Áng hùng văn của Vua Lê Thái Tổ trên đất Lai Châu

Bài văn bia của vua Lê Thái Tổ khắc trên vách đá Pú Huổi Chõ ở Điện Biên – Lai Châu là một di tích lịch sử có nội dung phong phú và có giá trị về mặt lịch sử, địa lí, văn học. Từ bài văn bia này, chúng ta hiểu thêm công lao của Lê Lợi và có thêm thông tin chính xác khẳng định ý chí quyết tâm giữ vững biên cương, giữ vững độc lập dân tộc, thống nhất đất nước của người anh hùng đất Lam Sơn. Đây là một Di sản Văn hóa của dân tộc, góp phần làm phong phú kho tàng văn học Việt Nam ở thế kỷ XV.

Bài văn bia của Lê Lợi (vua Lê Thái Tổ) được khắc vào vách đá Pú Huồi Chõ thuộc địa phận bản Chang, phường Lê Lợi, thị xã Lai Châu (nay là xã Lê Lợi, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu). Bia cách thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên chừng 7km về phía Tây Bắc, theo đường từ Mường Lay đi Mường Tè, ngược lên phía trên 2km là thác Lai của sông Đà. Bia cao so với mặt nước sông là 50m, thành đá khắc văn bia dựng đứng. Đường đi đến di tích có thể đi thuyền hay cano theo đường thuỷ, cũng có thể đi theo đường bộ bằng ô tô, xe máy đều được.

Bài văn bia Lê Lợi làm tháng Chạp năm Tân Hợi (tháng 1/1432) ở Điện Biên – Lai Châu được viết theo thể loại ma nhai khắc trên vách đá Pú Huổi Chõ, văn bia được viết bằng chữ Hán gồm 132 chữ, viết theo chữ khải chân và tạc trong khuôn khổ hình chữ nhật có kích thước 1,2m x 0,8m.

20211125 2

Bài văn bia của Lê Lợi khắc trên vách đá Pú Huổi Chỏ, xã Lay Tở (nay là xã Lê Lợi), huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu

 

Dưới đây là phiên âm và bản dịch của bài thơ do nhà thơ Trần Lê Văn dịch. PGS, TS Nguyễn Tá Nhí (Viện Hán - Nôm) sưu tầm bổ sung:  

Phiên âm:

Di địch chi vi biên hoạn tự cổ hữu chi, Hán chi Hung Nô, Đường chi Đột Quyết, ngã Tây Việt chi mường  Lễ chư man thị dã. Khoảnh do Trần, Hồ suy chính, phiên thần bạt hỗ, Cát Hãn nữu ư cựu tập, phụ cố phất tuẫn, dư kim suất vãng chinh thủy lục tịnh tiến, nhất cử tựu binh, nhân tả nhất luật, khắc chi vu thạch, dĩ giới hậu thế man tù chi ngạnh hóa giả, vân:

                                                             Cuồng tặc cảm bô chu,

                                                             Biên manh cửu hễ tô.

                                                             Bạn thần tòng cổ hữu,

                                                             Hiểm địa tự kim vô.

                                                             Thảo mộc kinh phong hạc,

                                                             Sơn xuyên nhập bản đồ,

                                                             Đề thi khắc nham thạch,

                                                            Trấn ngã Việt Tây ngu.

                                            Tân Hợi quý đông cát nhật

Ngọc Hoa Động Chủ đề.

Dịch nghĩa:

Dân di địch là mối họa ở vùng biên giới, từ cổ đã có, như Hung Nô đời Hán, Đột Quyết đời Đường và các tộc người man ở miền Tây nước Việt ta. Ít lâu do chính sự cuối đời Trần, Hồ suy yếu, bọn phiên thần hung hăng táo tợn, Cát Hãn khư khư giữ tật cũ, ngoan cố không sửa đổi. Nay ta đem quân tiến đánh, hai quân thủy bộ cùng tiến. Đánh một trận là dẹp yên ngay. Nhân làm một bài thơ luật, khắc vào đá núi để răn các tù trưởng đời sau ngang ngạnh phải tuân theo đức hóa.

Thơ rằng:

                                                         Giặc điên cuồng tránh sao khỏi sự trừng phạt,

                                                         Dân biên thùy từ lâu mong đợi được cứu sống.

                                                         Bề tôi làm phản từ xưa vẫn có

                                                         Đất hiểm trở từ nay chẳng còn

                                                         Gió thổi, hạc kêu, cũng làm cho giặc sợ hãi

                                                         Sông núi đất này vào chung một bản đồ.

                                                         Đề thơ khắc vào đá núi

                                                         Trấn giữ miền Tây nước Việt ta.

 Ngày lành tháng cuối đông năm Tân Hợi (1/1432)

Ngọc Hoa Động Chủ đề

Dịch thơ:

                                                        Bọn giặc dữ tránh sao trừng phạt

                                                        Dân biên thùy khao khát chờ ta

                                                        Lạ chi thói kẻ gian tà

                                                        Từ nay đất hiểm hóa ra yên lành

                                                        Tiếng gió, hạc đủ kinh hồn giặc

                                                         Núi sông ta vào một bản đồ

                                                         Khắc trên đá núi bài thơ

                                                         Miền Tây nước Việt muôn thu vững vàng.

Ngày lành, tháng 1 năm 1432

Ngọc Hoa Động Chủ đề

Về xuất sứ của bài văn bia trên, sử cũ của nước ta đã ghi rõ: Từ thời Hùng Vương, vùng Tây Bắc sông Đà còn in đậm dấu ấn của Nhà nước Văn Lang. Thời Lý - Trần thuộc lộ Đà Giang, miền đất Điện Biên – Lai Châu gọi là châu Ninh Viễn. Theo sách “Hưng Hoá lục” của Hoàng Trọng Chính, họ Đèo ở châu Ninh Viễn, đời này qua đời khác làm phụ đạo miền đất biên cương này.

Khi quân Minh sang xâm lược nước ta (1407), đèo Cát Hãn theo nhà Minh, được nhà Minh cho giữ đặc quyền cai quản vùng đất rộng lớn và quan trọng này. Đèo Cát Hãn trở thành một tên tay sai đắc lực, đàn áp các cuộc khởi nghĩa chống quân Minh của các dân tộc thiểu số vùng sông Thao và Sông Đà.

Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo lớn mạnh, phát triển thành cuộc chiến tranh nhân dân và đang ở thế tấn công bao vây quân Minh. Sau khi tiêu diệt viện binh chủ lực của giặc Minh và bao vây thành Đông Quan, tháng 11 năm 1427, Bình Định Vương Lê Lợi phái Chủ thư thị sử là Trần Hổ đi tuyên dụ vỗ về châu Ninh Viễn, chiêu dụ Đèo Cát Hãn. Thổ tù Ninh Viễn Đèo Cát Hãn đem quân và voi đến quy thuận nhà Lê. Với lượng hải hà, Bình Định Vương tha và vẫn cho Đèo Cát Hãn tiếp tục cai quản vùng đất này.

Sau 10 năm chiến đấu gian khổ (1418 - 1428) Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn đã giành được thắng lợi hoàn toàn. Lê Lợi lên ngôi Hoàng Đế, lấy niên hiệu Thuận Thiên, đặt tên nước là Đại Việt, bắt tay vào xây dựng một triều đại phong kiến hưng thịnh.

Lê Lợi rất chú trọng việc lập pháp và chủ trương việc phòng thủ quốc gia một cách tích cực. Chủ trương quốc phòng và ý chí bảo vệ biên cương được khẳng định qua lời thơ của Lê Lợi:

                                                      “Biên phòng cần có phương lược tốt

                                                        Đất nước nên lo kế dài lâu…”

Nhà nước Lê sơ đã xác định miền Tây Bắc thực sự là vùng biên ải quan trọng của lãnh thổ Đại Việt. Tù trưởng Đèo Cát Hãn trở mặt, không lại triều cống, mặc dù Lê Lợi đã nhiều lần đem lời tín nghĩa, giảng dụ ân cần, hứa sẽ phong cho tước cao, được hưởng lộc hậu. Nhưng y quên ân bội nghĩa, bất chấp với chính sách mềm dẻo của triều đình, làm phản liên kết với Kha Đốn (Kha Lại), một bề tôi phản nghịch của Ai Lao quấy nhiễu nhân dân nơi biên ải đánh chiếm vùng đất Mường Muỗi (nay là Thuận Châu – Sơn La) và mưu toan cát cứ một vùng Tây Bắc nước ta. Do hành động phản nghịch của Đèo Cát Hãn, nhằm bảo vệ vùng biên giới của đất nước, năm 1431 vua Lê Thái Tổ đã phái Quốc Vương Từ Tề và Quan Tư Khấu Lê Sát đem quân tiến đánh. Sau đó vua Lê Thái Tổ thân chinh đem quân lên châu Phục Lễ (châu Ninh Viễn).

Đại quân của triều đình tiến theo đường sông Hồng rồi ngược sông Đà. Thời đó sông Đà có nhiều thác ghềnh hiểm trở, nhân dân vùng này còn truyền lại câu ca dao:

                                                        “Đường lên Mường Lễ bao xa

                                                         Trăm bảy mươi thác, trăm ba mươi ghềnh

                                                         Ấy ai nào chẳng hững hờ

                                                        Chống thuyền ngược nước sông Đà mà lên.”

Qua câu ca dao trên có thể hình dung được sự truân chuyên, vất vả của đoàn quân tiến lên ngược sông Đà bằng đường thuỷ và đường bộ, đâu phải chỉ có sự hiểm trở của thác ghềnh mà còn trăm thứ bất trắc, sự hoang rậm của rừng núi, lại còn vấn đề quân nhu, quân lương trong một cuộc chiến lâu dài trên vùng đất rộng lớn. Những ngày sau đó đại quân Lê Lợi đã vượt qua tất cả và đánh tan quân phản nghịch Đèo Cát Hãn.

Tháng Giêng năm Nhâm Tý (1432), bình được Mường Lễ (châu Phục Lễ), vua Lê Thái Tổ kéo quân về bèn ban tờ chiếu rằng: “…Mường Lễ vốn là một xứ lẻ của nước ta thời xa xưa. Chỉ vì thời vua trước đây, triều đình suy bại, chính quyền tồi tàn, nhà vua mất kỷ cương, biên thuỳ bỏ sơ khoán, bởi thế xứ ấy mới dám cậy hiểm, cậy xa, không tuân mệnh, không nộp thuế, lại cướp biên thuỳ, tàn hại dân ta…”. Tù trưởng Đèo Cát Hãn vẫn quen thói cũ nổi loạn, liên kết với tù trưởng Mường Bô là Đinh Quế cùng phản nghịch Hối Khanh kéo quân thẳng vào xứ Gia Hưng và Đà Giang nhũng nhiễu nhân dân và triều đình.

Để tiêu diệt hết mầm mống hoạ loạn, Lê Lợi sai Tư đồ Lê Sát dẫn quân theo đường Đà Giang tiến đánh trước, Quốc Vương Tư Tề thống binh đường Bắc Quan tiến chậm phía sau, lại sai Hành quân Tổng quan Hoá Châu Lê Khôi hiệp binh tiếp ứng. Lê Lợi đích thân đốc 6 đội quân đi đường Gia Hưng kế tiến, bắt giết bọn Hối Khanh, Đinh Quế. Sau đó cả 2 cánh quân thuỷ, bộ tiến thẳng tới châu Ninh Viễn, nghịch thần Kha Lại chạy bị giết chết, Đèo Cát Hãn và con là Đèo Mạnh Vượng chạy trốn, sau đó cha con xin hàng, nhà vua tha tội cho Cát Hãn và phong làm Tư mã.

Sau khi dẹp yên phản loạn năm 1431, để răn các tù trưởng cai quản nơi biên giới của Tổ quốc, tháng Chạp năm Tân Hợi (tức tháng 1/1432) Lê Lợi đã cho khắc lên vách đá Pú Huổi Chõ bài văn bia ghi nhớ sự kiện này.

Khi xây công trình thuỷ điện Sơn La, để ngăn dòng, quả núi nơi khắc bài thơ sẽ nằm trong lòng hồ và bị ngập sâu trong nước. Nhà nước đã cho di dời tấm bia lên vị trí cao gần nơi nó đã tồn tại gần 600 năm.

Với mong muốn đem đến cho nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế biết đến một áng thiên cổ hùng văn của vị Hoàng đế lỗi lạc. Công ty cổ phần Pusamcap và gia đình ông Lê Thanh Hùng - Chủ tịch HĐQT Công ty, đã tiến hành khai thác phiến đá từ chính phần thân của bia Lê Lợi để lập nên phiên bản bài thơ từ nguyên gốc. Với tài hoa của các nghệ nhân, sự giúp đỡ của các Giáo sư, chuyên gia của viện Hán – Nôm, Ba phiên bản bia đã được hoàn thành.

Phiên bản bia Lê Lợi do tỉnh Lai Châu trao tặng Thanh Hóa, ngày 16/9/2011

(nguồn: http://www.nhandan.com.vn/)

Phiên bản đầu tiên đã gửi tặng nhân dân Thủ đô đúng vào dịp đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Những phiên bản còn lại, được gửi tặng cho tỉnh Lai Châu và đặc biệt là dâng tặng Khu di tích lịch sử Lam Kinh-Thanh Hoá nơi khởi phát cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Nơi thờ đức Thái Tổ Lê Lợi và các Hoàng đế nhà Lê.

Bài văn bia của vua Lê Thái Tổ khắc trên vách đá Pú Huổi Chõ ở Điện Biên – Lai Châu tháng Chạp năm Tân Hợi (1/1432) là một di tích lịch sử có nội dung phong phú và có giá trị về mặt lịch sử, địa lí, văn học. Từ bài văn bia này, chúng ta hiểu thêm công lao của Lê Lợi và có thêm thông tin chính xác khẳng định ý chí quyết tâm giữ vững biên cương, giữ vững độc lập dân tộc, thống nhất đất nước của người anh hùng đất Lam Sơn. Đây là một Di sản Văn hóa của dân tộc, góp phần làm phong phú kho tàng văn học Việt Nam ở thế kỷ XV. Di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia năm 1981, được gìn giữ và phát huy gia trị./.

Thanh Hiền

Nguồn: Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa.

------

Tài liệu tham khảo:

- Viện Khoa học Xã hội Việt Nam. Đại Việt sử kí toàn thư. NXB KHXH. Hà Nội 1998

- Quốc sử quan triều Nguyễn. Khâm định Việt sử Thông Giám cương mục. NXB GD 1998.

- Phạm Ngô Minh – Lê Duy Anh. Nhân vật họ Lê trong lịch sử Việt Nam. NXB Đà Nẵng. 2001.

Thông tin truy cập

63688421
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
8713
23426
63688421

Thành viên trực tuyến

Đang có 934 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website