Giới thiệu một số công trình nghiên cứu của GS. Bửu Cầm về lịch sử, văn hoá Việt Nam

Giáo sư Bửu Cầm giảng dạy ở Đại học Văn khoa Sài Gòn từ năm 1958. Đến năm 1976, trường Đại học Văn khoa Sài Gòn đổi tên thành Đại học Tổng hợp Thành phố Hồ chí Minh, Giáo sư vẫn tiếp tục giảng dạy ở đây đến năm 1980, khi ông tự xin về hưu. Trước năm 1975, ngoài việc giảng dạy chuyên môn, bảo trợ nhiều tiểu luận Cao học và luận án Tiến sĩ, ông còn viết nhiều công trình nghiên cứu về lịch sử, văn học, mà nhất là về văn hoá, phần lớn công bố trên tạp chí Văn hoá nguyệt san, một tạp chí có uy tín lớn về học thuật bấy giờ. Tập san Sử Địa, Tập san Khảo cổ, Đồng Nai văn tập cũng là những tạp chí thường đăng tải bài viết của ông. Theo bước đầu tìm hiểu của chúng tôi, số bài ông viết và gửi đăng từ năm 1957 đến 1973, hầu hết là khảo cứu, khoảng 50 bài. Về sách, ông biên soạn hoặc tham gia biên soạn, dịch thuật, hiệu đính, khoảng 20 đầu sách, và hầu hết cũng là khảo cứu, xuất bản rải rác từ 1949 đến 1969.

Những công trình khảo cứu của GS. Bửu Cầm, dù lớn hay nhỏ, đều có phát hiện mới mẻ. Tài liệu ông sử dụng luôn có độ tin cậy cao, và thường được ông dẫn ra đầy đủ từng chi tiết một. Ông phân tích, đánh giá tài liệu, rồi cẩn thận đưa ra ý kiến nhận định cá nhân một cách thoả đáng. Chính vì vậy mà những vấn đề ông đưa ra bàn luôn có sức hấp dẫn và thuyết phục cao, tránh thiên kiến, mà cũng không bị lôi cuốn vào lập luận có sẵn nào.

GS. Bửu Cầm bắt đầu đi vào con đường nghiên cứu từ rất sớm. Quyển Tống Nho triết học khảo luận được Hội đồng Kiểm duyệt Trung Việt cấp giấy phép ngày 30-5-1951, nhưng bản thảo thì đã hoàn thành từ 1945, khi ông 25 tuổi, có lẽ là một trong những công trình đầu tay của ông. Trong lời Tựa quyển sách đề ngày 28 tháng tám năm Ất dậu (1945), nhà nghiên cứu Trần Trọng Kim có viết: “…ông BỬU CẦM đem cái học của Tống nho biên-soạn ra Quốc-âm, thật là một việc rất có lợi cho sự học của ta. Ông là người thanh-niên hiếu học, lại đang ở trong cái bầu không-khí sôi nổi về sự bài-xích cựu-học, mà ông khảng-khái, không câu-nệ mới cũ, chỉ dốc lòng tìm cái hay cái phải, làm một việc rất bổ-ích cho nền học-vấn tương-lai, thật là đáng khen, đáng mừng”[1]. Viết về một vấn đề khó, mà lại được một học giả có uy tín thuộc hàng đầu cùng lĩnh vực viết trong lời Tựa khen ngợi như thế đủ thấy giá trị học thuật của cuốn sách rất cao vậy.

GS. Bửu Cầm quan tâm nghiên cứu những vấn đề về triết học Trung Quốc, triết học Phương Tây, lịch sử và văn hoá của Việt Nam, của Trung Quốc.

Từ nhiều tháng nay, tôi có ý định viết bài để giới thiệu một số công trình nghiên cứu của GS. Bửu Cầm về lịch sử và văn hoá Việt Nam mà theo tôi là tiêu biểu. Đó là các sách: Quốc hiệu nước ta từ An Nam đến Đại Nam, Thư mục về Nguyễn Du (soạn chung với Lê Ngọc Trụ), Tìm hiểu Kinh Dịch, và một số bài viết đăng trên tạp chí. Tuy nhiên, do công việc bận rộn và thời gian quá gấp, nên tôi chỉ mạo muội giới thiệu với các đồng nghiệp và các bạn sinh viên thuộc các thế hệ học trò của GS. Bửu Cầm một quyển sách và một bài báo trong số những công trình nói trên của ông.

1. Sách QUỐC HIỆU NƯỚC TA TỪ AN NAM ĐẾN ĐẠI NAM được Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hoá thuộc Bộ Giáo dục ở Miền Nam xuất bản năm 1969, được liệt vào Tủ sách Sử học. Để viết sách này, tác giả đã kê cứu 83 tài liệu quan trọng, gồm sách, tạp chí, bài báo bằng tiếng Hán, tiếng Pháp, tiếng Anh và 1 bài báo tiếng Việt (theo liệt kê của chúng tôi) của các học giả trong và ngoài nước. Sách gồm 144 trang khổ thường, kể cả Tựa, Mục lục, và 21 trang Sách dẫn. Chính văn chia làm 5 chương, theo trình tự xuất hiện các danh xưng Quốc hiệu nước ta trong lịch sử, như sau:

I.- An Nam và Trấn Nam (tr.9).

II.- Tĩnh Hải (tr.35).

III.- Đại Cồ Việt (tr.65).

IV.- Đại Việt và Đại Ngu (tr.97).

V.- Việt Nam và Đại Nam (tr.109).

Mở đầu lời Tựa tự đề, tác giả viết:

“Vấn đề quốc hiệu nước ta đã được nhiều người bàn tới.

Bởi vậy, đối với một vấn đề quen thuộc như thế, nếu không tìm được điều gì mới lạ thì không nên viết.

Chúng tôi soạn thiên khảo cứu này cũng chỉ nhắm mục đích kiểm điểm lại một vài niên đại và sự kiện lịch sử còn ngờ từ khi nước ta có danh xưng An Nam cho đến Quốc hiệu Đại Nam” (tr.7).

Và cuối lời Tựa nói trên, ông viết: “Chúng tôi cũng biết rằng những giả thuyết hôm nay, ngày mai sẽ bị lỗi thời. Đó là sự tiến bộ của khoa học. Mong rằng các sử gia sẽ khám phá được nhiều điều mới mẻ để giải quyết thoả đáng những nghi vấn trong Việt sử” (tr.8).

Vào chương 1 - An Nam và Trấn Nam, tác giả truy tìm nguồn gốc của danh xưng An Nam qua 16 bộ sách viết bằng chữ Hán: Khâm định Việt sử thông giám cương mục 欽定越史通鑑綱目, Cựu Đường thư 舊唐書, Tân Đường thư 新唐書, Thái Bình hoàn vũ ký 太平寰宇記, Đại Việt sử ký toàn thư 大越史記全書, Đại Việt sử ký tiền biên 大越史記前編, Hoàng Việt Giáp tý niên biểu 皇越甲子年表, Đường hội yếu 唐會要, Hoằng giản lục 弘簡錄, Thanh nhất thống chí 清一統志, Lịch triều hiến chương loại chí 歷朝憲章類志, Đại Nam nhất thống chí 大南一統志, Tam Quốc chí 三國志, Bắc thuộc thời kỳ đích Việt Nam 北屬時期的越南, An Nam chí nguyên 安南志原, An Nam chí lược 安南志略, và 1 bài báo bằng tiếng Pháp của H. Maspéro nhan đề “Le Protectorat général d’Annam sous les T’ang” (BEFEO). Theo dẫn chứng của ông từ các sách Cựu Đường thư, Tân Đường thư, Thái Bình hoàn vũ ký, ta thấy nhà Đường đặt An Nam đô hộ phủ 安南都護府vào tháng 8 năm Kỷ mão (679), đời Đường Cao tông 唐高宗. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục của ta cũng chép như vậy. Nhưng hai chữ An Nam theo khảo cứu của tác giả là đã có từ đời Tam Quốc, cụ thể là năm 220 (Diên Khang 延康thứ 1) Lữ Đại 呂岱giữ chức Thứ sử Giao Châu do lập nhiều công trạng nên được Tôn Quyền thiên cho chức An Nam tướng quân, năm 248 (Xích Ô 赤烏thứ 11) Lục Dận 陸胤 (còn có tên Lục Duệ 陸裔) giữ chức Giao Châu Thứ sử, An Nam Hiệu uý, do có công lớn được Ngô chúa gia cho chức An Nam tướng quân. Sử Trung Hoa Tam Quốc chí (Ngô chí), An Nam chí nguyên, An Nam chí lược, Bắc thuộc thời kỳ đích Việt Nam đều chép như thế. Nhân đó, tác giả cải chính kết luận của Nguyễn Văn Tố khi dựa vào quốc sử của ta là Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Đại Việt sử ký tiền biên Đại Việt sử ký toàn thư để cho rằng hai chữ An Nam có từ năm 264. Bằng nhiều dẫn chứng phong phú từ các tài liệu, đồng thời phân tích, đánh giá tư liệu một cách thuyết phục, tác giả cho thấy nên tin theo sử Trung Hoa về các chi tiết này. Như vậy, gốc gác của danh xưng An Nam là chức quan, nghĩa của cụm từ này là “dẹp yên phía nam”, ban cho vị quan cai trị đất Giao Châu bấy giờ. Vì thế, đúng như tác giả nhận xét, “danh xưng An Nam không tốt đẹp gì đối với nước ta, vì nó đã ghi lại những sự kiện lịch sử nhục nhã trong thời dân tộc ta ở dưới ách đô hộ của Trung Quốc” (tr.18).

Tiếp đến danh xưng Trấn Nam 鎮南, bằng những cứ liệu lịch sử phong phú như trên, tác giả cho thấy danh xưng Trấn Nam có từ năm 226 (nhà Ngô, Hoàng Vũ 黃武thứ 5). Năm đó, Ngô chủ tấn phong cho Lữ Đại từ chức An Nam tướng quân thành Trấn Nam tướng quân[2].

Đến đời nhà Đường, Giao Châu đô đốc phủ được đổi thành An Nam đô hộ phủ năm 679 (như trên đã nói), rồi đổi làm Trấn Nam đô hộ phủ năm 757, rồi lại đổi Trấn Nam làm An Nam đô hộ phủ năm 768. Như vậy, An Nam và Trấn Nam vốn được dùng để phong cho các Thái thú, Thứ sử có công đánh dẹp ở Giao Châu, nhưng sau thì dùng đặt tên cho phủ đô hộ.

Ở chương 2 - Tĩnh Hải, tác giả dẫn chứng cho thấy năm 866 (Hàm Thông 咸通 thứ 7) nhà Đường đổi An Nam đô hộ phủ thành Tĩnh Hải quân[3] 靜海軍 (chức quan đứng đầu là Tiết độ sứ 節度使, lần lượt có Cao Biền 高駢, Cao Tầm 高潯, Tăng Cổn 曾袞. Năm 880, quân phủ đô hộ làm loạn, thổ hào Khúc Thừa Dụ 曲承裕chiếm giữ phủ thành và cũng xưng là Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ). Từ đó, danh xưng Tĩnh Hải tiếp tục tồn tại qua thời kỳ Ngô Quyền 吳權thắng quân Nam Hán, mở kỷ nguyên độc lập cho dân tộc, chức Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ vẫn được các vua Trung Quốc dùng để phong cho những vị nguyên thủ nước ta đến năm 1010 (Thuận Thiên 順天thứ nhất đời Lý Thái tổ) mới chấm dứt.

Ở chương này, tác giả có dẫn một chi tiết rất đáng chú ý trong chính sử của ta. Vốn là nhiều sách chép nhầm tên nhân vật lịch sử Dương Diên Nghệ 楊延藝thành Dương Đình Nghệ 楊廷藝, do chữ Diên 延 và chữ Đình 廷 có tự dạng giống nhau. Bởi vậy, khi viết Dương Diên Nghệ, tác giả có chú thích bằng trích dẫn câu chép trong Khâm định Việt sử, tiền biên, quyển 5, tờ 17a như sau: “延藝愛州人安南紀要作廷藝今從綱目改= Diên Nghệ, Ái châu nhân. An Nam kỷ yếu tác Đình Nghệ. Kim tùng Cương mục cải”, nghĩa là: Diên Nghệ, người châu Ái. Sách An Nam kỷ yếu chép là Đình Nghệ. Nay theo sách Cương mục mà sửa lại (chú thích 18, tr.51).

Sang chương 3 - Đại Cồ Việt, tác giả miêu tả vắn tắt diễn tiến lịch sử nước ta và cho thấy: trong thời gian từ Ngô Quyền đến mười hai Sứ quân (939-967), nước ta vẫn chưa có quốc hiệu. Đến năm 968, Đinh Bộ Lĩnh 丁部領lên ngôi Hoàng đế, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt 大瞿越. Quốc hiệu này vẫn tiếp tục giữ đến thời Lê Đại Hành 黎大行, qua hai đời vua Lý Thái tổ (1009-1028) và Lý Thái tông (1028-1054). Nhưng nhà Tống vẫn gọi nước ta là Giao Châu hoặc Tĩnh Hải.

Ở chương 4 - Đại Việt và Đại Ngu, người đọc có thể thấy nguyên lai các danh xưng này ở nước ta qua diễn tiến lịch sử bằng 3 đoạn trích sau:

- “Ngày mồng một tháng mười năm Sùng Hưng Đại Bảo 崇興大寶thứ 6 (Giáp ngọ, 1054), Lý Thái tông thăng hà. Thái tử Nhật Tôn 日尊lên ngôi, tức là Lý Thánh tông, cải nguyên là Long Thuỵ Thái Bình 龍瑞太平ngay trong năm ấy và đổi quốc hiệu là Đại Việt 大越” (tr.97).

 - “Từ năm 1054 đời Lý Thánh tông cho đến cuối đời Trần, người trong nước ta vẫn gọi tên nước là Đại Việt, nhưng các triều đại Trung Quốc (Tống, Nguyên) gọi nước ta là An Nam quốc và phong cho các vua ta làm An Nam quốc vương.

Năm 1400, cha con Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần, mới đổi quốc hiệu là Đại Ngu 大虞”.

Năm 1407 người Minh bắt được cha con Hồ Quý Ly đem sang Kim Lăng, lại đổi An Nam làm Giao Chỉ và đặt tam ty.

Năm 1418, Lê Lợi 黎利khởi nghĩa, (…) năm 1427, quân Minh hoàn toàn thất bại, phải xin hoà và rút về. Năm sau (1428) Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế ở Đông Đô, lại gọi tên nước là Đại Việt” (tr.101-105).

- “Nhà Minh đã bãi bỏ tam ty ở Giao Chỉ từ năm 1427, gọi nước ta là An Nam quốc, và phong cho nguyên thủ nước ta là An Nam quốc vương” (tr.106-107).

Ở chương 5 - Việt Nam và Đại Nam, tác giả dẫn cứ liệu từ các bộ chính sử của ta được biên soạn vào triều Nguyễn và sử nhà Thanh, cho thấy:

- Sau khi thống nhất sơn hà, lên ngôi Hoàng đế năm 1802, Gia Long đã phái 2 sứ bộ sang tận kinh đô nhà Thanh xin đổi tên nước. Quốc thư của Gia Long đại lược viết: “Đời trước chúng tôi mở cõi đất ở Viêm giao, mỗi ngày mỗi rộng, gồm cả các nước Việt Thường và Chân Lạp, đặt tên là Nam Việt, truyền nối đã hơn 200 năm, nay vừa quét sạch cõi Nam, lại có cả toàn Việt, nên dùng lại quốc hiệu cũ, để tên tốt được chính đáng…” (tr.110). Lúc đầu, vua nhà Thanh không chấp nhận, vì cho rằng tên “Việt” trong danh xưng Nam Việt cùng với Đông Việt và Tây Việt (tức Quảng Đông, Quảng Tây) trùng nhau. Vua Gia Long hai ba lần gửi thư, biện bạch khúc chiết, và nói thêm rằng: “Nếu không cho đổi tên nước thì không thụ phong”. Vua nhà Thanh sợ mất lòng vua ta, mới lấy hai chữ Việt Nam đặt tên nước, rồi sai Tề Bố Sâm 齊布森mang cáo sắc quốc ấn sang phong cho vua Gia Long.

- Theo đoạn trích quốc thư của vua Gia Long nói trên, và nội dung tờ dụ (bản dịch) của vua nhà Thanh sắc phong cho Gia Long làm Việt Nam Quốc vương, ta thấy vua Gia Long xin công nhận quốc hiệu mới nước ta là Nam Việt, nhưng vua nhà Thanh lại thuận cho dùng hai chữ Việt Nam. Lý do có ghi rõ trong tờ dụ, rằng “danh hiệu Nam Việt trùng với tên đất ngoài biên, như vậy chưa được thoả hiệp. Nhưng trẫm nghĩ rằng đã tới cửa dãi tấm lòng thành, nên mới cho dùng hai chữ Việt Nam. Đặt chữ Việt lên trên, tỏ ý vẫn theo cương thổ đời trước; đặt chữ Nam ở dưới, để biểu dương phiên quốc mới được sắc phong” (tr.111).

- Năm 1838, vua Minh Mệnh ban chiếu đổi tên nước là Đại Nam, nhưng đến năm sau (1839) tên nước Đại Nam mới chính thức dùng trong các công văn. Chi tiết này được ghi trong sách Đỉnh tập quốc sử di biên 鼎輯國史遺編của Tiến sĩ Phan Thúc Trực 潘叔直, một quan chức dưới triều Tự Đức, từng giữ chức Thị giảng ở Viện Tập hiền[4]. Đây là phát hiện mới mẻ của tác giả đến thời điểm này, bổ khuyết điều mơ hồ, chung chung rằng quốc hiệu Đại Nam bắt đầu có từ triều Minh Mệnh, như các sử gia Nguyễn Văn Tố[5], M. Durand[6] đã từng nói đến.

Trên đây những gì tâm đắc nhất mà tôi ghi nhận được khi đọc tập sách Quốc hiệu nước ta từ An Nam đến Đại Nam của GS. Bửu Cầm. Đây là tập chuyên khảo, dung lượng của chính văn chỉ chiếm ¼ số trang viết, còn lại là chú thích, chủ yếu là trích dẫn chữ Hán kèm theo phiên âm, dịch nghĩa từ các tài liệu kê cứu. Tập sách đã được xuất bản 40 năm qua, nhưng nay là lần đầu tiên tôi đọc đến, đọc từ đầu đến hết, kể cả toàn bộ chú thích. Tôi cảm thấy bị hấp dẫn bởi thông tin tư liệu, văn phong và tác phong khảo cứu khoa học của tác giả, tiếp thụ nhiều điều bổ ích từ đó.

2. Bài viết “Học chế ở Việt Nam qua các triều đại” đăng trên tạp chí Văn hoá nguyệt san năm 1958, liên tiếp trên ba số 33, 34, 35, nhằm giới thiệu những nét cơ bản về học chế ở nước ta từ triều nhà Lý đến nay (tức thời điểm 1958), với tổng số trang viết là 16 trang. Bài viết không ghi chương mục, gồm các phần với các tiểu đề mục tuần tự như sau: Phát đoan, Đời Lý, Đời Trần, Đời Lê, Đời Nguyễn, Từ 1945 đến nay. Tác giả lần lượt giới thiệu những nét chính về việc học hành thi cử ở nước ta qua các triều đại, cho thấy học chế ở nước ta không ngừng được cải tiến.

Ở phần Kết luận, tác giả viết: “Chế độ khoa cử ở nước ta phôi thai từ đời Lý, qua đời Trần, đến đời Lê và Nguyễn là là thời kỳ toàn thịnh. Việc học hành trong dân chúng hoàn toàn tự do, đạo thầy trò hết sức thân mật. Theo trạng huống ấy, đáng lẽ kết quả giáo dục phải tốt đẹp lắm, nhưng cớ sao số người biết chữ thì nhiều mà trình độ học vấn lại thấp kém?”. Tác giả nêu các nguyên nhân sau:

Một là, “Phương pháp giáo dục rất cẩu thả và thô sơ. - Khi mới vỡ lòng, trẻ con chỉ được lặp đi lặp lại như vẹt những câu sáo trong mấy quyển Tam tự kinh, Sơ học vấn tân, Ấu học ngũ ngôn thi, Minh tâm bảo giám. Người ta không cần chúng hiểu nghĩa lý sâu xa của những sách ấy, mà chỉ cần nhớ thuộc lòng một số câu; cái học ấy sau chỉ còn lại trong tiềm thức chứ không đi sâu vào ý thức. Xong mấy quyển sách sơ học đó, thầy đem ngay Bắc sử và Ngũ kinh Tứ thư đại toàn, do Trình Chu chú giải, ra dạy. Thầy nhắm mắt nhai lại những cặn bã của Trình Chu, trò cũng cắm đầu cắm cổ học cho thuộc lòng để đến khi hành văn nhớ lại mà chắp vá” (tr.1105).

Hai là, “Giai cấp thống trị dùng chế độ khoa cử để lung lạc sĩ phu. - Bắt chước chế độ của nhà Minh và nhà Thanh ở Trung Hoa, cốt xô đẩy sĩ tử vào đường cử nghiệp hư văn để lợi cho chính trị, nhà Lê trở về sau định khoa cử là con đường xuất thân duy nhất. Chỉ có sách Chu Trình thể chú là khoá bản chính thức, sĩ tử không được lập luận trái với hai vị Tống nho ấy, nếu trong khoa trường có ai bàn khác đi thì gán cho cái tiếng bá đạo tà thuyết mà đánh hỏng ngay. Thể lệ khoa cử lại còn có những quy luật rất khắt khe, sĩ tử chỉ vì vô ý một chút cũng có thể bị đánh hỏng hoặc mang tội” (tr.1105-1106).

Vẫn trong nhận xét của tác giả, chế độ giáo dục thời phong kiến đẻ ra một hạng người chuộng từ chương, ưa hư văn, “nô lệ tư tưởng cổ nhân, xem nhẹ nội dung mà thiên trọng hình thức”. Đó là một “lối học chỉ có phỏng hiệu chứ không có sáng kiến”. Nhận xét về nền giáo dục Pháp-Việt, theo ông, “Chế độ giáo dục của thực dân, trước hết, nhắm mục đích đào tạo một hạng người làm tay sai đắc lực của họ. (…) Chương trình Tiểu học và Trung học của thực dân áp dụng ở Việt Nam rất là phiền phức, đã hạn chế sức tiến triển mạnh mẽ của một dân tộc hiếu học và thông minh. Từ lớp Năm[7] bậc tiểu học đến khi tốt nghiệp bậc Trung học, học sinh phải vượt qua không biết bao nhiêu đợt thi cử. Sự hiểu biết có bề rộng chứ không có bề sâu. Phương pháp giáo dục chuộng lý thuyết hơn thực hành” (tr.1106).

Cuối cùng, tác giả viết:

“Tóm lại, chế độ giáo dục của phong kiến cốt đào tạo những con vẹt, chỉ biết bắt chước - bắt chước cổ nhân, bắt chước thượng cấp - chứ không dám sáng kiến; chế độ giáo dục của thực dân cốt đào tạo những người “trí thức nô lệ” học để hợp tác với các quan thầy ngoại quốc trong công cuộc thống trị đồng bào. Hai thứ giáo dục nhồi sọ ấy đã hạ thấp phẩm cách con người và ảnh hưởng của nó còn di hại đến ngày nay.

Từ năm 1945, nền giáo dục nước ta tuy có sửa đổi, nhưng đó chẳng qua là một sự tiến bộ về hình thức chứ chưa phải là một cuộc cách mệnh về nội dung” (tr.1106).

Tác giả cho hay, theo một nhà nghiên cứu Trung Quốc là Khâu Xuân, trong quyển Học chế (Thương Vụ ấn thư quán, Thượng Hải, 1934, tr.68-80), một nền giáo dục chân chính phải dựa trên những nguyên tắc cơ bản sau: 1) Phải thích ứng với nhu yếu đặc thù của một xã hội, 2) Phải chú trọng cá tính cùng dạng thức sinh hoạt của những người thụ giáo, 3) Phải điều hoà biến dị tính và thống nhất tính, 4) Phải bình đẳng, 5) Phải căn cứ trên nguyên tắc khoa học, 6) Phải hợp với dân tộc tính. Nguyên tắc cuối cùng[8] là cần dung hoà văn hoá và thực dụng. Nên lấy cấp Trung học làm trọng yếu, vì đại đa số dân chúng có thể học đến cấp này, và nên áp dụng một nền học chế nhắm mục đích làm cho học sinh tốt nghiệp Trung học vừa có cái vốn văn hoá vừa có một nghề thực dụng trong tay.

Bài viết đã được viết đăng cách đây trên 50 năm, nhưng những nhận xét, kết kuận của tác giả về các nền giáo dục đã được áp dụng ở nước ta trong lịch sử cho thấy tác giả có cái nhìn rất sắc bén, xác đáng của một nhà giáo dục có tâm huyết, đáng để cho chúng ta tiếp tục suy ngẫm về một nền giáo dục hiện đại. Tính thời sự của bài viết do đó vẫn còn nóng bỏng, chưa hề lỗi thời vậy.

*

*      *

Mảng bài viết của GS. Bửu Cầm nhằm cung cấp tư liệu về tác giả, tác phẩm Hán Nôm có số lượng lớn, theo tôi là có nhiều đóng góp quý báu. Nhân đây chúng tôi xin giới thiệu tên các bài chúng tôi sưu tầm được thuộc mảng bài viết này:

1/“Nam cầm khúc, một áng văn chương miền Trung”, Văn hoá nguyệt san, 1957, số 20, tr.20-30.

(Giới thiệu bài thơ trường thiên Nam cầm khúc viết bằng chữ Hán trong bộ Vĩ Dạ hợp tập của Tuy Lý Vương, được con trai của Tuy Lý Vương là Di Hiên Hồng Sâm diễn nôm thành Nam cầm khúc phiên dịch quốc âm ca).

2/ “Bài Kê minh thập sách của bà Nguyễn Thị Bích Châu dâng cho chồng là Trần Duệ Tông (1373- 1376)”, Văn hoá nguyệt san, 1958, số 32, tr.659- 662.

(Giới thiệu bài Kê minh thập sách, gồm chữ Hán, phiên âm, dịch nghĩa).

3/ “Một vị thiền sư đã dung hoà được Nghệ thuật và Đạo lý: Thích Viên Thành”, Văn hoá nguyệt san, 1959, số 38, tr.57- 60.

(Giới thiệu cảnh đẹp chùa Mật Sơn, tiểu truyện về nhà sư Viên Thành, một bài thơ chữ Hán và hai bài thơ chữ Nôm của sư Viên Thành).

4/ “Bài Phóng cuồng ca của Trần Quốc Tảng”, Văn hoá nguyệt san, 1959, số 39, tr.208-213.

(Nguyên văn chữ Hán, phiên âm, chú thích, kèm bản dịch nghĩa của N.Đ.C).

5/ “Bài hát Yêu ngủ (Ái miên ca) của Na sơn ẩn sĩ”, Văn hoá nguyệt san, 1959, số 40, tr.422- 426.

(Nguyên văn chữ Hán, phiên âm, chú thích, kèm bản dịch của Trúc Khê).

6/ “Một tài liệu văn học quý giá, sách Tự học giải nghĩa ca của vua Tự Đức”, Văn hoá nguyệt san, 1959, số 43, tr.920- 926.

7/ “Khương Công Phụ”, Văn hoá nguyệt san, 1960, số 54, tr.1117- 1123.

(Tiểu sử của Khương Công Phụ, bài phú Bạch vân chiếu xuân hải (Mây trắng rọi bể xuân) gồm nguyên văn chữ Hán, phiên âm, dịch nghĩa).

8/ “Một bức thư chữ Nôm của Trịnh Cương gửi Nguyễn Quán Nho (Thế kỷ XVII)”, Văn hoá nguyệt san, 1961, số 59,  tr.175-178.

(Thân thế Nguyễn Quán Nho, nguyên văn và phiên âm bức thư chữ Nôm của Trịnh Cương gửi Nguyễn Quán Nho).

9/ “Một truyện ngắn viết bằng chữ Nôm dưới thời Tự Đức”, Văn hoá nguyệt san, 1961, số 61, tr.527- 531.

(Phiên đúng nguyên văn một đoản thiên tiểu thuyết viết bằng chữ Nôm trích trong Thanh Hoá quan phong của Vương Duy Trinh, tả cuộc chiến tranh giữa quân Thục Hán và quân Mạnh Hoạch, viết năm 1863).

10/ “Nữ phạm diễn nghĩa từ, một tác phẩm có giá trị bằng chữ Nôm chưa xuất bản của Tuy Lý Vương”, Văn hoá nguyệt san, 1961, số 63, tr.859/1- 866/8.

(Giới thiệu về tác phẩm Nữ phạm diễn nghĩa từ của Tuy Lý Vương, kèm theo phiên âm hai bài thơ Nôm của Tùng Thiện Vương và Tương An Quận Vương phê bình về sách ấy, theo lệnh vua Tự Đức)

11/ “Thanh Hoá quan phong, một quyển kinh Thi Việt Nam”, Văn hoá nguyệt san, 1962, số 68, tr.1- 8.

          (Giới thiệu sách Thanh Hoá quan phong, là tuyển tập những câu ca dao ở tỉnh Thanh Hoá của Vương Duy Trinh).

12/ “Nam ông mộng lục, một tác phẩm của Hồ Nguyên Trừng, con Hồ Quý Ly”, Văn hoá nguyệt san, 1962, số 70, tr.409- 419.

(Tiểu truyện Hồ Nguyên Trừng, giới thiệu tác phẩm Nam ông mộng lục viết bằng chữ Hán gồm 31 truyện, tóm tắt nội dung 31 truyện ấy).

13/ “Hai bức thư chữ Nôm mở màn cuộc phân tranh Trịnh - Nguyễn”, Văn hoá nguyệt san, 1963, số 85,  tập XII, quyển 9, tr.1387- 1393.

(Giới thiệu hoàn cảnh ra đời, phiên âm, chú giải 2 bức thư chữ Nôm: một của Trịnh Tráng gửi cho Nguyễn Phúc Nguyên, và một của Nguyễn Phúc Nguyên gửi cho Trịnh Tráng).

14/ “Hải môn ca”, Văn hoá nguyệt san, 1964, số 96, tập XIII- quyển 9, tr.1149- 1155.

(Giới thiệu bài thơ Nôm Hải môn ca, phiên âm, chú giải).

15/ “Tác giả bài thơ Bán than không phải là Trần Khánh Dư”, Văn hoá nguyệt san, 1968, số 1, tập XVII- số 1, tr.102- 106.

Toàn bộ chú thích trong các bài viết này đều rất công phu, cẩn thận mà chính xác; các đơn vị trích dẫn luôn có chữ Hán kèm theo phiên âm, dịch nghĩa. Chẳng hạn, đơn cử trường hợp cùng viết về Khương Công Phụ sau đây cho thấy tính chính xác về thông tin tư liệu trong bài viết của ông hơn hẳn so với một số công trình có uy tín hiện nay. Xin so sánh:

GS. Bửu Cầm, trong bài “Khương Công Phụ”[9], viết: “[…] Biết Chu Thử (chúng tôi nhấn mạnh từ ngữ cần đối chiếu-NNQ) 朱泚[10] rắp tâm làm phản, Công Phụ tâu xin trị tội Thử, nhưng Đức tông không nghe theo. […] Nhưng sau cũng vì lời trực gián mà Công Phụ bị giáng chức Tả thứ tử 左庶子rồi bị biếm ra làm chức Biệt giá 別駕ở Tuyền Châu 泉州” (tr.1118-1119)[11]. Nguyễn Q. Thắng, trong Từ điển tác gia Việt Nam, viết: “[…] Ông thường khuyên Đức tông nên giết viên Tiết độ sứ Châu Tỉ để trừ hậu loạn. Đức tông không nghe. Kịp khi Châu Tỉ dấy binh đánh phá. […] Ông bị giáng làm Tả thứ sử, rồi lại đổi ra làm Việt giá ở Truyền Châu (phụ tá Thứ sử ở Truyền Châu)”[12].

Nguyễn Kim Hưng, trong Từ điển Văn học, bộ mới, viết: “[…] Theo truyền thuyết, ông từng khuyên Đường Đức Tông giết viên Tiết độ sứ ở Tỷ Châu để trừ hậu hoạn nhưng không được nghe lời”[13].

Trước hết, trong bài viết của mình, GS. Bửu Cầm trực chú chữ Hán bên cạnh các danh từ riêng Chu Thử (tên người), Tuyền Châu (tên đất), tên chức quan Tả thứ tử, Biệt giá; ông còn chú thích đầy đủ về nhân vật Chu Thử và cho biết nguồn tài liệu này là Từ hảiTừ nguyên, tiểu sử Khương Công Phụ là dựa vào An Nam chí nguyên, Trung Quốc danh nhân đại từ điển. Chúng tôi xem lại trong Từ hải thì thấy có chức quan Biệt giá (Từ hải, Tý tập, ngũ hoạch, 別駕), nguyên chú số 10 là dịch đúng nguyên văn (Từ hải, Thìn tập, nhị hoạch, 朱泚), và trong Trung Quốc danh nhân đại từ điển, mục nói về Khương Công Phụ có nội dung thống nhất những điều đã ghi trên, nhưng không thấy nói chức Tả thứ tử. Do chúng tôi không có sách An Nam chí nguyên nên chưa kiểm chứng được chức quan Tả thứ tử[14], tuy nhiên trong Từ điển chức quan Việt Nam của Đỗ Văn Ninh (Nxb. Thanh niên, in lần II có bổ sung sửa chữa, Hà Nội, 2006, tr.681) có ghi chức quan này mà không có chức Tả thứ sử. Đáng lưu ý là tên người Chu Thử nói trên bị Từ điển Văn học (Sđd) xem là địa danh Tỷ Châu! (viên Tiết độ sứ ở Tỷ Châu). Những thông tin về tên người, tên đất, tên chức quan chúng tôi đánh dấu ở trên rõ ràng là được chú (hoặc trực chú chữ Hán) cẩn thận và đáng tin cậy trong bài viết của GS. Bửu Cầm.

Hầu hết những gì GS. Bửu Cầm viết và công bố đều cách nay đã khá lâu, khoảng 40, 50 năm trước. Nay có dịp đọc lại tôi vẫn học tập rất nhiều điều bổ ích ở đó. Với tư cách là một sinh viên từng được thụ giáo ít nhiều ở Giáo sư về chữ Nôm, xin góp đôi lời thô thiển nhân kỷ niệm Giáo sư tròn 90 tuổi. Nếu có gì không được thoả đáng, kính mong Giáo sư và bạn đọc vui lòng bỏ qua.

Tháng 5/2009

Nguyễn Ngọc Quận


[1] Trần Trọng Kim, lời Tựa, trong Bửu Cầm (1954), Tống Nho triết học khảo luận, Nhân Văn thư xã xuất bản, Huế, tr.9-10. Lời trích ở đây chúng tôi giữ nguyên lối chính tả trong ấn loát thời bấy giờ. Tuy nhiên, toàn bộ những trích dẫn còn lại trong bài viết này chúng tôi đều điều chỉnh lại cho phù hợp với lối chính tả phổ biến hiện nay, chủ yếu là chữ viết hoa tên riêng và dấu gạch nối của từ đa âm (NNQ).

[2] Trấn Nam có nghĩa là “trấn giữ phía nam”.

[3] Quân: khu hoạch hành chính, cũng như châu, quận (Xem chữ 軍 trong Từ nguyênTừ hải, tập dậu, bộ xa 車, 2 nét) (nguyên chú của Bửu Cầm, tr.36).

[4] Theo trích dẫn của GS. Bửu Cầm, sách Đỉnh tập quốc sử di biên của Phan Thúc Trực có đoạn chép: “Năm Mậu tuất [Minh Mệnh] thứ 19 (1838), tháng 3, ngày mồng 2, đổi tên nước là Đại Nam. Lời chiếu đại lược nói rằng: Đức Triệu tổ dựng nên cơ nghiệp ở cõi Nam, đức Thế tổ lấy được cả đất Việt Thường, nhân dân thêm đông, lãnh thổ thêm rộng; nay đổi tên nước là Đại Nam, kể từ năm [Minh Mệnh] thứ 20, hoặc gọi là nước Đại Việt Nam cũng được” (tr.119), và kèm theo nguyên văn ở chú thích 27, tr.120, như sau: 戊戌十九年[…]三月二日初改國號大南詔略曰肇祖肇基南服暨世祖奄有越裳戴髮含齒共入版圖海澨山陬皆歸率土其改國號曰大南以二十年為始或稱大越南國亦宜 (Đỉnh tập quốc sử di biên, bản vi ảnh của PQVĐHV,số A.1045, tập trung, tờ 166-167).

[5] Xem Nguyễn Văn Tố, “Sử ta so với sử Tàu” trong tuần báo Thanh nghị, năm thứ 4, số 79, ngày 19-8-1944, tr.20 (lược chú của tác giả, tr.118).

[6] Pierre Huard et Maurice Durand, Connaissance du Việt-nam, Paris, Imprimerie national, 1954, p.37: “Le royaume s’appelle Việt-nam de 1802 à 1820, Đại Nam à patir de 1820.” (nguyên chú của tác giả, tr.119).

[7] Lớp Năm: tương đương lớp Một hiện nay.

[8] Nguyên tắc cuối cùng: không rõ là theo tác giả hay vẫn theo Khâu Xuân, vì không đánh số.

[9] Xin xem Bửu Cầm, “Khương Công Phụ”, Văn hoá nguyệt san, 1960, số 54, tr.1117-1123.

[10] Nguyên chú của GS. Bửu Cầm: “Chu Thử nguyên là Bộ tướng của Bô Long Tiết độ sứ Chu Hy Thái 盧龍節度使朱希彩. Sau khi Hy Thái bị bộ hạ giết, Thử liền thay thế chủ tướng mà nắm giữ binh quyền. Dưới triều Đức tông, Chu Thử vào chầu, được ban chức Thái uý. Kinh Nguyên Tiết độ sứ Diêu Lệnh Ngôn 涇原節度使姚令言dấy loạn tại kinh sư, Đức tông chạy đến Phụng Thiên; Lệnh Ngôn ủng hộ Chu Thử xưng đế, đặt quốc hiệu là Đại Tần 大秦, rồi đổi là Hán 漢. Chu Thử đem quân đến vây Đức tông tại Phụng Thiên. Sau đó, Lý Thạnh 李晟thu phục kinh sư và giải vây cho Phụng Thiên; Chu Thử chạy đến Bành Nguyên 彭原 (ở phía tây nam huyện Khánh Dương 慶陽tỉnh Cam Túc 甘肅ngày nay) thì bị bộ hạ giết (Xem Từ hải 辭海và Từ nguyên 辭源)” (tr.1118).

[11] Nguyên chú của GS. Bửu Cầm: “Tiểu sử Khương Công Phụ viết theo các sách: An Nam chí nguyên 安南志原, bản đính san của PQVĐHV, Hà Nội, Imp. D’Extrême-Orient, 1932, quyển II, tr.137-138; Trung Quốc danh nhân đại từ điển 中國名人大辭典, Thượng Hải, Thương Vụ ấn thư quán, 1921, tr.644 (tr.1119).

[12] Xin xem Nguyễn Q. Thắng, Từ điển tác gia Việt Nam, Nxb. Văn hoá - TT, Hà Nội, 1999, tr.421.

[13] Xin xem Đỗ Đức Hiểu, Nguyễn Huệ Chi, Phùng Văn Tửu, Trần Hữu Tá chủ biên, Từ điển Văn học, bộ mới,  Nxb. Thế giới, 2004, tr.738.

[14] Chức quan Tả thứ tử: Nay (2018) chúng tôi có dịp đối chiếu nguyên bản chữ Hán của An Nam chí nguyên, thấy có nói vua Đường giáng Phụ làm chức Thái tử Tả thứ tử 太子左庶子.

Thông tin truy cập

63667565
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
11283
17595
63667565

Thành viên trực tuyến

Đang có 691 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website