Về một đôi câu đối độc đáo ở chùa Giác Lâm

  

 

Được xây dựng vào năm 1774 và trở thành một Tổ đình nổi tiếng của Phật giáo ở Nam Bộ từ thế kỷ XVIII, chùa Giác Lâm (hiện tọa lạc ở đường Lạc Long Quân quận Tân Bình thành phố Hồ Chí Minh) là một địa điểm bước vào lịch sử phát triển văn hóa của cộng đồng Việt Nam tại địa phương từ rất sớm. Hiện nay ngoài việc thu hút đông đảo tín đồ cả trong nước lẫn Việt kiều tới dâng hương, hành lễ - nhất là vào các dịp lễ lớn của Phật giáo; nó còn lôi cuốn nhiều khách du lịch văn hóa tới tìm hiểu, tham quan. Đặc biệt, đối với những người nghiên cứu, chùa Giác Lâm với bề dày lịch sử của nó còn là một hệ thống tư liệu khoa học quý báu về lịch sử và văn hóa, tôn giáo và văn chương, điêu khắc và kiến trúc... Trong những tư liệu ấy có một đôi câu đối hiện treo ở hàng cột thứ nhất từ ngoài vào và đối diện với chính điện, một đôi câu đối thuộc loại độc đáo bậc nhất trong thơ văn chữ Hán ở Việt Nam

 

拜朝

 

Trên "văn bản gốc", vế trước của đôi câu đối này có hàng chữ nhỏ "Sắc tứ Kiểng Phước tự Chủ trì Trần Bửu Hương kính phụng", và vế sau có hàng chữ "Tuế thứ Kỷ Dậu niên Giác Lâm tự lạc thành chi khánh" hợp lại thành phần lạc khoản cho biết nó được Hòa thượng Trần Bửu Hương trụ trì chùa Kiểng Phước tặng nhân dịp trùng tu chùa Giác Lâm năm 1909. Và có lẽ đến 1990, nó mới được đề cập tới lần đầu tiên trên sách báo quốc ngữ, với bản phiên âm của ông Nguyễn Quảng Tuân trong quyển Những ngôi chùa danh tiếng (Nxb. Trẻ và Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, tr.172) . Nhưng ở đây ông Nguyễn Quảng Tuân chỉ phiên âm (không ngắt câu và không dịch nghĩa) ra là "Triêu triêu triêu triêu triêu bái triêu triêu triêu bái; Trai trai trai trai trai giới trai trai trai giới". (Phiên chữ tề ra chữ trai)! Theo tôi, ông Nguyễn Quảng Tuân đọc như vậy là sai, vì câu đối này phải được đọc và hiểu như sau:

 

Triêu triêu triều, triêu triêu bái, triêu triêu triều bái
Tề tề trai, tề tề giới, tề tề trai giới.
(Nhộn nhàng chầu, nhộn nhàng bái, nhộn nhàng chầu bái
Lặng lẽ trai, lặng lẽ giới, lặng lẽ trai giới).

 

Về nội dung đây là câu đối khá đặc sắc. Ngày khánh thành dịp trùng tu một Tổ đình như chùa Giác Lâm, thì còn thiếu gì thiện nam tín nữ tới vui mừng, còn thiếu gì hạng Phật tử có cả hằng sản lẫn hằng tâm tới chúc tụng... Điều đó đương nhiên là sự đáng mừng trong việc hoằng dương Phật pháp, song đối với tăng chúng trong chùa thì bấy nhiêu đã hẳn là đủ chưa? Cho nên Hòa thượng Trần Bửu Hương đã đề cập tới lý tưởng Phật giáo và phận sự tu hành của kẻ xuất gia bằng cách nhấn mạnh vào việc tinh trì giới luật. Tăng chúng càng nghiêm cẩn chuyên tâm (đây dịch là lặng lẽ) tu hành thì việc tín đồ nườm nượp lui tới (đây dịch là nhộn nhàng) cúng bái ấy mới thực có giá trị của sự thành tâm cũng như mới chứng hiện được mối quan hệ "Phật pháp bất ly thế gian pháp"... Và có lẽ các bậc chân tu đều nghĩ như vậy, nên đôi câu đối chúc mừng thoát tục kia mới được trang trọng theo trước chính điện chùa Giác Lâm trong suốt nhiều năm...

 

Tuy nhiên, điều làm nhiều người nghiên cứu quan tâm tới câu đối này là giá trị nghệ thuật của nó. Đáng tiếc là với văn bản ở chùa Giác Lâm, nó lại ít nhiều bị mất đi nét độc đáo vốn có. Dường như vì sợ có nhiều người không hiểu và đọc nổi, người viết chữ (có thể là chính Hòa thượng Trần Bửu Hương) đã có ý đánh dấu hai chữ triều bằng cách viết hai nét ngang trong chữ nguyệt thành hai dấu chấm, và đánh dấu hai chữ trai bằng cách viết rõ ra hai chữ trai (chữ trai cổ nhiều khi chỉ viết bằng chữ tề). Cho nên để thấy được hết sự độc đáo của đôi câu đối này về mặt nghệ thuật, thì phải khôi phục cái "bản lai chân diện mục" của nó như sau:

 

拜朝

 

Điểm đặc sắc đầu tiên của đôi câu đối này là ở chỗ hàng loạt chữ triêu - triều và tề - trai có cùng tự hình đứng liền nhau, tạo thành hai chuỗi hình ảnh tác động vào thị giác; và kết hợp với ý nghĩa, chúng làm người đọc liên tưởng tới những hàng người đang cùng nhau vái lạy, hành lễ... Ở đây, tác giả đã chơi chữ bằng tự hình, một nghệ thuật chơi chữ chỉ có trong văn chương viết bằng loại văn tự biểu ý - tượng hình là chữ Hán. Đây là lối chơi chữ nằm trong một phong cách ngôn ngữ được gọi là Phong cách học văn tự(1), một phong cách độc đáo hầu như chỉ có ở trong văn chương và ngôn ngữ bốn nước Trung Hoa, Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên. Cái khó của đôi câu đối này là ở chỗ "đồng tự dị âm - dị nghĩa", nếu đọc sai tức là không hiểu và cố nhiên càng không thể dịch được, như người ta đã thấy qua bản phiên âm vô nghĩa của ông Nguyễn Quảng Tuân.

 

Điểm đặc sắc thứ hai của câu đối này là nó lại có chỗ không đối: hai chữ cuối của hai vế đều mang vần trắc, trong khi đúng ra phải là một trắc một bằng. Nhưng chính điểm phi lý này lại buộc người ta phải suy nghĩ rằng nó không được sáng tác theo âm Hán Việt mà là theo âm Hoa Hán. Tuy nhiên, theo giọng Quan thoại thì hai chữ bái (bài - đọc như bài) và giới (Jie - đọc như che) gần như lại cùng một thanh bằng, nên rõ ràng chỉ có thể tìm được cách đọc hợp lý cho câu đối này nơi các phương ngữ Hải Nam, Quảng Đông, Phúc Kiến, Triều Châu phổ biến trong người Hoa ở Nam Bộ. Và đây là cách đọc theo giọng Quảng Đông (phiên âm gần đúng ra tiếng Việt):

 

Chiêu chiêu chiều, chiêu chiêu pái, chiêu chiêu chiều pái.
Chài chài chái, chài chài cai, chài chài chái cai(2)

 

Rõ ràng, với cách đọc theo âm Hoa Hán giọng Quảng Đông nói trên, người ta đã có được hai chuỗi âm thanh đăng đối. Đáng tiếc là chưa có đủ tư liệu để tìm hiểu về lai lịch Hòa thượng Trần Bửu Hương với những chi tiết có liên quan như nguồn gốc dân tộc của gia đình, nơi người mà ông thụ nghiệp chữ Hán...; nhưng nhìn chung ở đây chỉ có hai khả năng: hoặc đôi câu đối này là từ Trung Hoa truyền sang, hoặc nó là tác phẩm của một người Hoa mang quốc tịch Việt Nam cư trú ở Nam Bộ. Trong trường hợp thứ nhất thì đây là một bằng chứng tôn giáo về việc giao lưu văn hóa trực tiếp giữa Nam Bộ và Trung Hoa mà chủ yếu là Hoa Nam từ thế kỷ XVIII đến năm 1945. Trong trường hợp thứ hai, đây là một biểu hiện văn chương của quá trình hội tụ văn hóa đã dẫn tới sự xuất hiện một mảng từ vựng Trung Hoa du nhập vào Nam Bộ bằng con đường khẩu ngữ, mảng từ vựng đang chiếm một tỷ lệ không nhỏ và góp phần làm nên nét đặc thù của phương ngữ Nam Bộ hiện nay.

 

Câu đối là một thể loại văn học rất đơn giản về nguyên tắc sáng tác, song chính nhờ vậy lại có phạm vi ứng dụng rất lớn. Sự xuất hiện rộng rãi của nó trong mọi tình huống giao tiếp, ở mọi tầng lớp xã hội.. hay sự tồn tại của nó cho đến hiện nay mặc dù nhiều thể loại ra đời sau nó (như thơ Đường luật, phú...) đang dần dần vắng bóng là những ví dụ. Cho nên, kho tàng câu đối trong văn học viết Việt Nam vẫn còn có khả năng được bổ sung thêm nhiều tác phẩm đặc sắc. Tuy nhiên, với những nét đặc sắc về cả chữ viết, âm đọc và ý nghĩa như nó có, đôi câu đối ở chùa Giác Lâm nói trên vẫn vĩnh viễn là một trong những câu đối độc đáo bậc nhất trong kho tàng câu đối Việt Nam.

 

Tháng 5.1993

 

CHÚ THÍCH

 

(1) Xem thêm Phan Văn Các, Phong cách học văn tự (Ytylistique Graphique): một đặc điểm của ngôn ngữ Hán, Tạp chí Hán Nôm, số 2 (11)-1991.

(2) Xin nói thêm rằng chúng tôi chưa tìm hiểu được tất cả các giọng Hải Nam, Phúc Kiến, Triều Châu để so sánh và khẳng định cách đọc chính xác và hợp lý nhất cho đôi câu đối này, nên rất mong được các bậc phụ huynh lớn tuổi người Hoa và người đọc vui lòng chỉ giáo.

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

62817529
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
12092
14839
62817529

Thành viên trực tuyến

Đang có 387 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website