong bài viết này chúng tôi gọi “truyện thơ Nôm có nguồn gốc bản địa Việt Nam” là muốn khu biệt với những truyện thơ Nôm có nguồn gốc từ Trung Quốc (phần lớn được xếp vào nhóm truyện Nôm bác học) để nhấn mạnh yếu tố Phật giáo và tín ngưỡng dân gian trong những truyện được xem là có nguồn gốc từ truyện tích, văn học dân gian Việt Nam và những truyện do văn nhân Việt Nam tự sáng tác như Sơ kính tân trang, Lục Vân Tiên,…

Về khái niệm “tín ngưỡng dân gian” chúng tôi tạm giới thuyết như sau:

Tín ngưỡng dân gian không phải là tôn giáo. “Nếu tôn giáo phải có đủ 4 yếu tố cấu thành, đó là: giáo chủ, giáo lí, giáo luật và tín đồ, thì các loại hình tín ngưỡng dân gian không có 4 yếu tố đó. Giáo chủ là người sáng lập ra tôn giáo ấy […]; giáo lí là những lời dạy của đức giáo chủ đối với tín đồ; giáo luật là những điều luật do giáo hội soạn thảo và ban hành để duy trì nếp sống đạo trong tôn giáo đó; tín đồ là những người tự nguyện theo tôn giáo đó”(3).

Tuy nhiên vẫn có người gọi tín ngưỡng dân gian là tôn giáo dân gian. “Tôn giáo dân gian không hẳn là tôn giáo với những thể cách trên, nó chủ yếu mới là sự sùng tín, nó nằm trong tâm thức của con người trong sinh hoạt dân dã và được biểu hiện ra chủ yếu trong phong tục tập quán sinh hoạt chứ chưa được thể chế hóa hay trở thành giáo luật. Các nhà nghiên cứu thường gọi chung đối tượng này là tín ngưỡng, tín ngưỡng dân gian hoặc đôi khi cũng dùng khái niệm tôn giáo dân gian. Khái niệm tín ngưỡng vì vậy rộng rãi hơn và dân dã hơn khái niệm tôn giáo”(4).

Có thể hiểu nôm na, tín ngưỡng dân gian là lòng ngưỡng mộ, tin tưởng của con người đối với các lực lượng siêu nhiên. Người ta tin rằng các lực lượng siêu nhiên này có năng lực ban phúc giáng họa, có khả năng che chở, cứu rỗi con người, có thể xét xử công minh mọi chuyện trong cõi trần thế.

Đối tượng sùng bái trong tín ngưỡng dân gian ở Việt Nam hết sức phong phú. Người Việt tin thờ từ cục đá, gốc cây, chim, cá, rắn, cọp,…cho đến thần thánh như thần núi, thần sông, Thổ Công, Thần Tài, Táo Quân, Thành Hoàng, Thánh Mẫu, Diêm Vương, linh hồn, ma quỷ, các vị anh hùng dân tộc, tổ tiên ông bà,... trong đó đặc biệt là Trời (hay Ông Trời, Ngọc Hoàng, Thượng Đế) - vị chúa tể siêu nhiên tuy người Việt không thờ cúng như các vị thần thánh khác nhưng trong đời sống tâm linh người ta luôn kính tín như một nguyên lí siêu việt, cao cả nhất. Học giả L. Cadière nhận xét rằng:

Ý niệm về Trời của người Việt giống nhau lạ lùng với ý niệm về hữu thể siêu việt ở các bộ tộc sơ khai. Trời không phải là một vị thần, ít nhất là trong thông tục dân gian, đó là “Ông Trời” và hình như thuộc về thế giới siêu việt. Hoàng đế tế Trời một cách trọng thể, còn dân gian thì chỉ nghĩ tới tôn vinh Trời vào những trường hợp hoàn toàn đặc biệt. Ngược lại, họ cầu đến Trời hàng ngày trong ngôn ngữ thường nhật. Họ nhận ra Trời như là nguyên lí, che chở cho nhân sinh, như là nguyên nhân tự tại của mọi điều dương thế, tử, sinh, phúc, họa, sang, hèn. Họ kêu Trời chứng giám, vì Trời đâu có xa xôi gì, Trời thấy hết, chứng kiến hết mọi chuyện kể cả những gì thầm kín nhất, kể cả tâm tư chưa biểu lộ. Họ kêu Trời vì Trời nhân hậu xót thương. Họ cầu Trời vì Trời vạn năng. Họ nại đến Trời vì Trời thấu biết, cân nhắc, phán xét; Trời công minh, phạt điều ác, thưởng điều lành…(5)

Theo thống kê các yếu tố tâm linh trong luận văn Thạc sĩ của Nguyễn Thị Gái thì số câu thơ chứa yếu tố liên quan đến “Trời” có đến 664 lần trong 30 truyện thơ Nôm được khảo sát, chiếm tỉ lệ cao nhất(6). Đây là kết quả tất nhiên đúng như ức đoán của chúng ta: bởi Trời hiện diện trong mọi hoạt động của con người!

L. Cadière cũng cảm nhận rằng: “Tôn giáo người Việt, ở đây nên dùng số ít, cho ta cái cảm nhận y như khi ta lạc vào núi rừng Trường Sơn: đây đó những thân cây khổng lồ, đâm rễ đi tới đâu nào ai biết được, chúng đỡ nâng cả một vòm lá phủ tràn bóng mát; những cành cây sà xuống mặt đất, lại đâm rễ chằng chịt; dây leo tứ bề bò cây này sang cây khác, chẳng biết gốc rễ từ đâu, và cứ thế mãi như vô tận, chẳng bao giờ dứt; […]; nơi nơi là tinh lực, nơi nơi là nhựa sống phủ trùm, choáng ngợp”(7). Ông muốn nói tâm thức tín ngưỡng, tôn giáo của người Việt “thể hiện một cách mãnh liệt và chế ngự toàn thể cuộc sống con người”, tín ngưỡng dân gian và các tôn giáo như Phật giáo, Đạo giáo, Nho giáo,… trộn lẫn hòa quyện vào nhau làm thành một tổng thể hữu cơ khiến ta khó lòng hiểu thấu và phân tách. Thật vậy! Khó mà phân tách những đức tin như tu nhân tích đức, ở hiền gặp lành, gieo ác gặt họa,…bản quyền thuộc về ai; và chúng ta cũng khó mà biết đích xác cái thế giới địa ngục âm phủ do dân gian tạo ra hay nhà Phật dựng nên. Các thuyết “nhân quả”, “nghiệp báo” cao siêu của nhà Phật “đã được dân gian hóa khá đậm đà với những ngày hội chùa “trăm họ đều áo quần lụa là” kéo đi vui vẻ, với những lễ cầu tự, lễ cầu đảo, bói toán duyên số…Những hoạt động tôn giáo đó trong các truyện thơ thể hiện khá rõ bộ mặt đã bị thay đổi của Phật giáo”(8). Rõ ràng là với tình hình tín ngưỡng, tôn giáo giao thoa chằng chịt như vậy đã dẫn đến hiện trạng:

Trong xã hội xuất hiện các vị linh môi, thuật sĩ, đàn cơ, cơ đồng, những người xem xăm, bói quẻ. Người dân thông qua những vị này để thỉnh tấu với thần linh, cầu mong thần linh chỉ điểm, quyết nghi, ban ơn, ban phước cho mình. Phật giáo ở nước ta cũng dần dần mở cửa phương tiện để thích ứng với yêu cầu của tín ngưỡng dân gian. Tuy nhiên, chính vì sự phương tiện này mà nhiều lúc, nhiều nơi, sinh hoạt của Phật giáo không còn giữ được bản chất của mình, bị cuốn theo dòng chảy của sự sùng bái trong tín ngưỡng dân gian. Ở một số chùa, nhất là các chùa ở miền Bắc có sự thờ tự rất đa dạng; từ các tượng thánh thần đến các vị thành hoàng, thổ công cũng được thờ chung ở trong điện Phật. Lại còn đặt cả bàn xin xăm, đàn cơ, đồng âm dương. Một số chùa đã trở thành nơi sinh hoạt của tín ngưỡng dân gian, mang đậm màu sắc của tín ngưỡng dân gian(9).

Thế giới tâm linh đa sắc nhiều vẻ ấy đã thể hiện một cách sống động trong truyện thơ Nôm, nhất là trong nhóm truyện thơ Nôm có nguồn gốc bản địa Việt Nam. Những tình tiết mang tính tâm linh thần kì ấy là những yếu tố “kĩ thuật” quan trọng kiến tạo cốt truyện, nối kết các trường đoạn gặp gỡ - tai biến – đoàn tụ của truyện thơ Nôm. Nói về cốt truyện của truyện Nôm bình dân, Nguyễn Lộc nhận xét rằng, “những tình tiết, những sự kiện không có ý nghĩa khách quan chân thực của nó, mà chỉ có tác dụng soi sáng hay tô đậm cho đặc điểm của tính cách nhân vật”, “chi tiết nhiều khi được cường điệu đến mức hoang đường”(10). Về vấn đề nhân vật chính diện không bao giờ thất bại, kết thúc có hậu, ông cho rằng, “rõ ràng là lí tưởng hóa chứ không phải hiện thực”. “Và chính vì vậy mà trong cốt truyện của truyện Nôm bình dân, nhà thơ thường sử dụng rất nhiều yếu tố ngẫu nhiên, phi thường, nhiều yếu tố có tính chất thần linh”(11). Ta có thể nói rằng, chính vì ước mơ, lí tưởng đó mà người viết/kể truyện và người đọc/nghe truyện không hề hoài nghi về những những yếu tố ngẫu nhiên, phi thường, hoang đường ấy. Người ta dường như tin những điều kì lạ ấy như tin vào Phật Trời, thần thánh. Đạo lí ở đời có thể khiến cho những điều vô lí thành hữu lí.

Những yếu tố Phật giáo và tín ngưỡng dân gian thường được tác giả “hiện thực hóa” trong thế giới truyện thơ Nôm thông qua các mô-típ thần kì có tính phổ biến. Để tiện trình bày, chúng tôi tạm quy nạp thành mấy mô-típ chính yếu sau đây:

1. Nhân vật chính sinh ra nhờ thế lực siêu nhiên, họ vốn là người của cõi Trời cõi Phật đầu thai xuống trần. Mô-típ thường thấy là do đôi vợ chồng côi cút nào đó ở cõi trần luôn “tu nhân tích đức”, “hiếu trung tiết nghĩa”, kính tín Phật Trời, nên khiến cho các đấng quyền năng siêu nhiên cảm động cho người đầu thai xuống “kế hậu nối dòng”. Tín ngưỡng kính Trời thờ Phật hòa quyện vào nhau, mang tính dân gian bình dị, thể hiện rõ nét niềm tin “ở hiền gặp lành”, “gieo phúc được phúc”. Chẳng hạn:

Trong Phạm Công-Cúc Hoa (PC-CH)(12), Phạm Công vốn là Thái tử của Ngọc Hoàng. Vì Ngọc Hoàng cảm động lòng kính Trời mộ Phật của đôi vợ chồng già họ Phạm “hiếu trung tiết nghĩa đủ đường”, luôn “tu nhân tích đức”, tuy nghèo khó nhưng “đã thường làm phúc, lại hay cúng dàng”, nên cho Thái tử xuống làm con của họ. Còn Cúc Hoa thì là Công chúa của Diêm Vương vâng mệnh đầu thai lên trần giới, “Ba mươi năm vẹn Trần Châu/ Hết duyên nên lại về chầu phụ vương”.

Cũng theo mô-típ đó, trong truyện Thạch Sanh (TS), vì đôi vợ chồng già Thạch Nghĩa “hiền lành đức nhân”, “Vợ thì gánh nước liền tay/ Để đem bố thí người nay lỡ đường/ Chồng thì khơi cống khơi mương/ Luôn tay cuốc thuổng sửa đường người qua”, nên “Ngọc Hoàng chỉ phán tức thì/ Truyền đòi Thái tử cho đi xuống trần/ Làm con họ Thạch đền ân”. Còn Tống Trân trong Tống Trân-Cúc Hoa (TT-CH) cũng là người ở cõi thiên đình đầu thai xuống. Đôi vợ chồng già ở huyện Phù Hoa vì “Tháng ngày cầu khẩn các nơi/ Đúc chuông tô tượng đều thời cúng luôn/ Khó nghèo chẳng quản thiệt hơn/ Của đem làm phúc làm duyên sạch làu”, cho nên “Lòng thành thấu đến Thiên tào/ Sai Văn Xương xuống kíp vào đầu thai”.

Tương tự như vậy, Lí Công ra đời cũng là do Phật Trời cảm lòng kính tín của ông bà Tể tướng. Tác giả truyện Lí Công (LC) viết: “Vợ chồng cầu khẩn ăn chay/ Xin sinh trai gái họa may muôn đời/ Có lòng thấu đến Bụt Trời/ Cho bà Tể tướng bỗng người thụ thai”. Còn trong Phạm Tải-Ngọc Hoa (PT-NH) thì “Phạm Tải vốn thực con Trời/ Nhẽ thì Thiên tử chính ngôi chương tòa/ Lỗi nhầm đày xuống phàm gia/ Giáng sinh nhị nguyệt, ngày ba, mão thì”.

Ngay cả Hoàng tử, Công chúa ra đời cũng là do các bậc vua chúa hiền đức, cầu trời khẩn Phật mà có. Vua Nam Kinh trong Nam Kinh Bắc Kinh truyện không có con nối dõi, “Lịnh truyền văn võ triều đô/ Sắm sanh lễ vật lên am khấn nguyền/ Mùi hương thấu đến cửu thiên/ Sai hai tiên tử dương trần đầu thai”(13).

Sự ra đời có tính thần kì của nhân vật chính thể hiện rõ nét tín ngưỡng thờ Trời và tư tưởng khuyến thiện của Phật giáo trong dân gian, đồng thời mô-típ này cũng là một thủ pháp nghệ thuật có tính phổ biến, nó liên quan đến phẩm hạnh và tài năng của nhân vật, liên quan đến sự vượt qua khó khăn, thử thách của họ, và chắc chắn là một người có nguồn gốc xuất thân như vậy thì không thể nào thất bại, kết thúc có hậu là hiển nhiên.

2. Nhân vật chính thường học được phép thuật, nhận được bảo bối nhờ một lực lượng siêu nhiên nào đó. Đây là kiểu mô-típ chức năng mà trong công trình Hình thái học truyện cổ tích V.IA. Propp gọi là “sự có được biện pháp thần kì”. Trong mảng truyện thơ Nôm này phần lớn nhân vật chính phải trải qua những thử thách, khó khăn trước thế lực độc ác, gian tà. Thường thì họ vượt qua thử thách nhờ học được phép lạ hay có được bảo bối từ Trời, Phật, thần tiên. Hơn nữa, những biện pháp thần kì đó còn có công năng nhấn mạnh tài năng, phẩm hạnh của nhân vật, thử thách càng nhiều càng lớn thì phẩm chất đó càng chói sáng, thắng lợi cuối cùng càng vẻ vang.

Trong truyện TS, sau khi Thạch ông và Thạch bà “về chầu cảnh tiên”, để lại Thạch Sanh côi cút trên cõi đời, thì “Ngọc Hoàng nghĩ đến gần xa/ Kíp sai Lí Tĩnh xuống qua phàm trần” dạy cho chàng phép thuật để “Mai ngày sẽ được chăn dân, trị đời”. Rồi chàng chém đầu Chằn tinh (Xà tinh) thu được cung tên vàng, giết Mãng xà vương-Đại bàng cứu Công chúa Quỳnh Nga và Thái tử con vua Thủy Tề, xuống Thủy phủ được biếu cây đàn thần tam huyền, v.v… Những phép thuật và bảo bối mà chàng có được liên quan mật thiết đến những tình tiết quan trọng khác của truyện, chẳng hạn: tiếng đàn thần giúp chàng giải oan cho mình, làm rung động trái tim Công chúa khiến nàng hết câm, tiếng đàn đẩy lui đội quân của 18 nước chư hầu, cuối cùng lấy Công chúa và lên ngôi báu. Trong truyện Thoại Khanh-Châu Tuấn (TK-CT) một cây đàn thần kì như vậy cũng đã được “Thích Ca xuống phước” ban cho Thoại Khanh sau khi nàng mù lòa vì dâng đôi mắt cho dâm thần để cứu mẹ chồng. Tiếng đàn ai oán của nàng làm xúc động nhân thế, vẳng tới tai Châu Tuấn, giúp cho vợ chồng, mẹ con sum họp sau 15 năm chia lìa đau khổ.

Tương tự như vậy, trong truyện Mã Phụng-Xuân Hương (MP-XH) cô bé ăn mày chí hiếu Xuân Hương được tiên ông vâng mệnh Ngọc Hoàng xuống dạy cho côn quyền kĩ nghệ, phép bói toán thuật dùng binh, và còn ban cho một hồ lô, một đoạn xích thằng với một đôi bảo kiếm để “Cứu khi tai nạn quốc gia”. Về sau với phép thuật được dạy và bảo bối được ban nàng đã phá được giặc Tây Phiên cứu chồng là Mã Phụng, rồi cứu được Hoàng hậu và Hoàng tử khỏi tay của bọn gian thần soán ngôi Hồ Rô. Còn con trai Xuân Hương là Mã Điểu mới 2 tuổi đã được tiên ông đưa về trời ban cho phép thuật cùng với 4 bảo bối là ngọc hoành, kim chi liễu diệp, hồng cân (khăn đỏ), lửa kính (kính chiếu ra lửa) để “Trừ loài nịnh tặc tà gian/ Khuông phò ấu chúa mới an nước nhà”.

Quả bí thần mà Thủy Tinh cho con trai là chàng Chuối để làm sính lễ cưới nàng Lí Dung trong truyện Chàng Chuối (CC) cũng hết sức thần kì. Canh khuya trước khi Chuối đi đón dâu thì “Tự nhiên quả bí phá ra/ Người thì vô số của đà vô man/ Cơ nào ngũ ấy quân quan/ Trân châu, bảo ngọc ngổn ngang chật đường”. Tương tự, con cá bống mà Phật cho Tấm trong truyện Cái Tấm cái Cám (CTCC) cũng có thể xem là một bảo bối thần kì. Bộ xương cá bống đã hóa ra “Nào quần nào áo nào dù/ Vòng vàng hài phượng trời cho đó mà”. Nhờ đó mà Tấm được gặp vua, trở thành Hoàng hậu.

Đúng như nhận định của Cao Huy Đỉnh, mặc dầu truyện Nôm có “xu hướng tiểu thuyết hóa truyện dân gian”, nhưng về cơ bản vẫn “bảo lưu khuôn dạng của truyện cổ tích”(14). Những mô-típ thần kì như trên là một trong những thủ pháp dựng truyện quan trọng trong truyện cổ tích mà truyện thơ Nôm vẫn còn giữ lại hoặc thừa hưởng.

3. Nhân vật được được cứu giúp nhờ một lực lượng siêu nhiên nào đó. Đây là mô-típ chức năng có tính phổ quát trong truyện cổ tích và trong nhóm truyện thơ Nôm mà chúng tôi đề cập. Hình thức cứu giúp và chủ thể cứu giúp hết sức đa dạng, có thể chia thành hai kiểu loại là: nhân vật được cứu thoát khỏi tai nạn và nhân vật được tái sinh.

Nhân vật được cứu thoát khỏi tai nạn: Như trên đã đề cập, trong quá trình đi đến thắng lợi và kết thúc có hậu nhân vật chính luôn bị thử thách, và tai nạn là kiểu thử thách hiệu quả nhất. Tai biến là trường đoạn li kì, gay cấn, hấp dẫn nhất của câu chuyện. Để cường điệu những gian lao, khó khăn mà nhân vật “đáng thương” trải qua, tai nạn thường diễn ra theo kiểu “họa vô đơn chí”, hết họa này lại đến nạn kia, và thường thì họ luôn thoát khỏi một cách thần kì nhờ sự giúp đỡ từ một thế lực siêu nhiên nào đó: Trời, Phật, thần tiên, chúa sơn lâm, giao long,…

Trong truyện LC ta thấy, Bảo Vương mấy lần định giết Lí Công khi bắt gặp chàng ở trong cung Công chúa, nhưng chàng đều được bề trên che chở: khi thì “Nam Tào, Bắc Đẩu trở đương/ Hào quang sáng khắp hộ chàng Lí sinh”; khi thì “Ngọc Hoàng sai khiến rồng vàng/ Kíp khi che phủ mình chàng Lí Công”; lúc bị trói bỏ lên bè chuối thả trôi sông thì Lí Công và Công chúa được cá chép, vua Thủy Tề giúp cho ăn uống. Khi sang đất Hung Nô, Lí Công lại bị chúa Hung Nô hãm hại hòng cướp Công chúa nhưng chàng cũng được Ngọc Hoàng cứu thoát: uống thuốc độc không chết, gươm đâm cũng gẫy tan. Không lấy được Công chúa, chúa Hung Nô cho đóng cũi thả nàng trôi sông, nhưng nàng lại được Thủy Tề cứu sống. Thật lạ kì là khi bị chúa Hung Nô ra lệnh cắt mũi, xẻo tai, chặt hết cả chân tay, vậy mà nàng vẫn sống, và khi được tiên vẩy thần dược thì nàng “Lại toàn vóc ngọc tay chân/ Hình dung nhan sắc mười phần hơn xưa”.

Quả là Trời Phật chẳng để người ngay mắc nạn. Diễn tiến truyện được nối kết với nhau bằng những yếu tố thần kì, thể hiện một niềm tin đạo nghĩa hồn nhiên, bay bổng ước mơ. Những tình tiết siêu nhiên như vậy chúng ta luôn bắt gặp trong các truyện thơ Nôm mộc mạc khác. Chẳng hạn:

Trong truyện TK-CT, nàng Thoại Khanh lóc thịt cánh tay mình để nướng cho mẹ chồng ăn, bởi vì tấm lòng thảo ngay của nàng thấu đến Trời nên cánh tay chẳng hề rơi một giọt máu hồng, sau đó được Ngọc Hoàng cho thuốc tiên đắp vào thế là thịt da lại đầy đặn như xưa; Khi qua rừng mẹ con nàng được hổ thần thương tình cõng giúp, trong khoảnh khắc đã tới nước Tề; Dẫu bị Dâm thần lấy đi đôi mắt, nhưng nhờ phép thiêng của Trời Phật mà đôi mắt của nàng được lắp trở lại toàn vẹn như ngày nào;...

Những tai nạn khủng khiếp như vậy cũng giáng lên Phạm Công khi chàng từ chối không lấy Công chúa Hung Nô. Tuy bị chúa Hung Nô ra lệnh chặt tay, khoét mắt, rứt mày, xẻ tai, đục răng, nhưng nhờ Ngọc Hoàng, chư Phật, thánh thần cứu giúp mà chàng lại được lành lặn trở về quê hương. Việc xét xử vụ án oan ngất trời ấy hầu như có mặt đủ đầy các đấng quyền năng trên thượng giới: “Ngọc Hoàng xem trạng mới hay/ Những điều ác nghiệt gớm thay cõi trần!/ Liền sai hỏa tốc chư quân/ Trẫm cho tra xét xử phân việc này/ Phật Bà nghìn mắt nghìn tay/ Phật Tổ ngày rầy cũng phải ra đi/ Quan Âm cũng đến tức thì/ Thanh Đề Huyền Nữ chỉnh tề uy nghi/ Thập điện La Hán chỉ huy/ Ngọc Hoàng chính ngự đơn trì xuống tra” (PC-CH).

Mặc dầu là một truyện Nôm do văn nhân viết mang tính tự truyện, nhưng trong Lục Vân Tiên (LVT) ta vẫn thấy các mô-típ thần kì được sử dụng như một thủ pháp nghệ thuật đắc lực. Theo thống kê của Nguyễn Quang Vinh (Tạp chí Văn học, số 4-1972), thì có đến 12 lần các yếu tố thần kì xuất hiện để phù trợ cho người ngay và trừng phạt các lực lượng hắc ám(15). Trong đó những mô-típ phổ biến nổi bật là: Cọp cắn dây mở trói, cõng tiểu đồng từ rừng sâu ra đường cái; Giao Long dìu Vân Tiên từ giữa sông vào trong bãi; Du thần qua hang Thương Tòng, dắt Vân Tiên từ trong hang ra chân núi; Sóng thần dìu Nguyệt Nga vào bãi cát; Phật Quan Âm đưa Nguyệt Nga vào vườn hoa nhà Bùi ông; Phật Bà mách bảo Lão bà đi tìm đón Nguyệt Nga khi nàng vừa trốn khỏi nhà Bùi Kiệm; Tiên Ông cho linh dược để chữa cho Vân Tiên sáng mắt ra sau 6 năm mù lòa. Rõ ràng phương thức dựng truyện của LVT rất gần gũi với nhóm truyện thơ Nôm bình dân trước đó.

Nhân vật được tái sinh: Trong truyện thơ Nôm, nhất là nhóm truyện có nguồn gốc từ văn học dân gian, để thực hiện mô hình kết thúc đoàn viên có hậu tác giả thường hay sử dụng mô-típ “tái thế tương phùng” thần kì này. Với tâm thức hướng thiện người ta không cho phép nhân vật vẹn nghĩa trọn tình của mình phải chịu cảnh nửa đường dang dở, chia li, có một kết cuộc vô hậu phũ phàng. Như vậy thì còn gì là công lí, còn gì đạo trời.

Trong truyện PC-CH, tuy nợ duyên 30 năm giữa Cúc Hoa và Phạm Công đã hết, nhưng cảm động trước tấm tình chung đi khắp năm tòa địa ngục, thủy phủ trong bốn tháng trời tìm vợ của Phạm Công, không nỡ để chồng con Cúc Hoa trong cảnh “đói cơm, khát sữa, mặc chàng một thân”, nên Diêm Vương vẫn cho Công chúa Cúc Hoa tái sinh trở lại dương gian đoàn tụ cùng chồng con.

Nếu ở truyện PC-CH Phạm Công đánh đồng thiếp xuống âm phủ tìm vợ thì ở truyện PT-NH Ngọc Hoa quyết tự vẫn xuống âm phủ tìm chồng. Nàng cùng chồng làm tờ cáo trạng dâng lên Diêm Vương kiện tên vua Trang Vương tàn bạo đã “Sát phu hiếp phụ đạo thường đơn sai”. Sau khi “Bắt vua Trang bỏ vạc dầu” thì “Bỗng đâu thấy sớ vua cha/ Bèn đưa một sắc vào tòa Diêm Vương:/ Sắc phong cho Phạm Tải chàng/ Nối truyền sửa trị ngai vàng thảnh thơi”. Thế là “Hoàn sinh cho Phạm Tải chàng/ Lại còn cải tử cho nàng Ngọc Hoa”.

Cũng với mô-típ đó, trong truyện CC nàng Lí Dung bị hai người chị ghen ghét đẩy xuống sông mà thác. Dưới thủy phủ, khi biết nàng là vợ chàng Chuối vua cha Thủy Tề đã “Lấy linh đan dược sái ngay vào mình” cải từ hoàn sinh cho nàng.

Đặc biệt, trong truyện CTCC cô Tấm tái sinh không chỉ một lần mà nhiều lần. Trước khi Phật cho trở lại thành người đoàn tụ với vua Tấm đã trải qua một chuỗi liên hoàn hóa thân: lần thứ nhất, Tấm bị giết thì “Hoàng oanh đổi lốt hóa thân”; lần thứ hai, chim bị giết thì “Đống lông chim bỗng hóa luôn xoan đào”; lần thứ ba, xoan đào bị chặt làm khung cửi thì “Khung kêu như có tiếng người”; lần thứ tư, khung cửi bị đốt thì tro “Mọc lên cây thị rườm rà tốt tươi”; và sau đó trái thị lại hóa thành cô Tấm ngày nào. Những tình tiết trong truyện cổ tích Tấm Cám được bảo lưu hoàn toàn khi nó được diễn thành truyện thơ Nôm.

Sơ kính tân trang là một truyện thơ Nôm có nguồn gốc tự truyện, nên tác giả phải chấp nhận sự thực đớn đau là để Quỳnh Thư chết đi. Nhưng có lẽ Phạm Thái không đành lòng để cho Quỳnh Thư phải chết trong oan ức và Phạm Kim rơi vào cảnh lở dở duyên tình, nên câu chuyện đã có thêm đoạn “tái thế tương phùng”, “tái thế hoàn hôn”. Trước sự bế tắc của tình duyên, cũng như các nhân vật trong truyện thơ Nôm bình dân, Phạm Kim đã gởi gắm tâm sự, than thở với Trời: “Thề rằng đã có Trời già/ Duyên sau chẳng phụ âu thà rằng không/ Khăng khăng sắt đá một lòng/ Ước nguyền cậy có non sông hết tình”. Nhân vật Thụy Châu là sự tái sinh của Quỳnh Thư, để thể hiện ước mơ, khát vọng tình yêu và mong mỏi vượt qua số phận của giới trẻ nói chung và của chính tác giả Phạm Thái nói riêng về tình yêu đôi lứa.

4. Trong nhóm truyện thơ Nôm bản địa Việt Nam thế giới thiên đình, âm phủ, thủy cung, trần gian dường như không có khoảng cách. Trời (hay Ngọc Hoàng, Thượng Đế), Diêm Vương, Thủy Tề, tiên thánh,…ở rất gần con người, luôn nhìn thấy những việc làm của con người, luôn cảm thông giúp đỡ người hiền đức và trừng phạt kẻ gian ác. Mục đích khuyến thiện trừng ác của nhà Phật và tín ngưỡng dân gian đã kéo thế giới thần thiêng u linh lại cận kề thế giới phàm trần. Con người không cần là thần tiên mới lên được thiên đình, không cần là hồn ma mới xuống được âm phủ. Các nhân vật trong truyện đi lên thiên đình hoặc đi xuống âm phủ, thủy cung dễ dàng như đi chợ làng! Thế giới trần gian, địa ngục, thủy cung, thiên đình tương thông nhau, và con người có thể giao tiếp với hồn ma, quỷ sứ đầu trâu mặt ngựa, giám ngục âm ti, Diêm Vương, Hà Bá, vua thủy cung Động Đình, tiên nữ, Na Tra, Tề Thiên Đại Thánh, Ngọc Hoàng,… Những thế giới phi trần gian ấy được người ta tạo ra bằng niềm tin tâm linh, không hề suy xét bằng cái nhìn duy lí.

Cảnh Thạch Sanh được đón rước xuống Thủy cung có lẽ chỉ có trí tưởng tượng hồn nhiên của quần chúng nhân dân mới tạo ra được: “Hai người từ tạ ra đi/ Giang thần tiễn biệt đưa về đỗi xa/ Lại truyền khắp hết giang hà/ Muôn loài thủy tộc phải ra lạy người/ Truyền ra chưa kịp dứt lời/ Côn thời đến trước, Kình thời theo sau/ Cá Lăng, cá Vược theo hầu/ Nhởn nhơ là lượt mọi màu khoe tươi/ Cá Chày, cá Chép đua chơi/ Cá Nghê cúi mặt, cá Voi nghiêng mình/ Cá Vàng, cá Bạc tốt lành/ Tôm He, cá Mực tranh hành ngược xuôi/ Mảng xem cá nước vầy vui/ Thoắt đà trông thấy đền đài tòa chương/ Truyền cho cá lại hà giang/ Anh em bước xuống Thủy vương điện tiền”.

Khi Phạm Công đi tìm Cúc Hoa, địa ngục và cõi tiên dường như ở sát bên nhau, được tác giả miêu tả cụ thể như là ở chốn trần gian. Chàng đi qua chiếc cầu dưới cõi âm quái dị rợn người “Ván mỏng như giấy bắc sông Ngân Hà/ Dưới thời những rắn mãng xà/ Thấy người cất cổ bằng ba con sào”, chứng kiến cảnh hành hình tội nhân rùng rợn “Tứ bề lửa cháy hồng hào/ Chân tay trói buộc ném vào ghê thay!/ Cháy chân thôi lại cháy tay/ Xương da máu thịt hóa rầy ra tro”, “Mày xanh, mắt đỏ, nanh vàng” “Bắt tù khảo đả lao xao/ Lấy đầu mà xẻ ào ào khá thương”. Rồi bỗng chốc Phạm Công lạc vào cõi tiên “Dọc đường đua nở muôn hoa tốt lành”, “Chim kêu ríu rít trên cây/ Loan quỳ phượng múa vui thay những là!”. “Dưới sông nước chảy trong xanh” chàng xuống tắm thì gặp “Một đoàn đầy tớ Cúc Hoa/ Ba mươi đàn bà xuống tắm dưới sông/ Lụa sa đua nhộn nhiễu hồng/ Cởi ngay áo yếm tắm sông Ngân Hà”.

Vợ chồng Phạm Tải, Ngọc Hoa được đưa về dương thế với cảnh ngôi mộ mở ra thật là siêu nhiên thần kì: “Sấm vang chớp giật dưới trên đùng đùng/ Gió bay, lăng vỡ, thông tung/ Một giờ mưa tạnh như không vẹn tuyền/ Vợ chồng lại hợp nhân duyên/ Lên dương gian, lại phỉ nguyền như xưa”.

Khi khoa học phát triển, người ta hiểu biết nhiều hơn về bản thân và thế giới xung quanh, nhân loại bước vào kỉ nguyên lí trí, thì cũng có nghĩa là loài người đã đánh mất tuổi thơ của mình, người ta không còn tin tưởng một cách hồn nhiên vào những điều kì diệu trong những truyện cổ tích, trong những truyện thơ Nôm dân dã mộc mạc nữa. Nhưng, dẫu thế nào đi nữa thì người ta vẫn phải tin rằng cái tốt đẹp, cái thiện cũng thắng cái xấu xa, cái ác, vì đó là lương tâm của nhân loại, là tương lai của loài người. Những phép lạ, những chuyện thần kì trong truyện thơ Nôm cũng không nằm ngoài niềm tin và ước mơ tốt đẹp đó.

Vấn đề đặt ra khi kết thúc bài viết sơ lược này là, tại sao ở nhóm truyện thơ Nôm có nguồn gốc từ văn học thông tục Trung Quốc (phần lớn được xếp vào loại bác học) đa số cũng có cấu trúc gặp gỡ - tai biến – đoàn viên như vậy, nhưng những yếu tố đậm chất tâm linh thần kì, hoang đường lại ít khi xuất hiện như một thủ pháp nghệ thuật? Đây cũng là một câu hỏi cần được giải đáp và hẳn là sẽ có những lí giải hữu ích cho việc nghiên cứu thể tài truyện thơ Nôm.

CHÚ THÍCH TÀI LIỆU THAM KHẢO

(1) Trần Đình Sử, Thi pháp văn học trung đại Việt Nam, Nxb. ĐH Quốc gia Hà Nội, 2005.

(2) Kiều Thu Hoạch, Truyện Nôm - lịch sử hình thành và thi pháp thể loại, Nxb. Giáo dục, 2007, tr. 57.

(3) Nguyễn Quang Khải, “Sự giống nhau và khác nhau giữa tôn giáo với tín ngưỡng, giữa tín ngưỡng với mê tín dị đoan và mối quan hệ giữa chúng”, http://btgcp.gov.vn/ Plus.aspx/vi/News/38/0/240/0/3365/

(4) Nguyễn Thị Bích Hà, “Tín ngưỡng và giải mã tín ngưỡng trong văn học dân gian người Việt”, http://vns.hnue.edu.vn/?page=service_ detail&TID=214

(5) Đỗ Trinh Huệ biên khảo, Văn hóa, tín ngưỡng, gia đình Việt Nam qua nhãn quan học giả L. Cadière, Nxb. Thuận Hóa, 2000, tr. 82-83.

(6) Nguyễn Thị Gái, Thế giới tâm linh trong truyện thơ Nôm, Luận văn Thạc sĩ Văn học Việt Nam, Trường ĐH Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, 2010. Tuy nhiên, cũng cần nói thêm cho rõ là không ít trường hợp “Trời” trong bảng thống kê của tác giả luận văn không phải “Trời” tâm linh. Chẳng hạn: “Trời mai dợn ráng tuôn vàng/ Gió đâu sớm đã quyến hương trước đình” (Hoa tiên); “Chèo hoa, buồm quế thẳng làn/ Trời in biếc nhuộm, nước rờn chàm pha” (Sơ kính tân trang); “Trời tây lãng đãng bóng vàng/ Phục thư đã thấy tin chàng đến nơi” (Truyện Kiều); v.v… Một số trường hợp không phải là “Trời” hay “Ông Trời”. Thí dụ: “Kìa đâu sông rộng sóng dồi/ Ngư thôn mấy nóc mặt trời tà dương” (Hoa tiên); “Mẹ thác đã ba năm trời/ Xem trong khí sắc biến dời khác xa” (Mã Phụng-Xuân Hương); v.v…

(7) Đỗ Trinh Huệ biên khảo, Tlđd, tr. 79-80.

(8) Đinh Gia Khánh (chủ biên)-Chu Xuân Diên-Võ Quang Nhơn, Văn học dân gian Việt Nam, Nxb. Giáo dục, 1997, tr. 813.

(9) Thích Quảng Trí, “Phật giáo với tín ngưỡng dân gian”, http://tongiaovadantoc.com/c1051/ 20110429225845850/phat-giao-voi-tin-nguong -dan-gian.htm

(10), (11) Nguyễn Lộc, Văn học Việt Nam (nửa cuối thế kỷ XVIII - hết thế kỷ XIX), Nxb. Giáo dục, 1997, tr. 489; tr. 490.

(12) Phần lớn những dẫn liệu truyện thơ Nôm chúng tôi trích dẫn trong bài viết lấy từ bộ Kho tàng truyện Nôm khuyết danh, 2 tập, Nxb. Văn học, 2000. Để tránh rườm rà chúng tôi xin lược bỏ, không nêu xuất xứ từng trường hợp.

(13) Mà lòng tôi thương tức Thơ Nam Kinh Bắc Kinh, Nguyễn Văn Sâm phiên âm và giới thiệu, Printed by 5 Star Printing, 10322 Trask Ave, # Garden Grover, CA 92843, 2013.

(14) Cao Huy Đỉnh, Tìm hiểu tiến trình văn học dân gian Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1974. Dẫn lại từ: Trần Đình Sử, Tlđd, tr. 332.

(15) Dẫn lại từ: Kiều Thu Hoạch, Tlđd, tr.172-173.

Nguồn: Tạp chí khoa học Đại học Sài Gòn - Bình luận văn học, niên san 2015, tr.122-131

Thông tin truy cập

63672170
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
15888
17595
63672170

Thành viên trực tuyến

Đang có 371 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website