Bức Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ 竹 林 大 士 出 山 圖 do họa sư đời Nguyên Trần Giám Như 陳鑑如 sáng tác vào năm 1363 là một trong những chứng tích giao lưu văn hóa Việt - Trung1. Nhân vật trung tâm trong bức vẽ là đại sĩ Trúc Lâm, tức vua Trần Nhân Tông (1258 - 1309), người đã hai lần chặn đứng vó ngựa Nguyên Mông vào năm 1285 và 1288, nhường ngôi cho con vào năm 1293, hoàn toàn dứt bỏ cả gia tư lẫn triều chính để tu Phật từ năm 1299, đại giác và trở thành đệ nhất tổ của thiền phái Trúc Lâm ở Việt Nam. Họa phẩm của Trần Giám Như thật đáng chú ý vì lẽ nó là tác phẩm của một danh họa sống dưới một vương triều từng bị đánh bại đôi lần bởi vị Hoàng đế trong tranh; và chủ nhân của nó, Trần Quang Chỉ 陳 光 祇, có thể là một hậu duệ nhà Trần, chưa rõ vì lẽ gì đã lưu lạc đến Hoa Hạ và định cư tại đây. Bức tranh không chỉ khắc họa một sự kiện lịch sử - đại sĩ Trúc Lâm xuống núi sau khi giác ngộ, mà còn yết lộ chân dung của Thượng hoàng Trần Nhân Tông và cả con của ngài, Hoàng đế Trần Anh Tông (1267 - 1320), những chân dung vốn rất hiếm hoi trong di sản nghệ thuật còn bảo tồn được ở Việt Nam2. Tuy chưa có điều kiện thưởng ngoạn trực tiếp tác phẩm nghệ thuật này, nhưng nhờ vào các lời bình dẫn trong cuộn tranh được in lại trong bộ Thạch cừ bảo cấp bí điện châu lâm tục biên 石 渠 寶 笈 秘 殿 珠 林 續 編 (gọi tắt là Thạch cừ bảo cấp)3 , trước mắt vẫn có thể hình dung được phần nào thần thái của bức tranh, cũng như biết thêm được các thức giả đời Minh (1367 - 1643) đã tiếp nhận và diễn giải bức vẽ trên như thế nào.
Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ -
Quy cách đại lược
Theo thông lệ chung của cả bộ sách, Thạch cừ bảo cấp miêu tả sơ lược quy cách hình thức của cuộn tranh:
“Tranh vẽ trên giấy hoa tiên, ngang 8 thốn 8 phân (khoảng 0,3m), dài 9 xích 6 thốn (khoảng 3m), vẽ rõ chuyện quốc vương An Nam Trần Khâm nhường ngôi, rồi sau xuống núi.
Khoản: Mùa xuân niên hiệu Chí Chính năm thứ 23 (1363), Trần Giám Như viết4.
Dẫn thủ: Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn chi đồ - (dấu triện:) “Trung thư xá nhân Thạch Điền Trần Đăng”. (Đóng 3 dấu) “Ngọc Đường Thanh Hạ”, “Trần Đăng chỉ ấn”, và "Tư Hiếu”5.
Tiếp theo sau bức tranh: “Lời đề bạt của tiền nhân".
Tác giả các lời bình dẫn trong cuộn tranh Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ
Trước khi đọc các lời bình dẫn, biết qua danh sách tác giả của các lời giới thiệu, luận bàn này hẳn cũng là một điều thiết yếu. Thạch cừ bảo cấp cho biết đại lược về các tác giả như sau:
1. Trần Quang Chỉ: (xem bài dẫn 1).
2. Dư Đỉnh: người Tinh Tử, đỗ Tiến sĩ năm Giáp Thân (1404) dưới triều Vĩnh Lạc, làm quan đến chức Hàn lâm thị giảng. Bài ký viết năm Vĩnh Lạc 18 (1420).
3. Tăng Khải: tự là Tự Khải, người Vĩnh Phong, Cát An; đỗ Tiến sĩ đệ nhất năm Giáp Thân (1404) dưới triều Vĩnh Lạc, làm quan đến chức Thiếu đảm sự, có viết bộ Sào tiệp tập. Bài kệ tán viết năm Vĩnh Lạc 18 (1420).
4. Lâm Phục: còn có tên là Phục Chân, tự Cương Bá, người Thường Nhiệt. Vốn là một Đạo sĩ ở Long Hổ Sơn, từng tham gia biên tu bộ Vĩnh Lạc đại điển. Bài thất ngôn luật thì không ghi năm, tháng.
5. Sư Bạc Hiệp: tự Nam Châu (Xuyên ?), người Sơn Âm, nguyên là một nhà sư từ Thượng Thiên Trúc (ấn Độ); giữ chức Tả thiện thế dưới triều Hồng Vũ (1368 - 1398), có viết bộ Vũ hiên tập. Theo Trịnh Hiểu, Bạc Hiệp xuống tóc cho Kiến Văn Quân (tức Huệ Đế của Minh triều, 1399 - 1402), Minh Thành Tổ biết được, bèn bắt giam nhà sư. Sau, nhờ có Diêu Quảng Hiếu cứu oan. Bài tán ghi năm Vĩnh Lạc 21 (1423).
6. Đàm Giá Thoái Ân Nhật Đông sa môn Đức Thủy: sau bài tán tụng có đóng bốn dấu: “Tịnh tiến tràng”, “Kim cương thất", “Vô Trúc đạo nhân”, và “Thích Đức Thủy". Bài tán viết năm Vĩnh Lạc Quý Mão (1423).
7. Kim Môn ngoại sử Viên Chi An: Bài thất ngôn luật thi không ghi năm, tháng.
8. Dự Chương Ngô Đại Tiết: Bài thất ngôn luật thi không ghi năm, tháng.
9. Tây Bích: sau bài thất ngôn luật thi có đóng 3 dấu “Huy trần hiên”",Tây Bích", “Ngũ thập tứ đại Thiên sư chương”.
Dẫn, Bình, Tán trong
Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ
Các bài dẫn, bình, tán trong cuộn tranh khá dài, ở đây chỉ dịch toàn văn bài dẫn thuật của Trần Quang Chỉ, và trích dịch bài ký của Dư Đỉnh. Xin xem các phần còn lại trong bản chụp nguyên bản Hán văn kèm theo bài viết này.
1. Bài dẫn của Trần Quang Chỉ, “Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn chi đồ” (Tranh Đại sĩ Trúc Lâm xuống núi).
Phiên âm: Đại sĩ nãi An Nam quốc vương Trần Hoảng chi tử, húy Khâm, kế kỳ phụ vị, vương kỳ quốc. Hậu xả vị xuất gia, hiệu Trúc Lâm đại sĩ.
Đản sinh chi sơ, phụ vương mộng Thượng đế tích dĩ bảo kiếm. Sinh nhi dĩnh ngộ, nhật tụng vạn ngôn. Cập trưởng, học thông tam giáo nhi thâm ư Thích điển. Chí ư thiên văn, lịch số, binh pháp, y dược, âm luật, mạc bất giai tạo kỳ khổn việt. Kỳ trị quốc dĩ nhân, kỳ sự Trung Quốc dĩ thành. Ngộ quần thần như thủ túc, phủ bách tỉnh như xích tử. Khinh hình, bạc phú, tín thưởng, tất phạt.
Niên du tứ thập, siêu nhiên hữu xuất trần chi chí. Nãi truyền quốc ư thế tử, nhập Vũ Lâm động tu đạo. Phục tăng già y, trúc am vu Yên Tử sơn đỉnh. Cư lục niên bất há, thảo y, mộc thực, cứu khổ, tích hạnh, cụ tu chư độ. Hậu nãi phóng tình khâu hác, biến du quốc nội danh sơn, thắng cảnh, kim giai hữu tích ngân, bút tích lưu yên. Thời hữu Trung Quốc Đạo sĩ Lâm Thời Vũ, diệc tương tòng Đại sĩ, vãng lai chư phương. Hữu thời viễn du, hóa độ lân quốc. Nam chí vu Chiêm Thành, khất thực thành trung. Kỳ vương tri chi, trí kính yêu thỉnh, tận lễ trai cung. Nhưng cụ dư hoàng nghi trượng, thân tống hồi quốc. Phục quy nhị châu địa, dĩ vi cung dưỡng chi tư, kim Thuận Châu, Hóa Châu, thị dã. Ký hồ mạt niên, hành bất thừa dư, thủ bất đới lạp, hình dung khô cảo, nạp bào lam lũ. Quốc dân kiến chi, mạc tri kỳ vi vương dã.
Đại sĩ Thiền tông, bản xuất Đường Thần Hội đại sư chi duệ. Tiên thị quốc trung Thiền học vị quảng, chí Đại sĩ nhi tông môn đại hưng, cố nhất quốc truy lưu cộng thôi vi sơ tổ. Kỳ sở trước thuật hữu Thiền lâm thiết chủy, Đại hương hải ấn, Thạch thất mị ngữ đẳng tập, truyền vu Giao Chỉ. Đệ tử Pháp Loa thâm đắc Đại sĩ pháp túy, tự vi đệ nhị tổ, hiệu Phổ Huệ tôn giả, y bát ký truyền chi hậu.
Nhất nhật ư Yên Tử sơn Ngọa Vân am, hội đại chúng nhi ngôn viết: “Ngô thế tử, pháp tử dĩ giai đắc nhân, ngô hà vi cửu trú thế tai?”. Toại mộc dục cánh y, nhập thất đoan tọa, am nhiên nhi hóa, thời niên ngũ thập hữu cửu. Di chúc thị giả bảo sát bất dụng quan kham, ư kỳ am nội tích tâm vi tí nhi trà tì yên. Tức hữu ngũ sắc thần quang, cánh dạ bất tán. Thời Pháp Loa sở cư cận cách nhất sơn, vọng kiến kỳ quang, tri Đại sĩ nhập diệt, bồ bặc nhi lai, hưng bảo sát, phụng thu hương cốt xá lợi nhập vương phủ. Khốc lâm chi thời, vương tôn Oanh thượng ấu, thị lập sảo viễn, xá lợi nhất lạp hốt phi nhập kỳ tụ trung, cái thị truyền tự chỉ ý. Hậu Oanh quả tự vị. Quốc nhân kiến kỳ linh cảm, biến xứ Phật sát giai tôn phụng, cung dưỡng. Kỳ đảo giả vô bất hưởng ứng. Đại sĩ sự tích dĩ hữu Truyền đăng lục bị tái. Giao Chỉ nhân thượng năng truyền thuật.
Nhân kiến thị đồ, cảm thuật nhất nhị đại khái, thư ư kỳ tả, thứ cụ nhân giả quan chi, sử Đại sĩ chỉ công hạnh bất mẫn ư thế dã.
Vĩnh Lạc thập bát niên, tuế tại Canh Tý, thượng nguyên nhật. Lô Giang học Phật đạo giả Trần Quang Chỉ, Tích Phú tái bái cẩn chí (thức).
(Kiếm ấn tam:) Tích Phủ, Tố Hiên, Khấu ân Tử.
Dịch nghĩa: Đại sĩ là con của Trần Hoảng, quốc vương An Nam ngày trước. Ngài húy Khâm, kế nghiệp cha xưng vương bản quốc; sau, nhường ngôi, xuất gia, hiệu là Trúc Lâm Đại sĩ.
Trước khi đản sinh, phụ vương ngài mộng thấy Thượng đế ban cho thanh bảo kiếm6. Ngài bẩm sinh thông minh xuất chúng, mỗi ngày đọc đến vạn chữ. Khi trưởng thành, ngài học thông tam giáo, nhưng tinh thâm độc xuất ở kinh điển nhà Phật. Đến như thiên văn, lịch số, binh pháp, y dược, âm luật, môn nào ngài cũng tinh thâm. Ngài trị quốc với lòng nhân, bang giao với Trung Quốc bằng chữ thành, đãi ngộ quần thần như chân, tay, vỗ an muôn dân như con đỏ. Ngài giảm nhẹ hình phạt, thu thấp thuế khóa, thưởng phạt nghiêm minh.
Tuổi ngoài 40, ngài bỗng có chí xuất gia, bèn truyền quốc đồ cho con, vào động Vũ Lâm tu trì, mang áo tăng già, dựng am trên đỉnh non Yên Tử, ở liền 6 năm không hạ sơn. Ngài mặc áo cỏ, ăn quả cây, cần lao, khổ cực, tích lũy đạo hạnh, tu tập đủ các phép độ trì7. Về sau, ngài mặc tình ngao du khắp chốn, vui chơi danh sơn, thắng cảnh trong nước: nay, các nơi đều còn dấu tích trượng, nét bút đề của ngài. Thuở ấy có Đạo sĩ Trung Quốc là Lâm Thời Vũ, tháp tùng Đại sĩ, thăm thú các nơi, có lúc viễn du, giáo hóa, tế độ cả các nước láng giềng. Các ngài đi về phương nam, đến tận Chiêm Thành, khất thực ở kinh đô.8 Vua nước ấy biết chuyện, hết lòng tôn kính thỉnh mời, trai giới cung dưỡng vô cùng hợp lễ, ngoài việc cho thuyền lớn với quân binh hộ vệ, thân hành tiễn biệt ngài về nước, lại còn giao hoàn đất của hai châu, xem đó là phần tư cấp cung dưỡng: nay ấy là châu Thuận và châu Hóa vậy9. Cho đến những năm cuối đời, ngài đi chẳng dùng xe, nắng không mũ nón, hình dung khô gầy, áo quần lam lũ, con dân trong nước gặp ngài, chẳng ai biết được đấy là vua.
Thiền tông của Đại sĩ gốc từ hậu duệ của Đại sư Thần Hội đời Đường10. Thuở trước, Thiền học ở nước này phổ biến còn chưa rộng, đến thời Đại sĩ tông môn mới hưng khởi. Thế nên tăng đồ cả nước đều suy tôn ngài là sơ tổ. Các trước tác của ngài gồm các tập Thiền lâm thiết chủy, Đại hương hải ấn, Thạch thất mị ngữ lưu truyền ở Giao Chỉ. Đệ tử Pháp Loa lĩnh hội được tinh túy giáo pháp của Đại sĩ, kế nghiệp ngài, thành vị tổ thứ hai, hiệu là Phổ Huệ tôn giả, y bát tiếp tục truyền mãi về sau.
Một hôm, khi đang ở am Ngọa Vân trên núi Yên Tử, ngài tập hợp mọi người lại và bảo: “Con ta và Phật tử trong nước nay đã nên người, còn ta sao cứ mãi ở thế trần?”. Ngài bèn tắm gội, thay y phục, vào tĩnh thất ngồi ngay ngắn, hồi lâu rồi hóa. Khi ấy, ngài thọ 59 tuổi11.
Đại sĩ di chúc cho thị tòng, dặn rằng Phật tự không dùng đặt áo quan, nên chất cỏ trong am làm củi mà hỏa táng nơi ấy. [Khi hỏa thiêu], có thần quang ngũ sắc, chiếu sáng suốt đêm chẳng tan. Lúc đó, chỗ Pháp Loa cư trú chỉ cách nơi hỏa táng một ngọn núi, sư trông thấy vầng sáng, biết là Đại sĩ đã nhập diệt, bèn thất thểu tìm đến, dựng lại chùa Phật, phụng thu hương cốt xá lợi mang về vương phủ. Trong lúc thương khóc vong linh, vương tôn Oanh còn nhỏ, đứng hầu khá xa, mà xá lợi một viên bỗng nhiên bay vào tay áo người, tựa như biểu thị ý truyền tự. Về sau, Oanh quả nối vương nghiệp. Quốc dân thấy chuyện linh cảm này, khắp chốn trong đất Phật đều tôn phụng, cung dưỡng ngài. Những người cúng bái, cầu xin ai cũng được ứng đáp. Sự tích Đại sĩ đã có Truyền đăng lục ghi chép đầy đủ12, và người Giao Chỉ vẫn còn truyền thuật.
Tôi nhân được thấy tranh, cảm thuật đôi điều đại khái, viết ở bên trái bức họa, để các bậc toàn tri xem, khiến cho công nghiệp, đức hạnh của Đại sĩ không bị mai một.
Viết ngày 15 tháng giêng, năm Canh Tý, niên hiệu Vĩnh Lạc thứ 18 (1420).
Kẻ học đạo Phật ở sông Lô13 Trần Quang Chỉ, tự Tích Phủ, tái bái và cẩn chí. (Đóng 3 dấu): Tích Phủ, Tố Hiên, và Khẩu Ân Tử.
2. Trích dịch bài ký của Dư Đỉnh: Các chi tiết lịch sử liên quan đến Trần Nhân Tông trong bài của Dư Đỉnh không có gì mới, chủ yếu chỉ dựa vào dẫn thuật của Trần Quang Chỉ và An Nam chí lược của Lê Tắc. Đáng chú ý nhất trong ký lục của Dư chính là các miêu tả chi tiết về bức tranh.
Phiên âm: (...) Giao Chỉ học Phật giả Trần Quang Chỉ thị trì Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ trưng dư vi ký.
(...) Kim kỳ đồ nãi mạo kỳ tự Vũ Lâm động xuất du thời dã. Đại sĩ thừa đâu tử, nhi sở tòng giả giai ý nạp. Bạch tượng đà kinh tốt tại hậu. Tượng chi tiền hữu hoàng quan thừa ngưu giả, tắc sở vị Đạo sĩ Lâm Thời Vũ. Kỳ cung nghênh ư đạo giả vi Đại sĩ chi tử giám quốc giả dã.
(...) Vĩnh Lạc thập bát niên, long tập Canh Tí, xuân nhị nguyệt, vọng nhật15, Hàn lâm tu soạn nho lâm lang, đồng tu quốc sử Khuông sơn Dư Đỉnh ký.
(Kiềm ấn tử:) Khẩu Cao, Tốn Am, Dư Đỉnh Chính An chi chương, Ngọc Đường Thanh Hạ).
Dịch nghĩa: (...) Trần Quang Chỉ, người Giao Chỉ học Phật, cầm bức Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ đến cho tôi xem, và yêu cầu tôi viết bài ký.
(...) Nay bức họa miêu tả lúc ông [Trần Nhân Tông] từ động Vũ Lâm xuất du. Đại sĩ ngồi trên cáng, còn các tùy tùng đều khoác áo tăng. Voi trắng chở kinh đi ở sau cùng. Phía trước voi có người đội mũ vàng, cưỡi trâu, ấy hẳn là Đạo sĩ Lâm Thời Vũ. Cung nghênh trên đường chính là con của Đại sĩ, người nối ngôi, thay cha trị nước.
(...) Hàn lâm tu soạn nho lâm lang, kiêm tu quốc sử Khuông Sơn Dư Đỉnh viết vào mùa xuân, 15 tháng 2 năm Canh Tý, niên hiệu Vĩnh Lạc thứ 18 (1420).
(Đóng 4 dấu:) “Khẩu Cao", “Tốn Am", “Dư Đỉnh Chính An chi chương", và “Ngọc Đường Thanh Hạ”.
Đôi điều ghi nhận
Điều đáng nói trước tiên là sự hiện diện của 3 nhân vật họ Trần có liên quan đến Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ: Trần Giám Như, Trần Đăng, và Trần Quang Chỉ. Căn cứ vào những bài bình, tấu trong cuộn tranh, có thể kết luận rằng vào khoảng 1420 họa phẩm mới trở thành sở hữu của Trần Quang Chỉ, người sông Lô. Trước đó, tranh thuộc về Trần Đăng. Không rõ Trần Đăng làm chủ bức tranh từ khi nào, ngay sau khi Giám Như hoàn thành tác phẩm (1363), hay phải đợi đến vài năm sau đó ? Lời Dư Đỉnh trong bài bình, “Người Nam Giao vẽ lại sự kiện nhất thời, và hoan hỉ truyền xem", nên được giải thích như thế nào? Giám Như vẽ theo “đơn đặt hàng” hay cảm kích đạo hạnh của Đại sĩ mà sáng tác ? Nếu vẽ theo yêu cầu thì ai là người đặt vẽ ? phải chăng là Trần Đăng ? Nếu Trần Đăng yêu cầu Giám Như vẽ, hẳn sẽ phải đặt câu hỏi về động cơ và gốc tích của nhân vật này: phải chăng Trần Đăng là người Nam Giao như Dư Đỉnh đã nêu trong bài tựa ? Ngay cả quốc tịch của Giám Như cũng đáng nghi vấn: Đồ hội bảo giám không gọi ông là Hàng Châu nhân (người Hàng Châu), mà chỉ nêu là cư Hàng Châu (sống ở Hàng Châu). Phải chăng họ ít nhiều có liên hệ đến một bộ phận tông thất nhà Trần tán lạc sang Trung Hoa ? Ngay các thời điểm sáng tác, thỉnh cầu đề tranh cũng đáng chú ý. Bức họa được hoàn thành vào đầu thập niên 60 của thế kỷ 14, một thập niên đánh dấu sự suy sụp của nhà Nguyên và sự khởi đầu của Minh triều14. Dù rằng trong bài dẫn của Trần Quang Chỉ không hề nhắc đến những chiến tích hào hùng thắng Nguyên Minh của Trần Nhân Tông, ngay trong lớp áo tăng già, hình ảnh của vị Hoàng đế nước Nam này vẫn gợi lên những năm tháng hào hùng, bất khuất, không thể nào phai trong tâm não người dân Việt. Các lời bình tán trong cuộn tranh hầu hết được viết trong khoảng 1420 - 1423, những năm đầu thập niên 20 của thế kỷ 15 khi nhà Minh đã xác lập xong ách thống trị ở Việt Nam, nhưng cũng chính là lúc nghĩa quân Lam Sơn gian khổ, kiên cường chống quân xâm lược15.
Thứ đến là sự hiện diện của Đạo sĩ Trung Hoa Lâm Thời Vũ, không được sử sách ở ta đề cập đến, nhưng lại được khắc họa trân trọng trong tranh với hoàng quán (mũ vàng)16. Lâm thừa ngưu đúng theo mẫu Lão Tử tiêu dao trên lưng trâu17. Thế nên, không lạ gì khi thấy bức họa được cả cao tăng (Bạc Hiệp, Đức Thủy) lẫn Đạo sĩ (Lâm Phục, Tây Bích) bình tán. Đáng chú ý là Đức Thủy dường như tu tập cả Phật giáo lẫn Đạo giáo (xưng là Vô Trúc đạo nhân), và Tây Bích là hậu duệ đời thứ 54 của Thiền sư Trương Đạo Lăng đời Đông Hán. Một Đạo sĩ Trung Quốc tháp tùng Trúc Lâm đệ nhất tổ vân du là một sự kiện bất ngờ, cần được lý giải. Dung hợp tôn giáo đa dạng đầu đời Trần dường như vẫn là một đề tài chưa được triệt để khai thác.
Sưu tầm lại bức Trúc Lâm Đại sĩ xuất sơn đồ (cho dù chỉ ở dạng phiên bản) là ước nguyện có lẽ không chỉ riêng của người viết bài này.
CHÚ THÍCH
1. Cổ đại Trung Việt quan hệ sử tư liệu tuyển biên 2 tập. Trung Quốc Xã hội khoa học viện, Lịch sử ,古 代 中 越 關 係 史 資 料 選 編 nghiên cứu sở, “Cổ đại Trung – Việt quan hệ sử tư liệu tuyển biên” biên tập tổ thực hiện, Trung Quốc Xã hội khoa học xuất bản xã, Bắc Kinh, 1982, tập 1, tr.286 - 287. Bức họa vốn được bảo tồn tại cung Càn Thanh, thuộc Cố cung bác vật viện ở Bắc Kinh (xem Thạch cừ bảo cấp... Quốc lập cố cung bác vật viện, 1971, tr.118 - 121).
2. Hiện chỉ còn một đôi bức họa về Trần Nhân Tông còn sót lại, ví như trong Tam Tổ thực lục và Thiền uyển truyền đăng lục.
3. Xem chú thích 1.
4. Theo Đồ hội bảo giám 圖 繪 寶 鑑 , tập 5, trong ảnh ấn Văn uyên các tứ khố toàn thư tử bộ, 120. “Nghệ thuật loại”, Đài Loan Thương vụ ấn thư quán: “Trần Giám Như sống ở Hàng Châu, giỏi về truyền thần, danh họa hàng đầu của quốc triều. Con ông là Chi Điền có thể nối nghiệp cha, (tr.14a).
5. Theo Thạch cừ bảo cấp, Trần Đăng tự là Tư Hiếu, người Trường Lạc. Dưới thời Vĩnh Lạc, ông giữ chức trách 10 năm trong Hàn lâm, sau được đề bạt Trung thư xá nhân. Nếu căn cứ vào phần “Dẫn thủ”, Trần Đăng chính là người sở hữu bức tranh. Thế nhưng bài dẫn Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ lại cho thấy bức tranh thuộc về Trần Quang Chỉ. Hiện chưa rõ Trần Đăng và Trần Quang Chỉ quan hệ như thế nào, và vì sao tác phẩm của Trần Giám Như sau lại về tay Trần Đăng và Trần Quang Chỉ.
6. Đại Việt sử ký toàn thư không hề nhắc gì đến việc tặng kiếm. Tuy nhiên, điềm lành này lại ứng vào đản sinh của Trần Thánh Tông 陳 聖 宗 (1240 - 1290, cha của Trần Nhân Tông). Theo Đại Việt sử ký toàn thư, bản in Nội các quan bản (1697), tập 2, Hoàng Văn Lâu dịch và chú thích, Nxb. KHXH, H. 1993: “Nhân Thái Tông chiêm bao thấy Thượng đế trao cho gươm báu, Hậu có mang” (tr.30). Tam Tổ thực lục nối kết giấc mơ trao - nhận gươm với Hoàng hậu Nguyên Thánh, mẹ vua Trần Nhân Tông: “Khi xưa, Nguyên Thánh Hoàng thái hậu từng mộng thấy thần nhân trao cho hai thanh kiếm, bảo rằng: “Thượng đế có dạy, để mặc ngươi tự chọn”. Hoàng hậu bất giác mừng rỡ tột cùng, ngẫu nhiên chọn được thanh gươm ngắn, nhân đó có mang. Trong những tháng dưỡng thai, Hậu không hề kiêng cữ, vào bếp ăn theo sở thích, mà thai cũng không thương tổn. Hoàng hậu biết rằng ấy là có thần linh phù trợ”. (Xem Hà Nội Viễn đông Bắc cổ học viện hộ 河 內 遠 東 博 古 學 院 護 刊, Việt Nam Phật điển tùng san 越 南 佛 典 叢 刊 , Trần triều dật tồn Phật điển lục, Hà Nội Bắc Kỳ Phật giáo tổng hội 河 內 北 圻 佛 教 總 會 Hanoi. 1943. “Yên Tử sơn đệ nhất tổ - Trúc Lâm Đại sĩ thực lục 安 子 山 第 一 祖 竹 林 大 士 實 錄 ... , tr.1a-1b). Có thể diễn giải giấc mộng tặng kiếm theo những cách khác nhau. Nếu như giấc mơ ấy chỉ xảy đến riêng với Nguyên Thánh Hoàng thái hậu, mẹ của vua Nhân Tông, có thể xem đấy như điềm báo trước chiến công hiển hách của Trần Nhân Tông trong cuộc kháng chiến xua bạt trận cuồng phong Nguyên Mông sau này (như Nguyễn Duy Hinh đã từng suy giải ở “Tìm hiểu ý nghĩa xã hội của phái Trúc Lâm thời Trần” trong Viện sử học, Tìm hiểu xã hội Việt Nam thời Lý - Trần, Nxb. KHXH, H. 1980, tr.651). Thế nhưng giấc mộng ấy dường như ứng vào với nhiều người, ngay cả những người không liên quan gì đến “kiếm, cung". Như trên đã nêu, điềm lành bảo kiếm ứng vào đản sinh Trần Thánh Tông, và không chỉ thế thôi, cũng chính điềm báo này sau lại ứng vào đản sinh Pháp Loa. Cũng theo Tam Tổ thực lục, trước khi hạ sinh Pháp Loa, “Bà họ Vũ, mẹ của sư, đêm nằm mộng thấy dị nhân tặng cho thần kiếm, mừng rỡ bèn ôm vào lòng, nhân 師 母 武 氏 ,夜 夢 異 人 , 授 以 神 劍 , 喜 而 懷 之 , 覺 乃 娠 ” (tr.16a). Do đó có mang vậy cũng có thể nghĩ đến ý nghĩa tôn giáo của giấc mơ. Thanh gươm có thể gợi nhớ “trí kiếm” 智 劍 (khadga), biểu tượng của trí tuệ thanh tĩnh. Mật tông phân biệt hai loại “trí kiếm”: lợi kiếm 利 劍 sắc nhọn trừ tà ma và bảo kiếm 寶 劍 hình cầu tròn thường được các bậc bồ tát sử dụng. Xem Phật quang đại tự điển 佛 光 大 辭 典 (ấn bản 1989) tr.5031.
7. Pàramità 波 羅 密 多 (hay độ) để đạt đáo bỉ ngạn (sang bờ bên kia, bờ Niết Bàn). Có thể kể ra thập độ: 1.Bố thí, 2.Trì giới, 3. Nhẫn nhục, 4. Tinh tiến, 5. Thiền định, 6. Trí tuệ, 7. Phương tiện độ, 8. Nguyện độ, 9. Lực độ, và 10. Trí độ.
8. Đại Việt sử ký toàn thư (sđd.): “[Năm 1301] Tháng 3, Thượng hoàng vân du các nơi, sang Chiêm Thành". (tr.86).
9. Đại Việt sử ký toàn thư: “[Năm 1306] Mùa hạ, gả công chúa Huyền Trân cho chúa Chiêm Thành là Chế Mân. Trước đấy, Thượng hoàng vân du sang Chiêm Thành, đã hứa gả rồi". (tr.90); Năm 1307, “Mùa xuân, tháng giêng, đổi hai châu Ô, Lý thành châu Thuận và châu Hóa. (...) Trước đấy chúa Chiêm Thành Chế Mân đem đất hai châu đó làm lễ vật dẫn cưới, nhưng người các thôn La Thủy, Tác Hồng, Đà Bồng, không chịu theo". (tr.91).
10. Theo Phật quang đại từ điển (sđd.), Thần Hội 神 會 (668 - 760) tham yết Lục Tổ Tuệ Năng 慧 能 (638 - 713) năm 13 tuổi, sau thành tổ sư Hà Trạch tông 荷 澤 宗. Ông hoằng dương Nam tông của Lục Tổ, chủ trương “đốn ngộ, kịch liệt công kích “Bắc tông” của Thần Tú 神 秀 (600 - 706). Hiển tông ký 顯 宗 記 (745) của ông biện biệt lưỡng tông Nam - Bắc, Nam đốn, Bắc tiệm 南 頓 北 漸 (tr. 4255 - 4256). Theo Lược dẫn thiền phái đồ 略 引 禪 派 圖... “Đạt Ma vào Đông độ (Trung Hoa) truyền cho đại sư Thần Quang, rồi sáu đời xuống đại sư Thần Hội. Chính trong khoảng thời gian ấy chánh pháp Thiền vào nước ta, không biết người nhận lãnh đầu tiên là ai, chỉ biết từ Thiền sư Thiền Nguyệt truyền cho Nguyễn Thái Tôn, (...) sau đó lần lượt trao truyền nữa, nhưng tên tuổi các ngài lúc ẩn lúc hiện, khó nhận ra manh mối". Căn cứ theo Nguyễn Tự Cường, Zen in Medieval Vietnam (Thiền ở Việt Nam thời trung đại), University of Hawai’s Press, Honolulu, 1997: “Đến cuối đời Đường (618 - 907) ưu thế của Thiền lên cao đến độ đối với phần lớn trí thức Phật giáo gần như đồng nhất với Thiền", (tr.55) và “Trên thực tế, thậm chí vào thời Thần Hội, Thiền “đốn ngộ” của ông đã bắt đầu khiêu chiến với các phái khác của Phật giáo “Trung Hoa” (tr.350, chú 99). Có thể những điều này phần nào là cơ sở cho việc nhìn nhận sự hưng thịnh của Thiền tông Việt Nam khởi đi từ Thần Hội.
Bản Lược dẫn cũng kể rằng, “Bản lục này [tức Thượng sĩ ngữ lục] là do đại đức Tiêu Dao nói cho Thượng sĩ Huệ Trung; rồi Thượng Sĩ nói cho Điều Ngự Giác Hoàng...". Mặt khác, Tiêu Dao có thể là một Thiền sư Trung Hoa: “Vừa đến nước ta, Ngài đã “thoát thể vô y”, cầm cần câu không lưỡi vào kinh thành...". Các phần trích Lược dẫn là từ Thượng sĩ Huệ Trung, Ngữ lục, Trúc Thiên dịch, Tu thư đại học Vạn Hạnh, 1968.
11. Theo Đại Việt sử ký toàn thư (sđd.), Trần Nhân Tông “ở ngôi 14 năm, nhường ngôi 5 năm, xuất gia 8 năm, thọ 51 tuổi". (tr.44).
12. Truyền đăng lục 傳 燈 錄... nêu ở đây có lẽ không phải là Cảnh Đức truyền đăng lục 景 德 傳 燈 錄 Kết quả tra cứu Đại tạng kinh sách dẫn 大 藏 經 素 引 (tập 28 - 29, Tân văn phong xuất bản công ty ảnh ấn), không hé lộ một chi tiết nào về Trần Nhân Tông. Hành trạng của vị sơ tổ Thiền phái Trúc Lâm này có thể đọc ở Thánh đăng bảo lục 聖 燈 寶 錄 vốn được biên soạn dưới đời Trần. Trần Quang Chỉ có thể đã nhầm lẫn giữa tựa sách và thể loại “truyền đăng”. Cũng nên nhắc thêm rằng ở cuối bản hành trạng của Trần Nhân Tông trong Tam tổ thực lục, có một chú thích liệt kê các trứ tác của sơ tổ, trong đó có nhắc rằng sách Thạch thất mị ngữ tập 石 室 寐 語 集 của ông được chép chung vào Đại tạng và cho lưu hành” (xem Tam tổ thực lực trong Việt Nam Phật điển tùng san, sđd, tr. 14b). Thêm vào đó, bộ Cảnh Đức truyền đăng lục cũng là một giáo tài trọng yếu của cả Trần Nhân Tông lẫn Pháp Loa. Có thể kể ra đây một vài ví dụ: tháng 4 năm Mậu Thân (1308), Đại sĩ đến chùa Vĩnh Nghiêm ở Lạng Giang và giảng Truyền đăng lục ở đấy. Kế đến, ngài dời về am Tử Tiêu, giảng riêng Truyền đăng lục cho Pháp Loa. Pháp Loa cũng thường giảng Truyền đăng lục, như các lần năm 1311 và 1318 tại chùa Siêu Loại và Thường Lạc (xem Tam tổ thực lục, sđd., tr. 9a, 9b, 21a-b, và 33b). Vậy nên cũng không loại trừ khả năng là thực lục của Trần Nhân Tông đã được chép vào một ấn bản Truyền đăng lục san khác và lưu hành tại Việt Nam, và đấy chính là nguyên nhân vì sao Trần Quang Chỉ nhắc đến hành trạng của Trúc Lâm đệ nhất tổ trong Truyền đăng lục.
13. Chú thích về các tác giả có bài bình, tán trong bức tranh viết rằng: "Sông Lô là một tên khác của sông Phú Lương".
14. Theo Phan Khoang, Trung Quốc sử lược, in lần thứ ba, Hồng Phát, Saigon, 1958: “Bấy giờ Lưu Phúc Thông khởi binh ở Định Châu tao nhiễu miền bắc; Trương Sĩ Thành cứ đất Ngô, Trần Hữu Lương cứ Giang Châu, Chu Nguy ên Chương cứ Tập Khánh, tao nhiễu phương nam; thế mà vua Thuận Đế thì càng dâm loạn (...) Chu Nguyên Chương thừa cơ hội ấy, đánh diệt được các hào kiệt kia, rồi năm 1368 sai Từ Đạt, Thường Ngộ Xuân lên bắc, đánh đuổi quân Nguyên, vây kinh thành. Vua Thuận Đế, các hậu phi, và Thái tử bỏ chạy. Chu Nguyên Chương bèn lĩnh toàn bộ Trung Quốc, lên ngôi Hoàng đế, (...) ấy là vua Minh Thái Tổ" (tr. 228 - 229).
15. Theo Viện sử học, Biên niên lịch sử cổ trung đại Việt Nam (từ đầu đến giữa thế kỷ XIX), Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1987: “[1420] Bình Định vương Lê Lợi đóng quân ở Ba Lẫm, Lỗi Giang (Thanh Hóa) tổ chức đánh úp và phá được giặc Minh ở trại Quan Du (Thanh Hóa); [1421] nghĩa quân Lam Sơn đánh bại hơn 10 vạn quân Minh xâm lược ở úng Ai (Thanh Hóa) và đánh tan hơn 3 vạn quân Ai Lao sang ứng chiến cho giặc Minh; [1423] giặc Minh ước hẹn với Ai Lao đem đại quân tiến đánh căn cứ Quan Du của nghĩa quân Lam Sơn, nghĩa quân rút lên Sách Khôi. Giặc đuổi theo lên Sách Khôi, nghĩa quân quyết chiến giết chết tướng giặc Phùng Quý và hơn một nghìn tên giặc, bắt được 100 con ngựa. (...) Nghĩa quân rút về Chí Linh, bị giặc vây khốn hơn hai tháng" (tr.246).
16. Thơ của Đường Cầu 唐 求 (đời Đường) Đề Thanh thành sơn Phạm Hiền quán 題 青 城 山 范 賢 觀 có câu, “Sổ lý duyên sơn bất yếm nan, Vị tầm chân quyết vấn hoàng quan 數 里 緣 山 不 \厭 難 , 為 尋 真 訣 問 黃 冠 (Vài dặm núi quanh chẳng ngại ngần, Để tìm chân quyết hỏi hoàng quan). Xem Hán ngữ đại từ điển 漢 語 大 詞 典 (tức ấn bản, 3 quyển), Hán ngữ đại từ điển xuất bản xã, Thượng Hải, 1997, quyển 3, tr.7534.
17. Một số tranh “Lão Tử cưỡi trâu” thường thấy là các bức của Triều Bổ Chi 晁 補 之 (1053 - 1140) và Trương Lộ 張 路 (1464 - 1508). Xem Lão Tử Đạo đức kinh Quốc văn giải thích. Hạo Nhiên Nghiêm Toản dịch thuật, 2 tập, Khai Trí, Saigon, tập 1: 1971, tập 2: 1973./.