Là một nhân vật lịch sử có số phận khác thường, Phan Thanh Giản đã chết bốn lần. Lần thứ nhất là Phan uống thuốc độc tự tử. Lần thứ hai, Phan bị thực dân ám sát khi khen ông sáng suốt không chống lại Pháp. Lần thứ ba, Phan bị triều đình Tự Đức bức tử với bản án “truy đoạt tất cả chức hàm, đục tên trong bia Tiến sĩ, giữ mãi cái án trảm giam hậu”. Lần thứ tư là vào thời gian 1960 – 1963, khi chúng ta hạ quyết tâm dùng bạo lực cách mạng để giải phóng miền Nam, và nền sử học rời khỏi con đường dài phục vụ cách mạng mà đi vào con đường tắt phục vụ chính trị đương thời đã xử tử ông (cũng như phê phán những người yêu nước chủ trương không dùng bạo lực như Phan Châu Trinh), gây ra một công án đau lòng khiến những trí thức như Ca Văn Thỉnh đương thời day dứt và các chính khách như Võ Văn Kiệt hiện nay trăn trở. Năm 1994 vấn đề Phan Thanh Giản lại được đặt ra trong Hội thảo khoa học ở Vĩnh Long, nhưng hầu như không có tiếng vang nào đáng kể. Các công trình cũ vẫn còn đó, các giáo trình cũ vẫn còn đó, quan niệm cũ vẫn còn ngự trị, tâm lý cũ vẫn còn tác động. Nhiều người không ngại khẳng định Phan Thanh Giản, mà sợ phản đối đồng chí và đồng nghiệp, cấp trên hay thầy học của mình. Cho nên đến cuộc Tọa đàm Thế kỷ XXI nhìn về nhân vật lịch sử Phan Thanh Giản do Hội Khoa học Lịch sử tổ chức ở Thành phố Hồ Chí Minh ngày 16.8 mới đây, cái số phận nhiều cay đắng mà ít vinh quang ấy lại một lần nữa được đưa ra mổ xẻ.
Chén đắng rượu Xuân thu...
Trong cuộc Tọa đàm vừa qua, nhiều người đã khẳng định Phan Thanh Giản là một người yêu nước và thương dân. Thương dân có đồng nghĩa với trọng dân hay không ở các nhà nho xưa còn là chuyện phải bàn, nhưng uyên nguyên của tấn bi kịch lịch sử nơi Phan Thanh Giản là ở chỗ ông đã theo một cái học coi triều là nước. Cho nên lúc vua sợ giặc mà dân chống giặc, Phan Thanh Giản cũng dần dần rơi vào bế tắc trên một lập trường chính trị chiết trung. Vừa mong ái dân vừa muốn trung quân, cái tâm thế lưỡng phân này khiến từ 1859 Phan không kế thừa được một cách tích cực truyền thống yêu nước chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam và sau Hòa ước 1862 thì có nhiều hành động bất lợi cho phong trào chống Pháp “chẳng nghe Thiên tử chiếu”. Cho nên bi kịch lúc còn sống của Phan Thanh Giản trước hết là sự thất bại về trí tuệ của thế giới cũ, một thế giới già cỗi đang rúng động và từng bước giải thể trong quá trình tiếp xúc với cái thế giới mới sung sức, năng động và tàn nhẫn hơn tới từ phương Tây. Đây cũng là bi kịch của chế độ phong kiến Việt Nam thế kỷ XIX nói chung và nhà Nguyễn nói riêng, vì với một chính quyền thì sự bất lực trước nhiệm vụ thực tiễn luôn gắn liền với sự suy thoái về đạo đức chính trị. Dĩ nhiên trong chính trị thì không phải có tội lỗi hay sai lầm là không có tinh thần yêu nước, nên vẫn có thể nói Phan Thanh Giản là một người yêu nước ít nhất theo kiểu của ông. Trong cuộc Tọa đàm vừa qua có một số người đi sâu khẳng định Phan trên phương diện đạo đức cá nhân, nhưng điều đó không có nhiều tác dụng trong việc đánh giá các nhân vật lịch sử, nhất là một nhân vật có hành trạng chính trị phức tạp như Phan Thanh Giản. Chín chữ “Đại Nam hải nhai lão thư sinh tính Phan” như một lá đơn từ chức gởi cho người đương thời và hậu thế của ông vì thế cũng mang ý nghĩa của một biểu trưng hai mặt, hay nói như Nguyễn Đình Chiểu “Minh sinh chín chữ lòng son tạc, Trời đất từ nay bặt gió thu”, đó là sự buông xuôi của nhà chính khách bất lực mặc dù thông qua cách chuộc tội của bậc quân tử chí thành. Cái nhục mất thành mất đất của nhà Nguyễn, Phan Thanh Giản đã tình nguyện gánh chịu “Theo nghĩa thì thần phải chết, không dám tạm bợ sống mà để lại cái nhục cho quân phụ” (Di sớ). Nhưng nỗi khổ làm dân vong quốc của sĩ dân Lục tỉnh thì ông tự biết mình không sao gánh được “Minh sinh xin bỏ, nếu không xin đề Quan tài của người học trò già họ Phan ven biển nước Đại Nam, cũng lấy đó đề trên bia mộ”. Bi kịch của Phan Thanh Giản lúc còn sống vì vậy còn là sự phá sản về đạo đức của trật tự cũ, một trật tự không phản ảnh thực tiễn mà khẳng định tín điều.
Không phải chén độc dược nào cũng đắng. Năm Phan Thanh Giản bốn tuổi, Ngô Tòng Châu đã uống rượu độc tự tận ở thành Quy Nhơn. Chén rượu của Ngô được các nhà nho phù Nguyễn chống Tây Sơn đương thời ca ngợi về hiệu quả chính trị “Tận chước thuần thành thù họa loạn – Rót hết lòng thành mời họa loạn” (Lê Quang Định, Ngô Lễ bộ tửu) cũng như về ý nghĩa lịch sử “Thiên cổ công danh túy hậu hoàn – Say rồi, ngàn thuở vẹn công danh” (Trịnh Hoài Đức, Ngô Lễ bộ tửu). Còn chén độc dược của Phan Thanh Giản thì đắng ngắt nỗi đau bất lực và thất bại. Nhưng vị đắng mà chén rượu Xuân thu dành cho Phan Thanh Giản không chỉ có thế. Sau khi “nhắm mắt đi vào cơn trường dạ” (Đinh Hùng) năm 1867, ông vẫn có một cuộc đời không ngừng thăng trầm cùng vận nước. Từ bản án xử tội của triều đình Tự Đức năm 1868 tới sắc văn khai phục của triều đình Đồng Khánh năm 1885, các thế lực phi nghĩa luôn tiếp tục lợi dụng cái hành trạng chính trị đa diện và đa nghĩa này. Nhưng điều xót xa là năm 1963 giới sử học mácxít lại cường điệu sự khác biệt giữa Phan Thanh Giản với Trương Định, Nguyễn Hữu Huân mà quên đi sự khác biệt giữa ông với Trần Bá Lộc, Tôn Thọ Tường, thậm chí trong khi lẽ ra phải chống lại những kẻ lợi dụng lịch sử thì lại quay ra lên án Phan Thanh Giản... Và đến khi thấy cần sửa chữa sai lầm ấy, một nhà sử học nổi tiếng đã phải kê khai chi tiết công tội của Phan Thanh Giản theo hai hệ thống dựng nước và giữ nước như một báo cáo ưu khuyết điểm của đương sự để trình lên Ban Bí thư! Cái bi kịch sau khi chết của Phan Thanh Giản vì vậy còn là bi kịch của một hệ thống nhận thức luận và phương pháp luận sử học. Phát biểu trong cuộc Tọa đàm ngày 16.8 vừa rồi, nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng cũng nói “Một nhà sử học lớn như Trần Huy Liệu (người tổng kết cuộc Hội thảo về Phan Thanh Giản năm 1963 ở Hà Nội) không thể không biết điều đó (tức sự thành kiến với Phan Thanh Giản)”. Chính nghĩa cũng có những bất công của nó!
Chén đắng rượu Xuân thu...
***
Từ 1975 đến nay, vẫn chưa có công trình nghiên cứu mới về Phan Thanh Giản nào được xuất bản ở Việt Nam. Dĩ nhiên việc tìm hiểu Phan Thanh Giản mà trọng tâm là tấn bi kịch của ông có phải là vấn đề khoa học cấp thiết cần đưa ra vào lúc này hay không là chuyện khác, nhưng chắc chắn nó phải được tiến hành một cách thật sự khoa học, nghĩa là trên một cơ sở tư liệu chính xác, toàn diện và nhất là với một thái độ nghiêm túc và không vụ lợi. Điều này có thể sẽ giúp Phan Thanh Giản tránh được cái chết lần thứ năm trong thời hội nhập. Bởi vì Phan Thanh Giản là một bi kịch của cả lịch sử lẫn sử học trong quá khứ, nhưng nếu không nhận thức và chia sẻ được bi kịch ấy thì đó là tấn bi kịch của chính chúng ta.
Cao Tự Thanh
Tháng 8. 2003