Tiếp thu và sáng tạo: luận về phú chữ Hán Việt Nam trong mối tương quan với phú Trung Quốc

TS. PHAN THU VÂN

(Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm TP.Hồ Chí Minh)

 

Với lịch sử một ngàn năm phát triển,  phú chữ Hán Việt Nam đã đem lại cho văn học Việt Nam rất nhiều tác giả, tác phẩm, đạt được thành tựu to lớn cả về nội dung lẫn nghệ thuật. Trong quá trình hình thành và phát triển của mình, từ hình thức đến nội dung , phú chữ Hán Việt Nam đều chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của thể loại phú trong văn học cổ Trung Quốc nói riêng, cũng như ảnh hưởng từ nền văn hóa Hán nói chung.

Là một bộ phận văn học ra đời sau, phú chữ Hán Việt Nam đã hình thành và phát triển dựa trên sự tiếp thu và học tập phú Trung Quốc. Về mặt hình thức, phú chữ Hán Việt Nam đã tiếp thu từ phú Trung Quốc các thể loại phú cơ bản. Về mặt đề tài, phú chữ Hán Việt Nam tiếp thu những đề tài truyền thống như vịnh vật, ký sự, trữ tình,... Về măt thủ pháp nghệ thuật, phú chữ Hán Việt Nam đã học hỏi những đặc điểm cơ bản của phú Trung Quốc như miêu tả, hư cấu, khoa trương v.v… Về mặt nội dung tư tưởng, phú chữ Hán Việt Nam thể hiện sự hiểu biết sâu sắc và vận dụng linh hoạt của các tác giả về các tri thức lịch sử văn hóa Trung Quốc, đồng thời đặc biệt tiếp thu những đặc điểm truyền thống như ca ngợi và phúng gián.

Tuy vậy, giá trị của phú chữ Hán Việt Nam không thể hiện ở việc đã vay mượn bao nhiêu, mà thể hiện ở sự sáng tạo dựa trên những yếu tố vay mượn ấy. Song song với quá trình vay mượn, phú Việt Nam đã sáng tạo ra những cách biểu đạt mang tính dân tộc, biểu hiện được tâm tư tình cảm, tư duy cũng như chí hướng của kẻ sĩ trong từng thời đại. Phú Việt Nam thể hiện sự sáng tạo và  tính dân tộc rõ nhất ở phần nội dung. Trong đó, vẻ đẹp của đất nước Việt Nam, sự muôn màu muôn vẻ của phong tục tập quán Việt Nam, tư tưởng truyền thống cùng những tư duy đặc sắc của con người Việt Nam, tinh thần ái quốc và tự cường bất khuất của dân tộc Việt Nam là những điểm đáng chú ý.

Bài viết này bước đầu phân tích sự tiếp thu và sáng tạo của phú chữ Hán Việt Nam trên cơ sở phú Trung Quốc, đặc biệt chú trọng vào những sáng tạo riêng của phú chữ Hán Việt Nam.

 

1) Thể loại

 

Từ Sư Tằng thời Minh trong Văn Thể Minh Biện đã phân phú ra làm bốn loại: cổ phú, bài phú, luật phú, văn phú. Cổ phú bao gồm 3 tiểu loại : tản thể đại phú, tao thể phú và tiểu phú, nhưng thông thường nhắc đến cổ phú là nhắc đến tản thể đại phú, chỉ Hán phú, còn gọi là từ phú, dung lượng lớn, thường rất dài, hình thức chủ yếu là vấn đáp, tản văn xen lẫn với vận văn. Tác gia tiêu biểu của cổ phú là Tư Mã Tương Như và Ban Cố. Bài phú, tức Lục triều phú, thực chất là văn biền thể có vần. Luật phú là thể phú được hình thành và phát triển nhằm phục vụ cho chế độ khoa cử đời Đường – Tống, yêu cầu về đối ngẫu, bằng trắc, gieo vần còn ngặt nghèo hơn cả bài phú, được đa phần các nhà nghiên cứu coi như một thể loại văn học không có sức sống. Chịu sự ảnh hưởng của cuộc cách mạng cổ văn, thời Trung Đường bắt đầu xuất hiện văn phú, lấy tản văn thay thế biền văn, câu thức dài ngắn khác nhau, gieo vần tương đối tùy hứng, lại không quá coi trọng cách dùng từ hoa mỹ. Đỗ Mục có thể coi như người đầu tiên viết văn phú, với tác phẩm A Phòng Cung phú. Âu Dương Tu với Thu thanh phú  đã hoàn thiện và xác lập phong cách nghệ thuật của thể loại này. Tiền Xích Bích phú của Tô Thức là tác phẩm văn phú có sức ảnh hưởng sâu rộng nhất.

Nếu xét riêng từng thể loại phú một, thì hình thức cổ phú (hay còn gọi là từ phú) hầu như không được sử dụng nhiều trong phú chữ Hán Việt Nam. Nếu dùng quy mô (lượng từ ngữ, sự phức tạp và độ dài của một bài phú) để làm tiêu chuẩn, thì trong các tác phẩm phú chữ Hán còn lại đến nay của chúng ta không một bài nào có thể gọi là cổ phú. Đa phần phú Việt Nam nhỏ gọn, đơn giản, rất gần với hình thức ‘tiểu phú’ – một tiểu loại ra đời vào thời Hán. Bài phú chữ Hán dài nhất của Việt Nam hiện còn lưu giữ được là Lam Sơn Lương Thủy phú của Lê Thánh Tông (hai ngàn sáu trăm chữ). Tuy nhiên, bài phú này kết cấu rõ ràng, chú trọng đối ngẫu và gieo vần, lại không theo mô thức ‘khách - chủ’, rất khác với hình thức thể hiện của cổ phú.

Điều đáng chú ý ở đây là, dù không sử dụng rập khuôn thể loại cổ phú của Trung Quốc, nhưng trong phú chữ Hán của Việt Nam, vẫn có thể dễ dàng nhận thấy dấu vết rất rõ của sự tiếp thu có chọn lọc từ thể loại này.

Một bài Hán phú điển hình luôn sử dụng mô thức ‘khách – chủ’, dùng lời đối thoại giữa chủ và khách để triển khai nội dung tác phẩm. Thất phát của Mai Thặng đời Tây Hán dựng ra tình huống Sở thái tử mắc bệnh, Ngô khách vào thăm, dùng hình thức vấn đáp để viết nên một bài phú mang ý khuyên răn. Tử Hư Thượng lâm của Tư Mã Tương Như đời Tây Hán cũng dùng hình thức vấn đáp giữa nhiều nhân vật để trình bày nội dung tư tưởng, trong đó, Tử Hư là cuộc diễn thuyết tay ba giữa Tử Hư – bề tôi nước Sở - với Tề vương và Ô Hữu tiên sinh, còn Thượng lâm được viết tiếp như phần hai và cũng là cao trào của cuộc trò chuyện, khi Vong Thị công phê phán quan điểm của các nhân vật khác và đưa ra lời tổng kết. Mô thức này được sử dụng rộng rãi trong nhiều tác phẩm phú chữ Hán của Việt Nam, như Ngọc tỉnh liên phú của Mạc Đĩnh Chi, Bạch Đằng Giang phú của Trương Hán Siêu, Bàn Khê điếu huỳnh phú của Trần Công Cẩn, Chí Linh Sơn phú » của Trần Thuấn Du, Khổng tử trạch phú của Lương Như Hộc v.v.... Trong một vài tác phẩm thời kỳ đầu, các đoạn đối thoại như giữa ‘khách’ và ‘đạo sĩ’ (Ngọc tỉnh liên phú), ‘khách’ và ‘phụ lão bên sông’ (Bạch Đằng Giang phú), hay ‘khách’ và ‘ông già’ (Bàn Khê điếu huỳnh phú), v.v... mang đầy hương vị Hán phú, một bên tha hồ cao đàm khoát luận, bên kia chỉ xuất hiện với mục đích khơi gợi, lắng nghe để rồi đồng tình hay cảm thán. Trong những tác phẩm khác như Chí Linh Sơn phú của Trần Thuấn Du, Lam Sơn Lương Thủy phú của Lê Thánh Tông, Trảm xà kiếm phú của Sử Hy Nhan..., ‘khách’ lại là một nhân vật đột ngột xuất hiện, xen vào lời của ‘chủ’ để chuyển mạch tư tưởng và đi đến hồi kết. Cách biểu đạt này rất gần với phong cách chủ khách vấn đáp của văn phú đời Tống, với Tiền Xích Bích phú của Tô Đông Pha là đại biểu. Bên cạnh đó, cũng có những tác phẩm thể hiện những cuộc nói chuyện tương đối đồng đều giữa chủ và khách, tiêu biểu như Sơn Hải Kinh phú (Ngô Thì Trí) và Mộng Thiên Thai phú (Ngô Thì Nhậm).

Kết thúc của Hán phú thường theo một công thức riêng, với một vài câu thơ cuối bài, hoặc học cách ‘loạn viết’, ‘từ viết’ trong « Sở từ ». Đến thời Lục triều, các bài tiểu phú hầu như đều được kết thúc bằng ‘ca viết’ và ‘hựu ca viết’. Các tác giả phú Việt Nam đặc biệt yêu thích hình thức này. Điển hình như Lý Tử Tấn, không bài phú nào của ông thiếu phần ‘ca viết’, cá biệt có Thọ vực phú sử dụng đến bốn lần ‘ca viết’, chia làm bốn đoạn khá dài, khiến cho kết cấu tác phẩm có phần không tương xứng.

Tao thể phú chủ yếu mô phỏng Sở từ, với đặc điểm cuối mỗi câu ngắn lại gắn thêm chữ ‘hề’. Tiểu loại này cũng ghi dấu ấn rõ nét trong phú chữ Hán Việt Nam. Bài phú tao thể sớm nhất còn lưu giữ được đến nay là Thang Bàn phú  (Khuyết danh). Về sau, tao thể phú vẫn nhận được sự ưu ái của các tác giả lớn như Lý Tử Tấn hay Ngô Thì Nhậm. Tuy các tác phẩm thuần tao thể không nhiều, nhưng cấu trúc câu chữ ‘hề’ của tao thể lại xuất hiện trong hầu hết tất cả các tác phẩm phú chữ Hán của Việt Nam. Dường như trong tư duy của các tác giả, phú thiếu những câu chữ ‘hề’ đan xen thì không phải là phú, hoặc ít nhiều mất đi hương vị của phú. Thế nên, dù viết theo lối cổ, hay bài, hay luật, hay văn, thì kết cấu câu chữ ‘hề’ vẫn xuất hiện một cách hết sức tự nhiên trong phú chữ Hán của các tác giả Việt Nam.

Các tác phẩm bài thể (biền thể) cũng không nhiều, có thể điểm tên một vài bài tiêu biểu, như Lư Khê nhàn điếu phú của Mạc Thiên Tích, Kỳ Giang Kiều phú của Bùi Dương Lịch, Khê Kiều thu vịnh phú của Ngô Thì Hoàng... Trong các tác phẩm này cũng không thiếu sự điểm xuyết của cấu trúc câu chữ ‘hề’ nhằm điều chỉnh tiết tấu tác phẩm, giảm bớt tính đơn điệu và khô khan của bài phú.

Luật phú phát triển từ biền phú Lục triều, tiếp thu sự chặt chẽ về âm luật cũng như sự tinh tế và khắt khe trong đối ngẫu, đồng thời để phục vụ cho chế độ khoa cử, còn bị hạn chế thêm về kết cấu, vần và đề tài. Đây là thể phú ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến phú chữ Hán của Việt Nam. Quần hiền phú tập đã thu thập không ít các bài phú ứng thí, trong đó hai bài Cần Chính lâu phú của Nguyễn Pháp và Xuân đài phú của Nguyễn Trực được đặc biệt khen ngợi về việc ‘đắc phú thể’. Cả hai bài này đều có thể coi là mẫu mực về luật phú.

Thể văn phú tiếp thu hình thức ‘chủ khách vấn đáp’ và cách gieo vần của cổ phú, cùng kết cấu câu biền ngẫu của tiểu phú Lục triều, bỏ đi phong cách nghị luận, thuyết lý và thuật sự vốn có, thêm vào chút thi hứng và thi vị. Chúng ta thấy được phong cách này phảng phất trong Bàn Khê điếu huỳnh phú của Trần Công Cẩn, Bạch Đằng Giang phú của Trương Hán Siêu, Chí Linh Sơn phú của Trần Thuấn Du. Nhưng để thật sự đạt đến trình độ ‘tiêu dao’ như Tô Đông Pha đời Tống, phú chữ Hán Việt Nam phải đợi đến các văn nhân họ Ngô Thì, như Ngô Thì Hoàng với Nông thoại phú, Ngô Thì Nhậm với Lâm trì phú, Mộng Thiên Thai phú ....

Thể loại và đề tài của phú chữ Hán của Việt Nam là những yếu tố cơ bản đầu tiên được vay mượn trực tiếp từ phú Trung Quốc. Trên cơ sở này, phú Việt Nam mới ra đời và bắt đầu phát triển. Có một thực tế rõ ràng là khi thể loại phú ở Việt Nam còn đang trong giai đoạn manh nha, chưa phát triển thì tại Trung Quốc, tất cả các hình thức cơ bản của thể loại này, như cổ phú, bài phú, luật phú, văn phú đều đã hình thành và đạt được những thành tựu lớn. Vì vậy,  sự vay mượn của phú chữ Hán của Việt Nam đối với phú Trung Quốc không phải dựa trên một giai đoạn, hay một thể loại nhất định, mà là dựa trên một chỉnh thể, một quá trình phát triển tương đối trọn vẹn. Trong lịch sử phát triển của phú Việt Nam không có sự biến đổi quá rõ rệt về mặt thể loại theo từng thời kỳ như ở Trung Quốc. Trong cùng một triều đại, có thể cùng lúc xuất hiện những tác phẩm lớn ở cả bài thể lẫn luật thể ; cùng một tác giả có thể sử dụng nhuần nhuyễn cả tao thể phú và văn phú. Các tác giả Việt Nam, nếu được sáng tác đúng như ý họ, thường không mấy bận tâm đến việc mình đang viết theo thể phú nào. Họ dường như chỉ có một ý niệm rằng mình đang viết phú, và sử dụng tất cả những chất liệu phú quen thuộc mà họ biết. Chính vì vậy, phú chữ Hán Việt Nam đã hình thành một thể loại mà chúng tôi tạm gọi ở đây là ‘thể phú tổng hợp’. Cho dù được viết dưới hình thức nào, các tác phẩm cũng là sự tổng hợp của : kết cấu chặt chẽ từ ba đến bốn đoạn của luật thể ; nghệ thuật đối ngẫu, gieo vần và thói quen dùng điển tích điển cố của biền thể ; cấu trúc câu chữ ‘hề’ của tao thể ; hình thức ‘chủ khách vấn đáp’ của cổ thể hoặc văn thể ; trong từng phần chuyển đoạn có sử dụng các liên từ ‘ư thị’, ‘nhĩ nãi’ v.v... của cổ thể. Một trong những tác phẩm mang tính ‘tổng hợp’ và phá cách nhất là Chí Linh Sơn phú của Nguyễn Trãi. Kết cấu chung của tác phẩm là kết cấu bốn đoạn quen thuộc của luật phú, nửa trước dùng hình thức biền văn để triển khai:

义兵初起贼势方张一国英豪秋树殒霜。

志吞吴兮,孰种孰蠡;图兴汉兮,孰平孰良。

Nghĩa binh sơ khởi, tặc thế phương trương; nhất quốc hào kiệt, thu thụ vẫn sương.

Chí thôn Ngô hề, thục Chủng thục Lãi; đồ hưng Hán hề, thục Bình thục Lương

Tạm dịch:

Nghĩa quân ta mới dấy, thế giặc nọ đương hăng; Kìa anh hào cả nước, như lá thu gặp sương.

Chí nuốt giặc Ngô; ai Chủng, ai Lãi; Mưu dựng nghiệp Hán, ai Bình, ai Lương

đến phần giữa bắt đầu có sự xen kẽ của tản văn và càng lúc càng giống một bài nghị luận:

当此之辰,岂不似勾践吴王於姑苏台者乎。

虽然汉高之规模宏远,政似乎吾皇今日之盛。

勾践特取其复仇之志而已,曷能以拟议其万一也哉。

至若神武不杀,大德好生;念国家长久之计,放十万乞降之兵。

修两国之和好,息万世之战争。全国为上,惟图辑宁。是则我皇之盛德,又岂高祖同年俱语,将与三皇五帝而并衡者也。

Đương thử chi thần, khởi bất tự Câu Tiễn khốn Ngô vương ư Cô Tô đài giả hồ.

Tuy nhiên Hán Cao chi quy mô hoành viễn, chính tự hồ Ngô hoàng kim nhật chi thịnh.

Câu Tiễn đặc thủ kỳ phục thù chi chí nhi dĩ, hạt năng dĩ nghĩ nghị kỳ vạn nhất dã tai.

Chí nhược thần vũ bất sát, đại đức hiếu sinh; niệm quốc gia trường cửu chi kế, phóng thập vạn khất hàng chi binh. Tu lưỡng quốc chi hòa hảo, tức vạn thế chi chiến tranh. Toàn quốc vi thượng, duy đồ tập ninh. Thị tắc ngã hoàng chi thịnh đức, hựu khởi Cao Tổ đồng niên câu ngữ, tương dữ tam hoàng ngũ đế nhi tịnh hành giả dã.

Tạm dịch:

Đương lúc này, há chẳng giống Câu Tiễn vây Ngô Vương ở Cô Tô đài đó sao?

Nhưng thịnh đức của vua ta ngày nay, chỉ quy mô rộnh lớn của Hán Cao Tổ mới sánh kịp.

Câu Tiễn chỉ có chí phục thù là đáng kể, còn thì chẳng thể nào so được với vua ta.

Đến như: uy thần chẳng giết, đức lớn hiếu sinh; nghĩ kế nước nhà trường cửu, tha cho mười vạn hàng binh. Gây lại hoà hiếu giữa hai nước, dập tắt chiến tranh cho muôn đời. Lấy quốc gia làm trọng, mưu tính giữ an ninh. Như thế thì thịnh đức của vua ta Cao tổ nhà Hán sao sánh kịp! Vua ta phải sánh ngang hàng với ngũ đế tam vương lừng danh thuở trước

Kết thúc tác phẩm lại là một đoạn ‘ca viết’ bằng tao thể:

乃拜手稽首而献歌曰:天启圣兮,地兴王。乾坤草昧兮,运际非常。

睹灵山之峨峨兮,念昔辰之艰苦。

抚王气之攸基兮,何日能忘。

愿纪盛德以勒坚珉兮,永垂不朽。亘千古与万古兮,同天地而长久。

Nãi bái thủ kê thủ nhi hiến ca viết: thiên khải thánh hề, địa hưng vương;

Càn khôn thảo muội hề, vận tế phi thường.

Đổ Linh Sơn chi nga nga hề, niệm tích thần chi gian khổ.

Phủ vương khí chi du cơ hề, hà nhật năng vong;

Nguyện kỉ thịnh đức dĩ lặc kiên mân hề, vĩnh thùy bất hủ.

Hằng thiên cổ dữ vạn cổ hề, đồng thiên địa nhi trường cửu.

Tạm dịch:

Bèn cúi đầu chắp tay, dâng lời ca rằng:

Trời sinh vua thánh chừ, đất dấy nghiệp vương;

Càn khôn mờ mịt chừ, vận hội phi thường.

Nhìn Linh Sơn cao vút chừ, nhớ những ngày gian khổ.

Phủ dụ nghiệp vương bền vững chừ, không một ngày xao lãng.

Xin ghi thịnh đức vào đá chừ, lưu truyền bất hủ.

Ngàn vạn đời sau chừ, vẫn cùng trời đất dài lâu.

 

2) Đề tài

 

Đặc điểm của phú đã được Văn tâm điêu long nhận định: “Phổ thái cảo văn, thể vật tả chí”[1], tức miêu tả diễn giải chi tiết về sự vật hiện tượng. Trong tất cả các đề tài của phú, vịnh vật là đề tài nổi bật và được ưu ái nhất. Phú Việt Nam cũng theo quy luật này, với hơn một nửa số lượng phú chữ Hán vịnh vật. “Vật” được “vịnh” có thể là trăng, là sao, là núi non sông biển, là lâu đài điện các, là thảo mộc cầm thú, cũng có thể là những vật nhỏ bé đời thường như bút nghiên sách vở...

Tương đồng với hình thức ngắn gọn của phú chữ Hán Việt Nam, những vật được “vịnh” trong phú Việt thường không quá to tát, hình thái biểu hiện cũng không quá phong phú hay thần kỳ. Điều này hoàn toàn phù hợp với thực trạng xã hội của đất nước ta trong thời phong kiến. Quốc thổ không rộng lớn, trải qua nhiều cuộc chiến tranh liên miên, cho dù trong thời kỳ hưng thịnh nhất của một triều đại thì tài nguyên vật chất của chúng ta cũng không cách nào so sánh được với triều Hán, triều Đường. Chúng ta không có phú vịnh về kinh đô, về cung điện lầu son gác tía, về những cảnh săn bắn tráng lệ như Hán phú. Tuy vậy, về mặt tinh thần, khí phách và trí tưởng tượng của văn nhân Việt hoàn toàn không bị hạn chế bởi thực tế khách quan. Trong những tư liệu phú còn lại đến nay cho thấy, phú chữ Hán vịnh vật cụ thể thì ít, nhưng vịnh những vật “phi vật chất” và trừu tượng lại rất nhiều, như vịnh về những trận đánh lịch sử hào hùng của dân tộc, vịnh một điển cố điển tích, vịnh một quan niệm tư tưởng, vịnh một cảnh trong sinh hoạt đời thường.

Nguyễn Thiên Túng có Kê minh phú, viết về cảnh sáng sớm trước lúc thiết triều cực kỳ sinh động. Lý Tử Tấn có Quảng cư phú, Thọ vực phú, Xuân đài phú,… đều vẽ nên hy vọng một tương lai tươi sáng hơn cho đất nước, nơi nhân dân được “quảng cư”, được sống trong “thọ vực”, tiếng ca hát ngợi khen đấng minh quân vang vọng khắp nơi. Nguyễn Mộng Tuân lại có Đại bảo phú, Học hải phú, Từ nguyên phú, Bút trận phú, Chỉ điền phú… viết về lợi ích và niềm vui bất tận của việc học hành thi cử, đem tài học của mình ra giúp dân giúp nước. Tác phẩm của ông không những thể hiện một ngòi bút tài hoa, mà còn cho thấy một trí tưởng tượng đáng kinh ngạc, vô cùng vô tận, làm say đắm lòng người. Các tác giả Việt Nam thích vịnh những sự vật hiện tượng trừu tượng, đồng thời cũng thích trừu tượng hóa những vật cụ thể. Như trong Chỉ điền phú (《纸田赋》), Nguyễn Mộng Tuân tạo cho “chỉ điền” (ruộng giấy) ba tầng ý nghĩa: ý nghĩa đầu tiên là giấy trong thực tế, một trong “văn phòng tứ bảo” , công cụ không thể thiếu của văn nhân; ý nghĩa thứ hai là nội dung sáng tác, tức chất lượng của những áng văn thơ; ý nghĩa thứ ba rộng và cao hơn, bao hàm phong khí của văn đàn và phong cốt của văn học nói chung. Ba tầng ý nghĩa này toát lên một yêu cầu rõ ràng và nghiêm túc của tác giả đối với sáng tác văn chương: phải có chất liệu tốt mới có áng văn hay, nội dung sáng tác phong phú và sâu sắc thì tự nhiên văn đàn cũng sẽ có phong khí, từ đó người tài mới có đất để vẫy vùng. “Ruộng giấy” có được mùa hay không, hoàn toàn do tay con người chăm sóc vun xới vậy.

Bên cạnh vịnh vật, ký sự cũng là đề tài quen thuộc của phú Trung Quốc và có ảnh hưởng lớn đến sáng tác phú chữ Hán Việt Nam. Ký sự bao gồm kỷ hành và du lãm. Đề tài này vừa có thể phát huy đặc điểm miêu tả và diễn giải của phú, lại vừa giúp ghi lại những cảm xúc, suy nghĩ tươi mới trong cuộc hành trình một cách tương đối tự do và linh hoạt, rất được các văn nhân yêu chuộng. Căn cứ vào những tư liệu hiện có của phú chữ Hán Việt Nam, những bài phú viết về đề tài này tuy đã rải rác xuất hiện trong nhiều thời kỳ khác nhau, nhưng phải đến thế kỷ XVI mới bắt đầu phát triển mạnh. Chúng tôi cho rằng hiện tượng này có hai nguyên nhân:

Thứ nhất, trước thế kỷ XVI, không gian sinh hoạt và sáng tác của văn nhân Việt Nam còn tương đối hạn hẹp. Diện tích đất nước khi ấy còn tương đối nhỏ, lại phải đối mặt với chiến tranh liên miên, nên lực lượng sáng tác thường tập trung vào những đề tài miêu tả, ngôn chí, với nội dung tu thân tề gia trị quốc bình thiên hạ, chứ chưa chú trọng đến kỷ hành và du lãm. Kỳ thực, những tác phẩm như Thiên Hưng Trấn phú đời Trần, Lam Sơn phú, Chí Linh Sơn phú, Xương Giang phú v.v.. đời Lê đã thể hiện phần nào tính ký sự, nhưng do tính chất miêu tả một sự kiện lịch sử, ý nghĩa giáo dục lịch sử vẫn chiếm thế thượng phong, nên các tác phẩm này vẫn chưa được xếp vào dạng “kỷ hành”. Duy có Lam Sơn Lương Thủy phú tương đối nhấn vào việc tác giả đã đích thân “đi qua” và ghi lại cảm xúc của cuộc hành trình, song do tính chất diễn giải quá tỉ mỉ chi tiết, nên tác phẩm vẫn thuộc đề tài “vịnh vật”.

Thứ hai, từ thế kỷ XVI trở đi, thế lực phong kiến triều Nguyễn cát cứ phía Nam bắt đầu tiến hành chính sách khai hoang, mở rộng bờ cõi. Công việc này khiến bộ mặt miền Nam có sự thay đổi đáng kể, kèm theo đó là sự phát triển kinh tế từ Thuận Hóa trở vào. Bờ cõi được mở rộng, giao thông thuận tiện, khiến cơ hội đi lại mở mang kiến thức của văn nhân học sĩ cũng nhiều hơn. Bên cạnh đó, quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Quốc lúc bấy giờ được xác lập và dần ổn định, cũng khiến tầng lớp sĩ đại phu có nhiều cơ hội “Bắc hành”. Không ít bài phú chữ Hán của ta được tác giả viết trên đường đi sứ phương Bắc.

Đặc điểm lớn nhất của phú chữ Hán viết về đề tài này là phần kỷ hành trong cách tác phẩm bao giờ cũng trội hơn phần du lãm. Chúng ta có thể thấy điều này rất rõ trong các tác phẩm tiêu biểu như Kỳ Giang Kiều phú (Bùi Dương Lịch), Ngũ Hiểm Than phú, Nhạc Dương Lầu phú (Đoàn Nguyễn Tuấn), Tuyết nguyệt nghi phú (Ngô Thì Nhậm), Đăng Ích Vân Sơn phú (Ngô Thì Trí) v.v...

Một đề tài lớn khác trong phú Trung Quốc là trữ tình. Phú trữ tình Trung Quốc chủ yếu được khai thác ở hai phương diện: một là, trực tiếp bộc lộ tình cảm tư tưởng của tầng lớp sĩ đại phu và văn nhân theo hai xu hướng bi oán do hoài tài bất ngộ, hoặc ung dung trong an bần lạc đạo; hai là, đề cập đến thân phận những người phụ nữ mất tự do và bị đọa đày trong chế độ phong kiến, nói thay cho tiếng lòng của họ. Có thể thấy phú chữ Hán Việt Nam chỉ tiếp thu mảng đề tài thứ nhất, đặc biệt là phần phản ánh tâm tư của những người đã ngao ngán sự đời, quay về với cuộc sống điền viên, thể hiện tư tưởng minh triết bảo thân và an bần lạc đạo.

Trong giai đoạn đầu phát triển của phú chữ Hán Việt Nam, gần như không xuất hiện phú trữ tình. Phú từ khi được du nhập cùng chế độ khoa cử vào Việt Nam dường như đã mặc định cho mình tính chính thống và quy phạm, với xu hướng phản ánh những nội dung lớn lao mang tầm đất nước và dân tộc, chứ chưa chú ý đến tâm tư tình cảm cá nhân. Theo thời gian, phú trữ tình càng lúc càng phát triển. Điều này phản ánh sự diễn biến tư tưởng xã hội của Việt Nam trong thời phong kiến, đồng thời cũng phản ánh sự chuyển biến trong quan niệm sáng tác của mỗi nhà văn. Cho đến nay, bài phú trữ tình sớm nhất còn lưu giữ được là Côn Sơn ca của Nguyễn Trãi. Đây cũng được coi là một trong những tác phẩm tiêu biểu của tiểu phú trữ tình.

Như vậy, về mặt đề tài, tuy cả ba đề tài lớn trong phú Trung Quốc là vịnh vật, ký sự và trữ tình đều được phú chữ Hán của Việt Nam tiếp thu, song mỗi đề tài đều có sự vận dụng một cách phù hợp với truyền thống văn học và văn hóa của người Việt. Phú chữ Hán của Việt Nam có vịnh vật, nhưng không hề xuất hiện bài nào miêu tả về nữ sắc, yến hội, hay săn bắn ; có kỷ hành, nhưng không mạnh về du lãm ; có tả tình, nhưng không có bài nào viết về tâm tình nhi nữ. Điều này một mặt thể hiện phong cách chính thống của phú chữ Hán tại Việt Nam, mặt khác cũng chứng minh phú chữ Hán là một công cụ đắc lực để chuyển tải tư tưởng nho giáo trong thời phong kiến.

 

3)      Thủ pháp nghệ thuật

 

Cùng với đặc điểm miêu tả diễn giải chi tiết về sự vật hiện tượng, phú có ba thủ pháp nghệ thuật chính để hỗ trợ : nghệ thuật miêu tả, nghệ thuật hư cấu, nghệ thuật khoa trương.

Miêu tả là thủ pháp biểu hiện cơ bản được dùng nhiều nhất trong sáng tác văn học. Thủ pháp miêu tả được dùng trong phú Trung Quốc có phần khác biệt hơn những thể loại khác, được tổng kết trong « Hán phú : duy mỹ văn học chi triều » (Hán phú : trào lưu văn học duy mỹ) của Lưu Tư Hàn dưới bốn dạng: tính tu từ, tính tự thuật, tính liệt kê và tính chủ quan. Những thủ pháp nghệ thuật được hình thành từ đời Hán này đã có ảnh hưởng sâu rộng và liên tục đối với thể loại phú về sau, bao gồm cả phú chữ Hán Việt Nam.

Thủ pháp miêu tả mang tính tu từ là sự vận dụng các biện pháp tu từ như tán dương, hình dung, liên tưởng... khi tác giả tái hiện sự vật hiện tượng khách quan, khiến đối tượng được miêu tả trở thành một phần ý thức thẩm mỹ của tác giả, trở nên biểu cảm và hoàn mỹ. Trong phú Việt Nam, nhờ thủ pháp nghệ thuật này, nhiều sự vật hiện tượng đã trở nên sống động, rực rỡ hơn nhiều lần so với chính nó trong thực tế, hoặc trong nguyên mẫu: đó là hoa sen giếng ngọc dưới ngòi bút Mạc Đỉnh Chi, đó là con bọ ngựa dưới ngòi bút Nguyễn Phi Khanh, đó là sông núi quê hương dưới ngòi bút của Lê Thánh Tông...

Thủ pháp miêu tả mang tính tự thuật là nghệ thuật phát triển liên tục những sự vật hiện tượng tầng tầng lớp lớp xoay quanh chủ thể như một cách so sánh để nhấn mạnh tính chất chủ thể. Ta thường bắt gặp thủ pháp này trong những bài phú miêu tả một trận đánh lịch sử (Bạch Đằng Giang phú, Xương Giang phú, Chí Linh Sơn phú  v.v...), hay một cảm xúc vi diệu của tác giả ( Côn Sơn ca, Lư Khê nhàn điếu phú v.v...)

Thủ pháp miêu tả mang tính liệt kê là một cống hiến lớn của phú. Hán phú là nơi đầu tiên xuất hiện cách miêu tả liệt kê về đông tây nam bắc, trên dưới trong ngoài, trước sau trái phải... Tuy nhiên, thủ pháp này với sự rườm rà tất yếu của nó, không được các tác giả Việt Nam ưa chuộng.

Thủ pháp miêu tả mang tính chủ quan thể hiện qua việc tác giả đưa vào tác phẩm ý thức thẩm mỹ, tình cảm yêu ghét, thái độ đồng tình hay phản đối. Trong phú chữ Hán Việt Nam, tính chủ quan còn bao gồm cả việc tác giả đưa chính mình và những chi tiết cuộc sống cá nhân vào tác phẩm. Độc giả dường như có thể hiểu thêm về cuộc sống và con người Nguyễn Bá Ký khi đọc Tứ tuyên đồ phú, hay gần gũi hơn với Ngô Thì Hoàng, khi đọc Khê Kiều thu vịnh phú...

Nếu miêu tả là thủ pháp nghệ thuật được sử dụng nhiều nhất, thì hư cấu là thủ pháp hấp dẫn nhất của phú. Được khơi nguồn từ Sở từ của Khuất Nguyên, đến Phục điểu phú của Giả Nghị, Thất phát của Mai Thặng, Tử Hư, Thượng lâm của Tư Mã Tương Như, hư cấu đã được sử dụng vô cùng sinh động và thành thục. Nhờ hư cấu, văn học Trung Quốc đã có câu chuyện bất hủ về phục điểu, về những lời khuyên của Ngô khách dành cho Sở thái tử, về  Tử Hư và đầm Vân Mộng, ...

Những câu chuyện hư cấu trong phú luôn đem lại sức hút vô hình cho tác phẩm. Ta cũng dễ dàng bắt gặp những câu chuyện kinh điển trong phú chữ Hán Việt Nam, như cuộc trò chuyện giữa khách và đạo sĩ trong Ngọc tỉnh liên phú, cuộc hạnh ngộ của Quý Khê Tử với ba người bạn trong Tam ích hiện phú, sự đồng cảm kỳ lạ giữa tác giả và cây cầu sông Kỳ trong Kỳ Giang Kiều phú v.v...

Bên cạnh thủ pháp nghệ thuật được dùng nhiều nhất (miêu tả), thủ pháp nghệ thuật hấp dẫn nhất (hư cấu), còn có một thủ pháp mà thiếu nó, phú không sao thể hiện được nét đặc sắc nhất của mình, đó chính là khoa trương. Khoa trương được dùng triệt để trong hầu hết các tác phẩm phú chữ Hán của Việt Nam, đặc biệt là nghệ thuật khoa trương so sánh.

Trong thực tế sáng tác, mỗi bài phú đều là sự tổng hợp của rất nhiều thủ pháp nghệ thuật khác nhau, mang lại nhiều hiệu quả nghệ thuật khác nhau. Phú chữ Hán Việt Nam tuy tiếp thu tất cả những hình thức nghệ thuật cơ bản và tiêu biểu của phú Trung Quốc, song cách ứng dụng của mỗi tác giả đều đem lại cho người đọc một cảm xúc riêng,  không trùng lặp.

 

4)      Nội dung tư tưởng

 

Phú có hai chủ đề nội dung tư tưởng nổi bật nhất: ca tụng và phúng gián.

Quan niệm phú được dùng để ‘ca công tụng đức’ đã có từ xưa, nhưng đối với phú chữ Hán Việt Nam, ca công tụng đức chỉ là một mặt của chiếc kính vạn hoa. Trước tiên, đến với phú chữ Hán Việt Nam, là đến với một kho tàng địa lý, lịch sử chân thực và tường tận. Các tác giả Việt Nam thường không mất công tạo cho mình những sự vật, nơi chốn phù du ảo ảnh. Phú chữ Hán Việt Nam không tồn tại những đầm Vân Mộng như trong Tử Hư của Tư Mã Tương Như, hay ngọc thụ trong Cam tuyền phú của Dương Hùng, .... Thay vào đó, chúng ta có cảnh thực, việc thực, những con người thực. Có thể thấy niềm tự hào của Trương Hán Siêu khi đưa độc giả đến với Bạch Đằng giang (Bạch Đằng Giang phú), niềm say mê của Nguyễn Mộng Tuân trước những ngọn núi dòng sông đã làm nên lịch sử (Lam Sơn phú, Chí Linh Sơn phú...), sự cảm động của Ngô Thì Hoàng trước ruộng lúa mênh mông và những người nông dân lạc quan chăm chỉ (Nông thoại phú) v.v... Các tác giả Việt Nam ngợi ca trước tiên, là ngợi ca đất nước với non sông gấm vóc cùng những người chung tay xây dựng và bảo vệ non sông gấm vóc này.

Sự tụng ca trong phú chữ Hán Việt Nam đồng thời cũng là sự khẳng định đối với sức mạnh của dân tộc Việt Nam.

Phú chữ Hán Việt Nam thời kỳ đầu đa phần đều có nội dung ca ngợi trực tiếp một sự vật hiện tượng có liên quan chặt chẽ với văn hóa Trung Hoa, chẳng hạn hình ảnh hoa sen giếng ngọc của Mạc Đĩnh Chi mượn từ bài thơ Cổ ý của Hàn Dũ, Thang bàn phú viết về chiếc chậu rửa mặt của vua Thương Thang Vương, Đổng Hồ bút phú viết về câu chuyện quan chép sử Đổng Hồ cương trực thời Đông Chu Liệt Quốc v.v... ; duy có Bạch Đằng giang phú  và hai bài Diệp mã nhi là ngợi ca cảnh vật của đất nước. Phú đời Lê tập trung tụng ca những chiến công oanh liệt trước giặc ngoại xâm với xu hướng chủ đạo là ca ngợi những gì chúng ta có được không thua gì Trung Hoa, mà hình tượng nổi bật nhất là Lê Lợi luôn được ví với Việt Vương Câu Tiễn, Hán Cao Tổ Lưu Bang, còn Lam Sơn và Chí Linh Sơn thì sánh ngang cùng Cối Kê, Mang Kiệt. Nội dung tụng ca dần kết hợp với tinh thần tự hào dân tộc và được đẩy lên cao trào, khi các tác giả vượt khỏi công thức ‘so sánh bằng’ giữa hai quốc gia để khẳng định tầm vóc của dân tộc :雷霆之中有雨露存焉尧舜之心岂汉唐可拟。则我高皇泽物之功。毋俾武王之专美。(Ngay trong cơn sấm sét, vẫn còn mưa móc dường kia; huống có lòng Thuấn, Nghiêu, đâu dễ Hán Đường sánh kịp? Riêng công ơn trời biển vua ta, Vũ Vương đâu một mình đẹp nhất?) (Tẩy binh vũ phú - Nguyễn Mộng Tuân).

Sức mạnh của dân tộc không chỉ thể hiện qua chiến thắng trước kẻ thù. Sức mạnh của dân tộc còn thể hiện qua sự độc lập về văn hóa và tư tưởng. Cùng với sự phát triển của phú, những chất liệu văn hóa Trung Quốc trong tác phẩm càng lúc càng mờ nhạt, thay vào đó là tinh thần dân tộc và chất liệu văn hóa Việt ngày càng thêm rõ nét.

Bên cạnh tụng ca, phúng gián luôn là nội dung xuyên suốt trong các tác phẩm phú chữ Hán Việt Nam qua từng thời kỳ. Trong mười sáu bài phú đời Trần và đời Hồ, đã có mười bài mang tư tưởng phúng gián với nội dung khác nhau: nói lên tâm tư nguyện vọng của thần dân với ẩn ý phúng gián (Bạch Đằng Giang phú), khuyên nhà vua tu dưỡng đạo đức để xứng danh thiên tử (Thang Bàn phú, Thiên thu giám phú), khuyên bậc đế vương xa lánh nữ sắc, cần kiệm liêm chính, trọng dụng nhân tài (Cần Chính Lâu phú, Ngọc tỉnh liên phú, Quan Chu nhạc phú, hai bài Diệp mã nhi phú) , khuyên dùng đức trị nước (Cảnh tinh phú, Trảm xà kiếm phú). Đời Lê, do tư tưởng ngợi ca phát triển quá mạnh mẽ, nên phúng gián có phần lép vế. Tuy vậy, phú chữ Hán Việt Nam vào lúc cực thịnh vẫn không hề có hiện tượng ‘khúc chung tấu nhã’. Sự tích cực và thẳng thắn trong những lời khuyên can vẫn rất rõ nét, đặc biệt trong các tác phẩm của Lý Tử Tấn và Nguyễn Mộng Tuân. Phong cách biểu lộ tư tưởng tình cảm giản dị và trực tiếp trong phú vẫn được duy trì : ca tụng là ca tụng, mà phúng gián là phúng gián. Chỉ từ thế kỷ XVI trở về sau, cùng với tình hình Nam Bắc phân tranh, chính trị rối ren, dường như đa phần các nhà Nho đều ý thức được phúng gián không còn giúp ích được gì, nên cố tình bỏ qua nội dung này, hoặc chỉ lồng thấp thoáng vào cuối bài cho có lệ.

Đối với phú chữ Hán Việt Nam, ca tụng và phúng gián đều phần nào phản ánh được sự thực lịch sử và diễn biến tư tưởng trong xã hội Việt Nam. Có thể nói phú chữ Hán Việt Nam đã làm được một điều rất đặc biệt : lưu giữ trong lòng mình ký ức phong phú và sống động của những thời đại và con người đã qua trong lịch sử.

Tuy về phương diện thể loại và đề tài, phú chữ Hán Việt Nam không sáng tạo ra những hình thức hoàn toàn mới, song xét về một góc độ khác, tất cả những quá trình vay mượn đều bao gồm trong nó quá trình cải tạo và đổi mới. Phú chữ Hán Việt Nam trong quá trình tiếp thu thể loại phú từ Trung Quốc, cũng đã tiến hành việc cải tạo và đổi mới, khiến một thể loại hoàn toàn ngoại lai có thể hòa nhập vào dòng chảy của văn hóa và văn học của một dân tộc. Do vậy, tất cả những hình thức cơ bản cùng đa số đề tài của phú Trung Quốc đều có thể tìm thấy hình bóng của mình trong phú chữ Hán Việt Nam, dù đa phần đều không ‘chính tông’. Song cũng chính nhờ sự ‘lai tạp’ này mà phú chữ Hán Việt Nam mới thể hiện được sự độc đáo riêng của mình.

Phú chữ Hán Việt Nam thường ngắn, kết cấu rõ ràng, ngôn từ trong sáng chứ không hoa mỹ, cách diễn đạt giản dị chứ không cầu kỳ như phú Trung Quốc. Ta khó mà thấy được tham vọng bao trùm vũ trụ, thôn tính càn khôn, hay tầm nhìn vĩ mô về cuộc sống, thế giới và con người trong phú chữ Hán Việt Nam. Thay vào đó là thái độ tự tôn, tinh thần tự hào, cái nhìn gần gũi và đầy tính nhân văn. Những thủ pháp nghệ thuật đặc sắc của phú như khoa trương, hư cấu,... đều được sử dụng triệt để, nhưng không hề làm mất đi tính chân thực và giản dị vốn có của các sự vật hiện tượng. Nội dung tác phẩm luôn thể hiện được những góc nhìn văn hóa riêng của người Việt, thể hiện tư tưởng và tính cách đặc trưng của dân tộc Việt. Tình cảm được thể hiện trong tác phẩm thường rất mạnh mẽ, song vẫn luôn hồn hậu và mộc mạc. Đó chính là những nét riêng làm nên giá trị của phú chữ Hán Việt Nam.

 

Tư liệu tham khảo:

1)      Quần hiền phú tập, bản sách Hán Nôm chép tay

2)      Tiêu Thống, Văn tuyển, Thượng Hải : Thượng Hải cổ tịch xuất bản xã, 1986

3)      Vương Vận Hy, Châu Phong tuyển, Văn tâm điêu long, Thượng Hải cổ tịch xuất bản xã, 1996.

4)      Lưu Tư Hàn, Hán phú: duy mỹ văn học chi triều, Quảng Châu văn hóa xuất bản xã, 1989.

5)      Trữ Bân Kiệt, Trung Quốc cổ đại văn thể khái luận, Bắc Kinh đại học xuất bản xã, 1990.

6)      Nhiều tác giả, Tổng tập văn học Việt Nam, Hà Nội : NXB Khoa học xã hội, 1981.

7)      Bùi Huy Bích, Hoàng Việt văn tuyển, Hội ủy viên dịch thuật và cổ văn thư khố xuất bản, 1971.

8)      Trung tâm nghiên cứu quốc học, Tác phẩm Ngô Thì Nhậm, NXB Văn học Tp. HCM, 1997.

 



[1]  Vương Vận Hy, Châu Phong tuyển, Văn tâm điêu long, Thượng Hải cổ tịch xuất bản xã, 1996, trang 35 – 48.

Thông tin truy cập

63667292
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
11010
17595
63667292

Thành viên trực tuyến

Đang có 833 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website