1.
Theo Đường thi kỷ sự, khi Hoàng Sào đánh xuống miền Giang Chiết thì Bì Nhật Hưu đang là Thái thường Bác sĩ tránh loạn về ở Ngô Trung, bị Sào bắt ép phải theo. Đến cuối năm Quảng Minh thứ 1 (880) Sào đánh chiếm Trường An, xưng là hoàng đế, đặt quốc hiệu là Đại Tề, phong Nhật Hưu là Hàn lâm học sĩ, sai làm thơ sấm để tuyên truyền về “chân mệnh đế vương”. Nhật Hưu viết rằng:
慾識聖人姓,
田八二十一.
慾知聖人名,
果頭三屈律.
Dục thức thánh nhân tính,
Điền bát nhị thập nhất.
Dục tri thánh nhân danh,
Quả đầu tam khuất luật.
(Muốn biết họ thánh nhân,
Ruộng, tám, hai mươi, một.
Muốn hay tên thánh nhân,
Đầu quả có ba cục)
Tương truyền trên đầu Sào có ba cái sừng, ít tóc nên không đội được mũ mà chỉ đội được khăn, nhưng có lẽ chỉ là do xương đầu bị méo mó hoặc giả chân tóc bị nấm mốc gì đó làm cho tóc rụng nham nhở trông không được oai vũ hay anh tuấn lắm mà thôi. Có điều bấy nhiêu cũng đủ cho thấy Nhật Hưu đã sơ tâm (hoặc bất kính) mà xúc phạm tới “long đầu” tới mức nào với bài thơ chiết tự hai chữ họ tên Hoàng Sào kia: câu Điền bát nhị thập nhất là chiết tự chữ 黄 Hoaøng một cách máy móc tới mức giống như ngớ ngẩn, còn câu Quả đầu tam khuất luật chính là chữ 巢 Sào gồm chữ quả dưới chữ tai - ngoài cái nghĩa đen rất mực xấu xa ấy thì tự hình của chữ tai ở đây còn giống như một sự tả chân lối xỏ xiên về cái đầu chỗ lồi chỗ lõm không được thuận mắt như ở người thường của Thánh nhân Thiên tử Đại Tề. Cho nên Sào đùng đùng nổi giận (mà cũng chính đáng thôi) vì cho rằng bị xúc phạm nặng, bèn giết Nhật Hưu.
2.
Ở Việt Nam vốn có truyền thống sáng tác văn chương chữ Hán lâu đời, việc chơi chữ bằng tự hình cũng xuất hiện từ rất sớm. Từ bài thơ sấm “Huề đao mộc lạc, Thập bát tử thành” của sư Vạn Hạnh tuyên truyền về việc Lý Công Uẩn sẽ khai sáng nhà Lý thay nhà Tiền Lê đến bài thơ ẩn ngữ “Mâu nhi vô dịch, Mịch phi kiến tích” của Đào Duy Từ từ chối sắc phong của chính quyền Lê Trịnh, văn chương chơi chữ bằng tự hình đã thấm vào cả sinh hoạt chính trị thời phong kiến. Trong sinh hoạt xã hội, việc chơi chữ bằng tự hình chữ Hán còn đan xen, thâm nhập vào nhiều tác phẩm viết bằng chữ Nôm – tiếng Việt, chẳng hạn cuối thế kỷ XIX, Trương Vĩnh Ký từng ghi nhận những đôi câu đối như “Hai cung kêu bựt bựt, Ba xe chạy oanh oanh” chiết tự chữ bật 弼 và chữ oanh 轟. Hiện nay ở chùa Phước Tường quận 9 Thành phố Hồ Chí Minh còn giữ một đôi câu đối viết năm 1900:
Chỉnh khuông nhương, cần miễn lệ, động cù lao, quân sư phụ nhất phiên kiệt lực,
Chí trung thứ, niệm từ bi, tư cảm ứng, Nho Thích Đạo tam giáo đồng tâm.
(Sửa sấp ngửa, khuyên cố gắng, chịu khó nhọc, Quân Sư Phụ một phen hết sức,
Chí trung thứ, niệm từ bi, lo cảm ứng, Nho Thích Đạo ba giáo cùng lòng).
Về ý nghĩa thì đôi câu đối này vừa đề cao công ơn Quân Sư Phụ trong tam cương của Nho gia, vừa xiển dương tinh thần tam giáo hòa đồng của người Việt, cũng là một nét đặc biệt trong hoàn cảnh lịch sử lúc ấy. Nhưng về nghệ thuật thì nét đặc sắc của nó là chơi chữ bằng tự hình chữ Hán, vế trước có nhiều chữ viết với bộ 力 lực, vế sau có nhiều chữ viết với bộ 心 tâm. Đ?c biệ, nhân dị trùng tu chùa Giác Lâm nă 1909, sưBử Hư?ng trụtrì chùa Kiểg Phư?c đ tặg đi câu đ?i _朝朝朝朝朝拜朝朝朝拜, 齊齊齊齊齊戒齊齊齊戒 - Triêu triêu triều, triêu triêu bái, triêu triêu triều bái, Tề tề trai, tề tề giới, tề tề trai giới (Nhộn nhịp chầu, nhộn nhịp bái, nhộn nhịp chầu bái, Lặng lẽ trai, lặng lẽ giới, lặng lẽ trai giới). Điểm đặc sắc của đôi câu đối này là ở chỗ “đồng tự dị âm - dị nghĩa” với hàng loạt chữ triêu - triều và tề - trai có cùng tự hình đứng liền nhau tạo thành hai chuỗi hình ảnh tác động vào thị giác, và kết hợp với ý nghĩa, chúng làm người đọc liên tưởng tới những hàng người đang cùng nhau vái lạy, hành lễ...
Đầu thế kỷ XX, khi kính thủy tinh trở thành vật liệu xây dựng và trang trí phổ biến ở các đô thị, nhiều người đã lợi dụng đặc điểm trong suốt của nó để viết lên những câu đối gồm các chữ Hán có hai phần trái phải giống nhau, ví dụ古 臺弄 雨 華 常 重, 幽 谷 衝 寒 草 自 香 – Cổ đài lộng vũ hoa thường trọng, U cốc xung hàn thảo tự hương (Giỡn mưa đài cổ hoa thường nặng, Chống lạnh hang sâu cỏ tự thơm). Nếu viết bằng các lối chữ triện lệ và chú ý dụng công ở vài chữ thì có thể hoàn toàn đối xứng, đứng ở phía nào cũng đọc được (ảnh 1a, 1b).
Ảnh 1a Ảnh 1b
3.
Hơn mười năm trước nhân làm một quyển sách về thơ Đường cũng có dịp đọc một số tài liệu về việc chơi chữ bằng tự hình, trong đó có bài Vãn diếu của Tô Thức. Bài thơ ấy sáng tác theo lối Thần trí thể, dùng cách viết làm cho các chữ Hán dài ngắn nghiêng ngửa khác đi, lấy tự hình thay thế lời thơ. Lúc ấy còn thích những trò tiểu xảo lặt vặt nên cũng bắt chước lắp ghép vài bài, trong đó có một bài thất ngôn tứ tuyệt Thu nhật sơn hành (Mùa thu đi trong núi), xin khoe cái dở cho người đọc giải trí, vì bài Vãn diếu của Tô Thức thì có lẽ nhiều người đã biết. Suối nguồn hối bài như đòi nợ, không kịp tìm bút mực, tạm vẽ chữ bằng Photoshop nên không được như ý, xin thức giả xa gần đừng cười (ảnh 2).
Ảnh 2
Câu 1 chữ vũ nhỏ là tế vũ, chữ phong xiên là tà phong, chữ khê có bộ thủy thấp xuống là khê thiển thủy.
Câu 2 chữ vân nằm ngang là hoành vân, chữ nhạn bị đứt là đoạn nhạn, chữ hướng có chữ hương viết rời ra là hướng ly hương.
Câu 3 chữ cúc thiếu nét là cúc tàn, chữ trúc bị sứt là trúc chiết, chữ sầu có chữ thu viết ngắn là sầu thu đoản.
Câu 4 chữ thạch hở phía dưới là thạch khuyết, chữ sơn chúc về phía trước là sơn khuynh, chữ lượng có chữ lý viết dài là lượng lý trường.
細雨斜風溪淺水
橫雲斷鴈嚮離鄉
菊殘竹折愁秋短
石缺山傾量里長
Tế vũ tà phong khê thiển thủy,
Hoành vân đoạn nhạn hướng ly hương.
Cúc tàn trúc chiết sầu thu đoản,
Thạch khuyết sơn khuynh lượng lý trường.
(Mưa nhỏ gió xiên khe cạn nước,
Mây giăng nhạn đứt lối ly hương.
Cúc tàn trúc gãy buồn thu ngắn,
Đá khuyết non nghiêng ngán dặm trường).
Tháng 10. 2011