Mạc nhạ Tương Như hiến phú trì,
Cẩm thư thùy đạo lệ triêm y.
Bất tu hóa tác sơn đầu thạch,
Đãi ngã Đông đường chiết quế chi.
(Chớ lạ văn nhân chậm nổi danh,
Gởi thư ai nói lệ vòng quanh.
Hãy khoan hóa đá đầu non ngóng,
Thềm quế chờ ta bẻ một cành).
Kế Hàng thi đậu, được Liêm sứ Chiết Tây là Vu Công chọn làm chức Mạc phủ, đi luôn tới nơi làm quan, lâu năm không về nhà. Nàng họ Trương bèn gởi Hàng hai bài thơ tứ tuyệt như sau:
I. Cửu vô âm tín đáo la vi,
Lộ viễn thiều thiều khiển vấn thùy!
Văn quân chiết đắc Đông đường quế,
Chiết bãi na năng bất tạm quy?
II. Dịch sứ kim triêu quá Ngũ Hồ,
Ân cần vị ngã báo cuồng phu:
Tùng lai khoa hữu Long Tuyền kiếm,
Thí cát tương tư đắc đoạn vô?
(I. Lâu không tin tức gởi phòng khuê,
Dặm thẳm đường xa biết hỏi ai!
Nghe chàng bẻ quế thềm Đông ấy,
Bẻ được sao không hãy tạm về?
II. Sứ giả hôm nay biệt cõi đông,
Dặn dò nhờ nhắn với chồng ngông:
Từng nghe khoe có thanh gươm báu,
Chặt mối tương tư thử đứt không?).
Về ý nghĩa thì hai bài thơ trên không có gì đáng bàn – bài trước thì nhắc lại lời chồng ước hẹn để trách móc, bài sau thì nói tới ý mình nhớ mong để bày tỏ… Nhưng về thi tứ thì bài trước chỉ triển khai lời hẹn bẻ quế của Bành Hàng, đúng theo tập quán tư duy và bài bản lập luận của các bà vợ khi trách móc chì chiết phu quân, duy có cách vận dụng điển cố thanh kiếm Long Tuyền trong bài sau mới đúng là một sáng tạo đặc sắc trong việc thể hiện tâm tình của người phụ nữ đang thương đang nhớ. Và chắc Bành Hàng không chặt đứt được mối tương tư quá đỗi trừu tượng ấy, bởi chẳng thấy ông ta trả lời gì, nên nhi nữ tình trường, anh hùng khí đoản, có lẽ sau đó ông ta cũng xin nghỉ phép để mang thanh gươm báu của mình về thăm vợ mà chặt thử mối khác cụ thể hơn thôi, chứ còn cành quế bẻ đã lâu năm kia hẳn cũng hết thơm rồi, và nhất là chẳng giải quyết được gì cái công tác chặt mối mà nàng họ Trương yêu cầu cả…
Bành Hàng người Viên Châu, thi đậu Tiến sĩ năm Trinh Nguyên thứ 7 (791), làm quan tới chức Đại lý Bình sự.
Lúc Hàng thi đậu, trong bà con bên vợ có Trạm Phấn là em họ của nàng họ Trương còn đang làm một chức lại ở quận, chưa có tiếng tăm gì. Ngày Hàng về tới nhà, bà con bên vợ tới chúc mừng, trên tiệc đều là những bậc danh sĩ cùng Hàng nói chuyện văn chương rất vui vẻ, chỉ có Phấn lủi thủi xuống ăn cơm sau bếp. Nàng họ Trương trách rằng “Cậu là đàn ông mà không cố gắng học hành, phải chịu nhục thế này, còn mặt mũi nào nữa hả!”. Phấn cảm động vì lời ấy, ra sức học tập, đến năm Trinh Nguyên thứ 12 (796) đi thi một lần đậu ngay Tiến sĩ. Hàng đang cưỡi lừa chơi ngoài đồng, nghe báo tin giật mình kêu thất thanh ngã lăn xuống đất, người Viên Châu vì thế có câu nói đùa Trạm lang cập đệ, Bành Hàng lạc lư (Trạm lang thi đậu, Bành Hàng ngã lừa). Kê Hữu Công thời Tống soạn sáchĐường thi kỷ sựcó chú rằng “Đến nay phía tây Viên Châu còn Cầu Ngã lừa (Lạc lư kiều)”.
Đàn bà dễ có mấy tay
Đường thi kỷ sựchép Đỗ Tiêu có vợ là nàng họ Lưu (có sách chép là họ Triệu). Tiêu trọ học ở xa, thi rớt định về nhà, nàng gởi thơ trước rằng:
Văn quân đích đích hữu kỳ tài,
Hà sự niên niên bị phóng hồi,
Như kim thiếp diện tu quân diện,
Quân đáo lai thời cận dạ lai.
(Nghe anh chữ nghĩa cũng bề bề,
Sao cứ liền năm bị đuổi về.
Giờ thấy mặt chàng quê mặt thiếp,
Muốn vào anh hãy đợi canh khuya) (1)
Tiêu lập tức quay trở lại, không về nhà nữa. Kế thi đậu, vợ lại gởi thơ rằng:
Trường An thử khứ vô đa địa,
Uất uất thông thông giai khí phù.
Lương nhân đắc ý chính niên thiếu,
Kim dạ túy miên hà xứ lâu?
(Trường An tới đó không nhiều đất,
Hồng lục chen đua lắm sắc màu.
Đắc ý, chồng ta đang tuổi trẻ,
Đêm nay say ngủ ở nơi đâu?).
Tiêu đậu Tiến sĩ trong niên hiệu Trinh Nguyên (785 – 805), làm quan tới chức Thượng thư bộ Công, sự nghiệp và văn chương đều có chỗ hơn người, song sử sách đều có chép. Điều đáng nói là ông này có một người vợ thật dễ nể: chồng thi rớt thì chọc tức cho phẫn chí học tập, chồng thi đậu thì nói móc để hạn chế chơi bời, mà đều bằng thơ văn cả. Đàn bà dễ có mấy tay!
(1) Theo bản dịch trongLều chõngcủa Ngô Tất Tố. Chúng tôi xin phép người đọc cho sửa vài chữ cho gần gũi hơn với ngôn ngữ hiện đại.
Xin cho chồng thiếp sớm hồi hương
Trong niên hiệu Hội Xương (841 – 846) có biên tướng Trương Thấu ra biên ải phòng quân Nhung đã hơn mười năm. Vợ là nàng họ Hầu thêu bài thơ hồi văn theo hình con rùa (tức bài thơ mà các dòng chữ đan chéo vào nhau trở đi trở lại tạo ra các ô hình quả trám giống mai rùa, chỗ nhô ra giống đầu rùa là chỗ bắt đầu bài thơ), tới cửa khuyết dâng lên Vũ tông. Bài thơ như sau:
Thấu ly dĩ thị thập thu cường,
Đối kính na kham trụng lý trang.
Văn nhạn kỷ hồi tu xích tố,
Kiến sương tiên vị chế y thường.
Khai sương điệp luyện tiên thùy lệ,
Phất chử điều châm cánh đoạn trường.
Tú tác quy hình hiến Thiên tử,
Nguyện giao (giáo) chinh khách tảo hoàn hương.
(Thấu đi tính đã được mười sương,
Soi kính lòng đâu nỡ điểm trang.
Nghe nhạn gởi thư mong tới ải,
Thấy sương may áo sẵn cho chàng.
Mở rương, áo chất nhìn rơi lệ,
Đập áo, chày vang nghĩ đoạn trường.
Thêu bức hồi văn hiến Thiên tử,
Xin cho chồng thiếp sớm hồi hương).
TheoTrữ tình thi, khi thơ dâng vào, vua thưởng cho nàng họ Hầu ba trăm tấm lụa để nêu rõ tài tứ. Không thấy sách nào chép là nàng từ chối, nên có lẽ món nhuận bút sống mà nàng muốn hưởng kia cũng được vua đồng ý cho về.
Nguồn: Giai thoại thơ Đường, 1995