Đã có nhiều công trình khảo cứu nêu bật ảnh hưởng Tiễn đăng tân thoại của Cù Hựu (1347-1433) đời Minh đối với văn học truyền kỳ ở Đông Á (bao gồm Nhật Bản, Triều Tiên, và Việt Nam)(1). Nay xin tập trung giới thiệu phác thảo quá trình truyền nhập và lưu hành bộ tiểu thuyết truyền kỳ Trung Quốc này ở Việt Nam cho đến thế kỷ 18.
Tiễn đăng tân thoại vào Việt Nam
Cũng như ở Triều Tiên và Nhật Bản, Tiễn đăng tân thoại du nhập vào Việt Nam và có ảnh hưởng sâu đậm đến sự phát triển của dòng văn học truyền kỳ ở nước ta.
Để truy tầm thời điểm Tiễn đăng tân thoại đến với Việt Nam, các học giả thường quay về với các ký lục lịch sử. Một đoạn viết trong tập 6 sách Thù vực chu tư lục (phần An Nam) của Nghiêm Tòng Giản ít nhiều giải đáp cho vấn đề này. Tác giả phân các sách Trung Quốc du nhập vào Việt Nam thành ba loại:
1. Nho thư.
2. Thiên văn, địa lý, lịch pháp, tướng thư.
3. Phật kinh, tạp truyện.
Danh mục Nho thư được chép như sau:
Các sách Nho học gồm có Thiếu Vi sử, Tư trị thông giám sử, Đông lai sử, Ngũ kinh Tứ thư, Hồ Thị Tả truyện, Tính lý, Thị tộc, Vận phủ, Ngọc thiên, Hàn Mặc loại tụ, Hàn Liễu tập, Thi học đại thành, Đường thư, Hán thư, Cổ văn tứ trường tứ đạo, Nguyên lưu cổ xúy, Tăng vận Quảng vận, Hồng Vũ chính vận, Tam Quốc chí, Võ kinh, Hoàng Thạch Công An thư, Vũ Hầu tương Uyển bách truyện, Văn tuyển, Văn túy, Văn hiến, Nhị sử cương mục, Chính quan chính yếu, Tất dụng thanh, Tiền Trung Châu vạn tuyển Thái Công gia giáo, Minh tâm bảo giám, Tiễn đăng tân thoại, Dư thoại(2).
Dựa vào đấy, các học giả đoán định rằng Tiễn đăng tân thoại đã được du nhập vào Việt Nam khoảng cuối thế kỷ XV - đầu thế kỷ XVI(3).
Gần đây, Từ Sóc Phương và Suzuki Yoichi đã đưa thêm một giả định khác về sự truyền nhập của Tiễn đăng tân thoại vào Việt Nam. Theo hai tác giả này: “Dưới thời Vĩnh Lạc, Thái sư Anh quốc công Trương Phụ bốn lần hoặc được cử làm thống soái, hoặc Phó thống soái trong các chiến dịch chống phá An Nam. Vài năm sau, Trương Phụ trở thành ân nhân của tác giả Tiễn đăng tân thoại. Đấy là vào năm thứ nhất niên hiệu Hồng Hy (1425), chưa đầy mười năm sau lần cuối cùng Trương Phụ nhận lệnh dẫn binh viễn chinh. Trương Phụ dâng tấu, xin cho Cù Hựu được rời biên tái, về lại Kinh sư. Sau đấy, Cù Hựu lưu lại nhà của Trương Phụ trong ba năm để dạy cho con của Trương Phụ. Về sau, Trương Phụ còn dùng “gia hạm” đưa Cù Hựu về lại quê nhà. Khi dẫn binh viễn chinh, Trương Phụ có thể đã yêu thích Cù Hựu và tác phẩm Tiễn đăng tân thoại của ông. Do các cuộc xâm lược của nhà Minh và mối quan hệ giữa Trương Phụ [với Cù Hựu và tác phẩm của ông], Tiễn đăng tân thoại đã được lưu hành ở An Nam vào thời ấy. Khả năng này tất phải tính đến”(4).
Giả thuyết của Từ Sóc Phương và Suzuki Yoichi về thời điểm Tiễn đăng tân thoại truyền nhập vào Việt Nam cụ thể hơn giả định đã có trước đấy. Việc du nhập tác phẩm của Cù Hựu vào Việt Nam được “đóng khung” trong các cuộc xâm lược của nhà Minh. Quan hệ giữa Trương Phụ và Cù Hựu là một yếu tố quan trọng, nhưng nên chăng cần xem xét thời điểm này trong một bối cảnh lịch sử rộng hơn. Về mặt cá nhân, Trương Phụ có thể đã yêu thích Tiễn đăng tân thoại, và đã mang tập sách này vào nước ta trong các đợt viễn chinh xâm lược. Tuy nhiên, việc truyền bá tập sách này ắt phải liên quan đến chính sách văn hóa của nhà Minh ở Việt Nam: trước hết, hủy diệt văn hóa bản địa; và thứ đến là truyền bá văn hóa Hoa Hạ như một sự thay thế cho cái bị hủy diệt.
Trong bộ Việt kiệu thư, Lý Văn Phượng ghi lại một sắc lệnh đề ngày thứ tư, tháng bảy nhuận, năm thứ tư niên hiệu Vĩnh Lạc (1406). Sắc lệnh được gửi đến Chu Năng và đồng bọn, chỉ dạy mười kế sách cần làm. Sau đây là một trong mười điều khoản ấy, “Khi quân vào An Nam, ngoại trừ các văn bản Phật giáo và Đạo giáo vốn không được hủy hoại, các bản sách, từ văn tự cho đến các loại sách lễ tục, khai tâm cho trẻ kiểu như Thượng đại nhân Khâu ất kỷ, nhất thiết phải được tận hủy. Trong nước ấy, hễ gặp những bi ký do Trung Quốc lập tự ngàn xưa thì phải bảo tồn. Nhưng nếu là bi ký do An Nam tạo lập thì phải phá hủy, ngay đến manh giấy, một chữ cũng không được để sót”(5).
Tuy vậy, nhà Minh vẫn tiếp tục sưu tập các sách và tư liệu của người Việt để mang về Trung Quốc: Mà thu, tháng 7 năm Mậu Tuất (1418), nhà Minh sai sứ là Hạ Thanh, Tiến sĩ Hạ Thời sang lấy các sách ghi chép cổ kim sự tích của nước ta”(6). Mặt khác, nhà Minh lại đưa sách Hán vào Việt Nam. Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Mùa xuân, tháng hai năm Kỷ Hợi (1419), nhà Minh sai Giám sinh Đường Nghĩa mang các sách Ngũ kinh, Tứ thư, Tính lý đại toàn, Vi thiện âm chất, Hiếu kinh sự thực v.v. Sang các trường Nho học thuộc phủ, châu, huyện ở nước ta”(7).
Các điều vừa nêu cho phép phỏng đoán rằng Tiễn đăng tân thoại đã được đưa vào Việt Nam sau khi nhà Minh thiết định thành công ách thống trị trên đất nước ta. Việc Tiễn đăng tân thoại được xếp chung với kinh điển Nho giáo cũng là bằng cứ cho thấy sách đã vào Việt Nam trước khi nó bị cấm ở Trung Quốc vào năm 1442.
Phần nào dựa vào Tiễn đăng tân thoại của Cù Hựu, Nguyễn Dữ (thế kỷ XVI), đã viết nên Truyền kỳ mạn lục. Ngay ở tựa đề bộ sách này, truyền kỳ với tư cách là một thể loại văn học, đã xuất hiện lần đầu tiên trong lịch sử văn học Việt Nam. Có thể nói rằng truyền thống truyền kỳ Việt Nam đã được chính thức xác lập qua sự xuất hiện của Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ.
Tiễn đăng tân thoại hẳn đã được lưu hành khá rộng rãi ở Việt Nam vào nửa cuối thế kỷ XV, chính vì vậy, đã ảnh hưởng sâu đậm đến Nguyễn Dữ. Việc tác giả mô phỏng một số truyện trong Tiễn đăng tân thoại cho thấy tập sách của Cù Hựu đã được lưu truyền trong một số trí thức thời ấy, và tạo được một sự hâm mộ nhất định. Nhà nho Việt Nam Hà Thiện Hán còn được đọc Tiễn đăng tân thoại và so sánh tập sách này với bộ truyền kỳ của Nguyễn Dữ khi viết tựa cho Truyền kỳ mạn lục vào một ngày lành, tháng bảy, mùa thu năm đầu niên hiệu Vĩnh Định (1546). Bài tựa của Hà Thiện Hán viết, “Xem văn từ [của Truyền kỳ mạn lục] thấy không thoát khỏi phên dậu của Tông Cát”(8).
Tiễn đăng tân thoại trong Thiên hạ dị kỷ
Tuy thế, chỉ vài thế kỷ sau, không biết vì nguyên do gì, việc tìm đọc Tiễn đăng tân thoại ở Việt Nam dường như đã trở nên khá khó khăn. Khi nhắc đến nguồn tư liệu ảnh hưởng sâu đậm đến Truyền kỳ mạn lục, học giả Lê Quý Đôn (1726 - 1784) đã chỉ ra rằng tác phẩm của Nguyễn Dữ chịu ảnh hưởng của tập Tiễn đăng lục của một nhà nho thời Nguyên (Nguyên nho). Ở bản in năm 1763 Tân biên Truyền kỳ mạn lục, có một chú thích dài trong truyện Long Đình đối tụng lục. Chú thích này hầu như sao chép lại toàn văn truyện Thủy Cung khánh hội lục của Tiễn đăng tân thoại. Thật đáng ngạc nhiên là khi nhắc đến nguồn gốc của truyện này, Tân biên truyền kỳ mạn lục tăng bổ giải âm tập chú (gọi tắt là Tập chú) mách với người đọc rằng đấy là “Quảng Lợi hải thần truyện” trong sách Thiên hạ dị kỷ.
Thiên hạ dị kỷ là sách gì ? Khảo sát thư tịch Trung Quốc (Tứ Khố đồ thư tập thành) không đem lại một kết quả gì khả dĩ bổ cứu về lai lịch của bộ sách này. Tuy nhiên, những chú thích trong Tập chú lại ít nhiều giúp ta hiểu thêm Thiên hạ dị kỷ. Tập chú dùng Thiên hạ dị kỷ để chú thích một số điển cố. Thông qua điều tra sơ bộ, có thể nhận ra ngay rằng Thiên hạ dị kỷ sưu tập văn liệu và sắp xếp lại theo chủ đề, ví như dưới đề mục chung Quảng Lợi hải thần truyện, không chỉ có chuyện Thủy Cung khánh hội lục của Cù Hựu, mà còn có cả thích giải về cõi trời Đâu Suất thiên (Tusita); ở đề mục Thính kinh viên truyện (chuyện vượn nghe kinh), có chuyện Vương Tân đời Đường đọc sách ở Tung Sơn, mà Sào Nam, Lâm Đại Tiết, Tôn Văn úy, và Thạch Kê (vốn đều là vượn) đến nghe, lại có chuyện Viên Tú Tài cũng là vượn hóa thân đến nghe kinh ở chùa Long Tế; ở mục Lệnh ngôn truyện (chuyện giỏi biện luận), có kể tích Phong Đẩu (Trắc?) hội kiến Thượng Nguyên phu nhân, người thống lĩnh mười vạn ngọc nữ, ở thâm sơn; chuyện Lam Thái Hòa, một trong Bát tiên, được xếp vào Tiên loại (Loại mục thần tiên), và chuyện Hồng Tiêu (tức Côn Luân nô) thuộc về Kỹ truyện (chuyện các kỹ nữ). Các chuyện Thẩm A Chi đời Chu thương khóc viết bài minh cho công chúa Lộng Ngọc, chuyện Hằng Nga - Hậu Nghệ, cũng thấy chép trong Thiên hạ dị kỷ(9). Hiện chưa rõ ai là người biên soạn bộ Thiên hạ dị kỷ, nhưng có phần chắc rằng bộ sách này thu thập thần thoại, truyền thuyết, và chuyện truyền kỳ Trung Hoa, xếp đặt theo môn loại, và được dùng như một loại sách công cụ giải điển, lưu hành khá rộng rãi ở nước ta khoảng thế kỷ XVIII (hoặc sớm hơn đôi chút).
Các điều kiện nêu trên cho thấy rằng đến giữa thế kỷ XVIII, nhận thức về mối liên hệ giữa các truyện trong Tiễn đăng tân thoạii và trong Truyền kỳ mạn lục vẫn chưa hề bị quên lãng hoàn toàn. Tuy nhiên, có lẽ do các truyện của Cù Hựu được đưa vào nhiều tập sách khác nhau, nguyên gốc của chúng dường như đã trở nên mơ hồ.
Vì sao Tiễn đăng tân thoại thất truyền ở Việt Nam ?
Việc lưu truyền Tiễn đăng tân thoại ở Việt Nam cũng tương tự như trường hợp những tiểu thuyết Trung Quốc khác. Trí thức Việt Nam yêu thích tiểu thuyết Trung Quốc và cải biên những tác phẩm này, biến chúng thành một bộ phận trong nền văn học của mình. Dựa vào Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, thi hào Nguyễn Du (1766-1820) viết Đoạn trường tân thanh. Tiểu thuyết bị cấm ở Trung Hoa Kim Thạch duyên được Bùi Hữu Nghĩa (1807-1872) cải biên thành tuồng Kim Thạch kỳ duyên. Thế nhưng với tư cách là nguyên gốc của một số tác phẩm văn học Việt Nam, phần lớn các tiểu thuyết Trung Quốc đã bị lãng quên sau khi được người Việt cải biên. Bản chép tay Kim Vân Kiều truyện hiện còn lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm đã từng bị lầm tưởng là một tác phẩm của người Việt, viết lại vào thế kỷ XIX, nhưng chẳng bao lâu sau khi công bố, dường như không còn mấy người biết đến nguyên gốc của nó(11). Để hiểu được những hạn chế trong việc lưu truyền tiểu thuyết Trung Quốc (bao gồm cả Tiễn đăng tân thoại) chí ít cần chú ý đến hai nhân tố cơ bản.
Trước tiên là rào cản ngôn ngữ. Dù rằng văn ngôn đã được sử dụng ở Việt Nam trong một thời gian dài như ngôn ngữ quan phương trong công văn, báo cáo, chỉ có trí thức Việt Nam mới có khả năng viết và đọc nó. Học giả Trần Văn Giáp nêu một “nghịch cảnh” trong việc đọc tiểu thuyết Hán văn mà độc giả Việt Nam đã từng kinh lịch: “Các cụ ta xưa còn đi học chữ Hán thì xem ngay sách Tàu. Nhưng tuy vậy, tiểu thuyết Tàu đối với ta xưa chưa lấy làm thịnh: bọn dân gian thì ít người xem nổi, phải đi học thì không được xem”(12). Lý do vì sao không được xem sẽ bàn tiếp ở phần kế tiếp, tạm không nói ở đây. Dù rằng ưu thích tiểu thuyết Trung Quốc, trí thức Việt Nam chỉ có một con đường duy nhất để phổ cập hóa chúng. Đó là cải biên, biến chúng thành những truyện thơ Nôm. Nhờ truyện Nôm mà tiểu thuyết Trung Quốc trở nên phổ biến ở Việt Nam(13).
Sau khi chữ Nôm và chữ Hán được thay thế hoàn toàn bở chữ Quốc ngữ vào đầu thế kỷ này, cải biên cũng được thay thế bằng phiên dịch. Trong bài nguyên cứu về ảnh hưởng của tiểu thuyết Trung Quốc đối với văn học Việt Nam, học giả Trung quốc Yan Bao (Nhan Bảo) có cung cấp cho người đọc một danh sách gồm 316 tiểu thuyết Trung Hoa đã được dịch ra Việt ngữ(14). Khi một bộ tiểu thuyết Trung Quốc đã có được bản Việt dịch, người Việt Nam sẽ nhanh chóng quên đi nguyên gốc của nó. Có thể nêu Đoạn trường tân thanh và Kim Thạch kỳ duyên như hai minh họa cho trường hợp này. Tiễn đăng tân thoại được du nhập vào Việt Nam, nhưng nó chỉ được lưu hành hạn hẹp trong một số trí thức Việt Nam thời ấy. Tuy có cải biên một số truyện của Tiễn đăng tân thoại, Nguyễn Dư vẫn viết Truyền kỳ mạn lục bằng văn ngôn. Cũng như Tiễn đăng tân thoại, tập truyện của ông đầy rẫy điển cố. Văn ngôn và điển cố có thể là hai nguyên nhân chính dẫn đến sự ra đời của bản chú giải và đối dịch Tân biên truyền kỳ mạn lục tăng bổ giải âm tập chú. Thay vì chú giải Tiễn đăng tân thoại của Cù Hựu như người Triều Tiên đã làm, người Việt chọn Truyền kỳ mạn lục, một tập truyện truyền kỳ với người và đất quen thuộc với họ, để diễn giải và phiên dịch. Sau khi khai sinh cho truyền thống văn học truyền kỳ Việt Nam, cũng tựa như những tiểu thuyết Trung Quốc khác, Tiễn đăng tân thoại bị lãng quên ở Việt Nam, có lẽ ít nhiều cũng do rào cản ngôn ngữ và điển cố của bản thân tác phẩm.
Thứ đến, dù yêu thích tiểu thuyết Trung Quốc, cũng như các học giả Trung Hoa, trí thức Việt Nam không đánh giá cao tiểu thuyết. ở chương bàn về sách vở du nhập từ Trung Hoa (“Thư tịch”) trong Vân đài loại ngữ, Lê Quý Đôn có nhắc đến và đánh giá cao một số sách Trung Quốc, “Ngũ kinh, Luật ngữ, Mạnh Tử quả như nhật, nguyệt; sử truyện bách gia sách với sao trời.”(15) Thủy Hử truyện và Tam Quốc diễn nghĩa là hai bộ tiểu thuyết Trung Quốc duy nhất được nhắc đến trong phần này, nhưng lại bị Lê Quý Đôn nghiêm khắc phê phán. Đồng ý với Ủy hạng tùng đàm, Lê Quý Đôn xem Thủy Hử truyện là một bộ sách làm băng hoại tâm thuật con người (hoại nhân tâm thuật). Tam Quốc diễn nghĩa bị đánh giá như một loại sách đặt điều, vô căn (Niết tạo không thuyết), không thực (vô chân kiến). Cùng san sẻ quan điểm với Lê Quý Đôn, các nhà nho Việt Nam chính thống không mấy chú ý đến việc bảo tồn tiểu thuyết. Thúc Ngọc Trần Văn Giáp có viết đại lược về ảnh hưởng của tiểu thuyết Trung Hoa đối với Việt Nam như sau:
“Các cụ ta xưa chuyên theo Khổng học, rồi sau chuyển sang lối khoa cử; khi đi học, ngoại Tứ thư, Ngũ kinh, Sử ký ra, các sách khác cho là ngoại thư, cấm không được xem. Mà các cụ ngày xưa đã cấm thì học trò thế nào cũng phải tuân theo đúng mẫu mực, tự mình cũng cho là sách nhảm, rặt là những chuyện tà thuyết, bạo hạn có hại đến luân thường đạo lý. Trừ một ít người gia giáo kém nghiêm, học thuật lỗ mãng thì mới dám xem”(16).
Các nhà nho Việt Nam xưa không đặt chân vào cương giới của tiểu thuyết vì bị cấm, tự cấm, và cấm chỉ nghiêm ngặt lớp hậu sinh không được để mắt đến “ngoại thư.” Cho đến những thập niên đầu thế kỷ 20, cái “hại” của tiểu thuyết Trung Hoa tiếp tục được thực dân Pháp rao truyền, xem đó là đầu mối bất an cho xã hội. Sau vụ Phan Xích Long(17), chưởng lý Michel kết luận:
“Những việc dị đoan huyễn hoặc vô lý như thế, mà chúng nó làm được cho dân ngu, mê tin tưởng thiệt, chỉ do bởi xứ Nam Kỳ có nhiều tiểu thuyết Tàu, dịch ra Quốc ngữ v.v.”18
Lời “luận tội” này được một số người, như Lê Thành Lân, tin theo và bàn thêm: “Nói tóm lại, vạn ác cũng đều bởi tiểu thuyết Tàu mà tạo nhơn cả.”(19)
Không đánh giá cao, thậm chí giới cấm tiểu thuyết, xem đó là nguyên nhân biến loạn xã hội - quan điểm này đã tồn tại ở ta qua nhiều thế kỷ. Đây cũng là một nguyên nhân bổ sung, giải thích vì sao người Việt nhanh chóng lãng quên Tiễn đăng tân thoại.
CHÚ THÍCH
1. Ở đây chỉ giới thiệu một số công trình nghiên cứu tiêu biểu công bố bằng tiếng Việt (xếp theo trình tự thời gian): Trần Nghĩa, “Thử so sánh Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ với Tiễn đăng tân thoại”, Tạp Chí Hán Nôm, 1(2), 1987; Phạm Tú Châu, “Về mối quan hệ giữa Tiễn đăng tân thoại và Truyền kỳ mạn lục” Tạp chí văn học, 3.1987; Phạm Tú Châu, “Truyền kỳ chữ Hán ở Hàn Quốc và Việt Nam”, Tạp chí văn học, 10.1995; Nguyễn Thị Oanh, “Ca tỳ tử (Otogiboco) và Vũ nguyệt vật ngữ (Ugetsumonogatari) với Truyền kỳ mạn lục", Tạp chí Hán Nôm, số 4.1995; Jean Hyae Kyeong, “So sánh thể loại tiểu thuyết truyền kỳ của Hàn Quốc, Trung Quốc, và Việt Nam (qua ba tác phẩm Kim Ngao tân thoại, Tiễn đăng tân thoại, và Truyền kỳ mạn lục)”, Tạp chí văn học, 5.1995; Kawamoto Kurive, “Những vấn đề khác nhau liên quan đến Truyền kỳ mạn lục (Lịch sử sáng tác, xuất bản, và nghiên cứu theo cái nhìn văn học so sánh)”, Tạp chí văn học, 6.1996. Một thư mục tương đối đầy đủ các công trình viết bằng tiếng nước ngoài liên quan đến Tiễn đăng tân thoại và văn học truyền kỳ ở Đông Á có thể xem ở Trần ích Nguyên, Tiễn đăng tân thoại dữ Truyền kỳ mạn lục chi tỉ giảo nghiên cứu, Học sinh thư cục, Đài Bắc, 1990.
2. Xem Nghiêm Tòng Giản, Thù vực chu tư lục, quyển 6, An Nam. Cũng xem Trung Quốc xã hội khoa học viện Lịch sử Nghiên cứu sở, “Cổ đại Trung Việt quan hệ sử tư liệu nghiên cứu tuyển biên” Biên tập tổ, Cổ đại Trung Việt quan hệ sử tư liệu tuyển biên, Trung Quốc Xã hội khoa học xuất bản xã, 1982, tr.448.
3. Do Thù vực chu tư lục được biên soạn vào khoảng 1547, một số nhà nghiên cứu ngờ rằng Tiễn đăng tân thoại ắt đã phải được đưa vào Việt Nam trong khoảng thời gian này. Xem Việt Nam Hán văn tiểu thuyết tùng san, Truyền kỳ loại, đệ nhất sách, Truyền kỳ mạn lục, Pháp Quốc Viễn Đông học viện xuất bản, Đài Loan Học sinh thư cục ấn hành, 1987, tr.4.
4. Từ Sóc Phương và Suzuki Yoichi, “Cù Hựu đích Tiễn đăng tân thoại cập kỳ tại cận lân Hàn, Việt hòa Nhật Bản đích hồi hưởng”, Trung Quốc văn hóa, 12. 1995, tr.152.
5. Xem Lý Văn Phượng, Việt kiệu thư, bản chép tay, Thư viện Harvard-Yenching, số ký hiệu 2492.54/4407(1-6), quyển 2, tr.17a.
6. Xem Đại Việt sử ký toàn thư, Bản kỷ thực lục, quyển 1, “Lê kỷ”. Theo Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, “Văn tịch chí”, nhà Minh đã mang các sách sau đây về Trung Quốc: Lý Thái Tông, Hình thư; Trần Thái Tông, Quốc triều thông lễ, Hình luật , Thường lễ, Khóa hư tập, Ngự thi, Di hậu lục, Cơ cừu lục, Thi tập; Trần Nhân Tông, Trung hưng thực lục; Trần Anh Tông, Thủy vân tùy bút; Trần Minh Tông, Thi tập; Trần Dụ Tông, Trần triều đại điển; Trần Nghệ Tông, Bảo Hòa điện dư bút, Thi tập; Trần Hưng Đạo, Binh gia yếu lược, Vạn Kiếp bí truyền; Chu Văn Trinh, Tứ thư thuyết ước, Tiều ẩn thi; Trần Quốc Toại, Sâm Lâu tập; Trần Quang Khải, Lạc đạo tập; Trần Nguyên Đán, Băng Hồ Ngọc hác tập; Nguyễn Trung Ngạn, Giới Hiên thi tập; Phạm Sư Mạnh, Hiệp Thạch tập; Trần Quang Triều, Cúc Đường di thảo; Hồ Tông Thốc, Thảo nhàn hiệu tần tập, Việt Nam thế chí, Việt sử cương mục; Lê Văn Hưu, Đại Việt sử ký; Nguyễn Phi Khanh, Nhị Khê thi tập; Hàn Thuyên, Phi Sa tập; Lý Tế Xuyên, Việt điện u linh tập. Cũng xem Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, Tân Việt, Sài Gòn, 1964, tr.200 - 201.
7. Xem Đại Việt sử ký toàn thư, Bản kỷ thực lục, quyển 1, “Lê kỷ”.
8. Việt Nam Hán văn tiểu thuyết tùng san - Truyền kỳ loại - Đệ nhất sách - Truyền kỳ mạn lục, sđd, tr.23.
9. Việt Nam Hán văn tiểu thuyết tùng san - Truyền kỳ loại - Đệ nhất sách - Truyền kỳ mạn lục, sđd, tr.135 (chú 170), 148-150 (chú 31), 173 (chú 30), 182 (chú 99), 183 - 184 (chú 104), 228 (chú 100), 280 - 281 (chú 11), 340 (chú 42), 348 (chú 89), và 461 (chú 76).
10. Xem Nguyễn Đình Diệm (dịch), Kim Vân Kiều - Thanh Tâm Tài Tử, hai tập, Nha Văn hóa, Phủ Quốc Vụ khanh đặc trách văn hóa, Sàigòn, 1971, tập 1, tr.5.
11. Xem Bùi Quang Nghĩa, L’Union Merveilleuse de Kim et Thach, Merveilleuse en Chu Nom precede d’une introduction - Transcription en quoc ngu et traduction en francais avec une introduction et des commentaries par P.Midan, Extrait du Bulletin de la Societe des Etudes Indochinoses, Tome IX, no. 1-2, Saigon, 1934.
Trong lời giới thiệu, P.Midan viết rằng, “Chủ đề được vay mượn từ Trung Quốc, từ một tác phẩm dã sử mà tác giả không cho biết tên. Người ta không rõ đâu là nguyên gốc. Phần lớn những tác phẩm văn chương cổ Trung Hoa thường là khuyết danh” (tr.224).
Các học giả Việt Nam đã lãng quên nguyên gốc của Kim Thạch kỳ duyên trong một thời gian dài. Thập niên 90 là lúc liên hệ giữa Kim Thạch duyên và Kim Thạch kỳ duyên được các học giả Việt Nam tái lập.
12. Trần Văn Giáp, “Lược khảo tiểu thuyết Tàu”, Thanh Nghị, 11 (4/1942), tr.14.
13. Trong luận văn Tiến sĩ mang tựa đề Việt Nam Nôm truyện dữ Trung Quốc tiểu thuyết chi nghiên cứu - Thượng, hạ, Taiwan National University, 1973, Trần Quang Huy đã chỉ ra những quan hệ giữa một số tiểu thuyết Trung Quốc và truyện Nôm Việt Nam, ví như: Chiêu Quân cố sự - Vương Tường truyện, (Tôn Các truyện) - Lâm tuyền kỳ ngộ truyện, Hoa tiên ký- Hoa tiên truyện, Tùy Đường diễn nghĩa - Quân trung đối truyện, Nữ Tú tài di hoa tiếp mộc - Nữ Tú tài truyện, Thôi Tuấn Thần khảo hội phù dung bình - Phù dung tân truyện, Trung hiếu tiết nghĩa Nhị độ mai - Nhị độ mai truyện, Ngọc Kiều Lê truyện - Ngọc Kiều Lê tân truyện, Tây du ký - Tây du truyện, Quan âm xuất thân Nam du ký truyện - Phật Bà Quan âm truyện, Long Đồ bảo quyển - Phương Hoa truyện.
14. Yan Bao, “The Influence of Chinese Fiction on Vietnamese Literature” (ảnh hưởng của tiểu thuyết Trung Quốc đối với Văn học Việt Nam), Literary Migrations - Traditional Chinese Fiction in Asia (17-20 Centuries) (Truyền nhập văn học-Tiểu thuyết truyền thống Trung Quốc ở Châu á (từ thế kỷ XVII-XX), Claudine Salmon biên tập, International Culture Publishing Corporation, Beijing 1987, tr.286-312. Có thể xem thêm giản bản của sách này qua bản dịch Hoa văn Trung Quốc truyền thống tiểu thuyết tại Á Châu, Bắc Kinh Đại học tỷ giảo nghiên cứu tùng thư), Quốc tế văn hóa xuất bản công ty, Bắc Kinh, 1989, tr.208-236.
15. Lê Quý Đôn, Vân đài loại ngữ, Quyển nhất, “Mục lục dẫn,” Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa, Saigon, 1972, tr.6b.
16. Trần Văn Giáp, “Lược khảo tiểu thuyết Tàu,” bđd, tr.14.
17. “Phan Xích Long, tức Phan Phát Sanh, nhận là dòng dõi “nhà trời” xuống làm vua nước Nam, tự xưng là “Phan Xích Long hoàng đế,” lập căn cứ ở núi Thất Sơn (Châu Đốc), hô hào đánh Pháp, bị bắt ở Phan Thiết, tháng 3-1913.” Lịch sử Việt Nam , Tập II, Nxb. KHXH, Hà Nội 1985, tr.139, chú 2.
18. Lê Thành Lân, “Chỉ hại về truyện Tàu,” Lục Tỉnh tân văn, 23 Mars 1916.
19. Trong bài Chỉ hại về truyện Tàu, Lê Thành Lân viết: “Như đọc Lương Sơn bạc thì nghĩ mình là Hoa Hòa thượng, là Hắc Toàn Phong; coi Hoa nguyệt ngân lại tưởng mình như Hàn Hà Sanh, Vi Si Châu (...) Trông người lại ngẫm đến ta, như tiểu thuyết Tàu, quanh đi quẩn lại, chỉ trong một cái quyền sáo nhứt trị nhứt loạn mà thôi. Anh hùng như Thủy hử, phong tình đến Hồng lâu, chẳng qua chỉ mở thói dâm bôn, dục lòng trộm cướp, chớ chẳng có cuốn nào mà gọi được là khai dân trí cả. Huống chi lại còn như Tây du, Phong thần, Chinh đông, Chinh tây, Bình nam, Tảo bắc, Đông Hán, Tây Hán, Thuyết Nhạc, Phản Đường, v.v. Thuần là những phép tiên, phép yêu, hoang đàng quá lẽ, làm cho thiên hạ chỉ chắc về thần quyền, không còn nghĩ gì đến nhơn lực. ấy nước Tàu mà cựa mình không nổi, cất đầu chẳng lên, tuy có nhiều cái tệ, mà tiểu thuyết cũng là một cái độc lớn.// Người Nam ta, hay có tánh chuộng lạ, tưởng đó là đồ tiêu khiển, là thú giải phiền, thành thế cái giống độc của Tàu, mới truyền nhiễm vào những não tủy nhi đồng phụ nhụ, trong dân đoàn xã hội một nước Việt Nam ta, khá chẳng nên thương hại lắm”. (bđd)
Nguồn: Tạp chí Hán Nôm số 4(45) năm 2000