TS Phan Thu Vân, nguyên sinh viên Khoa Văn học Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP. HCM, giảng viên Khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, vừa nhận được giải thưởng Inoue Yasushi 2018 của Nhật Bản. Chúng tôi xin giới thiệu bài phát biểu của TS Phan Thu Vân tại lễ trao giải.
Kính thưa các vị đại biểu, các học giả, thưa ban giám khảo, cùng toàn thể quý vị có mặt tại đây ngày hôm nay,
Tôi và Inoue Yasushi tiên sinh có lẽ mang một mối duyên nợ đặc biệt. Ngay từ lần đầu tiên tiếp xúc với tác phẩm của tiên sinh, tôi đã vô cùng chấn động, bởi đây là một tác giả dùng những chất liệu vô cùng quen thuộc đối với bản thân tôi để tạo nên một thế giới mà tôi chưa từng được biết. Lần đầu tiên đọc “Lang tai ký”, tôi đã bỏ ăn, ngồi liên tục 12 tiếng đồng hồ trước màn hình máy tính để dịch toàn bộ tác phẩm này ra tiếng Việt. Ngay từ ngày hôm đó, một ngày gần cuối năm 2015, tôi đã hiểu rằng tôi sẽ cùng với tác giả đi một chặng đường dài.
Đến hôm nay, một ngày giữa năm 2018, tôi đã hoàn thành bản dịch tập truyện “Lâu Lan” và tiểu thuyết “Đôn Hoàng” của Inoue Yasushi, cùng ba công trình nghiên cứu có liên quan. Tôi cũng đã hướng dẫn cho hai sinh viên làm đề tài nghiên cứu khoa học về tác giả này.
Điều gì khiến tác giả này thu hút tôi đến như vậy? Tôi nghĩ trước tiên đó chính là cái nhìn đặc biệt minh triết của ông về lịch sử và dân tộc. Bằng ngòi bút giản dị nhưng sắc sảo, ông đã cho thấy điều thực sự chia cắt con người trên thế giới này qua nhiều thời đại không phải chủng tộc, văn hóa, hay ngôn ngữ, mà chính là sự vật lộn đấu tranh với bản ngã và định kiến trong chính mỗi cá nhân, đó là cuộc chiến tranh thực sự giữa phần con với phần người. Bên cạnh đó, sự am hiểu sâu sắc của ông về văn hóa, cùng những kiến giải của ông về vị thế của các quốc gia trong lịch sử khiến cho tác phẩm của ông không chỉ nói lên một vấn đề riêng rẽ hay đơn nhất của một dân tộc nào đó, mà mang tính phổ quát và có giá trị lớn lao trên phạm vi thế giới.
Trong tác phẩm “Đôn Hoàng”, Inoue Yasushi viết về nền văn minh Tây Hạ cùng chữ viết Tây Hạ - một loại chữ mới được tạo thành trên nền tảng chữ Hán, nhưng người Hán không thể đọc hiểu được, khiến độc giả dễ dàng liên tưởng đến văn tự Nhật Bản, cũng như chữ Nôm của Việt Nam. Tác phẩm “Lâu Lan” viết về sự tồn vong của vương quốc cổ Lâu Lan bị kẹp giữa hai thế lực Hung Nô và nhà Hán từ hàng ngàn năm trước vẫn có thể là một ví dụ điển hình trong cục diện thế giới ngày nay.
Tư tưởng rộng mở của Inoue Yasushi cũng đã giúp soi chiếu cho tôi trên bước đường tìm hiểu các tác phẩm văn học nước ngoài khác, mà điển hình là “Người khổng lồ ngủ quên” của Kazuo Ishiguro. Khi đọc song song hai tác phẩm, tôi đã thấy một thông điệp chung được hai tác giả cùng gửi gắm trong tác phẩm của mình. Thông điệp đó vừa mang tinh thần chung của nhân loại, lại vừa chứa đựng nét rất riêng của tinh thần Nhật Bản.
Kazuo Ishiguro là nhà văn gốc Nhật Bản đoạt giải Nobel văn học năm 2017. Khi tìm hiểu về Inoue Yasushi, tôi biết rằng ông cũng đã từng nằm trong danh sách ứng viên giải Nobel nhiều năm liền. Một giải thưởng có thể làm cho nhà văn được biết đến nhiều hơn, nhưng chắc chắn không làm cho tác phẩm trở nên giá trị hơn. Giá trị tác phẩm chỉ được kiểm định bởi độc giả, và bởi thời gian.
Giải nhất cuộc thi luận văn nghiên cứu văn học Nhật Bản lần này đối với tôi là một niềm vinh hạnh. Nhưng dù không có giải thưởng, tôi vẫn sẽ chọn nghiên cứu tác giả này, và tôi vẫn sẽ tiếp tục nghiên cứu, dù sau này sẽ không gửi bài dự thi nữa. Chặng đường phải đi vẫn còn dài, và tôi sẽ tiếp tục cố gắng, như nhân vật Triệu Hành Đức trong tác phẩm “Đôn Hoàng”, không ngừng bước tới, còn cuối cùng có thể về đâu, thì xin gửi gắm vào cơ ngộ của nhân duyên.
Xin cảm ơn Quỹ tưởng nhớ Inoue Yasushi và Trung tâm Giao lưu văn hóa Nhật Bản. Xin cảm ơn ban giám khảo đã cho tôi những nhận xét quý giá về công trình nghiên cứu. Xin cảm ơn gia đình cùng bạn bè đã luôn ở bên cạnh, chia sẻ và khích lệ. Mong rằng văn chương sẽ còn đem lại cho chúng ta nhiều khoảnh khắc thú vị và đáng nhớ hơn.
Chúc cho mỗi chúng ta đều tìm được niềm vui trong văn học.
Phan Thu Vân